Tạp chí Sông Hương - Số 22 (T.12-1986)
Một mảnh tình cờ
11:01 | 31/07/2012

NGUYỄN KIÊN

Tôi có anh bạn tên là Trứ, có phòng riêng ở một khu tập thể. Chúng tôi thân nhau từ hồi còn học phổ thông. Sau nhiều năm lang bạt mỗi đứa một phương, nay gặp lại, tình bạn giữa chúng tôi có phần còn thắm thiết hơn xưa.

Một mảnh tình cờ
Minh họa: BỬU CHỈ

Tôi vốn lêu têu, Trứ thì lúc nào cũng hặm hụi. Mỗi lần gặp nhau tôi cứ việc huyên thuyên hàng giờ, Trứ sẵn lòng ngồi chịu chuyện với vẻ ngơ ngác vô cùng đáng yêu. Đối với Trứ, ngoài nghề kiến trúc của anh ta ra, hình như mọi thứ trên đời này đều vô nghĩa. Trứ nghĩ ra đã lắm kiểu nhà và tôi thường trêu chọc anh ta là các kiểu nhà của anh ta đều quá đẹp nên người ta đâm ra lúng túng, không biết chọn kiểu nào để xây dựng trước tiên. Vậy mà ông bạn quý hóa của tôi chỉ ngẩn mặt ra "ờ ờ" chứ không hề giận dỗi. Bẵng đi một dạo không gặp nhau, tôi vẫn lêu têu thế còn Trứ thì đã lặng lẽ tiến tới cái bước ngoặt quyết định của cuộc đời kiến trúc sư. Ở triển lãm thành phố, bản đề án có kèm theo mô hình một quần thể kiến trúc của Trứ được giới chuyên môn và công chúng đánh giá rất cao. Tôi đoãng quá, chưa kịp đi xem thì triển lãm đã đóng cửa, lại nghe nói Trứ được cử đi theo công trình của mình, tiếp tục tham dự triển lãm ở các thành phố lớn trong nước. Tôi định đến Trứ để tạ tội, không ngờ ông bạn quý hóa lại đến tìm tôi trước:

- Này Đằng, sáng mai mình phải đi công tác có lẽ cũng lâu lâu. Nếu không có gì phiền, cậu đến chỗ mình ở nhé.

Đang khốn khổ vì cái cảnh phải nằm bàn ở ngay phòng làm việc của cơ quan như tôi, bỗng dưng được mời đến ngự ở cả một phòng riêng, bụng tôi mừng rơn. Tôi ấp úng xin lỗi rồi chúc mừng... nhưng Trứ tỏ ra rất khổ sở, anh vội vàng gạt đi:

- Thôi thôi, mình muốn cậu đến chỗ mình. Mình nhờ cậu mà, mong cậu đừng từ chối. Cái chuồng chim của mình, như cậu biết đấy, chẳng có của nả gì. Nhưng dù sao cũng có một ít sách vở, tài liệu và những bản vẽ mình đang tính toán dở. Mình lo lũ chuột... ba cái thứ vớ vẩn của mình ấy, là chúng ưa chuộng lắm!

Phòng ở của Trứ chon von tít trên tầng năm, nói đúng hơn là tầng năm rưỡi của ngôi nhà tập thể năm tầng, xây theo kiểu cũ. Nó vốn là phòng che cái đầu cầu thang mở thông lên mặt sân thượng, giống như cái nắp hộp vuông úp sấp, rộng khoảng mười mét vuông. Cái chuồng chim, hay cái nắp hộp ấy, suốt ngày bị hơi nóng của mặt sân mênh mông phả vào, nung lên, mãi đến khuya hơi nóng còn chưa hả hết. Mặc dầu đã thừa biết như vậy, tôi vẫn hăm hở lao nhanh lên cầu thang gác với ý nghĩ thú vị là mình đang lên cõi thiên đàng, ở đấy mình có thể nghỉ ngơi hoặc muốn làm gì tùy thích. Tôi mở cửa ra vào và mọi cửa sổ, vứt cái túi đựng đồ dùng cá nhân lặt vặt vào góc phòng rồi lập tức lăn kềnh ra giường, thở hít từng hơi dài thật thoải mái. Cũng may là chiều hôm ấy nắng nhạt, lại có tý gió mát hây hây, tôi đâm ra mơ mộng nghĩ rằng số phận kể cũng hay, đang không nó lại đưa đẩy tôi đến cái lò nung đã nung bạn tôi thành con người nổi tiếng. Nhưng cơn mơ mộng của tôi kéo dài không lâu. Có tiếng chân bước phía ngoài cầu thang, tiếng gõ cửa và tôi chưa kịp ngồi dậy, cất tiếng mời mọc gì cả thì cánh cửa đã bị đẩy ra:

- Chào anh bạn!

- Vâng, chào ông!

Khách bước vào, tự kéo ghế ngồi và nói bằng một giọng vui vẻ, hơi có chút suồng sã:

- Mình là Khoảng, ở tầng một, cửa phòng của mình trông thẳng ra cái chân cầu thang ấy... Vừa rồi, nhác trông thấy cậu là mình nhận ra ngay. Thỉnh thoảng cậu vẫn đến chơi với Trứ, còn bây giờ thì cậu đến trông nhà cho anh bạn trứ danh của cậu, phải không nào?

Thế là tôi hoàn toàn bị khuất phục, vội ra ngồi bên bàn nước, loay hoay tìm bộ đồ trà.

- Nước nôi làm gì, vẽ! - Khoảng ngăn tôi - Mình lên đây luôn ấy mà. Cậu thấy đấy, mình với Trứ ở cách nhau năm tầng gác nhưng lại liên quan chặt chẽ với nhau bởi cái cầu thang. Hà hà... Trứ nó cũng như em mình. Là mình muốn nói, ngay từ những ngày đầu nó mới đến ở đây. Nó có ông chú họ nghỉ hưu dọn về quê, nhường lại cho nó căn phòng, ông ta có giới thiệu nó, gửi gắm nó cho mình. Nhưng cũng không phải chỉ vì ông ta gửi gắm... Trứ nó có kể cậu nghe chuyện này chứ?

- Dạ có, anh ta có ông chú họ...

- Là mình muốn nói chuyện mình kia! - Khoảng đính chính và ông nghiêng khuôn mặt hồng hào, đầy đặn về phía tôi, nở nụ cười thật hồn nhiên- Ối chao ôi, đầu tiên là việc hộ tịch hộ khẩu, chú chàng đã ngớ ngẩn lại lười, để lâu quá không xin sang tên, mình không nhúng tay vào thì khốn đốn. Rồi đến việc sửa sang cửa giả, quét vôi, mua sắm đồ gia dụng... Lại tem phiếu nữa chứ! Cái gì cũng phải góp ý, phải giục giã, thậm chí phải làm hộ. Nhưng mà nói cho vui thế thôi, toàn chuyện vặt vãnh không đáng gì!

Khoảng nặng nề xoay trở cái thân hình béo phục phịch bị gò trên chiếc ghế quá nhỏ nhưng ông tỏ ra dễ tính, mắt ông lim dim nhìn tôi rồi độp cái ông hỏi:

- Này, cậu công tác gì?

- Dạ, tư liệu...

- Nghĩa là gì?

- Nghĩa là đọc đủ thứ linh tinh. Rồi phân loại, tóm tắt...

Khoảng bỗng nghiêm nghị:

- Cả bảo quản nữa chứ? - Tôi chưa kịp trả lời thì ông đã tiếp, giọng hơi cất cao lên, ra ý nhấn mạnh để buộc tôi phải chú ý - Cậu với Trứ là bạn thân, mình biết. Những ngày cậu ở đây, cậu muốn làm gì, tùy thích. Nhưng cậu phải đem nghề chuyên môn của cậu ra, bảo quản cho thằng Trứ những thứ này - ông khoát tay nửa vòng tròn, từ cái bàn làm việc, qua giá sách đến đống tài liệu xếp ngổn ngang ở góc phòng - Chưa biết chừng, nó là tài sản quốc gia cả đấy chứ đâu phải chuyện chơi!

