HOÀNG PHỦ NGỌC TƯỜNG
(Mạn đàm với nhà văn Quang Huy về Hội nghị quốc tế IBBY 86)
Hôm trước, nhân có việc ghé qua Hội nhà văn, tôi gặp anh Quang Huy trong một cuộc tọa đàm giữa các nhà văn viết cho thiếu nhi. Anh Quang Huy vừa trở về sau một chuyến đi Nhật Bản dài ngày, ở đó anh tham dự Hội nghị lần thứ XX của Tổ chức Quốc Tế về Sách cho Tuổi Trẻ (International Board on Books for Young People, IBBY). Câu chuyện của anh Quang Huy có sức hấp dẫn kỳ lạ đối với tôi: hai cháu bé của tôi đang tuổi đọc sách, và tôi luôn luôn phải đụng đầu với những vấn đề đặt ra từ những cuốn sách dành cho lứa tuổi của các cháu. Thì giờ ở Hà Nội của tôi còn lại quá ít, tôi đến tìm Quang Huy ở phòng biên tập của Nhà xuất bản Văn Học, cố bứt ra cho được một tiếng đồng hồ trong buổi sáng bận rộn của anh, để dành cho bạn đọc Sông Hương. "Với Sông Hương thì mình cảm thấy không nên từ chối". Chúng tôi kéo nhau ra cái bàn nhỏ bỏ trống ngoài hành lang. Quang Huy bắt đầu câu chuyện:
- IBBY gồm hơn 60 nước, cứ hai năm họp một khóa, khóa XXI sắp tới sẽ do một nhà văn Tiệp Khắc làm Chủ tịch. Hội nghị lần thứ XX này họp ở Trung tâm văn hóa Thiếu nhi ở Tôkyô, từ 18 đến 23-8-1986, với 800 đại biểu thuộc 54 nước tham dự. Phe xã hội chủ nghĩa đi gần đầy đủ, đoàn nào cũng khá đông. Riêng Việt Nam chỉ một đại biểu tham dự lần đầu tiên và chưa gia nhập IBBY. Tên của hội nghị lần thứ XX này là: "Hội nghị thế giới về sách thiếu nhi 86" (World Congress on Children's Books 86). Hội nghị thảo luận trên ba chủ đề về văn học thiếu nhi, gồm: a) Mục đích về phương pháp sáng tác cho thiếu nhi, b) Trẻ em là gì? và c) Từ văn học truyền khẩu viết lại cho thiếu nhi như thế nào?
Tôi chậc lưỡi, không nén được thích thú về sự nhạy cảm của các nhà văn thế giới đối với tình hình văn học thiếu nhi khi họ nêu ra các vấn đề như thế; quả thực đó cũng là những vấn đề cấp bách đối với chính chúng ta hiện nay. Tôi ngắt lời Quang Huy, nói nhanh: "Lát nữa chúng ta sẽ trở lại các vấn đề này, bây giờ xin anh cứ tiếp tục".
- Có gần một trăm bản báo cáo để dẫn và tham luận đã đọc tại hội nghị. Riêng Việt Nam, tôi đã tham luận với đề tài "Nhà văn phải là người dẫn dắt các em tới tương lai", thuộc chủ đề thứ nhất. Sau đó người ta chia làm ba nhóm để thảo luận theo ba chủ đề, mỗi nhóm gần khoảng hai trăm nhà văn...
- Chỉ toàn là các nhà văn thôi sao?
- Riêng Nhật Bản cứ đến ba trăm đại biểu, gồm nhiều thành phần: cán bộ thư viện, chủ nhà xuất bản, biên tập viên, giáo viên. Còn hầu hết đều là các nhà văn, và một số đại biểu khác được thế giới đưa lên ngang tầm với các nhà văn, đó là các họa sĩ minh họa sách thiếu nhi. Ở mọi tác phẩm văn học thiếu nhi hiện đại, người ta đều xem họa sĩ minh họa là đồng tác giả, không xếp sau nhà văn như ở ta.
