Tạp chí Sông Hương - Số 279 (T.5-12)
Tôn Thất Tùng - nhà bác học có tầm cỡ quốc tế
10:08 | 11/05/2012

LTS: Huế là nơi có Thái Y viện tập trung nhiều danh y, ngự y nổi tiếng triều Nguyễn, đồng thời có Bệnh viện Tây y đầu tiên ở Việt Nam - Bệnh viện Trung ương Huế. Hạ tuần tháng 3 vừa qua, Tỉnh ủy Thừa Thiên Huế đã ra Nghị quyết xây dựng Thừa Thiên Huế xứng tầm là Trung tâm y tế chuyên sâu của khu vực miền Trung và cả nước mà hạt nhân là Bệnh viện Trung ương Huế và Trường đại học Y Dược Huế, cả hai đều được nhà nước tuyên dương Anh hùng lao động thời kỳ Đổi mới.

Tôn Thất Tùng - nhà bác học có tầm cỡ quốc tế
GS.Tôn Thất Tùng (người mặc complet trắng bên trái) hướng dẫn Chủ tịch Hồ Chí Minh thăm Bệnh viện Việt - Đức sau ngày Hà Nội giải phóng (10/10/1954)

Nằm trong dòng chảy ấy, ngày 10/5/2012, tại Huế, được sự đồng ý của UBND tỉnh, Hội Khoa học Lịch sử Thừa Thiên Huế phối hợp với Bệnh viện Trung ương Huế tổ chức Hội thảo Kỷ niệm 100 năm ngày sinh GS-VS.Tôn Thất Tùng - một trong những người con - danh y của Huế. Nhân sự kiện này, SH giới thiệu bài viết điểm lại sự nghiệp y học lẫy lừng của ông.
S.H
 
 

HỮU THU  


Sau khi chồng mình qua đời, bà quả phụ Vi Thị Nguyệt Hồ đã cho dựng trên khu vườn cũ của mẹ chồng một căn nhà nhỏ để thờ. Đây cũng là nơi mà các học trò cuối cùng ở Huế của GS.Tôn Thất Tùng như GS.Bùi Đức Phú, PGS.Lê Lộc thường theo gia đình lên dâng hương tưởng nhớ ông. Theo thứ tự từ phải sang là di ảnh cụ Tôn Thất Niên và vợ là bà Hồng Thị Mỹ Lệ, tiếp đến là người con trai cả Tôn Thất Viên, con gái Tôn Nữ Hường An, các con trai Tôn Thất Bật, Tôn Thất Văn và cuối cùng là Tôn Thất Tùng. Ngôi vườn rộng hơn 4.000m2 do bà Hồng Thị Mỹ Lệ mua từ năm 1912 - sau khi chồng bà qua đời để đưa cả gia đình từ Thanh Hóa về quê sinh sống nay chỉ còn một phần tư diện tích. Theo gia phả thì bà Hồng Thị Mỹ Lệ là vợ kế thứ ba của quan Tổng đốc Tôn Thất Niên. Ngoài nhà thờ, khu đất này còn là nơi an táng gia chủ - bà Hồng Thị Mỹ Lệ tạ thế năm 1949, khi GS.Tôn Thất Tùng còn ở chiến khu Việt Bắc. Khu đất tọa lạc trong con hẻm 122 Bùi Thị Xuân ở Phường Đúc, xưa thuộc làng Dương Xuân Thượng. Bến nước phía trước nhà đối diện với cồn Dã Viên, nơi mà Tôn Thất Tùng tung tẩy và rời xa nó khi đã ngấp nghé ở cái tuổi hai mươi nay vắng bóng người.

Theo hồi ký của GS.Tôn Thất Tùng thì vào đầu thập niên 30 của thế kỷ trước, vì chán ngấy chốn quan trường nên Tôn Thất Tùng rời Huế với hoài bão mai sau sẽ làm một nghề “tự do” không phụ thuộc vào đám quan lại hay chính quyền thực dân. Tại Hà Nội ông học ở Trường trung học Bảo Hộ (sau đổi tên thành trường Bưởi, ngày nay là Chu Văn An). Năm 1935 ông theo học ở Trường đại học Y khoa Hà Nội, một thành viên của Viện Đại học Đông Dương. Lúc ông học năm thứ 3 thì cụ Hồ Đắc Di, bác sĩ người Việt duy nhất lúc ấy được công nhận chính thức cùng đến làm việc ở Bệnh viện Phủ Doãn như là bác sĩ thường trú.

