Tạp chí Sông Hương - Số 20 (T.8-1986)
Chuyện nhỏ hồi chiến tranh
17:19 | 08/03/2012

LÊ MINH KHUÊ

Xe vừa dừng thì từ phía ghế lái phụ có tiếng đập cửa gấp gáp. Vĩnh chồm dậy, mắt nhắm mắt mở. Nhưng không. Có phải báo động máy bay đâu? Vĩnh quay sang tôi nhe răng cười và mở cửa.

Chuyện nhỏ hồi chiến tranh
Minh họa: BỬU CHỈ

Trong bóng tối mờ mờ dưới đất, thấy một chiến sĩ cao cao đứng có vẻ ngượng ngùng. Vĩnh trao đổi gì với anh ta, tay hoa lên. Rồi quay sang tôi: - Họ muốn đi nhờ đến V. Sao anh?

Tôi yên tâm châm một điếu thuốc. Với Vĩnh, họ có nghĩa là một người, chứ không phải hai, không phải ba đâu mà lo. Cái nhìn nghịch ngợm dường như phải cố dấu của Vĩnh, nói với tôi như vậy. Tôi bảo:

- Cho người ta lên...

Người đi nhờ mừng rỡ chạy về phía hầm hộ tống của công nhân, bảo là lấy ba lô ba liếc gì đó. Còn Vĩnh thì cúi người khua lục cục dưới chân tôi. Tìm được cái bi đông. Cậu thở hắt ra như đánh vật. Chả hiểu tại sao lại cứ nhét bi đông xuống gầm ghế, mà lần nào cũng tìm quanh tìm quẩn mãi rồi mới thấy. Bảo bao nhiêu lần cũng không nghe... Nãy giờ tôi cứ nhìn Vĩnh một cách xét nét, nhưng không bực bội gì mà thấy buồn buồn sao đó. Vĩnh còn trẻ quá, mà chiến tranh thì khốc liệt,.. Vĩnh lúc lắc cái đầu, cười cười. Và cậu ngửa đầu uống nước, ngon tới nỗi ai trông thấy cũng phải thèm. Mà cậu cũng chỉ vừa uống đấy thôi, lâu la gì. Dù chả khát, tôi cũng không nhìn Vĩnh nữa mà quay người nhìn hai cái pháo sáng sắp tắt đang rơi xuống phía đông. Chàng lái phụ của tôi thế đấy ; cậu ăn uống, ngủ, chơi, cái gì cũng xông vào làm hết sức mình. Người kém nhiệt tình mấy, ở bên cạnh cậu cũng phải muốn hoạt động.

Lát sau, người đi nhờ trở lại. Anh ta hấp tấp, làm cái bi đông lại lăn xuống gầm ghế. Vĩnh liếc nhìn tôi, càu nhàu:

- Gớm, xe đã đi đâu mà ông anh vội vã thế.

Giọng trách móc của cậu nghe thật cảm động. Khuôn mặt trẻ măng, xấu xí nhưng dễ thương vô cùng của cậu lung linh trong ánh lập lòe của điếu thuốc, của sao xuyên qua buồng lái. Không bao giờ cậu thích ai làm phiền tôi, nhất là trong lúc như thế này.

Tôi thấy dễ chịu trở lại. Cái áo tôi đang mặc, bị trận mưa lúc kéo xe qua bến phà, ướt nhớp nháp quyện với mồ hôi.

Lúc chập tối, tôi và Vĩnh đánh xe qua thị trấn của tôi. Xe chúng tôi phải chờ tới nửa giờ mới qua được khúc đường bên kia cầu. Phải loay hoay một lúc, tôi mới định được hướng chỗ này là nhà của Thái. Kia là nhà bưu điện có bà Tháng gầy còm ngồi bán vé xổ số trước cửa. Và đây, trước là nhà tôi. Có cái bể không lẫn được. Nó còn nguyên vẹn trong đống vôi vữa, trong những bức tường chồng ngược, những hố bom sâu hun hút phía dưới, phía trên thì tua tủa lẫn vào bùn nào là thân nứa, nào là cành cây. Bể cạn khô. Cái gáo sắt rơi đâu trong lòng bể.

Tôi nghĩ đến cái bể nước thân thiết như sự sống. Tôi bảo Vĩnh:

- Cậu biết không, cứ sau mỗi trận mưa rào, cái bể đầy nước trong vắt. Người xung quanh hay đến xin để nấu nước uống.

