[if gte mso 9]> “Hằng năm cứ vào cuối thu, lá ngoài đường rụng nhiều và trên không có những đám mây bàng bạc, lòng tôi lại nao nức những kỷ niệm mơn man của buổi tựu trường. Tôi quên thế nào được những cảm giác trong sáng ấy nảy nở trong lòng tôi như mấy cánh hoa tươi mỉm cười giữa bầu trời quang đãng... ...Buổi mai hôm ấy, một buổi mai đầy sương thu và gió lạnh, mẹ tôi âu yếm nắm tay tôi dẫn đi trên con đường làng dài và hẹp. Con đường này tôi đã quen đi lại lắm lần, nhưng lần này tôi tự nhiên thấy lạ. Cảnh vật chung quanh tôi đều thay đổi, vì chính lòng tôi đang có sự thay đổi lớn: Hôm nay tôi đi học ” [1]. Được trích dẫn và truyền tụng, vì giá trị giáo dục: đoạn văn ca ngợi buổi đi học đầu tiên, ngày tựu trường, và đề cao việc học, văn hóa, trong giai đoạn người đi học chưa nhiều. Về hình thức, câu văn trong sáng, cú pháp minh bạch. Từ vựng giản dị, nôm na, nhưng kỳ thật đã là phong phú vào thời điểm 1941, với những tính từ: bàng bạc, nao nức, mơn man, quang đãng… tuy là thuộc vốn từ vựng cũ, nhưng cách dùng thì mới mẻ. Người xưa đã từng viết: xem trong âu yếm có chiều lả lơi, nhưng không nói: mẹ tôi âu yếm nắm tay tôi. Câu văn hay còn vì cách chấm câu, uyển chuyển, thong thả, nhịp điệu kéo dài, để đưa đến câu ngắn kết thúc: hôm nay tôi đi học. Câu văn còn mới mẻ ở nội dung tả tâm trạng một đứa bé, nội dung này ước lệ, đặt lý tưởng người lớn vào tâm lý, ngôn ngữ trẻ con, nhưng vẫn quý hiếm, vì nó quan tâm đến trẻ con, điều mà, xưa kia, ít thấy trong văn chương. Do đó, câu văn không hiện thực nhưng có tác dụng giáo dục cao. Và nhìn chung vào sự nghiệp Thanh Tịnh thì thấy, trong bản chất, ông là một nhà giáo, trong truyện, thơ cũng như kỹ thuật “độc tấu” về sau. Đoạn văn không hiện thực. Vì thời ấy trường học, và người đi học, còn ít. Trẻ con nhiều em sợ học, sợ đến trường; vì đi học… là chuyện không bình thường. Huy Cận, kém Thanh Tịnh 8 tuổi, kể lại: “Tôi còn nhớ mấy ngày đầu đến nhà bác Thự, tôi lười học, cứ trốn về nhà. Sau đó mẹ tôi và chú tôi phải trói tôi lại, gánh tôi bằng một cây tre như gánh lợn đi chợ, mẹ đi trước, chú đi sau, đến giao cho bác Thự ” [2]. Cái làng quê Ân Phú, Hà Tĩnh của Huy Cận thì cũng na ná như làng Dương Nỗ (thật) hay Mỹ Lý (tưởng tượng), Thừa Thiên của Thanh Tịnh, việc học cũng tương tợ vậy thôi. Mà có riêng gì Huy Cận đâu! Thế Lữ, hơn Thanh Tịnh 4 tuổi, cũng kể chuyện tương tợ: “Lên tám tuổi, tôi học chữ nho. Tôi sợ phải đòn, trốn học, thầy đồ sai học sinh, có khi trói tay trói chân tôi, cho đòn càn gánh về. Tôi càng sợ. Mười tuổi mới học quốc ngữ với ông bác họ. Ông ít đánh ” [3]. Dĩ nhiên, cảnh đi học mỗi nơi mỗi khác, nhưng tâm lý trẻ con sợ việc học, ngày xưa, không chênh lệch bao nhiêu. Cũng phải nói thêm rằng cảnh “tôi đi học ” ấy vẫn thường thấy trong các sách tập đọc tiếng Pháp thông dụng tại các trường Cao đẳng tiểu học thời Thanh Tịnh đi học, như một đoạn trích văn Anatole France (1844-1924) từ tập truyện Cuốn sách của bạn tôi (Le Livre de mon ami, 1885): “Tôi sẽ kể cho các bạn nghe, hằng năm tôi nhớ lại những gì, với bầu trời