Đáng lẽ năm 1937 ông trình luận án tốt nghiệp nhưng do lòng còn phân vân: “Ra bác sĩ để đi kiếm tiền trong khi đó học hành chưa ra gì; nếu không đấu tranh thì chẳng bao giờ tụi thực dân chịu tổ chức thi nội trú cho sinh viên trường Y, bởi chúng chỉ muốn đào tạo những người phục vụ chúng, làm dưới quyền chúng để duy trì chế độ bóc lột”. Năm 1938, trước đề nghị của Tôn Thất Tùng, chính quyền thực dân phải tổ chức thi nội trú. Ông là người Việt Nam duy nhất được nhận và Tôn Thất Tùng chọn Khoa Ngoại của Trường đại học Y Hà Nội, tức bệnh viện Phủ Doãn để làm việc.

Ngoài thăm bệnh và phụ mổ, Tôn Thất Tùng còn phụ đạo về phẫu tích và mổ xẻ thực hành trên xác chết. Ông khẳng định: “Bây giờ mới thực sự bắt đầu cuộc đời khoa học của tôi”. Trong giai đoạn này vị bác sĩ trẻ có nhiệm vụ phải mổ xác các bệnh nhân đã được khám hay phẫu thuật rồi để kiểm tra và ông phát hiện các thầy của mình đã sai vì đưa cách hiểu biết ở phương Tây vào các nước nhiệt đới, mở đầu cho một số giả thiết nhưng mãi sau này mới tìm được lời giải.

Trong tình trạng học và hành quá khó khăn, ông phải tự đặt cho mình nguyên tắc, trước hết là coi công việc hàng ngày là quan trọng nhất, đó là hai bàn chân bám vào mặt đất là nguồn động lực đi vào khoa học của mình và ông xem việc quan sát là cơ bản của khoa học. Và “muốn vươn lên phải tham khảo các tài liệu và trước hết phải biết các ngoại ngữ”. Ông cũng đề cao việc dùng trí tuệ của con người để chẩn đoán bệnh và chỉ dùng máy móc để kiểm tra, tổng hợp.

GS.Tôn Thất Tùng nhấn mạnh: “Quan trọng thay cách làm việc của tuổi trẻ, lúc vỏ não chưa bị sách vở hay các ông thầy già nhồi sọ bằng những lý luận không sát mà người ta cứ tưởng như là chân lý vĩnh viễn”. Ông khẳng định: “Nếu không bám sát vào thực tế thì lúc trưởng thành làm sao không rơi vào con đường bảo thủ và giáo điều, cho mình biết hết mọi việc và tưởng rằng mọi vấn đề đã được giải quyết cả rồi”. Khi trở thành nhà phẫu thuật lừng danh, GS.Tôn Thất Tùng khẳng định: “Một người nghiên cứu như tôi hiện nay không chỉ là một nhà mổ xẻ mà còn phải biết sinh vật học, hóa học và vật lý nữa. Tính chất bao quát của mọi vấn đề ngày càng bao trùm lên các vấn đề nghiên cứu khoa học, và một thanh niên chuẩn bị đi vào khoa học phải nắm vững những kiến thức ấy.”

Kể về sự việc đã làm thay đổi một cách lớn lao cuộc đời khoa học của mình, GS. Tôn Thất Tùng thuật lại: “Một buổi chiều mùa đông ở viện mổ xác, tôi phát hiện ra một hiện tượng rất kỳ lạ: hàng chục con giun đã chui vào các đường mật ở trong gan. Tôi dùng cái nạo xương gọi là curette phẫu tích rõ ràng cơ cấu trong gan - một việc chưa bao giờ thấy trong các sách lúc bấy giờ và mời ngay thầy mình là GS.Huard để trình bày. GS.Huard bảo: “Anh vẽ lại tiêu bản này, thật là hiếm thấy giun chui nhiều thế này vào trong gan”.

