Tạp chí Sông Hương - Số 279 (T.5-12)
Về bản di ngôn của nhà cách mạng Thái Phiên
10:47 | 21/05/2012

…Trời chung không đội với thù Tây
Quyết trả ơn vua, nợ nước nầy.
Một mối ba giềng xin giữ chặt
Thân dù thác xuống rạng đài mây.

                  (Trần Cao Vân)

Về bản di ngôn của nhà cách mạng Thái Phiên
Tượng nhà chí sĩ Thái Phiên ở nhà thờ tộc Thái - Ảnh: TL

NGUYỄN TRƯƠNG ĐÀN

I. Phút cuối cùng gửi lại những di ngôn

Những giờ phút cuối cùng trước khi trở về Cõi Vĩnh Hằng của các nhà chí sĩ khởi xướng cuộc khởi nghĩa tháng Năm năm Bính Thìn (1916), suốt hơn 95 năm qua, đã từng được các nhà nghiên cứu, các nhà văn, nhà báo... dựng lại, thuật lại và kể lại với nhiều sức tưởng tượng phong phú, với nhiều kịch bản khác nhau. Ví như, nhà nghiên cứu - nhà văn xứ Quảng Nguyễn Văn Xuân đã dành cả một thiên truyện viết rất công phu “Rồi máu lên hương” để truyền lại cho đời những cảm xúc bi hùng của ông về CÁI CHẾT LẪM LIỆT của những ANH HÙNG BẤT TỬ ấy. Ai đã đọc thiên truyện, đến đoạn cuối, đều quặn thắt con tim với tình tiết nàng Ngọc Băng, người vợ trẻ của nhà cách mạng Thái Phiên đã lăn xả đến ôm lấy cái đầu còn đẫm máu của người chồng yêu quý vừa bị đao phủ thủ chém văng xuống pháp trường. Nhà văn Nguyễn Văn Xuân còn tưởng tượng thêm cảnh chính người đao phủ có vẻ rất can trường, hùng hổ lúc bước ra thi hành án, cũng đã bị ngã vật ra sau khi hành quyết nhà cách mạng Thái Phiên. Dường như có một sức mạnh kỳ bí nào đó của những cái chết bất khuất đã vật ngã kẻ sát nhân, làm chùn tay những tên đao phủ hùng hổ nhất.

Đó là sự tưởng tượng của một nhà văn giàu cảm xúc nhằm tôn vinh sự hy sinh của những anh hùng. Nhưng trên thực tế, ngay khi vụ hành quyết diễn ra, một nhà báo vô danh tận mắt mình chứng kiến, cũng đã thuật lại quang cảnh thực sự bi tráng lúc bấy giờ. Tờ NÔNG CỔ MÍN ĐÀM, số ra ngày 8 tháng 6 năm 1916 đã đăng một bài tường thuật dài, trong đó thuật lại cảnh thi hành án chém đối với các chí sĩ Thái Phiên, Trần Cao Vân, Tôn Thất Đề, Nguyễn Quang Siêu ở bãi chém An Hòa, mà tác giả cho biết là diễn ra lúc 4 giờ rưỡi chiều ngày 16/5/1916, còn chí sĩ Trần Cao Vân thì tác giả gọi là một “thầy pháp”. Tác giả bài báo miêu tả: “Đến 4 giờ rưỡi chiều, 4 cái đầu đã rớt xuống, song le cái đầu tiên thầy pháp phải chém 6 lần; mặt trời rọi xuống ngó ghê gớm, hễ gươm chém xuống rồi lại dội lại làm như vậy ai nấy đều day mặt chỗ khác không dám ngó. Ấy là lời thầy pháp đã tiên tri trước như vậy đó. Mấy đứa xử tử không có phiền trách than van chi hết. Chỉ có thầy pháp khi lâm chung có tụng kinh lớn... Trảm huyết như vậy thật là ghê gớm...”.

Tiếng tụng kinh lớn của “thầy pháp” Trần Cao Vân, mà bài báo nhắc đến hẳn không chỉ đơn giản là tiếng tụng kinh như người viết nào đó ngỡ là như vậy. Tác giả bài viết này được nghe chính con cháu cụ Trần Cao Vân kể rằng, trước lúc lâm chung, cụ Trần Cao Vân đã ung dung đọc bài thơ tuyệt mệnh, mà ngày nay con cháu đã khắc lên bia kỷ niệm ở làng Tư Phú quê nhà. Bài thơ đó như sau:

Trung lập càn khôn bất ỷ thiên
Việt Nam văn vật cổ lai truyền
Quân dân cộng chủ tinh thần hội
Thần tử tôn chu nhật nguyệt huyền
Bách Việt sơn hà vô Bạch Xỉ
Nhất Xoang trung nghĩa hữu thanh thiên
Anh hùng để cuộc hưu thành bại
Công luận thiên thu phó sử biên


Dịch:

Trung dung đứng giữa đất trời,
Việt Nam văn vật muôn đời sử xanh
Quân dân cộng chủ phân minh
Tôn Châu nghĩa cả đấu tranh không ngừng
Non sông quyết rửa bụi trần
Một bầu trung nghĩa ngút tầng mây xanh
Anh hùng chi sá bại thành
Nghìn năm công luận phẩm bình về sau


Còn tác giả Trần Trúc Tâm, trong cuốn sách “Chí sĩ Trần Cao Vân” (Nhà xuất bản Đà Nẵng, 1999) khi viết về giây phút cuối cùng của cụ cố mình đã cho biết, đó chính là lúc cụ dõng dạc đọc bài thơ tuyệt mệnh ngay khi những nhát gươm chém xuống:

Trời chung không đội với thù Tây
Quyết trả ơn vua, nợ nước nầy.
Một mối ba giềng xin giữ chặt
Thân dù thác xuống rạng đài mây.