Có tiếng chân dò dẫm. Chúng tôi quay lại, trông thấy bác Nắm chữa đồng hồ. Bác Nắm bưng một rổ bát, cái lành, cái vỡ. Bác vừa trong một mái nhà đổ nghiêng chui ra.

- Cha mẹ ơi, cậu đấy ư, cậu Bường?

Rồi bác níu tay tôi. Khóc. Kể. Nước mắt bác kèm nhèm.

Tôi xót xa cầm lấy bàn tay khô đét của bác Nắm chữa đồng hồ. Thị trấn không nhiều người nên chúng tôi hầu như quen biết nhau. Giờ đây toàn thị trấn đổ nát. Cách đây mấy ngày, nó còn là một dãy nhà nguyên vẹn. Với cửa hàng mậu dịch có cô bán vải xinh xắn làm bọn thanh niên trong thị trấn cứ có thì giờ là đút tay trong túi quần, quanh ra quẩn vào, bận chân người mua, người bán. Có cửa hàng ăn hay bán bánh bao không nhân buổi sáng và bán mì sợi có vài lá hành, hai hào một bát. Không hiểu sao chúng tôi cứ một mực gọi là tổng hợp. Ra tổng hợp uống cà phê. Ra tổng hợp làm bát phở. Người ở xa đến thường chả hiểu tổng hợp ở đây là cái quái gì... Còn có vài cửa hàng chữa đồng hồ. Hiệu chữa xe đạp. Hiệu may. Những cô thợ may áo hồng đăng ten ở gấu, ở cổ, đi dép tím hoặc guốc nhựa cao gót, thỉnh thoảng nhảy tàu ra Hà Nội, về là cái đầu xù ra với những búp tóc quăn tít. Những anh thợ khắc bút da xám ngoét ngồi cặm cụi sau cái hộp gỗ hình chữ nhật. Và những đứa con trai mười hai tuổi cứ vô cớ chạy từng đoàn từ đầu đến cuối thị trấn, la hét om sòm làm cho bọn chó cũng cuống lên, sủa từ sân các nhà.

- Hôm ấy, bác ở đâu, bác Nắm?

Hôm bọn nó ném bom, bác Nắm ngủ ở nhà, chứ còn đi đâu nữa? Trên cái giường một kê gần tủ sách của thằng Thuấn. Thì cũng nửa đêm thôi. Ông ấy, thằng Thuấn với hai đứa em nó nằm ở cái giường tây. Mấy đứa trẻ học bài xong, quên bỏ màn. Bác Nắm chợt mở mắt, định sang bỏ màn cho mấy bố con nó. Nhưng không hiểu sao lơ mơ lại thiếp đi. Thế rồi bác bị đập người vào cái gì đấy. Khói làm bác ho sặc sụa mãi, không sao lết dậy được. Ánh chớp nhoáng nhoàng như cơn dông kéo đến nửa đêm. Gạch ngói bay tứ phía, ghê cả người. Bác Nắm lết lại cái giường tây. Cái giường tung đi đâu mất, cậu ạ. Thế rồi bác Nắm ngất đi. Ngày hôm sau bác mới biết là chỉ còn bác trong nhà thôi. Ông ấy khỏe hơn bọn trẻ, nhưng cũng chỉ sống được hai giờ nữa. Nhưng vậy, thị trấn mình thiệt mất ba trăm hơn. Xung quanh đây thì vợ cậu, vợ cả Vinh nhà ông Phàn thuốc bắc vị chi là bảy người,.. Cậu ơi! Làm sao mà đẩy xuống địa ngục cả họ hàng tông giống nhà chúng nó, cái bọn dã man ấy đi.

Tôi đỡ lưng bác Nắm. Bác cứ gục xuống khóc rũ người. Cây thánh giá đeo bằng sợi dây đồng dài, đung đưa trên cổ. Sợi dây cũ kỹ đen xỉn lại. Bác đeo nó từ thời còn là chị Nắm chưa chồng, người đẫy đà và có cái cười thật phúc hậu.

Bên phải, bên trái chỗ chúng tôi đứng bỗng có nhiều người đang đi lại. Tối, bà con kéo về thị trấn, nhặt đồ đạc và thu dọn thị trấn. Hai người đàn ông khiêng cái tủ to lù lù đi qua. Tôi gọi: bác Thành, bác Quyết. Một bà cụ gánh hai cái gói gì toòng teng như cái chăn bông, tôi gọi: bà Vải...

Chúng tôi quây lấy nhau mừng mừng tủi tủi. Trời, tưởng là không gặp nhau nữa kìa?

