Tạp chí Sông Hương - Số 21 (T.10-1986)
Người đưa thư và cô gái
09:08 | 14/03/2012

VŨ HẢI

     Tặng Huế thân yêu,
     10 Lê Huân và những năm tháng

Người đưa thư và cô gái
Ảnh: internet

- 10 Lê Huân ra nhận thư này...

Cứ thế anh gọi hai ba lần, mỗi lúc một to hơn, nhưng căn nhà vẫn im ắng, không bóng người xuất hiện... Rồi, như mọi khi, bà lão từ trong cánh cửa lách ra tội nghiệp, hai chân bà luýnh quýnh, muốn đi thật mau, nhưng chẳng bao giờ bà bước nhanh được. Lần này khác hẳn, một cô gái phía sau vườn chạy bổ ra cổng, nhanh nhẹn cô ta lướt qua bà lão, hai tay còn lấm bùn. Thấy bóng cô, anh nhằn từng tiếng một như muốn trút tất cả những nỗi bực mình, ứ đọng từ nhiều hôm trước đây:

- Thư với từ, không lo ra mà nhận, bữa sau cứ gọi kiểu này là tôi cho xuống cống hết ấy!

Cô gái mỉm cười, lau hai bàn tay bê bết bùn lên trụ cổng, vội vàng thanh minh:

- Anh thông cảm, nhà xa cửa ngõ quá, bà lại nặng tai, tôi đang bận sau vườn, có nghe gọi, nhưng chẳng hiểu là ai đang gọi cái chi mãi một lúc lâu mới nhận ra.

- Thông cảm... tôi còn lạ gì mấy cô ở 10 Lê Huân này...

Anh còn muốn nói thêm một câu gì nữa cho bõ ghét, nhưng chợt nhớ ra, trước mắt anh là một cô gái xa lạ, khác với những cô quen thuộc trong nhà trước đây vẫn thỉnh thoảng ra lấy thư... "Có lẽ cô ta mới ở đâu đến". Nghĩ vậy, anh im lặng đặt mấy cái thư qua rào cửa, rồi lên xe đạp đi. Cô gái chỉ biết cười trừ, gọi vọng theo người đưa thư:

- Cám ơn anh nghe, đừng giận hí hôm sau nếu có chậm cũng đừng cho thư xuống cống mà tội nghiệp...

Ở chiến trường về Huế, hơn hai năm đưa thư ở đường Lê Huân, anh như thuộc lòng đặc điểm của từng ngôi nhà, mỗi con số hầu như đã in hình trong anh, nhà nào? có những ai? tên gì?... Và điều đặc biệt ở số 10 này, là không có lấy bóng một người đàn ông, hay một cậu thanh niên nào. Những cái tên quen thuộc mà anh được biết qua thư cũng chỉ là Tuyết Sương, Lệ Thu, Mỹ Lý, Cẩm Nhung... toàn những đàn bà con gái. Bên ngoài họ sống theo kiểu cách cổ của người Huế, điềm đạm và thong thả quá! Thư đến hoặc bà lão, hoặc một trong số những cô ấy đi rất chậm ra nhận thư. Họ chậm quá, có hôm đã làm anh bực cả mình, muốn vứt vào vườn rồi quay xe đi cho xong chuyện. Nói vậy, nhưng chưa bao giờ anh làm được điều đó. Ở đơn vị anh trước đây, mỗi cánh thư đến là một niềm hạnh phúc lớn đối với người nhận. Lương tâm người đưa thư đã không cho phép, mặc dù mấy cô ấy, anh lại thấy ghét cay ghét đắng... Mà sao họ không đóng một thùng thư trước cổng nhỉ?... Nhớ đến những ngày ở chiến trường anh nao nao trong lòng… Ở đây sao mà họ "đặc" Huế thế không biết!

Hôm nay 10 Lê Huân lại có thư, một cái tên rất lạ. "Đến Lâm Đại Dương - 10 Lê Huân - Huế" - Chà! Cậu nào vậy cà! Từ lâu lắm rồi anh mới được thấy xuất hiện trên thư về 10 Lê Huân một cái tên con trai. Bức thư lạ, khiến anh quên bẵng câu chuyện "chậm chạp" của 10 Lê Huân. Như mọi khi, anh dừng xe rồi bắt đầu gọi:

- 10 Lê Huân ra nhận thư này!

