TRẦN NGUYÊN SỸ
Ghi chép
Chúng ta thử hình dung Huế như một ngôi nhà cổ, mà con ngõ đón thập khách phía Nam là đoạn quốc lộ từ Thủy Dương xuống Phú Bài thì khỏi cần trả lời câu hỏi: Với Huế, Hương Thủy có quan trọng không?
Đúng vậy, nếu khách ở “đàng trong” ra hoặc từ “trên trời” xuống từ cảng hàng không, họ sẽ cảm giác về Huế qua diện mạo của Hương Thủy.
Mỗi sáng sớm hay chiều tà, đứng trên cầu vượt Thủy Dương nhìn xuôi ta sẽ thấy được phần nào vóc dáng của một thị xã mới. Thời điểm dân kêu nhà máy Dệt thải nước tẩy nhuộm chưa qua xử lý xuống sông Lợi Nông rồi làm ăn thua lỗ buộc Nhà nước phải cấp thêm vốn, đã có ước mong thay vào địa điểm lý tưởng đó là một trường đại học. Phố núi Thủy Dương cũng manh nha hình thành từ thời điểm Dự án hành lang Đông - Tây “đi qua”, đất lên giá, những ngôi nhà sáng sủa mọc lên từ bụi đất. Để thấy rằng Thủy Dương là “nơi bắt đầu đô thị” của Hương Thủy.
Nằm giáp ranh thành phố Huế về phía đông nam, dưới thời vua Minh Mạng năm 1835, Hương Thủy được lập nên từ một phần đất của hai huyện Phú Vang và Hương Trà. Sau 1975 Hương Thủy lại cùng với Phú Vang nhập lại thành huyện Hương Phú. Từ tháng 9 năm 1990 Hương Thủy mới tách riêng cho tới bây giờ với 11 xã và 1 thị trấn. Nhìn thấy tầm vóc của một đô thị nhiều sinh khí, ngày 9 tháng 2 năm 2010 Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 08/NQ-CP thành lập thị xã Hương Thủy (gồm có 5 phường Thủy Dương, Thủy Phương, Thủy Châu, Thủy Lương, Phú Bài và 7 xã là Thủy Thanh, Thủy Vân, Thủy Bằng, Dương Hòa, Phú Sơn, Thủy Tân, Thủy Phù), trở thành một trong 48 thị xã thuộc 65 tỉnh, thành trong cả nước.
Hương Thủy mang niềm vinh hạnh lớn là thị xã đầu tiên của Thừa Thiên Huế. Thực tế vùng đất này từ trước đã mang trong lòng bản chất của một đô thị vệ tinh với nhiều khu đô thị như An Cựu City, An Vân Dương, Đông Nam Thủy An và các dự án không những là trọng điểm của tỉnh mà còn được sự đầu tư quan sát rất chặt của Trung ương, đơn cử như Hồ Tả Trạch. Sau ba năm thực hiện Kết luận 48/KL-TW của Bộ Chính trị, thị xã Hương Thủy có thể ví như một chấm son trên bản đồ đô thị Huế. Dĩ nhiên, theo tiến trình lập hồ sơ Huế là thành phố trực thuộc Trung ương trình Chính phủ năm 2013, đã đặt ra những thách thức rất lớn cho đô thị vệ tinh này. Việc nâng cấp thị trấn Phú Đa, Thuận An đủ tiêu chuẩn là thị xã còn quá bề bộn công việc. Ngay khi Hương Thủy đã là thị xã, để có bộ mặt tinh tươm cũng chưa hẳn dễ dàng trong một thời gian ngắn. Mới lên thị xã tròn 2 năm đã gặp ngay giai đoạn nước rút của đô thị Huế sẽ khó tránh sự nôn nóng, cùng lúc đầu tư nhiều dự án trọng điểm… Theo đánh giá ở Hội nghị Trung ương 3 (khóa XI): “Mô hình tăng trưởng kinh tế của nước ta cơ bản vẫn theo chiều rộng, vừa không phù hợp vừa chông chênh”. Việc phát triển đô thị dứt khoát phải gắn với phát triển kinh tế lâu dài chứ không phải điểm tô sao cho đẹp và đủ tiêu chuẩn; khi mà mục tiêu được Nghị quyết HĐND thị xã xác định “tập trung đầu tư phát triển nhanh hơn về kinh tế, nâng cấp, chỉnh trang đô thị, trọng tâm là các phường nội thị. Nghị quyết Đảng bộ Thị xã lần thứ XIV cũng nhấn mạnh “phát triển hạ tầng kỹ thuật đô thị phải được phát triển tăng tốc hơn bất cứ lĩnh vực nào khác”.
