Tạp chí Sông Hương - Số 275 (tháng 1)
Một thời Quốc Học
08:57 | 11/01/2012

HÀ THÚC HOAN

Những ai đã từng là học sinh trường Quốc Học - Huế đều có Một thời Quốc Học(1). Thời Quốc Học của tác giả bài viết này là ba năm học tập ở các lớp đệ tam (lớp 10), đệ nhị (lớp 11) và đệ nhất (lớp 12), từ năm 1956 đến năm 1959.

Một thời Quốc Học
Trường Quốc Học xưa - Ảnh: truongquochochue.com
[if gte mso 9]> Normal 0 false false false MicrosoftInternetExplorer4 [endif][if gte mso 9] [endif][if gte mso 10] [endif]

Tại ngôi trường trung học đệ nhị cấp lớn nhất của miền Trung, trong khoảng thời gian ấy, ngoài cái may mắn được thụ giáo với những người thầy tài đức(2), chúng tôi còn được chứng kiến Lễ kỷ niệm sáu mươi năm ngày thành lập trường và tham dự những trại họp bạn có thể nói là lớn chưa từng thấy.

1.

Dưới thời Pháp thuộc, trước cả hai trường Chu Văn An ở Hà Nội và Pétrus Ký ở Sài Gòn, trường Quốc Học - Huế được thành lập ngày 26 tháng 12 năm 1896. Sáu mươi năm sau, vào cuối năm 1956, đúng vào ngày tháng ấy, nhà trường long trọng tổ chức Lễ đệ lục thập chu niên với một chương trình có thể nói là rất hoành tráng.

Buổi sáng, trong không khí đặc biệt trang nghiêm, Lễ kỷ niệm có đông đủ quan khách tham dự là những nhân vật quan trọng của chính quyền trung ương và địa phương. Sau đó, phái đoàn đi thăm trường, xem cổng trường mới phục chế và bình phong Long Mã mới được sửa chữa. Cuối cùng là tiết mục khai mạc phòng triển lãm có nhiều tranh ảnh, học cụ, sách vở, v.v... được trình bày, sắp xếp công phu và có mỹ thuật ở tầng lầu phía Tây.

Buổi chiều, tại sân vận động Tự Do, đã diễn ra trận đấu bóng đá giao hữu giữa đội tuyển của nhà trường và đội tuyển của cựu học sinh Quốc Học.

Buổi tối, một chương trình văn nghệ đặc sắc do nam nữ học sinh Quốc Học trình diễn trong sân khấu có mái che là nhà chơi rộng lớn nối hai dãy lầu.

Mở đầu đêm văn nghệ là hợp ca bốn bè Ly rượu mừng của nhạc sĩ Phạm Đình Chương do một giáo sư của trường soạn phần hòa âm và 70 nam nữ học sinh Quốc Học trình diễn rất kỹ thuật và đầy nghệ thuật. Theo lời tường thuật sau này của thầy hiệu trưởng Nguyễn Hữu Thứ, “rất nhiều khán giả cho rằng khó có một bài hợp ca gây ấn tượng đẹp như bài Ly rượu mừng của học sinh trường Quốc Học hôm đó”(3).

Kết thúc đêm diễn, là điểm nhấn của chương trình văn nghệ vở kịch lịch sử Giảng sách dưới trăng của Vũ Hân, một thầy giáo dạy Việt văn ở Đà Nẵng. Anh Đỗ Hữu Minh đóng vai thư sinh giảng sách có tiết tháo của một kẻ sĩ không biết khuất phục trước uy vũ. Anh Hà Ngọc Minh vào vai Tần Thủy Hoàng là vị bạo chúa có “thành tích” đốt sách, chôn học trò. Cuộc xung đột quyết liệt giữa trí tuệ và bạo lực, giữa cái thiện và cái ác được thể hiện rõ nét hơn bên cạnh lòng nhân ái đầy nữ tính của nàng phi tần được nhà vua sủng ái do chị Trịnh Mộng Hoàng diễn xuất. Kịch tính lên đến đỉnh điểm khi vị ái phi giành lấy chén thuốc độc uống thế cho thư sinh để kết thúc cuộc đời mình, dũng cảm lấy cái chết để nhắc nhở bạo chúa biết quý trọng tài năng và khí phách của kẻ sĩ…

