Tạp chí Sông Hương - Số 276 (T.2-12)
Huế Hướng Tới Đô Thị Sinh Thái (Thừa Thiên Huế trên tiến trình xây dựng thành phố trực thuộc Trung ương)
10:01 | 16/01/2012

Thừa Thiên Huế đang đứng trước cơ hội rất lớn để xây dựng Huế trở thành một đô thị lớn với đầy đủ tầm vóc, tính chất sánh ngang tầm với thủ đô Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh.

Huế Hướng Tới Đô Thị Sinh Thái (Thừa Thiên Huế trên tiến trình xây dựng thành phố trực thuộc Trung ương)
Ảnh: Phạm Bá Thịnh
Huế trong tương lai là một trung tâm đô thị cấp quốc gia, khu vực và quốc tế, một trong những trung tâm kinh tế, văn hóa, khoa học - công nghệ, y tế, giáo dục đào tạo lớn của cả nước và khu vực các nước Đông Nam Á. Mục tiêu đó đặt ra: - Tốc độ đô thị hóa sẽ được đẩy nhanh nhưng đồng thời phải bảo đảm hướng tới sự phát triển bền vững. Nhưng phát triển như thế nào là phát triển bền vững?

Phát triển bền vững

Có thể nói phát triển bền vững là cụm từ được đề cập hầu hết trong các văn bản định hướng phát triển kinh tế xã hội của cả nước cũng như các địa phương. Tuy nhiên hiểu thấu đáo nội dung về nó là điều không đơn giản, thậm chí còn mù mờ, và trong chừng mực nào đó còn dừng ở khẩu hiệu chúng ta đều biết: phát triển là một quy luật tất yếu của xã hội, sự phát triển đó phải được hiểu là một tiến trình đưa xã hội lên trình độ hạnh phúc cao hơn cả vật chất lẫn tinh thần. Tiến trình đó bao gồm phát triển kinh tế để mang lại phúc lợi vật chất cao hơn, phát triển văn hóa xã hội và tiến trình dân chủ hóa để đem lại những thỏa mãn tinh thần cao hơn. Nói chung, nếu đại đa số dân chúng được hưởng mức độ phúc lợi cao hơn trong quá trình thăng tiến thì đó mới là phát triển bền vững.

Ở thời điểm này, khi đề cập đến phát triển bền vững hầu như mọi người đều thống nhất: - Phát triển bền vững là sự phát triển đáp ứng được nhu cầu hiện tại mà không làm tổn hại đến khả năng của các thế hệ tương lai trong việc đáp ứng những nhu cầu của họ. Điều này được hiểu phát triển bền vững là sự phát triển không làm tổn hại đến môi trường, không gây ra những thảm họa về sinh thái. Thế hệ hôm nay khai thác tài nguyên thiên nhiên hợp lý nhằm thỏa mãn nhu cầu của mình mà không ảnh hưởng đến việc thỏa mãn nhu cầu của thế hệ mai sau. Có thể nói phát triển bền vững là sự phát triển dài hạn, là quá trình tái sản xuất liên tục nhưng lại không để lại hậu họa cho đời sau.

Tất nhiên, ngược lại những mục tiêu trên là phát triển không bền vững, cái mà người ta thường gọi nôm na là phát triển “nóng”. Thành phố nay đào mai lấp mà chúng ta thường thấy thì đó là phát triển “nóng”; xây dựng một khu đô thị mới để rồi biến những khu dân cư lân cận sống trong lầy lội nhếch nhác, đó là phát triển “nóng”. San ủi mặt bằng, phân lô bán đất trong phát triển đô thị như ở nhiều thành phố trong cả nước hiện nay là phát triển “nóng”; thành phố mới mưa đã lụt là phát triển “nóng”; phát triển nóng còn biểu hiện ở sự ô nhiễm ngày càng tăng của các con sông, của môi trường sống. Trong đầu tư phát triển đâu là nội lực của địa phương và người dân sở tại, bao nhiêu phần trăm là ngoại lực, tỉ lệ này cũng biểu hiện phát triển “nóng” và  “bền vững”. Ngay cả việc chế ngự thiên nhiên, bàn tay con người đụng vào thiên nhiên đều phải trả giá, nhưng không lường hết giá phải trả thì hậu quả của nó sẽ vô cùng tai hại thì đó là phát triển “nóng”.


Thừa Thiên Huế với diện tích 5000km2, dân số trên 1,1 triệu người, có rừng, có biển, có trung du, đồng bằng, đầm phá, có nhiều khu bảo tồn sinh thái lớn; có nhiều di sản văn hóa thế giới, đặc biệt là đô thị di sản Huế; là trung tâm văn hóa, du lịch, y tế chuyên sâu, đào tạo đa ngành, đa lĩnh vực của miền Trung và cả nước... Đây là những điểm chính để tạo nên một đô thị bền vững; và có thể nói Huế là thành phố có nhiều điều kiện nhất trên cả nước hướng tới sự phát triển bền vững. Vấn đề đặt ra là lộ trình của Huế đi lên như thế nào để giải tỏa những thách thức và nguy cơ tiềm ẩn giữa tăng trưởng nhanh và phát triển bền vững, giữa phát triển và bảo tồn, vấn đề biến đổi khí hậu, vấn đề bảo vệ những giá trị truyền thống và quá trình thúc đẩy hiện đại hóa, công nghiệp hóa; vấn đề con người, nguồn lực, cơ chế chính sách.

