NGUYỄN QUANG HÀ - NGUYỄN VĂN DŨNG
Muốn nhìn bức tranh thiên nhiên dựng khung cảnh hoành tráng của Bạch Mã, phải lùi đủ độ xa mới thật chiêm ngưỡng hết dáng vẻ uy nghi của nó.
Tôi đã đứng ở Túy Vân, dưới mái ngôi chùa cổ danh tiếng bên kia phá Tam Giang và nhìn về Bạch Mã trong một buổi hoàng hôn. Phía nam Bạch Mã là rặng núi Răng Cưa lởm chởm như chiếc lưỡi cưa khổng lồ dựng vào góc trời. Phía bắc Bạch Mã là ngọn núi Truồi sừng sững có dáng như chóp những kiến trúc Tháp Chàm. Cái đồ sộ khác thường của hai khối núi bắc nam ấy như sự cố ý của bàn tay tạo hóa để tôn thêm dáng chót vót của ngọn Bạch Mã nằm ở giữa. Khối núi như nâng góc trời cao hẳn lên so với xung quanh. Động Bạch Mã là đỉnh cao nhất, 1.450 mét, đứng tách riêng ra một chút, đâm thẳng ngọn nhọn hoắt lên trời như một mũi kiếm hiên ngang, đã tuốt ra khỏi vỏ, giơ cao lên đỉnh đầu trong tay các chàng kỵ mã thượng hạng chưa hề biết thua cuộc.
Nền của bức tranh hoành tráng ấy là màu nắng đỏ rực của hoàng hôn làm cho màu xanh biếc của núi như xô về phía trước, lại như thẳm sâu về phía sau. Tất cả toát ra cái dáng uy nghi của trời đất.
Bỗng một đám mây trắng ở đâu như tuyết phủ suốt chiều dài rặng Răng Cưa, tôi chưa kịp cảm nhận hết ý nghĩa màu sắc bàn tay họa sỹ, thì đột nhiên, nhìn rất rõ đám mây trắng cuồn cuộn đổ tràn xuống núi như thác, chỉ trong nháy mắt Răng Cưa tưởng không phải là núi nữa, mà như một đám mây xanh thẳm lộ giữa khung trời mây trắng bong. Thật là một cảnh ngoạn mục đến bồi hồi.
Cũng chẳng phải đây là lần đầu tiên tôi nhìn lên Bạch Mã. Tôi đã nhìn lên đó cả ngàn lần. Và mỗi lần đều thấy Bạch Mã hùng tráng một cách khác nhau, bỗng như huyền thoại về rặng núi.
...Ngày ấy, giặc Tàu sang xâm lăng nước ta, tràn đến đất Phú Lộc, một dũng tướng đã kêu gọi các đinh tráng đứng lên, cầm gươm, giết giặc. Nhiều cuộc giao tranh sống mái suốt dọc bờ biển. Quân giặc chết nhiều vô kể. Nhưng thế giặc lúc ấy mạnh, lường sức không chống cự nổi, ngài dũng tướng cho rút vào rừng hiểm trở, để vừa dưỡng sức quân, vừa tổ chức lại lực lượng chờ thời cơ cùng cả nước đứng dậy. Không làm gì được, giặc Tàu cho sứ giả vào rừng dụ hàng. Mặt khác chúng cho quân vây chặt khu rừng nghĩa quân đóng để áp đảo tinh thần ta, nhưng để giữ thế quân, và thể hiện ý chí quyết không đầu hàng giặc của mình, vị dũng tướng đã đem sứ giả giặc chém dưới cờ.
Biết không lay chuyển được lòng các nghĩa sĩ, giặc Tàu đã trả thù một cách hèn mạt, chúng châm lửa bốn bên đốt cháy trụi khu rừng nghĩa quân đóng. Rừng cháy, vị dũng tướng kia cùng binh sỹ biết rằng không thể thoát, nhưng thà chịu chết cháy chứ không chịu đầu hàng...
Từ đó vào những buổi chiều sau cơn mưa giông, trời quang, mây tạnh, nhân dân quanh vùng thấy từ trên đỉnh núi cao, một vị tướng cưỡi con ngựa trắng toát bay lên trời. Ngọn núi được đặt tên là Bạch Mã từ ấy.
Tuổi thơ tôi yêu Bạch Mã trong huyền thoại bao nhiêu, thì lớn lên tôi càng yêu Bạch Mã với ý nghĩa thực tại của nó bấy nhiêu. Việt Nam có ba điểm du lịch có được khí hậu ôn đới, đó là Sa-pa, Đà Lạt, và Bạch Mã.
Tôi may mắn đã được đến cả Sa Pa và Đà Lạt. Sa Pa xứ sở của mây mù, mận hậu vàng ươm, ròn tan, vị ngọt rất thanh và trái lê ăn đủ năm mùi là đặc sản khó quên của xứ này. Loài thông Đà Lạt sao trầm mặc thế. Đại ngàn thông bao la với những con đường cong queo loong coong tiếng vó ngựa cứ đọng mãi trong lòng du khách.
