HỮU THU - BẢO HÂN
Không ít người ở Huế thế hệ sinh năm 1950 đã từng được ngắm cái điệu đà của rong rêu, sự bỡn đùa của từng đàn cá tung tăng theo chiều con nước sông Hương.
Chẳng có gì để mà vội nên mỗi khi qua phố, tôi thường dừng lại ở bao lơn cầu Trường Tiền, có khi rất lâu cũng chỉ để được thoả thích với cảnh tượng hết sức sống động mà bất cứ sự mô phỏng nào vẫn không thể đạt tới.
Sông Hương thuở ấy trong. Trong như ngọc. Đến độ khi tóc đã ngã màu thi thoảng nghe lại câu ca: “Buổi trưa em che nón lá/ cá sôngHương liếc nhìn ngẩn ngơ” lòng tôi vẫn không nguôi xao xuyến và luyến tiếc về vẻ đẹp thuần khiết của một thời đã qua, đặc biệt là vào năm 2002 thay bằng trong xanh như mọi khi thì nước sông Hương đột ngột chuyển màu, dù Huế đã qua mùa lũ.
Như một phản ứng tự nhiên, chúng tôi thực hiện hành trình để xem những gì đã và đang diễn ra ở vùng thượng nguồn của con sông này.
Trong khi ở Huế tạnh ráo, thì tại cái ngã ba nối A Lưới - Nam Đông và huyện Hiên của Quảng Nam trời vẫn mưa xối xả. Mưa nối ngày sang đêm, bởi đây là túi mưa lớn nhất nước.
Trước khi vào hầm đường bộ A Roàng, chiếc xe hai cầu chỉ nhích từng chặng một. Con đường mới mở dài chừng hai chục cây số nhưng phải vắt qua bao nhiêu là núi là đèo, có nơi cheo leo, bởi phía tà luy âm là vực sâu hun hút. Đôi lúc gặp từng tốp công nhân do núi lở làm tắc đường, chịu đói chịu rét chờ đơn vị huy động xe xúc, xe ủi san gạt mới lê bước trở về lán trại.
Mưa là kẻ thù của những người làm đường và chính nó là thủ phạm để biến cả triệu khối đất bị san ủi thành những bãi bùn, túi bùn khổng lồ men theo hàng trăm khe suối, cuối cùng đổ về dòng Hữu Trạch đủ để chuyển màu xanh của con sông Hương thành màu đặc trưng của sông Hồng!
Đứng ở cầu Tuần hướng lên phía ngã ba Bằng Lãng, nơi hợp lưu của hai dòng Tả Trạch và Hữu Trạch lần đầu tiên trong đời chung tôi chứng kiến được cái sự đục - trong của hai dòng nước nên đã làm phim kêu than: “nước sông Hương biết khi mô mới trong xanh trở lại?”
Vài ngày sau khi Đài truyền hình Huế phát sóng, bất ngờ tôi nhận được điện thoại:
- Cháu có rãnh thì xuống chú chơi.
Người gọi là ông Vũ Thắng.
Dù đã nghỉ hưu hay lúc còn giữ cương vị Bí thư Tỉnh uỷ, ông Vũ Thắng là người đọc báo và xem truyền hình khá kỹ, bởi theo ông đó là kênh thông tin chính thống mà phàm là người lãnh đạo không thể không dựa vào đó để điều chỉnh hành vi.
Trong câu chuyện, chú không trách móc hoặc góp ý gì về những vấn đề mà chúng tôi đề cập, ông chỉ lưu ý:
- Đó không chỉ là con đường kinh tế, con đường trả ơn đối với bà con dân tộc thiểu số mà còn là con đường quốc phòng. Đất nước muốn phát triển phải chấp nhận hy sinh. Vấn đề là khi thực thi phải tính toán và tìm mọi giải pháp để hạn chế thiệt hại.
Ông Vũ Thắng đặt vấn đề: nếu đường số I bị tắc thì dựa vào đâu để chi viện khi có thiên tai, địch họa, trong khi từ Bắc vào Nam chúng ta chỉ có độc một con đường nhưng lại nằm sát biển?
Cái tâm sáng của ông giúp chúng tôi biết đợi chờ, nhất là sau ba năm đường Hồ Chí Minh hoàn thành, nước sông Hương đã trong xanh trở lại.
Chúng tôi có duyên nợ với sông Hương từ đó.
Tôi nghe kể, sau ngày Huế giải phóng, từ Hà Nội những cựu học sinh của trường Nguyễn Chí Diễu thời kháng chiến chống Pháp rủ nhau về thăm quê. Họ thuê thuyền ngược dòng sông Hương, hướng lên vùng thượng nguồn dòng Tả Trạch để ghé thăm bà con ở vùng chiến khu Dương Hòa - nay thuộc thị xã Hương Thuỷ, bởi trong số họ, có người đã từng bám trụ và chiến đấu tại đây.
Chiến khu Dương Hoà hình thành vào năm 1948 sau khi quân Pháp tái chiếm Huế. Từ chiến khu này một hệ thống đường giao liên nối với chiến khu Hoà Mỹ ở Phong Điền và Khe Tre ở Nam Đông nhằm đảm bảo sự chỉ đạo được thông suốt, bởi nơi đây là bản doanh của Tỉnh uỷ Thừa Thiên và là chổ trú quân của Trung đoàn Trần Cao Vân trong những năm chống Pháp. Năm 1949, địch đã huy động 2.000 quân có máy bay yễm trợ nhằm xoá xổ căn cứ địa này nhưng đã bị quân và dân chiến khu Dương Hoà đẩy lùi. Trong tác phẩm “ Tuổi thơ dữ dội” nhà văn Phùng Quán đã miêu tả khá chi tiết về những năm tháng hào hùng và gian khổ ở căn cứ địa cách mạng này.
