Tạp chí Sông Hương - Số 276 (T.2-12)
Về đất khởi nghiệp nhà Trần
15:44 | 16/01/2012

DƯƠNG PHƯỚC THU (Bút ký lịch sử)

Nhiều năm men theo dấu chân của nàng Huyền Trân, công chúa nhà Trần mở đất Ô, Lý, hễ có dịp là tôi lại hành hương đất Bắc. Viếng đền thờ các vua nhà Trần ở làng Tức Mặc - nơi ấy nay thuộc phường Lộc Vượng, thành phố Nam Định.

Về đất khởi nghiệp nhà Trần
Đền thờ vua Trần ở xã Tiến Đức, tỉnh Thái Bình - Ảnh: internet


[endif][if gte mso 9] [endif][if gte mso 10] [endif] p="" align="justify" class="MsoNormal"Người Việt xa quê mấy đời vẫn giữ nếp thường tận trong sâu thẳm, mỗi khi trở về cố hương, viếng nơi thờ tự tổ tiên thì viếng luôn mồ mả của các vị anh hùng, liệt nữ, chỗ người xưa nằm. Tôi cũng vậy. Và trộm nghĩ rằng “bổn mộc thủy nguyên”, có cổ có kim, có tiền nhân mới có hậu thế, việc ấy đáng phải làm.

Đầu xuân năm Bính Tuất 2006, tôi lại ra Tức Mặc. Mới hay, tổ tiên mấy đời xa trước của họ Trần đứng chân ở làng Thái Đường, tức hương Tinh Cương, thuộc lộ Long Hưng - nay là Tam Đường, xã Tiến Đức, huyện Hưng Hà, tỉnh Thái Bình. Một vòng quanh làng đã thấy hiện lộ, đền miếu thờ tự, lăng vua mộ tướng ngày xưa vẫn còn.

Thì ra, sự tích lưu truyền bởi có căn nguyên, dấu tích hiển nhiên là chứng cứ, mà quốc sử cũng đã ghi rằng: Đất Tinh Cương nhà Trần khởi nghiệp.

Là dân quê xứ Huế, ở cuộc đất vốn làm vật sính lễ dẫn cưới công chúa Huyền Trân, tôi đã về Tinh Cương nhiều lần. Mỗi lần về đây tôi thường lội ra cánh đồng thấp trũng trước làng Tam Đường, thắp hương viếng mộ ba vị vua anh hùng đầu triều Trần. Nhìn khu mộ ba vị vua kiệt hiệt chống Nguyên Mông, trầm mặc xếp hàng như ba trái núi nhỏ nằm giữa cánh đồng, tôi thấy nao lòng. Ôi những anh hùng chống ngoại xâm đang yên nghỉ nơi đây!

[endif][if gte="" mso="" [endif][if gte="" mso="" Khu lăng mộ các vua Trần - Tiến Đức - Hưng Hà - Ảnh: tienphong.vn![endif][if![endif][if


Phải chăng linh mạch khởi nghiệp từ đất Tinh Cương cũng chính là chốn cát địa dẫn lối quay về yên giấc ngàn thu của các bậc đế vương nhà Trần? Phải mấy lần đứng trước án thờ vua mở nghiệp Trần Thái Tông ở Tam Đường, tôi mới được biết rằng… Họ Trần nước ta, viễn tổ xa xưa sống ở vùng Yên Sinh, thuộc tỉnh Quảng Ninh bây giờ. Mấy đời làm nhà trên sông, theo nghề chài lưới. Đến giữa cuối thế kỷ XI, đời vua Lý Nhân Tông, cụ Trần Kinh rời đất Yên Sinh, thả trôi con thuyền theo các dòng sông, về vùng Hải Thanh (sau đổi là Thiên Trường), nhập vào hương Tức Mặc, lấy vợ, sinh con đẻ cái.