Từ năm 1935 - 1939 chỉ bằng cái curette thô sơ nhưng Tôn Thất Tùng đã kiên nhẫn phẫu tích trên 200 cái gan của người chết. Qua đó vẽ lại sơ đồ, đối chiếu để tìm ra những nét chung về gan. Trên cơ sở đó ông đã viết và bảo vệ thành công luận án tốt nghiệp với nhan đề: “Cách phân chia mạch máu của gan”. Đây là một công trình thuộc về giải phẫu loài người nên ông đã hướng nghiên cứu của mình vào việc cắt gan, lĩnh vực mà cả thế giới chưa có ai dám đề cập. Bản luận án được đánh giá rất cao và trở thành tiền đề cho những công trình khoa học nổi tiếng của ông. Với bản luận án này, Tôn Thất Tùng đã được Trường Đại học Tổng hợp Paris tặng Huy chương bạc.

Năm 1939, khi Tôn Thất Tùng trở thành bác sĩ nội trú ở BV Phủ Doãn, sau nhiều lần cắt trên gan người chết, ông đề xuất với thầy hướng dẫn về phương pháp của mình. GS.Mayer-May tán thành nhưng còn e sợ. Một hôm có một bệnh nhân chuẩn đoán tưởng là ung thư dạ dày nhưng khi mổ lại phát hiện bị ung thư gan của thùy gan trái. Để thực hiện ca giải phẫu này, dưới sự hướng dẫn của BS.Tôn Thất Tùng, GS.Mayer-May đã tiến hành cắt bỏ thùy gan trái cho bệnh nhân. Đây là phương pháp cắt gan mới, bởi theo khảo cứu của Tôn Thất Tùng, từ năm 1938 trở về trước y văn cho biết thế giới mới cắt gan 87 lần - một con số không đáng kể vì cắt gan “không kế hoạch”, nghĩa là cắt vu vơ, gặp mạch máu thì buộc lại. Thấy bệnh nhân sống sót sau khi mổ, GS.Mayer-May bảo Tôn Thất Tùng: “Anh chép lại bệnh án trao cho tôi ngay. Chúng tôi sẽ gửi báo cáo này lên Viện Hàn lâm Phẫu thuật Paris”. Không ngờ, tại đây bản báo cáo bị GS.Funck-Brentano công kích dữ dội, vì “ý tưởng của Tôn Thất Tùng quá mới” như GS.Jean-Michel Krrivine thuật lại sau này. Nó như một gáo nước lạnh dội vào sự nồng nhiệt của Tôn Thất Tùng đối với phẫu thuật cắt gan, nhất là sau đó, khi thực hiện một ca tương tự thì bệnh nhân chết ngay vì u to hơn.

Mãi đến năm 1952, tại Hội nghị Phẫu thuật quốc tế ở Copenhaghen - Đan Mạch phương pháp cắt gan của ông mới được thừa nhận.

Có duyên nợ với gan, sau đó Tôn Thất Tùng tiếp tục về nguyên nhân giun chui ống mật gây ra bệnh viêm phù tụy cấp tính. Bệnh nhân khi được đưa đến cấp cứu đau, kêu la dữ dội, có khi co cứng thành bụng làm cho bác sĩ tưởng là thủng dạ dày. Mổ ra không thấy chỉ thấy các mạc treo trong bụng phù nề vàng nhạt. Mỗi lần như vậy các GS.Pháp lại đem ra giảng dạy và theo lý thuyết đương thời người ta cho rằng đó là một dị ứng ở tụy. Không thoả mãn với sự cắt nghĩa ấy, Tôn Thất Tùng bỏ công nghiên cứu về giun và chứng minh bệnh phù tụy ở Việt Nam mà từ trước đến thời điểm đó chưa ai rõ nguyên nhân là giun đũa chui vào ống mật. Mặc dù chưa được ai dạy, chưa ai biết con giun nằm ở chỗ nào: sau tụy, giữa tá tràng, dưới gan hay trong gan? Làm sao tìm một cách nhanh chóng vì đây là mổ cấp cứu? Tin vào trí tuệ của mình, Tôn Thất Tùng can đảm thực hiện. Ngày 26/9/1941, bằng kết quả nghiên cứu của mình, Tôn Thất Tùng với sự phụ giúp của BS.Tín đã tiến hành phẫu thuật cho bệnh nhân có tên là Cúc Châu. Ca mổ thành công nhờ chuẩn đoán đúng và mổ đúng. Từ đó về sau, hàng trăm bệnh nhân ở BV Phủ Doãn được chuẩn đoán và mổ như vậy. Nguyên nhân chủ yếu của bệnh phù tụy đã được giải quyết ở Việt Nam bằng trí tuệ của người Việt Nam. Sau cách mạng 1945, ông cho xuất bản cuốn sách y học đầu tiên mang tên “Viêm tụy cấp tính và phẫu thuật”. Tôn Thất Tùng khẳng định: “Đối với người thầy thuốc, nếu cứ đem áp dụng một cách mù quáng kiến thức học từ phương Tây mà không biết thực tế nước nhà thì sẽ làm bậy”.