- Đúng! phải là hai tác giả cho cùng một cuốn sách. Nghĩa là nét vẽ của họa sĩ phải là một hành động sáng tạo độc lập, và biểu hiện đúng cách nhìn thế giới của trẻ con, giống như nhà văn phải nói đúng ngôn ngữ của chúng. Tranh minh họa của chúng ta, vẫn thấy như "người lớn" quá.
- Ở hội nghị này - Quang Huy tiếp - người ta làm mọi cái để nhắc nhở rằng trẻ con không phải là người lớn. Chúng tôi có một phần thì giờ đi tham quan các hoạt động về văn hóa, nghệ thuật và vui chơi của thiếu nhi ở Tôkyô. Các hình thức đều hết sức phong phú, sinh động và hấp dẫn và đều bảo tồn văn hóa dân tộc Nhật Bản. Chúng tôi tôi đã xem ở cung thiếu nhi một tiết mục biểu diễn dài chừng một giờ đồng hồ, dưới đầu đề: "Trò chơi của trẻ em Nhật Bản". Mười hai diễn viên gồm sáu nam, sáu nữ, mặc quần áo thời cổ và thao diễn các trò chơi, rất lạ là hầu hết các trò chơi đều rất giống với Việt Nam, như đánh thẻ, đánh khăng, đá cầu, bịt mắt bắt dê, nhảy dây, chồng nụ chồng hoa. Một dàn đồng ca hát những bài đồng dao kèm theo các trò chơi đó. Phải nói là hết sức hấp dẫn, thú vị và đầy tài năng, khán giả thì luôn luôn cười, vỗ tay và mê say. Bỗng nhiên hiện lên một tấm bảng với dòng chữ: "Đây là những trò chơi cổ truyền của trẻ em Nhật Bản. Tiếc rằng những trò chơi đẹp đẽ này đã bị trẻ em Nhật Bản và nhiều nước quên mất đi, và người ta lại thích những trò chơi khác!!!". Mọi người cười ồ lên, và đóng màn. Đấy là những trò chơi hồn nhiên, trong sáng, nhân đạo, khác với bây giờ người ta bày cho trẻ con chơi súng ống, điện tử và bao hàm cả cách giết người...
Quang Huy châm thuốc hút và chợt nhiên im lặng, không hiểu đang nghĩ gì, hình như anh muốn truyền sang tôi một ý thức báo động từ kinh nghiệm sâu xa kia của người Nhật. Tôi biểu lộ sự đồng cảm của mình:
- Còn tôi, tôi nghĩ đến những con gà đất lộng lẫy vẫn gáy giọng trầm ấm bằng chính hơi thở của tôi suốt thời thơ ấu. Mười năm qua, tôi chạy đi kiếm khắp nơi con gà đất kia cho các con tôi nhưng không còn tìm đâu thấy. Con gà đất sau cùng đã vỡ tan trước khi các con tôi ra đời, và bây giờ tất cả thế giới của chúng được bày biện trên những món đồ nhựa. Và quả nhiên, giữa những mớ đồ chơi bằng chất plastic sặc sỡ và vô hồn, tôi thường bắt gặp một nỗi chán chường rất già trong đôi mắt trẻ thơ của chúng. Có cần một cuốn sách để nói về điều đó không?