Gần đây, chúng tôi có cơ duyên sưu tầm được tài liệu lưu trữ thuật lại về những khoảnh khắc cuối cùng của chí sĩ Thái Phiên khi rời nhà lao Hộ Thành để đi ra pháp trường. Thật là bất ngờ, vì sự thật được ghi lại vượt hơn trí tưởng tượng của những người bình thường chúng ta. Ông ra đi không lưu lại một áng văn thơ nào, nhưng có lẽ cõi lòng ông đã cảm thấy nhẹ nhàng, thanh thản khi ông đã trao gởi lại được cho người bạn chiến đấu thân thiết những di ngôn cần thiết cho những người kế tục công cuộc đấu tranh yêu nước mà lớp thủ lĩnh như ông chưa kịp hoàn thành. Mọi người đều đã biết rằng, sau khi cuộc khởi nghĩa bất thành, Thái Phiên, Trần Cao Vân, Tôn Thất Đề, Nguyễn Quang Siêu là những thủ lĩnh khởi xướng và tổ chức cuộc khởi nghĩa ấy đều lần lượt sa lưới kẻ thù. Trần Cao Vân thì bị bắt cùng với vua Duy Tân vào buổi trưa 6/5/1916 gần ngôi chùa Thuyền Tôn, dưới chân núi Ngũ Phong, phía tây nam thành phố Huế. Thái Phiên bị bắt vào chiều tối ngày 5/5/1916 ở Truồi, khi ông đang trên đường tìm theo nhà vua, vì ông ngỡ rằng nhà vua đã được Trần Cao Vân dẫn đường đi về phương Nam theo kế hoạch đã định. Ông bị bắt rồi giải trở về Huế. Tôn Thất Đề mãi đến ngày 8/5/1916 mới bị bắt khi ông đang lẩn trốn cũng ở vùng đất Phú Lộc. Chỉ trong mười ngày kể từ sau khi bị bắt cho đến khi ra pháp trường, kẻ địch đã ba lần hỏi cung các ông, tách riêng từng người một, sau đó đưa các ông đối chất với nhau. Tòa án Nam triều được thành lập ngay từ ngày 6/5/1916, hoạt động ráo riết dưới sự chỉ đạo của Khâm sứ, liên tục hỏi cung nhằm tìm và moi cho hết những bí mật của tổ chức và phong trào mà họ coi là cuộc phản loạn, trong đó chắc chắn họ phải truy cho ra những ai đã tham gia chỉ huy cuộc mưu loạn, và những ai còn chưa bị lộ. Những chiến sĩ, nhất là những vị thủ lĩnh như Thái Phiên, Trần Cao Vân, tất nhiên phải khai cung, không thể tránh khỏi. Nhưng, các ông phải tìm mọi cách khai như thế nào đây để lực lượng cách mạng tránh được càng nhiều càng tốt những tổn thất không cần thiết. Ai cũng có thể suy đoán là như vậy. Thực tế những bản khai cung của các thủ lĩnh cũng đã phản ánh như thế. Lần đọc các bản khai của chí sĩ Thái Phiên, có thể thấy, ông đã có một sự nhất quán trong các bản khai, là càng giữ được bao nhiêu những điều bí mật cho lực lượng cách mạng thì càng tốt bấy nhiêu. Cho đến ngay trước khi ra pháp trường đón nhận bản án với hình phạt chém đầu, ông vẫn giữ được những điều bí mật sâu kín nhất của người thủ lĩnh của cả một phong trào trải rộng trên dải đất miền Trung. Nhưng, với niềm tâm niệm gửi gắm lại mai sau, với ý thức trách nhiệm trước sự tiếp nối cho phong trào hoạt động yêu nước sau khi ông phải ra đi, trước khi bước ra khỏi nhà lao Hộ Thành, ông đã trao gửi lại cho một người bạn chiến đấu thân tín nhất đang cùng bị giam cầm trong nhà lao, những lời di ngôn kèm theo một mẩu giấy ghi vắn tắt những bí mật sâu kín nhất. Tài liệu số 56 hiện đang được lưu giữ tại Văn khố Toàn quyền Đông Dương, trong tập Hồ sơ số 65530 thuộc Trung tâm Lưu trữ Quốc gia Aix-en- Provence, nước Cộng hòa Pháp (viết tắt là ANOM_GGI_65530) chính là bản di ngôn của chí sĩ Thái Phiên (xin xem ảnh kèm theo).
 


Khi lưu giữ lại tài liệu này, người Pháp đã ghi chú như sau: “Bản dịch của một trang giấy, có thể là di ngôn của Thái Phiên được viết bằng đầu que diêm đã đốt cháy có than, ngay trước khi ra pháp trường đã được Thái Phiên chuyển cho Lê Châu Hàn đang bị giam tại nhà lao Hộ Thành”.

II. Nội dung của bản Di ngôn

Người Pháp không ghi rõ, bằng cách nào họ đã thu giữ được tờ giấy ấy. Trong nguyên gốc mà chúng tôi sưu tầm được, tài liệu này được ghi dòng chữ bằng mực đỏ có gạch hai gạch chân chữ SECRET nghĩa là MẬT, được viết chéo bên lề bản di ngôn. Cẩn thận hơn, người Pháp còn ghi dưới cùng của tài liệu dòng ghi chú: “Đã được đánh máy bởi một người Âu”. Thế có nghĩa rằng, tài liệu này phải giữ kín đối với bất kỳ người Annam nào, vì phải đề phòng cao nhất, bí mật của di ngôn có thể lọt ra ngoài. Việc đánh máy bản dịch cũng chỉ do người Âu tiến hành. Trong quá trình tìm hiểu, chúng tôi còn biết thêm, chí sĩ Thái Phiên không chỉ để lại di ngôn, mà ít nhất ông còn để lại 5 tài liệu khác mà chúng tôi coi là các di cảo trực tiếp của ông gửi lại cho đời sau. Thí dụ như, trong Báo cáo tình hình chính trị ở Trung Kỳ quý II năm 1916, dài 12 trang do Khâm sứ Le Marchand de Trigon viết ngày 10-7-1916 lưu trữ tại Hồ sơ ANOM_GGI_4199, có đoạn viết: “Trong cuộc họp đêm 27-4-1916 tại làng Miếu Bông cũng đã đưa ra quyết định soạn thảo một bản tuyên ngôn gửi cho quốc dân khi cuộc tổng khởi nghĩa nổ ra. Bản tuyên ngôn do Thái Phiên soạn thảo và được Mai Dị tu chỉnh (trong tài liệu ghi là Mai Nhi, nhưng đối chiếu với các tài liệu khác, thì đúng ra là Mai Dị - TG). Một bản sao của Tuyên ngôn này đã được tìm thấy ở Hội-An...”.
 


