ĐINH DUY TƯ
Tin ông Khòa từ chức bay ra như một ổ mối cánh lúc trời mưa. Người này nói với người kia, truyền vào tai nhau lượng thông tin nóng hổi nhất. Họ đánh giá, phân tích và bình phẩm, kèm theo những kết luận theo cách nhìn nhận của mình.
Họ nhìn vào đâu mới được chứ? Hôm nay hay là hôm qua? Cuộc sống hay là công việc?.
Ngày đó... khó mà nhớ những chi tiết thật cụ thể. Sau khi tốt nghiệp trường quản lý kinh tế trung ương, ông trở về với đơn vị cũ. Đó là ban thủy lợi huyện. Khi đi là trưởng ban, khi về cái ghế ấy đã trao sang người khác. Hôm qua ông trưởng ban tổ chức đã hứa: "Cứ yên chí, mình sẽ tìm cho cậu một chỗ đứng... Sắp đến ở công ty ấy..." Ông trưởng ban muốn nói về công ty vật tư của huyện. Tháng tư tới, sau khi bầu cử xong, giám đốc đương kim sẽ bay về huyện giữ một chức vụ trọng yếu hơn.
Ông Khòa tin những lời đó như một vật thể chỉ cần đưa tay ra là nắm lấy. Ai chứ ông trưởng ban này... Mặc dù đã quá tuổi về hưu vẫn cố ôm lấy cái ghế của mình. Đã có một thời ông đã chìa bàn tay để tạm biệt ông Khòa ; khi ấy là phó ban, ông tính chuyện sẽ về hưu.
Ông Khòa có biết đâu cuộc đời ông già ấy chưa dừng lại. Theo yêu cầu của tổ chức, ông trưởng ban lên đường làm nghĩa vụ quốc tế. Trưởng ban để phó ban lên: Quyết định nghỉ hưu được thay bằng quyết định bổ nhiệm. Chuyện già cả về hưu của ông phút chốc thuộc về dĩ vãng. Mái tóc bạc một thời làm ông day dứt bây giờ là ngôn ngữ của lòng kính trọng. Một số người vốn lạnh nhạt khi ông còn phó ban nay đã biến tấu nên âm điệu mặn mà.
Cho đến ngày công ty vật tư sẽ khuyết đi một người thì ông trưởng ban bắt đầu suy tính. Bộ đèn nháy trong đầu óc ông đã hoạt động. Người này hay người kia ai sẽ làm giám đốc? Trong cuộc họp huyện ủy có nhiều ý kiến đòi đưa phó Nguyễn lên thay. Nhưng vẫn không ngả ngũ. Phó Nguyễn, một người rất có năng lực - tốt nghiệp đại học kinh tế kế hoạch và ở ngành vật tư khá lâu. Tay này trẻ, có lý luận. Có điều, tính phó Nguyễn thẳng quá. Cứ như kim điểm hỏa đập vào ngòi nổ là nổ. Dường như phó Nguyễn không có sự chần chừ, không có khoảng cách để uốn lưỡi ba lần... Trên lĩnh địa vật tư, anh ta xông xáo vào các điểm nóng, mỗi khi bị bế tắc, lập tức anh ta giải quyết một cách nhanh gọn.
- Đưa phó Nguyễn lên!
Ý kiến đó đập vào ông phó chủ tịch huyện đang ngồi cuối bàn, mãi mê nhớ lại cú điện thoại hôm qua. Từ đầu dây bên này ông gọi cho công ty vật tư, chỉ thị cho giám đốc phải mua đủ một tấn thịt lợn hơi giải quyết trên phương thức đối lưu hàng hóa với một đơn vị quân đội. Giám đốc đi vắng, Phó Nguyễn trực lãnh đạo.
- Báo cáo anh, đây là Công ty vật tư…
Thì tôi gọi công ty của anh! Chiều nay xe sẽ đến nhận lợn. Một tấn nhé!
- Công ty tôi không thu mua lợn... Việc ấy đề nghị anh hỏi Công ty thương nghiệp.
- Sao? Anh nói sao? Phó chủ tịch thét lên: - Tôi đã hứa rồi! Chiều nay... Nếu không, các anh bán tôi rồi đấy!
- Thưa, Phó chủ tịch không phải là hàng hóa. Cạch! Ông giáng mạnh ống nghe lên máy. Nghĩ đến đó, ông lắc đầu.
- Đưa phó Nguyễn lên! Đồng chí, Trưởng ban tổ chức cho ý kiến.
Mọi người nhìn ông chờ đợi. Thật ra ông đã chuẩn bị bài bản mấy hôm nay rồi. Trước khi gạt phó Nguyễn ra, ông vẫn còn ấm ức câu chuyện bữa trước. Phải, xa xôi gì mà không nhớ... Tháng trước giám đốc công ty cấp cho ông năm tạ xi măng để ông tu sửa lại nhà. Khi làm phiếu vì nể mái tóc nếm mùi sương gió của ông, phụ trách cung tiêu đưa về giá xây dựng cơ bản. Rẻ dăm trăm đồng đối với nhà nước nghĩa lý gì? Thế nhưng khi lên trình ký, phó Nguyễn đã bác thẳng thừng:
- Sao cô viết giá này?
- Báo cáo thủ trưởng, bác ấy… già rồi, lại có lệnh...