Tiếp đến, Nghị quyết Hội nghị lần thứ 9 Ban Chấp hành Đảng bộ thị xã đã đề ra nhiệm vụ năm 2012 là “xây dựng thị xã Hương Thủy phát triển nhanh và bền vững, trở thành một trong những trung tâm kinh tế động lực và đô thị mới của tỉnh”. Lộ trình thời gian phấn đấu Thừa Thiên Huế trở thành thành phố trực thuộc Trung ương không còn nhiều, đương nhiên phải nhanh, nên yếu tố bền vững cần được lưu tâm. Ngoài những dự án chưa thực thi, cần nhìn lại hiệu quả một số chương trình đã thực hiện. Ví như mạng lưới giao thông nông thôn bê tông hóa. Theo đánh giá của Ban Đầu tư xây dựng của thị xã, ở một phường hệ thống giao thông khó thể nâng cấp lên trở thành trục giao thông chính để đáp ứng yêu cầu vận tải hiện nay, trong khi mới chỉ được đầu tư cách đây không lâu. Bức tranh đầu tư năm qua mới tập trung ở Phú Bài và Thủy Phương. Hiện thị xã mới chỉ quy hoạch chi tiết khu đô thị mới An Vân Dương và vùng Phú Bài, chưa đủ thời gian để quy hoạch vùng ven, những xã đang khó khăn về kinh tế. Bên cạnh những phường, xã nằm hai bên hoặc nằm gần trục quốc lộ như Thủy Dương, Thủy Phương, Thủy Châu… vẫn còn những xã chưa thuận lợi thông thương. Dương Hòa là một xã miền núi, nằm giữa hai nhánh sông Tả và Hữu Trạch, từ năm 1994 đường ô tô đã thông lên tận trung tâm xã nhưng đây vẫn là một xã khá đặc biệt về địa hình gập ghềnh cách trở. Tạo điều kiện để phát triển kinh tế xã hội không gì bằng ưu tiên mở rộng các tuyến đường đến các khu đô thị.
Việc đầu tư dàn trải, tốn kém mà ít hiệu quả chắc chắn sẽ tạo sức ép lên đời sống nhân dân. An sinh xã hội được đảm bảo, mới là tiêu chí chính của đô thị bền vững. Như chúng ta biết, năm 2011 Chính phủ đã chi 84 ngàn tỷ đồng, một số tiền rất lớn trong tình hình kinh tế tăng trưởng chậm. Thế giới đánh giá cao công tác xóa đói giảm nghèo của Việt Nam. Dẫu vậy thu nhập giữa các nhóm dân cư có độ chênh lệch lên tới 8,14 lần, nên tỷ lệ hộ nghèo và hộ cận nghèo vẫn lên xuống bấp bênh. Ở Hương Thủy, tỷ lệ hộ nghèo giảm từ 9,1% năm 2006 xuống 3,66% năm 2010. Nhưng nếu chiếu theo quyết định mới của Chính phủ áp dụng cho giai đoạn 2011 - 2015, thì đến nay toàn thị xã lại nâng lên 6,78% (1.614 hộ) theo tiêu chuẩn mới. Như vậy thực chất từ năm 2006 đến nay xem ra chính sách này vẫn là một nan đề.