Theo dõi một số bệnh nhân bị viêm phúc mạc do mật rò rỉ nhưng không thấy lỗ thủng ở túi mật, Tôn Thất Tùng phát hiện đó là do khi mổ lấy không hết. Tiếp tục nghiên cứu, Tôn Thất Tùng phát hiện sỏi trong ống mật, trong gan người Việt Nam là do giun đũa gây ra mà nguyên nhân sâu xa là thiếu dinh dưỡng vì đói nghèo! Từ đó Tôn Thất Tùng ưu tư về xã hội và cội rễ gây ra đói nghèo.

Ông kết luận: “Lao động trí óc là một lao động vô cùng mệt nhọc chứ không như một số người lầm tưởng, nó phối hợp chặt chẽ các động tác tay với sự rèn luyện vỏ não, ngày đêm và suốt hàng tháng, hàng năm như vậy. Nghiên cứu khoa học tuyệt đối không phải chỉ là một vấn đề đọc sách trong một căn phòng ấm cúng và tĩnh mịch mà thôi.” Do đã cứu chữa cho những người tham gia Việt Minh nên khi Cách mạng Tháng 8/1945 bùng nổ, Tôn Thất Tùng đã tham gia cướp chính quyền ở bệnh viện Phủ Doãn. Một hôm, Tôn Thất Tùng được gọi vào Bắc Bộ Phủ để chữa bệnh cho Bác Hồ. Ông thuật lại: “Mỗi khi đến chữa bệnh cho Bác, sau khi tiêm thuốc xong, Bác hay hỏi chuyện nhà tôi, về công việc và gia đình. Khi biết tin chúng tôi đã có con trai đầu lòng, Bác nói: “Để tôi đặt tên cho nó. Tên chú có bộ mộc nên đặt cho con chú tên Bách”, tức PGS-VS.Tôn Thất Bách - một chuyên gia đầu ngành về tim mạch của Việt Nam sau này. PGS-VS.Tôn Thất Bách nói rằng mình kế thừa Giáo sư Tôn Thất Tùng tính nghiêm khắc, trung thực và phong cách làm việc. Được đào tạo sâu trong chuyên ngành phẫu thuật tim và gan, nhưng với phẫu thuật gan, ông có điều kiện đi sâu hơn vì được học với Cha. Từ năm 1978, phó Giáo sư Tôn Thất Bách lại thành công trong việc qua các rãnh gan vá lại mạch máu trên gan, mở đường rãnh gan ra và tái tạo những tổn thương mà trước kia phải cắt… Viện sĩ Tôn Thất Bách đã kế thừa và phát triển xuất sắc các thành tựu về phẫu thuật gan, mật và tim mà người thầy cũng là người cha của ông đã để lại. Bằng “đôi tay vàng” của mình ông đã cứu sống nhiều bệnh nhân, đúc rút được nhiều kinh nghiệm phẫu thuật để phát triển lớn mạnh ngành phẫu thuật gan, mật và phẫu thuật tim ở Việt Nam. Khi Pháp trở lại Hà Nội, Tôn Thất Tùng được giao nhiệm vụ tìm kiếm thuốc men và dụng cụ y tế để đưa lên chiến khu. Cuối mùa đông 1946 ông cùng vợ là bà Vi Thị Nguyệt Hồ - con quan Tổng đốc Hà Đông và đứa con mới 6 tháng tuổi - Tôn Thất Bách rời Hà Nội lên chiến khu Việt Bắc tham gia kháng chiến. Cùng với BS.Nguyễn Hữu Trí, BS Hoàng Đình Cầu, sinh viên Trường đại học Y Hà Nội và nhân viên của Bệnh viện Phủ Doãn, Tôn Thất Tùng đã xây dựng tuyến mổ xẻ cho mặt trận Tây nam Hà Nội. Từ một anh thư sinh, Tôn Thất Tùng bắt đầu gối đất nằm sương và chịu đựng thử thách của cuộc trường kỳ kháng chiến.

