Tạp chí Sông Hương - Số 20 (T.8-1986)
Bàn về xung đột của tiểu thuyết
14:47 | 12/03/2012

PHẠM XUÂN NGUYÊN

Tiểu thuyết ngày nay đang đi tìm những câu trả lời cho những vấn đề chưa được giải quyết của thực tại, nhưng bản thân sự tìm kiếm tinh thần trong tiểu thuyết trước hết phụ thuộc vào chiều sâu của sự nhận thức các vấn đề đó, vào sự tỉnh táo của người nghệ sĩ khi đứng đối mặt với những mâu thuẫn của cuộc sống hiện thực.

Bàn về xung đột của tiểu thuyết
Nhà phê bình Phạm Xuân Nguyên - Ảnh: Huỳnh Lê Nhật Tấn

Trong thế kỷ XX những mâu thuẫn này mang tính cách kịch biến đặc biệt. Chính qua xung đột xã hội mang tính kịch sâu sắc được phản ánh vào tác phẩm thì sự thật nghệ thuật mới có khả năng đạt tới mức độ tập trung cao nhất. Tiểu thuyết thể hiện những xung đột xã hội mang tính kịch sâu sắc - đó là yêu cầu của thời đại, là đòi hỏi đặt ra cho nhà văn đi sâu vào nhận thức hiện thực phức tạp, đa dạng. Đối với nền tiểu thuyết Việt Nam, yêu cầu này càng trở nên cấp bách và cần thiết. Hiện thực cuộc sống dân tộc hơn ba mươi năm qua liên tục là hiện thực đấu tranh cách mạng, là hiện thực chiến tranh giữ nước và bảo vệ đất nước, là hiện thực phá bỏ cái cũ và xây dựng cái mới. Đó là một hiện thực đậm đặc, sôi động, kết tinh nhiều mâu thuẫn lớn của dân tộc, của thời đại. Trong nhiều tiểu thuyết của ta đã có thể hiện được xung đột lịch sử lớn đó của dân tộc dưới những biểu hiện khác nhau. Nhà văn phản ánh hiện thực vào những thời điểm biến động lớn lao của lịch sử, tái tạo những hoàn cảnh phức tạp, những tình huống căng thẳng, tập trung cao độ các mâu thuẫn cần được giải quyết. Nhân vật được đưa vào "khâu nút", quyết liệt đó, được đem ra thử thách trong tình thế đó. Điều này một mặt tương ứng với những yêu cầu cao của thời đại đòi hỏi ở con người, mặt khác nó đưa lại cho nhà văn khả năng lớn lao bao quát được toàn diện bản chất và tính cách các nhân vật trong quá trình trưởng thành bên trong của chúng. Khi đó xung đột kịch tính căng thẳng bên trong của nhân vật được bộc lộ rõ ràng. Đáng chú ý ở đây là cuốn tiểu thuyết Ở xã Trung Nghĩa của Nguyễn Thi. Chỉ mới phần đầu tác phẩm, trên một số trang không nhiều mà tác giả đã thể hiện được hết sức điển hình, nổi bật cả một hoàn cảnh chứa chất những mâu thuẫn dằng dịt nhiều phía nhiều tầng, căng ra chỉ chờ dịp nổ bùng, cả một bầu không khí nặng nề, tức tối đến ngạt thở mà thế tất sấm chớp phải nổi lên, mà muốn sống thì con người không thể không vùng dậy, đập phá nó tìm lối ra. Trong hoàn cảnh đó những tính cách như ông Tư Trầm, chị Hai Khê, mụ Ba Sồi, lão cảnh sát Âu... bộc lộ hết mình, càng ngày càng không thể nín nhịn, chịu lún nhau được nữa và nhất định cuối cùng sẽ phải xung đột, va chạm quyết liệt, tử sinh với nhau. Nhìn chung tiểu thuyết của ta phần lớn còn thiên về biểu hiện những xung đột bên ngoài và chúng thường mang tính đơn xung đột.

