TRẦN ĐỘ
(Trích)
… Bây giờ ta mạnh dạn bước sang bàn một vấn đề còn khó khăn hơn: "Bản sắc dân tộc trong văn hoá Việt Nam là gì?" hay "Bản sắc văn hoá của dân tộc Việt Nam là gì?".
Trước hết ta hãy xem: Nó là một cái gì đó hay nó là những cái gì đó.
Thực ra bản sắc dân tộc mà quy vào "một cái gì" thì khó. Bản sắc vốn là cái gì trừu tượng biến hóa uyển chuyển linh hoạt. Nó là một, nhưng lại là nhiều, là nhiều nhưng tụ lại, lại là một. Nếu là nhiều cái có thể thu xếp để liệt kê, để cộng lại thì lại thành ra liệt kê bảng giá trị truyền thống và, khó có sự biểu hiện nhất quán. Nhưng nếu là một cái thì làm sao nó mô tả hết được cái phong phú, cái lung linh của diện mạo tinh thần của một dân tộc, một con người. Cho nên, tôi tạm cho rằng nó là "một" nhưng cái "một" này là một đặc biệt, nó biến hóa, nó lung linh, nó có thể nhìn ra "nhiều", cái "nhiều" này nó xen cài nhau, quấn quít, hòa trộn nhau vào trong "một".
Còn anh nêu lên - anh không có ý định nêu lên, nhưng tôi lượm ra - một cái là cái Anh hùng bình dị. Như thế cái tính cách chung của Việt Nam là anh hùng, anh hùng nhưng bình dị, không khoa trương, không cường điệu, không ầm ĩ. Bình dị nhưng lại rất anh hùng. Một thứ anh hùng bình dị, và một số bình dị rất anh hùng. Anh bộ đội Việt Nam, anh bộ đội Cụ Hồ trong suốt thời gian của cuộc kháng chiến dài mấy chục năm thật là một hình ảnh sinh động và rõ rệt của cái chất anh hùng bình dị - Bất cứ ai gặp và nhìn thấy, tiếp xúc với các chiến sĩ của ta đều có ấn tượng rất rõ rệt. Sao mà anh ta hiền thế. Đúng. Anh rất hiền, rất khiêm tốn, rất "bình thường", nhiều khi còn có thẹn nữa. Thế nhưng anh lại làm nhiều chuyện phi thường, lập nhiều chiến công kỳ diệu, nhiều hành động anh hùng thật lẫm liệt. Anh lập những chiến công lớn cũng lại bình thường như anh lao động, học tập hàng ngày. Anh có cuộc sống thật bình dị anh hùng, thật Việt Nam! Có thể nói, tôi rất thích cái khái quát này, nhưng tôi vẫn e nó chưa chứa đựng hết, dù cho chỉ là hết những điều chủ yếu nhất. Tôi xin lượm thêm nhiều ý kiến đưa ra một cách diễn giải khác. Cách diễn giải này chỉ ra bản sắc Việt Nam có ba điểm (hay ba mặt) ba mặt này quyện lại xoay quanh một cái, một cái đó nếu tìm cho nó một tên gọi thì chỉ có thể gọi đó là cái Việt Nam, cái chất Việt Nam, cái tính cách Việt Nam, tâm hồn Việt Nam.
Ba điểm hay ba mặt này có thể coi như ba đặc điểm của dân tộc, hay ba giá trị tinh thần của dân tộc ta. Nhưng nếu nói đặc điểm thì chỉ nêu ba đặc điểm là không đủ. Và nếu nói giá trị thì lại càng không đủ. Những giá trị tinh thần của dân tộc còn nhiều và phong phú lắm. Giáo sư Trần Văn Giàu đã nêu lên một bảng giá trị có 7 giá trị. Vì có lẽ cũng có thể có nhiều cách nêu bảng giá trị khác nhau. Ở đây tôi thử tìm cái gì gọi là cái tinh túy, cái cốt lõi của cái giá trị là những cái biểu hiện chủ yếu của cái gọi là bản sắc dân tộc theo quan niệm như đã nêu ở phần trên.
Ba điểm (hay ba mặt) đó là:
- Tinh thần yêu nước kiên cường anh hùng sâu sắc trong ý chí.
- Tính cách bình dị của tâm hồn.
- Quan hệ giữa người và người là tình nghĩa.