Nền nhà tôi cạnh một hố bom sâu hút. Tôi giẫm phải cái chầy giã cua. Tôi biết thường ngày, nó hay nằm trên cái thớt đậy vại mắm.

- May cho hai cháu, cậu ạ. Cái tường đổ úp lên đống gạch. Hai chái ngủ trên đi-văng của ông nội, không việc gì. Còn mẹ nó thì nằm nhà ngoại. Không tài nào tìm cho đủ người cô ấy. Thôi, cậu thu xếp đi thăm con tí đi...

Bà con chào tôi, mỗi người đi mỗi việc. Bác Nắm bê rổ bát, cầm thêm mấy thanh nứa ở tay kia. Chiếc khăn tang của bác có hai chéo chảy dài xuống sau lưng. Thị trấn của tôi trắng khăn tang. Vệt bom B. 52 kéo dài từ bên kia cầu. Nghe đâu quả cuối cùng rơi vào trạm bơm đầu xóm Lưới. Hai cây số dày đặc bom.

Ở đây, người ta bồng bế nhau đi sơ tán mấy lần.

Mấy lần, bọn Mỹ trở mặt đi trở mặt lại.

Người ta kịp dựng lại một mái nhà, kịp có mang một đứa trẻ sắp đến ngày sinh... thế rồi tất cả lại tiêu tan trong khói lửa. Những ngày yên tĩnh ngắn ngủi, tiếp theo những thời gian dài đầu óc căng thẳng vì tiếng máy bay, tiếng bom nổ.

Cho đến lần này, cái vệt bom B.52 vạch ra, sắc như một lưỡi dao, xuyên qua giấc ngủ của các con tôi.

Một lần, tôi đánh xe qua nhà, vợ tôi phàn nàn: sơ tán sơ tiếc, hết tiệt cả bát ăn, anh ạ. Mấy cái rổ vừa mua cũng bẹp dí bẹp dị thế kia thì còn đựng cái gì... thằng con tôi đứng gãi lưng sồn sột ở bậu cửa, cười phô hết hàm răng sún, đen như nhuộm mực tàu.

- Mẹ thật vớ va vớ vẩn. Người ta còn mất bao nhiêu thứ ấy chứ riêng gì nhà mình.

Mẹ nó lườm một cái khiến nó phải im bặt. Đêm, vợ tôi không ra than vãn, không ra đay nghiến, nói với tôi:

- Con cái thì dại như thế đấy. Nó có biết đâu, cái cùi dìa cho nó ăn bột ngày bế cũng là tài sản đấy. Cái quai thùng xách nước cũng là tài sản đấy. Nó không đáng giá gì, nhưng anh tính- thiếu nó thì mấy mẹ con có mà khóc, không có các thứ đó, làm gì có nhà này, làm gì có nó? Mới tí tuổi đầu mà giọng đã y hệt ông bố... Anh đi suốt năm suốt tháng, anh có biết đâu... Có đêm máy bay thả pháo sáng ngay trên đầu, tiếng nó rít nghe rợn cả chân tay mà trời mưa tầm mưa tã, hầm ngập nước đến miệng. Một tay em bê con bé lên sởi, thằng lớn thì sốt li bì đã mấy hôm, bản thân em thì bị cảm... Rồi nó bỏ bom. Em cứ ôm con mà che cho nó, bụng cầu khấn sao cho có chết thì chết nguyên lành để đến khi anh về còn cái mộ mấy mẹ con ra mà thắp hương...

Tôi ôm cái vai gầy giơ xương của vợ tôi, muốn san sẻ gánh nặng nhưng biết san sẻ thế nào? Có gia đình nào trong những năm này được sống sung sướng, đầy đủ?

Vợ tôi im lặng dần. Thằng con tôi đã hơn bảy tuổi rồi. Tôi đi bộ đội tám năm. Lúc đeo ba lô về thăm nhà sau một tháng làm anh tân binh, tôi không gặp cô ấy. Dạo đó chưa cưới nhau. Cô ấy đi đâu đó, vắng nhà. Mới đi lúc sáng thôi, nên cái áo thay lúc sáng chưa khô, còn phải ở đây. Cái áo hoa vàng vàng, xanh xanh, đã nhạt màu, những bông hoa li ti nhòe lẫn vào nhau. Cái áo hoa có hai ống tay ngắn, cái cổ tròn, trông dễ thương như cái áo của học sinh trung học. Tôi đứng nói chuyện với mẹ với em gái cô ở bờ giếng. Và ngắm cái áo có những bông hoa li ti nhòe vào nhau thành một chuỗi vàng, xanh trong suốt, trong sáng và kỳ ảo dưới cái nắng thơm tho đầu mùa thu. Lòng tôi nhẹ nhõm khi ra đi. Đến đường cái, tôi nhìn lại, qua hàng dâm bụt, thấy cái áo hoa phơi trên dây bay bay hai ống tay, bay bay hai cái vạt.

