Tạp chí Sông Hương - Số Đặc Biệt (T.4-12)
"Gieo vần" cho bài thơ đô thị
16:34 | 27/04/2012

Huế được các chuyên gia quy hoạch trong và ngoài nước đánh giá là kiệt tác bài thơ đô thị. Sở dĩ gọi Huế là đô thị“bài thơ” bởi đô thị này cũng có cấu tứ, vần điệu tựa như những áng thơ tuyệt tác trong văn chương... Tiếp tục duy trì cảm hứng ấy, tương lai chúng ta sẽ “gieo vần”đẹp cho bài thơ đô thị Huế, để đem đến sự hài hòa giữa cảnh quan thiên nhiên và công trình kiến trúc như cách mà ông cha ta đã làm ngày xưa!?

"Gieo vần" cho bài thơ đô thị
Ảnh: internet

QUANG PHONG


Có thể khẳng định, những giá trị về quy hoạch đô thị Huế mà ngày nay chúng ta đang thừa hưởng và đánh giá với cái nhìn đầy ngưỡng mộ không thể được tạo nên từ yếu tố ngẫu nhiên, hay vô tình. Mà ngược lại những giá trị ấy phải đến từ kinh nghiệm được đúc kết từ vốn tri thức trao truyền qua nhiều thế hệ, mà ngày nay hoàn toàn có thể xem đó là một bộ môn khoa học: khoa học dịch lý – phong thủy. Mặt khác, những quyết định cụ thể như chọn các vị trí, cuộc đất để xây dựng hay đan cài công trình kiến trúc vào cảnh quan thiên nhiên, những quyết định có nên xây hay không, xây cao hay thấp, lớn hay nhỏ, xây như thế nào chắc hẳn còn phải được định đoạt cả từ cảm hứng của những cá nhân có tâm, có tầm ở từng giai đoạn lịch sử cụ thể.

Quy hoạch Kinh đô Huế ngày xưa đã hội đủ hầu hết các yếu tố quan trọng mà đến thời điểm này dù lĩnh vực quy hoạch, kiến trúc thời hiện đại đã có những bước tiến rất dài song cũng không thể đi chệch nguyên lý ấy. Tiến sĩ - KTS Đặng Minh Nam, Phó chủ nhiệm Khoa Kiến trúc – Trường Đại Học Khoa học Huế cho rằng, nguyên lý tạo lập nên những đô thị đẹp và có chất lượng sống cao mà chúng ta đang được biết đến ở đây chính là biết sử dụng nhuần nhuyễn yếu tố địa hình, cảnh quan thiên nhiên như sông núi, ao hồ, cây xanh, mặt nước trong thiết kế quy hoạch... Và một điều thật đáng ngưỡng mộ là đô thị Huế mà chúng ta đang kế thừa đã hội đủ tất cả những yếu tố để trở thành một đô thị cảnh quan, một đô thị “thơ” có một không hai trên thế giới.

Chúng ta đều biết, mặc dù không có điều kiện để có thể nhìn từ trên cao quan sát toàn cảnh, song có thể thấy bố cục của toàn bộ tổng thể kiến trúc cảnh quan của kinh đô Huế và cả từng công trình cụ thể đều đạt đến sự hài hoà. Nói như một nhà văn thì đó chính là biết gieo vần để tạo nên cấu tứ, vần điệu còn nếu là nhạc sĩ thì sự hòa hợp đó chính là tính thẩm mỹ của những giai điệu hòa âm, phối khí trong một tác phẩm âm nhạc đỉnh cao. Tính vần điệu của thơ hay giai điệu của âm nhạc được áp dụng trong việc tạo lập đô thị có thể nói là rất phù hợp đối với phong cách sống của con người Huế. Ở đó, con người không chỉ đơn thuần “sống vật chất” mà còn là “sống chiêm nghiệm”, một phạm trù tinh thần quan trọng của người Á Đông nói chung và người Việt Nam, người Huế nói riêng. Và những không gian giàu cảm xúc sẽ tạo điều kiện để con người sống theo triết lý chiêm nghiệm này. Ở đây, chính những yếu tố được xem là vần điệu của đô thị đã tạo ra những nét khác biệt để rồi từ đó đem đến nhiều cung bậc cảm xúc khác nhau cho con người ở bên trong đó. Một ví dụ: từ kiến trúc Lầu Ngũ Phụng nằm trong Kinh thành Huế, hướng cái nhìn ra bên ngoài sẽ là khoảng không gian thoáng đãng được chuyển tiếp từ quảng trường Ngọ Môn, tiếp nối là các yếu tố như mặt nước của sông Hương, của cây xanh, điều này có thể giúp tầm nhìn con người được mở xa hơn, rộng hơn. Tuy nhiên, ở một góc độ khác, núi Ngự Bình – tấm bình phong cách đó không xa hay những dãy núi in vệt mờ phía chân trời có thể xem là cột mốc nhằm giúp con người vừa cảm nhận được sự thoải mái, phóng khoáng trong tầm nhìn song vẫn cảm thấy mình được giới hạn trong không gian ấm cúng và an toàn.

