Tạp chí Sông Hương - Số 275 (tháng 1)
Cánh én mùa xuân
11:07 | 15/01/2012

LÝ THỊ MINH CHÂU

Con đường len lỏi qua những cánh rừng nối các buôn bản vùng cao lại với nhau giống như con rắn khổng lồ trên lưng có vệt vảy trắng.

 

Cánh én mùa xuân
Minh họa: NHÍM
[if gte mso 9]> Normal 0 false false false MicrosoftInternetExplorer4 [endif][if gte mso 9] [endif][if gte mso 10] [endif]

Hàng cây xanh hai bên đường đưa tay vẫy vẫy, mùa này bắt đầu gió. Gió lùa qua ô cửa xe phần phật, Thu đưa tay đón, thích thật. Cảm giác mát rượi theo cánh tay vào phả khắp người Thu. Cái nóng bởi hơi người, bởi chật chội tạm thời tan biến đâu đó. Thu gác tay lên thành cửa mơ màng.

Tia nắng lửng chiều xiên xiên hình như cũng muốn vui đùa với chiếc xe thì phải. Nó chạy vun vút phía bên kia hàng cây hay thong thả bước như người du nhàn, rồi đột ngột tiến lên hay đột ngột dừng lại. Thì ra, xe chạy bao nhiêu nắng theo bấy nhiêu, xe nhanh nắng nhanh, xe chậm nắng chậm, xe dừng nắng cũng dừng. Thật là thú vị khi phát hiện ra điều này, Thu tặng mình một nụ cười. Rồi khi xe chạy cập theo mé sông thì nắng lại nhảy ùm xuống nước, những tia nắng xinh xinh khi nãy gom lại thành hình ông mặt trời, băng băng trên nước như một đốm lửa tinh quái, hắt ngược vào mắt Thu cái nhìn giễu cợt. Nhắm mắt lại không thèm chơi với nắng nữa, Thu nghĩ về người ta.

Người ta là cán bộ Phòng Giáo dục của một huyện gần nơi trường đại học Sư phạm mà Thu từng theo học. Trong một chuyến thực hành dã ngoại, người ta đã làm quen với Thu. Đó là năm cuối của học kỳ. Chẳng biết có phải là yêu hay không nhưng người ta thường đưa đón Thu những khi người ta rảnh rỗi, những chiều thứ sáu hay những ngày cuối tuần. Người ta không đẹp và có vẻ khó thân thiện nhưng chẳng hiểu sao Thu lại thích. Tuần nào không gặp người ta Thu rất buồn. Có lẽ vì cuộc sống xa nhà, quen khép kín trong bốn bức tường gác trọ, ít có dịp đi đây đi đó nên khi có ai vồn vã săn đón, Thu làm sao có thể từ chối. Ai đó từng bảo tình yêu là liều thuốc đắng nhưng ngọt ngào. Có lẽ điều này rất đúng với Thu, chúng đan xen nhau, chen lấn nhau, chúng làm cho Thu cảm thấy bất an sao ấy.

Ngày đó, người ta hứa với Thu đủ điều, nào là sẽ giúp lo cho Thu chỗ dạy ổn định, giúp lo cho Thu thăng tiến... vân vân và vân vân… Người ta hứa nhiều lắm và Thu cũng tin nhiều lắm.

Ngày đó, Thu làm gì có nhiều tiền để gọi điện thoại thoải mái, cần liên hệ với người ta thì Thu nhắn tin. Người ta bảo: “Anh thích nghe tiếng em nói cơ, tiếng của con chữ rắc rối lắm, khi thì em nhắn có dấu khi thì không, đoán tới đoán lui mệt cả óc. “Vậy là, người ta bao cấp tiền điện thoại cho Thu từ đó. Chưa bao giờ Thu gọi mà người ta không trả lời, nếu có bận bịu gì thì người ta cũng bảo: “Anh đang họp, tí nữa anh gọi lại”. Còn bây giờ, cũng số điện thoại ấy nhưng chỉ là những tiếng tít tít vu vơ. Nhắn tin thì người ta không trả lời. Thì ra chiếc điện thoại có quá nhiều chức năng. Khi đem người ta đến với nhau, chiếc điện thoại trở thành chiếc cầu nối cho hai tâm hồn. Khi muốn chia tay ai đó hay không muốn bị quấy rầy, chiếc điện thoại biết từ chối khéo léo bằng cách im lặng. Sau nhiều ngày buồn bã, Thu quyết định chia tay người ta một cách dứt khoát. Thu thay số điện thoại của mình và đăng ký công tác đến vùng sâu, vùng xa này. Có thể thiên hạ bảo Thu trốn chạy, có thể người ta vui khi biết Thu đã đi xa, còn Thu thì đinh ninh là người ta đã thay dạ đổi lòng. Mặc, ai nghĩ gì thì nghĩ, đã dứt khoát rồi thì phải kiên định. Tuy là con gái nhưng Thu không thích đặt mình vào chỗ yếu đuối. Thu đâu phải là yểu điệu thục nữ thành phố, Thu là con nhà nông chính hiệu kia mà. Quen vất vả gian lao rồi, quen cuộc sống thiếu thốn rồi, còn gì nữa đâu để mà lo sợ.