Tôi yêu vô cùng cái áo hoa bé nhỏ. Tôi yêu kỷ niệm về cái áo hoa. Bây giờ con tôi lớn rồi. Nhưng lần tôi về thăm vợ trước khi vào chiến trường, nó mới đẻ được đầy tháng... Vợ tôi đã làm mẹ. Hai bàn tay có những đường gân xanh xao, mềm mại. Vợ tôi mặc cái áo trắng giặt nhiều, mỏng manh như khói. Khắp người thơm mùi sữa. Khi tôi ngắm cái má, cái miệng của thằng con, cũng thấy mùi sữa ấy. Sau khi sinh con, vợ tôi đã gột đi tất cả cái ồn ào, sặc sỡ của thời con gái. Bây giờ, cô ấy có cái ồn ào của người đàn bà, cứ làm như cả thế giới này chỉ mình cô ấy được có con. Tôi giặt tã con, hâm cháo cho vợ và ngần ngại nhìn cái đầu chưa có tóc của thằng con. Thật là quái lạ. Thế kia mà khi lớn lên có đứa nặng đến bảy chục cân, cao một mét bảy nhăm? Còn lúc này, sao mà cả hai mẹ con yếu ớt thế? Trước khi đi chiến trường, tôi chăm nom hai mẹ con như chăm cả hai đứa trẻ.

Và đêm đi xa, ngồi trên xe ô tô lắc lư, tôi nghẹn ngào cảm thấy được hết cái hạnh phúc được làm cha. Thứ hạnh phúc không bình thường để có thể dễ dàng nói thành lời.

Sau đó cô ấy nuôi con một mình. Nuôi bố mẹ già cho tôi. Suốt trong bốn năm. Tay chân cô ấy nứt nẻ ra, tính tình cằn cỗi đi vì vất vả. Có đứa con thứ hai, tôi bị thương, được chuyển ra, lái xe ở tuyến miền tây Quảng Bình. Là lái xe, lại hay đi công tác, tôi thường ghé được qua nhà, ngắn ngủi nhưng cũng là rất may so với bao nhiêu anh em đồng đội còn ở chiến trường xa tít.

Vợ tôi không kịp chạy ra hầm. Lúc chôn cũng chỉ tìm được hai phần ba thân thể. Thiếu mất hai cánh tay.

Ở thị trấn của tôi, ít người kịp chạy ra hầm.

Tôi không ngờ chuyến công tác này tôi phải chứng kiến một điều chưa bao giờ tôi nghĩ tới. Vĩnh, cậu lái phụ của tôi cũng im lặng bên nỗi mất mát của tôi.

Lúc này chúng tôi đang chờ đội công nhân bắc ván cầu. Bom bỏ ở đây lúc hơn năm giờ chiều. Xe đang ùn lại, dễ đến hơn một cây số rồi. Tôi bắt đầu nóng ruột. Cậu chiến sĩ đi nhờ hết uống nước, hút thuốc, nhai lương khô, đến nói chuyện quân hàm với Vĩnh. Vĩnh ầm ừ góp chuyện. Rồi chuyện phụ cấp. Chuyện em ở nhà có chưa mày? Cậu ta hỏi Vĩnh, rồi cười hô hố: Tớ một nhóc rồi, nghe nói đã biết chửi lem lém, lần này mới biết mặt bố đây. Và lập tức, cậu sợ sệt nhìn tôi vì trót cười to quá. Hình như cậu Vĩnh bấu vào tay sao đó. Cậu làm lành bằng cách rút bao thuốc lá, mời Vĩnh: làm điếu ông! Rồi kính cẩn mời tôi. Tôi là lái chính cơ mà.

Tôi từ chối tự dưng không muốn hút.

Đêm, đưa cậu đi nhờ thêm một cây số nữa, chúng tôi quay lại lối rẽ vào làng mà thị trấn của tôi đang sơ tán. Hai thằng phải nằm ngoài xe chờ sáng, vì vào làng, phải lội bộ qua cánh đồng nước.

Vĩnh ngủ. Tôi lang thang đi lại dưới đường. Pháo sáng địch dăng một hàng thẳng tắp đâu như dưới bến phà.