- Tiền bạc của Nhà nước, làm gì có chuyện già với non! Phiếu này, tôi không duyệt. Cá nhân không thể lấy giá xây dựng cơ bản được? Cô về chữa lại phiếu, buộc khách hàng nộp thêm tiền.
Đang đứng ngoài cửa nghe câu nói ấy ông định xông vào. Phải xạc cho tay này một mẻ mới được! Ông nghĩ vậy. Nhưng khi người viết phiếu quay ra thì tự nhiên ông cảm thấy đừng thổi to câu chuyện. Dù sao thì đá vẫn đè trên cỏ. Nộp thêm mấy trăm bạc ông chẳng nghèo đi? Tay ấy tệ với mình. Ừ, sao nó lại không nghĩ đến mình nhỉ? Một Trưởng ban tổ chức nắm trong tay một loạt hồ sơ cán bộ…
Nhân danh Trưởng ban tổ chức huyện ủy, sau khi thẩm tra xem xét việc đưa phó Nguyễn vào chức vụ giám đốc có mấy vấn đề sau...
Một loạt nhược điểm của phó Nguyễn, qua sự gia công của ông trở nên nhọn hoắt và sắc lẽm.
- Thế thì theo ý anh - Bí thư huyện ủy ngắt lời ông - ai sẽ làm giám đốc Công ty vật tư của huyện?
Ông mỉm cười, tự tin:
- Báo cáo các đồng chí, tôi đề nghị đưa đồng chí Khòa. Trần Minh Khòa...
- Khòa nào nhỉ? Những người về huyện sau ngày ông Khòa đi học đều ngạc nhiên. Có phải ông ấy ở thủy lợi...
Ông Trưởng ban rất hài lòng thấy mình đã ném vào sự bất ngờ một con người bằng da, bằng thịt. Họ không biết ông Khòa đã học xong... Bởi vì, chân ướt chân ráo từ Hà Nội vào ông Khòa đã đến thăm ông. Hai người ngồi trọn một buổi sáng, trọn một chai rượu đông bọt... Thôi thì, đủ thứ chuyện trên đời. Ông Khòa lưu tâm đến cả vết sẹo trên đầu gối ông Trưởng ban - bắt ông phải kéo ống quần lên để xem nó dài đến mấy? Bởi hôm ông Khòa cõng ông chạy khỏi tọa độ bom, chẳng kịp nhìn. Sau đó đến thăm nhưng vòng băng kín quá! Bây giờ nhìn lại... Chao ôi, hơn mười năm rồi, ơn nghĩa một cuộc đời, nhiều khi trao sang thế hệ khác, huống chi mười mấy năm thì nghĩa lý gì? Nhớ lại cứ như hôm qua, khiến hai người gần lại.
Tháng tư - Mùa hoa phượng nở rộ. Trước sân nhà huyện ủy cây phượng già như thắp lên một quầng lửa đỏ. Sau ngày bầu cử, ông giám đốc cũ sang huyện nhận chức vụ mới: ông Khòa Iên thay ông. Trần Minh Khòa! Chỉ vài hôm sau dưới con dấu tròn, tên ông không cần phải cầm bút viết tay. Trên các loại giấy tờ, ông ký chữ nào thì cô văn thư chụp cả họ và tên ông vào chữ ấy, ông vừa làm, vừa lo; nỗi lo thấu đến ông Trưởng ban tổ chức huyện ủy. Đã đẻ ra thì nuôi lấy nó! ông căn dặn ông Khòa đủ điều. Phó Nguyễn là một bài học, cần phải rút kinh nghiệm, im thì sống mà chống thì liệu chừng. Làm sao bẻ nạng chống được trời cơ chứ? Nếu anh ta khôn khéo lên một chút thì chân giám đốc sẽ thuộc về anh ta. Hừ, mới phó mà như thế, làm trưởng, anh ta sẽ coi trời bằng vung. Nhưng hãy canh chừng đấy, Khòa ạ. Tay ấy nói được, làm được dễ lôi kéo quần chúng lắm! Sống được lòng quần chúng là một vấn đề rất khó. Họ không bầu anh lên nhưng có thể sẽ đạp đổ anh một cách rất dễ dàng đấy! Nhưng hãy tin tưởng vào mình, cứ thế mà hành động bên này đã có tôi! Vâng, có tôi...
Khi không còn nghi ngờ về cái ghế giám đốc của mình nữa, ông Khòa mới thấy hết sự phức tạp ở công ty này. Mọi quán xuyến của ông bao giờ cũng thấy phông phỉ, như một quả bóng xẹp ông bóp bên này thì lại phình sang bên kia. Bộ máy tham mưu không đồng nhất, nhiều ý kiến nhiều vấn đề cứ thế đẻ ra. Sau mấy lần thử gân, Trưởng phòng tài vụ, một kỹ sư kinh tế, không còn sự thuần phục như lúc đầu. Trong các cuộc họp, phó Nguyễn luôn luôn xử thế rất hợp tình hợp lý và trở thành nhân vật trung gian. Ông Khòa đã trở lại thời kỳ tính nóng như lửa của mình; phó Nguyễn thì điềm đạm, cẩn thận, kế toán trưởng mở miệng là phun một loạt nguyên tắc... Thiên lý - vạn lý trong ngành kế toán làm cho ông Khòa nhiều phen nổi cáu. Đó là chuyện công nhân bốc vác hợp đồng nâng giá lên. Trên trời thì mây đen, dưới đất thì xi măng còn đợi giá... Không bốc thì chết mà bốc thì…
- Bà kế toán trưởng không chịu thanh toán đâu, đừng bốc cho nhọc!
