[if gte mso 9]> Hương chưa kịp trả lời, chú Tiểu nói tiếp: - Hay là cô thích đi tu? Vậy thì cô hãy xin quy y xuống tóc sống đời tu hành như em vậy này. Mỉm cười thư thái, Hương nhìn chú tiểu, trông chú sao mà đáng yêu, trong sáng và thơ ngây quá. - Chú tiểu ạ, chú có thấy vui không, có thích những gì mình đang có không? Chú lại cười chắp tay trước ngực: - Nam mô A di đà Phật! Vừa mới lớn lên là em muốn được làm nhà sư rồi cô ạ. - Đôi mắt chú sáng long lanh. Ngày nào lớn lên em sẽ giống như sư Tâm Thạnh vậy đó, thích quá cô ạ. Hương bật cười, nhìn chú cảm phục: - Vâng, chú đang có ý tưởng đẹp. Đường đời dài muôn ngàn nẻo, chú đã chọn thì cứ đi cho vững vàng chú nhé. Tôi cũng mong rồi có một ngày sẽ thấy chú lên Đại Đức rồi Thượng Tọa… Chú Tiểu cười khoái chí, dáng điệu tự tin, càng quét mạnh tay hơn. * Vậy mà Hương đã rời xa ngôi chùa đúng năm năm, sống tại một thành phố ở Bắc Cali. Hôm nay cô lại trở về quê. Chiếc xe rời khỏi sân bay Phú Bài sao Hương nghe lòng nao nao lạ kỳ. Những con đường, hàng cây, những ngôi nhà mới mọc lên đẹp đẽ. Thành phố hoàn toàn đổi mới, duy chỉ có dòng sông Hương là nước vẫn trong vắt, vẫn lặng lờ uốn lượn qua những bờ cỏ xanh lau lách. Một buổi chiều, chợt nhớ đến ngôi chùa xưa, Hương ghé chợ mua một bó hoa sen trắng, ôm bó hoa trên tay nực sức mùi thơm, Hương lên xe xích lô đi về phía ngôi chùa. Chú Tiểu giờ đây dáng dong dỏng cao, đôi mày rậm, đôi mắt một mí đen láy, chiếc mũi cao và đôi môi dày, vẻ đẹp phơi phới sáng ngời. Chú trố mắt khi nghe Hương hỏi: - Chào chú Tâm Tịnh, chú còn nhớ tôi không? Cô Hương ngày đó hay ngồi trước sân chùa xem chú quét lá… Chú cười điềm tĩnh chấp hai tay trước ngực. - A di đà Phật, cô Hương! Làm sao mà tôi quên cô được. Cô đi lâu thế mà thấy cô không già bao nhiêu, chắc là nhờ có Phật pháp nên gương mặt cô tươi sáng. Hương chắp tay lạy: - Dạ thưa hôm nay con phải xưng con với chú rồi đó. Sau khi đơm hoa lên bàn Phật, Hương theo chú Tâm Tịnh ra sân. Giờ đây chùa đã có một chú tiểu mới chừng tám tuổi đang quét lá. - Mấy năm nay chùa mình cũng lắm đổi thay, nhưng sao chánh điện lại phai màu sơn hết hả chú? - Vì thầy bệnh nên tất cả đều chú tâm vào việc chữa bệnh cho thầy. Đệ tử chùa mình đa số cũng nghèo, tiền đâu có. - Dạ, vậy hôm nay con đã về đây, xin phép thầy và chú cho con lo việc này. - Vậy thì còn gì bằng, cám ơn cô Hương nhiều lắm! * Mỗi chiều Hương đến chùa sớm hơn giờ Tịnh độ, quét chùa, lau chùi bàn ghế. Chú Tâm Tịnh thường ngồi học trong căn phòng riêng có ô cửa sổ nhìn ra khoảng sân trồng hoa kiểng. Hương lấy bình phun nước khắp những giò phong lan, nói vọng vào: - Con nghe chú là học viên giỏi của trường Phật học