Tạp chí Sông Hương - Số 273 (tháng 11)
Gia phong một thuở
14:43 | 17/11/2011
LÊ VŨ TRƯỜNG GIANGHiếm nơi nào trên đất Huế có phong thủy hữu tình, trời, đất, nước, người cùng quyện hòa thanh thái trong một không gian xanh ngát xanh như đất thôn Vỹ. Đất này được dòng Hương Giang và phụ lưu Như Ý ôm trọn vào lòng như hai cánh tay của một người mẹ vỗ về.
Gia phong một thuở
Nhà vườn ở thôn Vỹ Dạ - Ảnh: LVT
[if gte mso 9]> Normal 0 false false false MicrosoftInternetExplorer4

Trước mặt thôn Vỹ, Cồn Hến - Tả Thanh Long của kinh thành, đất đai màu mỡ, cây cối tốt tươi hẳn nhiên là một tấm bình phong thiên tạo đằm thắm, hiền hòa.

Cổ nhân có câu “đất lành chim đậu”. Cánh đồng lau lách Vỹ Dạ bên bờ sông Hương ngày xưa là một vùng đất lành, tích tụ hưng khí thi văn như thế nên là bến đậu của không ít người, trong đó có cả những người thuộc dòng dõi hoàng tộc. Ngay đầu thời Nguyễn, Vỹ Dạ đã được xem là vùng đất hứa cho việc an cư sinh lập phủ đệ, tư thất của các hoàng tử, công chúa, công thần, khanh tướng. Hiện nay, ở đây vào thời điểm cực thịnh có đến hàng chục phủ . Các phủ đệ đó phần lớn là của những hoàng tử con các vua đầu triều Nguyễn như phủ Diên Khánh Vương, phủ Đông cung nguyên soái, phủ Tuy Lý Vương, phủ Kiến An Vương, phủ Kiến Tường Công, phủ Lãng Quốc Công, phủ Tuy Biên Quận Công… được lập vào nửa đầu thế kỉ XIX... Còn phủ và nhà thờ Phụ Chính Tôn Thất Hân, nhà vườn Thượng thư Tôn Thất Gián, nhà của thi sĩ Ưng Bình Thúc Giạ Thị… được lập muộn hơn khoảng cuối thế kỉ XIX thế kỉ XX. Các gia tộc sinh sống tại các phủ đệ đó từ bao đời đã hun đúc, tạo nên Vỹ Dạ từ một miền thôn dã trở thành nơi ươm mầm cho những nét văn hóa gia đình hoàng tộc. Truyền thống đó ăn sâu trong tâm thức con cháu hoàng tộc, tạo nên một nền nếp gia phong rất thôn Vỹ.

Đặc trưng của nền nếp gia phong hoàng tộc thôn Vỹ

Trải biến qua năm tháng và thời cuộc, những nét gia phong được vun đắp tạo cho các gia đình hoàng tộc ở đây những đặc trưng riêng:

Thứ nhất, các gia đình hoàng tộc này vừa mang phong cách sống của hoàng gia, vừa chịu ảnh hưởng của đời sống dân dã. Yếu tố này được giải thích bởi đa phần đây là các hoàng tử, công chúa một thời sống ở trong cung cấm, tôn nghi vua chúa thấm sâu trong máu thịt. Khi về đất Vỹ Dạ ở gần dân chúng, chịu ảnh hưởng của cuộc sống bình dân và văn hóa dân gian. Như vậy, nền nếp gia phong của các gia đình hoàng tộc là sự giao thoa, hòa quyện giữa hai yếu tố hoàng gia và dân gian. Những thế hệ đầu, yếu tố hoàng gia chiếm vị thế chủ đạo, càng về các đời sau, yếu tố dân gian lấn lướt dần. Ngày nay, dòng dõi hoàng tộc ở đây đã gần như được “dân gian hóa”.