2012 là “năm du lịch” của Huế, hy vọng sẽ hút được lợi nhuận để cân bằng nguồn vốn trong đầu tư các dự án chỉnh trang đô thị. Đẩy mạnh phát triển du lịch cũng là chiến lược của Hương Thủy. Xét về du lịch tâm linh, huyện có khu Thánh tích Phật Bà Quán Thế Âm, Đan viện Thiên An do dòng tu Benc- dictine dựng nên từ năm 1940, lăng vua Khải Định, Thiệu Trị, Phủ thờ Tôn Thất Thuyết, hệ thống các di tích, đình làng Vân Thê, Hòa Phong, du lịch sinh thái ở Hồ Tả Trạch; và với đồi thông bát ngát, xanh thẳm mơ mộng quanh hồ Thủy Tiên, nơi đây sẽ là địa điểm nghỉ dưỡng lý thú. Xã Thủy Thanh hiện có thể xem là một trung tâm du lịch đặc sắc của thị xã. Với thương hiệu Cầu ngói Thanh Toàn từ lâu vẫn hút được lượng khách tham quan khá lớn kể cả người nước ngoài. Tuy nhiên khai thác sản phẩm du lịch nơi đây còn ít, chủ yếu phục vụ trong các dịp lễ hội, lại chưa đi đôi với bảo tồn. Ban quản lý đã nghiêm khắc hạn chế người dân mang đồ đạc quá trọng lượng cho phép qua cầu? Đã có công trình khảo sát mức độ xuống cấp của khung cầu và mái ngói trải qua ¼ thế kỷ này? Đáng lưu tâm hơn, dòng nước đã trong xanh để hàng ngày cây cầu tuyệt mỹ soi bóng? Từ đây cũng cần mở rộng tầm nhìn bảo vệ nguồn nước của các con sông (từng được các vua triều Nguyễn chú trọng) như Lợi Nông, Tả Trạch, Như Ý, Đại Giang, Phù Bài, sông Vực cùng các khe suối, hệ thống hồ tự nhiên và nhân tạo; không chỉ vì tỉ lệ các xã làm nông ng- hiệp cao (có xã chiếm trên 70% diện tích tự nhiên như Thủy Thanh) mà quan trọng là giữ gìn môi trường sống, tạo cảnh quan sinh động, phong phú. Đó cũng là yêu cầu cơ bản của nếp sống văn hóa đô thị…
Thực hiện Phong trào thi đua Xây dựng nông thôn mới của Thủ tướng Chính phủ, Thị ủy xác định lấy Thủy Thanh là một trong ba xã điển hình cho “xây dựng kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội theo hướng nông thôn mới, gắn với đô thị hóa”; làm điểm xây dựng nông thôn mới nhân ra diện rộng, phấn đấu đến 2014 Thủy Thanh trở thành phường nội thị cùng với Thủy Bằng, Thủy Phù. Bao giờ cũng vậy, việc giữ gìn bản sắc nông thôn và phát triển đô thị luôn có mức độ đối kháng. Hiếm có di tích nào như Cầu Ngói vắt qua con sông nhỏ lại gần ngay không gian thuần Việt. Người nước ngoài họ ý thức nhiều hơn chúng ta về giá trị nguyên bản. Sự giả tạo trong cách bày biện buôn bán, sự “sắp đặt” gượng gạo sẽ đánh mất cái hồn của khu chợ quê kiểng này. Giữa chợ có những cây đa cây đề lâu năm, nhất khoát không được xâm hại mà đến lúc phải có chính sách bảo tồn. Mừng với một gian trưng bày các dụng cụ nông nghiệp ngay bên Cầu Ngói. Việc tháng 4 tới đây Bộ Thông tin và Truyền thông sẽ phát hành bộ tem bưu chính “Cầu mái ngói” cũng sẽ lan truyền thương hiệu Cầu ngói Thanh Toàn đến người dân muôn phương. Trải qua 5 kỳ festival, Thủy Thanh chắc chắn sẽ rút ra được nhiều kinh nghiệm cho một Lễ hội chợ quê hết sức đằm thắm và quyến rũ bên Cầu Ngói. Những ngày cận Tết, hàng hoa nằm ngay dưới những gốc đa, người người nhấp nhô náo nhiệt, nắng sớm mai rọi qua tàng cổ thụ…, vị khách Tây đứng ngẩn ra chụp ảnh hàng tiếng đồng hồ không chán; cái không gian nền nã ấy sẽ lưu mãi trong tâm trí của họ.