Nhưng cả Đà Lạt và Sa Pa đều không thể so sánh được với Bạch Mã về âm hưởng của khí hậu đại dương, Sa Pa về Đồ Sơn năm trăm cây số, Đà Lạt về Nha Trang hai trăm cây số. Nhưng từ bãi tắm Vụng Chân Mây, dẫu phải đi con đường rất vòng vèo, nhưng lên tới đỉnh Bạch Mã, chỉ còn hai mươi nhăm cây số thôi. Nghĩa là bất cứ chiều hè nhiệt đới nào, du khách thỏa thích nhảy sóng biển khơi và dang chân, dang tay tắm nắng thì chỉ một tiếng đồng hồ sau đã có thể thảnh thơi gặp lại cái lạnh dịu se của miền ôn đới trên đỉnh Bạnh Mã rồi.
Sa Pa và Đà Lạt có mơ cũng không được như vậy.
Bạch Mã ngày lạnh nhất 5°c, ngày nóng nhất 26°c. Còn trung bình, nhiệt độ quanh năm dao động từ mười hai đến hai mươi độ. Đó là nhiệt độ du lịch lý tưởng. Nắng Bạch Mã vàng ong. Thỉnh thoảng đám mây mưa lướt qua, thả xuống một thoáng mưa nhẹ, đủ rửa sạch bụi trên vòm trời, làm cho trời trong hơn, không khí dịu hơn. Lá rừng được tráng nước, sáng như gương, soi vào nắng, cả rừng cây như được mạ vàng, lấp lánh, nhân độ huyền ảo lên nhiều lần.
Nhà bưu điện Bạch Mã nối gần lại thế giới xung quanh. Quán rượu, phòng nhảy, câu lạc bộ, hồ bơi, sân chơi, bồn hoa và những vườn cây ăn quả tạo cho Bạch Mã cái không khí chốn đô hội ở nơi du lịch này.
Hoa Bạch Mã rất đa dạng, giống hoa bản địa kín đáo, thanh nhã, những giống hoa nhập ngoại tăng thêm nhiều màu sắc đáng yêu: tường vi, địa lan, cẩm tứ cầu, lay ơn... tất cả bừng nở suốt bốn mùa. Giữa rừng tùng cổ kính, trang nghiêm là màu sắc riêng của Bạch Mã, các giống hoa về tụ hội nơi đây, góp cho đất du lịch những gương mặt trẻ trung, rạng rỡ của bạn bè.
Cánh rừng được quy hoạch có cái tên gọi chung là "rừng có khí hậu Bạch Mã" rộng tới ba mươi nghìn héc-ta. Còn diện tích lâu nay đã khoanh vùng cho Khu Bạch Mã làm đất du lịch là 900 héc ta, các nhà kinh tế du lịch đã tính toán rằng Bạch Mã có dư đất chăn nuôi và trồng trọt, thừa cung cấp thịt và rau quả tại chỗ. Ngoài ra có thể rải các mặt hàng ôn đới ấy ở các quầy đại lý suốt dọc bờ biển miền Trung, hương vị miền ôn đới sẽ phong phú thêm biết bao.
Đến Bạch Mã, dẫu ai khó tính đến đâu cũng sẽ bằng lòng ngay với khí hậu. Cái dịu dàng của thời tiết, cái yên tĩnh của không gian, sắc tươi mát của hoa lá sẽ xoa dịu những tâm trạng bồn chồn, những nóng nảy bất bình, những xao xuyến chông chênh, những vội vàng gấp gáp. Cái dịu dàng thật khó tả của thiên nhiên sẽ trả lại cho con người sự minh mẫn trong trẻo, sự hồn nhiên của những đam mê ngọt ngào. Sống với thiên nhiên Bạch Mã như được tắm gội bằng nước ngọc tuyền. Mở mắt ra gặp bình minh đã thấy lòng hăng hái muốn lao ngay vào công việc, đuổi lướt theo những khát vọng của mình.
Bạch Mã chẳng đáng là nơi nghỉ mát lắm sao?
Riêng tôi, tôi đã bị ngẩn ngơ trước những kiến trúc tài tình.
Nghe thế gian chào xáo rằng Bạch Mã rất đẹp. Tôi không đủ sức để tưởng tượng nổi cái đẹp ấy thế nào. Đồ sộ như những cao ốc Sài Gòn ư? Sơn son thếp vàng lộng lẫy như những cung điện ở Huế ư? Hay chỉ là nước non cảnh sắc hữu tình thôi?
Tôi không thể quên được cảm giác lần đầu gặp Bạch Mã. Từ thị trấn Cầu Hai đi vào ba cây số là bắt đầu trèo dốc. Con dốc thoải quanh co men theo triền núi. Đằng sau, bên phải, bên trái và trước mắt đều là rừng xanh, trập trùng, đầy tiếng chim kêu. Càng leo, càng thấy rừng già thâm u. Càng lên cao, nhìn xuống dưới chân, thung lũng càng thăm thẳm. Tôi hoang mang không biết trên đỉnh kia sẽ là cái gì, cái đẹp sẽ ra sao đây?