Tôi bước vào sân khi thằng con tôi mới ngủ dậy. Chả biết làm gì, nó lấy tay xoay xoay cái quần cộc, kéo cạp quần lên quá rốn.

- Em đâu con?

Nó di di chân xuống sàn gạch. Chân đầy bùn, chắc tối đi ngủ, nó không rửa chân. Nó chưa nói được gì với tôi ngoài tiếng chào "bố". Đôi mắt nó tràn ngập những lời mà chắc nó đã để dành đến lúc gặp bố nhưng bây giờ không nói ra được. Nó đi lại đầu hè, nhắc cái nơm úp cá và kéo ra hai cái ghế nhỏ. Nó ngồi một chiếc, nghĩ sao lại đứng đậy không ngồi nữa, đưa cho Vĩnh một chiếc:

- Chú với bố ngồi xuống đi!

Nó ngồi bệt xuống sàn gạch và có vẻ ngồi như thế, nó nói được dễ dàng hơn:

- Em đang ngủ trong nhà, bố ạ. Bố đừng vào, để nó ngủ đã. Cả đêm qua nó khóc đấy.

Vĩnh ra xe lấy thêm ít gạo. Chủ nhà đi làm đồng vắng. Chỉ có một bà lão đến chín mươi tuổi, nhỏ như một đứa con nít, lưng còng gập xuống ngồi sưởi nắng ở góc sân. Bà lão đưa đôi mắt đục mờ nhìn ra vườn, không nghe tiếng chào của chúng tôi, cũng chả để ý đến người lạ. Đôi môi khô của cụ mấp máy, chắc là cụ đang sống với những tên người, tên đất mà cụ đã biết từ thuở xa xưa.

Thằng con tôi ngồi nhìn tôi, hai khuỷu tay chống lên hai đầu gối, bàn tay đan vào nhau. Lưng nó cũng gù xuống như lưng người già. Mặt nó xanh xao, hai cái má thật tóp vào, tóp sâu làm cho có giống vẻ khắc nghiệt của mẹ nó những năm sau này - Đôi môi nó sưng vều lên. Cái nhìn kinh hoàng như con chim nhỏ bị đạn. Nó khóc. Tôi ôm chặt lấy vai thằng con.

Mấy phút sau, cái sân đầy người. Mấy cô gái giữ trẻ trong cơ quan vợ tôi chạy sang. Ba cô may khăn tang. Quần áo nhem nhuốc, có vẻ như không còn gì để thay.

- Anh mới về ạ!

- Anh mới về ạ!

Mắt cô nào cũng còn sưng mọng. Nhà các cô cũng trong vệt bom B 52 ấy. Các cô lập tức kể cho tôi nghe. Cô thì lúc ấy đang ngủ say. Cô thì đang cho con bú:

- Anh không tưởng tượng được, em phải nằm ép xuống che cho con em. Thằng bé bây giờ ngủ cứ thổn thức.

Trẻ con ở đâu kéo đến rất nhanh. Đứa này chít khăn tang, đứa kia đính mẩu băng đen trên vai áo. Có đứa nhỏ tí cõng đứa em gần bằng nó, sườn vẹo sang một bên... Những đôi mắt long lanh còn vương lại dư âm kinh hoàng của tiếng bom dội vào tuổi thơ ấu.

Có người bảo bọn trẻ giải tán đi, đừng tập trung ở sân.

- Các cháu về đi. Rửa mặt ăn sáng rồi đến lớp chứ. Cô giữ trẻ ngồi cạnh tôi, nói nhỏ:

- Chả đứa nào còn bố mẹ đâu, anh ạ. Bây giờ xem có gia đình nào nhận nuôi, còn lại là tổ chức cho các cháu sinh hoạt tập trung, vật chất thì không lo vì ở trên cứu trợ đầy đủ... Nhưng bọn trẻ con, anh tính, làm thế nào cho chúng nó quen là thiếu vắng cha mẹ...

Sau một lúc im lặng, cô bảo tôi:

- Thôi, bố con chuyện trò đi. Xem như người mất thì mất rồi. Người sống phải lo chuyện người sống, chả nên ngồi mà buồn thương mãi.

Cái sân ồn ào một lúc rồi im lặng. Hai chiếc máy bay Mỹ sà thấp, bay sát qua bầu trời, tiếng rít của chúng làm cho cái sân gạch cũng rung lên. Ở góc sân kia, bà lão vẫn ngồi nhìn ra vườn, miệt mài với những tên người, tên đất mà chỉ riêng cụ biết.