Tinh thần yêu nước Việt Nam đã được ta nói đến nhiều và thế giới cũng nói đến nhiều. Đến nay bàn thêm cũng khó có điều gì nói thêm được. Nhìn lại ta thấy tinh thần yêu nước Việt Nam nói lên mấy nét: rất kiên cường anh hùng bền vững và sâu sắc, tinh thần yêu nước gắn liền với ý thức cội nguồn, tôn trọng yêu mến cội nguồn tổ tiên, thờ phụng tổ tiên như một lẽ sống mỗi người. Điều đó ăn sâu trong mỗi người, có lúc nó bị chìm hẳn đi, hầu như bị quên mất hẳn, nhưng mỗi khi có điều kiện khơi dậy nó lại bùng cháy mãnh liệt làm nên sức mạnh tinh thần to lớn. Chúng ta đều thấy lịch sử dân tộc ta đã mất đến 1.000 năm Bắc thuộc, mất nước thế nhưng không ai quên ông Tổ mình là vua Hùng, không ai quên nguồn gốc mình là từ "con rồng cháu tiên" cao quý. Ngay từ rất sớm Hai Bà Trưng nổi dậy cũng với ý thức "nối nghiệp vua Hùng". Tất cả các lãnh tụ khởi nghĩa chống ngoại xâm sau này đều nêu cao nguồn gốc dân tộc để động viên tập hợp nhân dân chiến đấu. Cho đến ngày nay câu nói của Bác Hồ xúc động sâu xa lòng người nhiều cũng là câu "Vua Hùng đã có công dựng nước, Bác cháu ta phải cùng nhau giữ nước". Người Việt Nam dù cho dưới thời phong kiến, yêu nước không phải là yêu vua mà là yêu đất nước, quê hương, tổ tiên. Ông vua nào chiến đấu cho tình yêu ấy thì cũng được dân tin yêu, dân tin yêu vua không phải vì vua là con trời, là vua chịu mệnh trời mà là vua thay mặt nhân dân lãnh đạo nhân dân bảo vệ lấy đất nước, quê hương và nguồn gốc tổ tiên. Ông vua nào làm ngược lại thì nhân dân khinh ghét và sẵn sàng chống lại. Nơi thiêng liêng nhất của mỗi người Việt Nam là "Mả Tổ", ngày thiêng liêng nhất là ngày "giỗ Tổ", hành động xúc phạm nhất là hành động "đào mả Tổ", lời chửi cay độc nhất cũng là lời chửi dọa "đào mả Tổ".
Yêu nước là một tình cảm ăn vào máu thịt người Việt Nam, không bao giờ nguôi, không bao giờ quên, không bao giờ nhạt, không bao giờ mất. Chỉ có lúc dân ta phải che dấu nó đến khi ta có quyền, có điều kiện thì lại bộc lộ ra đầy đủ - tất nhiên vẫn phải loại trừ một số nhỏ người "mất gốc". Vì vậy chúng ta có nhiều cuộc chiến đấu dành độc lập kiên cường rất dài ngày. Nhà Trần ba lần chuẩn bị và tiến hành kháng chiến trong 20 năm, Lê Lợi mười năm, Hồ Chí Minh ba mươi năm, phiêu bạt tìm đường cứu nước và cuộc chiến đấu toàn dân ba mươi năm nữa. Có nhiều chiến sĩ dành nửa đời hoặc cả đời người chịu một cuộc sống trăm nghìn gian khổ, cực nhục vẫn nuôi chí bền cứu nước. Có những cuộc vùng dậy với khí thế nhất tề như vũ bão đánh bạt mọi uy vũ, mọi sự đe dọa của ngoại bang, có những địa phương, những nhóm người mà quân xâm lược tưởng đã hoàn toàn khuất phục được bất ngờ lại quật lại ngay trong lòng và sau lưng chúng v.v…
Thật là một tinh thần tình yêu nước mang bản sắc Việt Nam.
Bình dị là một nét đẹp Việt Nam. Bình dị không phải là một phẩm chất đạo đức. Nó là một nét đẹp, nét cao cả của tâm hồn. Nó như một hương thơm gồm nhiều mùi hương, như một ánh sáng gồm nhiều màu sắc, hương thơm và ánh sáng ấy tỏa rộng trong không gian với muôn màu muôn vẻ. Bình dị không phải chỉ là giản dị. Bình dị nó hàm chứa cả sự giản dị, sự khiêm tốn, sự đúng mực, vừa phải, sự hồn nhiên, sự nhân hậu, sự khoan dung, độ lượng, nó ngược lại với tính khoa trương, cường điệu, giả tạo, khe khắt, gay gắt, ngược ngạo, hoặc tủn mủn, vụn vặt. Bình dị là lòng yêu thiên nhiên, gần thiên nhiên, gắn với thiên nhiên, hòa với thiên nhiên, là bộc lộ bản chất người một cách chân chất hồn nhiên. Bình dị biểu hiện chủ yếu trong lối sống, và trong thị hiếu thẩm mỹ.
Bình dị là từ trong tâm hồn, từ ở tấm lòng. Con người có tấm lòng bình dị tự nhiên có những hành vi tỏa ra một tình cảm ấm áp đầy sức thuyết phục và cảm hóa người khác. Để thấy rõ nét bình dị trong tính cách và tâm hồn Việt Nam, không gì hơn khi ta nhìn vào Bác Hồ - Không phải ngẫu nhiên mà thế giới gắn hai chữ Việt Nam và Hồ Chí Minh liền nhau. Về mặt bản sắc mà nói thì Việt Nam đồng nghĩa với Hồ Chí Minh và ngược lại, cái bản sắc Việt Nam chính là cái Hồ Chí Minh, cái bản sắc Hồ Chí Minh chính là cái Việt Nam. Ngay từ lần đầu tiên, Bác tiếp xúc công khai với đông đảo đồng bào, câu nói nổi tiếng của Bác: "Tôi nói, đồng bào nghe rõ không?" có sức mạnh cảm hóa phi thường, câu nói ấy xuất phát từ tấm lòng bình dị tràn đầy yêu thương sâu sắc, nó hồn nhiên, nó tất yếu, nó không khác được. Nó không mầu mè, không gượng ép, nó làm Bác hòa vào nhân dân, nhân dân hòa vào Bác. Sau này trong bất cứ cuộc tiếp xúc nào, những cử chỉ của Bác đối với các cụ già, các "cô phụ nữ", "các cháu nhi đồng" đều ấm áp, tự nhiên, thân tình như vậy. Không thể có ai "làm giả" ra được những điều như vậy. Bình dị đi liền với trung thực.