- Các anh cứ bốc đi, tôi sẽ ký! ông Khòa năn nỉ.
- Chữ ký ông không rút được tiền.
Trời ơi! ông Khòa nghe nghẹn lại trong lòng. Đúng, có lần ông ký mà kế toán trưởng không chi.
Phó Nguyễn lừ lừ đi đến.
- Bốc đi chứ? vừa nói, anh trừng mắt nhìn những người bốc vác.
- Nó bảo giá thấp... ông Khoà phân minh.
- Thì nâng lên!
Ông Khòa níu tay Phó Nguyễn nói qua hơi thở.
- Nó đòi có sự chấp nhận của kế toán trưởng...
Phó Nguyễn nói oang oang:
- Thế anh với tôi chưa đủ sao? Không lẽ cứ để xi măng ướt. Đây, tiền đây...
Sau đợt bốc xi măng lần ấy, phó Nguyễn mời Chủ nhiệm hợp tác xã đến xin hủy hợp đồng, ông Khòa ngăn lại bảo rằng có gì trao đổi với nhau. Phó Nguyễn giận sôi lên:
- Loại người đó không luyến tiếc làm gì? Nhẫn tâm đến nước ấy là cùng - Tiền! Hừ, chỉ vì tiền!
Quay sang ông Chủ nhiệm hợp tác xã, phó Nguyễn đánh giá luôn:
- Anh nên giáo dục bọn trẻ... sống như vậy không xứng đáng...
Ấy vậy mà hôm sau, phó Nguyễn lập tức được kế toán trưởng chi trả số tiền cho anh, không một lời phàn nàn. Ông Khòa cảm thấy buồn vô tận! Một chuyện rất bình thường như thế mà mình không giải quyết được. Hình như mình đã van xin chúng nó?... Sao mình lại không làm như phó Nguyễn ném tiền ra... Giả dụ mình không có tiền, lúc đó không có phó Nguyễn thì hậu quả sẽ ra sao? Thử đến nước phải lạy chúng nó nhưng lạy cũng bất lực vì chúng đang cần tiền... Đột nhiên ông ngẩng đầu lên bắt gặp ánh mắt kế toán trưởng đang nhìn mình. Chao ôi, ánh mắt đàn bà… Nó chứa đựng điều gì trong đó nhỉ? Một sự thương hại hay là khép nhỏ con mắt lại trước mình.
- Phó Nguyễn đâu rồi, cô?
- Dạ anh ấy đang theo sát nút một vụ gỗ.
- Gỗ nào? Nó ra làm sao? ông hỏi sửng sốt.
- Nghe đâu tay thủ kho kiến thiết sau khi cưa gỗ xong lấy liền mấy thanh chuyển về nhà.
Ông ngồi im một lúc rồi hỏi:
- Mấy thanh?
- Dạ, ba thanh cỡ 8 x 12.
- Gọi nó lên bắt làm bản tự kiểm điểm.
- Tịch thu số gỗ lại. Kế toán trưởng nói chen vào.
Ông Khòa đứng dậy rồi lại ngồi xuống ghế:
- Nhà nó nghèo, kể ra cũng tội! Thôi, bắt làm bản kiểm điểm là được, còn gỗ thì... cho nó.
Không hiểu ông Khòa ra sao nữa. Kế toán trưởng chỉ còn biết chờ phó Nguyễn về. Mà thật, phó Nguyễn đã về. Đi sau anh ta là tay thủ kho mặt cắt không còn giọt máu.
- Đấy, anh xem - Phó Nguyễn nói - Một tháng làm kho đã có gỗ chìm gỗ nổi. Trên xà nhà hai mươi mốt đòn, dưới ao cá mười hai đòn, thử hỏi công ty đặt ngói vào đâu mà lợp?
- Dạ, cháu... Thủ kho nói, lưỡi như bị rút ngắn.
Ông Khòa nghe như những lời kia phó Nguyễn đang chì chiết vào mình. Một phần trách nhiệm là tại ông, tại cái tính dễ dãi của ông. Những điều sai phạm trái lặt vặt của cán bộ dưới quyền khi đến tai ông thường bé lại. Ôi dào, thời buổi này... Cho nên, mặc dầu có ông đang ngồi sờ sờ trên xe đấy, lái xe vẫn điềm nhiên hút xăng bán cho bọn gian thương, ông có hỏi thì nó bảo: Bữa trước xăng rẻ, cháu mua dự trữ kiếm lời... Buôn bán là chuyện chúng nó, đừng ăn cắp hàng hóa của công ty là được! Ông đã lý giải như thế khi một cán bộ nghiệp vụ phàn nàn với ông về chuyện lái xe dạo này bán xi măng nhiều quá. Mỗi xe đi từ Bỉm Sơn về, xe nào cũng cõng thêm "kế hoạch riêng" dăm ba tạ, thậm chí cả tấn. Ông cho qua hết, miễn sao lái xe đừng giảm trọng tải dưới mức quy định là được.