Thứ hai, hầu hết các gia tộc về định cư ở Vỹ Dạ đều được cấp đất rất rộng rãi, từ 500-5000m2. Chính lợi thế này nên ngay từ đầu các phủ đệ đều được thiết kế và xây dựng theo quy mô, kiến trúc nhà vườn. Nhà vườn ở Vỹ Dạ mang bản sắc của Huế, là nơi cư trú, thờ cúng, sinh hoạt văn hóa, thậm chí cả sinh hoạt chính trị nữa. Ngày nay, ở Vỹ Dạ còn nhiều nhà vườn có giá trị đó là nhà vườn - phủ thờ quan phụ chính Tôn Thất Hân, nhà vườn - phủ thờ Phong Quốc Công, nhà vườn cụ Thượng thư Tôn Thất Gián… Không gian nhà vườn cũng chính là một yết tố góp phần tạo nên nề nếp gia phong đất Vỹ Dạ mang đậm phong vị Huế.

Thứ ba, con cháu trong mỗi phòng, phủ thường có xu hướng ở gần nhau trên khu đất của cha ông để lại. Phủ Tuy Lý, Phong Quốc Công ngày xưa đất được chia ra cho các con trai ra ở riêng nằm trong cùng một khuôn viên. Việc anh em ở gần nhau như thế tạo điều kiện để cùng nhau xây dựng cuộc sống gia đình và tiện bề báo hiếu cha mẹ. Đó cũng là một truyền thống có từ trước trong hoàng tộc. Tương tự như trong cung, các hoàng tử, hoàng tôn khi đã đến tuổi trưởng thành thì được vua cha cho ra ở riêng, được cắt đất, gia nhân để lập phủ, phòng, nhà tùy theo chức tước, phẩm vị. Vua Minh Mạng có 142 người con, trong đó có 78 hoàng tử hầu hết đều được lập phủ. Một số vị chọn Vỹ Dạ làm đất an cư như có Tuy Lý Vương, Phong Quốc Công, Kiến Tường Công... Tuy Lý Vương thì được lập phủ, còn Phong Quốc Công thì được lập phòng. Đến khi con cái hai vị này khôn lớn, lại tiếp tục được hai vị cắt đất cho ở riêng. Cứ như thế, đất đai Vỹ Dạ dần dần là nơi ở của con cháu Nguyễn Phước tộc thuộc các chi phái này. Ngày nay, con cháu các vị sống cả ở khắp mọi miền Tổ quốc và ở cả nước ngoài, chỉ còn một  số ít là vẫn gắn bó với Vỹ Dạ.

[if gte mso 9]> Normal 0 false false false MicrosoftInternetExplorer4 Một góc thờ tự trong phủ Tuy Lý Vương - Biểu tượng "sự học" trong đồ thờ tự ở nhà thờ hoàng tộc

Cuối cùng, nền nếp gia phong được cộng dưỡng trong những giá trị đạo đức Khổng giáo nên ít nhiều chịu hệ lụy của tư tưởng lễ giáo phong kiến. Trong các phủ, phòng, tư thất, sự giáo dục được coi trọng và rất khắt khe. Thường thì mỗi gia đình hoàng tộc đều có gia quy để dạy bảo người trong nhà. Tuy nhiên, tính gia trưởng, trọng nam khinh nữ lại là mặt hạn chế của nề nếp theo hệ tư tưởng này.

Nền nếp gia phong được duy trì qua nhiều đời, dù ở gần hay ở xa thôn Vỹ thì tinh thần của truyền thống ấy vẫn âm ỉ cháy trong lòng mỗi người con, người cháu của dòng tộc nhiều danh tiếng này.

Chữ “Hiếu” - một nét gia phong hàng đầu

Nét gia phong đứng số một trong lễ nghi và sự giáo dục của các phòng, phủ hoàng tộc là chữ Hiếu. Tuy Lý Vương Miên Trinh (1820-1897) đã từng dạy con cháu “chữ Hiếu làm đầu”, ý muốn nhắc nhở con cháu phải nhớ đến công ơn sinh thành dưỡng dục của cha mẹ, tổ tiên. Truyền thống tốt đẹp này được truyền lưu trong suy nghĩ và hành động của con cháu Nguyễn Phước tộc. Biểu hiện đầu tiên là việc thờ phụng tổ tiên trong các phủ, phòng, tư thất dòng họ này.