Anh Đỗ Hữu Minh vào vai thư sinh giảng sách rất chững chạc. Với năng khiếu sẵn có, lại được “ngự” trên cái ngai vàng thật được phục chế năm 1945 mà vua Bảo Đại mới sử dụng một vài lần, anh Hà Ngọc Minh, qua những tiếng cười ngạo nghễ và tự đắc, đã xuất thần làm sống lại tính cách của vị Hoàng đế hung bạo nhất của lịch sử Trung Hoa. Vở diễn của những nghệ sĩ nghiệp dư đã được đông đảo khán giả hoan nghênh nhiệt liệt. Những cậu học trò đàn em mới rụt rè vào trường Quốc Học là chúng tôi ngày ấy đã phục “sát đất” các bậc đàn anh, đàn chị chỉ học hơn mình một vài lớp. Những cựu học sinh Quốc Học đã lớn tuổi và thành danh như quý ông Ưng Dinh, Hồ Đắc Hàm, La Hoài, Tôn Thất Quảng, v.v. đều vào hậu trường “khen lấy khen để”: “Hay quá! Hay quá! Hậu sinh khả úy.”(4)

Đêm văn nghệ “thành công quá sức ước mong” đã làm xao động cuộc sống vốn tĩnh lặng như mặt nước sông Hương của bà con xứ Huế. Đáp ứng lòng trông đợi của người dân Cố đô, chương trình văn nghệ kỷ niệm sáu mươi năm ngày thành lập trường Quốc Học được trình diễn thêm mấy buổi nữa ở rạp chiếu bóng Gia Hội.(5)

Một chi tiết khá đặc biệt xin được nhắc lại ở đây là cuối năm 1956, tại trường Quốc Học - Huế, Lễ kỷ niệm sáu mươi năm ngày thành lập trường nói chung và đêm diễn văn nghệ nói riêng đã được đặt dưới sự chủ tọa danh dự của Tổng thống Ngô Đình Diệm. Cuối năm 1956 này, trong cảnh đất nước thái bình mới được phục hồi, không ít người dân Thừa Thiên vẫn còn có cảm tình với vị Tổng thống là người miền Trung và đã có một thời gian học tập, làm việc ở kinh thành Huế. Nhưng trước đó không lâu, qua việc đánh dẹp các giáo phái, cách thống trị bằng bá đạo của chính quyền nhà Ngô đã không chinh phục được người dân Nam Bộ vốn giàu lòng nghĩa hiệp(6). Bốn năm sau, năm 1960, chính sách độc tài gia đình trị của họ Ngô đã bị quân dân miền Nam oán ghét mà biểu hiện rõ nét là cuộc đảo chánh bất thành do các sĩ quan của binh chủng nhảy dù khởi xướng. Ba năm sau nữa, năm 1963, bộ mặt bạo chúa thời trung cổ của Tổng thống Diệm đã hiển lộ qua cuộc đàn áp đẫm máu Tăng Ni và tín đồ Phật giáo miền Nam Việt Nam. Nhắc lại những biến cố này để xác nhận rằng Giảng sách dưới trăng tuy là bài học lịch sử có từ ngàn xưa nhưng vẫn còn nguyên giá trị đối với vị nguyên thủ quốc gia thời ấy. Qua vở kịch đó, người ta còn nhận biết bản lĩnh, tầm cao trí tuệ và đức tính quả cảm của thanh niên trí thức Cố đô Huế mà học sinh Quốc Học là một thành phần tiêu biểu. Đáng tiếc mà cũng đáng trách là Tổng thống Ngô Đình Diệm đã không “thấm” được bài học lịch sử này để bảy năm sau phải chết thảm thương trong chính biến ngày 1 tháng 11 năm 1963.

2.

Là bản sao của học đường thực dân Pháp suốt nửa thế kỷ, mới giành được quyền độc lập, tự chủ chưa tròn một năm sau cách mạng tháng Tám thì trường Quốc Học trở thành doanh trại của lính viễn chinh Pháp từ năm 1946 đến năm 1954. Trong tám năm ấy, thầy trò Quốc Học phải sống lang thang, khi vào tá túc trong Đại nội, khi ra san sẻ chỗ học với trường tiểu học Thượng Tứ, khi về tạm trú ở dãy nhà lầu phía Tây của người láng giềng là trường Đồng Khánh. Đến năm 1954, khi hiệp định Genève ký kết, quân Pháp hoàn trả trường ốc, thầy trò Quốc Học mới được giảng dạy và học tập trong ngôi trường thân yêu của mình.