Tôi vui vẻ xác nhận:

- Vâng, rất có thể là như thế!

Khoảng gật gù, vẻ hài lòng hơi có chút bề trên:

- Thằng Trứ bạn cậu, tính nó cẩn thận lắm đấy. Nó có cái bẫy chuột... Cậu đã biết nó để ở đâu chưa? - ông hỏi rồi tự trả lời - ở dưới gầm giường, chỗ kia kìa. Bẫy sập. Cậu biết cách giương kiểu bẫy này chứ?

- Dạ, tôi còn biết cả cách gài mồi nữa.

- Thế thì tốt! - Khoảng đứng lên, khẽ vặn lưng, khuôn mặt ông dãn nở ra, chứng tỏ ông đã yên tâm về cái gã cha căng chú kiết là tôi và giọng ông ấm hẳn lại - Thôi, lên thăm cậu tý chút. Cậu nên nhớ cậu muốn ra vào ngôi nhà này đều phải đi qua cửa phòng mình đấy nhé. Hà hà, cứ rẽ vào chơi với mình tự nhiên.

Khoảng vừa ra khuất, tôi liền đóng cửa, cài chốt lại thật chặt. Và tôi cứ nhìn trân trân vào cái chốt cửa trong tâm trạng vô cùng bối rối. Ở cơ quan tôi đã có tới vài ba thủ trưởng lúc nào cũng đàng hoàng, oai vệ, sẵn sàng phán xét, bảo ban như Khoảng, bây giờ lại thêm ông ta... Ối chao ôi, tôi đã quá ngán nhưng biết làm thế nào! Khoảng lên đây không phải vì tôi mà là vì Trứ; bất kể tôi tươi cười hay nhăn nhó, tôi cũng không thể thoát khỏi ông ta!

Do công tác của tôi có chút mầu công chức, tôi sáng đi chiều về rất đúng giờ. Còn Khoảng thì đi về giờ giấc thất thường hơn. Ông phụ trách một cơ quan kinh tế có cả một bộ máy rắc rối gồm đủ các phòng ban và nhiều cơ sở sản xuất ở rải rác trong thành phố. Việc công đã bận liên miên, về nhà lại sẵn khách đến nhờ vả, lúc nào ông cũng vội vã và có vẻ kín đáo như đề phòng cái gì. Tôi vẫn nhớ lời ông dặn: "cứ vào chơi với mình tự nhiên!" nên mỗi bận gặp ông ở chân cầu thang tôi đều lễ phép chào ông trước.

Ông cũng rất vui vẻ, cởi mở đáp lại: "À Đằng, vẫn khỏe chứ? Ừ, khỏe, thế là tốt!" hoặc một câu gì đại loại như thế. Tất nhiên là sau đó tôi đi đường tôi nhưng tôi hiểu rằng ông không phải người hờ hững, thế nào cũng có lúc ông rỗi rãi, cảm thấy thích nói chuyện và lúc ấy ông sẽ tóm cổ tôi.

Quả nhiên, một buổi tối mát trời, tôi định đi dạo loanh quanh, vừa thả bộ xuống tới chân cầu thang thì cửa phòng Khoảng xịch mở:

- À, Đằng, cậu là tệ lắm, cậu cứ đi chơi vớ vẩn đâu đâu, chẳng chịu ghé vào nhà mình. Thôi, hôm nay thì vào đi. Mình có ấm trà sen, hương sen tự nhiên tuyệt lắm. Mình vẫn để dành...