Từ đèo Bạch Phượng nhìn về đồng bằng như đang đứng trước một sa bàn xinh xinh. Biết mình đã lên cao lắm. Gối đã mỏi và chân đã chồn. Gặp hết lớp rừng này đến lớp rừng khác, không có gì hơn. Lòng khát khao lì đi. Có lúc đã định bụng quay lại.
Đúng cái lúc nản lòng nhất ấy, thì Bạch Mã bày ra trước mắt. Chân quên mỏi, bụng hết bồn chồn. Tâm trí tôi bị hút vào những kiến trúc. Tôi y như đứa trẻ đang lạc rừng, đang mất phương hướng trong truyện cổ tích thì bỗng gặp những lâu đài xinh đẹp nép dưới bóng rừng lặng lẽ.
Đứa trẻ trong cổ tích gặp lại hy vọng,
Còn tôi thì đã gặp Bạch Mã của mình.
Hàng thông ba lá xòe bóng mát che cho đường cong mềm mại là trục đường chính dẫn du khách lần lượt đến 130 biệt thự với 130 kiểu kiến trúc khác nhau. Nhà kiến trúc sư tài ba đã chọn 130 kiểu biệt thự cho 130 dáng địa hình để tạo nên một tổng thể vừa duyên dáng, vừa kiều diễm. Có ngôi nhà xây bề thế trên mặt bằng, có ngôi chênh vênh tưởng như treo trên sườn núi. Tất cả đều thấp thoáng ẩn hiện vừa như sắp gạt vòm xanh ra để phô trương, vừa như e ấp nép trong màu lá.
Ai muốn ngoạn cảnh, quay đủ bốn hướng Nam Bắc Đông Tây để vừa thấy biển, vừa thấy rừng thì lên ở những ngôi nhà cao chon von dựng trên đỉnh vách núi phía đông. Ai muốn sống cảnh phồn hoa thì chọn nơi trung tâm dễ dàng giao tiếp. Ai muốn được sống hạnh phúc trong cô đơn, hay đang bận tâm cho một ý đồ lớn lao, thì Bạch Mã cũng có những ngôi nhà trong rừng sâu, bên suối nước thích hợp cho cả những thiền sư ưa hòa mình vào hoang dã.
Bạch Mã ra Huế sáu chục cây số, vào Đà Nẵng tám chục cây số. Như vậy chỉ cần trong một ngày, sáng đi tối về khách du lịch Bạch Mã có thể vừa thăm được điện đài, lăng tẩm của một triều vua dọc bờ sông Hương, lại có thể vừa tới được Mỹ Sơn xem 150 tháp Chàm của một triều đại khác. Từ đây cũng rất dễ dàng ngược ra Nghệ Tĩnh - quê hương các văn nhân nổi tiếng, và cũng rất thuận lợi vào Nghĩa Bình, đất võ lừng danh.
Bạch Mã xứng đáng là trung tâm du lịch cả về địa lý, cả về văn hóa của miền Trung.
Tôi cứ thầm nghĩ, trong một đời người, ai không Iên Bạch Mã một lần chắc đó là một sai lầm ; để rồi, đến khi đã lỏng gối, run chân thì đó chắc sẽ là một nuối tiếc.
Tôi đã suy từ lòng say mê Bạch Mã của mình như vậy. Tuy nhiên, những gì tôi vừa nói trên đây, đó chỉ là Bạch Mã trong tâm tưởng, đó là Bạch Mã đã một thời lý tưởng. Còn bây giờ, Bạch Mã của thời trai tráng vừa đi qua cuộc chiến tranh dài suốt ba mươi năm cùng đất nước. Những tháng cuối cùng của cuộc chiến tranh, Bạch Mã đã thật sự trở thành trận địa quyết liệt. Hai bên tranh giành nhau từng ngọn núi. Nhà cửa, vườn hoa, cây cối đều là mục tiêu của bom đạn.
Chiến sự ở Bạch Mã đã diễn ra ác liệt như thế nào, có lẽ chỉ cần một hình ảnh này làm minh chứng: Suốt hơn mười năm, từ ngày giải phóng đến nay, Bạch Mã không còn nhận khách du lịch, song vẫn có đường lên Bạch Mã. Đó là con đường của bà con Phú Lộc lên vùng chiến trận xưa để khai thác phế liệu chiến tranh. Con đường mòn rất rõ. Hẳn họ đi rất đông. Ngay chuyến lên Bạch Mã lần này, chúng tôi còn gặp tới ba chục người trèo cao chót vót để lấy nhôm của những chiếc máy bay Mỹ đổ hôm nào.
Dẫu chưa về lại, tôi vẫn thường được tin của Bạch Mã.
Một chiến sĩ từ Bạch Mã về nói với tôi:
- Nhà cửa tan hoang hết cả rồi.
- Không còn gì à? - Tôi hỏi lại.
- Còn con đường lên Bạch Mã. K 5 đang ở lại lo duy tu con đường.
Năm 1980 đồng chí Bí thư Tỉnh ủy Bình Trị Thiên lên thăm Bạch Mã. Có lẽ đó là chuyến xe cuối cùng còn trèo lên được tới đỉnh.
