Tạp chí Sông Hương - Số 274 (tháng 12)
Cõi người ta
09:50 | 22/12/2011
MAI KHẮC ỨNG Sang Montreal trốn nắng, nhiều ngày đẹp trời tôi thích đi đó đi đây. Lội bộ mãi rồi cũng chán. Tôi nghĩ ra cách ngao du bằng tàu điện ngầm liền với xe bus.
Cõi người ta
Thành phố Montreal - Ảnh: wiki
[if gte mso 9]> Normal 0 false false false MicrosoftInternetExplorer4 Montreal là ốc đảo, có dáng như một con thuyền nhoai sang hai phía đông tây. Bốn mạn đều được bọc bởi vành đai nước. Sông Saint - Laurent dài và rộng án ngữ phía nam. Có đoạn không nhìn thấy bờ bên kia y như biển. Sông Prairies bọc phía bắc, tách thành phố Laval sang bên kia. Hai dòng sông này từ hồ Montagnes bên tây cùng chảy sang bên đông rồi gặp nhau ở dưới chân cầu Pierre Le Gardeur. Cứ thế, nếu xuôi mãi theo đường nước thì lên thành phố Quebec rồi ra Đại Tây Dương, gần Bắc Cực. Bay, bò, bơi, chui tùy hỷ. Bay thì cao và xa lại vừa đắt vừa không cần thiết. Bơi thì chỉ một hai lần cho biết mùi nước rồi thôi. Bơi mãi cũng chán. Chui và bò là tiện. Bò gần là xe bus. Bò xa là xe lửa. Chui tàu điện ngầm liên vận rồi bò theo xe bus là đơn giản, rẻ tiền mà thú vị nhất. Bởi hai “anh chị” này rất bình dân lại xoắn xuýt với nhau. Ra khỏi xe bus là chui xuống đường hầm. Lên khỏi đường ngầm là bước vào xe bus. Một vé được cả anh lẫn chị “dẫn lối đưa đường” đi đến nơi về đến chốn. Mua vé tháng mặc sức xài.

Mấy tuần đầu tôi còn bỡ ngỡ. Đi đâu cũng cần người dẫn đường. Ở đời này cái gì lệ thuộc cũng bí. Đại sự quốc gia lệ thuộc là quốc gia tiêu vong. Tiểu sự cá nhân lệ thuộc là cá nhân mất quyền chủ động. Một vài lần, tôi nghiệm ra đặc điểm từng tuyến đường, từng loại phương tiện và thử “độc lập tự chủ” xem sao. Thì ra dễ ẹc. Tàu điện ngầm ở Montreal có bốn tuyến với sáu đầu ra (cũng là đầu vào). Xe bus thì đếm không xuể. Để làm quen với cặp “anh chị” này tôi nhận ngay ra một điều mà người ta đã có dụng ý bày cho những kẻ ngu ngơ như tôi là mầu đặc trưng và số.

Montreal ít chữ nghĩa. Đường phố thì dài và rộng. Cây xanh thẳng tắp hai bên lề đường nhưng tuyệt nhiên chữ nghĩa không băng qua, không phô ra như ở ta. Cờ và khẩu hiệu dường như không có. Tính ra vải làm cờ, làm băng, làm khẩu hiệu mà chăng cho rối mắt, gộp với mực, bút, công cán, thời gian cho cái việc này, kinh phí tổng cộng chắc dư sức nuôi bọn trẻ lang thang đường phố đủ mức phong lưu. Hèn chi phúc lợi xã hội với bảo hiểm y tế người ta ưu việt thế. Bỏ bớt, hạn chế hay triệt tiêu bệnh phô trương hình thức phù du để dành ngân sách cho len vào đời sống con người như là dụng ý ở nơi đây.

Băng cờ khẩu hiệu ít thì con cái họ được ăn ngon mặc đẹp nhiều.