Xe rẽ vào con đường nhỏ, nhiều ổ voi, ổ gà. Đêm đã xuống, thị trấn vàng vọt ánh đèn đường màu dã quỳ. Không gian sống ở nơi này có vẻ trầm lắng, xe cộ thưa thớt, thiên hạ còn lông nhông những bộ đồ ngủ nhăn nhó ra đường. Vài quán cà phê cũng thưa thớt khách, tiếng nhạc vui cũng hóa thành buồn. Chắc bây giờ ngôi trường nơi Thu đến đã đóng cửa, còn chăng là ông gác dan. Xe vào bến, khách đã xuống hết, Thu cũng xuống mà chưa biết phải làm sao, ông tài xế hỏi Thu về đâu ông giúp.

- Ở đây có nhà nghỉ trọ qua đêm không chú?

- Cô từ xa đến?

- Dạ, cháu về dạy học ở trường phổ thông trung học nơi đây.

Ai mà chẳng biết, ở những thị trấn nghèo và dân cư thưa thớt như thế này thì chỉ có một trường trung học công lập.

- Tôi đưa cô đến đó để người ta sắp xếp, việc gì phải nghỉ nhà trọ, nhà trọ ở đây bẩn lắm cô giáo à, toàn là con buôn trọ thôi.

Lần đầu tiên được gọi là cô giáo, Thu thẹn ửng má, cô đưa tay vuốt vuốt mái tóc lòa xòa của mình, còn đang chần chừ thì ông tài xế đã giục:

- Lên xe đi, tới đó không ai lo thì tới chỗ trọ cũng đâu muộn.

Nghe có lý, Thu lên xe. Ông tài xế vui vẻ chuyện trò:

- Trước đây tôi cũng dạy học.

- Sao không tiếp tục hả chú hay là chú đang “tăng gia” thêm?

- Tôi nghỉ dạy lâu rồi cô ạ, thời bao cấp kia. Hồi đó, khó khăn lắm, đâu được như bây giờ.

- Cháu có nghe, nhưng nhiều người vẫn bám trụ được mà chú.

 - Cô nói đúng, bởi nhà họ khá. Còn tôi, khi có đứa con thứ hai thì đuối, nhà vợ giàu có, vợ tôi không quen cảnh túng thiếu nên cứ nằng nặc bảo tôi kiếm công việc khác.

Xe dừng lại trước cổng trường, ông không bóp còi mà xuống xe bấm chuông. Không đúng như Thu dự đoán, ông gác dan ôm đồm:

- Phải cô Thu không?

- Dạ cháu đây ạ.

- Thầy hiệu trưởng dặn tôi khi nào cô đến thì gọi điện cho thầy. Cô vào đây.

Vừa nói ông vừa đỡ cái xách nặng trĩu trên tay Thu, Thu quay lại cảm ơn ông tài xế nhiệt tình, ông vẫy tay chào trước khi cho xe lao đi.

- Cô dùng trà?

- Cho cháu xin cốc nước lọc thôi ạ, uống trà ban đêm cháu không ngủ được. Hơn nữa bụng trống hoác chưa ăn gì, uống trà say chết.


Ông gác dan nhìn quanh quẩn, ánh mắt ông báo cho Thu biết là chỗ ông không có gì để đãi khách. Thu đưa mắt tinh nghịch nhìn ông thông cảm. Có tiếng xe máy nổ bong bong ngoài sân, ông gác dan ngồi yên một chỗ chỉ ngoái đầu ra cười. Thu biết đó không phải là thầy hiệu trưởng nhưng Thu vẫn đứng dậy gật đầu chào người trung niên mới vào.

- Đây là thầy Song, dạy hóa. Còn đây là cô Thu, mới đến.

Ông gác dan làm cử chỉ đẹp. Song đưa tay bắt tay cô thật lâu:

- Cô đi đường có mệt không?