Thằng con tôi xòe bàn tay ra, nhẩm đếm cái gì. Rồi nó nói giọng toan tính:

- Chỗ sữa các bác phát cho, em nó đòi ăn liên tục. Con bảo nó: để đêm ăn, nó không chịu! Bố tính ăn hết đi, đến đêm nó nhớ mẹ, nó khóc con lấy gì mà dỗ. Còn một ít, con cất tít lên bàn thờ, che cái gối lên. Con vừa ra giếng giặt, quay vào lấy thêm cái khăn, thấy nó đã xúc sữa bột vào bát, vừa ăn vừa cười. Con quát nó, bảo nó đói lắm. Mẹ hay cho nó ăn vặt nó quen mất rồi còn gì. Nó chưa biết mẹ chết đâu bố ạ. Hôm bị bom, nó khóc mất một ngày. Các bác đưa chúng con đi ngay, không cho nhìn thấy mẹ nữa. Nó khóc rồi nó quên ngay. Chỉ đòi về nhà thôi. Suốt ngày nó hỏi: Mẹ đi làm bị hỏng xe đạp à, sao lâu về thế? Các bác bảo con đừng nói cho bố biết là mẹ chết. Bố ạ, hai cái áo mẹ mới may cho, nó trèo rào, rách toạc hết cả. Mẹ chưa kịp may. Còn áo cũ để dưới phố thì mất hết rồi. Con đang tính có nên mua mấy mét chéo xanh may sơ mi cho nó, loại ấy vừa bền vừa rẻ...

Tôi vội phẩy tay bảo thằng con:

- Thôi, khoan đã con ạ.

Nước mắt ứ đầy lên, tôi phải kéo con đứng dậy, cố cười cho nó yên tâm. Tôi vào nhà, định là đứa bé có dậy thì nó dậy luôn. Nó nằm ở cái giường đôi kê gần cửa sổ. Quần nó xắn cao, phơi ra hai ống chân lở loét, ruồi bu đầy. Con tôi mở mắt nhìn tôi và im lặng cho tôi bế ra sân. Các cô cấp dưỡng mang cháo cho bọn trẻ. Trong khi anh em nó ngồi ăn, tôi giúp Vĩnh mang bao gạo vào nhà và lấy cái xoong sẻ đôi chỗ mỡ chúng tôi dành ăn đường, để cho bọn trẻ.

- Bố với chú Vĩnh ăn cháo với chúng con.

Thằng con tôi lo lắng, xăng xỏ tìm cái bát lành trong rổ bát dĩa sứt mẻ chắc nó đã bới lên từ trong ngôi nhà đổ nát của chúng tôi. Tôi không dám nhìn đôi mắt to, trước kia lòng trắng mắt xanh màu da trời, bây giờ vàng vàng như mắt người lớn mất ngủ. Hai hàm răng nó nhô ra. Nó làm gì cũng tất bật, nhìn trước nhìn sau như sợ mất cái gì.

Tôi bỗng dưng nhớ lại lần về phép năm ngoái. Một buổi sáng tôi choàng tỉnh vì tiếng cười ròn rã của trẻ con từ nhà ngoài đưa vào. Vợ tôi bảo: - Thằng Huy nhà mình đấy mà. Nó dậy làm gì sớm thế không biết.

Con tôi nằm trên nền nhà hai chân đạp liên hồi xuống đất. Nó vừa cười vừa la hét một mình vì thích thú. Dưới đất, một cuốn tranh truyện trẻ con mở rộng, có vẽ hai con chó con đang vờn nhau. Con chó bị bạn đuổi đang cong đuôi nhảy qua bụi lá khoai. Đầu quay nhìn ra sau, cái mõm vênh lên, hai cái tai vễnh ngược, tôi cau mày: Gì mà cười ghê thế hả con?

Nó không nói được mặt dàn dụa nước mắt, ngồi dạy ôm cuốn sách vào lòng. Cười tức bụng làm thằng bé nhăn nhó.

Tôi không hiểu. Hai con chó vẽ trên giấy? Có gì đáng cười?.

Trong một đêm chờ thông đường, ngồi sau tay lái, sờ râu mọc tua tủa trên cằm, nghĩ đến tiếng cười của đứa con mới thấy sợ: Mình già quá mất rồi - mình nhìn bức tranh ngộ nghĩnh kia như nhìn vào bức tường. Còn thằng bé đã nhìn ra bao nhiêu điều hồn nhiên trong đấy. Cái gì đã làm tâm hồn nó rung động? Mình chịu thôi, già mất rồi.