Tôi vừa bước vào nhà thì bà vợ Khoảng (bà có vẻ già hơn ông, vẻ chất phác và hơi cũ kỹ) vội rời vào phòng trong, ngồi với cô con gái út đang xem ti vi ở trong đó. Cái phòng trong ấy là nơi chứa chất đủ loại đồ lề và các tiện nghi đắt tiền, hiện đại vào hạng nhất. Còn phòng ngoài chỉ kê bộ sa-lông có đệm mút đã hơi cũ, cái tủ thấp kiểu cách đơn giản, bàn làm việc, giá sách và bầy loáng thoáng đây đó mấy thứ đồ mỹ nghệ lạ mắt, chắc là kỷ niệm những chuyến Khoảng đi nước ngoài. Ông xúng xính trong bộ py-ja-ma kẻ sọc màu nhạt, rất hợp với khổ người đẫy đã cùng khuôn mặt hồng hào, tươi tỉnh của ông và cái dáng vẻ trịnh trọng mà lơ đãng toát ra từ con người ông rất hợp với cảnh trí của căn phòng. Ông pha trà mời tôi rồi lấy ra bao thuốc lá đầu lộc:

- Cậu cứ hút tự nhiên, mình cai thuốc rồi. Cũng may là mình không nghiện rượu, chứ không thì chuyến này mình cũng nhất quyết cai luôn! - Khoảng mở đầu rồi độp cái, ông hỏi tôi - Thế nào, đêm đêm cậu ngự một mình trên lầu thượng, cậu làm gì?

- Tôi ngủ.

- Ồ, như thế không được! - Khoảng nghiêm nghị - ít ra cậu cũng phải tranh thủ đọc sách hay làm cái gì đó. À, suýt mình quên, về cái khoản bẫy chuột ấy mà, cậu có đặt chứ?

- Vâng, cái đó thì có. Nhưng chỉ bẫy được một con. Sau đó, dù tôi đặt mồi thơm ngon đến thế nào chúng cũng không vào nữa. Lạ lùng...

- Có gì mà lạ lùng! - Khoảng ngả người ra phía sau, nhìn tôi bằng đôi mắt thương hại - Cái con chuột chết ấy mà, ngoài tiếng kêu báo động nó phóng ra khi bị sập bẫy, nó còn để lại cái mùi... Cậu phải đem cái bẫy hơ vào lửa, hơ thật kỹ. Hà hà, cậu thấy chưa, mọi cái được gọi là bí quyết thực ra đều rất đơn giản. Nhưng mà cần phải hỏi, tại sao cậu không hỏi mình?

Tôi ấp úng:

- Việc nó nhỏ mọn quá, tôi ngại.

- Không có việc gì là nhỏ mọn cả, anh bạn trẻ thân mến của tôi ạ! - Khoảng nhẹ nhàng uốn nắn - Còn chuyện ngại, có lẽ cậu hiểu lầm, cậu cho rằng mình khó tính chăng?

Tôi vội vàng thanh minh:

- Không, không phải thế đâu ạ. Tôi đã được nghe bà con trong khu tập thể ca ngợi ông rất nhiều. Chuyện điện nước an ninh, vệ sinh công cộng... ông đều chạy vạy, lo lắng mất rất nhiều thì giờ, công sức. Ông lại còn chú ý đến những gia đình gặp khó khăn nữa. Riêng nhà này, trên tầng hai, có hai cô thi trượt đại học, được ông thu nạp vào cơ sở sản xuất thuộc cơ quan ông; tầng tư, có một cậu choai choai, lưu manh dở, được ông bảo lãnh và giới thiệu cho đi học nghề, cậu ta đã tu tỉnh và nghe đâu sắp lấy vợ.