thu vần vũ, những bữa cơm chiều bắt đầu phải lên đèn, và lá úa vàng trên cành cây run rẩy; tôi sẽ kể bạn nghe, tôi thấy lại những gì khi đi ngang công viên Lục xâm bảo, những ngày đầu tháng mười, bầu trời buồn và đẹp hơn bao giờ hết; vì đây là mùa lá rụng từng chiếc trên vai những pho tượng trắng hếu. Tôi thấy lại, trong công viên, hình ảnh chú bé con, tay thọc túi quần, lưng đeo túi sách, đi đến trường, nhảy nhót chân chim. (…) Cách đây hai mươi lăm năm, vào mùa này, mỗi buổi sáng trước tám giờ, nó đã băng qua công viên đẹp để đến lớp. Con tim có phần se sắt: hôm ấy là ngày khai trường”. Câu chót, tôi dịch sát “c’était la rentrée ”, nhưng dịch thoát sẽ là: hôm nay tôi đi học, là rập khuôn theo câu văn… Thanh Tịnh. Tác phẩm Anatole France không nổi tiếng, nhưng vẫn được đánh giá cao vì tính cách cổ điển, trong sáng và tinh tế. Ông được giải Nobel năm 1921. * Những lý luận trên đây không nhằm giảm giá tác phẩm Thanh Tịnh. Đó là những hậu quả, hay hiệu quả tự nhiên trong nghề cầm bút. Thanh Tịnh thuộc thế hệ tác giả phải vừa viết văn, làm thơ vừa học cách làm thơ, viết văn. Xuân Diệu công nhận việc thừa kế nghệ thuật của mình bằng cách nhắc lại một câu tục ngữ Pháp: anh nào trồng cải thì đã bắt chước ai đó. Trong nghề văn, vấn đề không phải là không bắt chước ai, mà làm sao không ai bắt chước được mình. Hiệu quả là không ai bắt chước được Xuân Diệu hay Thanh Tịnh. Dù sao, nguồn hứng của Thanh Tịnh hoàn toàn không đến từ văn chương nước ngoài hay kẻ khác. Nguồn cảm hứng, thậm chí khuôn mẫu nghệ thuật của Thanh Tịnh là ca dao, dân ca. Ông nhìn làng mạc Việt Nam qua câu hát dân gian, cho nên nông thôn trong truyện, từ phong cảnh đến con người đã tái hiện dưới ánh sáng lý tưởng, gạn lọc cảnh lầm than, làm nổi bật những nét thi vị. Thi ca cấu trúc không riêng gì tập truyện Quê Mẹ, mà toàn bộ tác phẩm Thanh Tịnh, thậm chí cả cuộc đời ông, nổi chìm theo lịch sử. Nhiều truyện ngắn của ông được cấu trúc theo một câu ca dao, ví dụ truyện Quê Mẹ dựa theo câu: Chiều chiều ra đứng ngõ sau Ngó về quê mẹ ruột đau chín chiều Cô Thảo nhà nghèo, và lấy chồng nghèo ở làng xa. Nhưng ngày giỗ vẫn được chồng và nhất là mẹ chồng giúp đỡ để về quê mẹ: “Sung sướng nhất là gái có chồng về nhà mẹ. Cô Thảo tuy về giỗ ông nhưng không làm gì hết. Cô vào phòng mẹ nằm ngủ cả buổi chiều, mãi đến lúc gần cúng, cô mới chịu đi ra ngoài ” (tr. 10). Trong thực tế, đây là ngoại lệ. Nhưng trong thế giới Thanh Tịnh, nó là biểu tượng, là hình ảnh một xã hội không tranh chấp, giữa vợ chồng, mẹ chồng nàng dâu, nông dân địa chủ, cái cũ và cái mới. Một xã hội như thế khó bề có thực, nhưng vì tác giả nhìn đời bằng đôi mắt thi ca, nên chỉ nhìn thấy, và đề xuất những nét an bình, hạnh phúc, thi vị. Trong làng, nghèo nhất phải là người đi mót lúa, nhưng họ không cùng cực, vì chủ ruộng và thợ gặt nhân nhượng: “cách gặt của họ cũng biết điều chớ không phải vơ vét hết sạch đâu. Họ còn phải để lại ít nhiều cho người nghèo nữa ” (tr.28). Ngược lại, từ phía bên kia: “tuy người khố rách áo ôm, họ vẫn để điều nhân nghĩa lên trên