Đó là giá trị quy hoạch của bài thơ đô thị Huế mà các thế hệ đi trước đã tạo ra, còn quy hoạch của Huế hôm nay thì sao? Huế có còn là bài thơ đô thị, thậm chí bài thơ ấy có thể hoàn thiện và ngày càng đẹp tùy thuộc vào ứng xử, tài năng của các nhà quy hoạch Huế hôm nay? Và điều này có nghĩa là trong quá trình quy hoạch, xây dựng đô thị Huế, vấn đề vần điệu, nhịp điệu của đô thị cần thiết phải được đặt ra một cách nghiêm túc.

Câu hỏi đặt ra ở đây trước hết là chúng ta sẽ tạo ra nhịp điệu của đô thị như thế nào? Theo Phó giáo sư – Tiến sĩ – Kiến trúc sư Tôn Đại, trước hết muốn tạo ra nhịp điệu phải nhìn Huế trên một góc độ tổng thể, trong giai đoạn hiện nay không chỉ còn giới hạn ở quy mô thành phố đang hiện hữu mà cần phải nhìn xa hơn. Ở các đô thị được xem là đẹp và có giá trị ở trên thế giới, cái quan trọng nhất mà các nhà quy hoạch luôn phải quan tâm đó là các trục chính của đô thị. Với đô thị Huế có thể xác định 3 hệ trục quan trọng nhất: đó là trục sông Hương, trục hướng về phía Tây Nam kinh Thành và trục đô thị hiện đại: có thể xác định từ cầu Trường Tiền phóng tầm mặt về phía Đông Nam. Với trục ngang sông Hương, nhịp điệu của đô thị chính là đường bao của đô thị, là hình ảnh mặt đứng hay bóng dáng của đô thị mà con người cảm nhận rõ nhất vào thời điểm bình minh hay chiều tà - thuật ngữ kiến trúc gọi đó là Điểm nhìn và Silhouette đô thị. Nó có biểu cảm hay không chẳng phải tự dưng có mà cần phải được lưu tâm ngay trong quá trình xây dựng quy hoạch. Quan điểm của KTS Tôn Đại là, ngay cả những công trình cao tầng cũng có thể hiện diện với vai trò điểm nhấn trên trục sông Hương, không phải chỉ là một mà có thể nhiều hơn miễn là chúng có phong cách riêng và quan trọng hơn là đối thoại được với nhau trong không gian. Với trục phía Tây thì sự phát triển phải cực kỳ cẩn trọng, cân nhắc khi xây dựng và quy hoạch, bởi nó chính là trục dũng đạo, thần đạo rất tôn nghiêm, ẩn chứa cả khía cạnh tâm linh, có ảnh hưởng đến nguyên lý quy hoạch của ông cha ta ngày xưa. Riêng với trục phát triển phía Nam thì đây là trục mở, chúng ta hoàn toàn có thể làm những công trình cực kỳ hiện đại như kiểu khu La Défense của thủ đô Paris, nhưng tất nhiên vẫn phải được quy hoạch để có thể thấy chúng phát triển trật tự và có được nhịp điệu.

Có thể nói quan điểm của PGS – TS – KTS Tôn Đại, một người con của Huế, một chuyên gia kiến trúc so sánh, nhà phê bình kiến trúc hàng đầu của Việt Nam, từng đi và dạy học nhiều năm ở nước ngoài là rất đáng được lưu tâm, nhất là khi nó liên quan đến việc tạo lập vần điệu cho “bài thơ đô thị Huế”, một cụm từ lâu nay người Huế luôn nhắc tới song lại được hiểu một cách hết sức mơ hồ. Và điều đáng tiếc nhất là chúng ta vẫn chưa có định hướng rõ ràng để làm thế nào tiếp tục “gieo vần” cho bài thơ đô thị của chúng ta. Ngày càng có nhiều nhà cao tầng, vậy thì hãy hình dung nếu leo lên một tòa nhà cao trong một ngày bầu trời quang đãng, tầm nhìn xa về hình ảnh thành phố có thể đến vài chục ki-lo-met. Nghĩa là chúng ta ngày càng có nhiều cơ hội để cảm nhận được vẻ đẹp của đô thị từ trên cao. Nói một cách đơn giản, chúng ta cảm nhận nhịp điệu của đô thị cũng như cách cảm nhận từ các bản vẽ kiến trúc. Cảm xúc chỉ có thể được tạo ra khi nhìn vào các bản vẽ mặt đứng hay bản vẽ phối cảnh của công trình và thấy được những nét khác biệt song vẫn bảo đảm tính thẩm mỹ: hài hòa, cân đối.