Rồi anh Dao, kỹ sư trồng trọt, đưa hai mươi sáu người lên đã khai phá được ba héc ta. Su le, su bắp ê hề, to và chắc nịch. Lại gây được cả vườn hoa gồm mười lăm loại. Cuối cùng phải rút. Anh Dao nói: "không có đường đi!".
Năm 1984, một toán học sinh trường Quốc Học lên Bạch Mã về kể:
- Chúng em nghe tiếng búa chan chát. Tưởng gì. Đến nơi, hóa ra họ đang phá trần, phá hiên, đập cột lấy sắt đem về đồng bằng bán. Có người nậy cả đá hoa ở nền nhà, xếp đầy một ba lô. Họ bảo những thứ đó đang ăn khách.
Tôi hỏi:
- Không có ai cấm à?
- Ai cấm?
- Một cái biển cấm chẳng hạn?
- Biển nào? Bạch Mã của anh bị thả nổi rồi.
Cái tin ấy làm tôi nôn nao. Người bỗng hầm hập lên cơn sốt. Tôi vội vàng chạy tới khách sạn Hương Giang, tìm gặp ông Quỳ Giám đốc Công ty du lịch Bình Trị Thiên. Gặp ông, tôi mừng quá. Tôi nói ngay như sợ mất cơ hội:
- Họ đang phá trên Bạch Mã anh Quỳ ạ.
Ông Quỳ mặt tỉnh khô, trên từng nét dù là nhỏ nhất nơi gương mặt ông cũng không hề mảy may tỏ ra một xúc động nào. Ông trả lời ngay, không cần suy nghĩ, như người có cái đức đáng quý là một lòng tự tin lớn:
- Anh khỏi lo. Bạch Mã là kế hoạch những năm chín mươi của chúng tôi. Mà làm gì có ai phá.
Nói rồi ông đi, không cần nghe thêm gì nữa. Tôi xìu như quả bóng hết hơi.
Tôi về Phú Lộc. Phú Lộc cho ngay công an lên Bạch Mã, chặn đứng mọi sự phá phách. Nghe các anh tâm sự thật tội: Bạch Mã thuộc địa phận Phú Lộc, nhưng đó là điểm du lịch của tỉnh. Vả lại Phú Lộc lo đời sống cho dân chưa xong, lo nghĩa vụ với Nhà nước còn trầy trật, làm gì có sức lo cho Bạch Mã. Và Phú Lộc có tính đến Bạch Mã, chắc du lịch tỉnh cũng không cho.
Tuy vậy Phú Lộc cũng tỏ ra rất cắn rứt về một phần trách nhiệm của mình: huyện sẵn sàng cùng Tạp chí Sông Hương tổ chức một chuyến đi Bạch Mã, thẩm định lại vùng du lịch này xem sao.
Đoàn Tạp chí Sông Hương đi khảo sát Bạch Mã |
Được lời như cởi tấm lòng, chúng tôi quyết định đi ngay trước mùa mưa. Hôm đi, bốn giờ sáng đã lục đục gọi nhau dậy. Hăm hở đi sớm vì ai cũng sợ đã nắng hè gay gắt, lại leo núi, toàn sức chân cò tay nhện cả, không vượt qua cái nắng đi đường e mất hết nhuệ khí. Chiếc xe U-oát đổ lúc nhúc cả chục người xuống cây số năm. Nhìn đám người ba-lô, túi dết, soong nồi lủng lẳng tôi bật cười một mình: Cả lũ không một ai có vị trí chức danh nào trong chính quyền đủ sức ký quyết định tài khoản cho Bạch Mã được một đồng! Tất cả chỉ có tấm lòng say mê Bạch Mã. Từ Tô Nhuận Vỹ Tổng biên tập Tạp chí Sông Hương đến Nguyễn Quốc Tuy kiến trúc sư du lịch, từ Nguyễn Văn Trường, Trưởng phòng văn hóa huyện, đến Bùi Đình Dũng, phóng viên quay phim đài vô tuyến truyền hình... Cái phái đoàn rôm rả ấy vừa tụt xuống xe đã cắm cúi đi ngay trong ánh trăng hạ huyền nhợt nhạt. Rồi bình minh lên, rừng Bạch Mã trải ra mắt màu xanh thắm. Cao vọt lên khỏi rừng cây non là những cây lực lưỡng chết khô "dựng bia vào trời xanh", nhân chứng những trận khai quang khốc liệt bằng chất độc màu da cam của Mỹ.
Dưới vòm xanh tiếng chim huyên náo như muốn đánh thức dậy những kỷ niệm về rừng. Nếu là những lúc khác thì âm thanh đầy chất hồi tưởng này dễ dàng kéo miết chúng tôi chạy theo những ký ức. Song lúc này lòng dạ chúng tôi đang bối rối về con đường.