Dọc đường Nguyễn Sinh Cung cho đến hết Vỹ Dạ có hơn chục nhà thờ họ, phòng và phủ đệ của dòng họ Nguyễn Phước. Từ các phòng, phủ ban đầu đã mở nghiệp để rồi phát triển quy mô dòng tộc thành các chi phái. Mỗi phòng, phủ, tư gia đều có nhà thờ, bàn thờ tổ tiên. Tuy ra ở riêng nhưng con cháu vẫn thờ tự, hương khói, phụng sự người đã khuất theo lễ tục truyền thống. Tuy Lý Vương sau khi mất thì phủ đệ trở thành nhà thờ. Con cháu tách ra thì lập thành phòng hoặc nhà vườn cũng đều có bàn thờ để thờ tổ tiên của gia đình mình. Như trường hợp của cụ Tiểu Thảo Hồng Thiết, con của Tuy Lý Vương, khi trưởng thành được ra lập phòng mới, cách phủ của cha chừng 500m. Cháu là Ưng Bình Thúc Giạ cũng ra ở riêng với một ngôi nhà vườn ngập đầy chất thơ, vang bóng một thời.

Chữ hiếu ấy còn được thể hiện trong cách bài trí của một ngôi nhà vườn truyền thống. Bên trong nhà, gian chính giữa thường là nơi để thờ phụng, trước thờ Phật, phía sau thờ ông bà tổ tiên. Ở phủ thờ Tuy Lý Vương, phòng Phong Quốc Công, từ đường Tiểu Thảo Hồng Thiết, từ đường cụ Thượng Tôn Thất Gián… đều có lối bài trí như thế. Tùy theo quy mô của từng phủ, phòng, tư gia và truyền thống của mỗi chi, phái mà nơi thờ phụng được bài trí một cách linh hoạt. Chẳng hạn, phủ Tuy Lý có hai nhà thờ chính. Tiền đường trước thờ mẹ của ngài Tuy Lý. Trong ngôi nhà thờ này, phía trước thờ phật Quan Âm, phía sau thờ linh vị của bà mẹ ngài Tuy Lý. Hậu đường thờ ngài Tuy Lý ở gian giữa, bên tả thờ các con trai, bên hữu thờ các con gái không lập gia thất.

Ngoài việc thờ phụng ra, hằng năm con cháu Phước tộc ở đây cũng tổ chức các ngày lễ kỵ, lễ chạp cho ông bà. Dù ở xa hay ở gần, đến ngày kỵ chạp, con cháu hoặc có mặt hoặc gửi tiền về tổ chức lễ. Không có phủ, phòng, nhà thờ nào quên hoặc từ chối trách nhiệm không làm việc đó, trừ phi có sự cố thất thường thời chiến tranh, đói kém. Ở phòng Phong Quốc Công tổ chức các lễ kỵ húy vào ngày 26 tháng 6 hàng năm. Ở phủ Tuy Lý, lễ húy kỵ được tổ chức vào các ngày sau: ngày 25 và 26 tháng 8 Âm lịch kỵ đức Từ (mẹ ngài Tuy Lý); ngày 23 và 24 tháng 10 Âm lịch kỵ đức ông Tuy Lý; ngày 10 và 11 tháng 7 Âm lịch kỵ đức bà Tuy Lý, ngày 20 tháng Chạp là ngày tảo mộ chung.

Bản thân Tuy Lý Vương cũng là một tấm gương sáng về chữ hiếu. Ông có mẹ là bà Tiệp Dư họ Lê, vợ của vua Minh Mạng. Theo con cháu kể lại thì ông là người rất mực hiếu thảo với mẹ. “Khi nào Người đến thăm mẹ người hoàn toàn không còn là một hoàng thân quốc thích mà trở lại làm một đứa con nhỏ bé, đầu không đội mão, chân không đi giày rón rén bước vào hầu và chờ mẹ dạy bảo” (trích diễn văn của Thủ tự phủ Tuy Lý trong Lễ 100 năm ngày mất của Tuy Lý Vương). Ngài Tuy Lý hết sức chăm nom, phụng dưỡng mẹ già, là tấm gương hiếu nghĩa trong hoàng tộc và dân chúng, người đời đều kính phục. Không phải ngẫu nhiên mà dân kinh kì gọi ông là “ông Hoàng hiếu” để ca ngợi tấm lòng hiếu nghĩa của một người con thân mang vương tước như ông vậy.

