Tạp chí Sông Hương - Số 274 (tháng 12)
Alexis Jenni, Binh pháp của nước Pháp
08:29 | 30/12/2011
TRẦN THIỆN ĐẠO Trước khi bàn tới nội dung và hình thức thiên truyện L’Art français de la guerre (Binh pháp của nước Pháp - Nxb Gallimard) của Alexis Jenni vừa trúng giải Goncourt 2011, cũng nên nhắc qua mấy điều nổi bật chẳng dính dáng gì với chất lượng tự tại của tác phẩm. Mà chỉ đơn thuần với tựa đề cuốn sách và tác giả của nó.
Alexis Jenni, Binh pháp của nước Pháp
Nhà văn Alexis Jenni - Ảnh: internet
[if gte mso 9]> Normal 0 false false false MicrosoftInternetExplorer4 Thứ nhất, Binh pháp của nước Pháp là một tựa đề quả thật bất thường đặt cho một cuốn tiểu thuyết dày cộm, 634 trang khổ lớn, nhái theo nhan đề Binh pháp, luận thuyết đánh trận do Tôn Tử soạn thảo năm 513tr.CN, hơn hai thiên niên kỉ rưỡi trước ở bên Tàu. Thứ hai, đây là tác phẩm đầu tay của một tác giả đã vào độ tứ tuần, 48 tuổi, tiến sĩ sinh vật học, giảng dạy trong một trường tư thục ở miệt tỉnh, xa lạ với văn đàn. Thứ ba, trong hơn 100 tác phẩm trúng giải từ đầu thế kỉ XX cho tới nay, đây là lần thứ ba Ban Giám khảo viện Hàn lâm Goncourt choàng hoa cho một tác phẩm đầu tay, trực tiếp ghi nhận chất lượng của .

Bối cảnh

Với một bút pháp tự sự lưu loát, câu chuyện được trình thuật một cách giản dị, suôn sẻ. Người kể chuyện là một anh chàng vô công rồi nghề, sống qua ngày trong một gác xép bằng trợ cấp nhà nước nhờ đã làm giấy chứng đau ốm giả. Hắn tình cờ giáp mặt một tên lính già có
ánh mắt màu băng giá (nguyên tác: au regard couleur glacier), tên là Victorien Salagnon. Họ gặp nhau trong tình huống nào? Hãy nghe: 

Bấy giờ tôi đang ngụp đầu ngụp cổ trong tình trạng vô cùng bất ổn; mọi sự đều bất ổn; và sắp sửa chấm dứt cuộc đời. Tôi gặp Vitorien Salagnon vào lúc thậm tệ nhất, hắn đã tham dự một cuộc chiến dai dẳng hai mươi năm trời vẫn còn đang ám ảnh chúng tôi và vẫn chưa chấm dứt, hắn đã giẫm nát quả địa cầu dưới gót giày nhà binh, máu me nhuộm tận cùi chỏ. Nhưng hắn dạy tôi vẽ. Chắc hẳn hắn là họa sĩ duy nhất trong đội quân thuộc địa, nhưng ở đây chẳng có ai quan tâm tới loại chi tiết nhỏ nhặt này.

Hắn dạy tôi vẽ, và bù lại tôi chấp bút viết hồi kí cho hắn. Hắn kể, và tôi minh họa, và nom thấy trước mắt dòng sông đỏ máu chảy qua thành phố yên bình của mình, tôi nom thấy trọn cả binh pháp không hề đổi thay của nước Pháp, và tôi nom thấy người dân đang nổi dậy cùng một nguyên cớ, nguyên cớ đặc thù không hề đổi thay của nước Pháp. Victorien Salagnon mang đến cho tôi toàn bộ thời gian, qua cuộc chiến day dứt trong ngôn ngữ của chúng ta
.