Lần này không đợi lâu. Có tiếng khua guốc trong nhà, cô gái hôm nọ xuất hiện. Cô nhanh nhẹn đến nỗi vấp vào đá, đứt cả quai guốc, tội nghiệp cô gái, anh thầm nghĩ. Cô ta cứ lúng ta lúng túng không biết phải làm thế nào, cuối cùng đành bỏ lại cả chiếc kia, chạy chân không vội ra cổng, hai má đỏ bừng, cố cười gượng. Anh nhìn cô chăm chú:

- Từ từ thôi, tôi không cho xuống cống đâu mà sợ, nhà này có cậu nào mới về hả. Lâm Đại Dương, có thư đến Lâm Đại Dương.

Cô gái vẫn cười xấu hổ không nói được câu nào, cái vẻ lúng túng đến tội nghiệp. Cô đưa tay qua rào lấy thư rồi quay vội vào nhà, không kịp chào người đưa thư, dường như cô muốn che giấu một sự xúc động. Anh mỉm cười, tự dưng cảm thấy mình không còn ghét 10 Lê Huân như trước nữa.

Nói chung, từ ngày có cô gái xa lạ ấy xuất hiện, những bức thư về 10 Lê Huân được nhận một cách sốt sắng, và cũng từ ngày ấy anh lại ghi nhận thêm một cái tên quen thuộc nữa đó là Lâm Đại Dương, nhưng ông ta, cậu ta là ai? Chưa bao giờ ra nhận thư và cũng chưa bao giờ thoáng thấy bóng ông ta, cậu ta trong nhà. Nhiều lần, anh muốn hỏi cô gái để cố ý chờ một câu trả lời chính xác. Nhưng cứ mỗi lần tiếp xúc với con gái Huế là anh thấy sợ. Đúng là anh nhút nhát quá! Từ nhỏ, sinh ra và lớn lên trên đất Bắc, rồi đi bộ đội, bà mẹ tập kết, đến gần hết năm 76 mới về lại Huế. Người Huế, họ hiền hòa, nhẹ nhàng rất đáng yêu nhưng cũng thật khó gần gũi. Vả lại làm cái nghề này, giữa người đưa thư và chủ nhà, có bao giờ câu chuyện kéo dài đến năm phút, chẳng qua đó chỉ là tính hiếu kỳ của một người đưa thư đã quá quen thuộc từng tên người, số nhà, thế thôi! Cậu ta, ông ta là người như thế nào? Vóc dáng và tính tình ra sao? thì đâu ăn nhập gì đến anh. Nghĩ thế nên thôi, lần này lại có thư đến Lâm Đại Dương, cô gái quen thuộc mọi khi ra nhận thư. Cô không đẹp, thân hình đẫy đà, cũng không thật "chuẩn" Huế lắm, nhưng phải nói rằng đây là một cô gái vui tính, lúc nào cũng sẵn nụ cười, giọng cám ơn ngọt ngào và điều làm anh cảm tình nhất ở cô, đó là "tác phong quân sự", rất nhanh nhẹn trong việc ra lấy thư...

- Hôm nay nhà cô có nhiều thư lắm!

- Thư của ai rứa anh?

- Đủ cả, có thư gởi ông hay cậu Lâm Đại Dương gì đó nữa...

Cô gái nhìn anh cười tinh nghịch, tiếng bé Sương từ sau khóm hồng ríu rít, con bé này anh biết mặt, bởi trước đây nó cũng thường hay ra nhận thư:

- Chị Dương ơi, có thư của em không rứa?

- Có, chết chưa Sương ơi, thư của "Người bí mật" - Răng! Phải hối lộ chị cái chi đi, không thì thủ tiêu luôn...

