Tạp chí Sông Hương - Số 19 (T.6-1986)
Tôi đã gặp một con người - Ô-lôp Pan-mơ
11:20 | 02/02/2012

ĐỖ HỮU CHÍ

Tin Ô-Iôp Pan-mơ bị ám sát làm tôi bàng hoàng xúc động không kém như khi nghe tin bà Indira Găng-đi bị ám sát. Chỉ có sự khác nhau, tôi vừa được gặp bà Găng-đi trước đấy mới có vài tháng, còn Ô-lôp Pan-mơ thì tôi đã gặp và nói chuyện cách đây 18 năm.

Tôi đã gặp một con người - Ô-lôp Pan-mơ
Thủ tướng Thụy Điển Olof Joachim Palme - Ảnh: internet

Những con người tuyệt diệu, nhân hậu. Những con người của hòa bình, của tiến bộ, của tình thương và chân lý lại chính là kẻ thù không đội trời chung của đế quốc, của phản động và tay sai hòng ngăn chặn và đẩy lùi bánh xe lịch sử ngay cả bằng những thủ đoạn hạ tiện. Nhưng chính chúng đã chuốc lấy thất bại, đã tự thú nhận sự yếu kém, sự bất lực, bàn tay của chúng không che được ánh sáng mặt trời. Chúng chỉ làm cho những Indira Găng-đi, những Ô-Iôp Pan-mơ, những Tô-ri-hốt(1) và cả những em bé như Sa-man-ta Smít v.v…(2) trở nên bất tử.
 

Tấm biển tưởng niệm tại chỗ Olof Palme bị ám sát, góc đường Sveavägen-Olof Palme ở Stockholm. Ảnh: wiki


Chúng ta như vừa nghe, thấy Ô-lôp Pan-mơ nhấn mạnh tầm quan trọng của Bản tuyên bố Niu Đen-li, được thông qua tháng 1-1985 tại cuộc Hội nghị của các nhà lãnh đạo 6 nước (3) của 4 lục địa: Trong bản tuyên bố này lại vang lên lời kêu gọi chấm dứt các cuộc thí nghiệm, sản xuất và phổ biến vũ khí hạt nhân và tên lửa mang đầu đạn hạt nhân. "Theo ý chúng tôi, hai việc cụ thể cần đặc biệt chú ý: ngăn chặn chạy đua vũ trang trong vũ trụ và một hiệp định chung nhằm chấm dứt các cuộc thí nghiệm. Chúng tôi xin mời các dân tộc, các quốc hội và các chính phủ trên thế giới kiên quyết ủng hộ lời kêu gọi đó".

Và một Ủy ban Ô-Iôp Pan-mơ theo tinh thần trên đã được thành lập.

Tại cuộc hội nghị đặc biệt lần thứ hai của Quốc tế xã hội chủ nghĩa về giải trừ quân bị (diễn ra ngày 16 và 17-10- 1985 tại Viên) Ô-lôp Pan-mơ, Chủ tịch Đảng công nhân xã hội dân chủ Thụy Điển, cũng đã tuyên bố: "Chúng ta nhiệt liệt chào mừng cuộc gặp gỡ cấp cao sắp đến ở Giơ-ne-vơ. Chương trình nghị sự của các cuộc hội đàm song phương bao gồm nhưng vấn đề mà tất cả chúng ta đều quan tâm: những hiệp định có hiệu quả nhằm ngăn chặn chạy đua vũ trang trong vũ trụ và chấm dứt chạy đua vũ trang trên trái đất, hạn chế và giảm bớt những vũ khí hạt nhân và củng cố sự ổn định chiến lược.

"Những đề nghị mới của lãnh tụ Xô Viết về giảm bớt và hạn chế việc thí nghiệm vũ khí vũ trụ phải được coi là một hành động tích cực. Hội nghị thượng đỉnh phải đem lại những kết quả cụ thể. Chúng ta chờ đợi và chúng ta có quyền đòi hỏi phải như vậy".