Chân chúng tôi đang bước trên tuyến đường dốc thoai thoải đã từng tấp nập ô tô đi về Bạch Mã ngày xưa. Vậy mà lúc này phải rẽ cây để bước cho đúng đường mòn chuột chạy, y như những ngày len lỏi trên đường mòn chiến khu. Lá đẫm sương đêm quệt vào người ướt đầm cả quần lẫn áo. Cây mọc tràn kín cả mặt đường lát đá, đổ nhựa. Cây không chỉ mới lúp xúp ngang ngực. Có đoạn cao lút đầu người. Chúng tôi đi lòn dưới tán xanh của nó. Có cả những giống cây phàm ăn nhưng không dễ trồng, như cây thông, cũng đã mọc chính ngay giữa mặt đường, cao ngang đầu người. Lúc này đây, chặt ngay lớp cây ấy, bóc rễ chúng lên, quăng xuống vực còn thừa kịp thời gian cứu lại mặt đường.
Có những đoạn đường do không ai trông nom để rãnh đầy, cống tắc, nước tự do xối từ trên cao xuống phá vỡ cả một đoạn dài. Có đoạn, đường vững chắc quá, nước tìm lối chảy đã khoét dọc mặt đường sâu như một con hào phòng ngự.
Có đoạn núi sập, đổ đất đá xuống, độ chếch cao vồng lên, lởm chởm. Có đoạn không nhận ra mặt đường nữa, phải đi men dốc núi, nhưng có đoạn chỉ cần đưa lướt xẻng qua là lại có đường.
Từ cây số mười bốn ngược lên, hầu như chúng tôi được đi thoải mái hơn trên con đường cũ. Mặt nhựa đen đã bạc màu, nhưng còn vững chắc. Bóng thông, bóng tùng che mặt đường mát rượi.
Dừng chân nghỉ trên đèo Phượng Hoàng để ngắm đồng bằng qua một khe núi hẹp, Tô Nhuận Vỹ hỏi Nguyễn Quốc Tuy:
- Nếu sửa sang lại con đường này để xe cộ lại lên xuống được như cũ, liệu chừng tốn kém độ bao nhiêu?
Nguyễn Quốc Tuy đáp:
- Theo tính toán bên Sở giao thông, là năm mươi triệu đồng.
Nghe số tiền chi phí, tôi bỗng giật mình. Mới năm năm trước đây, xe của Bí thư Tỉnh ủy còn lên được tận đỉnh. Năm năm bỏ bê, để nay bỗng dưng vất đi năm mươi triệu! Sự lãng phí này ai là người chịu trách nhiệm? những đồng tiền của biết bao nhiêu người thắt lưng buộc bụng để làm ra. Tôi nhẩm tính thử xem, năm triệu ấy sẽ xây thêm được bao nhiêu ngôi trường khang trang cho học sinh có chỗ học...
Mười một giờ trưa chúng tôi trèo lên tới đỉnh Bạch Mã. Hoa mọc đầy hai bên đường. Gặp biệt thự đầu tiên xây nửa chìm nửa nổi, rồi nhìn thấy dấu tích những biệt thự rải rác xung quanh, anh em ồ lên háo hức như những nhà khảo cổ bất chợt tìm thấy một kỳ quan.
Còn tôi thì thẫn thờ, dẫu biết rằng nó đã bị bom đạn. Nhưng trên đường trở về những kỷ niệm xưa, những đường nét cũ, những mái lá xanh và cả con đường những đường cong duyên dáng vẫn hiện lên rõ nét trong tôi. Giờ gặp lại, Bạch Mã của huyền thoại đã hoàn toàn được thay thế, chỉ còn đây một Bạch Mã hoang tàn và tiêu điều. Không một ngôi nhà nào còn mái. Tôi trở về biệt thự xinh xắn như bám trên vách núi ngày xưa, chỉ thấy một đống gạch vụn.
Trước khung cảnh hoang phế, bên những mảnh tường rêu phong tôi bỗng thấy mình bơ vơ hiu hắt như những cây địa lan, cây lay dơn xưa trong bồn xinh xắn, nay thành hoa dại gầy gò mọc đầy bên lề đường đi.
Tôi ngắt một chùm hoa địa lan ngắm nghía như tìm trong đó những kỷ niệm của mình. Chỉ có thiên nhiên mới pha được màu sắc diệu kỳ nhường này. Cánh hoa trắng muốt. Những điểm tím chấm rất đúng chỗ trên cánh loang ra phơn phớt. Nơi cuống vòi nhị, nơi tạo ra chiều sâu của bông hoa, cái màu vàng hoàng yến vừa như đọng lại nơi đó, vừa như loang ra, những chấm tím giản dị bỗng trở nên thanh cao. Bông hoa dại vẫn giữ được nét rực rỡ mà dịu dàng, sắc sảo mà không ồn ào chút nào. Tôi thích giống địa lan này. Vì nó không muốn khoe sắc kèn cựa với ai, chỉ ý nhị giữ cái nét riêng của mình, như Bạch Mã cũng giấu vẻ đẹp kín đáo của nó ở tít một góc trời riêng.
Ý nghĩa thẩm định lại Bạch Mã trong tôi thoắt chốc tan biến mất. Chỉ vì tôi thấy mình không đang tâm nhìn thấy Bạch Mã xót xa nhường này. Nhìn bông hoa dâm bụt màu xanh da trời đang ngả dần sang màu tím lòng tôi càng bâng khuâng.
