Trần Hân: Tập 4, Xuân Hòa Bình bị kiểm duyệt đi kiểm duyệt lại đến ba bốn lần (lần đầu 7.10. 1954, lần hai 3. 12. 1954, lần ba 1. 3. 1954). Ở tập này có ba chi tiết cần chú ý: thứ nhất, tên của Ưng Bình Thúc Giạ Thị ký ở bài Quan điểm bị kiểm duyệt. Thơ Ưng Bình Thúc Giạ Thị, thơ Trụ Vũ bị kiểm duyệt nguyên bài; thứ hai, Ban biên tập Ngày Mai được bổ sung thêm bốn công tác viên mới: Nam Quan, T. Hậu, H Nam, Liên Cầm; thứ ba, lập trường hòa bình thống nhất đất nước của các công tác viên càng đến sau (với Ngày Mai) càng mạnh mẽ. Những chi tiết này chứng minh rằng Ngày Mai khi đã được quần chúng các giới đồng tình, và lập trường Hòa bình Thống nhất đất nước theo tinh thần của hiệp định Genève đã trở thành nhu cầu khẩn thiết của đông đảo nhân dân.
Tuy nhiên đối với nhà cầm quyền Ngô Đình Diệm thì hòa bình, thống nhất là điều cấm kỵ. Ai nói chuyện hòa bình, ai vận động thống nhất người đó cần bị tiêu diệt. Luận điểm của chúng là hiệp định Genève và sự chia đôi đất nước là cấu kết giữa thực dân và Công sản. Chính phủ Quốc Gia không ký hiệp định Genève nên không có trách nhiệm thi hành. Ngày 20 tháng 7 là ngày quốc hận.
|
Hai trang trong "Ngày Mai" (tập 1) thể hiện lập trường Hòa Bình - Ảnh: TL |
Chu Sơn: Đề nghị anh khái quát tầm vóc và sự diễn tiến phong trào Hòa Bình.
TH: Đương đầu với thực dân Pháp gần 9 năm và đánh thắng chúng tại Điện Biên Phủ và nhiều chiến trường khác trên toàn cõi Đông Dương là một nỗ lực vô cùng to lớn của quân và dân ta. Tuy nhiên vừa đánh Pháp, vào giai đoạn cuối của cuộc chiến tranh, vừa quan ngại Mỹ nhảy vào lại là một thực tế khác. Do vậy Hòa Bình là mặt trận thứ hai có lúc song hành với chiến tranh, có lúc đẩy mạnh lên hàng đầu. Vào thời điểm đầu năm 1953 đến khi kết thúc Điện Biên Phủ thắng lợi, mặc dù trên chiến trường càng lúc ta càng nắm phần chủ động và ưu thế, nhưng so sánh lực lượng giữa ta (Việt Nam với sự giúp đỡ của Liên Xô, Trung Quốc) và đối phương (thực dân Pháp và đồng minh Mỹ, Anh) không cho phép ta đẩy mạnh cuộc chiến tranh đến thắng lợi cuối cùng. Mỹ lăm le nhảy vào thay thế hoặc phối hợp với Pháp, đe dọa ném bom nguyên tử.
Đầu năm 1954 quân và dân Thừa Thiên Huế - Quảng Trị một mặt chi viện cho chiến trường lớn Điện Biên Phủ, tấn công tiêu diệt đồn bót, thu nhỏ vùng chiếm đóng của đối phương, một mặt phát động phong trào chống chiến tranh (chống bắt lính, vận động lính ngụy bỏ ngũ) vận động hòa bình trong Ngụy quân Ngụy quyền và các tầng lớp nhân dân vùng tạm chiếm.
Đến khi hiệp định Genève ký kết, chính quyền và quân đội kháng chiến tập kết ra miền Bắc. Một số đảng viên, cán bộ, cơ sở được lệnh ở lại cùng đồng bào đấu tranh bảo vệ hòa bình, thực thi hiệp định Genève, tiến tới hiệp thương thống nhất Tổ quốc. Trong niềm phấn khích hân hoan của các tầng lớp nhân dân trước thắng lợi vang dội Điện Biên Phủ và triển vọng về một đất nước thanh bình ấm no hạnh phúc. Lợi dụng yếu tố pháp lý của hiệp định Genève, Tỉnh ủy, Thành ủy đã gấp rút ổn định, kiện toàn và phát triển cơ cấu bí mật của Đảng, hình thành các tổ chức ở nội thành, vùng ven và các huyện đến đơn vị khu phố, phường xã, thôn ấp, nhà máy (nhà máy vôi Long Thọ, nhà máy đèn (điện), nhà máy nước), nhà thương, trường học, chợ (đứng đầu là chợ Đông Ba), bến xe, bến đò, xây dựng các địa bàn lõm, các gia đình cơ sở, đào nhiều hầm bí mật, thiết kế nhiều chỗ ở bí mật nuôi dưỡng, bảo vệ cán bộ, tổ chức mạng lưới đường dây, phương tiện giao thông liên lạc, đào tạo, huấn luyện nhiều giao liên thành một thế trận liên hoàn giữa chiến khu, nông thôn, thành thị và ngược lại.