Trong đoàn cựu học sinh trường Nguyễn Chí Diễu ngược sông Hương thăm lại chiến khu xưa thuở ấy có GS Ngô Đình Tuấn và cựu Bộ trưởng Nguyễn Chí Vu. Trên đường trở về, chính họ là những người nêu ý tưởng: muốn Huế thoát được cảnh “trời hành cơn lụt mỗi năm” phải ngăn cho được dòng Tả Trạch. Ý tưởng ấy được lãnh đạo địa phương ghi nhận và cho tiến hành nghiên cứu, chính Đại tướng Võ Nguyên Giáp và Phó Thủ tướng Trần Quỳnh là những người nhiệt tình ủng hộ, nhưng do đất nước vừa thoát khỏi chiến tranh, hưởng hoà bình chưa được bao lâu lại phải cầm súng để bảo vệ ở hai đầu biên giới để những thế lực thù địch mượn cớ bao vây cấm vận nên ý tưởng chỉnh trị sông Hương đành phải gác lại, bởi đó là thời điểm cả nước phải ưu tiên đầu tư cho nông nghiệp, vì nó là “mặt trận hàng đầu”.
Giữa năm 1976 ba tỉnh Thừa Thiên-Huế - Quảng Bình - Quảng Trị và Đặc khu Vĩnh Linh hợp nhất. Ba công trình đại thuỷ nông lần lượt được xây dựng. Ở Quảng Bình có Vực Tròn, tại Quảng Trị có đập Trấm sau này đổi thành công trình đại thủy nông Nam Thạch Hãn, còn ở Thừa Thiên-Huế có công trình thuỷ lợi Nam sông Hương.
Để xây dựng những công trình này, ngoài lực lượng xe máy của nhà nước đảm đương thi công đầu mối, phần đào kênh dẫn nước đều do các địa phương lo liệu, lúc cao điểm lên tới hơn hai vạn người và được phiên chế theo từng đơn vị như trong quân đội. Công trường mở ra, tạo cơ hội để văn nghệ sĩ thâm nhập thực tế và đó là nguồn cảm hứng để nhạc sĩ Trịnh Công Sơn khi ra Quảng Trị đã viết bài ký “Nam Thạch Hãn những ngày đầu tháng ba” và nhà văn Nguỵ Ngữ viết tuỳ bút ‘Tiểng nổ sau chiến tranh” sau những ngày đeo bám ở công trường thuỷ lợi Nam sông Hương ở tây nam Huế.
Trong khi Vực Tròn và Nam Thạch Hãn nhờ biết “treo nước trên đồi” nên đã sớm phát huy được hiệu quả thì công trình thuỷ lợi Nam sông Hương do làm trái quy luật đã nhận kết cục buồn thảm.
Những ai đã từng san đồi, xẻ núi. Những ai đã đội đá, gánh đất. Những ai đã từng thắc thỏm và vượt qua sợ hãi từ tiếng nổ của bom mìn, của đêm đen ở bãi tha ma… hẳn sẽ vui sướng, khi viễn cảnh tươi đẹp về “con kênh ta đào” dần hiện ra.
Khởi nguồn từ Vạn Niên, dần dà con kênh Nam sông Hương uốn lượn qua cầu Lim rồi vòng phía nam chân núi Ngự Bình để kết thúc ở sông Lợi Nông đúng như thiết kế.
Sau mấy năm gian khổ, nhọc nhằn, khi trạm bơm có công suất lên đến 1.000m3/h khởi động và nước từ sông Hương được đưa lên lẽ ra, đó sẽ là giây phút hạnh phúc nhất mà những người tham gia xây dựng công trình và bà con nông dân của huyện Hương Phú khấp khởi mừng thì nào ngờ, đây cũng là lúc báo hiệu công trình đã bị khai tử, mà tác nhân chính: đó là nguồn nước MẶN từ cửa Thuận trào ngược sông Hương đã len lõi và xâm nhập quá Vạn Niên.
Công trình của nóng vội, chủ quan, duy ý chí thất bại trong đau đớn.
Nhắc lại sự kiện này vì nó liên quan đến cuộc “trường chinh khổ ải” kéo dài hơn 1/4 thế kỷ chỉnh trị sông Hương từ cuối thế kỷ 20, đầu thế kỷ 21.
Xin bắt đầu.
Sau di chứng Nam sông Hương, để có nước tưới cho các cánh đồng ở Hương Phú, một loạt hồ chứa có quy mô vừa và nhỏ đã được xây dựng ở động Sầm, Châu Sơn, Phú Bài (nay thuộc thị xã Hương Thuỷ) và sau này là hồ Truồi ở Phú Lộc.
Riêng về chỉnh trị sông Hương từ những năm đầu 1980 cho đến tận mãi sau này, vì liệu sức mình lo không xuể nên mỗi khi các vị ở Bộ Chính trị vào Huế làm việc, từ thời ông Vũ Thắng cho đến lúc ông Hồ Xuân Mãn làm Bí thư Tỉnh uỷ, trong chương trình nghị sự thế nào cũng có mục: kính đề nghị Trung ương quan tâm ưu tiên đầu tư cho hai công trình, đó là đập Thảo Long và hồ Tả Trạch.
Đập Thảo Long nằm ở hạ lưu sông Hương thuộc địa phận huyện Phú Vang là nơi nối đôi bờ hai xã Phú Thanh (Phú Vang) - Hương Phong (Hương Trà) nhằm ngăn nguồn nước mặn từ cửa Thuận xâm nhập lên sông Hương. Công trình do hai kỷ sư Lê Tấn Hàm và Lê Đệ thiết kế và được tỉnh Bình Trị Thiên xây dựng, đưa vào sử dụng từ năm 1978.
Những năm bình thường công trình ngăn mặn này phát huy được tác dụng nhưng kể từ sau năm 2000, do đáy bị xói lở, cửa đóng bị hen rỉ, gặp năm hạn hán kéo dài mặn dễ dàng xâm nhập, trực tiếp ảnh hưởng đến đời sống và đe dọa sản xuất.