Biết được việc làm của Tôn Thất Tùng, Bác Hồ viết thư động viên: “Bác sĩ Tùng, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng và Bộ trưởng Bộ Y tế báo cáo chú làm việc rất hăng hái. Tôi rất vui lòng. Chú cứ gắng sức. Kháng chiến nhất định thắng lợi. Tổ quốc sẽ nhớ công con hiền cháu thảo. Thím và các cháu đều mạnh khoẻ chứ! Tôi luôn bình an. Gửi chú và thím lời chào thân ái và quyết thắng.”

Sau đó, năm 1948 ở làng Ải - Chiêm Hóa, GS.Tôn Thất Tùng và GS.Hồ Đắc Di xây dựng Trường đại học Y khoa Việt Bắc, đồng thời xây dựng bệnh viện dã chiến vừa điều trị cho bộ đội vừa chữa bệnh cho nhân dân. Bệnh viện bị giặc đốt phải chuyển về Trung Giáp, tiếp tục mở tiền trạm điều trị cho bộ đội. Giặc tấn công, bệnh viện lại chuyển về Chiêm Hóa. Sinh viên trường y kháng chiến được dạy cấp cứu và xử lý các chấn thương rồi đưa ra mặt trận khi có chiến dịch. Năm 1948, Tôn Thất Tùng được Bác Hồ chỉ định vào Chính phủ kháng chiến làm Thứ trưởng Bộ Y tế. Nhờ vậy mỗi tháng ông đều được gặp Bác Hồ, dù phải đạp xe 200 km để đi họp. Năm 1949, GS.Đặng Văn Ngữ từ Nhật qua Thái đã tìm về chiến khu Việt Bắc tham gia kháng chiến. Trường có 4 giáo sư, đó là: Hoàng Tích Trí (Bộ trưởng); Hồ Đắc Di (Hiệu trưởng); Tôn Thất Tùng (Giám đốc bệnh viện) và Đặng Văn Ngữ. Trong tứ trụ của ngôi trường độc đáo này thì có đến 3 GS là người con của Huế.

Như đã biết, từ Nhật Bản, GS.Đặng Văn Ngữ có mang về 2 chủng nấm: Penicillin notatum và Steptomicil, thứ mà Quân y rất cần nhưng làm sao sản xuất được kháng sinh? GS.Tùng góp ý với GS.Đặng Văn Ngữ nên dùng Filtrate. Muốn có Filtrate chỉ cần nuôi nấm trong dung dịch ngô, các kháng sinh sẽ bài tiết ra trong nước, đem lọc các môi trường ấy sẽ có Filtrate mà tác dụng trên vết thương không kém gì kháng sinh bột (GS. Ngữ muốn làm ra bột nhưng GS.Tùng cho rằng bột ấy không dùng để tiêm được và điều kiện sản xuất ở trong rừng rất khó). GS.Đặng Văn Ngữ đồng ý, sau đó họ phối hợp tiến hành sản xuất.

Ghi nhận công lao to lớn này, một hôm họp Hội đồng Chính phủ, Bác Hồ nói với GS.Tôn Thất Tùng: “Bác cho phép chú lựa một huân chương nào mà chú muốn, chú tự bình bầu đi!”. Do biết GS.Đặng Văn Ngữ được tặng Huân chương Kháng chiến hạng 3 nên GS.Tôn Thất Tùng cũng xin như vậy. Trong bữa tiệc trao huân chương, Bác nói: “Chú Tùng là một cidevant (quý tộc) mà nay được Chính phủ ta tặng huân chương. Chú phải cố gắng hơn nữa.”

Sau khi sản xuất thành công, ở mỗi chiến dịch, quân y đưa ra tiền tuyến một đội Penicilil để sản xuất kháng sinh dùng ngay tại mặt trận. Đây là thành tích diệu kỳ vì từ xưa đến nay, trong các cuộc chiến tranh du kích chưa nơi nào làm được với dụng cụ thô sơ, trong hoàn cảnh vô cùng khó khăn.

“Chiến tranh cách mạng đã đem lại những phương pháp cách mạng cho các nhà khoa học”- GS.Tôn Thất Tùng khẳng định như vậy.