Tỉnh ủy, Thành ủy gấp rút cải tiến, hình thành thêm các tổ chức quần chúng yêu nước, đổi mới nội dung, phương pháp hoạt động cách mạng nhằm đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ chính trị giai đoạn mới.
Cấu trúc phong trào Hòa Bình theo dạng tầng và vòng.
Có ba tầng từ dưới lên:
- Tầng nền móng là công nhân lao động, nông dân và dân nghèo thành thị.
- Tầng giữa là tiểu thương, thanh niên học sinh, thầy giáo và cả viên chức lính tráng tiến bộ trong Ngụy quân Ngụy quyền.
- Tầng trên là nhân sĩ, trí thức, văn nghệ sĩ và những chức sắc tôn giáo (chủ yếu là Phật giáo).
Có ba vòng từ ngoài vào:
- Vòng ngoài là khu vực nông thôn các huyện.
- Vòng giữa là vùng ven.
- Vòng trong là các khu phố thuộc ba quận nội thành.
Tỉnh ủy, Thành ủy chỉ đạo, phối hợp, điều hành phong trào sao cho nhịp nhàng, sát khớp, đồng bộ và kịp thời giữa các tầng các vòng. Để có một cuộc biểu tình hai ba vạn người diễn ra ở Huế vào một thời điểm cụ thể nào đó, Tỉnh, Thành và các huyện phải thống nhất kế hoạch từ tổng thể đến chi tiết để đưa ít nhất hai phần ba số người tham dự từ vùng ven và các huyện vào. Do vậy mà các khâu chuẩn bị kế hoạch, tổ chức, phối hợp và điều hành không phải là một vấn đề đơn giản, bởi tất cả đều diễn ra trong vòng kiềm tỏa tai mắt của đối phương.
Chiến tranh Việt - Pháp chấm dứt, hòa bình đã lập lại nhưng độc lập dân tộc và thống nhất Tổ quốc mới chỉ là một nửa con đường. Nửa con đường còn lại có thể là hai năm - theo hiệp định Genève - hoặc có thể là một cuộc chiến tranh tàn khốc và đau thương gấp bội, bởi như Bác Hồ và Đảng nhận định: kẻ thù mới - đế quốc Mỹ - giàu mạnh và nguy hiểm hơn kẻ thù cũ - thực dân Pháp- rất nhiều lần và tính chất của cuộc chiến sẽ phức tạp khó khăn khôn lường, bởi cái công cụ “chính phủ Quốc gia” trong tay thực dân Pháp đang từng bước trở thành một hiện thực trong tay đế quốc Mỹ. Trong chừng mực nào đó: trong lòng cuộc chiến tranh chống xâm lược còn có cả một cuộc nội chiến.
Năm mươi phần trăm niềm tin thắng lợi của cán bộ đảng viên tụi mình dành cho giải pháp Hòa Bình, nhưng toàn bộ sức lực trí não của anh em đồng chí từ lãnh đạo các cấp đến cơ sở đều đổ hết cho cuộc đấu tranh mới. Các anh Tư Minh, Ngô Lén mỗi lần gặp gỡ thuộc cấp đều nhắc nhở: “Cho dù tụi mình phải hy sinh mạng sống thì cái giá của Hòa Bình cũng rẻ hơn chiến tranh gấp ngàn vạn lần”.
|
Hòa Bình là phong trào chung của cả miền Nam nhưng chủ yếu tập trung vào hai trọng điểm là Huế và Sài Gòn.
Tại Sài Gòn, ngày 1.8 các trí thức yêu nước như Nguyễn Hữu Thọ, Phạm Huy Thông, Nguyễn Văn Dưỡng... tuyên bố thành lâp Phong trào Bảo vệ Hòa bình Sài Gòn - Chợ Lớn.
Cũng ngày 1.8, một cuộc biểu tình với hơn một vạn rưỡi người tham dự được tổ chức tại Huế để hoan nghinh hiệp định Genève kêu gọi trả hết tù binh, tù chính trị, kêu gọi binh lính trở về gia đình làm ăn bình thường. Cuộc biểu tình bị đàn áp, một số người bị bắt giam.