Ở tài liệu số 42 ANOM_GGI_65530, là bản báo cáo số 1297, ngày 24-5-1916 của Tổng đốc Quảng Nam gửi cho Công sứ Pháp ở Hội An, đã thuật lại lời của chí sĩ Phan Thành Tài kể rằng, tối 27/4/1916, sau một ngày dự họp ở Miếu Bông trong lễ mừng nhà mới của Tú tài Đỗ Tự, một nhóm rất ít các vị thủ lĩnh chủ chốt của tổ chức cách mạng gồm Thái Phiên, Trần Cao Vân, Phan Thành Tài và Hương Thùy đã kéo về nhà Thái Phiên ở làng Nghi An họp thâu đêm để soạn thảo Bản kế hoạch tổ chức nhà nước mới sẵn sàng thay thế cho hệ thống nhà nước cũ của thực dân và Nam triều, một khi khởi nghĩa thành công. Các tài liệu quý này có thể xem như di cảo quý giá của nhà cách mạng Thái Phiên, mà muốn hiểu thấu đáo bản di ngôn đều phải nghiên cứu các di cảo đó.

Xin được trở lại với bản di ngôn. Như lời ghi chú của người Pháp ở phần đầu tài liệu, thì tài liệu mà họ thu giữ được đã được dịch từ một tờ giấy được coi như Di ngôn của Thái Phiên viết bằng đầu cháy thành than của que diêm trong khoảnh khắc ngay trước khi ông bị dẫn đi hành hình, và do chính Thái Phiên trao lại cho Lê Châu Hàn là tù nhân hiện đang bị giam giữ tại nhà lao Hộ Thành. Tờ di ngôn viết như sau:

Những người Trung Hoa làm môi giới chịu trách nhiệm liên lạc cho các sinh viên Annam đang du học ở Trung Hoa và ở Xiêm, là các ông:

1. NGỌ - nhân viên nhà buôn Trung Hoa TRIỀU HƯNG
2. Trịnh-Quang-Trợ, biệt hiệu MOUTON, người kiểm hóa của Hiệp Hội Thương Mại Đông Dương
3. NGÔ-ĐÔ, nhân viên nhà buôn Trung Hoa “Nghĩa Thành”, chi nhánh Đà Nẵng
Cả ba người nói trên đều là dân Đà Nẵng
Những người phiên dịch chịu trách nhiệm liên lạc, đưa thư tín với các sinh viên đang du học nước ngoài qua môi giới của những người Trung Hoa nói trên gồm các ông:
TRỨ, nhân viên Sở Bưu Điện Đà Nẵng
THÚ, nhân viên Sở Thương chánh Đà Nẵng
KIM, nhân viên Tòa Án Đà Nẵng
Các thủ quỹ của chúng ta là:
Đội MẠI, nhân viên trong nhà ông CUÉRIN, ở Đà Nẵng
Khóa TRÀ, nhà buôn gạo bên cạnh chợ Đà Nẵng


Bản di ngôn vỏn vẹn chỉ có chừng ấy, chỉ có 17 dòng trong nguyên bản dịch tiếng Pháp, và chúng tôi cũng cố gắng giữ đúng 17 dòng khi chuyển ngữ sang tiếng Việt. Nhưng chắc chắn quý độc giả cũng đã thấy rằng, chỉ với chừng ấy dòng chữ, biết bao bí mật đã ẩn chứa sau đó. Trứ, Thú, Kim, đội Mại, Khóa Trà là những ai đây? Và những người Trung Hoa như Ngọ, như Trịnh Quang Trợ, Ngô Đô, các ông là ai? Tại sao Thái Phiên lại trao di ngôn cho Lê Châu Hàn? Lê Châu Hàn là ai, tại sao lại ở tù cùng với Thái Phiên? Để hiểu rõ thêm những bí ẩn đó, chúng tôi xin được phép trình bày với quý độc giả những điều tìm hiểu bước đầu của chúng tôi. Trước hết xin được nêu lên một vài gương mặt đồng chí bí mật mà Thái Phiên đã đề cập trong bản di ngôn.