Cụ Trần Kinh sinh được hai trai: Trần Hấp là anh, Trần Tự Duy là em. Nối nghề cha, anh em Trần Hấp vẫn lấy con thuyền làm nhà, theo đuôi con cá. Năm tháng trôi qua, cụ Trần Kinh tuổi già mà mất, táng ở cồn đất thuộc hương Tức Mặc. Trần Hấp lo xong tang cha, chống thuyền ngược sông Hồng lên vùng Hải Ấp, quăng chài bủa lưới.

Vùng Hải Ấp - đất Thái Đường xưa mà người đời thường truyền tụng là chốn có nhiều mả sao. Bởi quanh vùng này nổi lên vô số gò đống, ở trên các gò ấy có những chòm cỏ xanh hình tròn, từ xa nhìn lại trông giống như những ngôi sao. Vì những gò đống ấy mà khi lập làng, người xưa đã lấy tên chữ là hương Tinh Cương (hương ở đây có nghĩa là làng; tinh là ngôi sao; cương là gò đất nổi). Trong quá trình bồi đắp, phù sa đã tạo nên cho Tinh Cương thế địa mà theo cách nhìn của nhà phong thủy: “Tiền có tam thai, hậu có thất tinh, nam có voi phục, bắc có phượng chầu”, là chốn linh khí phúc địa, sau này ắt sẽ phát giàu, phát tướng, phát vương.

Sông nước đẩy đưa con thuyền, anh em Trần Hấp đến đất Tinh Cương. Trần Tự Duy sống bên Lưu Gia, Trần Hấp sang Thái Đường, hai ấp chỉ cách nhau chừng nửa dặm, buông chài thả lưới.

Chuyện xưa kể rằng: Một buổi sớm mùa thu năm ấy, Trần Hấp chống thuyền qua bãi nổi, thấy chiếc rọ tre mắc cạn, cùng lúc lại nghe tiếng người kêu cứu, ông vội cho thuyền đến ngay. Trong chiếc rọ ấy nhốt một người đàn ông khoảng ngũ tuần, bị trói co quắp, sắp chết vì lạnh. Bản tính nhân hậu, gặp cảnh thương tâm, Trần Hấp bàn với vợ tìm cách cứu người. Mặc dù kiếm ăn khó nhọc, nhưng Trần Hấp vẫn quyết dốc sạch xu bạc cuối cùng tìm thầy cứu chữa. Sau mấy ngày thuốc thang cơm cháo, người gặp nạn phục hồi khí lực. Thấy gia cảnh Trần Hấp bần hàn, lênh đênh sông nước, nhưng lại giàu lòng từ bi, ông mới kể rằng: Ông là thầy địa lý (sử cũ chép là Khách nhân), từ phương Bắc sang Đại Việt tìm đất phong thủy. Đến vùng này thấy có một gò hỏa tinh nổi trên mặt nước, chung quanh có nhiều gò nhỏ quần tụ chầu vào gò lớn, ông nghĩ rằng, giữa vùng sông nước, gần với đất bằng mà có những gò đống nổi lên, hẳn không thể là nơi hung dữ. Quan sát kỹ, ông thấy linh khí từ gò hỏa tinh bốc lên ngùn ngụt.

Bấy giờ, ở thôn Tây Nha gần đấy có nhà giàu Nguyễn Cố, từng thuê thầy địa tìm đất đặt mộ tổ. Nghe tiếng, Khách nhân tìm vào nhà Nguyễn Cố xin ở lại vài ngày. Biết ông là thầy thuật số, Nguyễn Cố muốn lấy lòng, mở tiệc thiết đãi tử tế. Nhân đấy ông bày cho Nguyễn Cố, hãy dời mộ tổ tiên đến táng ở gò Hỏa Tinh. Và quả quyết rằng, chỉ một thời gian ngắn nhất định gia tộc Nguyễn Cố sẽ phát (không làm vua thì cũng nhất phẩm triều đình); khi thành đạt, giàu sang ông mới tính chuyện tiền nong. Nghe theo lời thầy địa lý, Nguyễn Cố bí mật dời mộ tổ tiên, âm thầm táng vào gò Hỏa Tinh. Xong việc, mở tiệc tiễn Khách nhân về nước…

Ba năm sau Khách nhân lại đến Long Hưng. Ông muốn xem gia tộc Nguyễn Cố có gì biến đổi, cốt là để kiểm chứng lời phán của mình có ứng nghiệm. Sự xuất hiện của thầy địa làm cho vợ chồng Nguyễn Cố lo sợ vỡ chuyện phong thủy ở gò Hỏa Tinh. Họ bàn nhau, tối ấy đãi thầy bữa rượu thịt no say, rồi tìm cách hại chết thầy.