Xung đột bên ngoài - đó là sự đụng độ của hai thế giới quan (địch - ta), của thái độ khác nhau đối với lao động (tiến bộ - bảo thủ), của những quan điểm đối lập về nếp sống gia đình hay của những cách nhìn trái ngược về trách nhiệm của con người (riêng - chung). Trong những tiểu thuyết hồi đầu miêu tả các cuộc chiến đấu và những tiểu thuyết về phong trào hợp tác hóa nông nghiệp thường bắt gặp tình hình này. Tính đơn xung đột thể hiện ở chỗ xung đột chỉ một chiều, một tuyến và nội dung xung đột đơn giản, phạm vi xung đột hẹp. Dạng xung đột "vào - ra" hợp tác xã là thuộc loại đơn xung đột như vậy. Hai đặc điểm nói trên của việc biểu hiện xung đột thấy khá rõ ở tiểu thuyết Cái sân gạch của Đào Vũ, và nói chung trong các tiểu thuyết viết về nông thôn, làm cho các tác phẩm đó không có sức khái quát cao hơn, vượt quá hiện thực được miêu tả. Bởi vậy một khi hoàn cảnh thực tế đã thay đổi, quá trình hiện thực diễn ra theo chiều hướng khác, thì tác phẩm liền ít được chú ý đến và cũng ít có khả năng gợi lên được những vấn đề để suy nghĩ. Từ Cái sân gạch về phong trào hợp tác hóa, Buổi sáng (Nguyễn Thị Ngọc Tú) về việc cơ khí hóa nông nghiệp cho đến Nhìn dưới mặt trời (Nguyễn Kiên) mới nhất gần đây về khoán nông nghiệp, xung đột trong các tác phẩm vẫn thiếu tầm khái quát, do đó vẫn chưa dựng lên được một điển hình tiêu biểu của người nông dân Việt Nam đi lên chủ nghĩa xã hội, cũng tức là điển hình của con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở một nước nông nghiệp như nước ta - một điển hình mà ở mỗi bước phát triển mới của xã hội, của cách mạng người đọc có thể quay lại tìm thấy trong đó những vấn đề mới, khía cạnh mới. Một điển hình có tầm khái quát cao độ, mang ý nghĩa triết học - Tư tưởng lớn lao như hình tượng ông già nông dân Tanabai trong tác phẩm Vĩnh biệt Gunxarư! của nhà văn Liên Xô nổi tiếng Ts. Aimatôp.

