NGUYỄN KHẮC PHÊ
(Tham luận tham gia Hội thảo "Vai trò của văn học nghệ thuật Huế trong dòng chảy văn hóa Huế - nhìn lại và phát triển")
Trước khi nêu một số vấn đề về nội dung bài viết, tôi xin nhắc lại ý kiến của nhà văn Nguyễn Đình Thi mấy chục năm trước, trong dịp ông vào thăm Huế, khi ông đương chức Tổng Thư ký Hội Nhà văn Việt Nam. Trước buổi nói chuyện với văn nghệ sĩ Thừa Thiên Huế tại ngôi nhà 26 Lê Lợi này, ông hướng sang phía Đại Nội và nói riêng với tôi, đại ý:
“Tôi nói điều này các cậu đừng tự ái. Huế không thể chỉ “ăn theo” các di sản ông cha để lại. Cần phải có những công trình văn hoá mới, không chỉ để có thêm sức hấp dẫn du khách mà còn để chứng tỏ những chủ nhân của Huế hôm nay xứng đáng với một quá khứ lộng lẫy được thiên hạ ngưỡng mộ…”
Từ đó đến nay, công bằng mà nói, mặc dù còn nhiều khó khăn và cả những ngộ nhận ấu trĩ một thời, những chủ nhân của Huế, trong khi tập trung cho việc trùng tu những di sản đã được UNESCO công nhận là di sản văn hoá của nhân loại, đã bước đầu quan tâm xây dựng những công trình văn hóa mới như các nhà trưng bày tác phẩm của hai nghệ sĩ nổi tiếng Điềm Phùng Thị và Lê Bá Đảng, Đền thờ Huyền Trân Công chúa, Tượng đài vua Quang Trung vân vân…
Tuy vậy, đã có những đề xuất rất chính đáng nhưng mãi đến nay vẫn chưa thực hiện được, trong đó có Bảo tàng Mỹ thuật Huế, Nhà lưu niệm nhạc sĩ Trịnh Công Sơn, Nhà lưu niệm văn nghệ sĩ Huế ( hay là “Bảo tàng VHNT Thừa Thiên Huế)… (Xin được lưu ý: “Huế” trong văn bản này được hiểu như là cả tỉnh Thừa Thiên Huế).
Về sự cần thiết và một số vấn đề liên quan đến Dự án xây dựng Nhà Lưu niệm văn nghệ sĩ Huế ngay tại Trụ sở Liên hiệp các Hội văn học nghệ thuật Thừa Thiên Huế 26 Lê Lợi, gần đây, nhà văn Nguyễn Đắc Xuân đã nêu đề xuất nhiều ý kiến cụ thể trong tham luận tại Đại hội Hội Liên hiệp VHNT Thừa Thiên Huế vừa qua. Gần 1 năm đã qua, như tôi được biết, Dự án đó hầu như chưa có bước tiến nào đáng kể, ngoại trừ Hội thảo do Hội Nhà văn Thừa Thiên Huế tổ chức cuối năm 2011. Rất tiếc cuộc Hội thảo đó với nhiều ý kiến tâm huyết, nhưng không có đại diện chính quyền đến dự nên mọi việc vẫn nằm trong cặp hồ sơ đâu đó mà thôi. Tôi xin có mấy ý kiến như sau:
1. - Cần khẳng định các giá trị và vị thế nổi bật của văn học nghệ thuật Thừa Thiên Huế so với cả nước. Chỉ nói riêng về văn học, có lẽ ít có địa phương nào mà các giá trị cần được lưu giữ lại phong phú, đa dạng và có tầm vóc vượt giới hạn lãnh thổ một tỉnh như ở Thừa Thiên Huế. Ngay thành tựu văn học cách mạng mà chúng ta nói đến nhiều nhất và ở địa phương nào cũng có, thì có mấy nơi có những tên tuổi như Tố Hữu, Hải Triều… Đó là chưa nói đến những tên tuổi nổi tiếng không phải là người Huế những đã có những tác phẩm để đời được sáng tạo trên chính mảnh đất này. Làm sao có thể để “ra rìa” tập “Huế đẹp Huế thơ” của Nam Trân cũng như nhiều tác phẩm xuất sắc của Xuân Diệu, Huy Cận, Lưu Trọng Lư…khi nói đến việc bảo tồn những giá trị văn học Huế? Chúng ta cũng còn ít nói đến những tác phẩm của các tác giả quê ở Huế, nhưng hiện cư trú tại nước ngoài. Đây là một đặc điểm mà nhiều địa phương khác – nhất là các tỉnh phía Bắc không có.