Bữa cơm tri ân thành ra bữa tiệc đoạn nghĩa. Nguyễn Cố phục cho thầy địa say chí tử, trói lại, rồi nhốt vào cái rọ tre, đem thả trôi sông. Nhưng mệnh ông thầy này chưa dứt. Buổi ấy nước triều đang xuống cạn, rọ tre trôi dạt vào cồn cát. Gặp lúc Trần Hấp chống thuyền ngang qua nghe tiếng kêu, đã ra tay cứu giúp.

Để trả ơn cứu mạng, thầy địa mới hiến cho Trần Hấp một kế, đưa mộ tổ tiên đến táng ở gò Hỏa Tinh. Nếu quyết làm theo thì gia tộc Trần Hấp nhất định sẽ thành tựu, lưu danh muôn thuở. Đồng thời ông lại đến nhà Nguyễn Cố trong một buổi chiều u ám. Nguyễn Cố thấy ông xuất hiện, cứ tưởng hồn ma, sợ hãi sụp lạy xin tha mạng. Thầy địa nói với Nguyễn Cố, số tôi có trời phù hộ, không thể chết được. Mấy năm trước tôi khuyên ông táng mộ cha vào gò Hỏa Tinh, vội quá nên chưa bày hết thuật. Nay lại sang cốt chỉ bày tiếp để được ứng nghiệm. Nhưng ông đã phản phúc, phản thầy, giết người bịt miệng. Sự nghiệp tạo dựng chưa thành đã tiêu tan. Muốn bình yên thì ông phải sám hối, cầu nguyện thần linh long mạch hóa giải. Nếu ông thành tâm thì nghe ta nói đây: Mấy hôm nữa, hễ trời nổi giông tố, vào lúc mưa lặng gió dừng, ông ra mộ cha ở gò Hỏa Tinh mà thấy nứt nẻ, máu chảy đỏ dòng thì phải dời ngay, để chậm họa chết cả nhà.

Thầy địa lại dặn Trần Hấp, khi mưa gió nổi lên, ông ra mộ cha Nguyễn Cố rạch mấy đường ngang dọc, rồi lấy máu chó đổ xuống. Nguyễn Cố ra xem, thấy vậy sẽ dời ngay. Sau quả đúng như thầy địa đã bày.

Theo thuật kế của thầy địa lý, Trần Hấp trở về hương Tức Mặc, lẳng lặng dời mộ cụ Trần Kinh đưa sang Long Hưng. Vào ngày Tân Dậu, tháng Đinh Tỵ, năm Quí Sửu, triều Lý Thần Tông, niên hiệu Thiên Chương Bảo Tự thứ nhất, 1133, Trần Hấp bí mật làm lễ, táng di cốt cụ Trần Kinh vào gò Hỏa Tinh. Để tiện việc trông nom hương khói và đề phòng người nhà Nguyễn Cố nghi ngờ đào phá long mạch, Trần Hấp bèn dựng lều bên cạnh mộ cha để ở, canh chừng.

Bỏ qua tất cả chuyện phong thủy đi tìm đất đặt mộ của họ Trần, chắt lọc tính uyên nguyên của sự tích, ta thấy được phần nào nguyên nhân mà cụ Trần Hấp dời nhà từ hương Tức Mặc đến định cư ở làng Thái Đường, thuộc lộ Long Hưng.

Năm tháng lưới chài thuộc mọi luồng lạch dòng sông, nhờ vận đến và biết sống tiện tặn, gia cảnh Trần Hấp ngày một khá lên, trở nên giàu có, nổi tiếng trong vùng.