III. Một vài gương mặt đồng chí bí mật của Thái Phiên

Có thể nói, đọc Di ngôn của Thái Phiên, chúng ta được thấy thêm một thế giới khác mà Thái Phiên đã sống. Những tài liệu từ trước đến nay, đã cho ta biết ở các mức độ khác nhau về các đồng chí, đồng đội, đồng sự của ông hoặc trong tổ chức Duy Tân hội, hoặc trong Việt Nam Quang Phục hội... như Nguyễn Thành, Đỗ Đăng Tuyển, Trần Cao Vân, Phan Thành Tài, Đỗ Tự, Lâm Nhĩ, Tôn Thất Đề, Nguyễn Quang Siêu, Lê Ngung, Nguyễn Sụy, Phạm Cao Chẩm, Lê Châu Hàn v.v.. Giữa những người đồng chí, đồng đội ấy, Thái Phiên có một mối quan hệ gắn bó, và nổi lên hình ảnh của một thủ lĩnh thu hút, tập hợp được mọi người, được mọi người quý trọng. Tài liệu số 60 trong ANOM_GGI_65530 là cuộc thẩm vấn Tôn Thất Đề, cho thấy rõ uy tín của Thái Phiên như nhận xét sau đây mà Tôn Thất Đề thuật lại: “Ba ngày sau, có người đến Cửa Thừa bảo tôi đến bến đò Trường Súng gặp ông Trần Cao Vân. Ở đó, tôi gặp các ông Trần Cao Vân, Huỳnh Anh, Đội Siêu, Năm Hữu, Ký Hàn (Huỳnh Anh là hiệu của Thái Phiên, Ký Hàn chính là Lê Châu Hàn - TG) và một người lạ khoảng 45 tuổi, có vẻ một nhà nho. Tôi nói với họ, vua muốn biết ngày nào khởi sự tấn công. Họ nói rằng đây là một điều quan trọng, chỉ có thể khởi sự vào ngày mùng 5 hoặc ngày mùng 6 thôi. Trong lúc đàm đạo ông Vân cho dọn cơm mời chúng tôi. Chúng tôi ở lại qua đêm để đàm đạo thêm. Tôi hỏi Đội Siêu, ai là những người cầm đầu cuộc nổi dậy. Ông ta trả lời Trần Cao Vân được đề cử làm đại cố vấn vì ông ta thông minh và rất có tài, Huỳnh Anh được đề cử làm Chỉ huy trưởng vì ông ta rất bình dân và có nhiều tin tức từ bên ngoài”. Ở đây, Huỳnh Anh chính là tên hiệu của Thái Phiên. Nhưng chúng ta chưa hề được biết về những người đồng chí, đồng đội, và đồng sự trong hệ thống đường dây hoạt động bí mật mà chắc chắn là Thái Phiên đã dày công xây dựng, cài cắm sâu trong lòng địch, được ngụy trang bề ngoài là những người bình thường như mọi người khác. Họ là những ai? Qua di ngôn và qua tài liệu thẩm vấn Lê Châu Hàn, Lê Cảnh Vận, chúng ta được biết danh tánh một số người là cơ sở của Thái Phiên. Họ đã hoạt động với Thái Phiên như thế nào? Chỉ một vài dòng ngắn ngủi trong các tài liệu cho ta thấy thấp thoáng khuôn mặt những người ấy và hoạt động của họ, còn thì vẫn là một bức màn bí mật bao la. Có thể thấy được rằng những đồng chí bí mật ấy gồm ba loại chính. Một là những người trong đường dây liên lạc với bên ngoài, như ba người Hoa tại Đà Nẵng, là các ông NGỌ, Trịnh Quang Trợ, NGÔ ĐÔ. Hai là những người nằm ngay trong bộ máy hành chính, bộ máy cai trị của thực dân Pháp lúc đó, như các ông Trứ, Thú, Kim, mà trong nguyên bản, người Pháp ghi chú đó là ba người phiên dịch: thông Trứ, thông Thú, thông Kim; ba là những người dân thường hoạt động, lao động, làm ăn bằng nhiều ngành nghề khác nhau, như Đội Mại, Khóa Trá... Trong tài liệu số 58 hồ sơ ANOM_GGI_65530, là cuộc thẩm vấn ngày 23/5/1916 đối với Lê Châu Hàn và Lê Cảnh Vận, các ông còn cho biết thêm, Thái Phiên đã dặn lại với các ông rằng, một người cần liên lạc nữa là một phụ nữ có tên là Cô-Ba-Tị hiện đang ở Cầu Hai, Phú Lộc, là nơi mà Thái Phiên đã đến liên lạc khi trốn từ Huế về phía Nam nhằm đuổi theo nhập đoàn với Hoàng Thượng. Thái Phiên đã gửi lại cho Cô-Ba-Tị cất giữ hàng nghìn đồng. Người Pháp đã nhanh chóng tìm hiểu và biết rằng, Cô-Ba-Tị là một phụ nữ đã nhiều năm sống với một kiểm hóa viên người Trung-Hoa làm việc cho l`U.C.I ở Đà Nẵng. (Chúng tôi chưa có dịp kiểm tra xem l`U.C.I là gì, ở địa chỉ nào?).

Còn một người khác là thông Thú, một trong những cơ sở mà Thái Phiên đề cập đến, người Pháp cũng đã nhanh chóng lần tìm ra lai lịch, sau khi thu giữ được Di ngôn của Thái Phiên. Trong tài liệu số 93 thuộc Hồ sơ ANOM_GGI_65530, còn lưu giữ lại Bức thư số 143 viết ngày 14/6/1916 của ông Blanc, Phó Giám đốc Sở Thương chính Trung kỳ, Đà Nẵng, gửi để báo cáo với Khâm sứ Trung kỳ. Bức thư viết rằng: “Tôi xin trả lời về công văn số 103-S ngày 10/6 năm nay mà Ngài gửi đến. Tôi xin kính báo: Phạm Văn Thú sinh ngày 1 tháng 4 năm 1879 tại làng Thái Dương Hạ, tổng Vĩnh Trị, huyện Hương Trà, tỉnh Thừa Thiên, vào làm việc ở Sở Thương Chánh ngày 16 tháng 3 năm 1901 sau khi sang Pháp ở vào các năm 1899 đến 1900 khi đi theo phục vụ kỹ sư Công chính M. Dejoux.

Từ khi vào làm việc, Thú đã làm vừa lòng các sếp của mình. Trong thời gian làm việc, vào năm 1911 bị nghi ngờ nhận hối lộ, song không có bằng cớ nên không bị khiển trách hoặc thay đổi chức vụ. Thú thông minh, hiểu kỹ tiếng Pháp, nói trôi chảy. Cho đến nay, Thú chưa bao giờ bị chỉ trích. Vào năm 1908, khi có cuộc nổi loạn ở Dong-Bao, Thú đang ở Dégi (Đề ghi - là một địa danh ở tỉnh Bình Định - TG), nơi đây những tên cầm đầu phiến loạn đều có những đồ đệ. Thú vẫn giữ thái độ đúng đắn.