- Đúng là như thế! - Khoảng gật gù, thoáng qua một chút trầm ngâm - Nhưng cậu có biết vì sao mình lại thế không? Vì cái bản tính của mình. Vì cuộc đời mình trải lắm gian truân... Là một anh chân đất mà lên được đến thế này, nói thực thà với cậu, đâu có đơn giản. Cho nên giúp ai được tý gì, mình vui lắm! - Ông nở nụ cười thật tươi để chứng tỏ lòng mình rồi nhân đà hào hứng ông bỗng chuyển sang chuyện khác - Này, chú chàng Trứ bạn cậu ấy mà, nó chịu khổ tài quá đi. Phòng của nó nóng như cái lò, chui vào là mồ hôi tháo ra như tắm, nó đánh trần ra, vẫn cứ hì hục kẻ vẻ, tính toán. Trông nó mình lại nhớ hồi trai trẻ của mình. Nhưng thời ấy khác. Bây giờ có hơi khác. Bây giờ phải lo miếng ăn. Mình bảo nó: "Trứ này, nhà cửa cơ quan mình bây giờ chật chội quá mà xin thêm thì không được. Đành phải cơi, vẩy, chắp và lằng nhằng lấy thêm chỗ ngồi tạm vậy. Hôm nào cậu đến xem qua, vẻ kiểu hộ mình, trông cho nó hợp mắt một tý". Nó có vẻ đắn đo. Mình đành phải nói thẳng: "Thôi đi ông kiến trúc sư ơi, tôi biết ông đang muốn làm chuyện động trời nhưng mà ông nghèo kiết xác ông cũng phải để tôi giúp ông tý tiền bồi dưỡng chứ không thì ông kềng!" Nó nghĩ ngợi hồi lâu rồi nhận những yêu cầu mình đến đặt vấn đề chính thức với cơ quan nó. Ấy thế, cái thằng đáng quý thế. Cho nên mình vẫn ân hận... mình cảm thấy... mình tự thấy trách nhiệm phải giúp nó việc gì thật đích đáng. Cậu hiểu ý mình chứ?

Quả thật là tôi không hiểu gì cả nhưng tôi không khéo nói nên mặt tôi ngay đờ.

- Nghĩa là phải kiếm cho chú chàng cô vợ - Khoảng tuyên bố gọn lỏn - Mà này, cậu với Trứ đều băm mấy tuổi cả rồi, sao không bảo nhau lo cái khoản ấy sơm sớm đi?

Tôi cười:

- Dịp này ông lo cho Trứ, nhân tiện ông lo cho tôi luôn cả thể thì hay quá!

- Ồ, không được. Đến lúc nào đó, nếu cậu muốn, cậu hãy tự xoay xở lấy. Còn chú chàng Trứ thì nhất thiết mình phải lo cho nó. Nó mà vợ con yên ấm thì còn tiến nhanh đến đâu ấy chứ! Cho nên... cậu chờ mình một lát nhé.

Khoảng hấp tấp đứng lên, ông đi vào phòng trong rồi quay ra ngay, mang theo cái cặp giả da đen bóng, vẻ như được kích thích bởi một động cơ cao cả, ông lôi từ trong cặp ra một tập ảnh cỡ 6 X 9 mới toanh, trịnh trọng bầy ra trước mắt tôi từng chiếc một:

- Này xem đi. Cơ quan mình vừa liên hoan tổng kết thi đua. Những cái này chụp chung, láo nháo, không cần xem. Còn những cái này, toàn đám con gái các phòng, ban chụp riêng với nhau. Các cô mình cũng kha khá cả đấy chứ nhỉ?

- Rất khá là khác - tôi dụi mắt - Nhiều cô quá mà cô nào cũng cười...

- Cậu đến không đúng lúc một tý nào! Mình cho cậu xem, cốt để cậu hiểu rằng ý định của mình về vấn đề này hoàn toàn nghiêm chỉnh. Mình thử hỏi cậu, trên đời này có gì hệ trọng hơn là đem lại hạnh phúc cho người khác? Hẳn là không phải không nào - ông chém tay vào không khí, vẻ quả quyết và đầy tự tin - Suốt một tuần lễ nay, hôm nào đến cơ quan mình cũng đi duyệt một lượt tất cả các cô, tiến hành phân tích tỷ mỉ về mọi mặt. Vấn đề khá phức tạp nhưng mà thú lắm. Hôm nào Trứ nó về, mình đang nghĩ có hai phương án: hoặc là cứ cho nó xem những bức ảnh này trước rồi mình giới thiệu từng cô sau hoặc là làm ngược lại. Theo ý cậu thì phương án nào hơn?