Cụ Trần Hấp đến ấp Thái Đường, sinh được hai người con: Trần Lý là anh, Trần Nghị là em. Cả hai đều là những chàng trai tuấn tú, chịu khó học hành. Bấy giờ gia đình cụ Trần Hấp tạo lập ruộng vườn vô số, kẻ ở người làm đông đến vài trăm. Nhờ phúc ấm, anh em Trần Lý bỏ hẳn nghề chài lưới, sống với điền trang, tuyển mộ người dưới, mở mang việc học cả văn lẫn võ. Gia tộc họ Trần ở Tinh Cương dần dần có địa vị, trở thành tầng lớp trên của xã hội bấy giờ.

Người con cả của cụ Trần Hấp là Trần Lý, đến tuổi trưởng thành Trần Lý lấy Tô Thị Hiền, con gái của Tô Tân, một hoa khôi nhất làng Lưu Gia, sinh được bốn người con: Trần Thừa, Trần Tự Khánh, Trần Thị Dung, Trần Thị Tam Nương. Tô Thị Hiền có người em ruột là Tô Trung Từ, giữ chức Thái úy phụ chính, tước Thuận Lưu bá, triều Lý Huệ Tông. Người em là Trần Nghị lấy vợ họ Phùng, cùng thôn Lưu Gia, sinh ba người con: Trần An Quốc, Trần An Hạ, Trần Thủ Độ.

Trần Thừa là huynh trưởng, phái đại tông, sớm phải kế nghiệp nhà, kịp khi vừa lớn, ông lập chính thất với người họ Lê, con gái của Lê Điện, làm quan Thái phó triều Lý. Trần Thừa và Lê Thị sinh được ba trai: Trần Liễu, Trần Cảnh, Trần Nhật Hiệu, hai ái nữ là Thụy Bà và Thiên Thành.

Vào những năm đầu thế kỷ XIII, vận hạn triều Lý bắt đầu mục rỗng, vua tôi bất tín, dân chúng lầm than, nạn cướp bóc mọc lên như nấm. Trong triều gian thần lộng quyền, vua thì ham mê tửu sắc, chính sự tan nát. Dẫn đến tháng 7 năm Kỷ Tỵ (1209), nổ ra loạn Quách Bốc đem quân đánh thốc vào kinh thành Thăng Long. Được sự hộ giá của tướng quân Đỗ Quảng, Thái tử Sảm đến thôn Lưu Gia, trú ở nhà Lê Mỵ. Một hôm, Thái tử bơi thuyền dạo chơi ngang ấp Thái Đường, nghe tiếng Trần Thị Dung con gái nhà giàu Trần Lý, sắc đẹp tài hoa hơn người, sai bầy tôi thân tín vời Thị Dung đến hành cung, mới thấy mặt Thái tử liền thích ngay, bèn lấy làm vợ. Nhân đấy trao cho nhạc phụ Trần Lý tước Minh Tự, cho cậu của vợ là Tô Trung Từ làm Điện tiền chỉ huy sứ. Sau buổi ấy, anh em họ Trần, họ Tô liền họp hương binh Tinh Cương dẹp loạn Quách Bốc, dựng cờ phò nhà Lý rước Thái tử trở về Thăng Long, khôi phục chính thống.

Tháng 10 năm Canh Ngọ, 1210, vua Cao Tông bệnh hoạn mà băng hà. Thái tử Sảm lên ngôi trước linh cửu, tức Lý Huệ Tông, bấy giờ mới 16 tuổi. Trước tình thế vua mới nối ngôi, triều đình năm phe bảy phái, rối loạn khắp nước. Trần Lý quyết dốc toàn lực phò vua, dẫn binh dẹp loạn, nhưng chẳng may bị giặc giết, vua thương tiếc vô cùng. Sự nghiệp dở dang của tướng quân Trần Lý đành phó mặc cho người con trai thứ là Trần Tự Khánh gánh vác.