Bác sống một cuộc sống hết sức đơn sơ, giản dị, từ nhà ở, áo mặc, đồ dùng đến cơm ăn nước uống. Không phải Bác cố làm ra cho nó giản dị, không phải Bác cố làm gương cho cán bộ đồng bào noi theo, mà Bác yêu thích như vậy. Tấm lòng Bác như vậy, Bác sống tự nhiên như tấm lòng Bác sai khiến.
Tuy thế bình dị hoàn toàn không có nghĩa là tùy tiện, xuề xòa, là suồng sã. Bình dị có những nguyên tắc rất nghiêm túc của nó.
Bác mặc quần áo rất đơn sơ, dùng những đồ dùng giản dị, không cần cầu kỳ: cái quạt nan, cái mũ lá, đôi dép lốp. Nhưng mỗi khi ta thấy Bác, ta vẫn thấy một tư thế uy nghi của một vị lãnh đạo, một cha già, một người thầy nghiêm khắc và thân ái, hoặc hơn nữa một ông tiên tao nhã, chỉnh tề, ta không thể nào có ấn tượng đứng trước một cái gì gọi là xuề xòa tầm thường.
Đó chính là cái bình dị trong tâm hồn của Người tỏa sáng ra toàn bộ phong thái của Người. Cái bình dị trong Bác Hồ được hun đúc lên do lòng yêu nước, yêu người của Bác sâu sắc và bao la, do cuộc sống của Bác bôn ba năm châu bốn biển, làm nhiều nghề, tiếp xúc với nhiều hạng người. Bác có một vốn sống cực kỳ phong phú và vững chắc, vì vậy trong cuộc sống chiến đấu, công tác cũng như cuộc sống cá nhân hàng ngày, không bao giờ Bác gặp điều gì phải có một chút bỡ ngỡ. Cái bình dị của Bác đạt tới mức ung dung thư thái. Năm 1946, Bác dạy bộ đội chúng tôi một câu, tôi nhớ mãi: "Khi không có giặc coi như có giặc, khi có giặc, coi như không có giặc" và khi Bác đi vắng, Bác dặn cụ Huỳnh ở nhà: "Dĩ bất biến ứng vạn biến" (lấy cái bình tĩnh mà ứng phó với vạn cái biến động). Cái bình dị, ung dung thư thái của Bác đạt tới đỉnh cao, nó có một sức thu phục và cảm hóa hết sức mãnh liệt.
Cái bình dị bao giờ cũng hồn nhiên, cũng biểu hiện hồn nhiên, có hồn nhiên thì mới bình dị, vì vậy bình dị hàm chứa sự khoan dung, sự chân thành, trung thực, hàm chứa tình yêu thương tôn trọng lẫn nhau. Thực ra cũng có những thứ hồn nhiên, trung thực ồn ào, mạnh mẽ khẩn trương, nhưng phong cách Việt Nam là bình dị, là ung dung thư thái, êm dịu, sâu lắng. Tất cả nó thành bình dị. Bình dị là một phong cách Việt Nam. Chính Bác Hồ là người đã kết tinh nhiều vẻ của cái bình dị Việt Nam vào trong phong cách của mình làm nên một cái bình dị Việt Nam với một tầm cao mới, nêu lên một lý tưởng về phong cách mà mọi người Việt Nam đều yêu mến, ngưỡng mộ, hướng tới, ghi nhận lại như là một nét đậm đà của bản sắc Việt Nam trong phong cách sống.
Bình dị Việt Nam còn biểu hiện rõ ở thị hiếu thẩm mỹ và thị hiếu nghệ thuật Việt Nam. Các cảnh quan, công trình xây dựng của người Việt Nam từ lịch sử nhiều năm lưu lại đều để cho người đời những ấn tượng một vừa hai phải, xinh gọn, trang nhã, thân mật gần gũi. Ta không có công trình đồ sộ nguy nga quá cỡ gây những ấn tượng choáng ngợp với con người, cũng không có những tác phẩm nghệ thuật nào quá tỉ mỉ nhỏ bé đến nỗi mắt thường không thể nhìn thấy được. Ta không có những thành cao như núi, nhà chọc trời và hạt gạo có khắc cả một bài thơ v.v… Trong thị hiếu hàng ngày người ta thường nói đến trang nhã, thanh lịch, người ta chê trách những gì lòe loẹt, sặc sỡ, diêm dúa, màu mè. Công trình đồ sộ nhất của ta là hệ thống đê chống lũ lụt của đồng bằng sông Hồng.
Về văn học nghệ thuật, ta không có những trường ca hàng chục ngàn câu, những tiểu thuyết hàng chục ngàn trang và hàng ngàn nhân vật, mà những tác phẩm hay nhất là những bài thơ xinh gọn độ 50 chữ hoặc vài trăm chữ, những bài phú ngót ngàn chữ, những tiểu thuyết thơ, văn xuôi độ 200 - 300 trang.
