Tạp chí Sông Hương - Số 277 (T.3-12)
Tất cả mới chỉ là bắt đầu
08:49 | 08/03/2012

Từ ngày 8 đến 10.3.2012 tới đây, xứ sở thi ca Huế được chọn là nơi gặp mặt các nhà văn Việt Nam và các nhà văn Mỹ nhân Kỷ niệm 20 năm ngày thiết lập quan hệ ngoại giao văn học giữa Hội Nhà văn Việt Nam và Trung tâm William Joiner (Mỹ).

Tất cả mới chỉ là bắt đầu
Các thành viên Trung tâm William Joiner thăm nạn nhân chất độc da cam

Chắc bạn đọc còn nhớ, trước đó, Trung tâm William Joiner đã có sự hợp tác bước đầu với Tạp chí Sông Hương (mời xem lại số Kỷ niệm 20 năm thành lập Trung tâm William Joiner ra tháng 11.2007, SH số 225). Nhân sự kiện quan trọng này, Tạp chí Sông Hương xin tạm dừng chuyên mục “Cửa số nhìn ra văn học thế giới đương đại”, dành đất để giới thiệu một số bài viết và thơ của những người trong cuộc. Một nhà thơ Mỹ nói đại ý: Hòa bình đến từ những cuộc trò chuyện, và thơ là hơi thở đầu tiên của cuộc trò chuyện đó. Sông Hương nhận ra những dòng dưới đây cũng chính là những hơi thở ấm áp tinh văn đó...



Tất cả mới chỉ là bắt đầu


KEVIN BOWEN (*)

(Kỷ niệm 20 năm ngày thiết lập quan hệ ngoại giao văn học giữa Hội Nhà văn Việt Nam và Trung tâm William Joiner (Mỹ)

Dù có rất nhiều viện và trung tâm nghiên cứu tại các trường đại học ở Mỹ và trên toàn thế giới, Trung tâm William Joiner vẫn là độc nhất vô nhị. Trung tâm hình thành nhờ một nhóm cựu chiến binh tại một trường đại học công trong thành phố nhằm vinh danh một người trong số họ, một cựu binh người Mỹ gốc Phi, một người từng gia nhập quân đội, không phải là một vị tướng hay chính trị gia nổi tiếng, một người dành cả đời mình giúp đỡ các cựu binh khác và một người đã chết vì ung thư liên quan tới nhiệm vụ của ông là vận chuyển những thùng chất độc da cam trong cuộc chiến của Mỹ ở Việt Nam.

Lập ra một trung tâm như vậy không hề dễ dàng. Hàng đoàn cựu chiến binh đã đứng dưới mưa trước cửa văn phòng Tổng thống. Các sinh viên, bạn bè gọi điện và gửi thư tới trường đại học và tới các quan chức được bầu. Cộng đồng đại học đã giúp đỡ rất nhiều. Được thành lập năm 1964, trường đại học được lập ra để cung cấp một chương trình giáo dục đại học hợp túi tiền cho những người thường không có cơ hội học đại học. Là một trường đại học mới, nó thu hút các ngành học xã hội, chính trị và các sinh viên ngay từ những ngày đầu tiên. Điều luật GI mới mang hàng trăm cựu binh tới các ký túc xá trong phố. Rất nhiều sinh viên mới đến từ các gia đình lao động, một số người đã là bố mẹ.

Cuộc chiến ở Việt Nam và những cuộc tranh cãi, lo ngại xung quanh nó được gắn vào nền tảng của trường rất sâu sắc và mạnh mẽ từ khi thành lập trường đại học của chúng tôi. Tôi trở thành sinh viên của trường UMass Boston vào tháng 1/1969, 4 tháng sau khi trở về từ Việt Nam. Tôi thấy mình ngồi trong lớp học với đầy các cựu chiến binh khác, cố gắng tìm hiểu ý nghĩa trong những trải nghiệm của họ và chia sẻ những câu chuyện về việc cuộc chiến đã làm gì đối với lính Mỹ và người dân Việt Nam. Trong học kỳ đầu tiên, trường đại học này, cũng giống như nhiều trường đại học khác trên khắp nước Mỹ đã biểu tình phản đối việc Nixon xâm lược Campuchia và việc giết sinh viên ở trường Đại học Kent State và Jackson State.