Tôi định tìm đường ra hồ bơi để đến vườn hồng, vườn chanh, nhưng các lối đi đều mất dạng, cây rừng bịt kín. Cả cái cột mốc bằng xi măng, cũng bị vùi lấp ùn lên đầy lá rừng, chúng tôi phải bới lá, cạo lớp rêu phủ xanh, mới lộ ra hai hàng chữ: "Bạch Mã km 0". Anh em xúm lại bấm một kiểu ảnh để chứng tỏ mình đã đến đỉnh Bạch Mã rồi. Với chiếc máy quay phim trên tay, Dũng lia ống kính đến mọi ngóc ngách. Anh bảo: "Đã đến đây mà mình không đưa được lên màn hiện sóng lời kêu gọi cứu Bạch Mã thì thật có tội với quê hương". Tôi chú ý tìm một tấm biển của hôm nay, kiểu như cấm phá phách, cấm đốt rừng chẳng hạn. Hoàn toàn không có. Rõ ràng Bạch Mã đã bị thả nổi. Bạch Mã không còn chủ nữa ư? Vậy thì Bạch Mã hoang phế thế này là phải. Có những đất nước thèm Bạch Mã mà không có, còn mình thì bỏ hoang. Tôi dám chắc rằng Bạch Mã được khai trương, du khách sẽ lại tấp nập rộn ràng, ngành du lịch sẽ lại hái ra tiền. Bất chợt, giữa lúc này đây, trên đỉnh Bạch Mã, tôi lại nhớ câu nói của ông Giám đốc Công ty du lịch. Ông nói thế nào nhỉ? "Anh khỏi lo. Bạch Mã là kế hoạch những năm chín mươi của chúng tôi mà. Làm gì có ai phá". "Những năm chín mươi" là năm nào? Năm năm nữa hay mười năm nữa? tôi không biết. Nhưng điều tôi biết chắc là, cứ đà này nếu không có gì thay đổi đến đó, chắc Bạch Mã sẽ là con số không.
Giá nhà nghỉ của công đoàn đưa lên đây xây dựng nhỉ? So với khí hậu và địa điểm này, nơi nhà nghỉ công đoàn đặt ngay bên đường Vĩ Dạ, tự nhiên sao thấy vô duyên vậy? Sửa sang những biệt thự còn đang tận dụng được kia. Chưa có ngói thì lợp lá mây, lá kè, hoặc có thể lợp tranh. Du khách bây giờ đã bắt đầu ngán căn phòng với bốn bức tường chật chội, dẫu tiện nghi đầy đủ. Họ đang có tư thế bung ra, cái mốt hiện đại nhất của du lịch là được trở về với thiên nhiên hoang dã.
Đó là chưa nói tới phong thổ, chưa nói tới khí hậu, chưa nói tới khung trời và cảnh rừng núi, suối hồ chỉ cần nhìn thấy thôi, Bạch Mã đã đủ cảm hóa họ.
Chúng tôi vừa chụp ảnh xong ở "Bạch Mã km 0" thì đã nghe tốp đi trước hò reo cảm khoái và hú gọi chúng tôi trên cao. Chúng tôi liền đạp băng đường đi lên.
Đó là một biệt thự trong chuỗi biệt thự xây rải rác suốt chiều dài ba cây số cao chót vót trên đỉnh vách núi phía tây dựng đứng. Toàn bộ dãy nhà này được mệnh danh là những lầu vọng cảnh. Không những chỉ thấy Bạch Mã võng xuống như một thung lũng xanh, mà thả sức quay nhìn trời mây bốn phía.
Lúc này đã ba giờ chiều. Không gian trong vắt hầu như không có một hạt bụi. Như sách đã ghi, quả nhiên đứng ở đây mới thấy đúng là Bạch Mã mắt nhìn ra đại hải, lưng tựa vào Trường Sơn. Không cần đến ống nhòm, bằng mắt thường thôi đã thâu tóm đầy đủ vào nhãn quan mình cả một vùng bờ biển mênh mông, có thể đọc lên từng tên một Huế cổ kính lấp loáng dưới chiều nắng sáng. Núi Ngự Bình nhỏ nhoi như một ve mực xinh xinh trên bàn đầy sách mở. Cửa Thuận An xa xa hiện ra bên sắc biển xanh mờ. Cuối Phá Tam Giang kia là chóp núi Túy Vân. Dưới chân ngôi chùa cổ kính ấy có giếng Cam Lồ. Giếng này nước rất ngọt. Tương truyền rằng vua chúa nhà Nguyễn xưa ngày ngày đưa thuyền xuống Túy Vân, chở nước Cam Lồ về dùng. Cạnh Túy Vân là núi Linh Sơn.