Trong thiếu thốn, khó khăn, họ nghĩ ra nhiều sáng kiến: thiếu chỉ khâu bụng, họ dùng dây dù của Pháp thay thế. Thiếu ánh sáng, tận dụng đèn xe đạp mà Tôn Thất Tùng khi rời Hà Nội đã mang theo để mổ. Thuốc men thiếu thốn, họ dùng thảo mộc như tỏi, lá cà chua, gừng, nghệ, ớt để thay hoặc cho chườm nước nóng để chữa loét dạ dày. “Chữa bệnh đòi hỏi một sự hiểu biết rộng rãi về tâm lý con người, và ta chỉ nên dùng thuốc khi nào những phương pháp tự nhiên không có hiệu lực”. - GS.Tôn Thất Tùng lưu ý.

Năm 1951, GS.Tôn Thất Tùng được cử sang thăm Trung Quốc và Triều Tiên. Tại Trung Quốc ông đã tranh thủ tìm đến thư viện của Bệnh viện Hiệp Hòa một tuần để tra cứu kinh nghiệm mổ xẻ trong Chiến tranh Thế giới Thứ 2, có khi quên cả ăn trưa. Hiện ở Trung tâm Di sản các nhà khoa học thuộc Bệnh viện Medlatec tại 42 Nghĩa Dũng - Hà Nội còn lưu giữ 2 cuốn sổ tay của GS.Tôn Thất Tùng ghi chép trong chuyến đi này. Nội dung là ghi chép các kinh nghiệm trong chiến tranh, xử lý bệnh dịch, chữa các vết thương, chủ yếu ghi bằng tiếng Pháp. Hai cuốn sổ đó đã biểu hiện trí và tâm của một y sư, được ghi bằng 6 thứ tiếng Việt, Pháp, Anh, Nga, Trung, Triều. Qua đó, ông đã lược lại kinh nghiệm phẫu thuật trên thế giới trong chiến tranh thế giới thứ hai. Nhờ cập nhật thông tin của thế giới mà ông đã biết cách giải quyết các vết thương sọ não cho thương binh, đặc biệt là trong Chiến dịch Điện Biên Phủ. Trong chiến dịch này, GS.Tôn Thất Tùng đã đứng cả tháng trời trong căn hầm mổ ở Mường Phăng để tự tay mình cứu chữa cho thương binh. Cùng với GS.Vũ Đình Tụng, GS.Tôn Thất Tùng được tặng Huân chương Chiến sĩ hạng nhất.

Ngày 27/10/1954, GS.Tôn Thất Tùng trở lại Hà Nội. Miền Bắc được hoàn toàn giải phóng và ông được cử làm Giám đốc Bệnh viện Phủ Doãn, sau này đổi tên thành Bệnh viện Việt - Đức và giữ cương vị Chủ nhiệm Bộ môn Ngoại Trường đại học Y Dược Hà Nội. Năm 1961, GS.Tôn Thất Tùng xin thôi giữ chức Thứ trưởng Bộ Y tế để tập trung cho chuyên môn.

Ngày 5/5/1958, GS.Tôn Thất Tùng thực hiện thành công ca mổ tim đầu tiên và đến năm 1965 ca mổ tim bằng máy tim - phổi nhân tạo cho nữ bệnh nhân tên Bão thành công như mong đợi. Trong việc này, các nhà khoa học Liên Xô, Đức, Hung đã tích cực giúp kinh nghiệm và một số nhà khoa học Mỹ qua tổ chức Quaker giúp máy móc và trang bị hiện đại để mổ tim bằng máy. Miền Bắc ứng dụng kỹ thuật này chỉ sau Liên Xô 9 năm, sau Trung Quốc 5 năm, còn ở miền Nam lúc đó Mỹ - Nhật chỉ mổ biểu diễn ở Sài Gòn. Nêu kinh nghiệm của mình, GS.Tôn Thất Tùng nói: “Mổ xẻ phải biết chẩn đoán đúng, phải biết đánh giá trước những thay đổi có thể xảy ra để có quyết định phù hợp với tình hình mới và tất nhiên, những tác động kỹ thuật không được thay đổi. Nhờ thế, người mổ xẻ giỏi không bao giờ hốt hoảng, lúng túng hay nao núng. Đó là thái độ trong việc thực hiện một kỹ thuật. Nó khác hẳn với thái độ của một người nghiên cứu tìm tòi để đi đến một phát minh. Con đường ở đây không phải là thẳng nữa mà lại quanh co, đòi hỏi một sự bền bỉ mẫu mực về thời gian”. Ông ví thực hiện kỹ thuật thì giống như Trương Phi đánh giặc, thực hiện quá trình nghiên cứu phải giống Khổng Minh. Ít người vừa là tướng giỏi vừa là quân sư giỏi, nó như trong phẫu thuật mổ giỏi và nghiên cứu giỏi ít đi đôi với nhau. Chỉ biết mổ giỏi thôi thì không bao giờ có một phát minh quan trọng.” Trong thời gian xây dựng kỹ thuật mổ xẻ, ông đặt vấn đề làm sao tìm được những phát minh hay, những công trình nổi bật để thế giới biết Việt Nam có thể đóng góp một cách xứng đáng vào kho tàng kinh nghiệm y học thế giới.