Kỷ yếu “100 năm nhà máy nước Huế” do Công ty Xây dựng & Cấp nước Thừa Thiên-Huế ấn hành năm 2009 đã ghi chép rất kỷ diễn tiến mặn xâm nhập, nhất là giai đoạn từ 2001-2005, trong quãng thời gian ấy thì 2003 được nhìn nhận là năm bị nhiễm mặn sớm, nặng và kéo dài nhất (bởi trước đó, ngày 19/8/2002 mặn đã vượt quá nhà máy nước Vạn Niên đến 6 km! Hàm lượng muối trong nước sau xử lý tại nhà máy Quảng Tế lúc cao nhất lên đến 1.463mg/l - tính theo NaCl, trong khi nồng độ muối cho phép trong nước sinh hoạt không vượt quá 250 mg/l)
Trước diễn biến khó lường của thời tiết, từ mùa hè 2002 Công ty Xây dựng & Cấp nước Thừa Thiên-Huế đã không khoanh tay đứng nhìn. Họ một mặt huy động 8 xe chở nước ngọt từ các nơi về cấp miễn phí cho người dân, đồng thời điều trên 300 cán bộ, công nhân của mình ra công trường. Nhờ vậy mà chỉ trong vòng 1 tuần, tuyến đường ống dài trên 8 km đã hoàn thành, kịp đưa nước từ nhà máy Tứ Hạ ở thị xã Hương Trà vào tiếp cứu cho Huế.
Chính trong khó khăn gian khổ này, Giám đốc Trương Công Nam đã cùng cộng sự nghĩ ra cách làm mới, đó là “thu nước ngọt tầng mặt mỏng” trên sông Hương để kéo dài thời gian cấp nước ngọt vào mùa hè cho người dân.
Nhờ vậy mà từ năm 2002-2005, Công ty này đã thu và sản xuất được trên 5,5 triệu m3 kịp cung cấp cho Huế và vùng phụ cận, góp phần không để xảy ra dịch bệnh và ổn định sản xuất, kinh doanh.
Sáng kiến này không chỉ được VIFOTEC tôn vinh mà tự nó đã nói lên tinh thần trách nhiệm của người đứng đầu một đơn vị anh hùng khi chủ động ứng xử với sự cố ở thế họ có thể dửng dưng hoặc đổ lỗi cho khách quan.
TS Hồ Ngọc Phú, nguyên Giám đốc Sở thuỷ lợi trong một lần hàn huyên đã cho biết:
- Cái ‘trần ai” của Thảo Long trước hết là phải trả lời cho được câu hỏi: khi có hồ Tả Trạch rồi thì liệu có cần thiết xây Thảo Long?
Thời điểm Bộ Thuỷ lợi còn tồn tại, trên thực tế công trình hồ chứa nước Tả Trạch chỉ ở giai đoạn khảo sát nên từ nhiều hướng lãnh đạo tỉnh Thừa Thiên-Huế đã cố xoay xở để con đập tương lai có khoang thoát nước rộng hơn (phòng khi có Tả Trạch, chỉ cần tháo cửa van sẽ thông thoáng và tạo được vẻ đẹp của lòng sông).
Qúa trình đấu tranh, thuyết phục cứ thế giằng co. Khi các Bộ đồng tình kiến nghị Thủ tướng cho đầu tư công trình ngăn mặn này lại nảy sinh vấn đề khác.
Vin cớ đập Thảo Long chỉ là một công trình ngăn mặn lúc này do Bộ Thuỷ lợi trực tiếp quản lý nên các chuyên gia kiến nghị cầu công tác bắt qua đập chỉ rộng 2 m là vừa, trước tình cảnh đó, TS Hồ Ngọc Phú chống chế: các anh thử nghĩ mà xem: “đập dài hơn nửa cây số mà chiếc cầu lại hẹp như thế lở khi công nhân ra vận hành gió hất tung xuống nước thì sao?”.
Đang ở trong giai đoạn giằng co, Bộ Thủy lợi giải thể và nhập vào Bộ NN& PTNT.
Trong một lần ra Hà Nội, Bí thư Tỉnh uỷ Hồ Xuân Mãn đến thăm Bộ trưởng Lê Huy Ngọ. Nhờ đã nắm thông tin, nên ông Hồ Xuân Mãn đề nghị Bộ trưởng Lê Huy Ngọ cho xem thiết kế đập Thảo Long.
Lúc này bề rộng của chiếc cầu bắt qua đập đã được điều chỉnh, nó tương đương với chiều rộng của cầu Thuận An cũ.
Ông Hồ Xuân Mãn nói với ông Lê Huy Ngọ:
- Anh đồng ý cho xây cầu qua đập Thảo Long là quý lắm rồi nhưng làm như thế này rất lãng phí, tại sao lại không cho mặt cầu rộng hơn, một công đôi việc. Ý tôi muốn nói là trong xây dựng phải tính đến yếu tố kinh tế kết hợp với quốc phòng.
Ông Hồ Xuân Mãn tiếp tục: trận lũ lịch sử 1999, anh là người có mặt ở Huế sớm nhất, đã về cửa Thuận và tận mắt thấy phá Tam Giang chia cắt địa hình như thế nào. Sau khi lập lại tỉnh, Thừa Thiên-Huế chạy vạy khắp nơi mới xây được chiếc cầu Thuận An nhưng cũng chỉ đủ cho một làn xe mà phía bên kia phá Tam Giang hiện đang có hàng vạn con người đang sống trong cảnh đò giang cách trở. Đằng nào ta cũng xây nên tôi đề nghị anh ủng hộ phương án cho xây cầu to, ít nhất đảm bảo cho hai làn xe, bởi theo tính toán từ chiếc cầu này chỉ cần nối thêm tuyến đường thì việc Thừa Thiên-Huế xây cầu Ca Cút trong tương lai sẽ gặp thuận lợi.