phải không chú? Chú cười lắc đầu: - Không dám đâu cô Hương ạ, có nhiều người giỏi lắm. - Nhưng trong đó chú là người giỏi nhất! Cả hai phá ra cười. Chợt có cô gái tóc buột đuôi gà, nước da trắng hồng đến gần bên Hương nói: - Cô đưa con tưới cây cho! Hương nhìn cô bé mặc áo lam đầy thiện cảm: - Phật tử mới hả, ngoan quá! - Dạ em mới vào được hai năm nay. Cô bé vừa phun nước lên cây Trà My, vừa nghiêng mái tóc liếc nhìn chú Tâm Tịnh, chú cũng mỉm cười với cô bé.
* Hương đã ra đi và hai năm sau lại trở về. Giờ Hương đang ngồi yên lặng trước thềm một ngôi chùa ở thật xa, tọa lạc dưới chân một ngọn núi nhỏ phía nam thành phố. Chú Tâm Tịnh không còn ở chùa cũ nữa, lần này trở về Hương phải đi tìm thăm chú tận nơi đây. Chung quanh là đồng ruộng bát ngát, không gian buồn man mác nhưng được cái yên tĩnh. Giọng chú Tâm Tịnh đều đều, mắt xa vời đang hồi tưởng về một quá khứ: - Lý do tôi rời xa chùa xưa là vì muốn chạy trốn bé Diệu, nói rõ hơn là không tự tin nên tôi đã chạy trốn chính mình trước những cám dỗ có thể làm tôi không đứng vững được, không vì một chướng ngại mà tôi lại dừng chân hay quay sang lối khác. Diệu thật là một cô bé trong sáng, tâm hồn cao quý. Tôi không thể nhìn em như một tội lỗi khi em nói yêu tôi, muốn được chăm sóc tôi. Cô ấy đã viết thư cho tôi nói rằng: “Nơi thầy con thấy được tất cả những gì từ lâu con hằng mơ ước. Con chỉ xin phép được sùng kính thầy và yêu thầy như một tín đồ ngoan đạo mà không mong muốn gì hơn là mỗi ngày con được đến chùa, được nhìn thấy bóng dáng thầy, được nghe giọng thầy nói là con đã thấy hạnh phúc ngập tràn.” Hương thở ra: - Vậy cũng tốt thôi, khi bé Diệu yêu thầy như thế thì thầy có thể hướng dẫn cô ấy đi theo một con đường đúng đắn, phục vụ tốt trên con đường Đạo. Đôi mắt thầy xa vời: - Có điều này mới quan trọng là chính tôi, tôi cũng thấy mình yêu cô ấy. Hương quay phắt nhìn thầy, đôi mày nhíu lại: - Vậy thầy không thể biến hóa tình yêu thành một thứ tình thương? - Ngược lại, tôi cũng bị trôi trong cái thứ tình cảm kỳ lạ ấy không làm sao thoát ra được, dù mỗi ngày tôi vẫn thiền định, vẫn quán thân bất tịnh, tôi nghĩ mình có thể làm chủ được mình. Nhưng mỗi chiều vào giờ Tịnh độ, nhìn thấy cô ấy thì bao nhiêu công phu đều tan biến hết, tôi lại ngất ngây trước vẻ đẹp dịu dàng, trong sáng của cô ấy. Tôi say đắm để đêm về cứ mãi mơ màng… - Tình yêu đôi lúc cũng đẹp, trong trường hợp thầy, nếu không bị dục vọng chiếm lấy. - Cô Hương ơi, tôi cũng chỉ là một con người bằng xương bằng thịt, chỉ khác là tôi đang quyết tu hành đó thôi. Bởi vậy tôi đã xin sư phụ cho tôi đến một ngôi chùa thật xa. - Con hiểu thầy ạ, vậy là giờ đây chắc thầy đã thoát ra, đã