Tạp chí Sông Hương - Số 275 (tháng 1)
Vài ý kiến về vấn đề bảo tồn Nhã nhạc
10:26 | 10/01/2012

VĨNH PHÚC

Nhã nhạc được UNESCO công nhận là kiệt tác di sản văn hóa phi vật thể và truyền khẩu của nhân loại không chỉ với thiết chế cổ xúy và ty trúc (Đại nhạc, Tiểu nhạc) như hiện nay.

Vài ý kiến về vấn đề bảo tồn Nhã nhạc
Cuộc viếng thăm của Hoàng Thái tử Nhật Bản tại Học viện Âm nhạc Huế
Tuy nhiên để phục hồi, phục chế thể chế bát âm của Nhã nhạc không phải ngày một ngày hai. Các loại nhạc khí, dù là những nhạc khí đã thất truyền không còn người sử dụng được như biên khánh, biên chung, chúc, ngữ, huân... vẫn phải phục chế lại. Trước mắt là để trưng bày chuyên biệt như một nhà bảo tàng Nhã nhạc, với đầy đủ các chủng loại nhạc khí thuộc thiết chế Nhã nhạc cung đình triều Nguyễn, và sau nữa là để phục vụ nghi thức trong việc phục dựng lễ Tế giao, thiết Đại triều... và dù chỉ trưng bày mà không đánh như sử sách đã nêu. Đồng thời, tránh tình trạng làm què quặt và nghèo nàn đi một di sản văn hóa quý giá của dân tộc.

Các nhạc cụ thuộc nhóm Ty trúc, nhất là Sáo và đàn Tỳ bà nên chỉnh lại âm theo lối xưa, không nên dùng nhạc cụ cải tiến, gắn thêm phím, khoét thêm lỗ bấm… Trong truyền dạy, khi chưa có một lối ký âm bài bản hoàn chỉnh thì nên tận dụng lối truyền khẩu. Phần ký âm theo kiểu “đô rê mi”, hoặc dù có phiên thêm “họ xừ xang” cũng chỉ nên xem là “phần cứng” để học viên tự vỡ bài, còn việc lên lớp trực tiếp với nghệ nhân mới là phần chủ yếu - kể cả đàn và ca. Với lối dạy truyền khẩu của nghệ nhân, học viên mới lĩnh hội được sự “non, già”, “rung”, “vỗ” đặc trưng của từng bậc âm, từng loại hơi, từng loại bài bản.

Tại Học viện âm nhạc Huế hiện nay, Khoa Âm nhạc di sản đang tiếp tục đào tạo bậc đại học chuyên ngành Nhã nhạc (đã được mở mã ngành từ năm 1996) và Ca đàn Huế. Mặc dù đến nay vẫn chưa có một “đặc chế, đặc lệ” trong việc đào tạo lực lượng kế thừa cho loại hình nghệ thuật di sản, như ý kiến Giáo sư Tô Ngọc Thanh bàn về việc đào tạo “nghệ nhân” thay cho “cử nhân” trong Hội thảo Đào tạo âm nhạc di sản khu vực miền Trung - Tây Nguyên tại Học viện âm nhạc Huế tháng 10 năm 2009… Nhưng trong giảng dạy chuyên ngành, khoa vẫn duy trì lối dạy truyền khẩu với đội ngũ nghệ nhân truyền dạy như Trần Thảo, Lệ Hoa, Kim Vàng, Thanh Tâm….

Điều kiện mà UNESCO đặt ra đối với các kiệt tác đã được ghi vào danh mục nhân loại rất nghiêm ngặt. Đó là yêu cầu chống nguy cơ thất truyền và cải biên. Vì vậy, được ghi tên vào danh mục đó đã khó, nhưng giữ nó còn khó hơn. Một thời gian, để “hiện đại hóa” vốn cổ, có lúc dàn nhạc đã được bổ sung thêm nhạc cụ, mở rộng âm vực dàn nhạc theo kiểu tổ bộ của dàn nhạc giao hưởng (!)… Gs.Trần Văn Khê cũng đã từng lên tiếng cảnh báo: “Dàn nhạc giao hưởng phương Tây có đến hơn một trăm cây đàn, đó là nét đặc trưng của họ. Dàn nhạc cung đình Việt Nam cũng có nét đặc sắc riêng, nếu thêm vào đó vài cây sáo, năm bảy cây đàn tranh, chục cây đàn nguyệt... thì làm sao nghe được âm sắc của từng loại nhạc cụ? Điều này cũng giống như không ai được quyền nối dài cánh tay Venus trong bức tượng Venus de Milo hoặc tô đỏ đôi môi nàng Mona Liza. Nói chung, di sản là thứ không thể can thiệp vào”.