Thưa Ngài Khâm sứ. Đó là những thông tin tôi có được về Thú. Cảnh sát Đà Nẵng có thể đã cung cấp cho Ngài nhiều thông tin hơn tôi về hạnh kiểm cũng như việc giao thiệp của Thú hiện nay.

Trong trường hợp nhân vật này bị tình nghi tôi nóng lòng chờ đợi ý kiến của Ngài về việc tách người này ra khỏi các trạm, không giao việc để người này không thể tự do hành động đi ngược lại ý định của chúng ta.

Tôi muốn nói thêm, Thú đã nổi tiếng đến tai ngài vì đã cứu sống được 8 người trong trận bão vừa qua tại Đà Nẵng. Với hành động dũng cảm đó, Thú đã được đề nghị tặng thưởng Huân chương bạc danh dự. Nếu xét thấy người thư ký này không xứng đáng được nhận phần thưởng đó, xin Ngài Khâm sứ hãy báo cho Ngài Toàn quyền Đông Dương càng sớm càng tốt. Ký tên: Blanc”.

Đó là một trong những gương mặt là cơ sở, là đồng chí của Thái Phiên trong khi ông vận động quần chúng nhân dân tham gia vào phong trào đấu tranh yêu nước. Còn biết bao gương mặt khác nữa mà chúng ta chưa có dịp biết tới, là đồng chí, đồng đội, là cơ sở của nhà cách mạng Thái Phiên và các chiến hữu của ông?
 

Lễ công bố Quyết định xếp hạng di tích nhà thờ tộc Thái - Ảnh: TL


IV. Lê Châu Hàn là ai? Ông đã tham gia khởi nghĩa như thế nào?

Chắc chắn rằng rất nhiếu độc giả đã nghe tên và hiểu biết ít nhiều về cuộc đời và sự nghiệp của ông Lê Châu Hàn. Nhưng để quý độc giả tiện theo dõi, chúng tôi xin nêu tóm tắt ở đây thân thế và sự nghiệp của ông, dẫn theo tài liệu của các nhà nghiên cứu đi trước. Trong cuốn “Quảng Nam trong hành trình mở cõi và giữ nước” (Nxb Tổng hợp TP Hồ Chí Minh, năm 2005), ở trang 585, tác giả Nguyễn Q. Thắng, cho biết: “Lê Cảnh Hàn: Chiến sĩ khởi nghĩa Duy Tân năm 1916. Còn gọi là Lê Cảnh Thái, quê làng Mỹ Thị, huyện Diên Phước, phủ Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam (nay thuộc phường Bắc Mỹ An, thành phố Đà Nẵng). Ông sinh trưởng trong một gia đình vọng tộc, con trai Phó đô ngự sử, Triều liệt đại phu, Thị độc học sĩ Lê Hữu Khánh (1850 - 1941), anh trai là Lê Cảnh Vận (Viên Thông). Ông và anh trai thuộc thành phần chủ chốt trong cuộc khởi nghĩa Duy Tân năm 1916 tại Huế. Ông được Ban tham mưu cử phụ trách nổ súng lệnh cho cuộc khởi nghĩa và chỉ huy tiểu đoàn lính khố xanh đánh vào Tòa Khâm sứ Huế. Lê Cảnh Vận chỉ huy đánh đồn Mang Cá (Trấn Bình đài) được đại tá Harmandes hỗ trợ. Cuộc khởi nghĩa bị Pháp dìm trong máu, cả hai anh em bị lưu đày Lao Bảo.”

Ở đây xin quý độc giả lưu ý một vài điều, trước khi tìm hiểu Lê Châu Hàn hoạt động cụ thể thế nào trong cuộc khởi nghĩa và được Thái Phiên tin cậy giao bản di ngôn. Ở tài liệu của Pháp, tên của ông là Lê Châu Hàng, có “g”. Nhưng trong các chú thích cũng chính của các tài liệu của Pháp viết bằng nguyên văn tiếng Hán, thì phải đọc đúng là Hàn.

Còn tác giả Nguyễn Q. Thắng viết là Lê Cảnh Hàn, thì cũng chính là Lê Châu Hàn, vì trong một bản khai của người anh là Lê Cảnh Vận (chúng tôi sẽ nêu ở phần sau), ông viết tên em của ông đầy đủ là Lê Cảnh Châu Hàn. Điều cần lưu ý thứ hai, đó là quê quán của hai anh em chính là làng Mỹ Thị, mà ngày nay là phường Bắc Mỹ An, thành phố Đà Nẵng. Như vậy hai anh em Lê Châu Hàn là đồng hương rất gần với Thái Phiên. Nhưng vào thời kỳ nổ ra cuộc khởi nghĩa thì hai anh em của ông ra ở Huế, ở tại nhà của thân phụ ông là Phó đô ngự sử Lê Hữu Khánh. Theo lời thuật lại của Thái Phiên và anh em nhà họ Lê trong các tài liệu lưu trữ, thì ngôi nhà đó nằm ở vùng Phủ Cam, ngay gần bờ con sông nhỏ chảy từ sông Hương đến An Cựu. Chính Thái Phiên đã dùng ngôi nhà này làm đại bản doanh trong đêm khởi nghĩa đêm mồng 3 rạng sáng 4/5, như những điều Thái Phiên và Lê Cảnh Vận thuật lại, chúng ta sẽ lần lượt biết rõ thêm về sau. Còn sau đây, xin được trình bày với quý độc giả lời thuật lại của chính Lê Châu Hàn về hoạt động khởi nghĩa mà ông tham gia.

