Tạp chí Sông Hương - Số 272 (tháng 10)
Đau đáu tấc lòng trước nền văn học dài trên bảy trăm năm
14:45 | 17/10/2011
(Lược thuật Hội thảo “Giá trị văn học Thừa Thiên Huế - những định hướng bảo tồn)
Đau đáu tấc lòng trước nền văn học dài trên bảy trăm năm
Nhà thơ Nguyễn Khoa Điềm phát biểu tại Hội thảo
[if gte mso 9]> Normal 0 false false false MicrosoftInternetExplorer4

Huế của ngày 17.9.2011 trời nắng đẹp, vàng tươi và ấm mát. Hình như lâu lắm rồi Huế mới có những ngày thu sang đúng nghĩa. Nhưng cái ý nghĩa nhất của vùng đất này trong cái ngày hôm ấy, không phải là từ cái nền nã của thiên nhiên, không phải là từ niềm vui của ai nào đó được tổ chức đón nhận, mà từ sự lặng lẽ của các nhà văn, nhà thơ, nhà nghiên cứu Huế. Vì sao vậy? Vì họ cùng về với nhau ở 26 Lê Lợi - Huế để bàn luận một câu chuyện: “Giá trị văn học Thừa Thiên Huế - những định hướng bảo tồn”. Mục tiêu của câu chuyện là đánh giá các giá trị văn học Huế suốt chiều dài trên 700 năm, để từ đó có những khởi động bước đầu để kiến nghị xây dựng bảo tàng văn học. Nói như nhà thơ Nguyễn Khoa Điềm, đây là vấn đề rất lớn, lần đầu tiên được thực hiện, bởi lâu nay chưa ai nghĩ nhiều về văn học Thừa Thiên Huế.

Phải nói là từ xưa đến nay đã có rất nhiều công trình nghiên cứu về văn học xứ Huế, nhưng để có cái nhìn tổng thể xuyên suốt hơn bảy trăm năm, kể từ khi Huyền Trân Công Chúa bước chân xuống thuyền “đền nợ Ô Ly” (1306) cho đến nay: Thuận Hóa - Phú Xuân - Huế, thì chưa hề có một công trình nào chuyển tải cho thật đầy đủ. Vì vậy việc đánh giá các giá trị của nền văn học xứ Huế, từ đó làm cơ sở cho định hướng bảo tồn các giá trị đó vẫn luôn đau đáu trong mỗi nhà văn Huế. Và bây giờ, hội thảo này được thực hiện, 11 tham luận đã gửi đến, với hai mảng đề tài gắn kết: giá trị của văn học Huế và giải pháp xây dựng bảo tàng văn học Huế.