Ông Khòa của tôi như thế đấy! Ông chỉ nghĩ đến những cái gì mà trong cuộc sống đang ập vào ông. Đó là những hôm rét mướt, kham khổ lái xe phải tranh chấp từng xe hàng hóa. Những bữa cơm thất thường... Mà ông đã cùng chung lưng đấu cật. Còn những vấn đề trong chuỗi móc xích kia đối với ông dường như xa vời vợi. Từ những bao xi măng bất chính cho đến chiếc xe phải kéo thêm trọng tải quá sức mình. Rồi xe hư, xe hỏng... ông nào biết đến? Kể cả việc lái xe nhận xong hàng phải kéo thời gian chờ đến lúc cho được việc của mình, về, ông Khòa hỏi thì xe bị hỏng roăng cô-lếch-tơ chứ "cô-bán-tơ" ông cũng gật đầu chấp nhận. Những điều ấy cộng cộng trừ trừ về ông được không ít người cho lên mây xanh bởi cái tính thương người! Cũng không ít người đã bắt đầu nghiêng hẳn về phía phó Nguyễn. Trong mọi bế tắc, bao giờ phương thức giải quyết của phó Nguyễn cũng được trả giá. Đặc biệt là bế tắc về hàng hóa. Ông Khòa nghiễm nhiên thiên về chỉ đạo đời sống nhiều hơn. Ông lo ruộng tự túc, lo thăm tang thăm cưới.. Nếu không giữ cương vị giám đốc ắt ông Khòa sẽ được bầu làm thư ký công đoàn.
Dần dà, ông Khòa đã nhận ra mình trước chân dung người phó giám đốc trẻ. Đã có lúc ông nghĩ thầm. Quái lạ, không lẽ mình là phó Nguyễn. Cái gì? cái ở công ty này cũng là phó Nguyễn. Thế thì Trần Minh Khòa này là ai? Là cái chất gì? Không! mình phải trổi dậy theo đúng chức năng mà trên tờ quyết định đã ghi rất rõ... Khi nhận thức điều đó thì phó Nguyễn trong mắt ông trở nên khang khác. Trong một số cuộc họp ông đã lấy tư cách giám đốc phủ quyết mọi đề nghị của phó Nguyễn, mặc dù những đề nghị ấy rất chính đáng... Ông chuyển sự mặc cảm đó sang tận kế toán trưởng, sang những ai cùng hội cùng thuyền với anh ta.
Hôm ông Khòa đi Hà Nội vào, phó Nguyễn gặp ông trên đường và hăm hở hỏi:
- Tôi vừa làm việc với vật tư nông nghiệp cách đây mấy hôm, họ giao cho mình bốn trăm tấn phân bón.
- U rê A phải không? Ông Khòa hỏi giọng bốc lên.
- Không! Phân lân...
Ông Khòa giật mình. Thật là một sự lạm quyền! Không lẽ phó Nguyễn không biết rằng, cuộc họp vừa rồi vật tư nông nghiệp tỉnh ép các huyện nhận phân lân như ép người ốm cố ăn. Có ai nhận đâu? Huyện nào cũng tìm mọi lý do để khước từ. Kho tỉnh mà trống thì động kho huyện thôi! Thế mà, thế mà... ông rên rỉ:
- Nhận làm gì mà nhiều thế?
- Đất huyện mình, loại phân ấy quý lắm! Phó Nguyễn dường như không thấm một chút đau khổ mà ông Khòa đang gánh chịu: - Ngần ấy chứ nhiều hơn vẫn tốt, chứ sao?
- Trời ơi! ông Khòa nói như quát - Người ta ném ra là của không nhai được! Tôi, tôi sẽ điện gấp vào tỉnh.
Tiếng phó Nguyễn đanh lại:
- Anh đi vắng tôi cho giải tỏa rồi.
- Thế là chết, là chết! Anh ngồi lên đây đi với tôi.
- Đi đâu?
- Thì cứ đi với tôi!
Ông Khòa bảo lái xe chạy sang huyện. Xe vào ủy ban thường trực đi vắng cả. Xe về huyện ủy, chỉ duy nhất phòng Trưởng ban tổ chức đang mở cửa. Ông Khòa bước vào, không chào hỏi nói luôn:
- Tôi xin trả chức vụ giám đốc.
- Sao thế? Bình tĩnh nào! Trưởng ban kêu lên.
- Làm việc với phó Nguyễn tôi không... không thể làm được! Không sớm thì muộn tôi sẽ bị đổ...
Ông Khòa nói trước. Tất nhiên cái đúng về mình. Đến lượt phó Nguyễn, anh ta đưa ra bao nhiêu là lập luận trên cơ sở khoa học. Cuối cùng phó Nguyễn tuyên bố.
- Tôi làm sai tôi chịu!
- Ai chịu? ông Khòa chồm người lên.
- Tôi chịu! Phó Nguyễn khẳng định.
- Nhưng tôi là giám đốc...
- Anh đi vắng, phụ trách kế hoạch là tôi, và tôi xin thưa với anh rằng: Quyết định đó là của tập thể...
- Của anh, của kế toán trưởng và những tay trưởng phòng đồng toa chứ gì?
- Anh gọi theo cách nào cũng được. Phó Nguyễn nói - Như thế cũng đủ rồi!