Phải nói rằng tên lính già Victorien Salagnon này đã may mắn còn sống sót sau ba trận chiến khốc liệt xảy ra ngót nửa thế kỉ. Trước hết là cuộc chiến kháng Đức thời 1939-1945 khi nước Pháp bị chiếm đóng; ngay sau là thời 1945-1954 quân đội viễn chinh Pháp toan tính tái chiếm Đông Dương; rồi cuộc đàn áp đẫm máu dân tình Bắc Phi nổi dậy đòi độc lập vào những năm 1954-1962. Qua hồi ức của tên lính già đã trải qua ba cuộc chiến liên tục đó, tác giả biểu lộ nhận xét của mình về phương thức đánh trận của quân đội Pháp.

Dưới mắt tác giả

Là một tự sự hư cấu(*), hay đúng hơn là một hồi kí hư cấu, cuốn Binh pháp của nước Pháp dựa trên kí ức của một nhân vật đặc thù hiếm thấy trên văn đàn. Hồi kí của một thứ nhà binh gà mờ, thí dụ như trong thời chiến ở Việt Nam, hằng mai phục Việt cộng bằng cách ngày đêm nhấm nháp rượu nặng rượu nhẹ trong các quán bar, mồ hôi nhễ nhại trên lưng và cả trong đầu. Ấy là không nói tới những trận đánh lớn có qui mô hẳn hoi, mà điển hình là trận Điện Biên Phủ tháng năm 1954. Vì sao mà quân đội Pháp thậm tệ tới mức đó? Hãy nghe:

Quân đội Pháp là một đề tài khó nói. Chúng ta không biết nghĩ sao về bọn người ấy và, nhất là, không biết dùng bọn đó để làm gì. Quân đội ở Pháp vốn có truyền thống câm miệng hến, cứ răm rắp tuân lời từng chữ thủ lãnh của mình, là một tên dân sự được bầu nhưng chẳng có tí tẹo hiểu biết về quân sự, động gì cũng rờ mó, nhưng cứ để cho quân đội thoải mái muốn làm gì thì làm. Bọn nhà binh này, tốt hơn là tống nó vô xó xỉnh với nhau, trong những trại lính kín cửa cao tường ở miền nam nước Pháp, hoặc ở những miệt xa xôi trên thế giới để trông chừng các mảnh vụn của Đế quốc. Tốt hơn là bọn nó tung hoành bạo lực ở các nơi chốn khác, trên các lãnh địa xa lơ xa lắc mà dân tình chẳng giống chúng ta một chút nào, và chưa hẳn là dân tình.

Nhưng chẳng chỉ có vậy thôi đâu, mà việc giữ gìn trật tự trong nước cũng bị cực cùng quân đội hóa (nguyên tác: militirisation du maintien de l’ordre). Cũng hệt như nhân vật Victorien Salagnon, khi kháng chiến chống Đức đã chấm dứt, tay chân còn ngứa ngáy, liền nối tiếp trận mạc, dấn mình vào các cuộc chiến ở thuộc địa, Đông Dương, Bắc Phi, giành hụt quyền bính sắp mất, nước Pháp không ngừng giáp trận một cách hết sức phi lí và vô hiệu quả.

Hứng cảm

Khác hẳn đại đa số các tác phẩm đầu tay thường hay xoay quanh lỗ rún, cuốn Binh pháp của nước Pháp, qua thứ bút pháp sử thi cổ điển, xuất hiện dưới mắt chúng tôi và nhất là dưới mắt Ban Giám khảo viện Hàn lâm Goncourt, như một bài ca thật tình hứng khởi trong trận mạc và xương máu. Và đồng thời cũng là một bản trầm tư về bản sắc dân tộc và về mấy mươi năm nước Pháp tắm/lấm mình trong các trận chiến ở thuộc địa nay vẫn còn day dứt ám ảnh tâm hồn mình.

Paris, 06/11/2011
T.T.Đ
(SH274/12-11)




-------------------------------
(*) Xem: Trần Thiện Đạo, Tự sự hư cấu (tạp chí Hợp lưu, số 113, tháng 4 & 5 năm 2011).









Các bài mới
Cuộc tìm kiếm (03/01/2012)
Các bài đã đăng
Hồn rừng (23/12/2011)
Cõi người ta (22/12/2011)