Cùng với kinh tế; văn hóa, y tế và giáo dục là một thành tố vô cùng quan trọng để xác định tiêu chí của bất kỳ đô thị nào. Nói cách khác, bên cạnh cơ sở hạ tầng, kiến trúc thượng tầng có bền vững thì đô thị đó mới thực sự phát triển. Hương Thủy là một điểm sáng trong việc chăm sóc bệnh nhân. Từ năm 2005, 12/12 trạm y tế xã đã đạt chuẩn quốc gia. Bệnh viện Đa khoa thị xã với khoảng trên một trăm giường bệnh được đầu tư mới hoàn toàn về trang thiết bị. Ngành đã thanh toán được bệnh đậu mùa vào năm 1987, bệnh bại liệt năm 2000, bệnh phong năm 2001… là thành tích điển hình của hệ thống y tế tuyến huyện - thị xã trên cả nước.
Hương Thủy từ xưa đã có truyền thống hiếu học. Ở các phường như Thủy Dương, Thủy Phương, Phú Bài xã Thủy Phù việc học luôn được người dân coi trọng. Các chương trình khuyến học của nhà trường và các dòng họ, cá nhân được duy trì đều đặn. Tính đến nay thị xã có trên 30 trường học các cấp. Chất lượng cao như trường THPT Hương Thủy, trường THPT Phú Bài. Trường Phú Bài trực thuộc Sở Giáo dục và Đào tạo Thừa Thiên Huế, được công nhận chuẩn quốc gia ngày 7/11/2011. Chiếu theo chỉ tiêu của Nghị quyết Đại hội Đại biểu Đảng bộ thị xã Hương Thủy lần thứ XIV, mục tiêu lớn của Hương Thủy là “xây dựng 70% trường đạt chuẩn quốc gia”. Có vinh dự đầu là trường Tiểu học Dạ Lê vào năm 1996. Mười năm sau đến trường THCS Thủy Dương. Đến tháng 9/2011, tỷ lệ trường đạt chuẩn quốc gia của huyện tương đương với cả nước là 23,43%. Nhưng tiêu chuẩn của một đô thị trẻ đầy tiềm năng như Hương Thủy thì đó vẫn là con số hạn chế. Với lại, hiện chưa có trường mầm non nào đạt chuẩn quốc gia trong lúc mục tiêu phấn đấu đến năm 2015 đạt 30%; điều này thật đáng báo động.
Hệ thống chợ cũng cần được thiết lập lại cho gọn và sạch sẽ. Đại Nam nhất thống chí cho biết Hương Thủy xưa là nơi buôn bán tấp nập với nhiều chợ lớn như An Cựu, Lương Văn, Cầu ngói Thanh Toàn, Phù Bài, Dã Lê… Tính đến nay thị xã có 12 chợ, hằng năm đóng góp vào ngân sách Nhà nước gần 800 triệu đồng. Đáng ngại là một số chợ đang xuống cấp; các dịch vụ vệ sinh ở chợ chưa đảm bảo nhu cầu, vấn đề rác thải chưa chu đáo; dọc theo quốc lộ một vài chợ vẫn “duy trì” sự tràn lấn ra lòng lề đường khiến giao thông bất cập…
Song song với hệ thống chợ là cụm TTCN và làng nghề Thủy Phương, Khu làng nghề thủ công mỹ nghệ Thủy Lương (tổng diện tích 134 ha). Khu Công nghiệp Phú Bài là mũi nhọn về kinh tế đóng góp quan trọng cho sự phát triển của cả tỉnh. Thị xã cũng quan tâm đến phát triển doanh nghiệp nhỏ và kinh tế hộ gia đình. Mấy năm gần đây xuất hiện thương hiệu Rượu gạo làng Thủy Dương. Năm 2010 với mẫu mả hồ lô bằng thủy tinh, rượu Thủy Dương đã được giải về sản phẩm chất lượng cao. Tuy nhiên điều đáng bàn, là với lượng tiêu thụ tương đối lớn như hiện nay liệu cơ sở có cung cấp đủ nếu sản xuất đúng với chất lượng ban đầu? Đây là tình tra- ng chung của những thương hiệu mới nổi lên từ nông thôn.
