Tạp chí Sông Hương - Số 273 (tháng 11)
Tác phẩm mới tháng 11/2011
16:22 | 31/10/2011
@ Lâm Thị Mỹ Dạ tuyển tập, sách dày 570 trang, khổ 14,5x20,5; được chia làm nhiều phần: thơ tình, chiến tranh, tình mẫu tử, thơ văn thiếu nhi, (nhạc không có trong tuyển tập này). Sách dành 1/3 số trang cho phần Tư liệu và bình luận và phỏng vấn tác giả.
Tác phẩm mới tháng 11/2011
[if gte mso 9]> Normal 0 false false false MicrosoftInternetExplorer4

Đây cũng là thông điệp sau Lá cờ trắng thơ mà Lâm Thị Mỹ Dạ “giương lên” dăm năm trước. Sách in đẹp. Trình bày và thiết kế bìa (từ tranh của Đinh Cường) bởi Thái Ngọc Thảo Nguyên - người làm bìa và trình bày cho Sông Hương bắt đầu từ tháng 6.2011 đến nay.








@ Trong Chi hội Nhà văn Việt Nam tại Huế, sau nhà thơ Hồng Nhu làm tuyển thơ (năm 2009), thì nay đến Thơ Nguyễn Khoa Điềm (Nxb Văn học) do tác giả tự chọn từ “ba mùa viết: mùa kháng chiến, mùa hòa bình và mùa trở lại vườn cũ” trong suốt hành trình 40 năm. Những bài có trong tuyển thơ dày 160 trang này từng làm nên tên tuổi Nguyễn Khoa Điềm có thể kể đến: “Khúc hát ru những em bé lớn trên lưng mẹ”, “Những bài hát, con đường và con người”, “Đất nước”, “Mẹ và quả”, “Ngôi nhà có ngọn lửa ấm”, “Cầu Long Biên”…


@ Thơ Thụy Điển (370 trang, khổ lớn 15x23) do Nxb Hội Nhà văn kết hợp với Trung tâm Văn hóa ngôn ngữ Đông Tây ấn hành giới thiệu 21 nhà thơ tên tuổi từ Boye Karin (1900 - 1941) đến tác giả còn sống Tunedal, Jenny (sinh 1973). Và tất nhiên không thể thiếu chủ nhân Nobel Văn chương 2011, Tomas Transtromer sau 37 năm giải thưởng danh giá này rời quê hương lưu lạc trên thế giới.


@ Ngoài 2 tập thơ, trước Lửa đắng (Nxb Hội Nhà văn 2011) Nguyễn Văn Tao đã có trường ca “Nhịp điệu xanh”. Như con tàu bồng bềnh giữa đại ngàn gió hát, Tây Nguyên được vẽ nên từ truyền thuyết tình yêu H’ling và Đam Dông. Đấy là thứ ánh sáng diệu kỳ soi đường cho tác giả tìm lại những đồng đội sau chiến tranh vẫn còn nằm giữa đại ngàn gió núi. Và Tây Nguyên bây giờ là miền bazan gió dậy thì trẻ mãi. Mạn phép “tóm tắt” nội dung của tập trường ca bằng câu thơ ở gần cuối tập sách hơn trăm trang này: “Tây Nguyên ơi/ người thức từ tiền sử/ đứng dậy chớp chớp ngàn năm”.


@ Thơ tuyển Nguyễn Quang Thiều (394tr, 14,5x21): Châu thổ là đại tượng vô hình làm nền cho tiểu cảnh hữu hình Bài hát về cố hương. Hình dung về một người vẫn mắt nhắm bất động khi cánh cửa vô tình được mở ra và ánh sáng lùa vào. Người này có thể đang ngược nguồn siêu linh nhận diện kiếp tương lai. Người này có thể đang vận hành tâm tưởng ghép nối hàng trăm mảnh vỡ của chiếc bình gốm xưa lưu giữ nỗi buồn - báu vật cố hương. Cũng có thể người này đang trong cơn mê sảng, quờ quạng dưới ánh trăng và máu... Sự lờ mờ nhận diện lại những gì không còn ở dạng vật chất vẫn hư ảo chập chờn tồn lưu ở một không gian khác ấy, có thể là Thơ Nguyễn Quang Thiều.


@ Kỷ niệm 20 năm thành lập đặc khu Côn Đảo (8.1991 - 8.2011) Sông Hương số tháng 8 đã in chùm thơ 3 bài của nhà thơ Võ Quê và chùm ký họa của họa sĩ Đặng Mậu Triết, trong đó ký họa Chuồng cọp kiểu Pháp được đưa ra làm bìa. Sự hội ngộ ngẫu nhiên ấy của hai tác giả nay càng kết dính bằng Côn Đảo - thơ và ký họa (NXB Văn học, 10.2011). Đọc thơ Võ Quê và xem ký họa về Côn Đảo của Đặng Mậu Triết, xem như chúng ta đang nghiêng mình trước nỗi đau đã thấm vào tấc đất của hình hài Tổ quốc.


@ Căn cứ trên bìa 4 và bìa gấp của Tuyển tập thơ lục bát Phạm Đông Hưng thì tác giả từng in gần 20 tập. Thật là sức sáng tạo đáng nể. Ngoại trừ những bài thơ từ 5 câu trở lên, tập thơ mới này (do Nxb Lao động và Trung tâm Văn hóa đông tây ấn hành) “có sức chứa” khoảng 50 bài thơ 2 câu và 100 bài tứ tuyệt - là 2 thể thơ rất cô đọng, khó làm. Vì vậy Lời giới thiệu của Nxb khá xác đáng: thơ lục bát Phạm Đông Hưng “rất đặc trưng của người lao động”. Xin dẫn ra một bài thơ 2 câu và một bài tứ tuyệt để làm chứng: “Mưa rơi vào tán lá khoai/ Khác chi dân nói bên tau quan trường” (Lá khoai). “Văn thơ sao lại viết thuê/ Phê bình làm mướn, cái nghề buồn thay/ Chi bằng lao động chân tay/ Chăn bò, cày cấy… tốt hay hơn nhiều” (Nghề).


@ Nhớ Huế, là để không quên phong vị Huế chìm nổi với dòng Hương thơ mộng xưa & nay.Dẫu kinh phí eo hẹp, Ban chủ biên làm tập san chủ yếu với tấm lòng tâm huyết, Nhớ Huế vẫn mỗi năm 4 tập đều đặn ghi dấu nỗi niềm của những người yêu Huế. Tình Huế (tập thứ 51, Nxb Trẻ), mảng nghiên cứu lịch sử - văn hóa thật đậm đặc qua bài viết của các tác giả Phan Thuận An (Hình ảnh biển Đông trên Cửu Đỉnh ở Huế), Bùi Nguyên (Hoàng Sa có thời thuộc địa giới Thừa Thiên), Tôn Thất Thọ (Có phải là Lễ phong vương), Trần Kiêm Đoàn (Nhật ký hành hương); và mênh mang tình quê trong những trang văn lắng đọng như Hạt phù sa tìm về bến sông (Trần Hữu Lục), Đưa cha về quê ngoại (Lê Thị Bích Hồng)...

S.H
(273/11-11)









Các bài mới
Gởi Trinh (05/12/2011)
Các bài đã đăng