Bốn tuyến tàu điện ngầm có bốn mầu đặc trưng: vàng cam, xanh dương nước biển, xanh lơ da trời, vàng chanh. Tuyến vàng cam đi và đến từ Cote-Vertu (bắc), chạy xuống Lionel-Groulx (nam), rẽ trái sang Champ-de-Mars (đông), lại rẽ trái lên Henri-Bourassa (bắc) rồi chui dưới đáy sông Prairies sang Montmorency bên Laval tạo thành ba cạnh của một hình chữ nhật. Tuyến xanh dương bắt đầu từ trạm Snowdon giữa cạnh phía tây tuyến vàng cam chạy ngang sang nối với trạm Jean-Talon giữa cạnh dài thứ hai cũng của tuyến vàng cam rồi cứ thế chạy thẳng sang phía đông làm nên trạm Saint-Michel đầu mối cuối cùng (Cuối cùng hiện thời thôi. Mai sau chắc còn đi tới). Tuyến xanh lơ bắt đầu từ trạm Angrignon thuộc vùng Lachin gần sông Saint-Laurent, chạy lên nối với trạm Lionel-Groulx, rẽ qua Atwater chạy song song với cạnh ngắn vàng cam và gặp tuyến này tại trạm Berri-Uqam rồi chui một mạch ra Honore-Beaugrand. Tuyến vàng chanh bắt đầu từ trạm Berri-Uqam luồn xuống bên dưới đáy sông Saint-Laurent sang Longueur. Xin hiểu rằng xuất phát tức đầu vào bên này thì đầu ra bên kia và ngược lại.

Cặp lên xuống tuyến vàng cam là Cote-Vertu - Montmorency.

Cặp lên xuống tuyến xanh lơ là Angrignon - Honore-Beaugrand.

Cặp lên xuống tuyến xanh dương là Snowdon - Saint-Michel.

Cặp lên xuống tuyến vàng chanh là Berri-Uqam - Longueur.

Bốn điểm giao tiếp quan trọng Snowdon, Lionel-Groulx, Berri-Uqam, Jean-Talon đều nằm trên tuyến vàng cam. Bởi vậy, nhớ trạm lên xuống, số xe bus gần nhà là đi đến nơi về đến chốn.

Tàu điện, xe bus của Montreal đẹp, sạch, đúng giờ, dễ lên xuống, tôi cho là phương tiện lưu thông bình dân đại trà tối ưu ở đất nước băng giá này.

Nhà tôi lưu trú trong những ngày trốn nắng Huế ở Montreal nằm trên đường Saint-Louis cạnh trạm tàu điện ngầm Du College thuộc tuyến vàng cam. Hễ rỗi là tôi chui xuống cho nó dắt đi chơi. Từ Du College xuôi xuống Lionel-Groulx đổi tàu sang tuyến xanh lơ để đến các trạm Atwater, Guy-Concordia, Peel, McGill là nơi tôi thích nhất. Mùa hè đến những chốn này rất mát. Mùa đông đến những chốn này lại ấm. Đối với người cao tuổi, mát, ấm, sạch sẽ là dễ chịu. Guy-Concordia và McGill là hai trung tâm đại học lớn. Đến đó ngắm con cái người ta khắp năm châu về đây tìm trí tuệ vui mắt đáo để. Thư giãn hợp nhất là Peel. Đến Peel là đến thiên đường trong lòng đất. Thành phố âm phủ ở đây đủ thỏa mãn mọi tầng cấp thượng lưu, trung lưu, hạ lưu. Chợ và trên chợ mà người ta gọi là siêu thị làm nên từng dãy dài. Đi bộ mệt nghỉ. Peel nằm bên tuyến xanh lơ nối ngầm với Bonaventure bên tuyến vàng cam. Nhà hàng, quán ăn, shop, phòng mạch, cửa hiệu, tiệm cắt tóc, tiệm sửa móng tay, móng chân gọi tắt là neo... sang trọng, lịch sự, đẹp đẽ và sạch sẽ hết mức. Nghĩa là trên dương gian có thứ gì thì dưới âm phủ có thứ ấy, đã đẹp rồi, nhưng “cái nết còn đánh chết cái đẹp”. Người thật đông. Ngõ ngách nào cũng tấp nập. Nhưng, cái sạch không chê vào đâu được. Thì ra ở đây không ai tự cho mình là “thượng đế”. Ai cũng nghĩ mình là con người. Con người là phải hơn con gà con vịt. Vào tiệm ăn, tốp khách trước vừa đứng dậy, tốp khách sau thế chỗ không hề phải né sang một bên cho người dọn bàn lau chùi quét dọn. Bởi việc ấy tốp khách trước đã tự động thực hiện đâu vào đó khi trả chỗ. Thì ra cái sạch có được phải từ sự đồng lòng và từ tình thương nhân loại. Ỷ thế ta là “thượng đế”, ta có quyền xả rác thì ta, không ai khác chính là người “hưởng thụ” rác xả mà thôi. Bởi người trước và người sau có thua gì ta đâu. Cái sạch dưới phố ngầm bắt nguồn từ cái sạch trong sâu thẳm tâm khảm mọi người. Montreal rất ít chữ nghĩa. Băng rôn, cờ quạt, khẩu hiệu hiếm thấy. Nhưng chính họ thực lòng hơn ta là “mỗi người vì mọi người” đã trở thành thuộc tính.