"Có những xung đột hướng vào bề sâu của cốt lõi xã hội, có những xung đột nảy sinh ra trong cuộc đấu tranh với chính mình, có những xung đột nằm trong phạm vi những sự đối nghịch vĩnh - cửu những xung đột mang tính triết học. Hình thức phổ biến nhất của loại xung đột thứ ba này là xung đột khuếch đại - chúng phát triển chỉ trong khung cảnh hiện thực lịch sử - cụ thể, nhưng đồng thời có xu hướng vươn tới những xung đột mang tính khái quát - toàn cầu: giữa cái mới và cái cũ, cái thiện và cái ác, tình yêu và căm thù. Những xung đột khuếch đại - đó không phải là những xung đột tinh tuyển, bậc cao, mà là một trong những biến thể giúp nhìn thấu những đường hướng lực lượng cơ bản của hiện thực đang biến đổi. Những sự đụng độ do những sự say mê của ngày hôm nay, do sự bức thiết của thời đại làm nảy sinh ra, đôi khi có tính cấp bách và quan trọng không chỉ đối với những người đương thời, mà còn với cả những thế hệ mai sau, bởi vì chúng có trong mình "tiếng hú" mà mãi lâu về sau nó sẽ còn vang vọng vào số phận của những thế hệ đến sau này: "không phải là những trang phục mới đối với những chân lý vĩnh hằng, mà là những chân lý mới chứa đầy sức mạnh dưới những trang phục đa tạp của lịch sử". Điều nhận thức chính xác và sâu sắc này đòi hỏi phải đạt tới một trình độ cao hơn trong việc biểu hiện xung đột. Tiểu thuyết cần phải có tính đa xung đột và phải biểu hiện những xung đột bên trong. Tính đa xung đột hợp thành từ sự liên kết các xung đột bên trong và bên ngoài, xã hội và cá nhân, khách quan và chủ quan, chính và phụ, thu hẹp và khuếch đại. Tất cả những xung đột đó hợp lại giống như những bắp thịt mọc lên trên bộ khung của tác phẩm, và bắp thịt càng phát triển mạnh bao nhiêu thì toàn bộ cơ thể càng rắn chắc, mạnh mẽ và dẻo dai bấy nhiêu. Loại tiểu thuyết viết về chiến tranh sau 1975 đã có biểu hiện đặc điểm này. Các tác phẩm đều nhằm phản ánh chủ nghĩa anh hùng cách mạng trong chiến đấu và sự hoàn thiện nhân cách của con người mới xã hội chủ nghĩa trong chiến tranh, từ đó lý giải vấn đề mà các tác giả quan tâm: con người đã tồn tại, chịu đựng và chiến thắng như thế nào trong một cuộc chiến tranh khốc liệt như vừa qua. Khắc phục cách nhìn đơn giản, một chiều về chiến tranh chỉ dừng lại ở những sự đụng độ ngoài, các nhà tiểu thuyết hiện nay mạnh dạn đi thẳng vào bề trong của các sự kiện và biến cố chiến tranh, không né tránh tính chất gay cấn, khốc liệt và phức tạp của chúng. Nhân vật được đặt vào những hoàn cảnh căng thẳng cao độ, không loại trừ những tình huống bi kịch, và phải chịu sự cọ xát, thử thách của nhiều xung đột trong đó. Sức mạnh chiến thắng của cá nhân nhân vật - dù nó bị lâm vào tình thế bi kịch đến thế nào đi nữa, thậm chí bị hy sinh - biểu thị sức mạnh vô địch của hình thái tồn tại xã hội chủ nghĩa. Trung đoàn trưởng Mạc (Năm 1975 họ đã sống như thế - Nguyễn Trí Huân) là một nhân vật kiểu đó. Anh đang chỉ huy đơn vị trong đội hình chiến dịch đối mặt với kẻ thù trong trận đánh quyết liệt cuối cuộc chiến tranh, nhưng cũng chính trong thời điểm nóng bỏng ấy anh cũng đang phải trải qua sự thử thách của những tình cảm phức tạp giằng xé: suy nghĩ về người vợ bội bạc ở hậu phương, tình yêu thầm kín với Thư, và do đó quan hệ đối xử với Thức - chính ủy trung đoàn, người cũng đang thầm yêu Thư. Rồi trên đường tiến quân, khi thắng lợi cuối cùng đã đến gần, Mạc hy sinh. Cái chết của anh có tính bi kịch cao cả: nó góp phần vào chiến thắng chung, đồng thời nó đặt ra cho những người đang sống - những người đồng đội của anh (như Thăng) và những người ở phía sau anh (như người vợ kia) - những vấn đề phải suy nghĩ về mình, về trách nhiệm của mình. Nêu lên những mâu thuẫn giằng