Bàn về cái bình dị Việt Nam biểu hiện trong thị hiếu thẩm mỹ và thị hiếu nghệ thuật thì đụng phải nhiều vấn đề rộng lớn và phức tạp khó khăn. Trong phạm vi bài này, tôi không đủ sức đi vào, tôi chỉ xin dừng lại bàn sơ sài chút ít về sự ưa thích của người Việt Nam đối với âm thanh (và giai điệu) về màu sắc (và hình dáng) tức là đụng chút ít đến âm nhạc và nghệ thuật tạo hình. Còn khi nói về sự ưa thích cũng là nói nặng về sự ưa thích cổ truyền còn lưu đến bây giờ, chứ không bao quát hết được mọi sự ưa thích ở mọi vùng, mọi thời gian khác nhau và những sự ưa thích lại đang biến đổi.
Đại thể người Việt Nam ta ưa thích những âm thanh và giai điệu êm ả, dịu dàng, dìu dặt réo rắt đơn giản, thích những âm sắc gần thiên nhiên, rút từ chất liệu thiên nhiên, ví dụ tiếng tơ, tiếng trúc, từ tơ tằm, từ cây trúc, ít thích những hòa âm đồ sộ dồn dập kích động. Tất nhiên đây là nói đại thể chứ không phải toàn bộ, tất cả. Những âm thanh gợi nhớ quê hương, gợi nhớ một tình cảm ân tình lưu luyến man mác là tiếng sáo diều, tiếng sáo trúc, tiếng nhị, tiếng đàn nguyệt, đàn bầu, tiếng trống, tiếng mõ (đều từ chất liệu gỗ, tre, da v.v…). Những làn điệu dân ca là những làn điệu chậm rãi ê a, nhạc nhiều, lời ít, láy đi láy lại, mỗi lời như đã được khắc sâu vào người nghe. Tất cả, có thể quyện vào tiếng gió, tiếng sóng, tiếng chim lan tỏa trong không gian, thấm đượm nhẹ nhàng vào lòng người. Nghệ sĩ và thính giả nhiều khi là một đối một, hoặc thính giả chỉ là một nhóm người rất nhỏ trong một không khí gia đình thân thuộc, không có những cuộc diễn tấu đồ sộ ồn ào trừ những ngày lễ hội có rước sách; nhịp điệu thường êm ái nhẹ nhàng.
Có thể coi đó là cái bình dị trong âm nhạc, cái nhẹ nhàng hồn hậu của âm nhạc Việt Nam. Có một hồi rộ lên, đa số thanh niên nhất là ở các thành phố đổ xô nhau vào các loại nhạc nhẹ, thế giới và các tác giả Việt Nam cũng viết nhiều ca khúc, kiểu nhạc nhẹ, các ca sĩ thay đổi cách biểu diễn. Người ta hướng về những âm thanh mạnh mẽ, dồn dập gay gắt, những nhịp điệu kích động, lối biểu diễn gào thét khoa trương. Đó là một hiện tượng có sự đòi hỏi của một sự biến động tâm lý mới, một ảnh hưởng của trào lưu công nghiệp thế giới. Nhưng bình tĩnh lại xem xét, hiện tượng đó không để lại dấu vết sâu xa trong tâm hồn Việt Nam. Có một hiện tượng khác vẫn diễn ra. Người ta vẫn hoan nghênh ưa thích các ca khúc đậm đà âm hưởng của dân ca, bắt nguồn từ các giai điệu dân ca. Một cuộc điều tra của Vụ Nhạc Múa Bộ Văn hoá cho biết khi hỏi các thanh niên về những bài hát ưa thích thì trong 10 bài thanh niên ưa thích, có đến 8 bài là bắt nguồn từ dân ca như "Dáng đứng Bến Tre", "Đất đỏ miền Đông", "Một khúc tâm tình của người Nghệ Tĩnh", v.v… chứ không phải những bài nhịp điệu dồn dập và âm thanh gào thét. Phân tích tình hình này, các đồng chí ở Vụ Nhạc Múa nhận xét: Rõ ràng là thanh niên Việt Nam vẫn mang tâm hồn Việt Nam vẫn ưa thích cái gì vốn là của mình. Nhưng với điều kiện phải được nâng cao, người ta không thể thích dân ca nguyên xi như cũ. Đồng thời số bài hát sáng tác theo mô-típ mô phỏng dân ca hoặc nâng cao dân ca xuất hiện ngày càng nhiều. Các nhạc sĩ sáng tác đều có ý thức sâu sắc khai thác vốn âm nhạc cổ truyền cả trong âm nhạc không lời. Như vậy cái bản sắc dân tộc trong âm nhạc vẫn được các nhạc sĩ trân trọng và được quần chúng (cả thanh niên) ưa thích, thừa nhận và yêu mến. Đó là một chiều hướng phát triển tốt đẹp. Tất nhiên trong lúc có nhiều biến động mạnh mẽ về nhiều mặt, không khỏi có những chuệch choạc chỗ này chỗ khác, nhưng trong chiều đi chung của lịch sử vẫn có một chiều đi tốt đẹp ngày càng được khẳng định, ngày càng được mạnh lên. Bản sắc dân tộc vẫn có một sức mạnh riêng của nó trong cuộc sống. Cuộc sống có đòi hỏi sự phát triển, nhưng nếu sự phát triển được thúc đẩy một cách có ý thức và hợp quy luật thì phần bền vững của bản sắc càng thêm bền vững và bản sắc lại phát triển cao hơn, phong phú hơn. Giữ gìn bản sắc không phải là bảo thủ trì trệ, là hoài cổ, là từ chối mọi sự tiến lên.