Đặc biệt hơn là Huế có cả một di sản văn học có thể nói là đồ sộ của các ông vua và những nhà thơ hoàng tộc, trong đó tiêu biểu là vua Minh Mạng, Thiệu Trị, Tự Đức, Tùng Thiện Vương Miên Thẩm, Tuy Lý vương Miên Trinh, Mai Am, Huệ Phố… Gần đây, chúng ta đã chú ý đến mảng văn học này, nhưng do nhiều lý do – trong đó, chủ yếu vì hầu hết tác phẩm của các nhà vua, các ông hoàng bà chúa đều viết bằng chữ Hán, đòi hỏi nhiều công phu dịch thuật – độc giả rộng rãi đã mấy ai thấy, mấy ai “sờ” được những tác phẩm đó?
Một điều cũng cần nói thêm là lâu nay thiên hạ hầu như đến Huế chỉ để xem lăng tẩm, ca Huế, thưởng thức bún bò và bánh nậm… - đã đành đó cũng là những “đặc sản” của Huế cần được quảng bá và tôn vinh, nhưng những tác giả, tác phẩm văn học nghệ thuật tiêu biểu của Huế nếu có phương sách bảo tồn và trưng bày thích đáng thì sẽ mang lại cho Huế giá trị mới: thiên hạ chắc sẽ nhận ra Huế đâu phải là đất “ăn chơi” của vua chúa mà là một vùng đất hội tụ, nuôi dưỡng những tinh hoa, trí tuệ của đất nước. Chỉ cần dẫn một tác giả là vua Thiệu Trị (Nguyễn Phúc Miên Tông – 1807-1847) chúng ta sẽ thấy. Tuy ông mất sớm (khi mới 41 tuổi), nhưng đã để lại khá nhiều tác phẩm. Theo dịch giả Lê Nguyễn Lưu (người đã dịch và in tuyển 1000 bài thơ Đường) thì về nghệ thuật thơ, thơ của vua Thiệu Trị còn hơn vua Minh Mạng và Tự Đức, đặc biệt ông có nhiều bài thơ được khắc hay khảm nổi bằng ngà, xương hay đồi mồi trên những ô hộc tại Điện Long An. Trong tập “Ngự chế cổ cách thi pháp” gồm 157 bài với nhiều hình thức chơi chữ khác nhau rất trí tuệ, trong đó kỳ công nhất là bài thơ “VŨ TRUNG SƠN THUỶ” được khảm trai (cẩn xà cừ) hiện đang treo trên vách điện Long An (Bảo tàng Mỹ thuật Cung đình Huế), chỉ 56 chữ mà biến hoá tài tình. Theo Hải Trung, năm 1994, Nguyễn Tân Phong đã giải mã đọc thành 64 bài tứ tuyệt và gần hơn, G.S Nguyễn Tài Cẩn lại đọc được thành 64 bài bát cú. Đây là thể thơ hồi văn liên hoàn, nghĩa là xuất phát từ điểm nào cũng có thể đọc thành câu, thành bài. Bây giờ, một số nhà thơ chuộng “cách tân” hình thức cũng “chơi” trò thách đố chữ nghĩa, nhưng dễ gì sánh được với vị vua hơn hai thế kỷ trước.