Trung tuần tháng 8 phong trào Bảo Vệ Hòa Bình Huế được thành lập với các ông Tôn Thất Dương Kỵ, Nguyễn Hữu Đính, Lê Khắc Quyến, Võ Đình Cường, Cao Xuân Lữ, Nguyễn Hữu Ba...
Sài Gòn là một thành phố lớn bao quanh bởi một vùng nông thôn rộng lớn và giàu có. Sài Gòn còn là cửa ngỏ thông ra thế giới bên ngoài. Phong trào Hòa Bình của các nhân vật thuộc tầng lớp trên gây tiếng vang lớn nhưng chóng tàn. Để nuôi dưỡng cuộc đấu tranh, phong trào phải chuyển động về phía quần chúng lao động ở cơ sở.
Huế trái lại là một thành phố nhỏ, vành đai nông thôn hẹp và nghèo, là đất của rất nhiều truyền thống cực đoan, là tiền đồn của các thế lực phản động và lạc hậu, là cái loa phản tuyên truyền hướng ra miền Bắc, là gốc rễ của hai nhân vật chóp bu của cái gọi là “Chính Phủ Quốc Gia”: Bảo Đại và Ngô Đình Diệm do thực dân đế quốc nhào nặn và đặt để. Đấu tranh và vận động hòa bình tại Thừa Thiên Huế cũng là đấu tranh vận động hòa bình trong ruột thịt họ hàng thân thích và vây cánh của hai nhân vật ấy. Vấn đề trở nên cực kỳ khó khăn và tế nhị. Phải trái rạch ròi, đúng sai dứt khoát, trắng đen sáng tỏ, nhưng yêu cầu nghiêm ngặt là “lựa lời mà nói cho vừa lòng nhau”. Hòa bình trên nền tảng độc lập Dân tộc không có nghĩa là huề cả làng, là “cá mè một lứa”, nhưng nhất thiết là phải làm hết sức để chuyển đổi càng nhiều càng tốt, càng quí, càng hay, càng có lợi: tình cảm, nhận thức và hành động cụ thể thiết thực của đông đảo quần chúng về phía lập trường hòa bình, hiệp thương thống nhất để bầu ra một chính quyền duy nhất cho một Việt Nam độc lập và toàn vẹn lãnh thổ thông qua một cuộc bầu cử dân chủ và tự do. Bởi tất cả những đảng viên và cán bộ như chúng mình trong bất cứ mọi tình huống cho dù khắc nghiệt đến đâu cũng khắc ghi một điều Bác Hồ đã nhắc nhở: “Tất cả mọi người Việt Nam ai cũng có lòng yêu nước”, phải kiên trì đấu tranh thay đổi họ.
Phong trào Hòa Bình không chỉ bắt đầu vào tháng 7. 1954, trước đó nhiều tháng nhiều ngày, cụ thể là từ sau chiến thắng Điện Biên Phủ, một số hoạt động đã được chuẩn bị: nhiều tiết mục, nhiều chương trình biểu diễn của đoàn văn nghệ Chim Xanh của tỉnh đã được sắm sửa để tiếp cận thành phố. Ngày Mai đã lo xong nội dung tập 1. Nhà in Khánh Quỳnh được bổ sung thêm thợ, mua sắm các thiết bị cần thiết và giấy mực. Các tổ đảng, các ban cán sự nòng cốt trong công nhân, nông dân, tiểu thương, học sinh, nhân sĩ trí thức văn nghệ sĩ được củng cố tăng cường và các đầu mối trong Ngụy quân, Ngụy quyền cũng ráo riết vào cuộc.
Đầu tháng 8 (1954) cùng với Ngày Mai tập 1, ba vạn bản văn hiệp định Genève và Về Hòa Bình đã in xong, phát hành, phân phối, chuyền tay rộng rãi trong nhiều địa phương ngoài Huế và các giới quần chúng từ nội thành vùng ven đến nông thôn. Cán bộ, cơ sở cốt cán (phát triển nhanh chóng sau chiến thắng Điện Biên Phủ) được tung đi nhiều nơi để giải thích nội dung cơ bản của hiệp định Genève, đặc biệt là điều 14 khoản C của hiệp định về việc bảo đảm các quyền tự do dân chủ cho người dân, và điều 7 (tuyên bố chung kết thúc hội nghị) về thời hạn và phương thức tiến hành hiệp thương tổng tuyển cử thống nhất đất nước.