Khi chiến tranh kết thúc năm 1975, phần lớn các nước cô lập Việt Nam. Nhưng đó không phải là điều diễn ra trong các cựu binh. Nhiều người bắt đầu kể những câu chuyện về sự mỏi mệt, về cuộc đấu tranh của bản thân để “thích nghi” với một đất nước mà họ không còn nhận ra nữa, về sự bất công và quên lãng mà họ phải đối mặt ở nhà và việc họ cảm thấy đã bị bỏ rơi như thế nào ở Việt Nam. Ở những khu vực lân cận và ký túc xá trường đại học trên khắp đất nước, các cựu chiến binh bắt đầu tổ chức. Họ vận động xây dựng một đài tưởng niệm quốc gia đối với những người đã chết trong chiến tranh và yêu cầu cơ quan Cựu chiến binh mở những trung tâm giúp họ “tái thích nghi” ở khu vực nơi họ sống, yêu cầu các nhà khoa học xem xét vấn đề ảnh hưởng tâm lý của các cựu binh và nghiên cứu về ảnh hưởng của việc rải chất độc da cam.

Cái chết của Bill Joiner, giám đốc phụ trách sự vụ cựu binh của trường đại học diễn ra đúng lúc những nỗ lực này đang tuôn trào mạnh mẽ và nỗi giận dữ đã lên đến đỉnh điểm. Trung tâm chính thức thành lập chỉ vài tuần trước khi khai trương bức tường tưởng niệm chiến tranh Việt Nam ở thủ đô Washington. Đối với chúng tôi, việc đặt tên cho Trung tâm theo một người là nạn nhân của những hậu quả của cuộc chiến nhiều năm sau khi nó đã kết thúc là một hành động ý nghĩa vào thời điểm đó, bởi vì, với nhiều người, chiến tranh chưa kết thúc.

Thời khắc đó trong lịch sử rất quan trọng, một bước ngoặt theo nhiều cách. Ronald Reagan là tổng thống. Những vấn đề cựu chiến binh phải đối mặt được giải quyết một nghiêm túc lần đầu tiên, nhưng nó có giá của nó. Phục hồi hình ảnh của những cựu binh phải diễn ra đồng thời với việc phục hồi hình ảnh của cuộc chiến ở Việt Nam để nó biến thành một “lý do chính đáng”, với những nỗ lực vận động nhằm trừng phạt Việt Nam để biện hộ cho sự lặp lại của những chính sách che đậy và công khai can thiệp quân sự ở những nơi như El Salvador, Nicaragua, Panama, Grenada và sau đó là vùng Vịnh. Những nhóm cựu binh, vì mong muốn được tận hưởng đường hướng mới và muốn được công nhận, đã phải phản bác tất cả những người chỉ trích chính sách đối ngoại và can thiệp, những lời kêu gọi, sửa chữa và viện trợ cho người Việt Nam.

Tuy nhiên, cũng có nhiều cựu chiến binh khác có những mối liên hệ sâu sắc với đất nước và con người Việt Nam và mang một khát vọng cháy bỏng là làm một việc gì đó tốt, tạo ra một vài giá trị ở một đất nước mà những gì còn lại dường như chỉ là nỗi đau và sự chịu đựng.

Liên hệ với Việt Nam một lần nữa trong những ngày đó là rất khó khăn. Lệnh cấm vận vẫn còn, khiến cho việc đi lại gần như là không thể. Việt Nam cho rất ít người Mỹ vào nước mình. Chỉ đến năm 1986, sau đại hội Đảng lần thứ 6 và bắt đầu những cuộc đàm phán không chính thức giữa hai chính phủ thì việc đi lại giữa hai nước mới có thể diễn ra.

