Tạp chí Sông Hương - Số 279 (T.5-12)
Một ngôi trường, một hiệu sách, một cách ứng xử
09:08 | 21/05/2012

HỮU THỈNH  

Đã có lần tôi nói, mỗi lần về Huế, luôn có cảm giác đi dưới bóng mát của các tên tuổi. Đó không phải là câu nói lấy lòng, mà thực sự là một cảm nhận văn hóa.

Một ngôi trường, một hiệu sách, một cách ứng xử
Nhà văn Hữu Thỉnh - Ảnh: tienphong.vn

Từng được chọn là thủ đô, Huế, đương nhiên trở thành “đất tụ”. Tụ khí, tụ tài năng, tụ lòng người. Xưa nay, trong thiên hạ, tài năng dồn về các trung tâm để thi thố, để tìm cơ hội trọng dụng, để nở hoa, là một dòng chảy thường thấy ở mọi quốc gia. Người ta có chính sách để khuyến khích việc đó. Ngoài sự tập hợp tài năng mang tính cơ học ấy, Huế, với ưu thế về bản sắc văn hóa có đủ thông minh và điều kiện để tạo ra các tài năng tại chỗ của mình. Hai tiến trình này cùng diễn ra trong một thời gian dài, đã tạo ra nguồn nguyên khí dồi dào, xứng đáng là một trong những nhân tố hàng đầu trong bảng xếp hạng của các giá trị Huế.

Từ việc cảm nhận về tài năng, bất chợt, tôi nghĩ đến các thiết chế văn hóa và những cống hiến vượt ngưỡng của nó trong sự bồi đắp tinh thần. Trong dòng cảm hứng này, Huế lần lượt hiện lên trong tôi với ba biểu trưng về văn hóa vật thể và phi vật thể xứng đáng là những bệ đỡ và sự bảo hiểm của tài năng. Đó là một ngôi trường, một hiệu sách, một cách ứng xử.

1. Một ngôi trường

Đó là trường Quốc Học Huế, một cơ sở giáo dục đã làm nên sự ghen tị về mặt danh tiếng. Được thành lập vào tháng tư năm Đồng Khánh thứ hai (5/1887), thoạt đầu trường chỉ mang dáng vẻ sơ sài của một dịch vụ hành chính công, với nhiệm vụ là đào tạo đội ngũ thông ngôn cho bộ máy cai trị của Pháp. Công việc lúc đầu do xã hội hóa hoàn toàn, Nhà nước chỉ thực sự ngó đến sau kết quả của các kỳ sát hạch cuối năm. Công việc trôi chảy cứ tăng dần theo sự có mặt ngày càng đông đảo và toàn diện của người Pháp ở Việt Nam, dẫn đến việc vua Thành Thái ra chỉ dụ thành lập trường với tên gọi Pháp tự Quốc Học trường, gọi tắt là Quốc Học. Nhiệm vụ của nó ngoài việc đào tạo học sinh theo các hệ từ dưới lên còn được mở rộng ra với việc bổ túc tiếng Pháp cho hệ thống quan lại của triều đình Huế. Từ đó về sau, trường Quốc Học vừa dạy chữ Pháp, vừa dạy chữ Hán, và qua toàn bộ hoạt động, nó thực chứng một quá trình giao lưu văn hóa Đông Tây đang diễn ra ngày càng sầm uất theo sự dàn dựng của lịch sử. Vấn đề đáng tìm hiểu ở đây là công việc dạy và học được vận hành như thế nào để chỉ trong vòng trên nửa thế kỷ (tính đến năm 1945 là 58 năm), Trường Quốc Học Huế đã đào tạo được cả một thế hệ học sinh với những tên tuổi làm rạng rỡ non sông đất nước, trên tất cả các lĩnh vực, trong đó có Chủ tịch Hồ Chí Minh, lãnh tụ thiên tài của dân tộc. Đã có biết bao văn nghệ sĩ tài danh vỗ cánh từ mái trường này. Cái gì đã khiến những học sinh của ngôi trường danh tiếng này phát triển vượt ra ngoài mục đích đào tạo của thực dân? Những người được giáo dục để duy trì chế độ thực dân rốt cuộc đã tham gia vào cuộc lật đổ chế độ ấy. Đó là ngoại lệ của lịch sử hay là những mùa quả của tinh thần dân tộc luôn bám rễ rất sâu vào ngọn nguồn truyền thống?

Tôi nghĩ rằng, trong mọi bước đi, văn học phải luôn luôn ngả mũ cám ơn các nhà trường. Xét từ cái gốc của vấn đề, thật không có gì đáng lo ngại cho văn học ta hiện nay bằng sự suy giảm chất lượng dạy và học văn trong nhà trường. Một chiến lược phát triển văn học không thể tách rời chiến lược phát triển giáo dục và đào tạo.

2. Một hiệu sách

Đó là hiệu sách Sông Hương do nhà văn Hải Triều tạo dựng. Tôi không được biết đó có phải là hiệu sách duy nhất ở Huế hồi đó hay không, nhưng qua hồi ký của nhiều nhà hoạt động chính trị, nhà văn, các bậc trí thức, thấy họ đều nói đến những kỷ niệm tốt đẹp về hiệu sách này. Trên thực tế đó vừa là địa chỉ văn hóa, vừa là địa chỉ của hoạt động cách mạng. Các nhà cách mạng đã khéo biến một hiệu sách thành nơi hoạt động hợp pháp, phục vụ các yêu cầu của cách mạng và văn hóa. Một tiến trình được bắt đầu bằng văn hóa sẽ tạo ra các năng lượng xã hội rộng lớn.