Đoàn văn nghệ Chim Xanh từ chiến khu tiếp cận thành phố biểu diễn phục vụ nhân dân tại An Cựu, Vĩ Dạ, các xã thuộc huyện Phú Vang, Hương Thủy, Hương Trà. Thanh niên nam nữ học sinh, nghệ nhân ở các huyện cũng tổ chức những đêm ca hát, hò vè, diễn tuồng, diễn kịch. Cơ sở cốt cán tại các trường (gồm thầy giáo và học sinh) rủ nhau đi cắm trại, du ngoạn dã ngoại, tổ chức liên hoan. Nhiều người từ thành phố hoặc từ nông thôn ra vào thăm viếng bà con họ hàng bạn bè thân thuộc, giúp đỡ nhau hàn gắn vết thương chiến tranh, trùng tu mồ mã nhà thờ, tham gia cúng giỗ, kỵ chạp. Tất cả hoạt động ấy đều nằm trong chủ trương của phong trào Hòa Bình nhằm mục đích phục hồi sinh khí, củng cố mối quan hệ thân tình, phát triển nhận thức và ý chí làm chủ trong công cuộc bảo vệ hòa bình, kêu gọi nhà cầm quyền thi hành hiệp định Genève tiến tới hiệp thương thống nhất đất nước, kêu gọi nhà cầm quyền quan tâm giải quyết các vấn đề nhân sinh như cứu đói, đắp đập Thuận An ngăn mặn, đấu tranh nhằm ngăn chặn các hành vi trả thù những cá nhân, gia đình đã tham gia kháng chiến chống Pháp, đấu tranh đòi nhà cầm quyền tôn trọng, thực thi các quyền tự do dân chủ của nhân dân. Hai công tác đặc biệt có tác động rất tích cực trong giai đoạn này là binh vận và bình dân học vụ.
Rất nhiều binh lính trong Ngụy quân đã hưởng ứng lời kêu gọi, khuyên nhủ của vợ con, cha mẹ, anh em, họ hàng và bạn bè rời bỏ hàng ngũ, đơn vị đồn bót trở về với đời sống dân thường, thậm chí có người đã tình nguyện đi tập kết. Kết quả của công tác binh vận rất to lớn. Nhiều đồn bót của các làng xã thuộc các huyện bỏ trống. Ở Huế các đồn Nam Giao, Tây Thượng, An Cựu, Phát Lát trở nên hoang tàn. Những bài ca dao, hò vè và thơ của Ưng Bình Thúc Giạ Thị, Thảo Am Nguyễn Khoa Vi, Văn Đường, T.Hậu. H.Nam in trên các tập Ngày Mai 3, 4 đều phản ảnh sinh động niềm hân hoan, khí thế Hòa Bình trong bối cảnh của Thừa Thiên Huế những tháng sau Genève.
Bình dân học vụ nổi lên thành một phong trào và phát triển rộng rãi sôi nổi là một bộ phận khác của phong trào Hòa Bình. Ông Bửu Đáp - một nhân vật có vai vế trong hoàng tộc, một hưu quan có uy tín trong cựu trào, ông Tôn Thất Lôi, một thầy giáo trẻ đồng thời cũng là một thành viên của dòng họ Nguyễn Phước đã đảm trách vai trò trưởng, phó ban bình dân học vụ. Các lớp học vào buổi tối mọc lên ở nhiều nơi trong thành phố. Nhiều giáo viên, trí thức, thanh niên có học vấn tình nguyện về các làng xã vùng ven, vùng xa thuộc các huyện đốt đèn dạy chữ, truyền bá văn hóa và nếp sống mới. Ban bình dân học vụ ngoài nhiệm vụ xóa mù, còn là hệ thống mắt xích, là trạm liên lạc hai chiều nông thôn - thành thị (trong - ngoài) của phong trào Hòa Bình. Đặng Cao Viễn trong Ngày Mai tập 3 mô tả một lớp bình dân học vụ. Đó là một lớp trong hàng trăm lớp, một mắt xích trong hàng trăm mắt xích nửa bí mật, nửa công khai hợp pháp giữa lòng sào huyệt của đối phương.
Những ngày đầu năm 1955 thật là khẩn trương đối với Tỉnh, Thành ủy và cán bộ đảng viên, cơ sở các cấp. Thời điểm thách đấu giữa Cuộc chiến tranh tiến hành từ một phía (tập đoàn Ngô Đình Diệm) và công cuộc vận động Hòa Bình từ một phía khác (ta) đã bắt đầu căng thẳng. Hệ thống cai trị của thực dân Pháp từng bước rút lui theo các điều khoản của hiệp định Genève kéo theo sự sa sút, thua chạy của phe “Quốc Gia Bảo Đại”. “Phe Quốc Gia Ngô Đình Diệm” với sự hà hơi tiếp sức của đế quốc Mỹ đã lần hồi nắm độc quyền thống trị miền Nam. Giữa năm 1955 chúng tập trung các mũi nhọn sức mạnh quay về phía ta:
Một mặt, bọn công an mật vụ lùng sục khắp nơi bắt bớ, tra tấn, tù đày, bắn giết các cán bộ đảng viên hoạt động bí mật; trấn áp, uy hiếp, đe dọa, mua chuộc, tống xuất các cơ sở và quần chúng cách mạng.