Thế rồi những chiếc B 52 bay qua bầu trời quê hương. Những chiếc B.52 phun khói, rạch lên nền trời những giải băng tang trắng. Thằng con tôi ngồi với bố ôm gối không còn là đứa trẻ, đang nói toàn chuyện toan tính của người lớn. Cái già dặn của con tôi làm người lính trong tôi trỗi dậy. Bây giờ thì tôi hiểu được vì sao cậu Thược bạn tôi nhận được tin bom Mỹ bỏ trúng vào cả nhà, đã ôm B40 xông lên đón đầu đoàn xe địch, bắn cho đến lúc điếc đặc cả hai tai và bị thương nặng vào phần bụng mà không hề biết...

Vĩnh một mực bắt tôi ở lại với các cháu. Cậu đảm nhiệm lái xe đi lấy hàng đưa về điểm tập kết thay tôi. Nhưng cậu mới tập lái, làm sao tôi yên tâm được?

- Anh cứ yên chí đi. Anh ở lại với các cháu một thời gian. Tôi vào sẽ gặp thủ trưởng trung đoàn... Thế nào anh cũng được giải ngũ về với các cháu...

- Chuyện ấy thì tôi vào đơn vị sẽ tính sau - Tôi nói cho cậu yên tâm - Thôi, chuẩn bị lên đường đi, tôi đã gửi các cháu chu đáo rồi!

- Nhất định đi ngay đêm nay à?

- Chứ còn chờ đến bao giờ? Anh em người ta mong mình, chả biết mình vì sao về chậm, họ lại sốt ruột. Tớ thu xếp cho các cháu ở đây rồi. Cũng tạm được. Có lẽ đợt này vào xong, tớ sẽ ra phép với các cháu một thời gián. Thôi, chuẩn bị…

- Anh này quái lạ thật! - Vĩnh thiếu nước hét lên - Đã bảo để tôi...

Cậu giận dỗi. Cái mũi dễ thương đỏ lên. Đôi môi dày dày của cậu phụng phịu sắp khóc. Cậu biết là thôi, có gàn cũng uổng công. Cả buổi chiều cậu ta không thèm nói với tôi câu nào. Cậu dắt hai đứa con tôi ra bờ sông ngồi câu cá. Và cậu nói cái gì đó mà có lúc tôi đã nghe thằng con tôi cười.

Gần tối, tôi bế đứa con gái nhẹ tênh đi chào mọi người. Ai cũng nói giống nhau: - Anh cứ yên tâm anh ạ, có chúng tôi...

Đứa con gái nhỏ có đôi mắt dài, đen long lanh như mắt mẹ. Có hai lúm đồng tiền nhỏ xíu hai bên má. Tôi bế nó, áp cái đầu hôi mùi đất, hôi mùi nước mưa của nó vào mình. Nó níu chặt cổ tôi nhưng thỉnh thoảng lại giơ tay ra sau lưng, hoặc vào nách gãi sồn sột. Tôi bảo thằng anh nhớ chịu khó tắm rửa cho em. Thằng con tôi gật gật đầu và nét mặt nó lộ một vẻ nhọc nhằn thật đáng ngại. Đứa con nhỏ như linh cảm thấy là sẽ phải xa bố lâu dài, nó kéo sát mặt tôi lại hỏi:

- Bố đi lâu không bố?

- Bố đi ít hôm thôi. Bố đi đánh thằng Mỹ ấy, con hiểu không?

Con tôi gật đầu và chịu đứng xuống đất.

- Con ở nhà với anh với các cô nhé.

Đứa con gái tôi lại gật đầu. Nó gật đầu mà nhìn tôi rất nghiêm trang. Những nốt muỗi đốt trên trán nó đỏ như đánh dấu. Mẹ nó thường rất xót xa khi nó bị muỗi đốt...

Thằng con tôi lễ mễ xách túi cơm nếp. Các cô giữ trẻ nấu cho chúng tôi. Nó bắt tay tôi, tay kia xốc quần:

- Bố đi nhé, thỉnh thoảng về bố ạ.

Tôi bước lên bậu xe. Hai anh em nó khoác vai nhau:

- Đừng lo cho các con bố ạ.

Tôi đóng cửa xe sầm một phát. Con trai tôi đưa tay chùi mũi cho em nó.

- Bố đi bố nhé. Xong việc hãy ra với các con cũng được bố ạ. Bận thì viết thư bố nhé.

Xe nổ máy rồi, thằng con tôi chạy theo. Hai ống chân trần đen đủi dính mấy vệt bùn trắng. Hai ống chân lo toan của một người chủ trong nhà.