Về mặt ưa thích màu sắc lại có nhiều tình hình thú vị. Cũng đại thể mà nói, người Việt Nam ưa thích các màu sắc dịu dàng, nhẹ nhàng, sáng sủa, thanh nhã, hài hòa, ưa thích các màu sắc của thiên nhiên, bắt nguồn từ thiên nhiên.
Người Việt Nam chơi hoa trọng hương hơn trọng sắc, thích những thứ hoa gì màu nhẹ nhưng có hương, như các thứ lan, như hoa ngâu, hoa nhài, hoa huệ, kể cả hoa bưởi, hoa dạ hợp, dạ hương.
Nếu hoa có màu thì thích loại màu nhẹ, dịu như phấn hồng, tím nhạt, vàng nhạt, nếu có màu gắt là những điểm nhỏ li ti của những cánh hoa nhỏ hoặc là những điểm nhỏ trên nền lớn màu nhẹ. Không phải ngẫu nhiên mà hầu như tất cả các màu Việt Nam đều lấy tên của thiên nhiên đặt vào và các tên đó phần lớn ứng vào các màu thuộc gam nhạt, thanh - những tên đó như sau:
Xanh thì có da trời, nước biển, cỏ non, lá mạ, hoa lý, nõn chuối, cỏ úa, cứt ngựa.
Đỏ thì có gấc, son, mặt trời mọc, mào gà.
Đỏ nhạt thì có da cam, gạch non, da bò, gạch cua, lòng tôm, hoa đào.
Nâu thì có vỏ già, gụ, nâu non.
Đen thì có hạt huyền, hạt na, than.
Tím thì có bồ quân, hoa sim, hoa mua, hoa cà, mận chín, quả mồng tơi.
Trắng có trứng gà bóc, hoa huệ, vôi, tuyết.
Tôi không biết thế giới có nước nào có một ngôn ngữ đặt tên màu thú vị như thế hay không? Một màu có thể thật gắt nhưng cho nó một tên quả, tên lá, tên hoa, tự nhiên nó lại nhẹ đi rất nhiều như đỏ như gấc, đỏ như hoa mào gà.
Cái bình dị trong màu sắc chủ yếu là cái dịu dàng, nhẹ nhàng, thanh nhã.
Còn về hình dáng các đồ vật, các công trình nói chung người Việt Nam ưa thích cái nhẹ nhàng, thanh mảnh, thanh thoát, thoáng đạt. Gần đây có rất nhiều công trình kiến trúc hiện đại, tôi thường được nghe những ý kiến nhận xét nặng nề cục mịch. Cho dù công trình có nguy nga, đồ sộ, người ta cũng thích nó thanh thoát nhẹ nhàng. Không biết các nhà kiến trúc nghĩ sao về điều này.
Như vậy thị hiếu thẩm mỹ Việt Nam là một thị hiếu tinh tế hướng tới cái thanh tao, trang nhã gắn với thiên nhiên, hòa vào thiên nhiên, hướng tới một cái đẹp bình dị hồn nhiên, nó nhất quán với cái bình dị hồn nhiên nhân hậu trong phong cách sống, trong phong cách ứng xử của con người tạo nên một bản sắc bình dị Việt Nam gắn với thiên nhiên và hòa vào thiên nhiên, một mặt nói lên trình độ phát triển xã hội: ta mới ở vào thời kỳ tiền công nghiệp. Nhưng nó cũng lại là một bản sắc quý giá. Cái xã hội công nghiệp trong khi công nghiệp hóa đã phá hoại thiên nhiên nhiều, phá vỡ sự cân bằng môi trường, ngày nay chính những người trong xã hội công nghiệp phát triển lại thèm khát thiên nhiên, muốn trở lại với thiên nhiên cho họ. Nhưng thiên nhiên được tạo lại có vẻ đẹp hơn thì vẫn là thiên nhiên giả, họ vẫn tìm đến thiên nhiên thật. Thế mà Việt Nam ta vốn có cái bản sắc quý giá là gần thiên nhiên hòa vào thiên nhiên là một điều thật không dễ gì có được. Cũng như đối với âm thanh, có một hồi, ta thấy xuất hiện nhiều sự ưa thích màu sắc mạnh mẽ và từng mảng lớn: quần áo đỏ, áo có hoa rất to, màu rất gắt, ta cũng thấy hình như có một sự phát triển của thị hiếu phù hợp với sự phát triển công nghiệp. Nhưng hình như nó chỉ rộ lên một thời gian, nhất là mấy năm sau khi thống nhất đất nước, đến bây giờ tuy hiện tượng đó vẫn còn nhưng không còn rầm rộ, ồ ạt, mà chiều hướng chung hầu như lại lắng xuống, người ta lại trở về với bản sắc cổ truyền. Cũng có một tình hình là, các lớp người thường rất sôi nổi và hiếu động, ham chuộng sự mới lạ cuồng nhiệt vào tuổi mới bắt đầu trưởng thành. Khi người ta đã đến tuổi hơi đứng (quãng 30) thì ý thức về nguồn gốc, về cội nguồn mạnh lên, rõ hơn và ý thức về bản sắc rõ rệt hơn.