Năm 1986, tôi rời Boston sau ngày Giáng Sinh để thực hiện chuyến đi trở lại Việt Nam lần đầu tiên. Bộ phim “Platoon” đang dẫn đầu các rạp chiếu ở New York. Tôi đi cùng với một nhóm các học giả dưới sự tài trợ của Dự án hòa giải Đông Dương (USIRP) của John McAuliffe. Có 12 người trong nhóm chúng tôi và một cựu binh khác. Chúng tôi bay từ New York đến Anchorage đến Seoul rồi đến Bangkok lúc nửa đêm. Ngày hôm sau, chúng tôi tới sứ quán Việt Nam để xin visa. Chúng tôi thấy người ta mang ra một cuốn sách lớn và từng tên một của chúng tôi được kiểm tra. Vào ngày năm mới, chúng tôi bay tới Việt Nam từ Bangkok trên chuyến bay của Air France 747. Khi chúng tôi hạ cánh, tôi nhìn ra ngoài cửa sổ để tìm kiếm hình ảnh những cánh đồng lúa một lần nữa, những bức tường ngăn cũ ở căn cứ không quân Tân Sơn Nhất và sau đó vài phút là cảnh những nạn nhân bị cháy của Việt Nam được đưa ra khỏi máy bay.

Qua cửa hải quan, chúng tôi điền vào giấy tờ khai số tiền chúng tôi mang theo, số lượng từng loại tiền, số lượng máy ảnh, phim, liệt kê mọi tài sản có giá trị và người lính gác trẻ mặc đồng phục soi kỹ mặt chúng tôi khi hành lý của chúng tôi đi qua máy kiểm tra, và cuối cùng người ta cũng cộp vào hộ chiếu của chúng tôi trong một nhà ga rất vắng.

Chuyến đi đầu tiên đó đã thay đổi cuộc đời tôi mãi mãi. Trong nhiều tháng, tôi cố gắng miêu tả điều đã xảy ra. Lần đầu tiên sau 2 thập kỷ, bàn chân tôi có cảm giác kết nối với mặt đất, toàn bộ cơ thể tôi thức dậy, không phải trong bầu không khí cảnh giác cao độ của chiến tranh mà là sự công nhận và trân trọng đối với sự thống nhất và toàn vẹn của mỗi khoảnh khắc. Không có máy bay hay trực thăng lướt qua bầu trời. Và trong một thành phố đã từng ngập tràn các phương tiện giao thông, giờ đây hầu như vắng bóng ô tô, âm thanh duy nhất trên đường phố là tiếng kêu vo vo của những bánh xe đạp.

Việt Nam còn nghèo và có gì đó không ổn trong việc lãng mạn hóa sự nghèo đói nhưng Việt Nam sống trong một ánh sáng khác với phần còn lại của thế giới. Không có các tòa nhà chọc trời, không có những khách sạn đẹp. Vào ban đêm, ánh sáng duy nhất là những chiếc đèn dầu. Điện xuất hiện rất thất thường. Điện có rồi tắt, mỗi giây phút có điện hay mất điện đều là dịp để toàn bộ người dân thể hiện sự vui mừng hay thất vọng. Đối với tôi, dường như đó là lần đầu tiên tôi có phòng để thở, để dừng lại và để xem điều gì đang diễn ra ở đó, để nhìn cây, con người và góc phố như thế nào chứ không phải cái gì đang được giấu ở đó.

