[if gte mso 9]>
Normal
0
false
false
false
MicrosoftInternetExplorer4
Nàng Ba quê ở huyện Đường An, tỉnh Hưng Yên. Mười ba tuổi, nàng Ba đã trở thành đàn bà. Một đứa trẻ mười ba tuổi chưa biết được nhiều điều, nhưng đã phải học cách để trở thành vợ, thành đàn bà. Nàng Ba theo chồng sang bến sông, không có giọt nước mắt nào tuôn rơi. Nàng còn quá nhỏ để biết được điều gì đang chờ đợi mình, nàng tự nguyện và vui sướng như bao cô gái khác.
Chồng nàng là một gã trai lực điền. Trước ngày hôn lễ hai người đã gặp nhau vài lần, lần nào cũng ngắn ngủi và ít lời. Hôn nhân sắp đặt người ta không cần nhiều lời, chỉ có sự giao ước, thỏa thuận giữa hai gia đình. Nàng Ba về nhà chồng trong một ngày tháng tám, trời không giông bão nhưng sấm chớp đùng đùng. Nàng gỡ tay mẹ, quả quyết bước theo chồng.
Mười ba tuổi, nàng Ba bắt đầu một cuộc đời mới. Nàng chăm chỉ, cần mẫn như con ong, con kiến, làm lụng công việc nhà chồng; và đêm đến, nàng âm thầm thực hiện nghĩa vụ đàn bà. Tuy lần nào cũng kết thúc bằng sự day dứt và đau đớn, nhưng chưa bao giờ nàng nói với chồng chuyện này. Những phụ nữ đứng đắn là những người không bao giờ phàn nàn hay yêu cầu gì hết. Thời của nàng đã quá xa xôi, người ta chỉ biết chấp nhận mà thôi.
Nàng Ba sống với chồng được ba năm thì trời xảy ra đại họa. Mưa trong nhiều ngày, nhiều tháng, nước sông dâng cao. Đê Nhị Hà, đê Đam Đam bị vỡ, những cánh đồng trắng băng trong nước. Đói rét, dịch bệnh theo đó tràn về. Người chết vì bệnh dịch, vì đói nhan nhản khắp nơi. Nàng Ba được cứu qua cơn chết đói nhưng chồng nàng đã chết vì bệnh dịch. Mẹ chồng nàng quá đau buồn mà hóa mù, đâm đầu xuống giếng tự vẫn. Nàng còn một mình, cha mẹ nàng cũng héo hon, đói khát mà chết. Nàng Ba bỏ làng đi cầu thực qua ngày.
Nàng đi lang thang qua vùng này, vùng khác kiếm miếng ăn. Nàng gặp những gia đình có chút của ăn của để, vài người đàn ông ngỏ ý muốn giữ nàng ở lại. Nhưng đàn ông chỉ làm cho nàng chán ngắt và đau đớn, nàng cự tuyệt thẳng thừng. Nàng chỉ xin ăn, không mong chờ điều gì khác và cũng không chấp nhận bán thân nuôi miệng. Nàng xinh đẹp và người ta không nỡ nhìn nàng chết đói, dù đôi lúc nàng tỏ ra cứng đầu với một thân phận xin ăn.
Bước chân vô định đưa nàng đến huyện Đông Triều lộ An Bang. Trong huyện có ngôi chùa Quỳnh Lâm nổi tiếng, rộng hàng trăm gian với khánh đá, chuông đồng, tượng pháp uy nghiêm. Mỗi kì hội chùa, người đến dự lễ đông vô kể, đông đến nỗi thê thiếp lạc chồng, bằng hữu lạc bầy.
Nàng Ba xin ngủ trọ một đêm ở chùa. Trời tối, nàng không thể đi xa hơn được nữa. Nhà chùa là nơi có thể bố thí cho nàng một chút thức ăn. Nàng có chỗ nghỉ và có cơm chay đỡ lòng.
Chùa lớn thâm nghiêm nhưng một chỗ dành cho nàng cũng không quá khó. Ngày nào, nhà chùa cũng có người đến xin ăn. Tuy vậy, một kẻ ăn mày xinh đẹp xin ở lại là một điều ít thấy.
Nàng Ba được nghỉ ở gian nhà phía tây chùa. Nơi đó vắng vẻ và yên tĩnh, chỉ có tiếng vài con chim động cựa trên cành cây đầu hồi và tiếng lóc cóc xa xa. Đêm đó: “Đến khoảng canh ba, trăng trong gió mát, bầu trời sáng vằng vặc, thấy một chàng trai không biết tên là gì, không rõ mặt mũi thế nào, xin được tư thông một cái, xong rồi bỏ đi mất” (1).