quên cô ấy? - Hình như là thế, ít ra, tôi cũng đang yên ổn tu học. Cuối năm này tôi ra trường là sẽ được lên Đại đức. Tôi quyết đi theo con đường tôi đã chọn. Ngoài xa kia có đôi chim đang bay lượn trên đám cây xanh um rậm rạp, những áng mây trắng nhẹ bay qua bầu trời xanh thăm thẳm… * Bé Diệu đã hai mươi tuổi, sinh viên khoa văn. Có nhiều nam sinh viên trong trường thương mến cô vì cái vẻ dịu dàng thùy mị, khuôn mặt trái xoan với làn da trắng mịn. Diệu hát hay lắm “Tuổi nào nhìn lá vàng úa chiều nay. Tuổi nào ngồi hát mây bay ngang trời. Tay măng trôi trên vùng tóc dài. Bao nhiêu cơn mơ vừa tuổi này. Tuổi nào lang thang tìm tiếng gió heo may...”. Diệu hát mà cứ thấy hình bóng chú Tâm Tịnh với nụ cười an nhiên, đôi mắt lặng lẽ. Thấy chú ngồi tụng kinh gõ mõ, giọng sao trong trẻo quá. Vậy mà chú đã đi thật xa, đến bây giờ Diệu vẫn không hay tin tức gì, không biết chú ở đâu? Ngày chú rời xa ngôi chùa Diệu cũng không biết được, chú chẳng gửi cho Diệu một lời chào. Mọi người ai cũng nhìn Diệu với ánh mắt nghi ngại lẫn chút thương hại nhưng không ai nói gì, khiến cho Diệu hổ thẹn, tưởng như mình đã làm nên nhiều điều tội lỗi. Rồi Diệu xa dần ngôi chùa cũ, trước khi đi Diệu không quên xin sư phụ một giò phong lan màu trắng. Giò phong lan được Diệu chăm sóc chu đáo nên luôn trổ những nhánh hoa xinh đẹp. Còn lại một chút gì của kỷ niệm, hương hoa phong lan là tình yêu đầu đời của Diệu, là những rung động thanh cao quý giá mà Diệu vẫn thường ví như những hạt kim cương lóng lánh. Mỗi chiều trước giờ đến chùa, Diệu vẫn tưới nước cho cây lan trắng rồi ngắm nghía những cánh hoa dày mơn mởn tỏa mùi thơm dìu dịu. * Hương đến chùa Hồng Ân lễ Phật vào ngày rằm tháng bảy. Đứng trên những bậc cấp thềm chùa gợi cho Hương nhớ lại câu chuyện ngày xưa lúc còn đi học. Có lần Hương đã đến xin gặp sư bà xin được đi tu. Sư bà hỏi: - Gia đình con ở đâu? Con học trường nào? Tại sao con thích đi tu? Hương trong tà áo dài trắng, tóc xõa ngang vai, ngây thơ đáp: - Dạ thưa sư bà nhà con có nhiều anh em, con là con gái duy nhất của cha mẹ con. Dạ…dạ… con thích đi tu vì mỗi lần đến chùa cùng với bạn con, tụi con vẫn thường ngồi ngắm các ni cô mặc áo lam quét lá trong sân chùa. Tụi con thích được làm ni cô để được quét lá trong sân chùa như vậy đó. Sư bà cười nhân hậu: - Chỉ vậy thôi sao? Con có biết con đang là sinh viên? Con cứ về học đi, ngày nào tốt nghiệp rồi mà còn giữ ý muốn đi tu thì sư bà sẽ vui lòng tiếp đón con vào ở chùa ngay. Rụt rè e ngại nhìn các vị sư nữ đang cười mình, Hương ngây thơ vòng tay thưa: - Dạ con cám ơn sư bà ạ! Thế rồi Hương cứ trôi theo dòng đời lâu lắm mới trở lại chùa một lần, lòng cứ thầm hẹn