Đến đây, ta lại gặp vấn đề cần bàn tiếp: Bình dị, đi liền với trung thực, nhân hậu và hồn nhiên, là một nét đẹp của tâm hồn Việt Nam, nét đẹp bình dị đó có thể hoàn toàn phù hợp với yêu cầu thời đại trong sự phát triển xã hội không?
Thời đại hiện nay yêu cầu công nghiệp hóa, yêu cầu khoa học kỹ thuật, yêu cầu quốc tế hóa nhiều mặt ngày càng cao. Do đó con người cần phải khẩn trương, chính xác, phong phú và phải ứng xử trong nhiều điều kiện phức tạp, đa dạng. Vậy bình dị có mặt nào tiêu cực, trở ngại cho những yêu cầu phát triển mới hay không?
Tôi có được nghe một nghệ sĩ sáng tác nói thế này: "Đứng trước phong cảnh nông thôn Việt Nam, tôi dễ dàng xúc động với cảnh con đò, bến nước, gốc đa. Còn chưa động được như vậy trước những máy kéo và trạm bơm…"
Tôi cứ suy nghĩ mãi: "Đó là điều đáng trách hay không đáng trách?".
Cần phải nói thêm: Bình dị hoàn toàn không có nghĩa là đơn giản, tùy tiện. Đơn giản và tùy tiện quả thực là những điều ngày nay ta không thể chấp nhận được. Nhưng có thứ khẩn trương ầm ĩ và khoa trương, và có thứ khẩn trương chính xác nhưng ung dung êm ả. Riêng tôi, thực sự tôi thấy không ưa những người luôn luôn nói lên và làm ra bộ tất bật vội vàng, luôn lớn tiếng thông báo "lịch công tác" rất dày đặc của mình; luôn luôn cho mọi người có tăm tiếng lớn và sắp "phải" gặp những người có chức vụ quan trọng. Và ngược lại tôi thấy yêu mến cảm phục những người phải làm rất nhiều những việc nặng nề, nhưng luôn thư thái ung dung, lặng lẽ, không quay cuồng, không cuống quýt, không vội vã, hay có vội vã cũng vội vã một cách ung dung, khẩn trương một cách thư thái.
Từ đó, tôi cho rằng một mặt ta cần cảnh giác với một khía cạnh là: bình dị "có họ hàng" với lề mề, chậm chạp, tùy tiện, đơn giản để đề phòng nó. Mặt khác ta hoàn toàn có thể thực hiện những yêu cầu mới trong phong cách, lối sống và cảm xúc hàng ngày là khẩn trương, chính xác và tinh vi mà vẫn có thể cho nó một vẻ đẹp sâu sắc: bình dị nghĩa là ung dung, hồn nhiên, trung thực và nhân hậu.
Như vậy ta vẫn có thể có một văn hóa công nghiệp, hiện đại mà vẫn có vẻ đẹp bình dị với điều kiện ta quan niệm nét đẹp bình dị với tất cả chiều sâu của nó.
***
Bản sắc dân tộc Việt Nam còn một điều quan trọng nữa là tình nghĩa. Tình là tình thương, tình yêu, tình cảm, nhưng lại còn tình nghĩa. Nghĩa ở đây có liên quan đến Nghĩa của Nho giáo. Nghĩa này, không phải là nghĩa lý, nghĩa khí, nghĩa vụ, Nghĩa (chính) và tà mà Nghĩa này là Nghĩa tình. Trong ngôn ngữ Việt Nam có chữ nhân tình nhân nghĩa (bị nói trái đi là nhân ngãi với ý chê bai là lăng nhăng), nhân tình là người yêu, nhân ngãi cũng là người yêu. Vậy thì nghĩa (ngãi) cũng là yêu. Nghĩa lại còn là duyên.
Trong ca dao còn có nhiều câu nói lên cái ý vị ấy.
Tới đây đầu lạ sau quen
Bóng trăng là nghĩa, ngọn đèn là duyên.
Thuyền chài, thuyền lái, thuyền câu
Biết thuyền ân ngãi nơi đâu mà tìm.
Thuyền đi để bến đợi chờ
Tình đi nghĩa ở bao giờ quên nhau.
Chẳng nên tình trước nghĩa sau
Bến này giải phóng trăng thâu đợi thuyền.
Trầu xanh, cau trắng, cau hồng
Vôi pha với nghĩa, thuốc nồng với duyên
v.v… và v.v...
Như vậy tình nghĩa đều là tình cảm, là thứ tình cảm đặc biệt sâu sắc có ràng buộc, có thủy chung, ràng buộc đây không phải ràng buộc bằng nghĩa lý, nghĩa vụ mà bằng nghĩa tình.