Nghe Bí thư Tỉnh uỷ Hồ Xuân Mãn thuyết phục, Bộ trưởng Lê Huy Ngọ đồng cảm và chia sẻ (bởi ông từng là Bí thư Tỉnh uỷ Thanh Hoá) nhưng còn băn khoăn:
- Đề xuất của anh là hợp lý, nhưng ngặt nỗi cầu lớn lại thuộc lĩnh vực của Bộ Giao thông vận tải. Hai anh em mình cùng tìm cách tháo gỡ.
Được lời như cởi tấm lòng, nhân về Trung ương dự họp, ông Hồ Xuân Mãn tìm gặp Bộ trưởng Lê Ngọc Hoàn.
Cũng như Bộ trưởng Lê Huy Ngọ, sau trận lũ 1999, Bộ trưởng GTVT Lê Ngọc Hoàn là thành viên Chính phủ xuất hiện khá sớm ở vùng vừa trãi qua lũ dữ. Sau khi khảo sát thực tế, tháng 8/2000, chính ông là người quyết định cho hàn khẩu cửa biển Hoà Duân nhằm đảm bảo giao thông tuyến Thuận An - Tư Hiền, nếu không thì 11 xã của Phú Vang và Phú Lộc sẽ bị cô lập.
Khi lấp cửa biển này không ít nhà khoa học từ Hà Nội đăng đàn phản đối, họ cho rằng đây là việc làm nóng vội, trái với quy luật và xem đây là hành động mù quáng, khi đem tiền tỷ đổ xuống sông xuống biển!
“Mọi lý thuyết đều màu xám. Chỉ cây đời mãi mãi xanh tươi.” Thực tế của 12 mùa mưa bão sau đó cho thấy việc cho lấp cửa biển Hoà Duân là chủ trương táo bạo, khoa học và kịp thời. Nếu ngại dư luận, không biết sự thể sẽ ra sao?
Nhân nhắc chuyện Hoà Duân, không thể không nhớ đến những ngày gian khổ của anh em ngành điện.
Dưới sự “đốc chiến” của Giám đốc Bùi Hữu Thanh, các anh ở Điện lực Thừa Thiên-Huế đã không quản ngại gian khổ, ròng rã hơn nửa tháng trời dựng cột, giăng dây trên biển nước mênh mông đúng vào kỳ còn mưa rét. Quyết tâm chính trị của họ đã mang lại niềm hạnh phúc thiết thực: nhờ có điện, hàng vạn cư dân ở bên kia cửa biển Hoà Duân đã đón tết cổ truyền năm 2000 đầm ấm.
Trở lại với câu chuyện ông Hồ Xuân Mãn lobby với Bộ trưởng Lê Ngọc Hoàn. Trước đề nghị thiết tha của Bí thư Tỉnh uỷ Thừa Thiên-Huế, Bộ trưởng Lê Ngọc Hoàn ủng hộ phương án cho xây cầu đường bộ trên đập Thảo Long nhưng ông thú thật là rất quan ngại về chuyện vốn. Chính đó là nguyên do để lần đầu tiên Thừa Thiên-Huế chủ động soạn thảo văn bản cùng các Bộ liên quan ký thoả thuận đệ trình Chính phủ.
Thủ tướng Phan Văn Khải đồng ý nhưng cho biết vì ngân sách đang thiếu hụt nên chưa thể bố trí vốn để đầu tư.
Để gỡ thế bí này, qua tư vấn của nhiều người, Bí thư Tỉnh uỷ Hồ Xuân Mãn tìm gặp Phó Thủ tướng Thường trực Nguyễn Tấn Dũng để đề xuất xin chuyển sang dùng vốn từ nguồn trái phiếu Chính phủ.
Nhận được ý kiến đồng tình của Phó Thủ tướng Thường trực, ông Hồ Xuân Mãn tiếp tục tìm gặp Bộ trưởng Tài chính Nguyễn Sinh Hùng và Bộ trưởng Kế hoạch& Đầu tư Trần Xuân Giá để tìm kiếm sự ủng hộ. Nhờ lobby kín kẻ như thế nên cuối cùng Thủ tướng Chính phủ đã ký quyết định phê duyệt dự án đầu tư xây dựng đập Thảo Long với tổng mức đầu tư 152 tỷ, kết thúc hành trình nhọc nhằn để có công trình hiện đại và tiện lợi như hôm nay.
Thảo Long là công trình ngăn mặn giữ ngọt lớn nhất Đông Nam Á, năm 1998 được Bộ Thuỷ lợi trước đây cho lập báo cáo nghiên nghiên cứu khả thi. Năm 2001 thi công và đến cuối năm 2007 Bộ NN&PTNT bàn giao cho Thừa Thiên-Huế sử dụng.
Công trình này do GS.TS Trương Đình Dụ làm chủ đề tài thiết kế.
Công trình có ba hạng mục chính: cống ngăn mặn, cầu giao thông rộng 10m cho phép xe có tải trọng 13 tấn đi qua và đường dẫn hai đầu.
Riêng đập Thảo Long có chiều rộng 472,5m gồm 15 khoang thoát nước, trong mỗi khoang được lắp cửa van clape trục dưới, rộng đến 31,5m, cao 4,2m, được đóng mở bằng xi-lanh thủy lực. Nhờ cửa van lớn được điều khiển hiện đại bằng máy tính nên công trình đáp ứng được yêu cầu thoát lũ và ngăn mặn kịp thời cho sông Hương. Khi việc đẩy mặn của hồ chứa Tả Trạch phát huy tác dụng, nhờ có tính toán từ trước, nếu cần có thể dễ dàng tháo dở những khoang thoát nước này, vì chúng được thiết kế rất rộng nên lòng sông vẫn đảm bảo sự thông thoáng và đẹp.
Từ khi có đập mới Thảo Long, tình trạng mặn xâm nhập vào mùa hè ở sông Hương đã không còn tái diễn.