Công việc này đã có dự án, kế hoạch dài lâu của Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế, nhưng trước mắt, theo tôi nên ưu tiên quan tâm đến việc phục hồi ban Nữ nhạc. Ban Nữ nhạc tuy tồn tại không lâu, nhưng vẫn nằm trong tổng thể Nhã nhạc cung đình triều Nguyễn. Vì vậy, phục hồi ban Nữ nhạc vừa là một giải pháp bảo tồn vừa tạo được sự hấp dẫn, đặc thù trong việc tổ chức phục vụ du lịch Cung đình. Hơn nữa, dàn Nữ nhạc với các nhạc cụ phổ biến mà hiện nay vẫn đang sử dụng như: Tam, Tỳ, Nhị, Nguyệt, sáo, sinh tiền... thì việc đầu tư về thời gian và kinh phí là không đáng quan ngại.


Ảnh: tư liệu Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế

Thiết chế ban Nữ nhạc là thiết chế ty - trúc. Sử lieu cho biết, dưới thời Minh Mạng: Vua đặt ra bản nhạc Ngũ hưởng cho ban nữ nhạc tấu khi tế các Miếu và tuyển thêm 50 nữ nhạc dưới quyền hai nữ quan điều khiển, đợi lúc tế dâng rượu thì múa nhạc. Ban Nữ nhạc, rất có thể có liên quan đến tên gọi Tế nhạc hay Ty trúc Tế nhạc. Trong Âm nhạc truyền thống Việt Nam của Trần Văn Khê cho biết năm 1832 Đại nhạc và Tế nhạc dùng trong lễ đại triều, từ 1832 bỏ Tế nhạc… Nhưng tác giả lại nói: năm 1838 (Minh Mạng 19) chỉ có Ty trúc tế nhạc dùng để tấu nhạc trong các Miếu, và trong tế Văn miếu, dàn Ty trúc tế nhạc tấu nhạc theo điệu múa Văn… Trong lễ Thánh thọ, lục tuần Hoàng Thái Hậu năm Minh Mạng 1827, (một năm trước khi đổi tên thành Hòa thanh thự) có dàn Nữ nhạc gồm: trống lớn nhỏ, sinh tiền, đàn Nguyệt, đàn Tỳ bà, ống địch, đàn Tam, đàn Nhị.

Trong sách Những Đại lễ và Vũ khúc của vua chúa Việt Nam, Đỗ Bằng Đoàn, Đỗ Trọng Huề còn cho biết: trong lễ tế Thế miếu, nhạc công thự Hòa thanh giữ việc đánh chuông, trống. Ban Nữ nhạc đứng trên thềm, đợi ba tuần tế khi dâng rượu thì múa nhạc v.v. Qua tư liệu trên, mặc dù không được xác định một thể chế rõ ràng như Đại nhạc và Nhã nhạc, nhưng vẫn tồn tại một thể loại dàn nhạc. Các chi tiết về việc vua Minh Mạng bỏ Tế nhạc phù hợp với thời điểm bỏ ban Nữ nhạc trong các cuộc tế lễ vì bị cho là tà dâm… cùng với chi tiết ban Nữ nhạc trong Hòa thanh thự ở tế Thế miếu, và chỉ có Ty trúc tế nhạc dùng để tấu trong các miếu, trong Văn miếu thì tấu nhạc theo điệu múa Văn… cho chúng ta nghờ rằng: dàn Ty trúc tế nhạc trong quá khứ phải chăng là Ban Nữ nhạc?

Dù sao, sử sách cho biết đã từng tồn tại một dàn Nữ nhạc với đầy đủ cả hình ảnh trang phục, nhạc khí, nên không vì lý do gì mà không phục hồi lại tổ chức dàn nhạc này. Ít nhất là thể hiện được tính đặc thù của Nhã nhạc Việt Nam so với Nhật Bản, Hàn Quốc và chắc chắn sẽ hấp dẫn và thu hút được nhiều khách du lịch đến với Nhã nhạc, đến với Cố đô Huế.

V.P

(SH275/1-12)











 

 

Các bài mới
Thời gian (18/01/2012)
Chào Huế (18/01/2012)
Thu Muenchen (15/01/2012)
Các bài đã đăng
Hắn… (09/01/2012)