- Không phải là một mà là tất cả mọi cuốn sách. Quang Huy cười nhẹ nhàng. Anh nghiêng nhìn đồng hồ, như chợt nhớ ra, nói thực nhanh:
- Tiếng nói của thế giới, với các chế độ chính trị khác nhau đều hầu như nhất trí về điều này: là phải cấp tốc đem hết tài nghệ của mình để giáo dục thiếu nhi. Vì chỉ trong năm đến mười năm nữa các em đã trở thành người chủ xã hội; tiếp đến là thế hệ khác, và cuộc bàn giao giữa các thế hệ là liên tục, không lúc nào có thể ngừng lại. Người ta nhấn mạnh rằng văn học thiếu nhi còn phải sắc nhọn và đậm nét hơn cả văn học cho người lớn, bởi vì chúng ta là người của hiện tại, trong khi các em thuộc về tương lai. Không thể nào viết như ta đang đọc mà cho các độc giả của thế kỷ XXI, với một thế giới biến đổi không lường nổi, cùng với mọi vấn đề nhân văn sẽ đặt ra lúc đó, và nhà văn phải gắng tiên đoán được ngay từ bây giờ. Các em đều đang khởi hành đi tới thế giới đó và trách nhiệm của chúng ta là chuẩn bị một cách đầy đủ, không thể bỏ mặc các em trong cuộc hành trình đầy mạo hiểm mà chúng đã thực sự bắt đầu một cách vô thức...
Một vấn đề khác được nhấn mạnh ở hội nghị, Quang Huy tiếp, là phương pháp nói với các em qua cuốn sách. Người ta kịch liệt chống giáo điều, chống máy móc, chống lại tất cả những gì là cứng nhắc trong văn học trẻ em. Ngôn ngữ văn học ở đây phải đầy yếu tố tưởng tượng, yếu tố lộng lẫy và kỳ diệu, nếu không thì lập tức các em sẽ không đọc. Việt Nam có thể bị nhược điểm đậm, nhưng thế giới cũng mắc phải cái này. Sách sao chép đời sống một cách quá thật và đơn điệu, và giơ ngọn roi răn đe lên trước mắt trẻ thơ một cách lộ liễu: "không được làm cái này, không được làm cái kia"...
- Đúng thế, vẫn là lối giáo huấn gia trưởng xưa kia: "thương cho roi cho vọt". Nhưng mà trong dân gian vẫn tồn tại một phương pháp giáo dục thiếu nhi dịu dàng và tôn trọng tính cách của trẻ con hơn, đó là sự dạy dỗ thông qua hệ thống hình tượng của những bà Tiên, những ông Bụt. Nhưng mà anh Quang Huy (tôi tò mò), anh có thể cho một điển hình cụ thể hơn hay không, về điều anh vừa nói ấy mà...
- Tôi có mang về một ít cuốn sách như vậy, tiếc là hành lý của tôi chưa đến kịp. Ví dụ một cuốn sách đơn giản: "Mặc quần áo như thế nào". Cuốn này của một nhà văn Nhật, đã dịch ra hơn mười thứ tiếng, riêng Nhật Bản cũng in ra bốn thứ ngoại ngữ, Anh, Pháp Đức và Trung Hoa. Nó vẽ một con gấu con ngộ nghĩnh. Gấu lấy một cái quần đùi mặc vào thân thì hơi giống cái áo, nhưng vẫn có cái gì chưa hợp lý, nó đội lên đầu làm mũ. Mũ lại thừa ra hai ống, nó mặc xuống chân, mặc ngược ống, rồi xoay chiều lại cho xuôi, thế là ổn. Cái áo cũng loay hoay như vậy một hồi. Rồi đi giày: lắp giày vào hai bàn tay, vào hai tai (như ống nghe), cuối cùng nó đặt được giày vào hai bàn chân. Tôi cho rằng không phải chỉ là việc dạy cách ăn mặc, mà chính là nói với các cháu: "Tất cả các vật đều phải đúng chỗ". Từ đó, câu chuyện có tính triết lý rất cao. Hình ảnh thì hết sức ngộ nghĩnh, hấp dẫn, nghệ thuật vẽ phải nói là tuyệt vời; chưa nói đến chuyện in ấn bìa giấy chữ nghĩa quá đẹp. Quyển sách đó gây cho tôi những sự chú ý: nghĩa lý cao, hình thức đẹp, hấp dẫn thú vị... Theo tôi, nó đạt yêu cầu của một sách văn học thiếu nhi. Nó khiến cho các nhà văn theo thói quen, cứ tưởng là không có ý nghĩa gì, nhưng càng ngẫm càng thấy hay. Văn học luôn luôn giăng bẫy, bằng cách làm người ta tưởng là không có gì, nhưng lại có rất nhiều ở trong đó. Văn học thiếu nhi càng phải coi trọng hơn cái cách biểu hiện như thế... À, mà còn một điều khác cũng rất quan trọng.