Cô gái che xấp thư rồi giấu vội một cái ra phía sau. Bé Sương từ trong khóm hồng bước ra, trên tay nó còn cầm mấy cánh hoa, nhưng nhanh như chớp nó giật một lá trên xấp thư còn lại của cô đọc to:

- Thư của NN… đến Lâm Đại Dương nì! Bây giờ thì xem ai sẽ chịu đổi cho ai cái chi nào…

Nó đọc lại tên người gởi rồi nhấn mạnh:

- Chắc cũng lại của "Người bí mật" thôi mà, chị Dương ơi! Chị thua chưa?

Cô gái cười cười, đành chìa cái thư sau lưng ra cho nó để đổi lấy cánh thư kia.

- À! Té ra cô chính là Lâm Đại Dương, vậy mà tôi cứ tưởng một cậu nào đó mới về ở nhà này.

***

Chỉ thế thôi, câu chuyện của người đưa thư bao giờ cũng dừng ở dạng đứt khoảng. Từ ngày biết tên cô gái, mỗi lần đưa thư, anh không còn gọi "10 Lê Huân" ra nhận nữa, mà gọi chính tên cô:

- Dương ơi, ra nhận thư!

Cũng từ hôm ấy, cô cởi mở với anh hơn, đi đôi với nụ cười trước đây, câu đầu tiên mỗi lần gặp anh đó là:

- Có thư của Dương không?

Mỗi người có một hạnh phúc riêng. Ở Bưu Điện, gặp 10 Lê Huân có thư đến Lâm Đại Dương, tự nhiên anh cảm thấy lòng mình rộn vui. Và cô gái, suốt ngày nhiều khi buồn thật buồn nhưng khi nghe tiếng gọi của anh, cô đã không giấu được vẻ hân hoan, mặc dù thực tâm cô, chỉ mong những cánh thư do anh đưa lại chứ đâu phải là mong anh... Cũng từ đó anh nhận ra những đặc điểm của cô gái này mỗi khi nghe anh nói:

- Có thư của Dương. Vậy là, khuôn mặt cô ửng đỏ, cố tình như không nghe thấy, cô càng muốn giấu sự xúc động, anh cũng đọc được trong đôi mắt ấy như chợt òa khóc vì sung sướng.

- Hôm nay Dương có đến hai cái ấy!

- Rứa hở!

Lâu rồi, trở thành quen thuộc, hơn ai hết, có lẽ anh là người hiểu rõ nhất, cách trả lời "rất bình tĩnh" của cô gái.

- Phải thưởng cho anh cái chi chứ!

- Rất tiếc, chẳng có chi thưởng cho anh cả, hẹn bữa mô hí!

"Rất bình tĩnh". "Rất tự nhiên" mỗi lần nghe nói đến những cái thư mà anh sắp trao lại cho cô, điều đó anh hiểu qua đôi mắt khi cô chăm chú nhìn vào địa chỉ tên của người gởi. Cái "tự nhiên" "bình tĩnh" ấy, có một thời, trước khi làm nhân viên bưu điện, cái thời cầm súng, anh hiểu rõ hơn ai cả, mỗi khi người chỉ huy xuất hiện với xấp thư trên tay…

Đúng là cô gái ở số 10 Lê Huân này đã làm anh xúc động, nhớ lại những ngày trong quá khứ của mình. Gần ba mươi tuổi ở chiến trường Tây Nguyên về anh đã chọn cái nghề này mà không nghe lời ba anh thi vào trường đại học Y khoa Huế hay trực tiếp xin vào làm hành chánh ở một cơ quan, xí nghiệp nào đó. Ở mỗi con người đều có những hoàn cảnh, những ước mơ thật khác nhau, không phải anh không có những ước mơ như bạn bè là kỹ sư, bác sĩ, có đứa hiện nay là giảng viên ở các trường Đại học. Đối với ngành Y, anh cũng yêu nó thật nhiều chớ có phải không đâu. Ba anh là bác sĩ quân y, em gái anh bây giờ là sinh viên năm thứ ba của trường Đại học Y khoa Huế. Như vậy khác với trước đây lúc còn học phổ thông, hồi cả nhà chưa theo ba về Huế, đi bộ đội rồi phục viên trở lại với gia đình, hiện tại nói về địa vị, đúng là anh đang ở vị trí thấp nhất trong nhà. Nhưng phải đâu cái nghề này đã không đem đến cho anh những hạnh phúc? Như em gái anh thường nói: "Anh thích thú gì cái công việc buồn tẻ kia chứ? Ngày hai buổi... có thể để hết một đời người hay sao? anh Tuấn, chị Nga cùng lớp với anh đó! Anh Tuấn là trưởng phòng, sắp được đề bạt làm phó giám đốc, chị Nga là bác sĩ trưởng khoa nhi - Còn anh? xưa học giỏi hơn họ, em nghĩ, nếu anh chịu ôn lại chút xíu, anh sẽ thừa sức thi đỗ vào trường Đại học Y khoa. Có muộn hơn người ta chút ít về tuổi đời nhưng xác định được cho mình một địa vị trong xã hội sau này, chớ ai hết làm lính, lại đi làm một người đưa thư bình thường mãi như vậy được sao? Nhìn anh bò mình trên chiếc xe đạp với bao thư hằng ngày, em chán quá!".