Con cháu sau này, ai nấy đều noi theo, làm tròn chữ hiếu với cha mẹ. Ít khi nghe đến sự bất hiếu, bất mục của con cái trong dòng tộc với các đấng sinh thành ra mình. Dù ở đâu đi chăng nữa thì đến ngày kị giỗ ông bà, cha mẹ, con cháu đều thắp nén hương tưởng nhớ đến công ơn của người đã sinh ra mình. 

Sự coi trọng giáo dục trong các phủ, phòng, tư thất hoàng tộc

Dòng dõi hoàng tộc, công thần ở Vỹ Dạ còn là những tấm gương hiếu học, sản sinh ra nhiều bậc tài trí, có nhiều cống hiến cho đất nước. Khi thời Nguyễn còn tồn tại có Tuy Lý Vương, Phong Quốc Công, Tôn Thất Hân… là rường cột nhà Nguyễn, đến các bậc hậu sinh như Ưng Bình Thúc Dạ, Bửu Cầm, Bửu Ý, Bửu Chỉ, Tôn Thất Tiết… đều làm nên tiếng thơm cho dòng họ.

[if gte mso 9]> Normal 0 false false false MicrosoftInternetExplorer4 Nhà thờ họ Nguyễn Phước ở Vỹ Dạ

Đất thần kinh là đất học. Ở đây tận dụng được nền giáo dục cấp tiến của nhiều thời đại, lại được hun đúc trong không gian xứ Huế rất giàu những giá trị văn hóa. Dòng dõi Nguyễn Phước tộc là đại diện sáng giá cho truyền thống hiếu học. Ở đất kinh kỳ ngày xưa, nghe đến con cháu Nguyễn Phước tộc người ta đã biết đến tài học của họ rồi. Rất nhiều vị đã đỗ đạt, thành tài, góp sức cho quốc gia, dân tộc. Truyền thống đó đã được vun đắp, nối tiếp từ đời này sang đời khác, ăn sâu trong tiềm thức con cháu dòng họ.

Sự hiếu học thể hiện từ xưa, ngay trong chính ngôi nhà cư trú của dòng họ này. Thường thì bên chái tây của ngôi nhà là nơi sinh hoạt của các cậu con trai, đồng thời là nơi học hành, dùi mài kinh sử. Ở đây luôn luôn có một tủ sách để tham khảo. Đây đó còn có đàn tranh, đàn nhị, đàn bầu và sáo treo trên vách tạo nên một không khí học tập đầy nhạc tính, thi vị.

Tuy Lý Vương dạy con cháu rằng: “Cái học vô cùng” để nhắc nhở con cháu phấn đấu học tập, trở thành bậc trí dũng phụng sự tổ quốc. Phủ Tuy Lý ngày xưa vừa là nơi tao nhân thi khách lui tới vừa là nơi giáo dục con cháu có tiếng ở đất Huế. Con cháu Tuy Lý sau này đều trở thành hiền tài, thông văn tường thơ.

Các phủ, phòng khác nếu có điều kiện đều mời thầy giỏi về dạy cho con cháu mình. Nhà cụ Thượng Tôn Thất Gián từng mời nhạc sĩ Nguyễn Hữu Ba về dạy đàn tranh cho cô Tôn Nữ Thị Phu (chị ruột của nhà soạn nhạc nổi tiếng Tôn Thất Tiết). Bà Phu sau này là một người chơi đàn giỏi có tiếng ở đất Huế hồi thế kỉ XX.

Chúng tôi ghé thăm nhà ông Nguyễn Phước Vĩnh Tháp, thuộc dòng dõi Phong Quốc Công, ngạc nhiên trước pho sách đồ sộ trong nhà ông. Ông mê sách đến độ ở góc nào cũng thấy toàn sách vở. Ở cái tuổi 76 mắt mờ, tai lãng mà ông còn mê học đến thế quả là hiếm có. Ông Vĩnh Tháp mơ màng kể lại chuyện xưa về truyền thống giáo dục trong gia đình. Lúc ông còn nhỏ, ông nội (tức ông Ưng Đam (1872-1952) rất coi trọng việc học của con cháu. Ông Ưng Đam đã mời thầy dạy học ở tận Thanh Hóa vào dạy chữ Hán và chữ quốc ngữ cho con cháu trong nhà. Đó là con đường tiếp thu chữ nghĩa đầu tiên của ông.