Trong chuyến đi đầu tiên đó, tôi đã đi qua những khu vực mà tôi từng ở trong chiến tranh. Ở Huế, tôi gặp người lãnh đạo của phong trào kháng chiến địa phương, Nguyễn Văn Lương. Bên bàn ăn tối, chúng tôi trao đổi những câu chuyện. Tôi hỏi về một vị sư mà tôi nhớ và một trẻ mồ côi trên đường 9. Ông ấy nói với tôi ông ấy đã bắt cóc vị sư năm 1970 để bảo vệ ông ấy và rằng ông muốn đưa tôi đến thăm vị sư đó ở nơi ông đang sống trong thành phố này. Cuối bữa ăn, ông ấy đề nghị nâng cốc. Ông ấy giơ tay lên và nói: “Chúng ta đã từng gặp nhau như những người lính cầm súng, giờ chúng ta gặp nhau như những giáo viên cố gắng kiến tạo hòa bình. Hãy nhớ rằng ông luôn được chào đón ở đây”.

Lời khích lệ này đã giúp tôi trở lại Việt Nam vào năm 1987 với nhóm USIRP, cùng với một vài cựu binh khác muốn thiết lập những chương trình trao đổi giữa hai nước. Tháng 1/1988 là chuyến đi đầu tiên của phái đoàn thuộc Trung tâm Joiner tới Việt Nam với những chuyên gia về y tế công cộng, bác sĩ, lịch sử, khoa học thư viện, nghệ thuật và hậu quả tâm lý và xã hội của chiến tranh ở Mỹ. Cuối năm đó, tôi trở lại Việt Nam với vợ của tôi Leslie, người đã rất yêu Việt Nam và trong 20 năm sau đó đã mở cửa nhà chúng tôi cho rất nhiều khách Việt Nam và rồi họ cũng như những thành viên của gia đình chúng tôi.

Điều đã thay đổi nhiều nhất qua năm tháng, tôi nghĩ đó là sự thay đổi trong cách tôi cảm nhận Việt Nam, từ một nơi của chiến tranh và những người lạ nguy hiểm trở thành một nơi giống như ngôi nhà thứ hai, nơi có bạn bè và gia đình, nơi khích lệ và nuôi dưỡng tinh thần.

Cũng trong những chuyến đi đầu tiên, chúng tôi gặp Lê Lựu, người sau này trở thành chiếc cầu nối đầu tiên và quan trọng nhất của chúng tôi với Việt Nam. Ông đang hợp tác với Hồ Quang Minh trong bộ phim chuyển thể từ tiểu thuyết Thời Xa Vắng. Ông giới thiệu chúng tôi tới trung tâm nuôi dưỡng những cựu binh tàn tật và giới thiệu chúng tôi đến nhà văn Việt Nam đầu tiên. Mùa hè đó, ông cùng bạn của mình Nguỵ Ngữ, là những vị khách nhà văn Việt Nam đầu tiên của chúng tôi đến Mỹ. Tiểu thuyết Thời Xa Vắng của ông là cuốn sách đầu tiên chúng tôi dịch và là bản dịch đầu tiên của Việt Nam nhận được tài trợ từ Quỹ quốc gia vì nghệ thuật.

Lê Lựu và Nguỵ Ngữ tham gia cùng chúng tôi trong Hội thảo các nhà văn vào mùa hè, một sự kiện hội tụ các cựu binh và những người viết về chiến tranh một cách nghiêm túc. Những tác phẩm kiểu này đã nổi lên ở Mỹ từ thời chiến và đã tạo ra bước đột phá. Từ đầu năm 1972, Michael Casey đã giành giải thưởng thơ trẻ của Yale cho tuyển tập thơ Obscenities (Sự tục tĩu) về chiến tranh. Năm 1973, John Balaban giành giải Lamont cho tập thơ After the War (Sau chiến tranh) của mình. Năm 1978, cuốn Winners and Losers (Người thắng và kẻ thua) của Gloria Emerson giành giải thưởng sách quốc gia. W.D.Ehrhart đã biên tập phần đầu tiên trong bộ sách về chiến tranh của ông. Larry Heinemann năm 1986 đã giành giải thưởng sách quốc gia cho Paco’s Story (Chuyện của Paco). Tiểu thuyết A Rumor of War (Dư âm chiến tranh) của Philip Caputo đã được chuyển thành loạt phim trên truyền hình. Song of Napalm (Bài hát bom Na-pan) của Bruce Weigl đã lọt vào vòng cuối cùng trong cuộc đua giành giải Pulitzer. Wayne Karlin đã xuất bản cuốn tiểu thuyết viết về phong trào phản chiến của các cựu chiến binh. Yusef Komunyakaa vừa lúc đó đã xuất bản tuyển tập riêng của ông về chiến tranh Dien Cai Dau (Điên Cái Đầu) và Tim O’Brien hoàn thành The Things They Carried (Nhưng gì họ mang theo). Rất nhiều người trong số họ sẽ gặp Lê Lựu và Nguỵ Ngữ mùa hè đó và sẽ gặp nhiều nhà văn khác nữa của Việt Nam trong những năm tiếp theo.