Phong - em gái anh, cô ấy khác trước nhiều. Mỗi khi ngồi lại tranh luận về cuộc sống, nghề nghiệp, bao giờ cô cũng tỏ ra khôn hơn anh. Nhưng nhiều đêm anh nằm nhớ đồng đội, nhớ những đêm thức trắng ở chiến trường, nhớ mùa mưa Tây Nguyên xối xả, ướt, dột, không ngủ được. Rồi, khi ngủ lại trong nhà đồng bào dân tộc, thiếu gạo, thiếu muối, đói, khổ, thương binh thiếu thuốc. Nạn sốt rét rừng liên tiếp xẩy ra. Nước da vàng khè!... Sau mỗi lần hành quân về lại lán trại, đứa nào cũng chực mong thư, có đứa giả vờ "rất tỉnh" khi trông thấy người chỉ huy với xấp thư, nhưng có đứa thấy bóng anh quân bưu đã chạy ùa ra giành giật những bức thư, dù chưa chắc sẽ có thư của mình. Anh nhớ thằng Tám Sung bạn anh, con trai nhưng có lần nó đã khóc trước mặt người quân bưu vì cả đại đội riêng mình nó là không nhận được thư. Mấy hôm sau, anh quân bưu lại đến. Đạp xe đi đường rừng trông anh thật thảm hại, áo quần rách bươm, mưa ướt sũng, trong túi ni lông đựng thư chỉ có một lá thư duy nhất. Vừa đến đơn vị, chưa kịp lau khuôn mặt còn đẫm nước mưa, anh đã lớn tiếng gọi to: "Tám Sung đâu? Có thư đây nè!", Cả đại đội nhao nhao lên: "Tám Sung! Tám Sung có thư". Rồi anh Iại lúi cúi sửa lại xách thư, ướt mèm, tiếp tục lên xe đạp lặng lẽ đến một cánh rừng khác, một đơn vị khác... Hôm ấy anh không có thư, anh đứng dựa bên lán nhìn núi đồi Tây Nguyên trập trùng trong mưa, nhìn theo người lính quân bưu mà xót xa...

Ngày nay về sống giữa thành Huế, lại làm nghề đưa thư, và chính sự mong thư của cô gái Huế ấy đã làm anh xúc động. Nhớ đồng đội, nhớ người quân bưu năm xưa. Tất cả đã là kỷ niệm, đang thật sâu lắng trong anh, không bao giờ phai mờ được!... "Phong ơi! Cái vỏ sinh viên năm thứ ba của em, những lý luận về cuộc đời, về nghề nghiệp, những tính toán trong đầu em, chưa đủ để hiểu một con người như anh lính quân bưu kia đâu Phong ạ!

***

- NN là ai vậy? Trong những thư về đây, Dương thích thư nào nhất?

- Nghĩa là răng?

- Nghĩa là thích thư của người nào gửi cho mình nhất?

Cô gái chỉ cười, đáp lại anh gắn gọn:

- Mà anh hỏi chi rứa?

Thế rồi cô ta vội vã quay vào nhà, hôm sau ra nhận thư, cô chìa tay qua cửa đưa cho anh một nắm ngô rang:

- Thưởng cho anh, bởi vì hôm trước Dương nhận một lúc hai lá thư ấy!