Hương Thủy là vùng đất từng được Dương Văn An ca ngợi về các nghề thủ công truyền thống như nghề làm mực, giấy, nghề mộc xẻ ván đóng thuyền, nón lá, nghề chổi đót ở Thủy Phương, nghề tre đan ở Thủy Bằng, Dương Hòa, nghề làm hương thổ ở Thủy Vân… Nổi tiếng như nghề gót Dạ Lê (Về thăm làng gót vui ca múa - Đặng Huy Trứ), nghề rèn làng Vực (Lấy anh không đói mà lo - Đổ than vô lò thì có gạo mai); tính chất khéo léo đó lẽ ra phải được phát huy trong thời buổi du khách thập phương đang coi trọng những sản phẩm du lịch từ đôi tay.
Các nhà kinh tế thế giới dự đoán một tương lai u ám trong năm 2012, và xem đây là “đêm trước của khủng khoảng”. Đồng tiền của Việt Nam lại yếu nhất châu Á. Thừa Thiên Huế vẫn chọn năm Nhâm Thìn là “Năm đô thị”, thế mới biết quyết tâm là rất mạnh. Kết cấu hạ tầng phục vụ sản xuất của Hương Thủy được chú trọng từ năm 2001, đến nay đã có nhiều công trình lớn nhỏ được xây dựng và nâng cấp. Công trình mới đưa vào sử dụng thì có Trụ sở cơ quan Chi cục Thuế Hương Thủy; công trình hiệu quả và khang trang: Khu tượng đài Nghĩa trang Liệt sĩ Thị xã Hương Thủy, Trường Mầm non Bình Minh, trường TH Thủy Dương, THCS Phú Bài, Khu Công nghiệp Phú Bài cũng được thiết kế một cách thoáng đãng, khuôn viên làm việc khá xanh mát. Diện mạo đô thị thị xã được điểm son thêm bởi các khu đô thị: Khu đô thị mới An - Vân - Dương, Khu đô thị mới Đông Nam Thủy An, Khu quần thể sân Golf, Khu trung tâm các xã Thủy Bằng, Thủy Tân, Thủy Lương; hồ Tả Trạch nếu thi công xong chắc chắn sẽ giúp thị xã tăng thêm mấy điểm trong thứ hạng đô thị.
Phú Bài là trung tâm chính trị, kinh tế và văn hóa của huyện Hương Phú cũ từ năm 1983. Sân bay Phú Bài do người Pháp xây dựng vào 1943 nhằm phục vụ cho quân sự, từ sau giải phóng ta mới nâng cấp để phục vụ dân sự. Nay sân bay này được “dán mác” quốc tế song chỉ có một đường băng trong lúc tiêu ch- uẩn đúng phải 2 đường băng trở lên. Vì thế hầu hết những chuyến bay quốc tế thường phải quá cảnh ở Đà Nẵng, góp thêm một nguyên nhân lượng khách lưu trú ở Huế ngắn ngày. Ấy là một ví dụ nhỏ nhưng không thể giải quyết trong thời gian ngắn, cũng là những nút thắt đòi hỏi sự chung tay tháo gỡ của cả tỉnh, thậm chí ở các cấp cao hơn.
Từng được tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân, Hương Thủy có lợi thế nằm dọc theo tuyến quốc lộ 1A và tuyến đường sắt Bắc - Nam, có ga xe lửa, có Cảng hàng không Quốc tế, lại có thể lưu thông với Cảng biển Chân Mây 40km về phía Nam và Cảng biển Thuận An về phía Bắc chỉ 15km tạo thành trục đô thị quan yếu của tỉnh. Trở lại với ý nghĩ ban đầu, con ngõ phía Nam đang vẫy tay chào đón du khách và những nhà đầu tư “đánh bóng” thêm cho một vệ tinh vừa được bắn lên bằng nỗi kỳ vọng từ tầm tay của đô thị cố kinh.
T.N.S
(SH278/4-12)