Tạp chí Sông Hương - Số 274 (tháng 12)
Tác phẩm mới tháng 12/2011
15:03 | 14/12/2011
@ Có lẽ tranh Đinh Cường thuộc diện đứng đầu top sử dụng làm bìa sách, tạp chí. Thêm một bức tranh nữa của họa sĩ tài danh này vừa được trình bày bìa cho Đặc san văn học Quán văn, số đầu tiên ra mắt vào tháng mười năm nay do nhà văn Nguyên Minh làm Chủ biên (Nxb Thanh niên).
Tác phẩm mới tháng 12/2011
[if gte mso 9]> Normal 0 false false false MicrosoftInternetExplorer4 Với 180 trang, khổ 13,5 x 20cm là kích cỡ của một cuốn sách đẹp; song ta có thể xem Quán văn là nguyệt san văn học chất lượng hội đủ yếu tố của một tờ tạp chí như: thơ, văn, dịch thuật, hội họa, âm nhạc, điện ảnh, tiểu luận, tư liệu văn học. Đinh Cường viết về Đỗ Trọng Khôi; Nguyễn Phan Thịnh với truyện cực ngắn “Bồ Tùng Linh và Cáo”; Hiếu Tân dịch “Cuộc cá cược lạ kỳ” của Chekhov; Trương Thìn phổ nhạc thơ trăng Hàn Mặc Tử; ông chủ web vcv Nguyễn Hòa; Phan Duy Nhân... sự góp sức ấy hẳn sẽ tạo hiệu ứng đối với các tác giả khác sẽ ghé Quán văn những số tiếp theo.


@  Rơm rạ chiều quê (Nxb Thuận Hóa - Huế, 2011), tên tập thơ mới của Triệu Nguyên Phong gợi cho ta nhớ về mảng trời xanh lơ trôi trên thôn xóm của một vùng chiêm trũng; ở đấy, mỗi trưa mỗi chiều hè, từng mảng khói từ bếp lửa rơm cứ vương hoài trên những ngọn lau.
Trong tập thơ này, Triệu Nguyên Phong đã dụng công để có được khá nhiều hình ảnh mang phong thái của sự sáng tạo. Ngay trong bài đầu tiên “Đêm Vĩ Dạ”, với gió gầy xao xác; âm hao giọng lá; bóng tôi rụng xuống dòng sông. Hay trong bài lấy làm đề cho tập thơ, có câu phát sáng: Bật tay xòe cọng diêm dĩ vãng. Xin dẫn thêm hai câu nữa ở bài “Mùa nắng gió” gần cuối tập: Em qua bến đò ngang/ Sóng quặn thắt dư lệ.


@ Nếu chiếu theo giá sách văn học trên thị trường như một số công ty liên kết sách đã làm, thì Làm thế nào ra khỏi những giấc mơ  dày 328 trang khổ 13x20.5 (Nxb Hội Nhà văn và Nhã Nam - 2011) là cuốn sách rẻ. Đây là tuyển truyện ngắn hay báo Văn Nghệ năm 2010 (lần thứ 2), gồm 20 tác phẩm “với những ý tưởng nhân sinh đã làm lay động chúng ta” (Khánh Phương).
Có thể sẽ có những truyện [ví như Đợi mặt trời] hay hơn, kỹ thuật viết cao hơn song để chọn tên cho tập sách, thì Làm thế nào ra khỏi những giấc mơ là xứng đáng nhất. Tên này chính là truyện ngắn của Đinh Thị Như Thúy. Lâu nay người ta chỉ biết đến nữ tác giả này qua thơ; nhưng lúc chị gắn tên mình với thể loại truyện ngắn thì đấy là một sự “ra mắt” đầy bất ngờ và thuyết phục.
Qua tập sách này, cũng là khẳng định một điều không được nhiều người thừa nhận: trên Văn Nghệ vẫn nhiều truyện ngắn khá và hay.