Đó là những cái gai trước mắt bọn thù địch nhưng không phải chỉ mới bây giờ.
 

Olof Palme đi biểu tình ở Stockholm sát cánh với đại sứ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa Nguyễn Thọ Chân tháng 2/1968- Ảnh: wiki

Năm 1968, chúng tôi ở trong đoàn đại diện của Mặt trận dân tộc giải phóng miền Nam việt Nam sang thăm Thụy Điển, ngay sau sự kiện Thủ tướng Ô-Iôp Pan-mơ dẫn đầu đoàn biểu tình của nhân dân Stockhom xuống đường chống Mỹ xâm lược Việt Nam.

Thụy Điển là đất nước của ao, hồ và rừng thông, tùng, bách. Số dân ít (8 triệu người) nhưng lại là một trong những nước công nghiệp phát triển của thế giới.

Xe chúng tôi vừa đến Dinh Thủ tướng thì Ngài Ô-Iôp Pan-mơ, một người dong dỏng cao, ăn mặc giản dị (có lẽ còn kém bộ quần áo của chúng tôi đang mặc) đã từ trên bậc thềm bước xuống thân mật niềm nở ôm hôn chúng tôi và nói: "Tôi đã được biết về cuộc tấn công Mậu Thân (1968) của nhân dân các Ngài. Chắc chắn đây chỉ là cuộc diễn tập. Mỹ-ngụy sẽ còn chịu đựng những cuộc diễn tập như vậy cho đến khi bị tống cổ hoàn toàn. Có phải vậy không các bạn thân thiết của tôi?"

Chúng tôi cười vui vẻ thay cho câu trả lời đồng tình và cũng không quên nghề nghiệp ngoại giao: "Xin chân thành cảm ơn Ngài. Ngày ấy sẽ đến sớm hơn với sự giúp đỡ, ủng hộ của Ngài và của nhân dân Thụy Điển cũng như của nhân dân tiến bộ trên thế giới". Ô-Iôp Pan-mơ dẫn chúng tôi vào phòng khách. Chỉ độc có một chiếc bàn trên ấy có ít hoa quả và rượu nhẹ, không có ghế ngồi. Chúng tôi đứng quanh bàn, Ô-lôp mở nút chai rượu nho và nói:

"Theo thủ tục ngoại giao, chủ nhân phải rót trước vào cốc mình một ít rượu, rồi mới rót đầy cốc cho khách, sau đó lại rót tiếp vào cốc mình để chứng tỏ rượu không có thuốc độc. Nhưng không lẽ giữa các bạn và chúng tôi mà lại còn phải giữ kẻ như vậy sao. Để tỏ lòng khâm phục cuộc chiến đấu vô cùng gian khổ và anh hùng của nhân dân Việt Nam, tôi xin phép rót đầy cốc các bạn trước và cũng để nói lên rằng, các bạn có thể hoàn toàn tin cậy ở sự đồng tình và ủng hộ của nhân dân chúng tôi". Những câu nói chí tình và ân nghĩa làm sao! Hình như trong đoàn chúng tôi có chị đã quay mặt để dấu nước mắt lưng tròng.

Thủ tướng hỏi tiếp về cuộc chiến đấu của ta và nói tiếp: "Chính phủ Thụy Điển đã sẵn sàng giúp mấy trăm triệu đồng (tiền Thụy Điển) nhưng riêng tôi sẽ vận động Quốc hội và cá nhân góp vào cũng sẽ ủng hộ ngần ấy nữa".

