Tạp chí Sông Hương - Số 279 (T.5-12)
Sông Hương: Dòng sông tâm linh
10:14 | 17/05/2012

LÊ MẬU PHÚ 
           Tùy bút 

Sông Hương bắt nguồn từ dãy Trường Sơn, chạy dài hơn 60 cây số, qua nhiều rừng núi với thảm thực vật nhiệt đới đa dạng và nhận nhiều nguồn nước từ những con thác, rồi sau đó hợp lưu tại ngã ba Bằng Lãng thành một dòng sông, gọi là sông Hương. Từ đó, sông xuôi về biển thêm 30 cây số nữa.

Sông Hương: Dòng sông tâm linh
Minh họa: NHÍM

Hai bên dòng sông có nhiều làng mạc, đô thị có từ thời xa xưa tạo nên một nền văn minh Thuận Hóa kế thừa và phát triển cho đến ngày nay. Điều đặc biệt là dòng sông đã cưu mang và nuôi dưỡng người Huế, vì thế người dân sống quanh vùng châu thổ xem sông Hương như Mẫu thần, bằng một huyền thoại sinh ra chùa Thiên Mụ; và sau khi chảy qua địa phận núi Ngọc Trản, nước sông xanh và một huyền thoại nữa về chén ngọc của nữ thần, ngày nay còn điện Hòn Chén. Dọc theo đôi bờ sông Hương có nhiều chùa chiền, đền đài miếu vũ, có lẽ thời xa xưa là nơi cầu nguyện của dân làng vào buổi bình minh, chính vì vậy mà ngày nay dân Huế có tục phóng sanh đăng. Những gì mà dòng sông Hương mang trong mình là một huyền bí, là một sự chở che thiêng liêng, là sức sống nhiệm mầu của người dân xứ Huế.

Thuở nhỏ, lũ bạn tôi rủ nhau đi tắm sông Hương, mọi người kháo nhau ai bơi qua bên kia bờ thì vượt qua được kì thi tốt nghiệp, không biết có đúng hay không, cả bọn đua nhau bơi, ai cũng qua đến, kẻ trước người sau, thế mà cuối cùng cả bọn đều đậu tốt nghiệp. Lớn lên, sau khi thành đạt ở đời, chúng tôi hẹn nhau ra bờ sông Hương ngắm cảnh uống nước, càng về khuya, sau khi tiếng máy thuyền tàu đã ngừng hẳn, mặt sông yên lặng, nước lững lờ trôi, mọi người hết nói chuyện, chúng tôi ngồi lắng nghe dòng sông thì thầm, dòng sông có tiếng nhạc, tiếng nhạc như tiếng nhạc trời, chỉ khi không gian thật yên tĩnh và tâm hồn người lắng đọng mới có thể nghe được âm thanh này. Âm thanh tiếng nhạc khác với âm nhạc bình thường, nghe du dương và lạ, dường như tiếng nhạc được dòng sông chuyển tải từ trời mang về hạ giới.

Người Huế có nhiều cách giải thích vì sao dòng sông có tên là sông Hương, cũng có nhiều sử liệu ghi chép cẩn thận, đi ngược lên thượng nguồn còn phát hiện loài cỏ Thạch Xương Bồ có hoa thơm hòa vào nước sông, thậm chí có nhiều huyền thoại về mùi thơm của nước sông. Nhưng có “một huyền thoại vọng về từ làng Thành Trung, một ngôi làng trồng rau thơm ở Huế: Vì yêu quý con sông xinh đẹp, người dân hai bên bờ sông Hương đã nấu nước của trăm loài hoa đổ xuống dòng sông cho làn nước xanh thắm ấy mãi mãi thơm tho.” Nghe qua có vẻ là huyền thoại, nhưng nếu chúng ta suy ngẫm kỹ sẽ thấy, đây là một sự thật chứ không phải là huyền thoại chút nào. Trong Phật giáo việc dùng hương hoa và các thứ dầu thơm để cúng dường là một việc làm thể hiện sự cung kính và lòng chí thành trong việc câu nguyện và tích phước. Hơn nữa người Huế có tục tắm sông vào buổi sáng, hiện nay chỉ còn tại bến Me, còn những bến khác hầu như vì ô nhiễm cho nên người dân không duy trì được. Người dân từ xa xưa đều làm vậy để dâng lên mẫu thần và cầu nguyện vào mỗi buổi sáng hừng đông. Điều này chẳng khác mấy việc người Ấn vào mỗi buổi sáng sớm đến dâng hoa và dầu thơm vào dòng sông Hằng, cầu nguyện, tắm và tẩy rửa hồng trần lẫn cả tâm linh, cầu mong được giải thoát. Những ai sau khi chết, được thiêu bên bờ sông và thủy táng trên sông Hằng là một điều vinh dự, biểu hiện sự siêu thoát. Họ xem dòng sông như một nữ thần (God- ness) và dòng sông làm chiếc cầu nối giữa trời và cõi dân gian.