Mặt đứng quan trọng của Huế tất nhiên như KTS Tôn Đại đó sẽ là từ sông Hương, chúng ta hoàn toàn có thể tạo ra những điểm nhấn, những nhịp điệu giàu sức biểu cảm khi lấy tầm nhìn ở đây. Điều này chỉ có thể có được khi chúng ta có sự cân nhắc các yếu tố như mật độ, hàm lượng các công trình, các khoảng không gian xanh… Còn về nhịp điệu phối cảnh, điều này có vẻ khó thực hiện hơn, song có thể giải thích, đó là các khu vực của đô thị được quy hoạch, sắp xếp hợp lý. Cái này chính là khuôn mặt, diện mạo của đô thị. Nhịp điệu của đô thị Huế nhìn từ trên cao có được con người cảm nhận thấy hay không, không những chỉ phụ thuộc vào quy hoạch tổng thể đô thị mà còn ở sự khớp nối hài hòa giữa các đồ án quy hoạch chi tiết. Bày tỏ quan điểm đồng tình khi đề cập về những vấn đề ở trên, KTS Trần Ngọc Tuệ - Phó giám công Cty tư vấn kiến trúc TT-ARCH cho rằng: đối với Thành phố Huế lớn trực thuộc Trung Ương trong tương lai: việc gieo vần của đô thị cũng cần được nhìn ở một bình diện xa hơn. Huế có rất nhiều lợi thế như có không gian cảnh quan rất đa dạng: có đồng bằng, núi đồi, đầm phá, ven biển… Đây là những đối tượng rất có sức cuốn hút đối với giới kiến trúc – quy hoạch. Tuy nhiên lại đòi hỏi sự thống nhất về ý chí, suy nghĩ và một tư duy tổng thể cao. Nhà quy hoạch không chỉ gieo vần ở đô thị Trung tâm mà còn quan tâm ở những vùng đô thị mới. Chẳng hạn, ở nơi có địa hình đồi núi trập trùng như Nam Đông, A Lưới, cái mà chúng ta quan tâm chính là khai thác được yếu tố địa hình, quy hoạch nên chú ý đến yếu tố phông nền, tạo ra sự tầng bậc như kiến trúc của Đà Lạt. Còn đối với đầm phá, ven biển thì yếu tố tầm nhìn lại đóng vai trò quan trọng: những công trình có sự thay đổi về cao độ, về chiều kích sẽ tạo nên nét nhấn nhá hấp dẫn cho một vùng cảnh quan hết sức đặc sắc.

Nhịp điệu hay vần điệu của đô thị sẽ đem đến cảm hứng sống cho con người của đô thị, nếu làm được điều đó Huế sẽ là một đô thị đặc biệt với thương hiệu “bài thơ đô thị”. Tất nhiên việc tạo ra nhịp điệu của đô thị không hề đơn giản, nó phải bắt đầu từ sự định hướng và thống nhất cao về nhận thức của chúng ta về vấn đề này. Phải thấy rằng, bắt tay vào công cuộc tạo dựng nhịp điệu của đô thị, nhất là ở góc độ hiện đại không chỉ có sự tâm huyết của các nhà quản lý như lâu nay là đủ, mà chúng ta rất cần có những chuyên gia quy hoạch kiến trúc tài năng đủ tầm, đặc biệt là một chuyên gia đầu tàu (một kiến trúc sư trưởng) với tầm nhìn bao quát và kiến thức sâu rộng trên nhiều lĩnh vực để đảm đương trọng trách này. Một nhân tài như thế phải được quan tâm tìm kiếm ngay từ bây giờ, bởi việc tìm được hay không sẽ quyết định rất lớn đến vị thế, tầm vóc tương lai của đô thị Huế. Tuy vậy, chúng tôi này vẫn tin tưởng rằng những nhân tài như thế vẫn đang hiện diện bên cạnh chúng ta, quan trọng là nếu quyết tâm tìm thì hoàn toàn có cơ duyên để có được trí tuệ của họ!

Q.P
(SDB4-12)









 

Các bài mới
Các bài đã đăng
Đạo và Đời (16/04/2012)