tất cả. Một câu ca dao miền Trung đã tả được nỗi lòng người đi mót: (…) Tôi đến đây mót lượng từ bi Mót điều nhân nghĩa chớ mót chi lúa ngài Người mót lúa là cô Hoa. Cha mẹ nghèo và lấy phải chồng nghèo trong truyện Con so về nhà mạ, cũng dựa theo ca dao: “theo tục lệ, thì chỉ đẻ con so là về nhà mẹ thôi. Chứ cô sinh đẻ mấy lần, cô cũng qua nhờ mẹ cả ” (tr.33), vì chồng nghèo quá, không lo kham việc vợ đẻ. Mà mẹ thì cũng nghèo thôi. Nông thôn trong truyện là một xã hội nhân ái, nên con người nghèo khổ vẫn không khốn cùng. Được vậy, là do tấm lòng nhân ái của Thanh Tịnh đưa đến cách ông nhìn cuộc đời qua lăng kính của thi ca. Một ví dụ khác, một truyện hay, qua hành văn nhuần nhuyễn là Tình trong câu hát, tr. 90, được cấu trúc trên mấy câu hò mái nhì, chủ yếu là câu: Tình về Đại Lược Duyên ngược Kim Long Đến đây là chỗ rẽ của lòng Gặp nhau còn biết trên sông bến nào Câu hò được cấu trúc trên một chữ “lòng” trong hai nghĩa, cả hai nghĩa đều thông dụng, là lòng sông và lòng người. Khi lòng sông phân rẽ, hai con đò phải cách xa, ẩn dụ tâm tình của lòng người cũng phải chia ly. Trên hạt nhân ấy, là một loạt ẩn dụ liên kết (métaphore filée): sông, bến, tình, duyên, Đại Lược, Kim Long, lại thêm phần vần vè. Trên hạt nhân sẵn có này, Thanh Tịnh hư cấu câu chuyện nằm chồng lên, và xây dựng một tuyến nhân vật, với những tình tiết thích nghi. Nhân vật Đạt phải là người góa vợ đã lâu, mới cất tiếng hát “não nùng”: Thuyền ai trôi trước Cho tôi lướt tới cùng… Rồi đò bên kia sẽ có giọng nữ vô danh cất lên, đáp lại, cho đến khi hai con thuyền chia biệt, tình về Đại Lược, duyên ngược Kim Long… Vũ Ngọc Phan là nhà phê bình tinh tế, đã viết về Thanh Tịnh đúng và hay, không tiếc lời ca ngợi truyện Tình trong câu hát, nhưng ông không nhận ra hư cấu này, nên đã nhận định “cảnh thực mà như mộng. Anh lái đò lo sợ mộng tan” [4]… Lẽ ra phải nói ngược lại: cảnh mộng mà như thực. Tầm nhìn thi vị và tấm lòng nhân ái của Thanh Tịnh đã hóa giải những tranh chấp cá nhân và xã hội, thậm chí cả những va chạm giữa cũ và mới. Các lớp học chữ Hán lặng lẽ và êm thắm nhường chỗ cho trường quốc ngữ; những chuyến đò dọc nhường khách cho tuyến đường sắt. Các phương tiện lưu thông chiếm một địa vị quan trọng trong tập truyện Quê Mẹ, vừa cấu trúc truyện kể, vừa chuyên chở biểu tượng cho một xã hội đang xê dịch, chuyển mình, đặc biệt với con đường sắt. Cuối cùng truyện Thanh Tịnh đánh dấu một buổi giao thời, và ghi lại nhiều vẻ đẹp một thời của quê hương qua những mẩu chuyện đôn hậu, tình cảm lành mạnh và lời văn trong sáng. Với khách tha hương, xưa và nay, tập truyện đầu tay của Thanh Tịnh xứng đáng với tên Quê Mẹ. Orléans, 15.11.2011 Đ.T (274/12-11) [1] - Thanh Tịnh, Quê Mẹ, Nxb Đời Nay, 1941, Hà Nội. Trích theo lần tái bản, tr.85, Nxb Văn Học, 1983, Hà Nội.
[2] - Huy Cận, Đời và Thơ, tr. 610, Nxb Văn Học, 1999, Hà Nội.
[3] - Thế Lữ, Cuộc đời trong nghệ thuật, tr.11, Nxb Hội Nhà văn, 1991, Hà Nội.
[4] - Vũ Ngọc Phan, Nhà văn hiện đại, 1942, quyển Tư, tập hạ, in lại, tr. 1109, Nxb Khoa Học Xã Hội, 1989, Hà Nội.
|