Phó Nguyễn hằm hằm bước ra khỏi phòng không cần sự phân hòa của ông Trưởng ban. Tối hôm đó Ban giám đốc họp và ông Khòa quyết định đưa phó Nguyễn về phụ trách tổ chức hành chính. Ông, là giám đốc kiêm luôn công tác kế hoạch. Từ nay trở về sau, phó Nguyễn không phải chạy hàng hóa nữa, ngồi tại bàn trực... Cơn nóng giận của ông Khòa đến mức, nếu đủ thẩm quyền ông sẽ đưa phó Nguyễn ra khỏi Ban giám đốc!
Cơn sốt vật tư bỗng dội lên mấy tháng đầu, ông còn gỡ được. Nhưng hàng trong kế hoạch ông xoay đến mướt mồ hôi vẫn cứ như đầu nguồn có ba-ri-e chắn lại. Rồi lần lượt một số mặt hàng khác giảm dần... Xăng hết, dầu cạn, xi măng Trung ương phải ra tận nhà máy để nhận. Mười mấy chiếc xe có nguy cơ bị triệt để lấy phụ tùng... Xăng đâu mà chạy cả mười mấy chiếc? Rồi chuyện gỗ, chuyện than cứ nhắng lên. Giám đốc lò ngói huyện gặp ông Khòa thông báo chuyện công nhân đi chặt đót... Một số công trình đang mọc lên bỗng khựng lại vì ông Khòa đang hứa ngày hứa tháng.
Chỉ khổ ông Khòa! Vâng, dạo này ông chỉ còn cách mỗi ngày nhớ uống thuốc tăng lực. Ngày mới sang công ty ông ngồi lên đệm xe, hai chiếc lò xo chính như bị gọng kìm xiết chặt. Bây giờ cũng chiếc đệm ấy đã nghe cót két... Hai má ông hóp lại như hai chiếc võng. Mọi quy luật sinh hoạt bị phá vỡ... Nhà ở tự ông quét lấy và khi đi công tác,ông đã ra tận ga ra ô tô. Bữa cơm đạm bạc, ông ăn hết nửa... Hồi nhận chức giám đốc vợ ông cứ nghĩ đến mái ngói nhà xây. Thế nhưng hai năm nay, ông mới mua có hai yến đạm theo tiêu chuẩn chung của huyện. Nói thì hơi ngoa - ông chuẩn bị được một ngàn rưỡi viên ngói rồi. Sắp tới ông sẽ lợp lên ngôi nhà ba gian cột vuông đã đến kỳ không trú nổi khi có cơn mưa lớn. Đó là thành tích mà ông trả cái ơn bà vợ, ngày lên chức bà giám đốc - gọi theo lối đùa hiện đại.
Của sắp vào miệng cũng không nuốt được! Một hôm ông Trưởng ban tổ chức vương vấn chuyện xưa mà tìm đến ông:
- Khòa này, mình gay quá…
- Có chuyện gì thế anh? ông Khòa sốt sắng.
- Mình có cái phiếu kế hoạch một ngàn viên ngói, cậu cho mình nhận đi!
- Than không có... ông Khòa khẽ phân minh.
- Mình vẫn biết, nhưng mà...
Biết vậy, mà vẫn nèo xin! ông Khòa lắc đầu như rũ bụi. Nếu giải quyết thì lượng tồn kho đã hết. Còn từ chối, thật tình ông không nỡ. Thôi thì, thà mất của đừng để mất lòng. Ông bấm bụng trao cái phiếu ngói một ngàn viên cho Trưởng ban tổ chức - dẫu sao có ông ấy, mới có mình. Còn năm trăm viên lợp lên mái trước an ủi phần nào với vợ con cũng được rồi, ông tự động viên mình. Nhưng số ngói còn lại cũng không yên... Một bà cụ thuộc diện chính sách đến kiện ông về chuyện thủ kho gạch ngói ăn hối lộ. Chị ta lấy của bà tiền chênh lệch giá ngói vẫn không chịu giao hàng. Bà cụ khóc "mưa gió đến rồi, con cái mỗi đứa một chiến trường..." ông Khòa không cầm lòng, giao số ngói của ông cho bà cụ và điện thủ kho về đối chứng.
Ông Khòa lại trắng tay. Hễ ai nhắc đến chuyện nhà là ông cứ lờ đi. Hình như ông sợ vợ, bà ấy mà biết thì nổi máu thiên hậu lên! Nếu đau đớn lắm bà ta sẽ đi trẫm mình. Cả làng được cái giếng cạn, có nhảy xuống bà ta chỉ ướt áo rồi về. Vợ thì ông không lo mất, điều ông lo nhất là chỗ đứng của công ty này...
Ông lại đi... Chiếc xe con cứ lăn xả vào các ngành hàng mà kêu gào, mà đòi nợ. Các mũi nghiệp vụ bắt đầu phong tỏa, điểm huyện để tranh chấp hàng về. Lại còn hàng ngoài kế hoạch, phải vớt ra các nơi... Cái ghế giám đốc chưa bao giờ ông ngồi ấm chỗ. Thế nhưng, vật tư khan hiếm lắm! Những cánh cửa ngành
hàng dạo này hình như không bôi mỡ, ông kéo rất nặng nề...
Cho đến một hôm...
Trong giờ đọc báo buổi sáng, người ta thấy cánh cửa ông Khòa đóng kín. Cô gái tiếp tân cho biết, đêm qua ông kêu đau đầu và tức ngực. Họ đấm cửa mãi, vẫn không nghe ông Khòa lên tiếng. Cuối cùng cạy chốt. Cửa phòng lồi mở ra, trên bàn một cuốn sách ông đang đọc dở. Họ vào tận giường ông... Khổ ơi, ông Khòa của tôi nghẹo đầu qua bên gối; ông nằm trên giường mà như người ghé lưng ở một vùng hoang dã.