Những tiêu chí

Đưa Thừa Thiên Huế trở thành thành phố trực thuộc Trung ương là một hiện tượng độc đáo trong quá trình phát triển đô thị ở Việt Nam. Đây không chỉ là khát vọng của người dân mà còn là mong muốn của đất nước. Điều này đặt ra cho Huế xây dựng lộ trình đi lên của mình bảo đảm trở thành một đô thị hiện đại giàu tính nhân văn. Đô thị phát triển có chất lượng kể cả quy hoạch và kiến trúc cảnh quan, về dịch vụ hạ tầng xã hội và hạ tầng kỹ thuật đô thị; về môi trường kinh tế, văn hóa, xã hội và sinh thái; về nếp sống văn minh đô thị... phải đạt các mục tiêu làm tăng giá trị chất lượng cuộc sống. Và để đạt được mục tiêu này, thành phố cần xác định những giá trị quan trọng mang tính sống còn với Huế về môi trường, tài nguyên, văn hóa... Từ đó xây dựng những tiêu chí đánh giá mức độ phát triển bền vững, chính những tiêu chí này sẽ làm hạn chế những tăng trưởng “nóng”, phát triển thiếu bền vững.

Trước hết, trong phát triển đô thị cần có những tiêu chí bảo đảm tầm nhìn dài hơi, tôn trọng đô thị cũ với quỹ kiến trúc vô giá, phát triển đô thị mới trong không gian thông thoáng; cái mới phải hài hòa cái cũ, không phủ định cái cũ mà làm phong phú thêm quỹ kiến trúc đô thị. Đây là vấn đề luôn nóng hổi trong quá trình xây dựng và phát triển thành phố cả trăm năm nay. Phải dành một quỹ đất thích ứng cho công viên, cây xanh và các công trình phúc lợi công cộng. Phải ưu tiên làm sạch trước, phát triển sau; phát triển giao thông gắn liền với thoát nước. Có lộ trình thích ứng đẩy lùi ô nhiễm trên các dòng sông.

Về phát triển kinh tế, đô thị sinh thái cần có cách nghĩ, cách làm ăn khác không thể tính toán như lâu nay. Đặc biệt, yếu tố môi trường phải được cơ cấu vào giá thành sản phẩm, thí dụ như tài nguyên nước chẳng hạn: sản xuất 1 tấn lúa cần bao nhiêu nước, việc khai thác nước phục vụ sản xuất công nghiệp như làm thủy điện, sản xuất xi măng, nuôi tôm ở vùng ven biển, đầm phá... ảnh hưởng đến môi trường như thế nào. Có lẽ do chưa đưa yếu tố môi trường vào giá thành sản phẩm nên có người cho rằng đầu tư ở Thừa Thiên Huế hiệu quả hơn các nơi khác? Trước đây, thành phố đã có nỗ lực rất lớn di chuyển các cơ sở sản xuất gây ô nhiễm môi trường ra khỏi Nội thành, nay nên tính toán loại bỏ hẳn những cơ sở sản xuất thiết bị lạc hậu, làm ăn thua lỗ gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng. Đồng thời có chính sách khuyến khích ưu đãi đối với những cơ sở sản xuất sạch.

Về mặt xã hội phát triển đô thị sẽ làm cho phân hóa giàu nghèo trở nên gay gắt. Chúng ta điều biết quá trình đô thị hóa, sự phát triển các khu công nghiệp, cơ sở hạ tầng không thể tách rời vấn đề thu hồi đất. Đồng hành cùng quá trình này là sự thu hẹp nhanh chóng diện tích đất nông nghiệp, xuất hiện ngày càng nhiều những hộ nông dân còn rất ít đất và không có đất sản xuất nông nghiệp, bên cạnh đó là sự di dời của một bộ phận dân cư ra khỏi nơi sinh sống và sản xuất của họ khi bị thu hồi hết đất ở. Đây chính là bộ phận người dân nghèo nhất, có thu nhập thấp nhất. Vì vậy, cần xây dựng chính sách đền bù giải tỏa bảo đảm cho người dân thực sự có cuộc sống bằng hoặc tốt hơn nơi ở cũ, đủ khả năng ứng phó với tình trạng thiếu việc làm, không có thu nhập, bù đắp những tổn thất vô hình do phát triển đô thị mang lại, hạn chế các tệ nạn nảy sinh... Đây là vấn đề cộm lên trong tiến trình dân chủ hóa, việc khiếu kiện của người dân lâu nay tập trung chủ yếu vẫn ở lĩnh vực này. Chính khoảng cách giàu nghèo ngày càng phân hóa, ảnh hưởng rất lớn đến phát triển bền vững.

Đã đến lúc thành phố cần xây dựng và thực thi chính sách “người gây ô nhiễm phải trả tiền”. Xả rác phải trả tiền, đưa chất thải ra môi trường, không qua xử lý phải trả tiền, mức độ trả tiền phải bảo đảm cho việc khắc phục hậu quả. Mới đây, thanh tra Bộ Tài nguyên và Môi trường đã ra quyết định xử phạt trên 2 tỷ đồng đối với 11 doanh nghiệp trong tổng số 15 đơn vị được kiểm tra ở Thừa Thiên Huế về những sai phạm của mình trong bảo vệ môi trường. Đây chỉ mới là tảng băng chìm, chưa thể đánh giá hết những tác động làm cho môi trường ngày càng xấu đi của các cơ sở sản xuất ở các khu công nghiệp, khu du lịch, các làng nghề, cũng như ở các khu dân cư. Việc xử phạt cũng tính đến các cơ quan cấp phép, giám sát làm tăng tính trách nhiệm của các cơ quan hữu quan. Không thể để tình trạng ô nhiễm đến mức nghiêm trọng, không khắc phục mới lập đoàn thanh tra, kiểm tra... Chính sự quyết liệt này sẽ làm hạn chế các hoạt động làm tổn hại đến môi trường, đến hệ sinh thái bảo đảm cho phát triển bền vững.


LÊ VĂN LÂN
(SH276/2-12)









 

 

Các bài mới
Rồng đá (20/01/2012)