Đồng chí Lê Duẩn nói "Tình thương và lẽ phải", có thể được coi như một cách diễn đạt mới của tình nghĩa. Lẽ phải đây cũng có ý nghĩa "tình", lẽ phải đây là lẽ thuyết phục, lẽ cảm hóa, không phải là lẽ phải cãi lý, ai chết lý phải chịu. Có người có lý mà không có lẽ phải. Chứ không phải có lý là có lẽ phải đâu. Tôi hiểu chữ "tình thương và lẽ phải" tức là tình nghĩa theo nghĩa truyền thống được hiểu trong nhân dân. Người ta thường nói tình nghĩa vợ chồng, tình nghĩa cha con, tình nghĩa anh em, tình nghĩa bạn bè, tình nghĩa thầy trò, tình nghĩa đồng chí, tình nghĩa họ hàng, tình nghĩa hàng xóm - Tình là tình cảm yêu thương, nghĩa là tình cảm của một mối quan hệ có ràng buộc, vì vậy thì gặp người hoạn nạn khó khăn ta có thể có tình thương (thương xót, thương hại) cứu giúp. Chứ không ai nói tình nghĩa
người đi đường, tình nghĩa với người bị nạn. Có chăng lúc ấy, lại là thứ tình nghĩa rộng lớn: tình nghĩa đồng bào. Nghĩa này là tình trộn vào với tình. Còn như nếu tách ra tình nghĩa là tình cảm + nghĩa vụ và như trong câu người ta thường nói hết tình còn cái nghĩa, thì cái nghĩa (nghĩa vụ) đó thường mong manh và mất luôn. Tình nghĩa còn thì còn cả, mất thì mất cả.
Cũng cần bàn thêm các mặt khác nhau của tình nghĩa. Ta có thể e ngại một cách chính đáng là tình nghĩa, nếu thiếu một nền tảng khoa học, thiếu một lý tưởng mục tiêu cách mạng, có thể phát huy mặt tiêu cực: nể nang dè dặt, gia đình chủ nghĩa... tạo ra một trạng thái, trì trệ nặng nề trong cuộc sống. Khi tình nghĩa phát triển thành "chủ nghĩa tình cảm" thì nhiều mối quan hệ nguyên tắc trong sinh hoạt chính trị - xã hội bị phá vỡ ; không còn nguyên tắc tập trung dân chủ: Trong một tổ chức bàn bạc công việc không có biểu quyết và thực hiện thiểu số phục tùng đa số, mà bất cứ việc gì cũng phải chờ đợi sự nhất trí hoàn toàn mà thời hạn của sự chờ đợi này có khi là vô hạn định, do đó công việc không được quyết định. Cấp trên thương cấp dưới, cấp dưới nể cấp trên, không có kỷ luật, chỉ có thuyết phục và chờ đợi, không có trách nhiệm cá nhân cụ thể, không sao tìm ra được con người cụ thể chịu trách nhiệm về một khuyết điểm cụ thể nào. Cấp trên quyết định, cấp dưới không nghe, không thực hiện cũng được, công việc cứ gác lại. Cấp trên có những quyết định sai, hành động sai, cấp dưới biết rõ, nhưng vẫn nghe theo, làm theo và lại còn thuyết minh ngụy biện để bao che, và cũng coi đó là tình nghĩa, là thương nhau. Công tác tổ chức, sử dụng cán bộ lấy tình cảm ưa ghét làm tiêu chuẩn, không lấy tính hiệu quả và tính trung thực làm tiêu chuẩn. Điều này khuyến khích phát triển chủ nghĩa cơ hội, một số người lấy việc nghe theo cấp trên, nịnh cấp trên làm con đường tiến thân. Chủ nghĩa cá nhân phát triển cả ở cấp trên và cấp dưới: Cấp trên thích nịnh nên khuyến khích cấp dưới nịnh bợ. Đó là một thứ tình nghĩa chết tiệt, phá hoại đạo đức xã hội và phá hoại nhiều mặt phát triển xã hội.
Tình nghĩa và nghiêm minh là thống nhất. Về điều này, không thể không nhắc đến tấm gương sáng tuyệt vời của Bác Hồ. Bác là một biểu tượng của tình thương. Bác ăn không ngon, ngủ không yên khi còn nửa nước bị chiếm đóng, đồng bào miền Nam bị khủng bố tàn sát. Bác ngủ không trọn giấc khi nghĩ đến dân công bộ đội ở chiến dịch không đủ áo ấm, không đủ gạo ăn. Bác cởi áo của Bác để cho một tù binh Pháp thiếu áo. Bác theo dõi hàng ngày không bỏ qua một thành tích nhỏ của một cháu thiếu niên hay một vị phụ lão. Không bao giờ quên khen thưởng một mẹo hay của một chiến sĩ du kích, hay một phát minh sáng tạo của thanh niên hay trí thức, không quên một đơn vị có thành tích trong chiến đấu hay sản xuất dù đơn vị đó ở một góc nào trên đất nước. Bác đã bao lần chùi nước mắt khi gặp các đại biểu miền Nam đau thương, tấm lòng của Bác thật bao la, thật thắm thiết. Nhưng vì lợi ích của cách mạng, của Tổ quốc, Bác không hề tha thứ một tội lỗi nào: Bác đã cho xử bắn những tên ăn cắp của công, xâm phạm nặng nề đến quyền lợi chiến sĩ trong cuộc kháng chiến chống Pháp. Bác cho xử bắn những tên vô đạo đức mất hết tính người. Bác bắt phải nghiêm trị những người vô kỷ luật làm tổn thương đến vận mệnh độc lập của nước nhà. Bác tự phê bình và xin lỗi đồng bào khi Đảng mắc sai lầm và kiên quyết cùng Đảng xử lý kỷ luật những cán bộ đảng viên sai lầm.