@ SBC lâu nay thường được hiểu là viết tắt của Săn Bắt Cướp, nay SBC là săn bắt chuột. Cuốn tiểu thuyết mới nhất này nhà văn Hồ Anh Thái cho xuất bản khi anh đang làm phó đại sứ tại Iran. Đây là “tham vọng” của nhà văn lật mặt những hạng người điển hình góp công bình ổn thực tại nhưng thật ra đang xáo trộn nền tảng đạo đức xã hội. Cuốn vào đấy cả một ông Cốp (chính khách), một thư ký (hàng rào ngăn không cho sếp đến với dân), một luật sư (đem hiểu biết về kẽ hở luật pháp để giúp sếp tách nhập tỉnh thành, hưởng lợi đất đai), một giáo sư (sa đọa và làm suy đồi giáo dục). Nhóm này bỗng nhiên mất trọng lượng vì đối đầu với lời nguyền của một con chuột nhà xác. Tất cả trở nên nhẹ bỗng như bóng bay, và bay lên, đầu chạm trần nhà. Ai sẽ là người giải được lời nguyền này?...
Có thể ví tác giả cầm cây viết nhọn bước vào một đại hội toàn thể. Từ phía sau cứ thế anh lần lượt chích chỏ từng con người đeo mặt nạ. Họ giật mình quay lại, nhưng nào thấy ai đâu.


@ Thủng thẳng qua cầu (Nxb Thuận Hóa, 2011) là tập thơ thứ 5 của Ngàn Thương. Phần “Thơ một thời” tác giả chọn mỗi năm một bài từ 1968 - 1973 (riêng năm 1973 hai bài) là những bài thơ chưa in trong những tập trước. Trong số 62 bài của tập, khá nhiều câu phảng phất mùi hương len vào trí nhớ: “Trên đỉnh Hải Vân” (người đàn bà – thắp ngọn nến hóa vàng – hong ấm bàn tay từ cõi âm về); Thế kỷ vẫn hiện tồn ông và Thị Lộ/ dìu nhau qua bể tang thương (Bụi phấn thời gian)…
Ở những tập thơ trước của Ngàn Thương vẫn vậy, không cao sang thâm thúy, không mấy nề hà câu chữ. Âm vọng cuộc sống dội vào thơ Ngàn Thương tự nhiên, hồn hậu, buồn mà không lụy. Đấy là một mảng quý giá Trong vườn trí tưởng của anh, khiến thơ anh gần gũi với đời thường, trở thành một phiên bản hiền hòa của cuộc sống.


@ Phạm Phương, một nhà văn sinh năm 1988, tốt nghiệp Đại học Khoa học tự nhiên, Đại học Quốc gia năm 2009. Giữa năm nay Sông Hương nhận được tập bản thảo truyện ngắn của Phạm Phương (do một người khác chuyển tới); Ban Văn đã đọc hết và chọn in truyện “Dòng sông máu” trên số tháng 8. Vài truyện gần đây như “Đỉnh cao”, “Báu vật màu lục bảo” (SH số 11) cho thấy lớp ngôn ngữ sáng rõ. Có thể nói, nữ tác giả này đang trải qua quá trình làm mòn để tươi mới trở lại. Phạm Phương vừa được Cty sách Phương Nam in tập truyện Giấc mơ (Nxb Hội Nhà văn). Ấy là thuận lợi không nhiều người viết trẻ có được.


@ Tagalau - “loài cây biểu trưng cho tính dân dã, sức chịu đựng, sự khiêm tốn, và nhất là cho nỗ lực nở hoa dù phải mọc trên mảnh đất nghèo cằn”. Những người yêu quý và đam mê văn hóa, văn học Chăm hẳn luôn biết đến tuyển tập Tagalau do nhà thơ Inrasara chủ biên. Kể từ năm 2000, đến hẹn lại lên, nay Tagalau 12  (Nxb Văn học; khổ 14,5 X 20,5cm) lại ra mắt bạn đọc đúng dịp tết Katê 2011. Trong cuốn sách này, ngoài mảng văn hóa Chăm mang tính khám phá, bạn đọc sẽ gặp những gương mặt văn thơ như Inrasara, Đồng Chuông Tử, Nhụy Nguyên, Trà Vigia, Tuệ Nguyên, Hoàng Long... Những trầm tích văn hóa Chăm (trong đó có văn hóa Ấn & văn hóa Phật giáo) luôn là kho tư liệu vàng vô tận cho giới văn chương khai thác.

(274/12-11)







Các bài mới
Cuộc tìm kiếm (03/01/2012)
Các bài đã đăng