Một mặt với phương tiện dồi dào do thực dân Pháp để lại và do đế quốc Mỹ trang bị mới, với sự tiếp tay cuồng nhiệt của một số cựu kháng chiến phản bội trở cờ, bộ máy Thông Tin và Tác Chiến Tinh Thần của tập đoàn Ngô Đình Diệm phát động cuộc chiến tranh ý thức hệ. Chúng hò reo một cuộc thánh chiến:
- Lấy học thuyết Cần lao Nhân vị hữu thần chống lại chủ nghĩa Cộng sản vô thần.
- Lấy Đảng Cần Lao Thiên Chúa Giáo chống lại Đảng Công sản.
- Lấy “nước miền Nam Quốc Gia” chống lại “nước miền Bắc Quốc Tế”.
Chúng phủ nhận hiệp định Genève, bắt khước hiệp thương, tổng tuyển cử thống nhất tổ quốc với luận điệu: Hiệp định là sự cấu kết giữa thực dân Pháp và Hà Nội. Chính phủ Quốc Gia không ký vào hiệp định nên không có trách nhiệm thi hành. Ngày 20 tháng 7, 1954 là ngày quốc hận. Chúng hô hào lấp sông Bến Hải - Bắc tiến.
Để đương đầu với sách lược thủ đoạn và các biện pháp gian ác của chính quyền Ngô Đình Diệm, cùng với các tỉnh, thành toàn miền Nam chúng ta vẫn kiên trì đường lối Hòa Bình, chỉ với đấu tranh chính trị và sức mạnh quần chúng đương cự với bạo lực phản động ngày một gia tăng cường độ và tầm vóc, luận điệu của chúng:
- Ai nói chuyện hòa bình, bảo vệ hòa bình là Công sản.
- Ai kêu gọi hiệp thương, tổng tuyển cử thống nhất là Công sản.
- Ai đấu tranh kêu đòi dân chủ, dân sinh là Cộng sản.
- Cộng sản với Quốc gia không đội trời chung. Người Quốc gia cần phải tiêu diệt Cộng sản đến tên cuối cùng.
|
Luận điệu đó gắn liền với những hành động tàn ác, dã man của chính quyền Diệm đặt cán bộ đảng viên, phong trào Hoà Bình và quần chúng yêu nước trước một tình thế cực kỳ nguy hiểm. Phong trào bị đàn áp khắp nơi. Các nhân vật thuộc tầng lớp trên của phong trào Hòa Bình Sài Gòn, Chợ Lớn bị bắt giam, đưa ra tòa, bị vu khống nhục mạ, bị khống chế và chỉ định cư trú.
Tại Thừa Thiên Huế: Võ Đình Cường, Tôn Thất Dương Kỵ, Lê Quang Vịnh, Cao Xuân Lữ, Hoàng Nguyên,... suốt nhiều tháng liền sau khi Ngày Mai tập 1 xuất bản đã bị trấn áp, đến Ngày Mai tập 3 thì bị bắt giam, vào đầu tháng 5. 1955 bị tống xuất ra khỏi Thừa Thiên Huế. Hàng trăm cuộc tập họp, đấu tranh với nhiều hình thức, tầm vóc vừa và nhỏ tại các quận huyện phường xã đều bị vô hiệu hóa, nhiều cán bộ của phong trào Hòa Bình cùng chung số phận,
Trước tình hình đó, Tỉnh, Thành ủy quyết định phát động những cuộc đấu tranh với quy mô lớn:
Nhân ngày Quốc tế Lao động 1. 5. (1955) một cuộc mitting lớn với khoảng ba vạn người tham dự diễn ra tại quảng trường Phu Văn Lâu. Để có cuộc mitting này, phong trào Hoà Bình với sự lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy đảng từ tỉnh, thành, các huyện đến các chi bộ đã điều động quần chúng nội ngoại thành, nông thôn - kể cả nông thôn vùng xa như khu 3 Phú Lộc, Phong Điền, Quảng Điền. Tại diễn đàn cuộc mitting, các đại diện của thành phố và các huyện đã khẳng quyết lập trường bảo vệ Hòa Bình, kêu gọi nhà cầm quyền miền Nam hiệp thương với miền Bắc để tổ chức tổng tuyển cử thống nhất đất nước, đồng thời cũng kêu gọi nhà cầm quyền tôn trọng và thực thi quyền tự do dân chủ, chống đàn áp, bắt bớ giam cầm người vô tội, giải quyết cấp bách các nhu cầu dân sinh như cứu đói, đắp đập Thuận An ngăn mặn.