- Dạ, chút xíu.

- Đường sá ở đây còn khiêm tốn lắm cô ạ.

Song quay sang ông gác dan:

- Anh giúp cột hành lý của cô giáo lên xe tôi. Tôi đưa cô ấy về cư xá.

Rồi Song quay sang Thu:

- Thầy hiệu trưởng đã bố trí cô ở đó cùng phòng với một cô giáo còn độc thân.

Song bắt tay tạm biệt ông gác dan: “Tôi đi nhé”; rồi quay sang Thu, Song nhỏ nhẹ: “Ta đi thôi”, và Song đi trước. Ông gác dan chợt nhớ ra điều gì, vói vọng theo: “Cô giáo chưa ăn gì đâu đó, thầy Song”. Rồi ông cao giọng sành điệu: “Quán Phở bà Lúc giờ này chắc còn”. Song cười, cho xe vút đi.

Bên bát phở nghi ngút khói, Song ôn tồn:

- Nghe nói cô ở trên tỉnh sao lại xuống đây, trên đó điều kiện sống không tốt hơn à?

- Có đấy thầy ạ, nhưng xin vào trường có tiếng tăm một chút thì chẳng dễ tí nào. Em không có khả năng…

- Gọi bằng anh thôi, cho thân thiện cô ạ, chữ thầy thiêng lắm chỉ dành cho học trò. Tôi không “đứng đắn” đến độ cô phải gọi thế đâu.

- Nhưng…

Song đã hiểu sai từ này:

- Tôi năm nay ba mốt, chắc chỉ hơn cô vài tuổi…

Thu không trả lời trực diện câu hỏi của Song:

- Chắc nhà thầy gần đây..

- Nữa, đã bảo…

- Em quên

- Cũng gần cô ạ.

Song lấp lửng. Khi quán chẳng còn ai, hai người ra về. Song dừng xe trước dãy nhà liền kề cấp bốn, đây là chung cư của các thầy cô giáo. Trước hàng hiên nhà nào cũng có vài chậu hoa lan. Mấy giò kim điệp đang hoa đung đưa theo gió, màu vàng của nó trở nên sáng loáng dưới ánh đèn điện. Đẹp quá. Chẳng hàng rào, chẳng cổng kín, hoa cứ phơi phới đua sắc đua hương mà chẳng ai lấy cắp. Một khái niệm đẹp về cư dân nơi này vừa đến với Thu, chả bù nhà ở phố rào sắt bưng bít trước sau, không tù túng mới là chuyện lạ.

Thu được bạn chung phòng đón trước cửa, đó là cô gái Stiêng, nước da ngăm ngăm, thân hình đầy đặn. “Không việc gì phải nhận xét vội”, hai người cười với nhau. Cô gái giúp Thu mang hành lý vào nhà. Cô vồn vã:

- Bạn ăn cơm chưa, mình dọn.

- Dạ cảm ơn chị, em ăn rồi, thầy Song vừa mời phở.

- Bữa nay anh Song hào phóng quá ta.

- Này này, quên đi nghe cô giáo, khi trước tôi cũng đón cô, cô nhớ tôi mời cô ăn gì nào?.

- Lâu quá, em quên mất rồi

- Tội tui chớ, Lam.

Rồi Song bâng quơ không biết với ai:

- Bên phòng tôi có sẵn nước nóng, qua lấy về tắm, khỏi phải nấu.

Thì ra Song cũng ở nơi này, Thu vui lên vì có bạn, ít nhất thì hai người cũng đã ngồi chuyện trò với nhau khá lâu. Trong lúc hai chị em loay hoay sắp xếp đồ đạc thì Song ra về lúc nào không biết. Khi cánh tủ áo ọp ẹp kịp đóng lại cũng là lúc Song xách vào một xô nước nóng hôi hổi.

- Nóng lắm đấy, pha nước thêm vào.

- Phiền thầy quá.

- Lại nữa… điện nấu chớ tui cónấu đâu.

Thu lí nhí cảm ơn.