Đi miết rồi cũng mỏi chân, tôi với người bạn già tìm một chỗ ngồi tán gẫu. Ăn, uống đều chưa có nhu cầu nên kiếm vài trang giấy to, lắm chữ đọc cho biết. Ngồi mãi rồi lại dậy đi. Người đông là thế. Nhưng hình như chẳng ai biết có hai anh già lang thang xí một chỗ chỉ để ngồi nhìn thiên hạ. Chủ tiệm cà phê, chủ tiệm ăn uống, chủ tiệm mũ nón, chủ quán bánh Piknic, chủ tiệm tạp hóa quanh đó, chẳng ai mè nheo xua đuổi chúng tôi. Họ mua bán mặc họ. Chúng tôi ngồi mặc chúng tôi. Để ý mới biết. Người ngồi xuống, người đứng lên đều ngó quanh một chút xem có cái gì mình làm vương vãi ra không! Ai cũng muốn nơi mình sắp ngồi nghỉ sạch sẽ và nơi mình sắp đứng dậy từ giã cũng sạch như lúc mình vừa đến.

Ông bạn già vốn là người bên chợ Đuổi, Hà Nội, đúng giờ hẹn lên dương gian rủ tôi đứng dậy. Chúng tôi chia tay. Ông ta về hướng Honore-Beaugrand. Tôi lên tàu về phía Cote-Vertu. Lẽ ra tôi chui lên Du College nhưng còn lâu mới đến bữa nên tôi thử một vòng xe bus xem sao. Chưa đúng giờ lăn bánh, nhưng xe bus đã mở cửa đón khách. Người lái chắc có chút việc riêng nên còn vắng mặt. Khách trình tự nối vào hàng và tuần tự lên xe. Chẳng ai chen lấn xô đẩy ai. Tôi đi chơi để nhìn nên xuống ngồi ở chiếc ghế cuối xe. Mọi người tiếp tục lên. Người có vé tháng thì cà thẻ vào mặt bảng kiểm tra. Đèn xanh bật lên. Tiếng reo của chuông báo đã nhận, tích tích là yên chí tìm chỗ ngồi. Người mua vé lẻ thì bỏ tiền vào hộp nhận tiền tự động chờ lấy vé. Lặng lẽ mà tuần tự. Không có người lái nhưng không ai gian lận. Đúng giờ, xe lăn bánh. Không có phụ xe. Không ai kiểm soát vé. Thì ra mỗi người đã tự kiểm soát mình. Tôi nghĩ về ta. Người lái hò. Phụ lái hét. Người chen chỗ, người trốn vé, người gạ chơi bài may rủi, người bán hàng vặt... rối ren ồn ào và cùng nhau xả rác. Cõi người ta khác cõi mình có lẽ là bụng dạ con người. Con người chưa bước xa tâm tính con gà thì bươi đó và bài tiết đó.

Nhà tôi ở phía dưới chùa Thiên Mụ. Nhiều đoàn khách du lịch đi xe thật sang. Có những xe chăng nhiều băng cờ khẩu hiệu cho một cuộc hành hương định hướng về đất thánh long trọng lắm. Có những xe của trường đại học này, trường cao đẳng nọ, cơ quan này, xí nghiệp kia. Thế mà xe vừa chạy, từ nơi người đang phát ra tiếng hát hào hùng, ngay lập tức lá bánh, vỏ chuối, giấy gói... cứ tới tấp tung ra như vàng bạc hàng mã tung khỏi xe tang dọc đường Nguyễn Phúc Nguyên. Mấy người già chúng tôi đi bách bộ bên mép đường nói với nhau: “gà vịt là thế, ăn đâu bài tiết đó”.