xé xảy đến với Mạc (cũng như với Phán, tiểu đoàn trưởng pháo binh), đặt họ vào những tình huống buộc phải lựa chọn, xác định và tỏ rõ một thái độ ứng xử đúng nhất trước một hoàn cảnh cấp bách nhất, Nguyễn Trí Huân đã phần nào thể hiện được cái ý muốn nói: những người chiến sĩ vào cái năm 1975 thắng lợi vinh quang ấy đã sống như thế đấy, họ đã chấp nhận trách nhiệm lớn lao, nặng nề đối với đất nước, đối với dân tộc, vượt qua những trở ngại bi kịch của hoàn cảnh, và bằng cuộc sống đó của mình đòi hỏi xã hội cũng phải có một trách nhiệm trở lại đối với họ, đối với sự hy sinh lớn lao như vậy của thế hệ họ. Các tác giả có ý thức tập trung xoáy sâu vào những thời điểm lịch sử gay cấn nhất, lựa chọn một địa bàn không gian hẹp nhưng là nơi chứa chất những mâu thuẫn đến độ cao trào nhất và biểu hiện những xung đột gay gắt, căng thẳng nhất. Những hoàn cảnh điển hình tập trung như vậy trước đây thấy có trong Ở xã Trung Nghĩa (Nguyễn Thi), Đất Quảng (Nguyễn Trung Thành) và gần đây là trong Đất Trắng (Nguyễn Trọng Oánh) và Đất miền Đông (Nam Hà). Tuy nhiên phải thấy rằng trong các tiểu thuyết của ta nói chung xung đột chỉ mới được biểu hiện dừng lại ở sự đối lập, đối chọi, đấu tranh giữa hoàn cảnh và tính cách, giữa các hành động bên ngoài có nhau. Đó mới chỉ là xung đột của lịch sử tác động đến con người, chứ chưa phải là xung động bên trong tính cách, bên trong số phận con người phản ánh xung đột của lịch sử. Mà chính ở xung đột bên trong tính cách, ở sự đấu tranh của những nguyên lý lịch sử trong một tính cách mới thường có sức bùng nổ lớn, tạo nên hiệu quả nghệ thuật mạnh. Cái bi kịch cũng thường tập trung và có ý nghĩa xã hội cao chính trong sự xung đột đó. Những bi kịch này không phải mang tính chất cá nhân riêng lẻ, không phải là kết quả của một sự sai lầm cá nhân nào đó và việc thể hiện những số phận bi kịch đó cũng không phải là phá vỡ, xuyên tạc bức tranh sử thi toàn vẹn của tác phẩm. Đó là những bi kịch mang tính chất "sai lầm lịch sử" mà "nghịch lý Grigôri" là một dẫn chứng tiêu biểu. Và điều đó càng chứng tỏ, càng làm nổi bật tính quy luật khách quan, xu hướng vận động tất yếu của lịch sử. Ở một mức độ nào đó mà nói, Nhân trong Bão biển (Chu Văn) cũng có thể là một tính cách bi kịch đầy đủ, chứ không phải cái chết của Tiệp là một bi kịch. Chính là ngược lại: Cái chết của Tiệp đã làm tăng thêm nét bi thảm trong số phận của Nhân, nhưng cũng ngay khi đó không biến số phận bi kịch này thành một nạn nhân thụ động của hoàn cảnh nữa. Tiếc rằng Chu Văn không khai thác sâu được vào khả năng đó của hình tượng, cho nên không thể hiện được Nhân thành một điển hình cho một vấn đề xã hội có ý nghĩa lớn như lẽ ra nhân vật này có thể có được. Trong những tiểu thuyết viết về chiến tranh gần đây các tác giả đều có xây dựng những nhân vật dao động chạy trốn hoặc quay lưng phản bội trước sự thử thách khốc liệt của chiến tranh. Hoan Cửa gió - (Xuân Đức), Tám Hàn (Đất Trắng), Kiểu Nắng đồng bằng - (Chu Lai) - đó là những con người đã sa vào tình thế bi kịch của chính mình khi tự mình phản bội lại mình, khi không chiến thắng nổi mình trong sự o ép của hoàn cảnh. Nét bi kịch này trong số phận các nhân vật đó càng làm nổi bật lên tính chất hết sức dữ dội, ác liệt của cuộc chiến tranh, càng phơi bày rõ ràng bản chất xung đột gay gắt của hai lực lượng đối lập nhau. Ngòi bút của các nhà văn ở đây đã không dừng lại miêu tả những biểu hiện ra bên ngoài của hiện tượng "kịch biến" đó, mà cố gắng lách vào tầng sâu bên trong nhân vật để tìm ra cái nguyên nhân ẩn kín, để phơi bày ra cuộc xung đột nằm trong tâm hồn nhân vật đưa đến cái quyết định ứng xử, hành động mang tính sai lầm bi thảm này.