- Cẩn thận bố nhé. Đừng lo cho các con. Đừng lo bố ạ.

Con trai tôi. Con trai tám tuổi của tôi.

Hai anh em thằng bé quay lại căn nhà sơ tán. Bà lão ngồi ở sân bỗng quay lại nhìn hai đứa bằng đôi mắt đột nhiên rất tinh nhanh, rất thực tế mặc dù trời đang chạng vạng tối. Bà lão hỏi giọng khàn khàn: - Bố đi rồi hả?

- Bố cháu đi rồi bà ạ.

- Ờ, thế thì ở đây với bà...

Một người đàn bà to béo lực lưỡng như đàn ông từ trong nhà bước ra, ôm xốc lấy đứa con gái nhỏ. Tiếng còi ô tô từ xa vọng tới.

Bẵng đi một thời gian rất lâu, thằng bé không thấy thư của bố. Hai anh em nó đã quen với những ngày vắng mẹ, quen với sự có mặt của nhiều người luôn ở bên chúng nó.

Vào một buổi trưa, nó đưa con bé em đi học. Lúc về nhà, nó thấy trong nhà có khách. Vốn là một thằng bé ngoan, nó không muốn xộc vào nhà sợ làm phiền mọi người. Có hai người đàn ông ngồi ở bàn. Người đàn bà chủ nhà đang loay hoay rót nước. Không ai biết có nó đứng ở ngoài. Người đàn ông đeo cái túi đen trên vai giống các cán bộ trên huyện, nói:

- Chăm sóc con liệt sĩ giờ là trách nhiệm chung. Chị cứ để cho các cháu nó vào trường con liệt sĩ chị ạ.

- Các cháu nó ở đây với chúng tôi quen rồi, ít nhất thì các anh cũng để cho chúng nó hết năm học này đã.

- Tội nghiệp. Thế là bố mẹ đều mất.

- Chị cố gắng dấu đừng để cho các cháu biết là bố nó đã hy sinh...

Thằng bé nghe thấy hết. Nó hiểu rất nhanh là thôi, bố đã hy sinh, bố không bao giờ về nữa. Nó muốn hét lên một tiếng và chạy bổ vào nhà. Nhưng không hiểu sao nó không làm thế. Nó bình tĩnh đi ra không cho ai hay biết. Ra đến ngoài ngõ nó chạy. Nó nhằm hướng mái chùa giờ làm lớp học mà lao tới. Em nó đang học ở đấy. Nó phải nhìn thấy em nó. Nhỡ một chốc nữa lại xảy ra chuyện gì thì sao? Hai cái máy bay cổ ngỗng bay tít cao, những tiếng động của chúng vẫn chiếm đoạt cả không gian đồng quê yên tĩnh. Thằng bé nhảy phóc qua con mương, chạy qua luống khoai người ta mới trồng. Nó tới nơi. Nó thở như đứt cả tiếng. Nó bíu vào chân song cửa sổ. Em nó kia. Em nó đang cắm cúi làm toán. Cả lớp đang cắm cúi làm toán. Cô giáo ngồi trên bục trông thấy thằng bé đang nhìn chằm chằm vào lớp, cô có vẻ ngạc nhiên rồi cô xua xua tay, ý bảo đừng làm ồn, để cho các em học...

Đến lúc này thằng bé mới rên lên một tiếng trong cổ họng. Ý thức người lớn của nó làm nó bình tĩnh. Nó nghĩ là nó phải cho em nó học nên người. Nó phải dạy dỗ đứa em nó.

Nó đứng như vậy rất lâu. Mãi đến khi cảm thấy có chuyện gì đó xảy ra đằng sau, nó mới quay phắt lại. Bác chủ nhà cao lớn, mấy cô giáo và cả hai người đàn ông lạ đang đi nhẹ tới sau lưng nó. Trong lớp học, cô giáo và trẻ con nhìn ra. Thằng bé trở thành trung tâm của sự chú ý. Người đàn bà chủ nhà nói nhỏ:

- Đi về cho em nó học, con!

Nghe tiếng con của bà, thằng bé nhào tới và sà vào hai cánh tay khỏe mạnh của bà. Xung quanh lặng ngắt. Người ta chỉ còn nghe thấy tiếng thằng bé khóc và tiếng của người đàn bà dỗ dành:

- Cứ yên tâm, con ạ. Cứ yên tâm, con đừng sợ!

L. M. K.
(SH20/8-86)




 

Các bài mới
Các bài đã đăng