Trong đoàn chúng tôi, có người xin phép hỏi một câu quá bộc trực: "Vì sao Thụy Điển là một nước tư bản, Ngài thuộc Đảng Công nhân xã hội - dân chủ mà nhân dân Thụy Điển do Ngài lãnh đạo lại ủng hộ chúng tôi tích cực đến thế". Có người trong đoàn có vẻ không bằng lòng với câu hỏi như vậy, nhưng Thủ tướng Ô-lôp Pan-mơ đã cười vang và vui vẻ trả lời: "Vì chúng ta đều là Mác-xít cả". Rất hóm hỉnh và tế nhị, vì Mặt trận dân tộc giải phóng miền Nam do Đảng Nhân dân cách mạng lãnh đạo chẳng phải là Mác-xít Lê-nin-nít sao?

Thủ tướng hướng dẫn chúng tôi đi xem và giới thiệu nội dung, ý nghĩa mấy bức tranh treo trong phòng khách. Sau đấy kết thúc buổi hội kiến. Thủ tướng nói: "Chúng ta cần tranh thủ thời gian, nhất là với các bạn, các bạn còn nhiều việc phải làm để nhân dân chúng tôi hiểu rõ hơn nữa cuộc đấu tranh chính nghĩa và tất thắng của các bạn.

Đất nước chúng tôi mạnh về công nghiệp giấy, về đóng tàu biển, về khoan dầu ngoài biển. Chắc chắn khi nước các bạn hoàn toàn giải phóng và thống nhất, các bạn sẽ cần đến những thứ đó và chúng tôi sẵn sàng giúp đỡ và hợp tác để khôi phục và phát triển kinh tế của đất nước đã bị chiến tranh tàn phá. (Điều đó sau này đã trở thành hiện thực với nhà máy giấy Bải Bằng ở Vĩnh Phú, Bệnh viện bà mẹ trẻ em ở Hà Nội, mở rộng nhà máy điện Thủ Đức ở Thành phố Hồ Chí Minh v.v...). Các bạn chiến đấu cho dân tộc mình và cho nhân loại tiến bộ, cho hòa bình và chân lý, chúng tôi có trách nhiệm phải đóng góp. Xin cảm ơn các bạn không quản đường sá xa xôi đã đến thăm và làm cho chúng tôi hiểu rõ thêm con người và đất nước của Chủ tịch Hồ Chí Minh kính mến".

"Còn bây giờ chỉ có một điều nhỏ nhưng cũng phải nói để các bạn thông cảm cho, khỏi phải hiểu lầm nhau. Khi tôi đến đây với tư cách Thủ tướng tiếp đoàn đại diện của Mặt trận dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam tôi phải đi xe ô tô cho đúng nghi lễ, còn bây giờ cuộc hội kiến đã xong, tôi không còn là thủ tướng nữa mà chỉ là một người Thụy Điển bình thường như trăm nghìn người Thụy Điển khác. Vậy các ngài cho phép tôi lấy xe đạp của tôi để sẵn ở đây để đi về nhà".

Chúng tôi bâng khuâng và cảm động nhìn theo bóng dáng nhanh nhẹn của Ô-lôp Pan-mơ nhảy lên xe, đạp ra khỏi cổng Dinh Thủ tướng, không hề thấy người nào bảo vệ đi theo. Trong đầu óc tôi hiện lên rõ nét phải chăng đây là Con Người như Maxim Goóc-ki, nhà văn của Liên Xô đã nói?

Đ.H.C
(SH19/6-86)




--------------------
(1), (2) Tô-ri-hốt: đại tướng anh hùng dân tộc Panama và Samanta Smít (em gái Mỹ đã đi thăm Liên Xô đã bị chết vì tai nạn máy bay mà ai cũng dễ đoán ra nguyên nhân).
(3) 6 nước đó là: Ác-hen-ti-na. Ấn Độ, Mê-hi-cô, Tan-za-ni-a, Thụy Điển, Hy Lạp.







 

Các bài mới
Quê nhà (10/02/2012)
Các bài đã đăng
Trước giờ G (27/12/2011)
Đồng chí (13/12/2011)
Thơ tám câu (09/12/2011)