Tôi thì không tin vào điều này. Tại sao trăng sáng vằng vặc mà nàng Ba lại không nhìn rõ mặt người đòi tư thông với mình. Sao nàng lại dễ dàng chấp nhận dục tình ở một nơi linh thiêng, thần thánh như vậy. Sao nàng không túm lấy gã kia mà tri hô, xua đuổi. Hay là nàng đã trải qua bao ngày cô đơn, tuyệt vọng mà không giữ nổi mình. Cuộc mây mưa ở chùa Quỳnh Lâm báo trước một điều không bình thường. Nàng đã rên xiết đau đớn hay sung sướng tột cùng?
Kết quả cuộc mây mưa bất đắc dĩ ấy, nàng Ba có mang. Nhà chùa cho nàng ở lại một thời gian làm chỗ cưu mang. Nàng không dám hé miệng câu chuyện đêm trăng sáng với ai. Riêng nàng âm thầm chịu đựng. Đủ ngày, đủ tháng, nàng Ba sinh hạ một đứa con gái kháu khỉnh, trắng trẻo. Nó nhoẻn miệng cười với nàng như không hề biết nỗi cực nhọc mà mẹ nó đã trải qua. Nàng đặt tên đứa bé là Thị Điểm Bích.
Thị Điểm Bích được mẹ ẵm đưa về quê nhà. Một nhà giàu trong làng thấy đứa bé kháu khỉnh, bỏ ra một quan tiền mua về làm con nuôi. Nàng Ba không giữ được con, nàng nghèo quá nên không thể nuôi con, cũng như không thể chịu đựng được sự phỉ nhổ của xóm giềng. Nàng phải kể ra câu chuyện đêm trăng sáng ở chùa Quỳnh Lâm.
Sau đó không ai hay biết gì về nàng nữa, vài người trông thấy nàng ở cạnh bến đò. Không biết nàng đi đâu hay đã trầm mình, nàng để lại cho đời giọt máu mang bổn mệnh đáng thương như này.
Điểm Bích sống trong nhà cha mẹ nuôi yên ấm, giữ mình. Đám con gái trong làng thường chế nhạo nàng, gọi là con gái chùa Quỳnh. Một cái tên tự hào hay xấu hổ, điều đó cũng không quan trọng. Điểm Bích lớn lên như sự mong đợi trong tiềm thức của mẹ nàng.
Càng lớn, Điểm Bích càng xinh đẹp. Cha mẹ nuôi mời thầy dạy học cho nàng. Nàng thông minh, ham học, chẳng mấy chốc cửu lưu, tam giáo, không gì là không thông hiểu. Khi có lệnh tuyển cung nữ, Điểm Bích mới lên chín, được tuyển vào cung làm cung nữ.
Ngày nhập cung là một ngày trọng đại với nàng. Nàng đã trở thành người có thân phận khác. Nàng không khóc, giống như mẹ nàng mười ba năm về trước. Chỉ khác một điều, mẹ nàng có trọn vẹn một người đàn ông, dù đó là một gã thô lỗ, cục cằn. Còn nàng, nàng sẽ phải hầu hạ, chia sẻ với vô số người khác, mà người đó không thể gọi là của nàng được. Nàng chỉ là một thứ ngự dụng nơi cung cấm.
Bất hạnh cho nàng. Nàng còn quá nhỏ, chưa mong được sự sủng ái của đương kim hoàng thượng. Nàng mơ ước có thể sinh ra những hoàng nam, hoàng nữ khỏe mạnh. Nhưng xung quanh nàng chỉ là đám hoạn quan không ra người ngợm. Nàng vào cung mấy năm mà chưa được thành đàn bà.
Chưa được sự ân sủng của đương kim hoàng thượng nhưng Điểm Bích đã nổi tiếng khắp cung Chi Mai. Nàng giỏi thơ trường thiên, ngũ ngôn, mở miệng thành chương, đặc biệt giỏi thơ quốc âm (chữ Nôm). Vua nói: “Đấy là nữ thần đồng”.
Điểm Bích xinh đẹp và thông minh, điều đó đã hại nàng. Hoàng thượng cần một thiếu nữ tài sắc đi thử lòng sắc dục thiền sư Huyền Quang, vị quốc sư đức độ của triều đình, người đứng đầu thiền phái Trúc Lâm, kế nghiệp Điều Ngự Giác Hoàng (Trần Nhân Tông) và Pháp Loa (Đồng Kiên Cương) sau khi viên tịch. Huyền Quang được sự yêu mến của tiên đế nhưng các đại thần trong triều ngờ vực về đức hạnh của người. Vua cho triệu Điểm Bích vào nội điện và bảo: “Đây là công việc khó khăn, chỉ có nàng mới làm nổi. Nàng hãy làm cho Huyền Quang mê mải tài sắc của nàng và mang một vật gì đó về làm tin”.