Thật không thể nào nói hết sức bồi đắp, những chấn động, và dưỡng khí sinh ra từ sách. Bây giờ thì sách đã được in ra quá nhiều. Chúng ta đã phải tốn bao nhiêu công sức để có sự tốt đẹp này. Ấy thế mà, sau mọi cố gắng, giờ đây chúng ta đang đứng trước một nghịch cảnh: số lượng sách in ra tỉ lệ nghịch với người đọc. Những con số thống kê về chỉ số phát hành sách văn học đã đến mức tồi tệ không thể chịu đựng được nữa. Đã bao nhiêu lần dư luận và các cơ quan có trách nhiệm lên tiếng về việc Nhà nước sớm có chính sách khẩn cấp cứu lấy thói quen đọc sách của nhân dân ta, nhưng tiếc thay cho đến nay chưa có quyết sách mang tính đột phá. Văn hóa đọc đang xuống dốc hết sức đáng lo ngại. Đã thế, vàng thau lại lẫn lộn. Những cuốn sách được quảng cáo ầm ĩ không phải lúc nào cũng vì lý do chất lượng.

Ở đây cũng cần nói lại cho phải lẽ. Nếu đọc nói chung thì người ta vẫn vào mạng Internet hàng ngày với số lượng tăng nhanh chóng. Nhưng văn hóa mạng không thể thay thế cho sách. Vấn đề là ở chỗ đó. Cứu lấy thói quen đọc sách là cứu lấy tâm hồn.

3. Một cách ứng xử

Trong tiểu thuyết lịch sử Tuy Lý Vương, nhà văn Trần Thanh Mại thuật lại câu chuyện như sau: Tùng Thiện Vương và Tuy Lý Vương là hai bậc vương giả được học hành rất công phu, đều yêu thơ và trọng các thi nhân. Họ đã lập ra một Hội tao đàn có tên là Thi Xã. Thi Xã bao gồm các vị trong hoàng tộc, các quan lại vào hạng tai to mặt lớn nhất của triều đình Huế. Thi Xã thành lập được ít lâu thì tại triều đình xuất hiện một vị quan nhỏ mới từ Bắc vào. Nhà thơ lớn nhưng chức quan nhỏ đó là Cao Bá Quát. Chân ướt chân ráo đến kinh thành, ông quan họ Cao có phải cố tình không biết đến những uy quyền rùng rợn của vương triều hay chỉ là do máu nghề nghiệp, đã dám làm một bài thơ báng bổ Thi Xã, coi thơ của họ cũng có mùi khó chịu như mùi dưới các con thuyền buôn nước mắm từ Nghệ An vào: “Câu thơ thi xã con thuyền Nghệ An”. Chuyện đến tai các tao nhân mặc khách của Thi Xã. Họ gầm lên vì tức giận. Rất nhiều ý kiến đòi tâu lên Hoàng Thượng để hành tội thi sĩ họ Cao. Tuy Lý Vương, với vai trò người Chủ soái của Thi Xã đã dùng lời lẽ ôn tồn làm dịu cơn bão của các đồng nghiệp. Ông ba lần lặng lẽ thân chinh đến thăm và mời Cao Bá Quát tham gia thi đàn của cung đình. Trước cử chỉ chân thành, cầu thân và bặt thiệp của Tuy Lý Vương, thi sĩ họ Cao lúc đầu ngạc nhiên, nghi ngờ, rồi chuyển qua cảm phục và đã phải hạ bớt sự cao ngạo của mình xuống để miễn cưỡng nhận lời tham gia Thi Xã. Phải là những bậc hiền tài, những nhân cách cao thượng mới có thể có lối ứng xử tao nhã và thánh thiện đến như thế.

Nhà văn ngày nay được cuộc sống cung cấp cho biết bao phương tiện để tiếp nhận tri thức, để theo đuổi nghề nghiệp. Nhưng dù cho điều kiện có phong phú và hiện đại đến đâu cũng không thể thoát khỏi ảnh hưởng của một ngôi trường, một hiệu sách, một cách ứng xử. Suy rộng ra, những thiết chế vừa công phu, nghiêm cẩn vừa tinh tế ấy tạo ra không gian tinh thần của toàn xã hội, trở thành những điều kiện tối cần cho hoạt động sáng tạo.

Nhưng nhà văn không chỉ biết thừa hưởng những gì mà xã hội đem lại cho anh ta. Ngược lại, trong công việc sáng tạo, nhà văn ở vào vị trí đầu mối của những giao cảm tinh thần. Mỗi tác phẩm của anh ta đều có dáng dấp một ngôi trường, một hiệu sách, một lối ứng xử. Còn giá trị của nó đến đâu thì chỉ có nhà văn mới biết rõ hơn ai hết.

Phát triển trên một mảnh đất từng được chọn là trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa của đất nước, văn học, nghệ thuật Thừa Thiên Huế được kế thừa một di sản tinh thần vô cùng giàu có và đặc sắc. Nó đã từng tạo được những mẫu mực để cả nước noi theo, những hào quang để thiên hạ soi chiếu. Bao nhiêu năm đã là như vậy. Và cho đến bây giờ, người ta vẫn không chịu thay đổi thói quen đó. Người ta vẫn không muốn nghĩ về Huế khác. Vậy thì yêu cầu đỉnh cao với hai phẩm chất tinh hoa và bản sắc là yêu cầu có tính lịch sử và khách quan đặt ra cho sự phát triển văn học, nghệ thuật của Cố đô Huế. Và chỉ bằng cách đó Huế mới mãi mãi là Huế đúng như hình ảnh trong ký ức tinh thần của cả nước.

Hà Nội 27/3/2012
H.T
(SH279/5-12)










 

Các bài mới
Vâlmki (25/05/2012)
Tổ chim há mồm (21/05/2012)
Các bài đã đăng
Con mơ thấy Bác (18/05/2012)
Đỉnh cao (17/05/2012)