Trong tháng 5, tháng 6 và nửa đầu tháng 7 nhiều đơn khiếu tố, thỉnh nguyện của đại diện các tầng lớp nhân dân thành phố và các huyện đã được nhân sĩ trí thức (người của phong trào Hòa Bình chưa bị lộ) hướng dẫn trao tận tay các cấp chính quyền Thừa Thiên Huế.
Ngày 1 tháng 8 năm 1955 để kỷ niệm một năm ngày hiệp định Genève có hiệu lực, đồng bào Phật giáo Huế đã tổ chức một cuộc miting biểu tình kêu gọi hòa bình thống nhất theo tinh thần hiệp định Genève.
Một cuộc mitting lớn khác dự kiến tổ chức vào 28 tháng 8 năm 1955. Trong lúc tỉnh, thành và các huyện đang gấp rút chuẩn bị kế hoạch và các biện pháp tiến hành, thì ngày 25.8.1955 mình (Trần Hân) và mấy đồng chí khác bị địch bắt. Tuy vậy mitting vẫn diễn ra đúng ngày giờ đã định. Trên ba vạn người, vào lúc gần trưa (11giờ) ngày 28, bằng nhiều phương tiện khác nhau: đò nốt, xuồng lớn xuồng nhỏ, xe đò đi bộ... từ Phú Lộc, Phú Vang, Hương Thủy lên, từ Phong Điền, Quảng Điền, Hương Trà vào cùng đồng bào 8 khu phố thuộc ba quận nội thành và các cơ quan Ngụy quyền đến giờ bãi sở đã tề tựu trước chợ Đông Ba trên đoạn đường Trần Hưng Đạo từ cầu Gia Hội đến múi cầu Trường Tiền làm mitting. Nội dung cuộc mitting này cũng như cuộc mitting ngày 1 tháng 5 nhưng quyết liệt hơn nhiều. Chính quyền Diệm đã điều động công an, cảnh sát, mật vụ và cả lính tráng đàn áp bạo tàn. Hàng trăm người bị đánh đập thương tích. Cuộc mitting bị chia cắt thành nhiều nhóm nhỏ. Các nhóm nhanh chóng phát triển thành những cuộc biểu tình tuần hành qua nhiều ngả khác nhau trên một số đường phố, vừa đi vừa hô vang khẩu hiệu: Đã đảo độc tài! Đã đảo đàn áp phát xít! Hòa Bình muôn năm! Việt Nam độc lập thống nhất muôn năm!...
Sau cuộc mitting của nhân dân Thừa Thiên Huế, ngày 28 tháng 8, Ngô Đình Diệm tức tốc từ Sài Gòn bay ra Huế họp khẩn cấp với đàn em và thuộc hạ ở địa phương (Ngô Đình Cẩn, em út của gia đình họ Ngô được phân chia làm lãnh chúa ở miền Trung), chúng đề ra hai biện pháp:
1/ Nhanh chóng đắp đập Thuận An, giải quyết trước mắt và tạm bợ các vấn đề nhân sinh.
2/ Đẩy mạnh chiến dịch tố Công, diệt Cộng mà chúng đã phát động rầm rộ từ 20 tháng 7 - thời điểm mà chúng gọi là ngày quốc hận.
Cuộc chiến tranh tiến hành từ một phía phát triển theo một quy mô lớn chưa từng thấy với tính chất đẫm máu và vô cùng thâm độc, phản động.
Chúng mở rộng hệ thống nhà tù, trại cải huấn, chúng xây dựng mới các trung tâm thẩm vấn từ tỉnh xuống quận huyện, thiết lập các trại thanh lọc đến tận đơn vị làng xã.
Hai bộ máy đàn áp “công an mật vụ” và “tác chiến tinh thần” của chính quyền Diệm hoạt động ngày đêm. Chúng ráo riết thực hiện các phuơng châm: “Tát nước bắt cá, giết lầm hơn bỏ sót nhằm tận diệt cái mà chúng gọi là mầm mống Cộng sản từ ý tưởng, gia đình, dòng họ và thôn ấp”. Chúng bắt hết những ai có dính líu xa gần với phong trào Hòa Bình, những người lơ là với chế độ (Diệm), những người có máu mặt, những Phật tử thuần thành, kể cả thân nhân của họ.
Chúng phân loại và nhốt hết theo từng đối tượng vào các trại thanh lọc, các trung tâm thẩm vấn, trại tạm giam, trại cải huấn và nhà tù để tiến hành các đối sách khác nhau bằng các biện pháp “Tác chiến tinh thần” kết hợp “với tác chiến thể xác”.