***
Chuyện đến đây, chắc có người nghĩ đến cái chết đột ngột của ông Khòa. Nhưng không, may mắn cho ông các bác sĩ bệnh viện đã kịp thời chạy chữa. Sau một tuần, ông đã cắt đứt phần cháo và chuyển sang khẩu phần cơm. Sức khỏe ông khá lên, các bác sĩ khuyên ông hãy yên tâm điều trị.
Yên tâm làm sao được? Thời gian trên giường bệnh bao trùm lên tất cả là một dòng ký ức cuồn cuộn chảy. Trong dòng ký ức ấy, ông gặp lại mình lặn lội học thêm kiếm cái bằng để làm nên chuyện, bởi thời ấy kỹ sư đếm đầu ngón tay, hiếm hoi như nhà có con một. Phó Nguyễn là kẻ hậu sinh... giờ đây, tầng lớp hiếm hoi ấy bỗng ập đến trẻ già chung đụng nhau, cái mới và cái cũ nhiều lúc tranh cãi đến phải đấm bàn, đập ghế, không gì đáng sợ hơn phải lãnh đạo những con người vừa thông minh lại vừa có học vị cao hơn mình? Sau mấy trăm tấn lân ông Khòa đã thay đổi cách nhìn của mình với phó Nguyễn. Mùa trước đọng nhưng mùa sau phân lân quý như vàng. Phó Nguyễn im lặng không nhắc đến. Nhưng sự im lặng đó dẫn ông Khòa đến tận phòng anh ta.
- Anh Nguyễn này... ông Khòa lên tiếng: - tôi định nói với anh một câu chuyện cũ.
- Trời ơi! Tôi chỉ muốn nghe anh nói về cái mới thôi! Phó Nguyễn kêu lên - Thời buổi bây giờ mỗi điều mới lạ luôn luôn chứa đựng sự tìm tòi... tôi thích vậy!
Con người kể cũng lạ, đã thanh thoát với nhau mà vẫn kình địch ngấm ngầm. Ông Khòa không dễ quên được những lời phê bình gay gắt của phó Nguyễn dành riêng cho giám đốc trong cuộc họp cấp ủy. Phó Nguyễn bắn một mũi tên - theo ông nghĩ: xuyên vào hai cái đích lớn. Anh ta lại có thể nói rằng: Nếu tôi làm giám đốc, tôi sẽ...
Vâng, tôi sẽ không nhất trí với những quan điểm kinh doanh trái nguyên tắc của kế toán trưởng. Có gì mà đem tiền mặt ra tận Hà Nội mua thép chui? Thép ấy ở đâu ra... Bọn ăn cắp hàng Nhà nước sẽ tiếp tục ăn cắp... Tôi cũng bác bỏ ý định mua trầm hương để đổi lấy chiếc xe Uoat mới. Ở đây, hợp pháp nhưng không hợp lý. Chúng ta là Công ty vật tư, sản phẩm làm ra của chúng lãi trên đồng ruộng, trên mọi công trình của chủ nghĩa xã hội...
Tôi là giám đốc tôi sẽ ra một quy định rất cụ thể tiếp khách. Để làm gì? Tăng thêm cho cán bộ chạy hàng một khoản tiền tạm đủ với chi phí của họ đã bỏ ra... Tôi sẽ rút bộ máy hành chính xuống, đưa nhân lực vào trực tiếp sản xuất.
- Gì nữa? ông Khòa bực bội hỏi.
- Tôi sẽ tham gia bốc vác với anh em khi đột xuất. Tôi sẽ đề xuất ý kiến của tôi - tức là Công ty vật tư sang tận huyện, về việc giao cho công ty khai thác đá để nung vôi... Thà huyện cử rút người lên mỏ đá mà khoán, mà bắn còn công ty vật tư...
- Thôi! Thôi... ông Khòa nghẹn lên, xua hai bàn tay như lắc chuông cắt đứt lời bị cáo.
Nhớ tới đó, ông Khòa bỗng trở mình nằm ngửa. Phó Nguyễn làm cho ông tự tin. Bởi một lẽ, phó Nguyễn đã nói đúng và lật ngược cái đúng đó là ông. Chắc hẳn bây giờ... "Nếu tôi là giám đốc" sẽ đưa phó Nguyễn vào ghế thực tập rồi đây.
- Anh Khòa, đỡ chưa anh?
Có tiếng người hỏi to. Mãi suy nghĩ, ông Khòa không hề biết phó Nguyễn vào phòng mình từ lúc nào? Anh ta vẫn đứng nhìn trân trân vào gương mặt ông Khòa.
- Anh Nguyễn! Ông Khòa vùng dậy mà nói rất thực lòng.
- Tôi đang nghĩ về anh...
- Về tôi! Phó Nguyễn bật lên cười.
- Về anh có nghĩa là...
- Tôi hiểu... Dẫu sao thì bắt đầu từ một điểm.
Phó Nguyễn vừa nói vừa mở cặp lấy ra mấy lọ thuốc kháng sinh đặt lên bàn. Hai người vào chuyện: Những câu chuyện xung quanh đau ốm, thuốc men không thể kéo dài được. Đến chuyện công ty thì phó Nguyễn như chợt nhớ:
- Tôi về thăm anh, nhân thể bàn với anh một số việc.