Trải mấy năm xông pha dưới đao tên, đánh đông dẹp bắc, khôi phục triều Lý, công đầu thuộc về anh em họ Trần, có sự giúp sức của anh em họ Tô. Tháng 12 năm Bính Tý(1216), Lý Huệ Tông phong Trần Thị Dung làm Hoàng hậu, Chương Tín hầu Trần Tự Khánh làm Thái úy Phụ chính; anh cả của Hoàng hậu là Trần Thừa làm Nội thị Phán thủ. Hoàng hậu Trần Thị Dung sinh được hai công chúa: Thuận Thiên và Chiêu Thánh. Nước nhà đương buổi loạn ly, Vua Lý Huệ Tông chỉ mới ngoài hai mươi, thể lực suy nhược, mắc bệnh trúng phong đã mấy năm, ngự y chữa thuốc không khỏi, lại chưa có thái tử nối ngôi. Rồi bệnh vua nặng dần, có lúc vua nói như thiên tướng nhập vào, tay cầm giáo và mộc, cắm cờ nhỏ vào tai, phát điên nhảy múa cả ngày, chính sự không thể màng đến, giao cho Thái úy Trần Tự Khánh quyết định. Thế là quyền lớn chuyển dần về tay họ Trần.

Nhưng cũng như cha mình là Trần Lý, sự nghiệp cơ đồ còn dở dang thì tháng 12 năm Quí Mùi (1223), Trần Tự Khánh chẳng may chết sớm, hưởng dương mới 40 tuổi, đưa thi hài về chôn ở Thiên Trường, sau được truy phong Kiến Quốc đại vương. Qua năm Giáp Thân (1224), bệnh vua Huệ Tông càng nặng, không có con trai nối nghiệp lớn tiên tổ, đành ủy nhiệm cho Trần Thủ Độ, lúc này đang giữ chức quan trong nội, làm Chỉ huy sứ, lãnh các quân Điện tiền mà hộ vệ cấm binh. Quyền bính nhà Lý chuyển dần về tay Trần Thủ Độ từ cơ hội này.

Mùa đông tháng 10 năm ấy, cực chẳng đã vua phải xuống chiếu lập Công chúa Chiêu Thánh làm Hoàng Thái tử để truyền ngôi. Thế rồi Thượng hoàng Lý Huệ Tông xuất gia ra ở chùa Chân Giáo trong đại nội. Chiêu Thánh lên ngôi, tôn hiệu là Chiêu Hoàng. Liền đấy, Chiêu Hoàng ban lệnh chọn con em của các quan viên trong ngoài sung vào các sắc dịch trong nội.

Theo chính sử thì buổi ấy, Trần Thủ Độ nắm quyền Nội ngoại, là người quyết đoán, dám làm chuyện lớn; cháu gọi Thủ Độ bằng chú là Trần Cảnh, con thứ của Trần Thừa, mới vừa 8 tuổi, được chọn vào làm Chánh thủ, trực hầu bên ngoài cung vua. Do Thủ Độ sắp đặt chuyện kết hôn cho Trần Cảnh và Thuận Thiên, đến dịp thì loan báo rằng: “Bệ hạ đã có chồng rồi”. Các quan đều nói được, xin chọn ngày 21 tháng ấy, vào chầu lạy mừng. Sắp đặt xong mọi việc chưa từng có trước đó, Trần thủ Độ mới tâu vua tuyên chỉ. Ngày 11 tháng 12, năm 1225, Chiêu Hoàng thiết triều ở điện Thiên An, ngự trên bảo sàng, các quan vào chầu lạy ở dưới sân. Chiêu Hoàng trút bỏ áo ngự, khuyên mời phu quân Trần Cảnh lên ngôi hoàng đế. Vua mới lên ngôi đổi niên hiệu làm Kiến Trung; đại xá thiên hạ; xưng là Thiên Hoàng. Phong cho Trần Thủ Độ làm Quốc Thượng phụ, coi sóc việc thiên hạ.

Như vậy, cho đến lúc Trần Cảnh lên ngôi Hoàng đế ở thành Thăng Long, Thánh phụ Trần Thừa vẫn bám trụ tại đất Tinh Cương.