một ngày sẽ đến. * Tiếng chuông chùa êm ái biết bao. Đã bao lần Hương quỵ ngã rồi lại đứng lên mạnh mẽ nhờ tiếng chuông ngân. Tiếng chuông đã thức tỉnh lòng người vơi bớt sầu đau để vượt lên số phận. Sư bà giờ đây không còn nữa. Hương rảo bước quanh sân chợt gặp sư cô Diệu Hạnh. Thoạt nhìn sư cô đã nhận ra Hương ngay: - Có phải cô Hương đây không? - A di đà Phật con đây ạ. Thế rồi Hương ở lại chùa được một tuần. Thầy Tâm Tịnh được làm lễ tốt nghiệp và lễ lên Đại đức. Diệu chuẩn bị cho mình một bộ áo quần mới màu lam đến chùa dự lễ, không quên tìm đến Hương rủ cùng đi. Hương vào quỳ trong chánh điện, còn Diệu đứng ngoài cánh cửa chấp tay cúi đầu lạy từ xa vì không muốn cho thầy nhìn thấy mặt mình. Sau khi thầy chính thức được đọc tên trong hàng ngũ các vị Đại đức, Diệu lủi thủi rời khỏi chùa: “Vậy là tốt, thầy sẽ mãi mãi đi trên con đường Đạo, bỏ mặc cho đệ tử này cứ dày vò trong tình yêu. Bỏ mặc một người vì nhiều người, đó là lý tưởng của các vị tu đấy thôi, chỉ tội nghiệp cho con cứ mãi giữ chặt hình bóng thầy. Con vẫn chìm đắm trong biển tình, con vẫn nhớ nhung mơ mộng, nước mắt vẫn tuôn chảy không ngừng mỗi lần nghĩ rằng mình đã mất thầy vĩnh viễn. Con có tụng bao nhiêu bài kinh, có học bao nhiêu sách giảng cũng vô ích mà thôi. Con không sao thoát ra được chính tình yêu của mình, con vẫn thấy thầy hiển hiện lên mỗi trang sách. Con còn có thể yêu ai được nữa dù đó là một nhà trí thức uyên bác, một bác sĩ giỏi hay một nghệ sĩ tài hoa, tất cả đều mù mờ chung quanh con. Thầy hãy đi con đường của thầy, hãy là một vị thầy quang minh dẫn dắt con người ra khỏi bến lầm mê. Con sẽ chiêm ngưỡng thầy như một vì sao sáng”. * Diệu tỉnh táo đi tắm gội và thay bộ áo quần mới nhất, vào phòng thay tấm ra giường, xếp chăn gối ngay ngắn. Diệu ra thềm mang giò phong lan trắng vào phòng ngủ đến treo bên khung cửa sổ. Cô cầm ly nước uống liên tục... nhẹ nhàng nằm lên giường xõa tóc lên mặt gối… Tin bé Diệu uống nhiều thuốc ngủ khiến Hương sửng sốt. Mọi người mãi bàn tán, họ trầm ngâm cúi đầu mà không nói nhiều. Tin này càng không nên đến tai thầy Tâm Tịnh nên họ thì thầm với nhau là phải giữ kín. Buổi chiều sân chùa Hồng Ân đầy lá rụng, Hương cúi đầu quét lá, lâu lâu lại ngước mắt lên nhìn xung quanh, lắng nghe tiếng gió lao xao, tiếng lá vàng là đà rơi rụng “Đời người là hạnh phúc và khổ đau, chỉ hai từ đó thôi mà nhiều oái ăm đến thế. Có người luôn đi tìm hạnh phúc mà chỉ gặp toàn đau khổ. Có người sống trong hoàn cảnh đau khổ mà vẫn tìm thấy hạnh phúc. Cuộc kiếm tìm lúc nào cũng trớ trêu, cười trong nước mắt. Ta cũng như con chim đã mỏi cánh kiếm tìm, giờ là lúc muốn được nghỉ chân.” T.H.G (SH274/12-11) |