Và ông nghĩ ngay đến công trình nghiên cứu về gan của mình. Kiểm chứng thông tin, GS.Tôn Thất Tùng biết: năm 1952, GS. Lortat - Jacob ở Pháp đã thành công trong việc cắt gan có quy phạm bằng cách buộc tất cả các mạch máu ở ngoài gan. GS.Tôn Thất Tùng quyết định tiếp tục thực hiện công trình trước đây còn dang dở.

Ngày 7/1/1961, tại Bệnh viện Việt - Đức, bệnh nhân tên Hải được BS.Tôn Đức Lang hạ nhiệt xuống gần 30 độ C, GS.Tôn Thất Tùng tiến hành cắt thùy gan phải cho bệnh nhân này theo phương pháp của mình. Ca phẫu thuật chỉ diễn ra trong 6 phút. Đem so sánh người ta thấy phương pháp của Tôn Thất Tùng khác phương pháp Lortat-Jacob ở chỗ: Ông tìm các mạch máu và ống mật ở ngay trong gan (qua tổ chức gan ung thư bị ông bóp vỡ) để thắt lại trước khi mổ; trong khi Lortat-Jacob tìm ở ngoài gan, do vậy, lâu hơn nhiều. Sở dĩ ông có thể làm được như vậy là vì chính ông là người đầu tiên trên thế giới mô tả được rành rẽ các mạch máu và ống mật trong gan. Sau đó trong vòng 1 năm, GS.Tôn Thất Tùng cắt gan cho 50 trường hợp, vượt kỷ lục của L. Jacob đến 10 lần.
 

Năm 1970 GS.Tôn Thất Tùng cùng với người bạn của mình là GS.Nguyễn Phúc Bửu Hội (Việt kiều ở Pháp, qua đời năm 1972), GS.Bửu Hội là con cụ Thượng thư Ưng Úy và bà Hồ Thị Huyên (pháp tự Thích Nữ Diệu Huê), được sự giúp đỡ của các giáo sư Mỹ ở Đại học Harvard đã tiến hành tìm hiểu và nghiên cứu về di hại của Dioxin mà quân đội Hoa Kỳ đã rải xuống Việt Nam nên ông là người có công lớn trong việc thành lập và điều hành Ủy ban quốc gia điều tra về hậu quả chiến tranh hóa học ở Việt Nam.

Từ thành công này, năm 1963, GS.Tôn Thất Tùng cho công bố một phương pháp cắt gan mới trên tờ The Lancet ở London, tờ tạp chí rất nổi tiếng trong ngành phẫu thuật thế giới. Công trình gây chấn động dư luận.

Chỉ sau một tháng, hơn 100 nhà phẫu thuật từ Mỹ đến Australia gửi thư sang Hà Nội, xin ông thêm tài liệu về Phương pháp cắt gan của Tôn Thất Tùng. “Ton That Tung’s method” cũng được giới thiệu trong Encyclopédie médico - chirur- gicale (Bách khoa thư nội thương-phẫu thuật) của Pháp; được đưa vào Obstetrics and Surgery’s Reader Digest (Tuyển chọn các tài liệu sản khoa và phẫu thuật) của Mỹ. Cuốn Phẫu thuật cắt gan của GS.Tôn Thất Tùng được NXB Masson in ở Pháp, sau đó được dịch in ở Nga. Năm 1985 được in ở Ý.