Đến đây mới thấy rằng, âm trạch ở gò Hỏa Tinh táng mộ cụ Trần Kinh có thế “Phấn đại dương giao chiếu/ Liên hoa đối diện sinh…”, mới chỉ gần một thế kỷ mà họ Trần đã làm chủ cả thiên hạ. Xem ra lời sấm của Khách nhân năm xưa thực có ứng nghiệm.

Trần Cảnh nhận vương vị từ Lý Chiêu Hoàng, lên ngôi vua. Hơn mười năm sau, Hoàng hậu Chiêu Thánh vẫn chưa có con nối nghiệp; trong thế buộc phải làm, từ ngôi hoàng hậu, bà bị phế xuống làm thân phận công chúa, rồi ở vậy đến hơn hai mươi năm sau vua mới thưởng gả bà cho công thần Lê Phụ Trần, dòng dõi nhà Tiền Lê. Thực hiện theo khổ kế của Trần Thủ Độ, Trần Cảnh bị ép lấy Thuận Thánh, vợ của Trần Liễu lúc này đã có thai ba tháng, sắc phong làm hoàng hậu. Mấy tháng sau, Thuận Thánh sinh ra Trần Quốc Khang (Quốc Khang trưởng thành nhận đất phong ở trại Diễn Châu, Nghệ An, làm chủ một vùng rộng lớn). Ba năm sau Hoàng hậu Thuận Thánh lại sinh ra Trần Hoảng, người sẽ kế thừa nghiệp lớn, tức vua Thánh Tông.

Kế tục nghiệp lớn, họ Trần làm vua Đại Việt được 12 đời (về sau kể thêm 2 vua Hậu Trần dấy binh khởi nghĩa chống nhà Minh đầu thế kỷ XV là 14 đời vua) tổng cộng 175 năm có lẻ.

Trở lại nơi táng mộ tổ của họ Trần ở gò Hỏa Tinh. Năm 1133, Trần Hấp dời mộ cụ Trần Kinh từ Tức Mặc, Nam Định sang Long Hưng, Thái Bình. Khi Trần Hấp mất cũng được chôn ở nơi ấy. Năm 1210, Trần Lý dẫn quân dẹp loạn, bị giặc giết đưa về táng ở gò Tinh Cương. Ngày 18 tháng giêng năm Giáp Ngọ (1234), Thượng hoàng Trần Thừa băng ở cung Phụ Thiên, thọ 51 tuổi; đưa về táng ở Thọ Lăng.

Thượng hoàng Thái Tông Trần Cảnh băng ngày 1 tháng 4 năm Đinh Sửu (1277), ở cung Vạn Thọ; tháng 10 năm ấy rước về táng ở Chiêu Lăng.

Ngày 25 tháng 5 năm Canh Dần (1290), Thượng hoàng Thánh Tông Trần Hoảng băng ở cung Nhân Thọ; đến ngày 15 tháng 12 đưa về táng ở Dụ Lăng.

Ngày 1 tháng 11 năm Mậu Thân (1308), Trúc Lâm Điều Ngự Trần Nhân Tông băng ở am Ngọa Vân trên núi Yên Tử; hỏa táng xong, chia xá lỵ để nhiều nơi. Đến ngày 16 tháng 9 năm Canh Tuất (1310), rước linh cửu về táng ở Đức Lăng. Lại đem Khâm Từ Bảo thánh Thái hoàng Thái hậu (mẹ của Huyền Trân Công chúa, mất từ tháng 9 năm 1293, trước quàn tạm ở cung Long Hưng) hợp táng ở Đức Lăng. Đến khi Tuyên Từ Thái hậu mất (Tuyên Từ là dì ruột đồng thời là kế mẫu của Huyền Trân Công chúa) ngày 19 tháng 8 năm Mậu Ngọ (1318); vua Anh Tông theo di mệnh của Thượng hoàng Nhân Tông, phụ táng dì Tuyên Từ bên cạnh Đức Lăng.