- Ngày 27/8/ 2009, Giám đốc Công ty Xây dựng và Cấp nước Thừa Thiên-Huế Trương Công Nam long trọng công bố cấp nước an toàn, trở thành địa phương đầu tiên của cả nước cấp nước an toàn trên phạm vi toàn tỉnh.
- Ngày 26/3/2010, cầu Ca Cút (được đặt tên mới là Tam Giang) nằm ở phía bắc cửa Thuận làm lễ thông xe, ghi đậm dấu ấn của hành trình 20 năm chinh phục nhằm chấm dứt cái cảnh “ kêu như kêu đò Ca Cút”, không còn sự chia cắt địa hình giữa vùng đồng bằng và đầm phá ven biển.
Hiệu quả của công trình một lúc kết hợp hai chức năng đã phát huy tác dụng. Nó cho thấy tầm nhìn xa trông rộng và biết kế thừa khát vọng của bao thế hệ cán bộ lãnh đạo đối với mảnh đất này.
*
Mặc dù ý tưởng ngăn dòng Tả Trạch xuất hiện khá sớm nhưng do bị cuốn vào ba công trình đại thuỷ nông đang xây dựng, thêm nửa tình hình kinh tế - xã hội tiếp tục chất chồng khó khăn nên trên thực tế việc chỉnh trị sông Hương nhiều năm liền đành bỏ ngỏ.
Mãi đến năm 1985, khi cơn bão Cecil tàn phá dữ dội và gây thiệt hại nặng nề về người và tài sản cho cả tỉnh Bình Trị Thiên thì vấn đề Tả Trạch mới chính thức được đặt ra.
Từ trợ lý của Bí thư Tỉnh uỷ Vũ Thắng, TS Hồ Ngọc Phú được biệt phái sang làm Trưởng ban quản lý dự án Tả Trạch.
Ông nhớ lại: Trong một lần tháp tùng cùng đoàn cán bộ lãnh đạo tỉnh Bình Trị Thiên ra Hà Nội làm việc về kế hoạch tái thiết sau bão, Bí thư Tỉnh uỷ Vũ Thắng chính thức đề nghị Chính phủ lưu tâm giúp địa phương xây hồ Tả Trạch nhưng đến khi Phó Thủ tướng Đỗ Mười hỏi đã có kuận chứng kinh tế kỷ thuật gì chưa thì cả đoàn mới vỡ lẽ ra là chưa có gì. Tại buổi làm việc hôm đó, lần đầu tiên TS Hồ Ngọc Phú chứng kiến “ông Đổ Mười quyết ngang cho Bình Trị Thiên 25 triệu”.
- Nhờ có số tiền này mà Ban quản lý chúng tôi mới dám thuê thiết bị khảo sát thăm dò, tạo cơ sở khoa học để lãnh đạo địa phương đề xuất Trung ương cho làm hồ Tả Trạch - TS Hồ Ngọc Phú khẳng định.
Hoá ra việc ngăn dòng Tả Trạch chỉ mới là ý tưởng, chứ sự thực chưa ai đặt chân lên thực địa để xem tương lai hồ chứa sẽ định vị ở đâu và quy mô như thế nào.
Khi “bức phát thảo” về công trình tương lai hình thành thì ba tỉnh chia tách tái lập như cũ, đồng thời diễn ra biến cố Đông Âu.
Từ Ban quản lý, TS Hồ Ngọc Phú được bổ nhiệm làm Giám đốc Sở Thuỷ lợi và đối với ông vấn đề Tả Trạch đã trở nên thứ yếu, bởi khi ra Bộ bảo vệ, dưới con mắt của các chuyên gia thì Tả Trạch chỉ là công trình phục vụ nông nghiệp mà đã là nông nghiệp thì phải xếp hàng, bởi so với trong Nam, ngoài Bắc và kể cả Tây Nguyên thì mấy mươi nghìn ha lúa của Thừa Thiên-Huế không là gì cả!
Tưởng mọi việc đã xếp xó, nào ngờ giữa năm 1994 sau khi đưa Thủ tướng Võ Văn Kiệt về khảo sát vùng Chân Mây và sau đó thăm di tích Huế, trong buổi làm việc với đoàn công tác của Chính phủ, ông Vũ Thắng lại đặt vấn đề với Thủ tướng Võ Văn Kiệt:
- Anh coi, Di tích Huế vừa được UNESCO công nhận là di sản thế giới vậy mà năm mô tụi tôi cũng lo dọn bùn. Lụt Huế dữ lắm, nước ngâm lâu ngày nên di tích rất mau xuống cấp. Vì chuyện về lâu về dài, chúng tôi tha thiết đề nghị anh quan tâm cho cái Tả Trạch.
Có lẽ lối nói mộc mạc của một cựu đại tá quân đội, lại từng trãi qua ba nhiệm kỳ liên tiếp giữ cương vị Bí thư Tỉnh ủy đã làm cho Thủ tướng động lòng và sau buổi làm việc ấy, với kết luận ủng hộ của Thủ tướng Võ Văn Kiệt, trên thực tế Tả Trạch đã được Chính phủ quan tâm và tại đại hội Đảng toàn quốc lần thứ 9, công trình Tả Trạch đã được ghi vào văn kiện.
Trong khi chờ đợi công trình trị thuỷ lớn nhất sông Hương triển khai thì đầu tháng 11/ 1999, Thừa Thiên-Huế hứng chịu trận lũ lịch sử, mực nước ở Huế dâng cao đến 5,94m đã làm cho 372 người bị chết và mất tích và nền kinh tế-xã hội của địa phương hoàn toàn bị đảo lộn. Nước lũ dâng cao và chảy xiết đã xé toạc doi đất Hoà Duân tạo nên cửa biển mới ở Phú Vang. Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu cấp tốc bay vào thị sát. Qua vận động của ông, Quân khu 4 đã cho xây dựng Làng Rồng làm nơi định cư mới cho 64 hộ có nhà bị lũ cuốn trôi ở Hoà Duân.