- Xin anh đừng bỏ qua bất cứ điều gì mà anh thấy là quan trọng.
- Trong tất cả các phương pháp - Quang Huy tiếp - có một cái không thể thiếu, là gây cười. Đặc trưng của thiếu nhi là vừa đọc vừa xem, không phải chỉ đọc như người lớn. Do đó, họa sĩ mới là đồng-tác-giả, sách Việt Nam mới chỉ đọc là chủ yếu, chưa chú ý đến vẽ. Tất cả các em đọc và xem như thế đều cười rúc rích. Uy-mua là một thế mạnh, và như là bản chất của văn học thiếu nhi. Đạo mạo, trang nghiêm, già cả đều là những yếu tố chống lại văn học thiếu nhi.
Tôi ngắt lời:
- Có lẽ điều này phải trở thành nguyên tắc, trước hết là trong việc minh họa các sách giáo khoa cho trẻ em. Anh Quang Huy, tôi nghe anh có dự một khóa huấn luyện về sáng tác văn học thiếu nhi ở bên đó. Anh có thể thông báo thêm một vài nét về sự kiện đó không?
- Vâng, tôi sẽ cố gắng ngắn gọn. Khóa này kéo dài suốt 23 ngày, cũng tại Tôkyô, do Trung tâm văn hóa Châu Á và Thái Bình Dương (ACCU) thuộc UNESCO tổ chức. Diễn đàn gồm nhiều nhà văn có uy tín của thế giới đến báo cáo, bản thân các học viên cũng báo cáo, tham luận và đi tham quan các hoạt động văn hóa thiếu nhi ở nhiều tỉnh trên nước Nhật. Qua khóa này, tôi thấy thế giới rất quan tâm đến sáng tác văn học thiếu nhi; và những nhà văn chuyên sáng tác cho thiếu nhi đều giành được một uy tín xã hội và văn học rất lớn, tên tuổi lừng lẫy. Vì thế, IBBY thường xuyên trao "giải thưởng văn học Anđecxen", năm nay giải được trao cho một nữ văn sĩ nước Áo cùng với họa sĩ đồng tác giả. Nhà văn Liên Xô Mikhancốp đã từng được trao giải này, và cũng từng là Chủ tịch một khóa của IBBY…
- Đúng, tất cả sự nghiệp đồ sộ của Mikhancôp là dành cho các cháu. Năm 1984, tôi có gặp ông tại Hội nghị quốc tế các nhà văn lần thứ V ở Xôphia ; ông là trưởng đoàn đại biểu các nhà văn Liên Xô. Cùng đứng trong thang máy, đọc thấy tên ông trên ve áo, anh Phan Tứ ôm chầm lấy ông và reo lên: "Ồ, Mikhancốp, tôi là độc giả trung thành của đồng chí". Mang kính lão tóc bạc, ria bạc, ông mỉm cười thật là hiền, hiền như bố già, làm tôi thấy Phan Tứ như là trẻ thơ trở lại.
Tôi dừng lại dòng liên tưởng, vẫn còn bâng khuâng vì sức lao động không mệt mỏi của các nhà văn như Mikhancốp đã dành cho tuổi ấu thơ. Hà Nội kéo còi đúng trưa nghe đến tức ngực, các bàn chung quanh đều đã vắng người từ bao giờ. Nhưng Quang Huy vẫn bền bỉ ngồi châm thuốc, để tùy tôi. Tôi vội vã trong một câu hỏi cuối cùng:
- Anh Quang Huy, anh nghĩ gì?