Những chuyến thăm đầu tiên đó không dễ dàng. Có rất ít nguồn tài trợ. Các nhà văn Việt Nam phải ở cùng gia đình tôi ở Dorchester hoặc nhà của những người bạn Việt Nam. Những tác giả Mỹ thì ngủ ngay trại ở ngoài sân nhà tôi cũng như ở nhà của đồng giám đốc David Hunt. Ngôn ngữ vẫn ngăn cách chúng tôi; chúng tôi dựa vào một số người bạn Việt Nam như Nguyễn Bá Chung hay Ngô Vĩnh Long để có thể trao đổi với các nhà văn Việt Nam. Don Luce, người đã công bố sự tồn tại của “những chuồng cọp” thời chiến cũng đến để giúp đỡ, cũng như những người bạn thuộc phái đoàn Việt Nam, sau khi nhận được sự cho phép đặc biệt của chính phủ Mỹ đã đến với chúng tôi từ phái đoàn ở Liên Hợp Quốc cách đó 25 dặm.

Năm 1989, chúng tôi thấy những người biểu tình tấn công Lê Lựu, Nguyễn Quang Sáng và Nguyễn Khải ngay trước Thư viện công cộng Boston. Một bức tranh cũ về sự kiện này cho thấy các cựu binh Mỹ nắm chặt tay nhau bảo vệ “những cựu thù” khỏi đám đông người Mỹ gốc Việt và những người ủng hộ họ. Những người phản đối và những đoàn biểu tình đã là chuyện xảy ra thường xuyên.

Điều này không ngăn cản những vị khách Việt Nam mời các nhà văn Mỹ sang tham dự hội thảo các nhà văn cựu binh lần đầu tiên được tổ chức ở Việt Nam năm sau đó. Nhiều nhà văn Mỹ đã thúc đẩy dự án này. Bruce Weigl, cùng với Nguyễn Thanh, một sinh viên trẻ làm việc tại Trung tâm, thực hiện những bản dịch về sau trở thành tuyển tập Poems from Captured Documents (Thơ từ những tài liệu thu giữ), gồm những đoạn microfilm chụp lại những lá thư, những cuốn sổ tay của những người lính Việt Nam bị chết hoặc bị bắt trong chiến tranh. Larry Heinemann sẽ trở lại nhiều lần, để làm bộ phim “Bicycle Doctors” (Những bác sĩ xe đạp) cùng với Larry Rotman, nghiên cứu những câu chuyện dân gian khi nhận học bổng của Fulbright, và viết cuốn hồi ký Black Virgin Mountain (Núi Bà Đen), kể lại sự gắn bó của ông với Việt Nam. Wayne Karlin sẽ tiến hành dự án với Curbstone Press để giới thiệu các tiểu thuyết Việt Nam.

Hội thảo của chúng tôi trở thành một điểm kết nối các nhà văn, nghệ sĩ Việt Nam và các nhà văn, nghệ sĩ Mỹ. Mỗi năm, khi mùa xuân đến, những câu hỏi lại xuất hiện: Nhà văn nào sẽ đến năm nay?