Cô ta tự nhiên quá, lại rất nhanh nhẹn đến nỗi anh chưa kịp phản ứng đã phải nhận nắm ngô rang nằm gọn trong tay mình...

Sắp qua mùa đông, cái lạnh ở Huế giảm dần, thành phố chuẩn bị đón Tết. Những cánh thư tiếp tục chuyển đi, rồi những cánh thư từ phương xa lần lượt gởi về. Người đưa thư vẫn thầm lặng làm công việc của mình. Khoảng thời gian từ đó đến sau Tết, trong vòng một tháng thư về 10 Lê Huân giảm dần và hầu như anh không còn thấy xuất hiện cánh thư nào gởi đến cô Lâm Đại Dương ấy nữa. Thật đáng buồn! Rõ ràng những cô gái ở 10 Lê Huân họ chẳng còn mong anh đến. "Có lẽ người thân của họ đã về "... Bấy giờ mỗi lần ngang qua ngôi nhà ấy nhìn vào bên trong, sau khóm hồng, mấy cô gái thỉnh thoảng cười ầm lên. Họ vui vẻ đùa nghịch nhau. Anh lại thấy như mình mất mát một cái gì. Đôi mắt mong chờ của cô gái hôm trước cũng không còn nữa... Rồi tháng sau, tình cờ anh lại gặp cô gái ở bưu điện bước ra. Cô ta vẫn tươi cười, vui vẻ như ngày nào:

- Chào anh, lâu ngày hí! Nhà Dương có thư không?

Anh cố ý "chua" một câu:

- Dương nào, nhà Dương là nhà nào?

Cô gái xấu hổ cười ngượng nghịu:

- 10 Lê Huân...

Cô lúng túng, một phần bị hẫng vì câu trả lời của anh, một phần khác, có lẽ đây là tâm trạng mỗi khi cô nghĩ là mình sẽ có thư. Khuôn mặt đỏ lên, đặc biệt là đôi mắt sắp khóc, dù bên ngoài cô vẫn kín đáo, vừa cười, vừa nói cố ý che giấu những gì "bí ẩn" nhất của lòng mình.

Có hôm trong xấp thư gần chục cái về 10 Lê Huân, không có cái nào đến Lâm Đại Dương, tự nhiên anh cũng thấy thật là buồn. Anh cầu mong cô gái ấy không là người ra nhận thư hôm nay, vì anh sợ phải nhìn đôi mắt, khuôn mặt ấy, vẫn cười, vẫn "tự nhiên" mặc dù điều anh nói ra "Dương không có thư" đã làm cô thất vọng đau khổ biết chừng nào... Nhưng vẫn như mọi khi, cô hối hả:

- Có thư của Dương không?

Anh im lặng, không trả lời, chỉ trao vội xấp thư, rồi đứng nhìn cô gái. Cô ta lướt qua thứ tự từng lá thư, cố ý cười "thản nhiên" "bình tĩnh" buông một câu:

- Ồ, không có thư của mình.

Anh hiểu tâm trạng đó của cô gái:

- Không có thư buồn nhỉ! Hình như Dương không ăn Tết ở đây hả?

Đôi mắt đỏ hoe, cô ta ngước nhìn anh, không nói gì, chỉ "dạ" một tiếng nhỏ rồi quay lưng bước vội vào nhà.

Gần hơn tháng sau, mới có thư đến Lâm Đại Dương. Anh phấn khởi đến 10 Lê Huân. Qua khóm hồng người đưa thư đã nhìn thấy cô gái ngồi im thẫn thờ trên chiếc ghế đặt trước hiên nhà, tay cầm quyển sách nhưng mắt đăm đăm nhìn ra cổng. Anh bật cười, "có lẽ cô ấy ngồi chờ mình suốt sáng... Mà thực ra đâu phải chờ mình, những cánh thư này mới là vấn đề quan trọng". Nhưng sao anh thấy thương cô và thấy mình cũng vui lây mỗi lần cô ấy có thư. Hôm nay, anh phấn chấn hẳn lên: "Tội nghiệp cô ta, đôi mắt như nói với anh rằng, suốt đời cô hạnh phúc và niềm vui… không lẽ chỉ qui tụ từ những cánh thư?"