Một vài lần có bạn từ xa đến, ở xa về hỏi tôi quán bún bò giò heo cổ điển. Tôi dắt sang đường Lý Thường Kiệt. Khách mới bước vào quán nhìn bàn ăn ngổn ngang giấy má, dưới chân bàn ngổn ngang rác rưởi. Xin lỗi! Giống như nơi bài tiết của bà con xóm núi. Khách - bạn tôi, ngán quá lui ra. Tôi dẫn bạn sang quán cóc bên hè đường Phạm Hồng Thái. Những tưởng nơi đây gần khu sinh hoạt của các nhà văn, nhà thơ, nhà nhạc, nhà họa, nhà nghệ sĩ may ra khá hơn. Nhưng cái rác, cái giấy và những cái xương gặm nham nhở lăn lóc trên mặt bàn, lăn lóc dưới chân bàn. Bên ngoài, không xa, nước đen của cống rãnh vẫn đều đều chảy bốc lên một mùi không lấy gì làm thơm tho.

Về thôi. Bỏ cuộc ăn sáng. Tôi tiếc một bữa điểm tâm miễn phí thì ít, mà tiếc cho ta một tầm sống thì nhiều.

Tháng Tám vừa rồi tôi theo con sang Thụy Sĩ, xem nước có đồng hồ nổi tiếng. Bạn con đưa chúng tôi lên một vùng núi tuyết giống như Sa Pa đối với Việt Nam. Đỉnh núi ở độ cao 3.216m băng chưa tan hết. Sáu người chúng tôi chọn một chỗ ngồi ngắm xuống “hạ giới”. Thiếu chỗ. Bạn tôi xách hai chiếc ghế của bàn bên cạnh gộp vào. Một giờ sau chúng tôi đứng dậy. Bạn tôi lại xách hai cái ghế tạm rinh về lúc mới đến trả lại chỗ cũ. Trên mặt bàn, dưới sàn nhà những bộ bàn ghế co người mới đứng dậy cũng sạch sẽ như những nơi sắp đón khách. Tôi đã gặp cảnh tượng này tại những quán ăn ngoài trời ở Massachusettes, ở SanFrancico, ở Paris, ở thành cổ Quebéc, ở Lenk và Balenberg.

Cõi người ta. Cho dù ở đâu, Mỹ, Pháp, Canada, Thụy Sĩ đều có tính cách chung như thế. Sạch khi đến và sạch khi đi như là thói quen cố hữu. Chẳng ai tự cho mình là “thượng đế” rồi xử sự với nhau ngang tầm con gà con vịt.

Cõi người ta giàu. Cõi người ta sang. Ta vì nhiều lý do chưa vươn đến. Đó là một nhẽ. Nhưng cái tự giác, cái biết tôn trọng nhau, thì tự ta ấn ta xuống dưới tầm nhân loại. Nhiều vị thuộc ngành cơ hội học nhao nhao lên phản đối. Vâng! Ta có quyền tự tôn lắm chứ. Có ai được là con Hồng cháu Lạc như ta đâu mà không tự tôn. Người Việt ta nhiều nơi, nhiều lúc chưa làm bạn bè nể trọng. Cái nhìn của họ như làm ta mất đi một sự tin cậy. Như mất đi điều gì đó tự tôn. Hãy biết giận ta thì ta mới lại có trong niềm tin bè bạn.

Nhà tôi lưu trú cạnh một trường tiểu học. Bên vỉa hè có một bảng nhỏ hình hai học sinh sắp bước qua đường. Nhà ông thợ ống nước nằm ở ngã tư gần tấm biển đó. Bên lối rẽ vào sân có đặt một con vịt bằng đất nung rất đẹp với một con ếch như đang chồm lên trên thảm cỏ. Bảy năm đã qua, kể từ khi tôi nhìn thấy chúng lần đầu và những lần sau, đến nay hai con giống đó vẫn nằm yên tại chỗ.

Không phải bọn trẻ vô tình hay vô tri. Tôi để ý mấy lần sau giờ học. Trên đường về, bọn chúng thường trầm trồ chỉ trỏ. Nhưng tuyệt nhiên không một cháu nào bước vào cỏ để xách con vịt hay con ếch lên xem. Chưa nói là rinh đi.

Cái tử tế từ trẻ con như thế về sau, khi chúng làm người lớn càng tử tế hơn.

Cõi người ta chưa hẳn đã đẹp hơn ta. Nhưng sạch sẽ và tự giác vì cộng đồng thì chắc chắn hơn ta. Cao xa gì thì tôi không được biết, nhưng nơi đây, con người với con người tôn trọng nhau là điều khá rõ.

M.K.Ư

(SH274/12-11)









Các bài mới
Cuộc tìm kiếm (03/01/2012)
Các bài đã đăng
Ký ức tím (16/12/2011)