Tôi đã có may mắn trong những năm đó là được đón các nhà văn trở thành khách của nhà tôi, chia sẻ những giây phút tĩnh lặng với họ bên hành lang sau nhà, cùng nấu ăn, nhìn hoa trong vườn nở. Có những năm Đỗ Chu đã vẽ chân dung mọi người. Hữu Thỉnh, Nguyễn Quang Thiều và sau đó Tô Nhuận Vỹ thay nhau bế đứa con mới sinh Lily của tôi. Từ khi có thể tự bước đi bước đầu tiên, con trai tôi đã chơi bóng rổ ở sân sau với Nguyễn Quang Sáng, Nguyễn Khải, Phạm Tiến Duật, Nguyễn Duy, Bảo Ninh, Hữu Thỉnh và một loạt những người khác. Khi được giáo viên lớp 1 hỏi quốc tịch là gì, con trai tôi đã nói rằng nó có một nửa là Ireland và một nửa là Việt Nam. Có quá nhiều kỷ niệm. Ai có thể quên được khúc đồng diễn Sông Hương được chơi ở sân sau nhà tôi ở Dorchester, hay Chu Lượng, Lương Tử Đức, Nguyễn Quang Thiều và Nguyễn Quang Thuật, lập một nhà hát múa rối nước mini và biểu diễn cũng ở khoảng sân đó? Làm sao quên cảnh Nguyễn Quang Thiều chỉ đạo một nhóm dân làng ở Ireland hát một bài dân ca Việt Nam? Và tất nhiên, tất cả các bữa tiệc chia tay ở sân sau nhà chúng tôi, các nhà văn Việt Nam nấu ăn và hát dưới những cây đào và cây táo.

Những tuyển tập, sách, bài báo viết về các tác phẩm của Việt Nam cũng xuất hiện. Thời Xa Vắng được Nhà xuất bản Đại học Massachusetts xuất bản. Writing between the Lines (Viết giữa những lằn ranh) là một tuyển tập những bài thơ và truyện của các nhà văn từ cả hai phía cũng đã ra mắt công chúng lần đầu tiên. Bản thảo mà Vũ Tú Nam, Chính Hữu và Anh Ngọc trao cho chúng tôi đã trở thành tuyển tập song ngữ Mountain River (Sông Núi). Martha Collins và Thùy Dinh dịch Green Rice (Lúa xanh) của Lâm Thị Mỹ Dạ. Martha Collins cũng dịch Người đàn bà gánh nước sông của Nguyễn Quang Thiều. Nguyễn Bá Chung và tôi dịch Distant Road (Đường xa) của Nguyễn Duy. George Evans và Nguyễn Quý Đức dịch The Time Tree (Cây thời gian) của Hữu Thỉnh. Fred Marchant và Nguyễn Bá Chung hợp tác để dịch Từ góc sân nhà em của Trần Đăng Khoa. Tập thơ của các nhà thơ Việt Nam và một loạt các xuất bản phẩm của Curbstone cũng ra đời.

Đã có những quãng thời gian khó khăn như: sự không hiểu nhau giữa các nhà văn, sự tấn công thù địch của các cựu binh và những người Việt Nam vẫn bị nỗi tức giận và lòng hận thù của chiến tranh ám ảnh, họ gắn cho chúng tôi mác “cộng sản” và thậm chí chỉ trích Giải thưởng quốc gia vì nghệ thuật đã sử dụng tiền thuế để tài trợ việc dịch thuật văn chương cộng sản. Có cả những lời đe dọa giết, đánh bom và biểu tình trong nhiều năm. Chương trình Rockefeller đã tổ chức nhiều cuộc biểu tình, những chiến dịch viết thư, những bài báo chứa đầy những lời dối trá và bôi xấu cá nhân trong các báo tiếng Việt và một vụ kiện kéo dài 4 năm.