Gần hai năm sau, vào tháng 8/2001, khi đập Thảo Long đang ở giai đoạn chuẩn bị khởi công, đoàn công tác của Chính phủ do Thủ tướng Phan Văn Khải dẫn đầu vào làm việc tại Thừa Thiên-Huế.
Khi bàn về công trình trị thuỷ lâu dài cho sông Hương, tưởng mọi sự sẽ thuận buồm xuôi gió, nào ngờ cho đến lúc này vẫn có ý kiến đâm thọc: nếu làm Tả Trạch thì cần gì phải cho làm Thảo Long, vì Tả Trạch có chức năng đẩy mặn rồi.
Không nín chịu được, lần đầu tiên tôi thấy Bí thư Tỉnh uỷ Hồ Xuân Mãn nổi nóng:
- Tôi lạy Chính phủ, có ai trả lời cho chúng tôi biết đến khi nào thì Tả Trạch xây dựng xong? Không lẽ cứ để dân Huế chịu trận mãi? Mặn lên, sản xuất tiêu và dịch vụ cũng tiêu. Sống chung với mặn, với lũ kiểu này, không cất đầu lên được.
Trước phản ứng gay gắt của địa phương, cuối cùng Thủ tướng Phan Văn Khải kết luận: không chỉ đồng ý cho Thừa Thiên-Huế xây Thảo Long mà còn chấp thuận cho xây dựng hồ chứa nước Tả Trạch từ nguồn vốn vay ODA của Chính phủ Nhật Bản, thông qua cơ quan hợp tác quốc tế của Nhật mà ta thường gọi là tổ chức JICA, nơi mà Ngân hàng hợp tác quốc tế Nhật Bản (JIBIC) đảm trách việc cho vay vốn.
Sau khi có quyết định của Thủ tướng, đã có nhiều hội thảo do JICA phối hợp với Thừa Thiên-Huế tổ chức nhằm tìm nguồn vốn để đầu tư cho công trình này, nhưng có lẽ do JIBIC – ngân hàng hợp tác quốc tế Nhật Bản cung cấp vốn cho JICA chưa sẵn sàng nên chuyện vốn cứ lần lữa mãi.
Bên lề hội thảo đã có chuyên gia nước ngoài nêu e ngại có loài cá sống ký sinh nhờ rêu đá sẽ bị tuyệt chủng nếu xây hồ Tả Trạch... Nghe chuyện, ông Hồ Xuân Mãn nổi đoá: - Có con gì to và quý hơn con người!
Thấy tình thế đang khó, nhân dịp ra Trung ương họp, ông Hồ Xuân Mãn mời Uỷ viên Bộ chính trị Trương Tấn Sang, lúc này đang giữ cương vị Trưởng ban kinh tế Trung ương vào thăm, khảo sát vùng Tả Trạch, qua đó vận động, tìm kiếm sự ủng hộ để công trình sớm được triển khai từ nguồn vốn khác chứ không ngồi chờ nguồn ODA.
Được Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Đoàn Mạnh Giao “bật mí”, Bí thư Hồ Xuân Mãn lại tìm đến nhà riêng Thủ tướng Phan Văn Khải.
Thấy Bí thư Hồ Xuân Mãn, Thủ tướng đùa hỏi:
-Mày đến hối lộ anh ấy à!
Ông Mãn xởi lởi:
-Thưa anh! Biết tin anh có cháu ngoại, em đến thăm và chúc mừng ông ngoại, đồng thời cám ơn Thủ tướng đã bố trí vốn trái phiếu cho hồ Tả Trạch.
Để có nguồn vốn này là cả quá trình trăn trở tìm tòi đầy nhọc nhằn, gian khổ và nhẫn nại. Nhưng bằng tâm huyết và quyết tâm chính trị của lãnh đạo địa phương mà đứng đầu là Bí thư Tỉnh uỷ nên công trình hồ chứa nước Tả Trạch đã được triển khai trên thực tế.
Ngày 16/11/2005, cả tỉnh đón tin vui khi Phó Thủ tướng Vũ Khoan chính thức phát lệnh khởi công xây hồ chứa nước Tả Trạch.
Lúc đầu, công trình dự kiến đầu tư 2000 tỷ nhưng sau 7 năm thi công, do trượt giá nên nguồn vốn đầu tư đã tăng gần gấp đôi, tức gần 4000 tỷ đồng, trong đó có 142 tỷ của Thừa Thiên-Huế dùng để di dời, giải toả 850 hộ dân ra khỏi khu vực lòng hồ.
Đúng như phát biểu của Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Hoàng Văn Thắng tại lễ chặn dòng Tả Trạch đợt cuối diễn ra sáng 13/1/2012: “Có được kết quả như hôm nay là cả một chặng đường đầy trăn trở, nỗ lực đấu tranh của các thế hệ cán bộ qua nhiều thời kỳ”, bởi hồ Tả Trạch “được nghiên cứu, quy hoạch từ nhiều thập kỷ trước và đến năm 2005 được triển khai xây dựng, đó là quá trình kế thừa và phát triển của bao thế hệ đàn anh đi trước”
Hồ Tả Trạch có dung tích chứa 650 triệu m3 nước. Để ngăn dòng Tả Trạch các đơn vị thi công đã đắp con đập dài hơn 1 cây số với chiều cao lớn nhất lên tới 56m.
Dự kiến công trình được đưa vào sử dụng năm 2013.
Để xây dựng công trình này, Phó chủ tịch UBND tỉnh Lê Văn Hoàng trước đây và sau này là Bí thư Tỉnh uỷ Hồ Xuân Mãn triển khai quyết liệt và đồng bộ nên 850 hộ dân của khu vực lòng hồ đã được bố trí tái định cư ở Lương Miêu, Bình Thành và Bến Ván theo phương châm: nơi ở mới tốt hơn nơi ở cũ, nhờ vậy mà khi triển khai công trình không gặp phải trở ngại nào, nhất là chuyện đền bù giải toả.