Điểm Bích thưa rằng:
- Đi thử giới hạnh của một nhà sư là một điều nên chăng, nhưng bệ hạ đã quyết, thần thiếp xin nghe theo. Có điều trước khi đi Yên Tử, thiếp có một lời thỉnh cầu.
- Điều gì nàng cứ nói.
- Thiếp vào cung để hầu hạ bệ hạ, bệ hạ đã tin tưởng mà giao cho nhiệm vụ. Trước khi đi, thiếp muốn tròn bổn phận của mình. Xin bệ hạ cho phép thiếp được trở thành đàn bà...
Và yêu cầu của Điểm Bích được ân chuẩn. Nàng không ngờ niềm mong mỏi bấy lâu của nàng lại có được vào đúng cái ngày nàng phải ra đi với người đàn ông khác. Nàng đau đớn trong đêm hoan lạc bi nộ...
Điểm Bích rời kinh thành, nhằm hướng núi Yên Tử mà đến. Trong tâm tưởng của nàng, không có một ý đồ nào hết. Nàng đến Yên Tử với sự chân thành và chấp thuận những gì sẽ xảy ra.
Từ dưới chân núi, nàng trông thấy sự hùng vĩ, thiêng liêng của ngọn núi thiền. Trước khi lên Vân Yên, Điểm Bích nghỉ lại dưới chân Yên Tử, trong chùa Long Động.
Điểm Bích gặp vãi già, nhờ bà giới thiệu với trụ trì xin cho ở lại theo hầu cửa Phật. Trụ trì Vân Yên là thiền sư Huyền Quang, người mà nàng được giao nhiệm vụ thử thách.
- Tiểu nữ xưng danh của mình?
- Dạ, Thị Điểm Bích.
- Vãi già nói với ta rằng, nàng muốn ở lại đây?
- Dạ, được hầu hạ cửa Phật trên núi rừng Yên Tử là mong muốn lớn nhất của tiểu nữ.
Nàng được chấp thuận ở lại Yên Tử. Điểm Bích xin được hầu hạ ở chùa Vân Yên, nơi có thư phòng cho tăng ni tham cứu sách Phật và nàng có thể tham vấn trụ trì những điều chưa tỏ. Một hôm, Điểm Bích hỏi trụ trì:
- Thưa quốc sư, tiểu nữ chưa tỏ cơ duyên đưa quốc sư nguyện con đường thiền định?
- Ta tự thân mà cảm hóa, Phật tổ dìu dắt ta.
- Quốc sư từ bỏ hết nhục dục chăng?
- Người tu hành thì không nói đến nhục dục.
- Thế còn cái đẹp?
- Nàng hãy nghe bài thơ Hoa cúc của ta:
Thu về, móc nhẹ cúc đơm bông,
Gió mát trăng thanh dịu nỗi lòng.
Vẻ đẹp tinh khôi người chẳng hiểu,
Bẻ về cài tóc, đáng cười không.
Điểm Bích cảm nhận sự bình yên ở thiền sư. Nàng quan sát từng động thái, cử chỉ của người. Ngày ngày, nàng chăm chỉ nơi thư phòng, nàng không muốn sắc tính của mình khiến người vướng vào vòng trần tục. Khi còn ở trong cung, nàng đã nhìn thấy sự thèm muốn vô vọng của đám hoạn quan. Nhà sư không phải hoạn quan, nhưng trong mắt của người có điều gì hơi khác, phải chăng danh sắc của nàng đã khiến người lay chuyển chăng? Nếu thế thì...
Điểm Bích thường đàm đạo với người về đạo và đời. Nàng biết trước khi xuất gia, thiền sư đã nổi tiếng về học vấn và tài thơ văn, nhiều thiếu nữ mê tài thơ văn và phẩm cách của người. Trong mắt nàng, thiền sư là một quân tử trong mộng. Một lần, thấy nàng ở bên cửa khâu áo, người đọc bài thơ Xuân nhật tức sự (Tức cảnh ngày xuân).
Nhị bát giai nhân thích tú trì,
Tử kinh hoa hạ chuyền hoàng ly.
Khả thương vô hạn thương xuân ý,
Tận tại đình trâm ngữ bất thì.
(Đường kim bỗng chậm lại trên tay cô nàng xinh đẹp mười tám xuân xanh/ Mấy chú oanh vàng thỏ thẻ dưới lùm hoa tử kinh/ Thương quá đi bao nỗi lòng thương xuân vô hạn/ Đang trút vào cả giây phút ngừng kim và không nói năng).