Hai năm làm cô giáo ở thị trấn bé nhỏ này tưởng đâu phải gian lao vất vả lắm, tưởng đâu thiếu thốn lắm, ngược lại, Thu được nhiều cái hơn mình tưởng. Tình người. Đó là cái quý nhất, giàu sang cũng không mua được. Kế đến là lòng thơm thảo, từ lễ to lễ nhỏ của họ tộc, thầy cô giáo nào được mời thì cũng được ngồi chiếu trên, cùng mâm với trưởng làng, trưởng bản. Hết gạo, hết mắm có phụ huynh học sinh giúp đỡ, thường thì biếu tặng. Có bó rau ngon họ cũng mang đến, có trái cây đầu mùa nào mà Thu và các thầy cô giáo ở đây không được ăn. Người ta biếu tặng thầy cô giáo một cách tự nguyện, chẳng phải để nhờ cậy gì. Hai ba giờ khuya đi chợ, tiện đường, họ để lên thềm nhà cô giáo vài thứ nông sản hay con cá được móc cẩn thận trên song cửa. Thu làm sao biết ai tặng cho mình, còn người cho cũng đâu cần thầy cô giáo phải biết họ là ai. Không muốn nhận cũng không thể. Cứ thế, ân tình càng ngày càng sâu, Thu chưa bao giờ có ý nghĩ rời xa nơi này. Hai năm qua, Thu đã nhận quá nhiều sự chăm sóc của Song. Song chưa bao giờ ngỏ lời yêu cô cả, nhưng ánh mắt Song đã nói hết những lời say đắm đó. Thu không dám so sánh Song với người ta, chỉ thoáng lơ mơ là Song chân thành và hay giúp đỡ người khác. Từ chuyện chăm sóc giò hoa, vun xới dây trầu cho tới chuyện leo lên nóc nhà lợp lại mái dột cho gia đình neo đơn nào đó đâu phải là chuyện hiếm gặp. Song là vậy, vui vẻ, hòa đồng, có chút mặc cảm tự ti. Gia đình Song nghèo, ở cái quê cũng nghèo, trời hành vài cơn bão mỗi năm sao mà không nghèo được. Song còn mẹ già ở đó, Song từng tâm sự với Thu: “Anh năn nỉ hoài mà mẹ anh chẳng chịu lên đây. Đã vậy, bà còn nói: “Tao ở nhà, có chị mày qua lại là được rồi, mồ mả tổ tiên ở đây cả mà mày bảo tao đi đâu. Cứ bay nhảy chán đi, khi nào thích thì về”.

Quê Song nghe nói ở xa lắm, cách một tết Song mới về thăm mẹ một lần. Năm nay Song rủ Thu cùng về quê anh ăn tết nhưng Thu chưa nhận lời. Khác Song, Thu năm nào cũng đón giao thừa ở quê, không về một lần chắc mẹ cũng không trách mắng, chỉ cần gọi điện thoại báo cho bà là được. Thu nghĩ vậy.

Những ngày cuối năm nơi này thật nhộn nhịp, lúa được mùa, được giá, người dân thi nhau sắm sửa hẹn đón cái tết thật linh đình. Ai cũng bảo: “Nhớ đến cô giáo nhé, ngày nào cũng được, chẳng phải kiêng cữ gì đâu”. Thu vâng dạ cho xong chuyện để khỏi phật lòng người ta, cô cũng không quên rào trước đón sau: “Nếu cháu về quê, thì hẹn bác sang năm vậy nhé”.

Ai cũng lo sắp xếp hành trang cho cuộc trở về, Thu cũng thế. Đang loay hoay với đủ thứ quà biếu của phụ huynh học sinh thì nghe Lam to nhỏ với ai đó ngoài hiên: “Chú tìm Thu hả, nó ở trong nhà”. Người ta đến tìm Thu, xin Thu tha lỗi cho người ta đã không vì Thu mà hết lòng, hết dạ. Người ta có nỗi khổ tâm riêng. Người ta vin ra nhiều lý lẽ để bào chữa cho hành vi sai trái của mình. Người ta tha thiết mời Thu về thành phố ăn tết với người ta, mọi chuyện sẽ tốt đẹp cả thôi. Thu đang phân vân chưa biết chọn câu trả lời nào thích hợp nhất mà không làm người ta cảm thấy khó chịu thì Song đến. Song hớn hở bắt tay người ta, càng hớn hở hơn khi nghe Thu bảo:

- Anh nhớ lấy vé xe cho em luôn nhé.

- Không thay đổi chứ?

Thu gật đầu dứt khoát.

Phía bên kia sông nắng thật đẹp, cánh đồng lúa xanh mơn mởn thoả thích rì rào, đôi cò trắng vỗ cánh bay tít về tận chân trời. Người ta đưa mắt nhìn về xa xôi. Một cánh én làm sao nên được mùa xuân.

L.T.M.C

(SH275/1-12)









 

Các bài mới
Thời gian (18/01/2012)
Chào Huế (18/01/2012)
Các bài đã đăng
Thu Muenchen (15/01/2012)