Trong một lần vào thăm, sau khi kiểm tra công tác tái định cư cho các hộ dân di dời khỏi lòng hồ Tả Trạch, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã nói với các Bộ trưởng: “Nếu tỉnh nào Bí thư Tỉnh uỷ cũng ra tay làm trưởng ban chỉ đạo công tác đền bù giải toả như ở Thừa Thiên-Huế thì Chính phủ sẽ đỡ gặp rắc rối.”
Trong khi mọi việc đang tiến hành suôn sẽ thì bất ngờ cuối năm 2009, phía vai phải của đập tràn hồ Tả Trach gặp sự cố buộc phải dừng thi công chờ các chuyên gia hàng đầu tìm phương án xử lý tình trạng nứt gãy ngược chiều mái đào, hiện tượng trái với quy luật.
Đúng như chuyên gia hàng đầu của ngành thuỷ lợi Việt Nam TS Phan Sỹ Kỳ nhận xét: “Tả Trạch chưa phải là công trình thuỷ lợi lớn nhất nhưng địa chất lại phức tạp nhất.” Tả Trạch không hoàn thành đúng như dự kiến cũng vì lý do đó.
Khẳng định điều này, phát biểu tại lễ chặn dòng đợt cuối (đợt 2), Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên-Huế Nguyễn Văn Cao ghi nhận: “Qua theo dõi và đồng hành trong quá trình thực hiện dự án, chúng tôi rất vui mừng nhận thấy rằng, mặc dù gặp nhiều trở ngại, khó khăn về thời tiết, điều kiện địa hình địa chất hết sức phức tạp, gây rất nhiều trở ngại trong việc tổ chức thi công và những khó khăn nhất định về nguồn vốn đầu tư xây dựng công trình; nhưng với quyết tâm cao của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Thừa Thiên-Huế, chủ đầu tư và các đơn vị thi công, các đơn vị tư vấn cùng với sự ủng hộ, giúp đỡ nhiệt tình, chỉ đạo quyết liệt, kịp thời của Chính phủ, của lãnh đạo Bộ NN&PTNT và các Cục Vụ của Bộ để công trình đạt được những mốc tiến độ quan trọng… Phải nói rằng công trình Tả Trạch là công trình có địa chất phức tạp trong các công trình có địa chất phức tạp nhất Việt Nam. Công trình nhận được sự quan tâm đặc biệt của các nhà khoa học hàng đầu về thuỷ lợi của Việt Nam. Chúng tôi trân trọng và ghi nhận sự đóng góp đặc biệt của các nhà chuyên môn, nhà khoa học đối với sự thành công của công trình.”
Cách đây không lâu, vào tháng 3/2009, khi đến thăm công trình xây dựng hồ chứa Tả Trạch, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng lúc đó đang giữ cương vị Chủ tịch Quốc Hội đã nói với đội ngũ cán bộ quản lý, tư vấn và các đơn vị thi công: “Các anh không nên chạy theo thành tích mà phải ưu tiên đặt chất lượng công trình lên hàng đầu, bởi khi làm công trình này các anh phải luôn nghĩ ở phía hạ lưu sông Hương là hàng vạn con người. Tính mạng của họ cần được đảm bảo.”
Theo ông Nguyễn Văn Sáu, Giám đốc Ban quản lý dự án Tả Trạch: ngoài tạo nguồn ổn định cho 34.800 ha đất canh tác, tạo nguồn cấp nước sinh hoạt và công nghiệp với lưu lượng 2m3/s, đồng thời bổ sung 2,5m3/s để đẩy mặn cho sông Hương vào mùa hè thì với sức chứa đến 650 triệu m3 nước, hồ Tả Trạch sẽ giúp Huế thoát được lũ tiểu mãn. Riêng lũ chính vụ, vùng hạ lưu sông Hương khi có lũ thông thường sẽ giảm từ 1,1 - 1,5m.
Nếu hồ thuỷ điện Bình Điền tham gia (có dung tích trên 400 triệu m3 nước) thì chắc chắn lũ ở Huế sẽ còn giảm hơn nửa.
*
Và đến lúc này, khi hai công trình trị thuỷ lớn nhất ở đầu và cuối sông Hương đã và đang hoàn thành thì vấn đề duy trì hay cho tháo dỡ hệ thống cống đập hiện hữu được đưa ra bàn thảo, dù chưa có kết luận cuối cùng.
Hồ Tả Trạch ngoài chức năng điều tiết lũ, trên lý thuyết còn đảm nhận vai trò đẩy mặn cho sông Hương với lưu tốc 2,5m3/s.
Những đập ngăn mặn được xây trước đây như đập Hậu, Đập Đá, cống Phú Cam, đập La Ỷ… liệu có nên duy trì một khi sông Hương đã có cả Thảo Long lẫn Tả Trạch?
Theo khuyến nghị thì đã đến lúc chúng ta tính đến việc tháo dỡ các cống đập nói trên nhằm trả lại chức năng tiêu thủy khá hoàn hảo của hệ thống sông ngòi ở Kinh thành Huế, đặc biệt là cứu vãn các dòng sông đào đang chết dần chết mòn bởi bồi lắng và ô nhiễm.
Huế là thành phố du lịch. Thử hình dung, nếu cho phá dỡ Đập Đá và xây ở đó một cây cầu thật đẹp thì du khách đến thăm thành phố lễ hội này sẽ có thêm một điểm ngắm, đặc biệt vào lúc chiều tà hoặc giữa đêm hè, những làn gió mang hơi nước mát lành của dòng sông Hương sẽ xua tan cái oi bức còn rớt lại của cái nắng tháng ba, tháng bảy (thực tế đêm bế mạc Festival nghề truyền thống gần đây, qua truyền hình sông Hương thật sự hoành tráng với hoa đăng huyền ảo như sao sa).