Ông Khòa không hỏi lại nhưng người hơn rướn tới, vẻ chờ đợi. Phó Nguyễn loay hoay tìm cuốn sổ tay. Đi đâu hoặc bất cứ việc gì cuốn sổ tay đối với anh ta là một thứ hành trang cần thiết.
- Việc thứ nhất - sau khi tìm thấy trang giấy có đánh dấu, phó Nguyễn nói - chuyện đổi dầu lấy xăng...
- Sao? Ông Khòa giãy nãy: đổi dầu...
- Vâng! Phó Nguyễn thận trọng gật đầu: Mười mấy chiếc xe không thể cho nằm đám. Hàng đã về... không có xe là bó tay ngồi ngó, kể cả mấy chục tấn thuốc sâu đang nằm tại Huế.
Ông Khòa đứng bật dậy, đến bên cửa sổ như người ăn phải ớt cay, miệng cứ há ra, ông biết mà!... Một sự lộng quyền không dễ tha thứ được. Một lát sau, ông quay lại nhìn phó Nguyễn giọng khô rang:
- Dầu đâu anh đổi?
- Trong kho!
- Kho nhà anh đấy à? Ông Khòa nhếch một bên khóe miệng hỏi kháy phó Nguyễn. Bỗng ông nói to: tôi nói để anh biết dầu trong kho là dầu kế hoạch thì bất di bất dịch - là pháp lệnh.
- Nguyên tắc có khi hỏng việc. Thực tôi không chấp nhận cho những người ôm nguyên tắc cứng khư vào lòng. Tôi làm việc gì lợi ích công ty... Tôi không lồng cá nhân mình vào là được.
Ông Khòa trở nên hùng hổ:
- Ai? Anh nói ai?
- Tôi không nói anh - Phó Nguyễn dằn từng tiếng chắc nịch.
- Thôi được! Ông Khòa cố tình cắt đứt câu chuyện nhưng lại nói: - Tôi sẽ điện gặp chủ tịch huyện.
Phó Nguyễn không nao núng, lật tiếp mấy trang sổ đưa một tờ giấy đặt lên trước mặt ông Khòa.
- Trước khi điện, anh hãy đọc đi!
Đó là tờ trình xin trích số dầu dự trữ của huyện để công ty đổi lấy xăng vận chuyển. Một chữ ký. Một con dấu đỏ như son. Ông Khòa không lạ gì chữ ký của ông chủ tịch huyện. Một vật gì nằng nặng giáng xuống đầu ông và dường như không khí trong phòng làm ông ngạt thở. Một điều giản đơn... ông khẽ nói, như không còn sức lực để mà nói nữa.
- Tôi đang ốm, mọi việc tùy anh...
Phó Nguyễn định bước ra nghe câu nói liền ngồi lại. Tự dưng anh thấy mình có lỗi... Mọi suy nghĩ tốt đẹp ban đầu bị đảo lộn ngoài ý muốn. Ông Khòa như hóa đá - ngồi im, cặp mắt nhìn thôi miên vào bức tường trắng trước mặt. Phó Nguyễn đã dịu giọng:
- Còn một điều này, tôi muốn có ý kiến anh... Sau một khoảnh khắc lưỡng lự, dò xét anh ta nói nhanh. Hôm qua, Trưởng ban tổ chức viết thư đề nghị giải quyết cho ông năm tạ xi măng Trung ương...
- Có phiếu kế hoạch không? Ông Khòa hỏi, vẻ đượm buồn.
- Không! Ông ta xin tắt,
- Giải quyết cho ông ấy!
- Nhưng, phó Nguyễn không đồng tình. Bữa trước trong kế hoạch ông ta đã lấy một tấn...
Ông Khòa ngẫm nghĩ một lúc rồi quyết luôn:
- Thôi, cắt! Tôi mệt quá!...
Ông Khòa nằm vật xuống giường. Cơn đau lại kéo đến... Ngày ra viện của ông Khòa phải lùi lại. Qua người thân những mảng tin cứ chắp nối nhau làm ông như say như tỉnh, mừng công ty và buồn cho mình... Trong tay phó Nguyễn tiến độ thu mua và cung ứng đang phình ra. Quả bóng đủ hơi rồi... vôi từ Long Thọ ra nghe đâu một lúc trên trăm tấn. Gỗ đường Mười về chật bãi; than đá giao tận Đà Nẵng thế mà anh ta với được hàng trăm tấn...
Chuyện công ty… Phó Nguyễn mạnh tay ký đơn tiếp nhận một cán bộ có trình độ đại học. Hai cán bộ đến tuổi, về hưu, ông chần chừ mãi vì cả nể - bây giờ viết đơn rồi. Anh ta bật ra một đứa cháu gái của ông phó chủ tịch huyện vì lợi dụng số liệu thống kê để ăn của đút! Ký quyết định rút hai cán bộ ở tổ sản xuất phụ vào đội quân chạy hàng. Đang lúc bao bì khan hiếm, một tổ vá bao được thành lập... Lại còn trích quỹ phúc lợi thưởng hiện vật cho cán bộ công nhân có năng suất mỗi người bộ quần áo. Riêng chuyện phó Nguyễn thét ra lửa với cô kế toán trưởng qua tờ biên lai thanh toán, ông nghe như bài học cho chính mình. Phó Nguyễn đã viết vào góc biên lai! Tôi, Võ Quân Nguyễn không duyệt số tiền chi phí khách khứa quá mức quy định...