Về các ngành nghệ thuật khác, tuy đã có nhà trưng bày nghệ thuật dành cho hai nghệ sĩ lớn là Điềm Phùng Thị và Lê Bá Đảng, nhưng còn biết bao tên tuổi lớn khác cần được giới thiệu, cần được tôn vinh như Đặng Huy Trứ, người khai sinh nghệ thuật nhiếp ảnh của Việt Nam, các hoạ sĩ Lê Văn Miến – người Việt Nam đầu tiên tốt nghiệp Trường Mỹ thuật Paris danh tiếng, hoạ sĩ Tôn Thất Đào, Phạm Đăng Trí…
Chỉ xin điểm qua như vậy, để thấy việc xây dựng một công trình như là “Bảo tàng văn học nghệ thuật Thừa Thiên Huế ” là chủ trương đúng đắn, một công trình làm Huế đẹp thêm và sang trọng thêm. Thiết nghĩ, nếu chỉ đặt vấn đề khiêm tốn là làm “Nhà lưu niệm văn nghệ sĩ Huế” thì khó mà “ôm” được hết những tên tuổi, những giá trị cần được lưu giữ cho hậu thế. Và có thể đặt một câu hỏi: Ai cũng biết họa sĩ Lê Bá Đảng nổi tiếng thế giới, nhưng một mình ông được tỉnh dành cho một tòa nhà đẹp, rộng lớn bên bờ sông Hương thì chẳng lẽ bao nhiêu là văn nhân, nghệ sĩ nổi tiếng của Huế suốt mấy thế kỷ không xứng đáng có một nơi như thế?
2. - Một điểm khác xin được lưu ý là tính cấp thiết của công trình. Do hoàn cảnh lịch sử, nhiều giá trị VHNT Huế (về văn bản, tác phẩm, vật kỷ niệm của các văn nghệ sĩ) đã bị mất mát vì chiến tranh và cả vì sự ngộ nhận ấu trĩ một thời; một số khác thì đang phải “lưu trú” ở nước ngoài. Nếu chúng ta làm chậm thì sẽ mất mát thêm và càng khó có điều kiện thu thập lại. Một số tủ sách gia đình có giá trị như của ông Bửu Kế, ông Phan Văn Dật… hình như đã tản mát gần hết. Tranh của Tôn Thất Đào, Phạm Đăng Trí cũng có số phận tương tự. Ngay một tên tuổi gần gũi với chúng ta như nhà thơ Thanh Hải, trong khi làm Tuyển tập nhân kỷ niệm 30 năm ngày mất của ông, chúng tôi chỉ tìm được rất ít di cảo ông để lại. Do đặc điểm của Huế, có một số tác giả trước 1975 ít được nhắc đến và thế hệ biết đến họ cũng không còn nhiều. Nếu làm chậm, nếu không có những người như anh Bửu Ý, Nguyễn Đắc Xuân… chúng ta sẽ bỏ sót những giá trị làm phong phú thêm diện mạo VHNT Thừa Thiên Huế . Về mảng văn học Hán Nôm, cỡ “chuyên gia” uyên thâm và chí thú như nhà thơ Lương An khó tìm thấy, mà lớp tiếp nối như các anh Trần Đại Vinh, Lê Nguyễn Lưu… ngày càng cao tuổi và cũng hiếm; trong tình như thế, công trình làm càng chậm, càng khó khăn.
3. - Cần nghĩ đến các phương sách xây dựng một “bảo tàng sống”: Chúng ta từng biết một số nhà Bảo tàng, Lưu niệm…, khi đặt vấn đề xây dựng thì ý kiến rất sôi nổi, hào hứng, nhưng xây dựng xong thì suốt năm hầu như đóng cửa, hoặc nó chỉ “sống” nhờ những ngày kỷ niệm hay các hoạt động khác. Năm ngoái, khi đi thăm Nam Định, chúng tôi ghé thăm nhà Lưu niệm nhà văn Nam Cao chỉ thấy cửa đóng then cài và một không khí hoang vắng.
Vì vậy, tôi nghĩ muốn làm cho nhà Bảo tàng VHNT “sống” thì ngoài những hiện vật nhất thiết phải có - như sách, bản thảo, tranh ảnh, phim, băng đĩa nhạc…, cần gắn Nhà Bảo tàng với các tổ chức trường học, thư viện, ngành du lịch… và có chương trình sinh hoạt thường kỳ như một Câu lạc bộ… Muốn thực hiện những điều này, ngoài cơ sở vật chất cần thiết, phải có một bộ phận quản lý năng động, biết khơi gợi và phát huy sáng kiến của nhiều người khác.
4. - Vấn đề cuối cùng xin được đặt ra là: Giá trị đã rõ nhưng sẽ “bảo tồn” nó ở đâu? Và khả năng thực tế như thế nào?