Cùng một lúc với việc rao giảng chủ nghĩa Duy linh, học thuyết Cần Lao Nhân Vị, chùng rả rích chửi bới chủ nghĩa Công sản, chửi bới miền Bắc tay sai Nga Tàu..., chúng mua chuộc, dụ dỗ, rủ rê các “can phạm” từ bỏ Đảng Công sản, từ bỏ hàng ngũ kháng chiến trở về với “chính nghĩa Quốc gia”, theo đạo Thiên chúa, vào Đảng Cần Lao, nhận lãnh các chức vụ thừa hành trong Ngụy quân, Ngụy quyền..., nếu không thì tra tấn đến thịt nát xương tan, tù đày chết chóc và liên lụy đến gia đình. Côn Sơn, Thừa Phủ, Chín Hầm, Thanh Tân ồ ồ và các địa chỉ bí mật ở khắp các quận huyện là địa ngục trần gian, là cõi chết của hàng chục ngàn cán bộ, đảng viên và quần chúng yêu nước “đấu tranh dân chủ hợp pháp” vì các mục tiêu Hòa bình, hiệp thương thống nhất. Hàng chục ngàn gia đình tại Thừa Thiên Huế đã tan nát, điêu linh vì mưu đồ: “Một nước miền Nam riêng biệt và Thiên Chúa giáo” của anh em nhà họ Ngô và “Vĩ tuyến 17 là ranh giới lãnh thổ của Thế Giới Tự Do, đồng minh của Hoa Kỳ”.
CS: Với tư cách là người chỉ đạo trực tiếp, anh đánh giá thế nào về kết quả của phong trào Hòa Bình?
TH: Mình bị địch bắt ngày 25 tháng 8 (1955), từ đó mình trải nghiệm đầy đủ bảy ngàn ngày đêm (20 năm) tại các địa ngục trần gian của các chế độ Việt Nam Công hòa từ Ngô Đình Diệm đến Nguyễn Văn Thiệu. Rất nhiều thời đoạn trong hơn bảy ngàn ngày đêm đó mình nhớ nghĩ, trao đổi, thảo luận với chính mình, với nhiều bạn tù (bị địch bắt từ Thừa Thiên - Huế, từ khu 5 và đặc biệt từ Sài Gòn-Nam Bộ) thuộc phong trào Hòa Bình. Từ 1975 đến nay, trong bối cảnh đất nước hoàn toàn độc lập, thống nhất và hòa bình, hễ có dịp là tâm trí mình quay trở lại với những người, những việc, những sự kiện đã gắn bó với mình chỉ vọn vẹn có hơn một năm một tháng ấy. (Mình vào Huế cuối tháng 7 năm 1954 và bị bắt tháng 8 năm 1955). Nhớ lại, nghĩ lại, suy gẫm, soát xét lại, trao đổi luận bàn với một vài đồng chí đã một thời sống chết với Hòa Bình như anh Tư Minh chẳng hạn... để rút ra một nhận định, một bài học cho chính mình, mà không bẽ bàng với những người đã khuất, đã hy sinh mất mát và không vô ích với những ai quan tâm đến một thời điểm đặc biệt (1954, 1955, 1956...), một sự kiện lịch sử đặc biệt (phong trào Hòa Bình) tại một địa phương đặc biệt (Thừa Thiên Huế):
... Thời điểm tháng 8.1955 là đỉnh cao và cũng là bước thoái trào của cuộc vận động (Hòa Bình) tại Thừa Thiên Huế, tại Sài Gòn và toàn miền Nam.
Giả định rằng phong trào Hòa Bình là một trận đánh và nhiệm vụ chiến lược của nó là bảo vệ hòa bình, đấu tranh theo tinh thần hiệp định Genève để tiến tới thống nhất đất nước thì kết quả của nó là một thất bại nặng nề. Bởi tất cả các mục tiêu không đạt được mà hàng chục ngàn cán bộ đảng viên của Thừa Thiên Huế (trong hàng trăm ngàn cán bộ đảng viên của toàn miền Nam) đã bị loại khỏi vùng chiến đấu, bị giết chóc, bị tra tấn đến thương tật, bị đày đọa trong những địa ngục trần gian, bị tan nát gia đình, dòng họ hai ba thế hệ, thậm chí không ít người vì lí do này nọ đầu hàng phản bội, số ít còn lại bị đánh bật ra khỏi trận địa (thành phố, nông thôn) rút lên chiến khu hoặc thay đổi hành trạng và địa bàn chiến đấu, (đến một địa phương khác như Sài Gòn chẳng hạn), hoặc vượt tuyến ra miền Bắc, bỏ lại chiến trường (vùng tạm chiếm) cho đối phương mặc sức tung hoành trong một thời gian dài đến ba bốn năm.