Chuyện kể rằng công chúa Huyền Trân trên đường về nhà chồng đã dừng chân ở đấy để xuống thuyền vào Nam. Kề sát ngay chân Bạch Mã là đầm Cầu Hai, hay còn có tên khác là Hải Nhi, biển nhỏ. Tưởng như chỉ cần bước chân như bước xuống bậc thềm là tới Hải Nhi ngay. Thuyền bè đậu nhấp nhô ở Bến Đá Bạc như một hải cảng, Cầu Hai vượt qua Hòn Rẫm là bãi tắm Vụng Chân Mây. Có lẽ đây là một trong những bãi tắm đẹp nhất Việt Nam. Sóng cao mà hiền. Nước rất trong, và triền cát vừa rộng vừa dài. Bảo Đại đã có xây nhà nghỉ mát ở Vụng Chân Mây này. Xa kia nữa là Lăng Cô với đèo Hải Vân chênh vênh. Thành phố Đà Nẵng và danh thắng Ngũ Hành Sơn mờ mờ trong sương khói ban chiều, nhưng vẫn rất rõ ở cuối tầm nhìn. Ngoài cùng là đại dương biếc xanh, mênh mông vạch đường biên với đất liền bằng màu trắng xóa của sóng biển, vỗ bờ. Khí hậu Bạch Mã và khí hậu đại dương như hòa với nhau trên cao. Gió từ ngoài biển đưa làn mây trắng là là bay vào. Gặp sườn núi, mây trườn lướt lên cao. Mây trắng vừa nhô được lên đỉnh núi thì gió Bạch Mã lại lùa mây ra. Mây trắng cuồn cuộn trôi xuống lưng núi rồi tràn ra biển. Gió biển lại thổi cong đám mây, đưa vào. Nhìn sự vận hành của mây lên Bạch Mã không chán mắt, như gặp giữa không gian quy luật luân hồi. Dân gian gọi áng mây đưa đi, đẩy lại giữa đại dương và Bạch Mã ấy là mây say, và chùa Túy Vân, nghĩa là mây say, đặt tên từ cái tích ấy! Và cái nơi sinh ra, xuất hiện những đám mây cho núi và biển giao thoa luân hồi được đặt tên là Vụng Chân Mây.
Trời xanh, biển biếc, mây trắng và hoàng hôn vàng tạo nên sắc màu của không gian thật kỳ ảo. Chúng tôi đứng trên mây, giữa sự hòa sắc của thiên nhiên vần vũ, tưởng như mình đang được sống ở động tiên giữa trần thế. Ai muốn được hưởng phút giây lâng lâng này, cứ lên Bạch Mã mà xem.
Bạch Mã ngăn không cho mây bay về phía tây, trời tây tịch mịch. Khung trời xanh như mơ, trầm tư. Trường Sơn xa điệp trùng, những gam màu biếc chồng lên nhau thăm thẳm. Chiều hoang vắng mênh mông. Nắng như ngưng đọng lại trên vòm trời không muốn tắt. Khi mặt trời xuống núi, những khúc xạ khác nhau hắt lên trời tây hàng trăm mảng màu rực rỡ.
Đêm ấy, bên đống lửa cháy phừng phừng, chúng tôi nhìn nhau cười thầm. Ai đời, về Bạch Mã, nơi nổi tiếng có tới 130 biệt thự kiều diễm, ấy mà những người khách nhiệt tâm nhất này đã phải kê sạp ngủ dưới gầm cầu Hoàng Yến ngõ hầu để phòng cơn mưa núi bất thường. Hàng chục ngôi nhà, tường, nền còn rất nghiêm chỉnh, nhưng mái đã sập và trần đã bị đập vụn ra rồi.
- Không sao, mai mốt Bạch Mã sẽ lại khang trang, lúc ấy, chúng ta đếm đúng quân số anh em bây giờ, sẽ kéo lên làm vua Bạch Mã một đêm, Thắng đâu, anh chụp cho chúng tôi vài pô gầm cầu đêm nay làm kỷ niệm nào.
Lời hô này của anh Trưởng phòng văn hóa huyện được hưởng ứng nhiệt liệt. Đèn máy ảnh lòe chớp ba bốn cú liền. Giá có máy ghi âm, ghi lại tiếng cười dưới gầm cầu đêm nay, sẽ xứng đáng là tiếng động đưa vào bảo tàng Bạch Mã trong tương lai. Bức ảnh đêm nay ôm nhau cười ngất dưới gầm cầu, với bức ảnh của ngày gặp lại không xa ấy sẽ trở thành những kỷ niệm tuyệt vời của những người mê Bạch Mã.
Sáng hôm sau dậy nấu cơm thật sớm, trải lá cây làm mâm trên mặt cầu Hoàng Yến, ăn vội vàng xong, chúng tôi khăn gói xuôi dòng suối Kim Quy, về phía Tây.
Xuôi Kim Quy không thể không nhớ Sa Pa và Đà Lạt.
Đến SaPa đã có ngay câu ca dân gian dẫn đường:
"Sa Pa thác bạc cầu Mây
Có mùa mận hậu ngất ngây lòng người". Đến Đà Lạt, Đà Lạt đã có thơ ca ngợi:
"Tình yêu rơi giữa tim đời
Thành Thung-Lũng-Tình-Yêu ngào ngạt
Em khẽ gọi: Đà Lạt ơi! Đà Lạt!
Đêm Nô-en bung vạn đóa anh đào".
Riêng Bạch Mã chưa có thơ. Hay cũng có thể tôi chưa được đọc một bài thơ về Bạch Mã.