“...Ngày 28 tháng 3, vào lúc tôi từ Đà Nẵng trở về Huế, Thái Phiên, trợ lý cố vấn có đến chỗ tôi, cho biết là các người của tổ chức chúng ta lợi dụng cơ hội thuận lợi hiện nay để giành lại Vương quốc của chúng ta, và rằng Trần Cao Vân tin chắc nhà vua đã nhận thức được tình thế đó. Tuy nhiên, các hội viên của chúng ta còn yếu kém không hiểu biết gì về súng ống, phải có sự hỗ trợ của lực lượng bảo an địa phương và các pháo thủ mới tuyển để công việc của chúng ta thành công. Để tuyển mộ người tình nguyện tham gia vào cuộc chiến đấu, chúng ta đã giao trách nhiệm cho vài người, nhưng bây giờ thời cơ khẩn cấp, anh là con người có bản lĩnh, anh phải đi Huế để tuyển mộ các lính pháo binh mới tham gia vào tổ chức của chúng ta. Đó là một công việc cần thiết và khẩn cấp lúc này... Tôi đã nhận nhiệm vụ. Khi tôi ra đi, Thái Phiên trao cho tôi 20 đồng. Đến Huế, tôi có tuyển một số pháo thủ. Tôi nhớ một người quen cũ tên là Sáu Cụt, có số đăng ký 16 và biết anh ta hiện đã là pháo thủ. Một buổi chiều đi dạo, may mắn gặp Sáu Cụt, tôi mời anh ta vào cửa hiệu càphê để trao đổi việc chuẩn bị cho sự nghiệp đấu tranh... Tôi yêu cầu anh ta góp sức với chúng tôi để có sự đồng tình tham gia của các pháo thủ mới. Sáu Cụt vui vẻ chấp nhận trách nhiệm này và trả lời tôi rằng: tôi có trong nhóm 2 pháo thủ của Quảng Ngãi rất dũng cảm, dựa vào đó có thể tin rằng sẽ tuyển được pháo thủ khác, ít nhất cũng được 300 người. Anh ta còn nói thêm rằng có người anh tên Trứ, làm phiên dịch ở Ban tham mưu của cơ quan chỉ huy và rất có ảnh hưởng đối với các pháo thủ... Ngay lập tức, tôi cho người báo với Thái Phiên là công việc của tôi đã được thực hiện thuận lợi. Cùng ngày, Thái Phiên đi Huế để hỏi Sáu Cụt ngày nào có thể tấn công. Thái Phiên đưa cho tôi 30 đồng để phân phát cho các pháo thủ. Đêm ngày 27, tôi gặp Sáu Cụt và dẫn anh ta đến chỗ Thái Phiên để biết các chỉ thị và cũng để cùng với Sáu Cụt gặp Trứ. Đêm tiếp theo Trứ và Sáu Cụt đến thăm chúng tôi trên thuyền đậu ở Thương Bạc gần Hậu Bổ. Tôi trao cho Trứ 20 đồng để chi tiêu cho những việc cần thiết. Ngày mùng một tháng này, Thái Phiên đi Huế. Tôi có kể lại với Thái Phiên là quan hệ giữa Trứ và tôi rất tốt. Đêm ngày mùng 2 tháng này, tôi đi theo hộ vệ chuyến xuất cung của nhà Vua, sau đó, tôi đến chỗ anh trai tôi là Lê Cảnh Vận và gặp Trứ, Sáu Cụt và Thái Phiên ở đó. Thái Phiên nói với tôi rằng Trứ có lòng tốt và giữ vững việc giúp đỡ chúng tôi. Vậy các anh có thể giới thiệu ông ấy với nhà vua để nhà vua biểu dương sự hy sinh và lòng thành thật của ông ta. Tôi lập tức đưa Trứ vào thuyền của nhà Vua. Sau khi Trứ có cuộc gặp với nhà vua như trên, Trứ lại trở lại chỗ anh trai tôi để tỏ rõ nhiệt tình của mình trong công việc với Thái Phiên. Vì thế, Thái Phiên trao cho Trứ 20 đồng để chi tiêu. Sau lúc nhận số tiền như thế, Trứ và Sáu Cụt chia tay chúng tôi và nói là họ đến trại lính để tập luyện cho người của họ tham gia trận tấn công. Còn về súng săn và số đạn do các pháo thủ nhặt được, tôi có nghe một người trong ngự thuyền nói đã đưa súng đó cho Thái Phiên để bắn làm tín hiệu khởi đầu tấn công khi đến giờ quy định...”. (Trích tài liệu số 25, ANOM_GGI_65530).