Điểm Bích không ngờ thiền sư đọc bài thơ hay và tình đến thế. Người có hàm ý gì với nàng chăng? Sau bữa đó, đôi mắt nàng ướt hơn thường ngày. Nàng muốn quên đi nhiệm vụ mà hoàng thượng giao cho nàng. Nàng muốn có một bậc quân tử thương yêu nàng. Nàng mong có một người đàn ông thực sự của mình, mang đến cho nàng bình yên, ái tình và ước nguyện. Người quân tử đó là ai, đã có lúc nàng nghĩ đến Huyền Quang và bài thơ người đọc. Trớ trêu, hai người đàn ông nàng kính phục, thương yêu nhất đều không dành cho nàng. Người thứ nhất thì đẩy nàng cho một người đàn ông khác vì nhiệm vụ; người thứ hai thì chưa thể nói điều gì, có quá nhiều cách trở và đình kiến lễ tục ở đời.
Mỗi khi nghe người đời kể lại nỗi cơ hàn, tủi hổ của mẹ đẻ của mình, lòng nàng đau xót. Số kiếp này mẹ con nàng không thể có một người đàn ông thực sự hay sao. Mẹ nàng dù sao cũng có nàng, còn nàng, nàng chẳng có ai trên đời. Đàn ông chỉ coi nàng là giải khuây khi buồn tẻ. Nàng không muốn chấp thuận thế, nàng muốn làm điều gì đó để giải thoát cho mình.
Một đêm trăng sáng trên núi rừng Yên Tử, Điểm Bích gõ cửa phòng sư Huyền Quang. Tiếng gõ nhẹ nhẹ, khẩn khoản. Các tăng ni đều đã đi nghỉ. Huyền Quang mở cửa, người đã linh cảm thấy điều mơ hồ, mấy hôm nay mắt của cô tiểu nữ có điều khác lạ. Ánh mắt ươn ướt, xa vắng, đã có lần người phải quay đi, tránh ánh nhìn như thấu tâm can.
- Có điều gì băn khoăn khiến nàng tìm ta?
- Tiểu nữ thấy buồn quá, muốn cùng người trò chuyện.
- Nàng hãy vào thư phòng, sương đêm không tốt cho thân thể.
- Tiểu nữ có một chuyện, muốn nói với người từ lâu nhưng chưa có dịp...
- Nàng khoan nói vội, hãy nhìn ánh trăng ngoài kia, chưa đến rằm mà trăng đã sáng lắm.
- Trăng sáng nhưng lòng tiểu nữ buồn vô hạn, ánh trăng không hiểu lòng tiểu nữ.
- Nàng muốn nói tới ánh trăng ư?
- Ánh trăng không phải dành cho tiểu nữ. Tiểu nữ đọc bài thơ quốc âm dưới ánh trăng rừng.
Vằng vặc trăng mai ánh nước,
Hiu hiu gió trúc ngân sênh.
Người hòa tươi tốt, cảnh hòa lạ,
Mâu Thích Ca nào thuở hữu tình.
Núi rừng yên lặng.
Đêm trôi đi...
Điểm Bích sau đó rời Yên Tử, quay về kinh thành, nàng đã hạn phải hoàn thành nhiệm vụ. Nàng mang theo thỏi vàng thiền sư tặng khi từ biệt, thỏi vàng ấy chính là vật hoàng thượng đã ban cho thiền sư. Thỏi vàng ấy là vật làm tin.
Đương kim hoàng thượng không vui lòng, ngài có ý quở trách Huyền Quang và nghi ngờ đức tin của người. Mối tình giữa Điểm Bích và Huyền Quang là sự thật thì đó là sự tổn thất đến phật pháp và lòng tin của chúng dân. Nhà vua yêu cầu thiền sư lập đàn cầu đảo chứng minh lòng trong sạch của mình. Lễ cầu đảo linh nghiệm, nhà vua không nghi ngờ Huyền Quang mà quay sang quở trách Điểm Bích.
Điểm Bích bị giáng xuống làm phu quét rác ở chùa Cảnh Linh. Một ngày kia, vì quá đau buồn, nàng đã đâm đầu xuống giếng sau chùa tự vẫn, trong cơ thể nàng đã hình thành một hình hài nhỏ. Hai trăm năm sau, có người đào được thi hài nàng, thấy môi nàng vẫn đỏ, nhan sắc, thân thể còn nguyên vẹn. Người ấy kinh sợ, báo cho quan triều đình lập đàn cúng tế mà đưa nàng trở về chỗ cũ.
U.T
(272/10-11)
-----------------------------
(1) Đoạn chép trong Tam tổ thực lục, một quyển sách chép về hành trạng Tam tổ Trúc Lâm, nói tới nàng Ba.