Như vậy, Thọ Lăng của Trần Thừa, Chiêu Lăng của Trần Cảnh, Dụ Lăng của Trần Hoảng, Đức Lăng của Trần Khâm đều rước về táng ở phủ Long Hưng, nơi âm trạch Hỏa Tinh khởi nên nghiệp nhà Trần.

Đến mấy đời sau, khi các đế vương nhà Trần mất đều đưa về táng ở xứ Yên Sinh, cố thổ xa xưa của họ Trần. Ví như ngày 16 tháng 3 năm Canh Thân, 1320, Thượng hoàng Anh Tông Trần Thuyên băng ở cung Trùng Quang, phủ Thiên Trường. Đến ngày 12 tháng 12 cùng năm, rước linh cửu về Yên Sinh, táng ở Thái Lăng. Rồi Mục Lăng của vua Minh Tông, Ngải Lăng của vua Hiến Tông, Phụ Lăng của vua Dụ Tông, Đồng Hi Lăng của vua Nghệ Tông và Thuận Tông (Thuận Tông đánh Chiêm chết, làm mộ giả táng ở Hi Lăng) đều nằm ở Yên Sinh…

Còn nhớ, mùa thu, năm Nhâm Tý, 1312, chiến thắng Chiêm Thành trở về. Vua Anh Tông đến trước lăng miếu ở phủ Long Hưng, làm lễ truy tôn công đức các vị Tổ của mình:

Ý Vương Trần Kinh làm Mục Tổ Hoàng Đế; Cung Vương Trần Hấp làm Ninh Tổ Hoàng Đế; Chiêu Vương Trần Lý làm Nguyên Tổ Hoàng Đế. Còn Trần Thừa thì trước đó đã tôn làm Thái Tổ Hoàng Đế rồi.

Tôi về đất Tinh Cương - Thái Đường xưa, nay là Tam Đường. Gọi tên làng như thế vì Tam Đường có ba thôn: Phúc Đường, Thái Đường và Ngọc Đường thuộc xã tiến Đức, huyện Hưng Hà. Sừng sững ngôi Đền Cả được nhà nước tôn dựng lại trên nền cũ đã mấy năm, để thờ tiên tổ và các vị Hoàng đế nhà Trần. Phía cánh đồng trước đền là khu lăng mộ ba vua Thái Tông, Thánh Tông, Nhân Tông như ba trái núi nhỏ xanh um cỏ cây. Phía sau ngôi đền một quãng là nơi yên nghỉ của bốn vị Hoàng thượng mà theo cách gọi của dân địa phương là nơi: Mục Tổ, Ninh Tổ, Nguyên Tổ và Thái Tổ yên nghỉ ngàn thu.

Cạnh Tam Đường là thôn Lưu Gia, khi từ Tức Mặc sang, Trần Tự Duy đã đến đây sinh sống. Và chính tại cái thôn nhỏ này, tháng 7 năm 1209, Thái tử Sảm dạt về ẩn náu khi chạy loạn Quách Bốc, rồi lấy con gái Trần Lý. Sự nghiệp họ Trần bắt đầu khởi lên từ cái ấp nhỏ này. Lưu Gia sau là đất phong của Linh từ Quốc mẫu Trần Thị Dung, nên còn gọi theo tên nôm của bà là làng Ngừ. Thôn Lưu Gia nay là Lưu Xá, thuộc xã Liên Hiệp, hiện khu lăng mộ bà Trần Thị Dung và Thái sư Trần Thủ Độ vẫn còn, đã được trùng tu.

Thì ra vương nghiệp nhà Trần năm xưa, với những con người kiệt hiệt giữ nước và mở nước, lưu danh ngàn đời trong tâm thức thần dân Đại Việt đã khởi lên từ những dòng sông bến nước, những thôn ấp bé nhỏ thơm mùi rơm rạ của vùng đất phù sa Tinh Cương - Long Hưng, Thái Bình ngày nay.
 

D.P.T
(SH276/2-12)










[endif][if gte="" mso=""[endif][if gte="" mso=""

 

![endif][if![endif][if![endif]

 

 

Các bài mới
Rồng đá (20/01/2012)
Các bài đã đăng