Buổi sáng mùa xuân êm ả, anh thực sự cảm thấy mình chính là người đem hạnh phúc đến cho cô gái, chỉ cần anh gọi một tiếng thôi... Nhưng hôm nay anh không gọi, cô ta đã trông thấy anh trước, chạy bổ ra cổng, và như mọi khi:

- Dương có thư không?

- Không!

Đôi mắt rủ xuống, anh thấy hối hận vì mình đã làm cô ấy buồn, nhưng không sao, cô ta đã thoáng thấy tên của mình trên một phong thư. Cô cười sung sướng, quên cả người đối diện. Sự vô tình tất nhiên ấy, nếu ở một người đưa thư khác, sẽ không sao, nhưng với anh?... Cô gái quay lưng, quên câu nói ngọt ngào "cám ơn anh", đúng hơn, có lẽ cô ta đang quên tất cả... chỉ còn nhớ độc nhất tên một người, đó là người đã gởi cho cô bức thư đang cầm trên tay.

***

Hôm sau anh lại đến, rồi hôm sau, hôm sau nữa... Mấy tháng, rất lâu 10 Lê Huân không có thư gửi cho Lâm Đại Dương, anh cũng không còn gặp cô gái. Cái cô gái xa lạ, tên cũng xa lạ như tên một cậu con trai, đôi mắt mong chờ... mà bấy nhiêu lần anh đã tự cho là quen thuộc, quá quen thuộc đối với mình, giờ không còn nữa. Cô ta đi đâu? không còn ở đây nữa ư? Người đưa thư vẫn mong mỏi ở bưu điện những cánh thư đến Lâm Đại Dương nhưng sẽ chẳng bao giờ. Nhiều lúc anh muốn hỏi người nào đó ở 10 Lê Huân, con bé Sương chẳng hạn, xem cái cô Lâm Đại Dương ấy đã đi đâu? Nhưng anh không hỏi, đó là lẽ tất nhiên, cũng như cô ta ra đi không gởi lời chào hoặc nhắn lại với anh một câu nào, đó cũng là lẽ tất nhiên, bởi vì anh chỉ là một người đưa thư, quanh năm trầm lặng, mưa rồi nắng, âm thầm đem hạnh phúc đến cho người khác. Mà những người đón nhận ấy, như cái cô Lâm Đại Dương chẳng hạn, mong chờ anh hằng ngày, phải nói rằng hình như mỗi tiếng gọi ra nhận thư của anh còn là lẽ sống những năm tháng ở 10 Lê Huân của cô gái, vậy mà khi ra đi, cô ta đã không... Cô ta mong anh đến cũng chỉ vì những cánh thư. Bây giờ Lâm Đại Dương đi rồi, thư cũng theo cô, chỉ còn lại anh, con đường Lê Huân... Mùa mưa Huế đang về. Những cơn mưa phùn lạnh tê tái. Hôm nay anh đạp xe vội vàng hơn mọi khi, bởi vì trong xách thư của anh có cái thư mà người gởi là: "Lâm Đại Dương đến..." Đại khái thư cô viết cho một người nào đó ở số 10 Lê Huân. Lần ấy gặp bé Sương anh hỏi và biết thêm rằng cô ta là sinh viên của Huế, đã tốt nghiệp. Ra trường, cô ta tình nguyện lên Tây Nguyên và đây là thư từ Tây Nguyên cô ta gởi về. Anh yên tâm "Vậy là cái cô Lâm Đại Dương ấy đã đi khỏi đây rồi, cô gái Huế rất mong thư ấy đã ra đi, đã đến một nơi mà trước kia anh và đồng đội đã đến, sống, chiến đấu và cũng đã có những lúc thật là mong thư!".

Viết lại ở BMT - Mùa mưa 1986
V.H.
(SH21/10-86)







 

Các bài mới
Tâm sự gió (02/05/2012)
Hằng ngày (04/04/2012)
Các bài đã đăng