Mỗi con sông đều có đặc tính riêng, tùy thuộc vào dòng chảy và tiềm năng của nó, con người có thể dựa vào đó để sinh sống, tưới tiêu, nước uống và giao thông. Xét về mặt hữu ích sông Hương có đầy đủ các tính năng nuôi dưỡng và che chở cho sự sống, cho nên được tôn xưng như một bà mẹ hay Mẫu thần. Ngược lại, có nhiều dòng sông với nguồn nước đục, dòng chảy xiết, có thể gây nên nhiều sự đe dọa cho cư dân sinh sống và xây dựng đô thị ven sông. Chính vì thế mà sông Hương được người dân xứ Huế tôn vinh như một Nữ thần và tục lệ cầu nguyện trên sông chính là nguồn mạch tâm linh cho sự sống. Cho nên sông Hương còn có thể gọi là Linh Giang hay sông Linh.

Điều đặc biệt là sông Hương chảy đến đâu, làng mạc và cư dân chan hòa đến đó. Dòng sông đã mở ra nguồn thiêng của sự sống của người dân và tâm linh của họ. Sông Hương còn chia sẻ buồn vui với người dân xứ Huế, ôm ấp như mẹ ôm con. Sông Hương cũng là một bản hùng ca gắn liền với lịch sử oanh liệt của dân tộc. Qua bao thăng trầm của lịch sử, sông Hương là niềm tin và an ủi của người dân. “Chiều chiều trước bến Văn Lâu” là giọng hò bi tráng, khi cảnh nước mất nhà tan, có thể tâm sự và nói chỉ còn sông Hương, như người con cầu nguyện nữ thần che chở cho người ngược mái lên chiến khu theo phong trào Duy Tân. Cùng với sứ mệnh của lịch sử, sông Hương đã che chở cho những chiến sĩ cách mạng bình yên, để rồi khi ra đi, họ còn gọi tên “Hương Giang ơi!” như một lời cảm ơn đối với một mẫu thần che chở.

Trở lại đầu nguồn, nơi nhập lưu của hai dòng Tả - Hữu Trạch, ở ngã ba Bằng Lãng, trên ngọn đồi Tứ Tượng, tượng đài mẹ hiền Quán Thế Âm hướng về dòng sông, trút cam lồ vào dòng sông, với ánh mắt từ bi trìu mến, cứu độ muôn dân. Nơi đây hội tụ của niềm tin tâm linh của người dân xứ Huế, biểu tượng từ bi cứu khổ, chỉ cần hướng về dòng sông cầu nguyện, tâm sự vui buồn của thế gian, nơi đầu dòng Bồ tát lắng nghe, thấu hiểu và chở che. Không ngẫu nhiên mà người xưa gọi dòng sông Hương là Mẫu thần hay Nữ thần, hoặc người bình thường đời nay gọi là người phụ nữ dịu hiền... đều thể hiện tính cách ảnh hưởng từ trái tim dịu dàng và lòng từ bi bất tận của vị Bồ Tát hi sinh cứu đời. Từ ngàn xưa cho đến ngày nay, người phụ nữ Huế có giọng nói nhẹ nhàng ấm áp, tính cách dịu hiền, cử chỉ đoan trang, khiến nhiều người khi đến Huế đều trầm trồ khen ngợi, cũng đều do ảnh hưởng tính cách của dòng sông Bồ Tát, người mẹ hiền của người dân.

Không những người dân xứ Huế hằng ngày nghe tiếng chuông trên đồi Hà Khê, mà những người khắp cả nước đều nghe “tiếng chuông Thiên Mụ” qua thi ca. Dòng sông Hương dịu dàng mang theo tiếng chuông sớm chiều chảy qua bao xóm làng và đô thị, nơi đó là niềm tin được chuyển đến, vun bồi và tô đắp văn hóa và văn minh hướng thiện. Sáng sớm mờ sương, tiếng chuông chùa vang vọng trong không gian, mang bình yên cho mọi loài; người nông dân với công việc đồng áng, người lên rừng, người về thành thị với công việc bề bộn đời thường đều bắt đầu từ tiếng chuông. Có một truyền thuyết cho rằng có một quả chuông rơi xuống sông Hương trước mặt chùa Thiên Mụ, to như quả chuông hiện còn ở đây, vớt không lên, đẩy không nổi. Nhưng quả thật chưa ai nhìn thấy quả chuông, hoặc chưa thấy một khảo cứu nào công bố, nhưng đây có thể là một dụng ý của người xưa, đem sự bình yên cho người dân sống trên hai bờ sông; ngoài ra còn một ý nghĩa khác, quả chuông này dùng để đánh cho người ở cõi âm nghe mà chuyên nghiệp quay về nẻo giác. Âm vang tiếng chuông do dòng sông chuyên chở hằng ngày là tiếng chuông hòa bình, âm siêu dương thái.

