Tạp chí Sông Hương - Số 277 (T.3-12)
Người đi tìm... một thoáng trần gian
14:03 | 20/03/2012

LÊ THÍ

Trong một bài trả lời phỏng vấn, Đặng Tiến cho biết: “Tôi sinh 1940 tại xã Hòa Tiến, thành phố Đà Nẵng. Năm 1960, vào Sài Gòn học Đại học Văn Khoa, 1963 ra trường, đi dạy tại trường cấp 3 A.Yersin. Từ 1968, tôi về Pháp, học thêm ở Đại học Paris và bắt đầu công việc dạy Pháp văn cho một trường cấp 3 ở Orléans (cách Paris 100km). Cùng với Giáo sư Tạ Trọng Hiệp, tôi lập ra Ban Việt học tại ĐH Paris 7, giảng dạy ở đây từ 1969 - 2005”.

Người đi tìm... một thoáng trần gian
Nhà phê bình Đặng Tiến - Ảnh: TL

Hiện nay Đặng Tiến đang nghỉ hưu tại Orléans (Pháp) và đã nhiều lần về thăm quê. Ông là người có nhiều công trình nghiên cứu phê bình văn học đăng trên các tạp chí Văn, Bách Khoa... (trước 1975), Văn Học, Đoàn Kết... (sau 1975). Đã xuất bản Vũ trụ thơ (Giao điểm, 1972), Vũ trụ thơ II (Thư ấn quán, Hoa Kì, 2008), Thơ-Thi pháp và chân dung (Nxb Phụ Nữ, 2009).

Đặng Tiến là nhà phê bình văn học, đặc biệt là phê bình thơ được nhiều người kính trọng và yêu mến. Kính trọng vì tài năng, trí tuệ và yêu mến vì sự vô tư trong sáng không bị chi phối bởi bất cứ một định kiến nào về tư tưởng, quan điểm và học thuật. Có được sự “may mắn” này, có lẽ do ông được đứng ở một “tọa độ” đặc biệt. Đỗ Lai Thúy trong bài Đặng Tiến và những vũ trụ thơ đăng trên Sông Hương viết: “Anh là một nhà phê bình tài tử theo nghĩa phê bình vị phê bình, phê bình vì yêu văn chương nghệ thuật chứ không vì một cái gì khác ngoài văn chương...”.

Quan điểm phê bình thơ của ông rất rõ ràng: “Điều quan trọng với tôi trong các bài viết, không phải là khen chê, mà hiểu bài thơ, may ra hiểu được người làm thơ. Hiểu được nhau, gặp được nhau là quý”. Và ông bày tỏ: “Yêu văn là yêu người. Yêu thơ là yêu mình, cảm thơ, hội ý với thi nhân ta trở thành tri âm với nàng thơ, ta bình đẳng với tác phẩm”.

Do hiểu rằng “Thơ là một ngôn ngữ tự lấy mình làm đối tượng”; và do khả năng nắm bắt được cái “thần” của thi ca (“Câu thơ hay là một thoáng trần gian”), Đặng Tiến luôn cảnh báo: “…mỗi bài thơ là một mô hình phức tạp, cái nhìn khoa học... là cần nhưng chưa đủ để nắm bắt câu thơ...” “Cần có sự tổng hợp nhất quán nhiều ngữ cảnh, nhiều quan hệ do trực giác mách bảo, trong thao tác này tư duy duy lí xem ra bất lực”. Anh cũng đã từng khẳng định: “Những câu chữ bao giờ cũng đặt trên một nền chung: niềm tin vào văn học, lẽ phải, tình người, dân tộc và đất nước”.

Tất cả những cái đó đã làm nên một phong cách bình thơ rất “Đặng Tiến”. Viết về ông, nhà nghiên cứu Hoàng Ngọc Hiến cho rằng: “Cách phê bình thơ của Đặng Tiến chung quy lại vẫn là “diễn nghĩa”, “bàn góp”, “tán rộng”... Số phận của những người viết phê bình ở nước ta vẫn là: “diễn…”, “bàn…”, “tán…”. Hơn nhau là ở chỗ biết “diễn…”, biết “bàn…”, biết “tán…”. Không biết “diễn” thì thành “diễn thuyết” dạy tác giả, độc giả, không biết “bàn” thì thành “bàn suông” hoặc “nói leo”, không biết “tán” thì thành “tán phét”. Đặng Tiến có một nền văn hóa, kiến văn rất tốt, thuận cho sự “hoạt ứng” của tác giả trong sự “diễn…, bàn…, tán...”.
 