Có mấy lý do dẫn đến tình trạng thoái trào trên:
- Một là: Chúng ta đánh giá đối phương chưa thật sự thấu đáo. Trong chừng mực nào đó chúng ta đã tin vào tình tự dân tộc, lòng yêu nước, ý thức và khả năng dân chủ (kiểu tư sản) của các phe nhóm “Quốc Gia” cao hơn những gì họ có được. Đồng thời chúng ta lại đánh giá thấp các thủ đoạn, mưu lược chính trị nhất thời cùng những ham muốn quyền lực, tham vọng thành lập quốc gia riêng biệt của tập đoàn Ngô Đình Diệm.
- Hai là: Tình thế khách quan trong so sánh tương quan sức mạnh giữa ta (Việt Nam Dân Chủ Công Hòa không còn được Trung Quốc và Liên Xô viện trợ như trước đây - mấy năm sau của cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp) với đế quốc Mỹ - con át chủ bài trong “sách lược ngăn chặn chủ nghĩa Công sản từ vĩ tuyến 17, không cho phép ta hành động gì khác với sách lược hòa bình.
- Ba là: Sau chín năm kháng chiến chúng ta đã tiêu tốn quá nhiều sức lực của chiến sĩ, nhân dân trong cả nước. Phải có thời gian để phục hồi, chuẩn bị lực lượng mới để đi tiếp nửa con đường còn lại: Giải phóng miền Nam.
Anh Tư Minh, người chỉ huy cao nhất của phong trào Hòa Bình tại Thừa Thiên - Huế (1954 - 1955), sau 1975, trong một cuộc trao đổi tay đôi với mình đã tâm sự:
- “Mình tưởng họ (phe Quốc Gia Ngô Đình Diệm) là người yêu nước nên đã tổ chức đấu tranh theo kiểu yêu nước (vận động, hiệp thương thống nhất). Mình tưởng họ là người dân chủ nên đã tổ chức đấu tranh theo kiểu dân chủ (đấu tranh hợp pháp). Té ra tình tự dân tộc và lòng yêu nước của họ không lớn hơn cái móng tay. Té ra tinh thần dân chủ của họ chưa đủ để treo đầu heo bán thịt chó. “Thực chất họ là một tập đoàn phong kiến và Thiên Chúa giáo trung cổ. Cả hai thứ đó kết hợp lại biến họ thành một thế lực phát xít bạo tàn chống lại đất nước, chống lại nhân dân và kéo lùi lịch sử. Chỉ có thế thôi. Nếu không có Mỹ đứng đàng sau thì họ có nghĩa lí gì với sức mạnh của cả dân tộc, đặc biệt cái dân tộc ấy đã chấp nhận ngọn cờ kháng chiến do Đảng Công sản giương cao, đã anh dũng kháng chiến đánh bại thực dân Pháp, đã làm nên một Điện Biên Phủ vang dội toàn cầu, đã buộc cộng đồng thế giới công nhận là chủ nhân của đất nước Việt Nam độc lập và toàn vẹn lãnh thổ.
“Thành thật mà nói chúng ta đã trả giá quá đắt cho những ảo tưởng của mình”.
“Tuy nhiên qua phong trào Hòa Bình, chúng ta thấy được hết bản tướng của đối phương (Mỹ và chính quyền Ngô Đình Diệm). Chúng đã phô bày hết dã tâm can thiệp vào nội tình Việt Nam, kéo dài sự chia cắt đất nước. Dã tâm ấy đi ngược lại nguyện vọng, quyền lợi dân tộc và xu thế thống nhất, phát triển tất yếu của đất nước và thế giới”.
“Không tính chuyện hoà bình được với chúng thì phải tính chuyện bạo lực thôi”.
“Bởi vĩ tuyến 17 tuyệt đối không phải là ranh giới chính trị phân chia đất nước làm hai. Không có nước miền Nam, cũng không có nước miền Bắc. Chỉ có một nước Việt Nam độc lập, thống nhất với đầy đủ chủ quyền và sự toàn vẹn lãnh thổ trong tình tự và ý chí của cả dân tộc đã được cộng đồng quốc tế bắt đầu công nhận tại hội nghị Genève”.
Tổ tiên không chia miền Nam làm của hương hỏa cho tập đoàn Ngô Đình Diệm. Cộng đồng quốc tế không phân định vĩ tuyến 17 là ranh giới của nước Mỹ hay của bất cứ Thế giới nào...
C.S
(SH276/2-12)
------------------------
(*) Bài viết do tác giả thực hiện từ nhiều năm trước nên có chi tiết không còn xác đúng: các ông Võ Đình Cường, Cao Xuân Lữ đều đã qua đời, không phải đang còn tại thế. Rất mong các bạn đọc thông cảm! S.H
|