May mắn là tôi có nhiều bạn bè. Và chúng tôi có Việt Nam. Trong nhiều năm, những chuyến đi của các nhà văn Việt Nam tới Mỹ mang ý nghĩa “hồi phục” cho chúng tôi rất lớn. Nhìn thấy bạn bè, cùng nghe nhạc, nghe thơ ở sân sau, thăm đền chùa, thắp hương, nhìn thấy con của những người bạn lớn lên, bạn bè tôi trở thành ông bà. Nói về đất nước của chúng tôi, những cái đúng và sai của họ. Những bài thơ, bộ phim, âm nhạc của họ. Việt Nam đã trở nên một nơi giống như để hành hương. Tôi không chắc là chúng tôi tìm kiếm cái gì. Có thể là sự hiểu nhau. Hòa Bình. Tình yêu. Sự mở mắt.

Vài năm trước, hành trình này đã lên đến đỉnh điểm khi Nguyễn Duy, Nguyễn Bá Chung và tôi bắt đầu dịch Thơ thiền Lý-Trần. Công việc dịch của chúng tôi diễn ra đồng thời với việc đi thăm các ngôi chùa, trèo lên những ngọn núi. Còn có chặng hành trình nào tuyệt vời hơn thế - hành trình từ chiến tranh đến hòa bình?

Chúng tôi mắc nợ Việt Nam và các nhà văn của họ rất nhiều. Sự rộng lượng của họ luôn làm tôi kinh ngạc. Sự dũng cảm, cởi mở, kiên nhẫn, tử tế luôn là nền tảng cho sự hợp tác của chúng tôi. Sẽ là thiếu sót nếu không nói rằng chúng tôi không thể làm được tất cả việc này nếu không có một nhà văn đặc biệt, người bạn của chúng tôi, Nguyễn Bá Chung, người đã liều cả mạng sống của mình ở thời điểm đó để giúp chúng tôi hoàn thành công việc của mình.

Tháng 1 năm ngoái, Đỗ Chu, và một số người trong chúng tôi tới bờ sông quan họ, đến ngôi nhà cũ của ông để xem và nghe những liền anh liền chị quan họ hát cho chúng tôi nghe. Khi chở chúng tôi về nhà, ông nhắc chúng tôi rằng làng quê của ông rất nổi tiếng vì không có người anh hùng nào cả. Hiểu được những quan sát của Đỗ Chu đòi hỏi có những suy nghĩ cẩn thận. Mặc dầu vậy, tôi nhận ra rằng mỗi ngày trong 20 năm qua tôi đã nhìn thấy tinh thần đó hiển hiện trong những tác phẩm của rất nhiều bạn bè và đặc biệt trong công việc hàng ngày của Chung.

Tôi nghĩ tinh thần đó cũng là tinh thần của Bill Joiner và của Trung tâm Joiner. Chính tinh thần đó đã vượt qua ngăn cách của chiến tranh, ngôn ngữ và đại dương, đưa chúng tôi lại gần nhau, kết nối chúng tôi trong công việc này, một công việc có thể quan trọng hơn bao giờ hết. Chúng ta sống ngày nay trong một thời đại mà các thế lực và lực lượng khác nhau đang tìm cách chia rẽ thế giới một lần nữa. Công việc đối thoại, trao đổi, dịch thuật, mở rộng trái tim chúng ta, ngôi nhà của chúng ta cho người khác có thể là nguy hiểm hơn 20 năm trước đây - khi chúng ta bắt đầu công việc này. Với ý nghĩ đó trong đầu, có thể chúng ta nên nhìn vào những thành công mà chúng ta đã làm được, không phải là vì công việc đó đã đi đến điểm kết thúc, mà vì chúng ta nên thấy nó mới chỉ ở giai đoạn bắt đầu.              

K.B
(SH277/3-12)




------------------------
(*) - Nhà thơ, Tiến sỹ văn chương, cựu Giám đốc Trung tâm William Joiner, Đại học Massachusetts, Boston








 

Các bài mới
Các bài đã đăng