Nhà phê bình Ðặng Tiến tọa đàm về thơ với văn nghệ sĩ Huế tại Tạp chí Sông Hương


Nhưng có lẽ, lối phê bình của Đặng Tiến không chỉ dừng lại ở đấy mà còn có cái gì khác hơn, cao hơn, chẳng hạn cái... “chất thơ và ý đạo” mà Nguyễn Đông Nhật đã phát hiện khi viết về ông. Ta thử nghe một đoạn cụ thể về hai câu thơ của Nguyễn Trãi qua cái nhìn của Đặng Tiến để thấy Hoàng Ngọc Hiến vừa... đúng vừa chưa đúng: “Hé cửa đêm chờ hương quế lọt/ Quét hiên ngày lệ bóng hoa tan. Lệ chữ cổ nghĩa là e ngại, lo sợ. Nội dung câu thơ nói lên tình cảm tế nhị, sâu lắng của Nguyễn Trãi với thiên nhiên, với cuộc sống. Những hình ảnh trong câu thơ giao thoa với nhau tạo một nguồn sáng kỳ diệu. Hương quế, bóng hoa là những thực thể hữu hình đang biến vào cõi vô hình, đang tan ra thành một mùi hương, nhòe thành một cái bóng. […] Bóng hoa, hương quế là môi giới giữa cõi thực và cõi mộng, và cũng là môi giới giữa không gian và thời gian. Cũng như cửa và hiên là không gian môi giới giữa cái trong và cái ngoài, giữa cái riêng và cái chung, giữa con người và vũ trụ, cũng như chữ thềm, chữ ngõ mà thi nhân thời xưa thường chuộng. Hai câu thất ngôn rất cân đối nhờ vị trí của các động từ hé, chờ, lọt, quét, lệ, tan ở đầu, giữa và cuối câu. Hai động từ chờ và lệ gợi ra được những rung động mỏng manh trong thời gian. Chủ từ ẩn là ta: ta chờ, ta lệ, theo nghĩa câu thơ; nhưng cấu trúc văn phạm tạo cảm giác chủ từ là đêm, ngày: đêm chờ, ngày lệ. Nguyễn Trãi, một cách tinh vi đã lồng tình cảm vào thời gian, và vào cả bóng hoa, hương quế. Về âm thanh, một số nguyên âm và phụ âm láy lại tạo thành một nhạc tính ý vị cho câu thơ. Ta khó có thể tưởng tượng là ở lúc tranh tối tranh sáng của thời hừng đông của thi ca Việt Nam mà Nguyễn Trãi đã làm được một câu thơ tân kỳ, nhuần nhuyễn như thế”.

Điểm đặc biệt nhất trong lối bình thơ của Đặng Tiến là câu văn của lời bình luôn mới mẽ và đầy thi tính. Khi nhận định về thơ ông viết: “Nguồn thơ nào không mang ít nhiều nhan sắc của phôi pha nếu bản chất của thơ không phải chính là di tích của phôi pha.” Khi bàn về Truyện Kiều ông viết: “Yêu một tác phẩm nghệ thuật như yêu một người con gái, mỗi lần yêu là khám phá ở họ một trinh tiết mới. Chúng ta yêu Kiều và Kim Trọng yêu Kiều bằng hai mối tình khác nhau”, hoặc “Giá trị của Truyện Kiều không phải là thành tố mà là ánh sáng của nó. Ánh sáng là niềm tin của con người vào ngôn ngữ bên trong vĩ tuyến của định mệnh và bên ngoài kinh tuyến của lịch sử”.

Xin tiếp tục tục trích dẫn để… chứng minh:

- “Vũ trụ thơ của Ức Trai là một áng mây bên suối, một ánh trăng trong khoang thuyền, tiếng chim kêu trong rặng hoa, là giọt sương bên chồi cúc”.

- “Quang Dũng đã đến giữa cuộc đời dịu dàng như một nét hoài nghi, rồi anh ra đi nhẹ nhàng như một chút mơ phai”.

- “Bùi Giáng, rất sớm, đã linh cảm rằng mình suốt đời đứng nguyên ở một tọa độ, xác định bởi một không gian Cố Quận và một thời điểm Nguyên Xuân”.

- “Niềm tin Văn Cao đi từ những giấc mơ thét gào thực tại, là những rạn vỡ đòi lại toàn bích, là chiếc lá gọi trời xanh”.

Vì thế, đọc Đặng Tiến, dù là những người đọc bình thường, thì, phê bình thơ sẽ “còn lại trong kí ức độc giả là những câu thơ hay được trích dẫn, những câu chữ có thi tính của người viết, sự sáng trong vô tư trong chủ quan người viết, phần còn lại là... “phôi pha” (phôi pha trong ngoặc, LT). Và ta sẽ không ngạc nhiên khi nghe nhận xét khác của Nguyễn Đông Nhật: “Phê bình thơ, như thế, đã “vượt biên” chức năng chuyên môn. Để giúp con người đến với nhau nhiều hơn...”.

Chúng ta hy vọng trong lĩnh vực phê bình văn học sẽ có thêm sinh khí mới để phả được hơi ấm vào sinh hoạt văn học của nước ta hiện nay.

L.T
(SH277/3-12)


----------
Tất cả các trích dẫn trên đều lấy từ Thơ-thi pháp và chân dung.








 

Các bài mới
Các bài đã đăng
Piroska (16/03/2012)