Phó Nguyễn đã bước những bước mà ông không dám bước qua... Mặc dù ông có nghĩ đến, có dự định - thậm chí đã bắt tay rồi lại bỏ cuộc. Trên một bàn cờ, ông đã dẫm chân tại chỗ bởi quá tin ở sức mình. Ông cứ ngỡ, tất cả tự khắc nó sẽ đến - cái gì xảy đến, nó phải đến. Có lúc ông chậm lại trong tự tin để chờ đợi cùng một chuyến tốc hành. Nhưng ông đã nhầm.., Ngày trước khác xa bây giờ vạn dặm. Cuộc sống đang vọt lên phía trước ông không làm nổi là phải bởi tốc độ cuộc sống đẩy ông về phía sau, ở tốc độ ấy phải có con người vượt lên trước nó.
Mình phải làm gì bây giờ? Đuổi cho kịp đã khó huống gì phải vượt lên? Phó Nguyễn có thể vượt lên được để lái nó vào quỹ đạo. Chắc hẳn thế và không có cách gì khác. Thế thì mình... Một ý nghĩ ập đến, xé lòng ông. Hay mình xin từ chức? Từ chức ư... Mọi người, bạn bè, vợ con... sẽ nghĩ gì? Sẽ nói gì? Đau đớn nhưng không một chút thất vọng, ông ngước mắt nhìn lên trần nhà. Chao ôi, chiếc quạt đang quay làm ông cảm thấy chóng mặt. Ông nhoài người dậy, đưa tay gạt bảng tốc độ xuống một nấc. Luồng gió giảm hẳn. Và, ông cảm thấy dễ thở đến khỏe khoắn. Có như vậy chứ? ông tự nhủ sức khỏe mình không kham nổi tốc độ lớn, thảo nào... ừ, thảo nào người ta vẫn bảo liệu sức liệu tài.
Một tháng sau,
Đó là một buổi sáng rất đẹp trời, chiếc xe con công ty về bệnh viện để đón ông Khòa Lên. Vừa nhác thấy chiếc xe ông Khòa không nhận ra nó nữa. Trong những ngày ông nằm viện. Phó Nguyễn đã đưa nó vào xưởng đại tu. Biển số không thay đổi nhưng tất cả các chi tiết đã hoàn hảo. Ông ngồi trên xe, suốt một chặng đường dài cứ lặng yên như đang ngủ gật. Không! gần đến cổng công ty ông bảo lái xe đưa ông sang huyện. Tưởng ông chào hỏi bạn bè, ai ngờ...
- Tôi xin từ chức. Ông Khòa nói với Trưởng ban tổ chức huyện ủy sau những lời xã giao thông thường.
- Anh nói sao? ông Trưởng ban bàng hoàng.
- Tôi xin từ chức! ông Khòa nhắc lại.
- Bình tĩnh nào? Có chuyện gì xảy ra hay là bất mãn. Ngừng một lát, ông Trưởng ban lại nói:
- Huyện ủy vẫn đánh giá công ty đang đi lên. Tôi mừng cho anh. Phó Nguyễn sang đây vẫn nhắc về anh...
- Nhắc tôi!
- Phải! Dù anh đi nằm viện nhưng vẫn có sự chỉ đạo rất tốt của anh...
- Của tôi! ông Khòa kêu lên và độc thoại không chỉ cho riêng mình. Không! tôi đã bất lực. Mọi quyết định xuất phát từ phó Nguyễn.
Trưởng ban khẽ gắt:
- Không ai buộc anh phải thanh minh điều đó. Anh đi nằm viện hay về ngủ với vợ đi chăng nữa - trừ khi anh đừng chết, người ta đều nghĩ rằng sự cố gắng của công ty anh là của anh.
- Của tôi ư? ông Khòa đưa tay túm lấy một nắm tóc gần đỉnh trán của mình và giật! Không thể như thế được!
- Vì sao? Vì sao? Trưởng ban hỏi dồn.
- Vì sao ư? Một điều thật dễ hiểu cho việc tôi xin từ chức, xin rút lui trong danh dự - giọng ông Khòa như cô đặc lại: - Bởi vì.., Bởi vì tôi là một Đảng viên Cộng sản. Vâng! ông Khòa láy lại: Một Đảng viên... trách nhiệm quá sức mình... không nổi...
Trưởng ban tổ chức nâng cặp kính lão lên, nhướng nhướng hai hàng mi để nhìn thẳng vào khuôn mặt ông Khòa. Hai cánh tay ông đưa xuống, tì chắc vào mặt bàn đỡ lấy mái đầu bạc đang rủ xuống. Trong gian phòng bật lên tiếng nói của ông Trưởng ban nghe lạc lỏng xa xăm như đồng vọng.
- Khòa ơi! Tôi đã ngồi lại đây để gửi gắm niềm tin cuối đời vào anh. Anh biết đó… để anh ngoi lên tôi phải dìm bao nhiêu người khác. Tôi đánh đổi nhiều thứ để có anh, cho có vây, có cánh... Thế mà anh đã giúp cho tôi được cái gì đâu, kể cả ngôi nhà!...
Đ.D.T
(SH20/8-86)