Một số tham luận đã đề cập đến các giá trị của nền văn học Thừa Thiên Huế một cách toàn diện và sâu sắc. Nhà thơ Nguyễn Khoa Điềm với tham luận “Bước đầu tìm hiểu văn học Thừa Thiên Huế” (xem bài ở Sông Hương số 271, tháng 9.2011) đã đưa ra một nhận định rất quan trọng: Thừa Thiên Huế là một trong ba trung tâm văn hóa và văn học của cả nước, cùng với Hà Nội và TP Hồ Chí Minh. Nhà thơ Hồ Đăng Thanh Ngọc trong tham luận “Những nét nổi bật của văn học Thừa Thiên Huế” đã nhận xét: Nền văn học Thừa Thiên Huế có hai đặc tính quan trọng bao trùm: tính bác học và tính tiên phong. Tham luận đồng thời chỉ ra 9 đặc điểm nổi bật của nền văn học: 1. Vùng đất Thuận Hóa có nền văn học viết với khởi điểm đầy chất bác học; 2. Phú Xuân một thời là trung tâm văn học chữ Nôm của Việt Nam; 3. Phú Xuân thời Nguyễn là trung tâm văn học với sự tập trung nhân tài cả nước và nổi bật với sắc thái văn học hoàng tộc; 4. Cùng với dòng chảy lịch sử, nền văn học Huế có sự đóng góp của các nhà yêu nước, các nhà cách mạng lỗi lạc (Hồ Chí Minh, Phan Bội Châu, Phan Chu Trinh, Huỳnh Thúc Kháng, Tố Hữu); 5. Huế là nơi đặt nền tảng cho lý luận văn học cách mạng; 6. Huế là nơi khởi phát nhiều trào lưu sáng tác mới và có những tác phẩm đỉnh cao: nơi Nguyễn Du viết Truyện Kiều; Thơ mới, thơ siêu thực phát triển...; 7. Huế là nơi xuất phát của văn học đấu tranh đô thị miền Nam; 8. Đặc biệt, các nhà văn nữ phá bỏ rào cản để viết nên những trang viết giải phóng sự ràng buộc tư tưởng; 9. Trong thời kỳ đổi mới, Huế là địa phương có nền văn học luôn đi đầu trong việc ủng hộ những khuynh hướng sáng tạo mới. Nhà nghiên cứu Lê Nguyễn Lưu với tham luận “Thành tựu của thời kỳ văn học cổ điển ở Thừa Thiên Huế” đã đi sâu nghiên cứu các giai đoạn phát triển của văn học Thuận Hóa - Phú Xuân, từ 1306 đến 1919 là năm nhà nước bảo hộ Pháp bãi bỏ khoa cử ở miền Trung. Đây là một công trình nghiên cứu công phu và cung cấp nhiều tư liệu có giá trị. Nhà nghiên cứu Trần Đại Vinh với tham luận “Văn học Thừa Thiên Huế, giá trị và di sản vật chất” cũng chỉ ra những nét tiêu biểu của văn học Thừa Thiên Huế đồng thời đưa ra một số đề nghị mới cho việc sưu tầm hiện vật liên quan đến nền văn học. Về các giá trị nổi bật, có một số ý kiến bổ sung: Huế có nền văn học Tuồng phong phú nhất; Huế là vùng đất có dòng văn học Thiền phát triển; Huế là nơi có nền văn học dịch nổi tiếng với các dịch giả Bửu Kế, Ưng Quả, Bửu Ý; Huế có những tác giả nổi tiếng ở nước ngoài.

Các tham luận khác tập trung cho vấn đề mà giới văn nghệ sỹ đau đáu: Bảo tàng cho văn học Huế. Về lý do bức thiết của việc phải có bảo tàng văn học Huế, Phó Giáo sư - tiến sỹ Hồ Thế Hà trong tham luận “Ý kiến nhỏ về một dự án lớn” đã đặt vấn đề: “Trước hết, cần khẳng định rằng đây là ý tưởng và động thái mang tâm thức văn hóa, thể hiện tinh thần mỹ học nhân văn cao cả của văn nghệ sĩ Thừa Thiên Huế, phù hợp với ước vọng của Đảng và Nhân dân... Danh sách văn nghệ sĩ Huế tiêu biểu cho tất cả các loại hình nghệ thuật từ trước đến nay, không phải hàng trăm mà là hàng ngàn... Nhưng có một sự thật là những giá trị nghệ thuật mà họ lưu lại bằng mọi phương tiện và mọi chất liệu đặc thù cho đến ngày nay, rõ ràng là mọi người khó có thể biết và hình dung nổi. Bởi vì, chúng hiện hữu và tản mát ở mọi nơi, mọi miền; chúng trở thành sở hữu của cá nhân và tập thể, chưa kể, có những tác phẩm bị đánh cắp, bị tổn thất do thiên tai, do chiến tranh, do con người hờ hững đánh rơi… Từ những thực tế và hiện trạng như trên, đã đến lúc con người hiện đại cần phải biết hoảng hốt và xa xót, cần phải biết nhận lỗi và tự thú. Và đã đến lúc cần đến tinh thần dân chủ và ý thức tự giác của con người để mọi thành quả và giá trị nghệ thuật Huế không bị mai một và lãng phí”. Nhà văn Nguyễn Khắc Phê không giấu nổi bức xúc trong tham luận “Một công trình không chỉ có ý nghĩa với Huế”. Những câu hỏi, những đối sánh của nhà văn trước các giá trị của văn học Huế càng trở nên có lý khi đó lại chính là mối day dứt của văn nghệ sĩ Huế lâu nay. Ví dụ sau khi nêu các giá trị lớn lao của văn học Huế, ông đặt vấn đề: “Ai cũng biết họa sĩ Lê Bá Đảng nổi tiếng thế giới, nhưng một mình ông được Tỉnh dành cho một tòa nhà đẹp, rộng lớn bên bờ sông Hương thì chẳng lẽ bao nhiêu là văn nhân nổi tiếng của Huế suốt mấy thế kỷ không xứng đáng có một nơi như thế?” Nhà văn cũng đưa ra các phương án: 1. Xây dựng bảo tàng ở 26 Lê Lợi, 2. Nếu không được thì có thể xây dựng ở hai ngôi biệt thự hiện là trụ sở UBND TP Huế; 3. Nếu không được nữa thì có thể kết hợp sử dụng công trình ở Thư viện Tỉnh.