V. Thái Phiên đã trao Di ngôn cho Lê Châu Hàn như thế nào?

Cũng như em trai của mình - Lê Châu Hàn, người anh trai là Lê Cảnh Vận đã tham gia vào tổ chức yêu nước, và có mặt trong đêm khởi nghĩa. Ông bị bắt ngay sau khi cuộc khởi nghĩa nổ ra nhưng bất thành. Tài liệu số 22 trong ANOM_GGI_65530, Aix-en- Provence, Pháp, cho biết, Trần Cao Vân, Thái Phiên đã sử dụng ngôi nhà của cụ thân sinh hai anh em Lê Cảnh Vận, Lê Cảnh Châu Hàn ở Phủ Cam làm nơi gặp gỡ các đồng chí, đồng đội, và trong đêm khởi nghĩa, thì đây là đại bản doanh họp mặt các người chỉ huy ở các mũi tiến công để kiểm tra công việc và nghe phân công lần cuối nhiệm vụ được giao. Vua Duy Tân cũng đã xuất cung đến một chiếc thuyền ở ngay trước ngôi nhà đó, sau đó được Trần Cao Vân rước đi về các địa điểm để lẩn tránh sự bắt bớ của kẻ thù. Tài liệu số 22 cho biết, chính Trần Cao Vân đã giao nhiệm vụ cho Lê Cảnh Vận. Ông kể lại rằng: “...Đến ngày 27 tháng 3, tôi đi Huế và gặp Trần Cao Vân trên một chiếc thuyền đang đậu ở bến dưới cầu trước ga Huế. Trần Cao Vân cho tôi xem những bức chiếu chỉ. Vì bức chiếu chỉ dài, tôi chỉ ghi nhận được mấy chữ “Giao phó việc khôi phục vương quốc để có nền độc lập”. Tôi nhận thấy các chiếu chỉ đều có đóng ấn của vua... Sau đó tôi đi về nhà (khi bố tôi ở Huế ông đã xây một ngôi nhà ở Phủ Cam). Tôi thuật lại những điều Trần Cao Vân đã nói cho em tôi là Lê Cảnh Châu Hàn biết... Vào đêm mùng 2 tháng 4, tôi đi tới nhà hát thì gặp Sáu Cụt, một người mà tôi quen đã lâu (Sáu Cụt đã từng liên quan tới một vụ án và đã bị tuyên phạt phải lưu đày biệt xứ, nhưng bây giờ thì anh ấy đã được nhận vào làm lính pháo thủ)... Tôi đề nghị với anh là chính anh hãy trở nên một người có thể tham gia thực hiện được những kế hoạch của Nhà Vua nhằm khôi phục được xứ Annam, bởi vì anh là một người có đầy bản lĩnh. Sau đó, tôi dẫn anh ta đến quán café nơi mà em của tôi đang ở đó... Vào 9 giờ rưỡi tối mùng 2, em tôi báo với tôi rằng Hoàng Thượng đã xuất cung, hiện giờ đang ở Phủ Cam, và em tôi bảo tôi đến đó để gặp Ngài. Khi tôi đến đó, tôi thấy Trần Cao Vân và bốn người nữa mà tôi không quen. Chúng tôi xin được thi lễ trước Hoàng Thượng, nhưng Ngài không muốn. Trong lúc chúng tôi tạm biệt Hoàng Thượng thì có một người trong thuyền giao lại cho tôi một khẩu súng với mười viên đạn, bảo tôi giao lại cho Thái Phiên. Khi trở về lại nhà ở của mình, chúng tôi gặp Thái Phiên, Thông Trứ và Sáu Cụt. Tôi không kịp đưa khẩu súng cho Thái Phiên, vì ngay lúc đó Thái Phiên rời đi cùng Thông Trứ và Sáu Cụt. Tôi đợi Thái Phiên đến 11 giờ đêm nhưng không biết sao ông ta không trở lại. Tôi đến tìm ở bến đò trước ga Huế nhưng cũng không tìm thấy thuyền của Hoàng Thượng. Tôi quay về nhà. Chỉ mấy phút sau tôi bị kinh động bởi những tiếng kêu giận dữ của mấy người lính bảo an tới để bắt tôi, và họ tịch thu luôn cả súng, đạn...”.

Như vậy ngay trong đêm khởi nghĩa, Lê Cảnh Vận đã bị bắt. Tiếp sau đó thì các yếu nhân khác của cuộc khởi nghĩa đều lần lượt sa lưới, tất nhiên trong đó có cả Thái Phiên và Lê Châu Hàn. Các ông bị nhốt ở nhà lao Hộ Thành và liên tục bị thẩm vấn. Mãi đến ngày 23/5/1916, sau khi Thái Phiên bị hành quyết một tuần lễ, kẻ thù lại bắt hai anh em Lê Cảnh Vận, Lê Châu Hàn ra hỏi cung lần thứ hai. Chắc chắn là dưới lưỡi lê, họng súng của quân thù, trong vòng uy hiếp gắt gao của cường quyền tàn bạo, và trước sự mất còn của mạng sống, hai anh em không thể chối từ. Tài liệu số 58 trong ANOM_GGI_65530, cho thấy, hai anh em đã chứng kiến những giây phút cuối cùng của Thái Phiên, và được chính Thái Phiên dặn dò lại những điều bí mật của hệ thống tổ chức yêu nước, mà ông đã nhất mực không hé lộ trong bao nhiêu lần thẩm vấn gắt gao của kẻ thù. Tài liệu số 58 dẫn lại bản khai của Lê Châu Hàn và Lê Cảnh Vận vào ngày 23/5/1916 có đoạn như sau: “Vào hôm trước ngày thực hiện bản án, Thái Phiên thổ lộ với chúng tôi những lời gửi gắm như sau: ông biết rằng với tội trạng nghiêm trọng của mình, việc xử trảm đối với ông sẽ xảy đến trong ngày một ngày hai nữa thôi, còn những người không phải thủ phạm như chúng tôi chắc một ngày nào đó sẽ được trả lại tự do. Vì thế ông cầu xin chúng tôi, sau khi được tự do, hãy nói với Phan Thành Tài đến tìm những người phiên dịch là TRỨ, nhân viên Bưu điện Đà Nẵng; THỨ - nhân viên Sở Thương chánh; KIM, nhân viên ở Tòa án Đà Nẵng để họ làm cố vấn cho những người Trung Hoa là ông NGỌ, nhân viên Giáo đoàn Triều Hưng; Trịnh-Quang-Trự (Trợ), người làm mãi biện (kiểm hóa viên) cho ngành vận tải hàng hải Đà Nẵng; NGÔ ĐỒ (ĐÔ) nhân viên bang hội Nghĩa Thành, ông này có thể thấy khi thì ở Đà Nẵng, khi thì ở Hội An để thu thập tình hình và tin tức cho các sinh viên Việt Nam ở Trung Hoa hoặc ở Xiêm, để chuyển tiền cho một người trung gian của những người Trung Hoa và để chu cấp cho những sinh viên khi họ có nhu cầu.