Năm 1985, Manfredi và đồng nghiệp (J Surgical Oncology) báo cáo 103 ca giải phẫu dùng phương pháp của GS.Tôn Thất Tùng, mà tác giả mô tả là không có biến chứng gì đáng kể, với thời gian sống sót lên đến 8 năm. Đến năm 2004, một nhóm bác sĩ

Ý cũng báo cáo một số trường hợp so sánh 2 kỹ thuật giải phẫu và họ kết luận kỹ thuật cắt gan của GS.Tôn Thất Tùng là tiêu chuẩn vàng.

Những người công kích sau khi thấu hiểu phương pháp mới lạ đã quay lại ca ngợi GS.Tôn Thất Tùng, tôn vinh ông là vị tổ sư của phương pháp cắt gan có quy phạm (kẹp chặt các mạch máu trong gan trước khi cắt thùy gan bị ung thư, trong khi ở phương Tây do chưa có ai mô tả chính xác các mạch máu trong gan nên khi phẫu thuật gặp mạch máu nào thì buộc nó lại, không may bị bỏ sót, người bệnh sẽ chết vì do chảy máu hoặc do hoại tử gan). GS.Malégi viết trên Tạp chí Lyon chirurgicalecủa Pháp: “Hai tinh hoa mà Đại học Y Hà Nội có thể tự hào là: 1/ Lần đầu tiên trên thế giới nghiên cứu các mạch máu trong gan, và 2/ Lần đầu tiên cắt gan có kế hoạch”. Cả hai tinh hoa đó đều là của Tôn Thất Tùng. GS.Tôn Thất Tùng kết luận: “Từ phát minh đến khi được người ta công nhận, đường đi khi nào cũng rất dài vì trong khoa học, một kinh nghiệm mới phải được mọi người thử nghiệm có kết quả đã mới có giá trị. Và một khi phương pháp trở thành kinh điển, đó là một vinh dự rất lớn cho người phát minh.”

Năm 1977, Viện Hàn lâm Phẫu thuật Paris tặng GS.Tôn Thất Tùng Huy chương vàng phẫu thuật quốc tế Lannelongue, giải thưởng cao quý nhất trong ngành phẫu thuật thế giới, 5 năm mới tặng 1 lần cho một nhà phẫu thuật duy nhất trên cả hành tinh. GS.Tôn Thất Tùng đã được nhà nước ta truy tặng giải thưởng Hồ Chí Minh. Đúng như GS.Hồ Đắc Di vừa là người thầy vừa là người bạn của GS.Tôn Thất Tùng nhận xét: “Tôi sống chung với anh Tùng hơn nửa thế kỷ, biết rõ anh ấy lắm. Một con người tốt bụng hết sức. Một nhà bác học có tầm cỡ quốc tế. Thông minh tuyệt vời. Biết mười, chỉ để làm một. Trong giới phẫu thuật thế giới, số người được giải thưởng Lannelongue như anh ấy còn quá hiếm, hiếm hơn cả số nhà vật lý được giải thưởng Nobel hay số nhà toán học được giải thưởng Fiels. Không ít nguời tưởng lầm rằng anh Tùng chỉ là một kỹ thuật viên giỏi thực hành. Lầm to! Anh ấy trước hết là một nhà bác học, một trí tuệ sáng tạo lớn, một con người của tư duy, một nhà văn hóa, một danh nhân!”.

GS-VS.Tôn Thất Tùng là người đề cao việc tiếp thụ y học phương Tây để xây dựng và phát triển nền Y học của Việt Nam, nghiên cứu bệnh tật và chữa trị cho người Việt Nam, đi đầu trong việc áp dụng các kỹ thuật phát triển ngành ngoại khoa Việt Nam. Ngày 7/5/1982 GS-VS.Tôn Thất Tùng qua đời tại Hà Nội. Ba thập kỷ đã trôi qua, nhưng những cống hiến cho sự nghiệp bảo vệ sức khỏe cho nhân dân, cho nền Y học Việt Nam và thế giới của Tôn Thất Tùng còn sống mãi. Yêu quý nhà y học huyền thoại này, không chỉ Huế và Hà Nội mà ở cả TP HCM, Đà Nẵng hay Đồng Tháp đều có con đường mang tên GS-VS.Tôn Thất Tùng.

H.T
(SH279/5-12)








 

Các bài mới
Vâlmki (25/05/2012)
Tổ chim há mồm (21/05/2012)
Các bài đã đăng