Không những mời thầy ngoài đến dạy, một số gia đình còn tự mình dạy con cái. Gia đình Bửu Chỉ là một gia đình như thế. Bà thân mẫu của hoạ sĩ là bà giáo Nguyễn Thị Trâm - người từng dịch truyện Kiều sang Pháp ngữ, dạy tiếng Pháp cho anh em nhà ông gồm 14 người từ khi mới nói bập bẹ. Vì thế cả gia đình đều giỏi Pháp ngữ. Điều này giúp ích rất nhiều đến con đường nghệ thuật của Bửu Chỉ.

Những tấm gương trọng học thuật

Con cháu Phước tộc ở Vỹ Dạ hiếu học và học cũng rất giỏi. Tuy Lý Vương nổi tiếng giỏi thơ văn với câu thơ mà vua Tự Đức ngự ban “Thi đáo Tùng Tuy thất thịnh Đường”, ý ca ngợi thơ của ông và anh trai Tùng Thiện Vương Miên Thẩm không thua gì thơ thi sĩ thời Đường (617-908) ở bên Trung Hoa.

Chính nhờ sự nghiệp giáo dục trong mỗi gia đình hoàng tộc rất được chú trọng nên dòng Tuy Lý nói riêng và các dòng hoàng tộc, công thần ở Vỹ Dạ nói chung học hành rất thông, nhiều người đỗ đạt cao và tài giỏi xuất chúng. Thế hệ sau, một số có đóng góp cho khoa học tự nhiên, khoa học xã hội và văn học nghệ thuật...

Trong khoa học tự nhiên phải kể đến nhà hóa học Bửu Hội (1915-1972), ông chuyên nghiên cứu về hóa học hữu cơ, chế biến dược phẩm. Bửu Hội đã công bố nhiều công trình khoa học ở các tạp chí hóa học danh tiếng của thế giới. Ông còn xuất sắc trong nghiên cứu về ung thư và năng lượng hạt nhân, là nhà hóa học người Việt được Chính phủ Pháp tặng thưởng huân chương cao quý Bắc Đẩu bội tinh hạng 3 vì những cống hiến lớn lao đó, và nhiều huy chương, giải thưởng khác của Hà Lan, Mỹ.

Trong khoa học xã hội phải kể đến những cây bút gạo cội nghiên cứu văn học như giáo sư  Bửu Cầm, Bửu Ý với những cống hiến lớn cho nền văn học nước nhà. Hai vị là những người tiên phong chèo lái một thời cho sự nghiệp giáo dục ở các trường đại học Huế và Sài Gòn. Giáo sư Bửu Cầm sinh năm 1920, một thời gắn bó với thôn Vỹ. Ông là người trí thức có vốn Hán học, giỏi Pháp ngữ. Giáo sư đã từng là trưởng ban Hán văn trường Quốc Học Huế và trường đại học Văn Khoa Sài Gòn. Bửu Cầm là nhà nghiên cứu lịch sử và ngữ văn cổ trung đại Việt Nam, văn hóa, triết học cổ Trung Hoa và đã đóng góp nhiều công trình giá trị về lịch sử văn học, ngữ âm, văn hóa cho học thuật nước nhà.

Giáo sư Bửu Ý là người uyên bác, vừa là nhà văn, nhà soạn kịch, vừa là dịch giả nổi tiếng. Ông cũng có nhiều công trình chuyên khảo về văn học Việt Nam và biên dịch văn học thế giới. Ông còn là nhà nghiên cứu nhạc phẩm Trịnh Công Sơn theo những chiều tư duy biện luận khá sắc sảo, để lại dấu ấn trong sự thưởng thức theo chiều sâu những nhạc phẩm của người nhạc sĩ nổi tiếng tài hoa này.