Sau hai năm xây dựng trong hòa bình, có thể nói từ năm 1956 đến năm 1959 là thời hoàng kim của ngôi trường có tên là Quốc Học. Chính trong hoàn cảnh thuận lợi ấy mà nhiều trại họp bạn lớn, nhỏ được liên tục tổ chức, tạo cơ hội cho những chàng trai mới lớn thế hệ chúng tôi tạm rời xa lớp học, trở về với thôn xóm và ruộng đồng, được hít thở không khí trong lành của làng quê và giữa thiên nhiên cao rộng.

Gần thì có trại họp bạn học sinh nhiều trường trung học Huế tại đồi Vọng Cảnh. Năm ấy, là học sinh lớp đệ tam Quốc Học, không có kỳ thi với nhiều căng thẳng và lo âu đợi chờ ở cuối niên khóa, chúng tôi đem tất cả tâm hồn để tham dự những trại họp bạn đông vui như thế. Trong ngày trại ấy, học sinh Quốc Học mặc đồng phục áo sơ-mi tay ngắn màu nâu và quần soọc màu xanh, có đeo khăn quàng màu hồng, chỉ khác Hướng đạo sinh ở cái mũ, thay vì đội mũ rộng vành, chúng tôi đội mũ nồi màu đen. Trại có thi đua văn nghệ trên sân khấu lộ thiên và cuộc diễu hành có hóa trang rất hào hứng.

Một trại gần nữa có thể nhắc lại ở đây là trại Tết Thiên An. Theo sáng kiến của thầy tiểu trại trưởng liên lớp đệ nhị, tất cả chúng tôi đều sắp sẵn trong ba lô một khăn đóng và một áo dài đen. Đúng mười hai giờ khuya hôm ấy, trên đồi thông Thiên An, học sinh các lớp đệ nhị làm lễ đón giao thừa, mọi người khăn áo tề chỉnh, trang nghiêm đi xông đất và trao đổi lời chúc mừng năm mới. Tuy chỉ là một trò chơi, nhưng lễ đón giao thừa với y phục truyền thống năm ấy đã giáo dục cho thế hệ trẻ chúng tôi tinh thần dân tộc và ý thức gìn giữ bản sắc dân tộc. Chính vì ý nghĩa giáo dục ấy mà tiết mục đón giao thừa của các lớp đệ nhị đã được Thầy Hiệu trưởng khen ngợi khi tổng kết hai ngày trại.

Tương đối xa là trại tổ chức tại Cầu Ngói Thanh Toàn, dành riêng cho những học sinh được chọn lọc để huấn luyện thành đội trưởng điều khiển hàng đội tự trị như Hướng đạo. Tham dự trại này, chúng tôi phải mang ba lô đi bộ hàng chục cây số. Khởi hành ở trường Quốc Học, đi về hướng Thuận An, qua khỏi thôn Vỹ rẽ vào làng Ngọc Anh, gần đến cầu Ông Thượng rẽ phải và “hành quân” trên con đường làng uốn mình theo một con sông nhỏ mà người địa phương gọi là hói, sau đó rẽ phải một lần nữa rồi băng qua một cánh đồng rất rộng để đến Cầu Ngói Thanh Toàn. Trên đường đi, gặp những người dân quê, hỏi còn bao xa nữa thì đến Cầu Ngói, chúng tôi đều được trả lời là “còn vài khâu rựa”. Chỉ “vài khâu rựa” mà đi mãi cho đến khi trời gần tối mới đến đất trại! Dù vậy, nghỉ chân một lát là chúng tôi làm văn nghệ ngay để giúp vui cho đồng bào địa phương. Lần cắm trại này, ngoài biết thêm từ địa phương là “khâu rựa” và được ngắm nhìn một chiếc cầu có kiến trúc độc đáo và hình dáng đẹp đẽ đã đi vào văn chương, chúng tôi hiểu vì sao cô thôn nữ trong ca dao lại thiết tha mong ước có bạn đồng hành để cùng về Cầu Ngói:

Ai về Cầu Ngói Thanh Toàn,
Cho em về với một đoàn cho vui!