Quang Huy như nhớ ra cái gì, mò mò trong cặp ra một hộp Craven A (quà từ Nhật) chỉ còn lại mấy điếu, châm lửa mời tôi. Có lẽ đó là cử chỉ để tôi yên lòng, rằng đã không làm phiền anh quá nhiều.
- Đúng hơn tôi sẽ nói: "Tôi mong gì?" Quang Huy lại cười dịu dàng - Tôi công tác ở Nhà xuất bản Văn Học. Ở Nhật, tôi có tham quan một Nhà xuất bản tổng hợp rất lớn, là nhà Kodansha. Nhà xuất bản này tự làm chủ lấy một quy trình khép kín, từ Nhà xuất bản - Nhà in - và phát hành. Nó có cả một ban chuyên xuất bản sách thiếu nhi mà Nhà xuất bản Văn Học của ta không có. Nếu chỉ chuyên cho sách thiếu nhi như Kim Đồng của ta, thì họ đã có đến 17 Nhà xuất bản. Còn cái Nhà xuất bản tổng hợp này thì mỗi năm vẫn in ra 200 đầu sách thiếu nhi bằng bốn thứ tiếng. Tôi mong ước Nhà xuất bản Văn Học của ta sẽ bao gồm cả bộ phận ấy.
Họ còn có đến 15 tạp chí văn học nghệ thuật cho thiếu nhi. Tiếc rằng mình không có một tạp chí nào, ít ra cũng cần có một cơ sở như thế.
Thế nữa, tại hội nghị vừa rồi, hơn năm chục phần trăm các đại biểu là nữ. Tức là, vai trò của các nhà văn nữ là hết sức quan trọng trong văn học thiếu nhi. Điều này Hội nhà văn ta chưa làm được. Tại tất cả hội nghị văn học thiếu nhi trong nước mà tôi đã tới dự thì tỷ lệ nữ luôn luôn chỉ khoảng 1/10. Vấn đề đào tạo và chính sách nhằm phát triển lực lượng nhà văn nữ ở ta do đó, càng trở nên cần thiết, để phát triển văn học thiếu nhi. Và điều cuối cùng, tôi mong rằng giữa các nhà văn và các họa sĩ minh họa sách thiếu nhi luôn luôn có những hội nghị trao đổi. Phải đưa việc minh họa sách lên đúng tầm quan trọng của nó ngang hàng với văn. Nhật Bản có đến 1.500 họa sĩ minh họa sách, chủ yếu là sách thiếu nhi, đội ngũ này rất lớn, đầy tài năng và đã từng dành nhiều giải thưởng quốc tế lớn. Có lẽ ta, ta cũng phải biết mong ước...
Tôi thực không có nhiều thì giờ để viết báo, nhưng tôi rất cảm ơn anh Quang Huy đã dành cho Sông Hương những thông báo rất cần thiết này, trong một tiếng đồng hồ vội vã, những thông báo bắt buộc mỗi người chúng ta phải suy nghĩ. Tôi đọc lại bản tham luận của đại biểu Nhà văn Việt Nam trong Hội nghị IBBY 86: "Ở nước Việt Nam, chúng tôi đang chuẩn bị tốt cho con cái chúng tôi trở thành những con người xã hội chủ nghĩa của thế kỷ XXI, những con người vừa mang những đức tính tốt của quá khứ, vừa có đủ năng lực để chinh phục tương lai, những con người gắn bó với Tổ quốc nhưng không xa lạ với nhân loại, những con người biết yêu chuyện cổ tích nhưng lại biết phát minh ra những máy móc của khoa học hiện đại". Tôi nhất trí với những ý tưởng sâu sắc đã được phát biểu, rằng chúng ta đã nhìn thấy cốt lõi của vấn đề và xác định được tầm quan trọng của sứ mệnh. Điều còn lại làm cho tôi nặng lòng, là liệu chúng ta đã thực sự chuẩn bị tốt cho các cháu hay chưa?
Hà Nội, 10-1986
H.P.N.T.
(SH22/12-86)