Về lĩnh vực văn học nghệ thuật, Cụ Ưng Bình Thúc Giạ (1877-1961), cháu nội của ngài Tuy Lý, nối tiếp cha ông trở thành một thi sĩ đầy tài năng ở xứ Huế. Cụ có nhà vườn ở Tây Thượng, sát Vỹ Dạ, rất rộng và lãng mạn. Cụ Ưng Bình đã lập nên  Hương Bình Thi Xã quy tụ nhiều nhân tài thơ văn cùng nhau xướng họa, để lại nhiều thi phẩm có giá trị nửa đầu thế kỉ XX. Ưng Bình Thúc Giạ Thị để lại những câu thơ về thôn Vỹ với tên gọi là Nội Lách như sau:

“Mấy chữ xin đem về Nội Lách.
Gọi câu thăm viếng tưởng rồi trông”

Trong nghệ thuật nổi, tiếng nhất, cá tính nhất có lẽ là họa sĩ Bửu Chỉ (1948-2002). Ông vừa là một người yêu nước, vẽ tranh phản chiến, đã từng vào tù ra tội thời chống Mỹ, lại vừa là một họa sĩ tài hoa với phong cách mang đậm chất Tây kết hợp với triết luận Phật giáo phương Đông trong từng nét vẽ. Ông để lại nhiều tác phẩm nổi tiếng như Nhà Thơ Nằm Chết, Trái Tim Trổ Bông, Ngựa Đá, Người Mang Dáng Cổ Thành v.v… được nhiều nhà sưu tập trong và ngoài nước đón nhận.

Nhạc sĩ Tôn Thất Tiết (sinh năm 1933) ngày xưa từng ở thôn Vỹ, dòng dõi cụ Thượng Tôn Thất Gián, cũng là một người cháu hoàng tộc nổi danh ở nước ngoài. Chính mảnh đất đằm thắm, thi vị này đã tạo nên tâm hồn nhạc phú của nhà soạn nhạc không lời nổi tiếng ở nước ngoài này. Nhạc phẩm của ông được chính phủ Pháp và nhiều tổ chức đặt hàng. Nhạc của Tôn Thất Tiết được đánh giá là những nhạc phẩm mang hơi hướng Tây nhưng ẩn chứa những nét thuần mỹ phương Đông.

Truyền thống ấy còn pha hưởng qua những thế hệ như dâu, rể. Trường hợp người con dâu của phủ Tuy Lý, bà Điềm Phùng Thị (1920-2002) là một ví dụ. Bà là vợ của bác sĩ nha khoa Bửu Điềm, đời thứ tư dòng Tuy Lý. Điềm Phùng Thị cũng là một người làm nghệ thuật thành danh, nổi tiếng thế giới với các tác phẩm điêu khắc đồ sộ của mình. Bà là hiện thân của nghệ thuật điêu khắc Việt Nam đương đại và có chỗ đứng vững chắc trong dòng văn hóa Huế.

Ngày nay, tiếp nối truyền thống hiếu học của cha ông, con cháu Phước tộc ở Vỹ Dạ cũng học hành rất giỏi giang. Nhiều người đã thành tài, cống hiến sức mình cho quê hương, đất nước. Ông Nguyễn Phước Vĩnh Phú, hiện trông coi phủ thờ Tuy Lý, cho biết trong dòng tộc hiện không có cháu nào thất học, phần lớn học hành thành đạt. Hằng năm, một số phòng, phủ còn lập quỹ khuyến học để cổ vũ tinh thần học tập của con cháu. Truyền thống hiếu học của các gia đình hoàng tộc ở Vỹ Dạ là một truyền thống tốt đẹp, giàu tính văn hóa và kế thừa. Chính điều này đã tạo nên một nét gia phong trong các phòng, phủ, tư gia ở mảnh đất ươm trăng, gieo thơ.


Vương triều Nguyễn nói lời cáo chung với lịch sử dân tộc đã 65 năm. Chừng ấy thời gian cũng đủ để làm phai một kiếp người, xóa nhòa đi những kí ức đẹp về một thời vàng son của đế chế một thời. Thôn Vỹ cũng đã qua rồi thời sương khói bềnh bồng, thi nhân lai vãng sớm hôm mà nhường chỗ cho phố thị đông đúc, ồn ào. Con cháu dòng dõi hoàng tộc vì kế mưu sinh cũng đã phân tán tứ phương, chỉ còn lại đây đó những thân già luyến tiếc cảnh xưa quay về cố hương an nhàn sinh phận. Có lẽ, điều còn lại sâu đậm, in hằn như một tấm mộc bản trong lòng con cháu Nguyễn Phước tộc ở thôn Vỹ chính là những nét gia phong được trồng lên trên quê hương “mướt quá xanh như ngọc”.

L.V.T.G
(273/11-11)






Các bài mới
Gởi Trinh (05/12/2011)
Các bài đã đăng