Tôi đến Sa Pa, thú nhất là ngồi hàng tuần chờ mây tan để được nhìn dẫu chỉ một lần thôi nóc nhà của đất nước. Đến Đà Lạt lại thích thơ thẩn hơn, lang thang trong rừng thông một mình, hoặc đến Hồ Than Thở, Đập Đa Thiện, Suối Vàng, hay tới Thác Cam Ly, Thác Pren ngoạn cảnh. Mỗi nơi mỗi vẻ khác nhau. Còn đến Bạch Mã, không xuôi dòng Kim Quy, thì thật phí hoài, mất một nửa Bạch Mã.
Suối Kim Quy quanh co với chiều dài đường chim bay sáu cây số. Chỉ đoạn đường ấy thôi, suối gập mình năm lần để tạo nên năm con thác, mỗi con thác ngày đêm xối nước ào ào, đào riêng cho mình một mặt hồ soi bóng, thênh thang. Và mỗi mặt hồ lại san đất rừng mở một thung lũng. Có thung lũng rộng tới hai mươi héc-ta mặt bằng. Trên trời, lá biếc xòe rộng làm ô. Dưới đất lấy đá nhấp nhô làm cành. Không hiểu sao, tôi lại muốn đặt cho Kim Quy một cái tên khác: dòng suối ngũ hồ liên hoàn.
Hết năm cái hồ, suối len lỏi qua rừng Vĩnh Viễn. Cây lực lưỡng, thẳng tắp. Đây là xứ sở của loài phong lan. Có cây dáng như tóc xõa xuống mặt suối. Có cây treo đỏng đảnh. Có cây đính một chút vào mút cành, chúi đầu, xòe lá như làm xiếc. Giống quý và hiếm như loài phong lan Nhất Điểm Hồng, nơi đây cũng có rất nhiều.
Ra khỏi khu rừng tĩnh mịch, dòng suối chảy lững lờ, ngoằn ngoèo qua vạt đất rộng như luyến tiếc, như ra đi chẳng đành lòng, để rồi cuối cùng đổ rầm xuống ngọn thác cao đến một ngàn mét chiều dài, tạo nên một dải lụa trắng xóa giữa rừng xanh như muốn vắt ngang trời. Con thác này có cái tên rất lạ: Thác Xai Tôi Đó! Chỉ riêng cái tên thôi cũng đủ làm cho các nhà văn hóa phải lòng. Đập thủy điện trôi mất một nửa kia, đã từng cung cấp điện cho Bạch Mã, biến Bạch Mã thâm u, thành một ngôi sao sáng trên mặt đất, dám đối mặt với những ngôi sao trên trời.
Nếu đặt bên dòng Kim Quy những công trình dịch vụ, có bàn tay người tiếp sức cho thiên nhiên, lại được thời đại kỹ thuật hoàng kim này tác động vào một cách tích cực, chắc chắn Kim Quy sẽ trở thành bà hoàng lộng lẫy bậc nhất của thế gian này. Lúc ấy Bạch Mã tha hồ dập dìu bóng khách giai nhân từ trăm phương đổ lại.
Từ đầu ngọn thác Xai Tôi Đó, rồi sẽ mở một con đường đi tới động Bạch Mã như mũi kiếm dựng giữa trời kia, toàn cảnh ấy, hỏi những đâu ngoạn mục bằng.
Tôi say sưa ngắm Bạch Mã ào về tương lai trong tâm tưởng mình, chợt tôi nhớ đến Dao, người đến Bạch Mã để khai phá, anh đã phải ra đi cùng nỗi đau đứt gánh giữa đường với tâm trạng nghẹn ngào: "Không có đường". Bây giờ tôi chợt hiểu, anh nói về con đường lên Bạch Mã sập đổ, và cái con đường sâu xa mà anh muốn nói tới là đường hướng cho một Bạch Mã hồi sinh mà tuổi trẻ bây giờ đang ước mơ.
Ý nghĩ này bám riết lấy tôi suốt hai ngày ròng rã tụt thác Xai Tôi Đó. Xuống đến chân núi, chúng tôi chia tay nhau! Dòng nước thôi sục sôi, lặng lẽ quanh co nhập vào dòng Tà Nuối ở Nam Đông, từ đây nước đổ vào Tả Trạch tụ hội ở ngã ba Tuần, về Huế. Còn chúng tôi tắt ra Truồi, lên xe, cũng về thành phố.
Dòng nước trôi đi không ngoái lại. Chúng tôi khác, đến An Cựu là đã lần thứ mấy quay lại phía sau.
Bạch Mã vẫn đứng sừng sững giữa trời kia. Động Bạch Mã như lưỡi kiếm giơ thẳng mũi nhọn lên trời kia. Ngày mai, ngày mốt, ngày kia bao giờ Bạch Mã mới hồi sinh. Bao giờ nhóm đi Bạch Mã vừa rồi lại gặp nhau ở Bạch Mã như đã hứa?
Cứ nhìn Bạch Mã, lòng tôi lại nôn nao, như có lửa đốt, như một món nợ chưa trả được trong đời.
9-1986
N.Q.H - N.V.D
(SH22/12-86)