Và cũng từ nơi này, du khách sẽ có cơ hội theo thuyền xuôi dòng Như Ý để về vùng cầu ngói Thanh Toàn thưởng ngoạn cảnh đẹp của đôi bờ. Tương tự như vậy, nếu tháo dỡ cống Phú Cam, tuyến sông An Cựu - Lợi Nông sẽ trỗi dậy sức sống của những vùng quê, gắn với đô thị sinh thái tương lai mà cả tỉnh Thừa Thiên-Huế đang phấn đấu xây dựng.
Sau khi chia tỉnh, lãnh đạo tỉnh Thừa Thiên-Huế đã làm một việc cho tương lai, đó là mời đích thân KTS Nguyễn Trọng Huấn về Huế chủ trì đồ án quy hoạch đôi bờ sông Hương.
Cũng cần biết thêm, KTS Nguyễn Trọng Huấn là “dân Mệ” đi tập kết, sau giải phóng trên cương vị Trưởng phòng quy hoạch của Sở Xây dựng Bình Trị Thiên với tư cách là người phản biện, ông đã phản đối quyết liệt dự án xây dựng nhà máy dệt Huế, lúc đó dự định đặt ở Hương Hồ. Lý lẽ ông đưa ra (công nghệ thời đó dệt đi liền với nhuộm): sau khi nhuộm nước của nhà máy sẽ thải vào dòng Bạch Yến chảy về sông An Hoà rồi “tuốt tuộc đổ ra ngả ba Sình”. Thủy triều lên, cái màu đen hắc hám ấy sẽ bị đẩy ngược trở lại. Thử hỏi, sông Hương lúc đó có còn là sông Hương?
Trước lập luận vững chắc của ông, cuối cùng Bộ Công nghiệp nhẹ thỏa thuận với địa phương chuyển vị trí xây dựng nhà máy về Thuỷ Dương như hiện nay.
Có thể phải mất vài mươi năm nửa, ý tưởng về quyền được nhìn vẻ đẹp của dòng sông Hương cũng như sự trầm mặc của hoàng thành Huế của KTS Nguyễn Trọng Huấn mới trở thành hiện thực, song bằng tình yêu của mình trên thực tế chúng ta đang từng bước triển khai các ý tưởng đó, đặc biệt là từ năm 2000, khi Huế trở thành thành phố FESTIVAL của Việt Nam.
Cùng với chỉnh trang đô thị, đôi bờ sông Hương đã trở nên giàu có nhờ hàng trăm bức tượng do các nhà điêu khắc trong và ngòai nước về Huế sáng tác trong mỗi dịp FESTIVAL. Huế trở thành nơi có vườn tượng phong phú và khổng lồ (phải kể thêm số tác phẩm của nhà điêu khắc quá cố Điềm Phùng Thị trước đó đã hiến tặng). Thêm nữa, công chúng yêu nghệ thuật mừng vui vì sau hơn ba thập niên bị “vây hãm” trong không gian chật chội ở dốc Bến Ngự, tượng cụ Phan Bội Châu đã được quyết định đưa về đặt trang trọng ở bờ nam cầu Trường Tiền, chấm dứt một thời gian dài tranh cãi triền miên. Kèm theo đó, di nguyện của cố hoạ sỹ Lê Thành Nhơn đã thành hiện thực khi bức tượng “Cô gái Việt Nam” đã xuất hiện bên bờ dòng thơ mộng “để nó được tắm chút nắng, hưởng chút gió của sông Hương”.
Trong khi chưa đủ sức để đầu tư xây dựng thì Huế đã cố gắng bảo vệ và chỉnh trang dòng sông như cho ke bờ những đoạn bị sạt lỡ và tiến hành nạo vét những đoạn đã bị bồi đắp, tạo thảm cỏ bờ sông đoạn qua trung tâm thành phố... Gần đây, để chấn chỉnh nạn khai thác cát sạn bừa bãi, chính quyền các cấp đã ra tay ngăn chặn và đang quy hoạch lại.
Và cũng nhờ kịp thời đóng cửa rừng, tạo động lực để nhà nhà trồng rừng , người người trồng rừng nâng độ che phủ lên gần 57% đã góp phần hãm lũ và giữ cho nguồn nước sông Hương trong xanh.
Cầu đường bộ bắc qua sông Hương đoạn phía trên Cồn Giả Viên theo dự kiến sẽ thông xe vào năm nay. Dù cầu chưa đặt tên nhưng với những vọng lâu được xây dựng cho thấy dụng ý của tác giả đã thực thi triệt để quyền được nhìn của mọi người. Đó là những tín hiệu đáng mừng, dù chúng diễn ra với nhịp độ thủng thẳng mang lại cảm giác như không thay đổi gì.
Khi đặt chân lên chiếc cầu mới xây, chúng tôi có ao ước: nếu điều kiện cho phép chúng ta nên tháo dỡ cầu Phú Xuân ở phía hạ lưu (được chính quyền Sài Gòn xây vội sau xuân 1968 để đối phó với chiến trường Quảng Trị) nhằm tạo sự thông thoáng và đủ độ dài để tổ chức các trò chơi liên quan đến không gian, cần thiết kiến nghị Bộ GTVT cho di dời luôn cả chiếc cầu xe lửa ở phía thượng lưu và đưa tuyến đường sắt ra khỏi nội đô vừa hạn chế ùn tắc giao thông vừa mở mang phố thị vùng tây nam Huế.
Tương tự như vậy, tháp nước ở cồn Giả Viên đã đến lúc chấm dứt sự tồn tại lịch sử của nó để Giả Viên sẽ trở thành một công viên và Hương giang xứng danh với tên gọi mà nhiều người đã xưng tụng: dòng sông thi ca, nhạc họa, người mẹ phù sa của một vùng văn hoá xứ sở. Dòng sông di sản...
Huế, đầu xuân Nhâm Thìn
H.T - BH
(SH277/3-12)