Ông còn dặn, khi tổ chức bí mật cần tài chính, Phan Thành Tài chỉ việc đến ĐỘI MẠI, người giúp việc cho ông CUÉNIN ở Đà Nẵng, và KHÓA TRÁ, người buôn gạo ở gần chợ Hàn (chợ Đà Nẵng)...”.

Như vậy, tài liệu số 58 trong Thư khố Toàn quyền Đông Dương số 65530 đã cho thấy hoàn cảnh nhà chí sĩ Thái Phiên truyền đạt lại di ngôn như thế nào cho các ông Lê Cảnh Vận, Lê Châu Hàn. Trong khi đó, cũng ở Hồ sơ lưu trữ trên đây, tài liệu số 56 là bản Di ngôn của Thái Phiên trước khi rời nhà lao Hộ Thành trao lại cho Lê Châu Hàn. Có thể nói, tài liệu số 58 làm rõ thêm cho bản Di ngôn ở tài liệu số 56. Chúng ta chỉ có thể suy đoán rằng, sau khi đã dặn dò miệng với hai anh em Lê Châu Hàn, Lê Cảnh Vận, như tài liệu số 58 cho biết, Thái Phiên vẫn chưa thể yên lòng, vì có thể cho đến khi ra khỏi tù, phải mất nhiều ngày tháng nữa, sợ rằng các người bạn chiến đấu của mình có thể quên đi những địa chỉ liên hệ thiết yếu của phong trào cách mạng, ông đã tìm mọi cách ghi lại vắn tắt nhất các điều cần thiết để gửi tới một thủ lĩnh của phong trào là nhà cách mạng Phan Thành Tài, mà ông tin rằng Phan Thành Tài vẫn có thể tìm được con đường tiếp nối gây dựng lại sự nghiệp yêu nước của Việt Nam Quang Phục hội Trung Kỳ.

Có cơ hội tra cứu các di cảo của Thái Phiên, chúng tôi có thể khẳng định rằng, nhà yêu nước này đã thể hiện ý chí kiên định là bảo vệ tới mức tối đa những bí mật thiết yếu của phong trào, của tổ chức yêu nước. Ở tài liệu số 14 của Hồ sơ 65530, là cuộc thẩm vấn đầu tiên đối với Thái Phiên, lúc đó có lẽ ông cho rằng kẻ địch chưa thể hiểu rõ vị trí, vai trò của ông trong phong trào đấu tranh cũng như trong cuộc khởi nghĩa vừa nổ ra, nên ông đã có một đối sách là chỉ khai mập mờ, loanh quanh, làm ra vẻ ông chỉ là một nhân vật thứ yếu, thụ động, không biết gì nhiều về cuộc khởi nghĩa, quá lắm thì cũng chỉ là người bị lôi cuốn theo mà thôi. Cho nên trong cuộc thẩm vấn này, ông không đề cập gì đến mối quan hệ với các tổ chức cách mạng ở nước ngoài. Nhưng ở các tài liệu số 29 và số 48, là các lần thẩm vấn thứ hai và thứ ba, kẻ thù đã biết chắc vị thế của ông, họ đã ghi rõ rằng, ông là Phó Cố vấn của Hoàng đế, là Tổng chỉ huy cuộc tấn công vào Kinh Đô, Thái Phiên đã có một thái độ khác hẳn. Ông đàng hoàng nhận lãnh vị thế thủ lĩnh của mình, và ông biết chắc chắn, kẻ thù sẽ khai thác ở ông mọi điều bí mật mà ông có thể nắm giữ. Vậy nên, ông chủ động đề cập đến mối quan hệ giữa tổ chức cách mạng trong nước với các tổ chức yêu nước ở nước ngoài lúc bấy giờ. Nhưng ông đã nghĩ ra cách đề cập làm sao vẫn bảo vệ được đường giây liên lạc, mà kẻ địch không thể khai thác được, hoặc chúng có nghi ngờ thì vẫn không thể buộc tội được ông, hoặc cũng không vì ông mà lần tìm ra các đầu mối liên lạc đó. Ở tài liệu 29 là lần thẩm vấn thứ hai, ông cho biết rằng: “Vào tháng Giêng năm nay, có hai người đàn ông ăn mặc y phục Trung Hoa đến gặp và nói với tôi rằng họ được sinh viên Việt Nam ở Trung Hoa gởi về để thông báo cho tôi việc chuẩn bị khởi nghĩa của những người tị nạn ở Trung Hoa đã hoàn tất. “Chúng tôi muốn các người đồng sự ở trong nước nắm lấy thời cơ thuận lợi này để hướng những người yêu nước vào cuộc tổng nổi dậy ở thời điểm thuận lợi”. Hai người lạ này chỉ có nhiệm vụ thông tin miệng, không để lại dấu vết, thư từ các sinh viên sống ở nước ngoài... Hai người này sau đó bỏ đi và không quay trở lại.”

Đó là tất cả những gì ông nói với kẻ thù về mối quan hệ với những tổ chức cách mạng, yêu nước ở nước ngoài có đường dây liên lạc về trong nước. Còn thì, trong tất cả các lần thẩm vấn, ông không hề đề cập đến các cơ sở cách mạng mà tổ chức đã dày công xây dựng, cài cắm trong bộ máy của kẻ thù, như trong bản Di ngôn đến phút lâm chung ông gửi lại cho người bạn chiến đấu, không may rơi vào tay kẻ thù. Đó chính là bản lĩnh thiết yếu nhất của một người thủ lĩnh nòng cốt của phong trào yêu nước ở bất cứ nơi đâu và bất cứ thời kỳ nào của lịch sử.

N.T.Đ
(SH279/5-12)






 

Các bài mới
Vâlmki (25/05/2012)
Tổ chim há mồm (21/05/2012)
Các bài đã đăng
Con mơ thấy Bác (18/05/2012)
Đỉnh cao (17/05/2012)