Trong lúc nhà văn Nguyễn Khắc Phê sốt ruột thử “quy hoạch” địa điểm bảo tàng văn học nghệ thuật thì các nhà nghiên cứu khác cũng đi tìm các cách thức tổ chức sưu tầm hiện vật và cách thức tổ chức bảo tàng. Có một nội dung quan trọng được thảo luận và thống nhất khá nhanh là: Xây dựng Nhà lưu niệm văn nghệ sĩ hay Bảo tàng văn học nghệ thuật? Đa số các ý kiến tán đồng việc xây dựng bảo tàng bởi thiết chế bảo tàng mới thỏa đáng tầm vóc và quy mô các giá trị kho tàng văn học nghệ thuật trên bảy trăm năm mà vùng đất này đang có. Nhà văn Bửu Ý đề nghị, cần xác định ngay tên gọi để từ nay, mỗi khi nhắc đến việc này thì phải gọi đúng tên gọi của nó là Bảo tàng văn học nghệ thuật Thừa Thiên Huế.

Về cách thức sưu tầm, hệ thống hóa hiện vật. Nhà nghiên cứu Nguyễn Xuân Hoa đề nghị các tiêu chí: 1. Nhìn nhận văn học Huế có các đặc tính riêng, khuynh hướng, diện mạo riêng; 2. Xác định tác gia văn học Huế; 3. Thống nhất quan niệm về văn học và tác phẩm văn học, trong đó tiêu chuẩn chất lượng về tư tưởng và thẩm mỹ cần được ưu tiên xem xét; 4. Di sản văn học Huế là một thể thống nhất, chứa đựng nhiều sắc thái đa dạng của đời sống văn học trong từng thời kỳ lịch sử, không phân biệt theo thể chế chính trị; 5. Cần trình bày làm nổi bật các đặc trưng của từng thời kỳ, từng giai đoạn. Nhà nghiên cứu Nguyễn Đắc Xuân đề xuất Hội Nhà văn Thừa Thiên Huế phải nhanh chóng viết cuốn “Sơ thảo lịch sử văn học Thừa Thiên Huế”. Nhà văn Tô Nhuận Vỹ cũng đề xuất thành lập Hội đồng khoa học trong quá trình hoàn thành “dự án” này... Với tham luận “Phác thảo nội dung trưng bày phần văn học tại Nhà lưu niệm Văn nghệ sĩ nhìn từ việc phân tích đánh giá nguồn hiện vật và khả năng sưu tầm”, nhà thơ - chuyên gia bảo tàng Nguyễn Phước Hải Trung đã đưa ra những khả năng tiềm tàng của việc sưu tầm hiện vật, phục chế, làm bản sao hiện vật và phác thảo cho định hướng nội dung trưng bày bảo tàng...

Đau đáu tấc lòng trước kho tàng những trang viết bảy trăm năm - đó là cảm nhận chung của những ai tham gia hội thảo này. Đã có những lo âu bởi việc xây dựng bảo tàng văn học nghệ thuật Huế là quá khó trong bối cảnh hiện nay, trong lúc đó lại luôn bùng cháy trong niềm mong đợi của văn nghệ sĩ Thừa Thiên Huế hằng mong đợi. Nhưng trên ý nghĩa tích cực, thì đây cũng là bước khởi đầu cho một hoạt động lớn, một vận động lớn của nền văn học do những trái tim và tri óc của những người tận hiến cho quê hương xứ sở vun đắp nên.

NGƯỜI SÔNG HƯƠNG
(272/10-11)







Các bài mới
Hương đêm (27/10/2011)
Cỏ dại (24/10/2011)
Các bài đã đăng