Ở Huế, có một nhà nghiên cứu cổ vật nổi tiếng, ông sưu tầm nhiều đồ cổ được người dân vớt từ dòng sông Hương. Phải nói rằng, dòng sông Hương còn là một kho tàng cổ vật quý giá, đây là một trong những nguồn khảo chứng về văn hóa Việt Nam nói chung và Thuận Hóa nói riêng. Còn hơn thế nữa, trong bộ sưu tập của nhà nghiên cứu còn có nhiều tượng Phật quý, chuông to chuông nhỏ, mõ to mõ nhỏ, chuỗi hột... được vớt dưới lòng sông, đúng là của thiêng trên dòng sông thiêng, một dấu ấn tâm linh hi hữu của dòng sông di sản.

Chúng ta được dòng sông che chở, nhưng chúng ta lại để mất điểm với di sản quý báu này. Đó là chúng ta tùy tiện khai thác, làm ô nhiễm nước sông và tiếng ồn của những chiếc thuyền máy làm xáo động vẻ yên tĩnh và dịu dàng của dòng sông. Muốn lấy lại điểm cho dòng sông, trên đoạn sông từ cầu Bạch Hổ đến cầu Trường Tiền, không được đánh bắt cá, vì cá trên đoạn sông này được ưu tiên; thuyền bè qua lại trên đoạn sông phải tắt máy, chỉ được phép chèo bằng tay hoặc chỉ chạy vào những giờ giấc cố định. Khi thành phố Huế được trả lại với không gian yên tĩnh, thời gian vắng lặng về khuya, tiếng ồn ào của những chiếc thuyền máy, phà chở vật liệu khai thác, xe hơi chạy ầm ầm trên phố đã ngừng hẳn, ngồi trên bờ chúng ta nghe được tiếng dòng sông Hương chảy rì rào cùng tiếng gió, sông Hương phảng phất mùi thơm trong sương mờ, càng về khuya càng cảm giác dòng sông đang thở, trở nên có linh hồn, có sự sống, sự sống linh thiêng.

Là người Huế, cho dù đi tha hương họ đều nhớ về sông Hương như một bà mẹ chở che; khi có dịp đi qua sông Hương, mỗi người đều nhìn ngắm vẻ đẹp của bà mẹ, vừa cầu nguyện một điều gì đó bình an. Thể hiện rõ nét nhất là phong tục phóng sanh đăng trên sông Hương vào những đêm rằm hoặc 30 âm lịch và vào những ngày lễ lớn và lễ hội Phật giáo. Đặc biệt vào ngày lễ Phật Đản, sông Hương lung linh huyền ảo dưới ánh trăng ngập tràn đèn hoa, hòa cùng với lời câu kinh và bài ca Đóa Sen Trắng trầm hùng cất lên trong giờ phút bảy đóa sen được thắp sáng, hàng ngàn hoa đăng thả bềnh bồng theo dòng nước, lâp lánh sánh với ngàn sao. Sông Hương trở thành dòng sông Hoa, bảy hoa sen tỏa sáng, tạo cho Huế, cho dòng Hương một chiều sâu tâm linh thiêng liêng, đem lại cho lòng người một cảm giác bình an, sâu lắng. Dòng sông như rộng hơn, sâu thẳm hơn và mang một vẻ đẹp vừa lung linh vừa huyền bí.

Mùa Phật Đản thành phố rợp cờ đèn, xe hoa, thuyền hoa, bảy hoa sen lớn, hàng ngàn hoa đăng trên sông Hương, tạo thành một bức tranh hoa lung linh, quyện với hoa hương thiên nhiên mà sông Hương mang về, làm cho thành phố Huế trở nên thơ mộng, dòng sông Hương trở nên thiêng liêng huyền bí. Những phong tục thắp sáng hoa sen, thuyền hoa, phóng sanh đăng, tụng kinh cầu nguyện... đây không phải là việc “đến hẹn lại về” mà là một truyền thống văn hóa Huế xuyên suốt thời gian và không gian, nối thực tại với quá khứ, nối trần gian với cõi thiêng, nối văn hóa tâm linh hiện tại với quá khứ huy hoàng của dân tộc. Mỗi lời cầu nguyện và mỗi ngọn đèn hoa là một sự tỏa sáng trong tâm hồn của người dân xứ Huế hướng về điều thiện, hướng về dòng chảy tâm linh cao quý mong cho nhân loại hòa bình, trước sự che chở của dòng sông Bồ Tát, dòng sông Mẫu thần, dòng sông tâm linh.

L.M.P
(SH279/5-12)






 

Các bài mới
Vâlmki (25/05/2012)
Tổ chim há mồm (21/05/2012)
Các bài đã đăng
Đỉnh cao (17/05/2012)