Cố nhiên xung đột không phải bao giờ và không phải duy nhất biểu hiện ra dưới dạng bi kịch. Những hình thức khác của xung đột như hài kịch hoặc bi hài kịch vẫn thường gặp thấy trong cuộc sống, do đó chúng vẫn có quyền có mặt trong các tác phẩm văn học. Mặt khác nhà văn không phải ở đâu cũng sử dụng yếu tố bi kịch để thể hiện xung đột, mà có lúc lại dùng yếu tố hài kịch để nhấn mạnh sự phản ánh của mình hơn. Nhưng điều chắc chắn là trong những tiểu thuyết muốn vươn lên khái quát cao thì xung đột bi kịch, hình thức bi kịch của xung đột là cần thiết, quan trọng và thích hợp nhất (1). Những tình thế bi kịch, số phận bi kịch được đưa vào tác phẩm giúp cho nhà văn tiến hành sự phân tích xã hội học đối với cấu trúc của xã hội hiện đại một cách chính xác, đồng thời cả đi sâu nghiên cứu thế giới bên trong của cá nhân một cách sâu sắc. Hơn thế, sự phân tích xã hội học nói đây có thể được thực hiện một cách gián tiếp, không phải trong sự đụng độ của những lực lượng xã hội, mà trong toàn bộ sự phức tạp và sự đa dạng của cá nhân con người buộc phải ứng xử trong tình thế bi kịch ấy, phải mang số phận bi kịch ấy. Phải chăng trong sáng tác của Nam Cao trước đây đã có nét nào như thế để lại kinh nghiệm cho chúng ta hiện nay? Nhân vật mang số phận bi kịch là nhân vật trải qua những cơn cọ xát tinh thần dữ dội, những sự dằn vặt, day dứt ghê gớm về tâm lý. Chính vì lẽ đó nên nếu như nhân vật Nhân được đẩy tới một tính cách bi kịch thì nó có khả năng cho phép nhà văn khai thác tâm lý được nhiều nhất, mạnh nhất, sâu sắc nhất. Lẽ dĩ nhiên như thế không nên hiểu là các nhân vật khác không có số phận bi kịch thì không có tâm lý sâu sắc, không được khai triển rộng về bên trong (2). Nhưng cũng hiển nhiên là ở các nhân vật mang tính bi, tức là ở đó tập trung căng thẳng, gay gắt nhất sự đụng độ, xung đột của cái xã hội và cái cá nhân, của cái bên ngoài và cái bên trong, thì được bộc lộ đầy đủ nhất, rõ ràng nhất bộ mặt tinh thần của chúng, giúp soi sáng nổi bật hơn nhiều các vấn đề được phản ánh qua chúng. Ý nghĩa của các hình tượng Grigôri (Sông Đông êm đềm) và Rốt-sin (Con đường đau khổ) là ở chỗ này. Và tài nghệ phân tích tâm lý của M. Sôlôkhôp và của A. Tônxtôi thể hiện cao độ nhất cũng chính qua các hình tượng đó.

1983 - 1985
P.X.N
(SH20/8-86)



--------------------
(1) (2) Chúng tôi tôn trọng quan điểm này của tác giả. Tuy nhiên, với sự phát triển cho đến nay của sáng tạo nghệ thuật cũng như tư tưởng, có những ý kiến khác biệt (SH).









 

Các bài mới
Các bài đã đăng