Xa nhất là trại bay tổ chức chung cho học sinh một số trường trung học ở Huế. Từ Huế chúng tôi vào Đà Nẵng bằng tàu hỏa, rồi đến Quảng Ngãi trên những chiếc xe GMC của nhà binh. Chỗ cắm trại là một làng quê ven biển thanh vắng, mát mẻ có tên là Tịnh Khê. Đất Tịnh Khê toàn cát trắng, hầu như chỉ trồng một loại thảo mộc duy nhất là cây dừa. Đi trên con đường làng im mát rợp bóng dừa xanh, chúng tôi xúc động nhớ lại mấy câu thơ viết về quê hương của Phan Lạc Tuyên:

Anh về trong xóm nhỏ,
Em chờ dưới bóng dừa.
Nắng chiều lên mái tóc,
Tình quê hương đơn sơ…


Sau mấy ngày cắm trại ở Tịnh Khê, trại sinh nào thấm mệt thì trở về Huế, bạn nào còn sung sức thì lên tàu hỏa vào Quy Nhơn tiếp tục sống tháo vát, trẻ trung với đời “trai” mang “nặng” để thành “trại”. Phải nhìn nhận Ban quản trại đã khéo tổ chức và làm việc rất công tâm, cho nên không có điều gì đáng tiếc xảy ra khi phải đưa hàng trăm trại sinh đi về trên một quãng đường dài hơn ngàn cây số.

Tham dự trại bay này, chúng tôi được ngắm phong cảnh ngoạn mục của đèo Hải Vân, được tiếp xúc với đồng bào ba tỉnh Quảng Nam, Quảng Ngãi và Bình Định, để biết rõ hơn quê nghèo miền Trung, từ đó cảm nhận “Tình quê hương đơn sơ” nhưng bao la, nồng nàn và sâu lắng.

Huy Cận, một cựu học sinh Quốc Học, đã làm bài thơ Tựu trường để diễn tả tâm trạng “náo nức” của “Những chàng trai mười lăm tuổi vào trường/ Rương nho nhỏ với linh hồn bằng ngọc”. Chúng tôi “vào trường” Quốc Học năm mười sáu tuổi, tuổi bắt đầu khôn lớn với nhiều ước mơ và hoài bão. Sống ba năm đẹp nhất của đời người trong môi trường giáo dục được xếp vào loại tốt nhất Việt Nam, được thụ giáo với những vị thầy tài đức, được học tập bên cạnh nhiều bạn giỏi mà hiền, chúng tôi ra trường năm 19 tuổi với niềm tin sẽ tìm được bầu trời cao rộng cần thiết cho sự bay nhảy. Từ đó đến nay, nửa thế kỷ đã trôi qua với nhiều biến đổi và chia xa, thầy xưa bạn cũ giờ đây có người đã trở về với cát bụi, có người tóc đã bạc trắng, kẻ sống trong nước, kẻ ở nước ngoài, nhưng chúng tôi nghĩ không có ai đã sống qua Một thời Quốc Học mà không muốn trở về thăm trường cũ, nếu không được bằng xương bằng thịt thì bằng nắm tro tàn, hoặc bằng ước mơ sau khi qua đời, hồn được về phảng phất bên mái trường xưa như Huy Cận đã có lần tâm sự khi viết bài thơ Tựu trường mới                         

TP.HCM, 07-11-11
H.T.H
(SH275/1-12)





-----------
(1) Nhan đề một cuốn hồi ký lưu hành nội bộ của thầy Hiệu trưởng Nguyễn Hữu Thứ.
(2) Chúng tôi đã viết về các vị thầy khả kính này trong bài báo có tiêu đề Năm trong một (Văn hóa Phật giáo, số 95, ra ngày 15.12.09, tr. 36 - 38).  
(3),(4),(5) Những ý trích dẫn ở đây đều lấy từ cuốn hồi ký nói trên của thầy Hiệu trưởng Nguyễn Hữu Thứ.
(6) Tướng lãnh của quân đội Sài Gòn là Đỗ Mậu, trong một tập hồi ký của mình, đã cho biết ông Ngô Đình Diệm nhờ ông Nguyễn Ngọc Thơ dụ hàng tướng Ba Cụt Lê Quang Vinh, hứa hẹn trao cho quyền cao chức trọng với điều kiện bỏ đạo Phật để theo đạo Chúa. Vị tướng trẻ người Nam Bộ khẳng khái chối từ và đã bị giết một cách mờ ám.









 

Các bài mới
Thời gian (18/01/2012)
Chào Huế (18/01/2012)
Thu Muenchen (15/01/2012)
Các bài đã đăng
Hắn… (09/01/2012)