Đặt vấn đề như thế vì trong khi chúng ta lao tâm khổ tứ bàn luận những giá trị cần bảo tồn trong một Bảo tàng VHNT (hay trong Nhà lưu niệm văn nghệ sĩ) tại 26 Lê Lợi, thì tôi nghe tin có dự án thu hồi chính ngôi nhà này cùng một số nhà liền kề để xây dựng một “cái gì” đó hoành tráng hơn và có thể thu được nhiều tiền. Cục thuế nay đã có trụ sở mới to đẹp hơn, có lẽ là một bước thực hiện Dự án nêu trên. Việc Cục thuế dời đi chỗ khác là điều rất hợp lý vì đây nguyên là một cơ sở của ngành văn hoá và con đường Lê Lợi nên ưu tiên dành cho các công trình văn hoá.
Chính vì vậy, thiết nghĩ, nếu Dự án vừa nêu không phải quá quan trọng đối với sự phát triển của Huế thì nên gác lại hoặc chuyển đi nơi khác, dành khuôn viên 26 Lê Lợi cho việc xây dựng Bảo tàng văn học nghệ thuật Thừa Thiên - Huế .
Chúng ta đều biết Nhà lưu niệm hay Bảo tàng VHNT đều là công trình không làm ra tiền, lực lượng văn nghệ sĩ hầu hết cũng không làm ra tiền, nên tìm ra một vị trí thích hợp để xây dựng công trình không dễ. Và việc xây dựng công trình này cũng rất khó thực hiện, nếu không có sự đầu tư của Tỉnh.
Các phương án nêu trên cần phải được quyết định sớm, vì như trên đã trình bày về tính cấp thiết của nó; mặt khác, loại công trình này - ngay khi đã có đất, có tiền cũng rất tốn thời gian bàn luận cách thực hiện, từ thiết kế mẫu nhà cho đến nội dung cùng hình thức trưng bày, rồi cách thu thập tài liệu…
Để rộng đường suy tính, xin thử nêu một khả năng khác: Nếu như Tỉnh nhất quyết thu hồi khu đất 26 Lê Lợi và không cấp bù một khuôn viên thích hợp và không đầu tư kinh phí xây dựng thì chúng ta có bó tay không? Thiết nghĩ, nếu đã khẳng định giá trị cần bảo tồn thì chúng ta không bó tay và Tỉnh sẽ quan tâm giúp đỡ. Như tôi được biết, Thành phố Huế đã xây dựng một trung tâm hành chính nơi khác và UBND Thành phố Huế đang tiến hành di chuyển; đồng thời Tỉnh đã đồng ý lấy Trụ sở UBND Thành phố Huế làm “Bảo tàng văn hoá Huế”. Có lẽ đây mới chỉ là một dự án, vì không dễ xác định nội dung của “Bảo tàng văn hoá Huế” – nói đúng hơn, VăN HOÁ HUẾ đang hiện diện ở khắp thành phố, đang được lưu giữ trong các cơ sở của Trung tâm Bảo tồn di tích Cố đô Huế và trong nhiều tư gia… Cũng có thể nói “VăN HOÁ HUẾ” là một khái niệm quá rộng, khó xác định để đưa vào Bảo tàng. Do vậy, nếu dành hai ngôi biệt thự nguyên là trụ sở của UBND Thành phố Huế để làm nhà Bảo tàng VHNT (cũng chính là nội dung quan trọng của “văn hoá Huế”) là thích hợp nhất (Bảo tàng Mỹ thuật, Văn học và Nhà lưu niệm văn nghệ sĩ…) Như thế, cả một vệt từ cầu Trường Tiền cho đến Bảo tàng Lê Bá Đảng sẽ thành một dẫy liên hoàn các công trình văn hoá có sức hấp dẫn du khách và tôn thêm vẻ đẹp văn hoá cho Huế; trong “khu đất vàng” này còn mấy ngôi nhà nữa không nhất thiết phải ở vị trí đắc địa này. Tôi cũng nghe nói đã có phương án này khác và ý kiến chỉ đạo của vị này, vị khác về cách sử dụng “Khu đất vàng” này; nhưng mọi sự đều có thể thay đổi, khi tìm được phương án hợp lý hơn.
Như tôi hiểu, trong tình kinh tế khó khăn và hạn chế “nợ công”, phải nghĩ đến những phương án tiết kiệm nhất, có tính hiện thực cao để những giá trị mà chúng ta bàn luận không còn bị lãng quên, khuất bóng vì bụi thời gian hoặc sự vô tâm của con người.
N.K.P
(SDB4-12)