Bác rất nghiêm với những người có sai lầm khuyết điểm. Nhưng những người được Bác phê bình tuy rất sợ Bác, nhưng lại luôn như nhận được ở Bác, từ những lời phê bình đó một tình thương sâu sắc, một sự khoan dung gần như âu yếm nữa.
Ở Bác, tình nghĩa là tình nghĩa phân minh và nghiêm minh. Những việc xử lý kỷ luật của Bác đều làm cho tình nghĩa cách mạng thêm đậm đà nồng nàn, Bác đã giữ vững và phát huy cao độ một giá trị tinh thần độc đáo của Việt Nam và đã nâng nó lên rất phù hợp với yêu cầu của thời đại.
Như vậy cần phải nhận thức tình nghĩa theo yêu cầu của thời đại, không thể nhận thức tình nghĩa theo một kiểu hồ đồ và lạc hậu được. Đặc điểm tình nghĩa trong bản sắc dân tộc Việt Nam có một ý nghĩa nhân đạo sâu sắc rất lớn, nó rất phù hợp với tinh thần nhân đạo xã hội chủ nghĩa, nhưng nó phải được phát triển trên nền tảng tinh thần khoa học và mục tiêu cách mạng.
Bản sắc dân tộc của ta gồm một tinh thần yêu nước kiên cường và anh hùng, một tâm hồn bình dị và một mối quan hệ giữa người và người trên nền tảng tình nghĩa, là một bản sắc anh hùng cao cả và nhân đạo. Có thể toàn bộ chi tiết chưa phải là chi tiết những tiêu chuẩn đạo đức. Ví dụ một người thích màu sắc sặc sỡ, không hồn nhiên không phải là một người vô đạo đức. Nhưng xã hội mà ta hướng tới là xã hội có một nền đạo đức cao và lúc ấy ai có tâm hồn đẹp là người có đạo đức cao chứ không phải đạo đức chỉ hạn chế trong các tiêu chuẩn thiện ác cổ truyền. Chính vì vậy trong bản sắc Việt Nam có những nét tinh thần cao quý và tiên tiến. Cũng có câu hỏi đặt ra bản sắc dân tộc có điểm nào tiêu cực, lạc hậu không? Phải nói rằng trong diện mạo tinh thần xã hội ta ngày nay còn có nhiều hiện tượng tinh thần lạc hậu, tiêu cực: bảo thủ, trì trệ, lười biếng, mê tín dị đoan, tư hữu nặng nề, ăn bám, v.v… Nhưng tôi quan niệm ta bàn bản sắc là bàn đến cái vốn gốc của ta được kết tinh lại, cái vốn quý giá nâng cao giá trị dân tộc, chứ không phải liệt kê các hiện tượng tinh thần, tìm cái gì là phổ biến, rồi coi cái đó là bản chất, là bản sắc của dân tộc. Đời sống tinh thần của mỗi dân tộc đều có biến đổi và phát triển. Bản và sắc cũng có sự biến đổi nhưng nó biến đổi theo quy luật của nó, của cái gốc. Một cái cây càng cao to, nhiều cành lá thì gốc lớn, càng sâu, càng bền chặt. Xã hội ta đang phát triển, nhưng xã hội ta vẫn là xã hội của dân tộc Việt Nam, dân tộc ta phát triển, cái gốc của nó càng phải được vun đắp cho lớn cho sâu, cho bền để làm cho dân tộc ta phát triển mạnh mẽ ngày càng tươi đẹp và ngày càng rạng rỡ diện mạo Việt Nam hơn. Không có vấn đề đào cái gốc này vứt đi thay vào cái gốc khác.
Cần phải có ý thức sâu sắc về bản sắc dân tộc, người của mỗi ngành vừa nhận thức được rõ bản sắc chung của dân tộc vừa phải thấy được cái biểu hiện của nó trong ngành mình trong lĩnh vực mình. Còn ở mỗi lĩnh vực lại phải có công phu tìm ra quy luật đặc thù của phương pháp sáng tạo trong ngành, để đẩy mạnh sáng tạo trên cơ sở bản sắc thì mới tìm được hướng đi đúng đắn được. Tìm được từng yếu tố dân tộc trong ngôn ngữ, âm thanh, nhịp điệu, đường nét, màu sắc là quý giá và cần thiết, nhưng cái quan trọng hơn là phải tìm được quy luật phát triển, quy luật của phương pháp sáng tạo.
Bản sắc dân tộc cũng chính là những nét tâm hồn của dân tộc của mỗi người trong dân tộc. Bản sắc Việt Nam. Chính là tâm hồn Việt Nam. Bản sắc được biểu hiện ở văn hóa nói chung và hiển nhiên rõ nét nhất ở con người.
Đây là vấn đề lớn, vấn đề không mới, nhưng lại cũng rất mới, mong rằng sẽ có sự hưởng ứng thảo luận để đi tới thống nhất được quan niệm, nhận thức vấn đề bản sắc dân tộc ngày càng sâu hơn, rõ hơn.
11-1985
T.Đ
(SH22/12-86)