Tôi im lặng. Khoảng có vẻ sốt ruột, khẽ nhắc tôi: "Cứ mạnh dạn nói đi, ý cậu thế nào?" Thế là tôi mạnh dạn, định nói rằng hai cái phương án của ông rút cục cũng như nhau và đều tào lao như nhau cả nhưng tôi chưa kịp nói ra thì bên ngoài chợt có tiếng gõ cửa. Khoảng vội thu những bức ảnh, cất vào cặp giọng hơi cất cao lên: "mời vào!" khách bước vào, hơi sững lại nhìn tôi, tỏ ra ngượng ngùng lúng túng. Tôi đoán chắc lại một ông khách muốn nhờ vả Khoảng việc riêng tư gì đó nên tôi vội đứng lên, xin phép rút lui. Khoảng tiễn tôi ra tận chân cầu thang:

- Này, về chuyện những bức ảnh ấy mà, hôm nào Trứ nó về cậu đừng nói gì với nó nhé. Mình muốn làm một cú bất ngờ...

Khoảng thì thầm rồi đẩy nhẹ một cái vào lưng tôi. Và tôi cứ thế một mạch leo suốt năm tầng thang gác, với cái câu hỏi vẩn vơ, giả dụ tôi là Trứ thì tôi sẽ xử sự thế nào?

***

Có lẽ do câu hỏi vẩn vơ, đầu óc tôi cũng vẩn vơ luôn. Trong khoảng tối lờ mờ nơi đầu cầu thang, tôi có cảm giác như có ai đó đứng ở đâu đó đang dõi theo tôi. Tôi đâm ra hồi hộp; vội vàng mở khóa cửa phòng, với tay vào bên trong bật nhanh công-tắc điện.

- Em chào anh!

- Vâng, chào cô. Cô cần gặp ai?

- Thưa anh, em chờ ở đây đã khá lâu. Em... em muốn phiền anh bớt chút thì giờ... em muốn gặp anh!

- Gặp tôi?

- Vâng, gặp anh!

Lúc này tôi đang đứng tựa lưng vào cánh cửa phòng đã mở nửa chừng nên không có cách nào khác là hơi lùi lại, mở cánh cửa phòng ra rộng hơn, mời cô gái vào. Thú thực là tôi bị sững sờ mất mấy giây vì cô gái xuất hiện dưới ánh đèn phô ra vẻ đẹp thật rực rỡ. Dong dỏng cao, mềm mại, với khuôn mặt rất ưa nhìn, đôi mắt sáng ướt và khóe môi phảng phất như cười. Tôi không biết phải tiếp đãi thế nào cho xứng với vẻ đẹp của cô. Nhưng cô gái đã gỡ bí cho tôi:

- Anh cứ cho em xin cốc nước lọc, thế là đủ... Thưa anh, em là Liễu, một người hâm mộ nghệ thuật, đặc biệt là nghệ thuật kiến trúc. Em đã đi xem tác phẩm của anh bầy ở triển lãm đến mấy lần và lần nào em cũng nghĩ, thế nào mình cũng phải tìm gặp tác giả. Em hỏi dò mãi mới biết được chỗ ở của anh... Anh ở đây chắc là yên tĩnh nhưng mà chật chội quá, lại hơi nóng và nhiều cái bất tiện...

- Vâng, đúng thế - tôi ngắt lời Liễu - Chỗ này chật, nóng và bất tiện nhưng tôi chỉ phải chịu đựng những cái đó rất tạm thời thôi. Tôi không phải là Trứ, người mà cô muốn gặp.

Liễu ngước đôi mắt sáng ướt lên nhìn tôi:

- Ôi, sao lại có thể như thế được ạ!

- Xin cô đừng ngạc nhiên, anh Trứ bạn tôi, anh ấy đi công tác vắng có gửi nhà lại nhờ tôi trông nom hộ.

Liễu hơi cụp mi mắt xuống:

- Em nghĩ là anh đùa. Hoặc cũng có thể anh bị quá nhiều người đến quấy rầy, anh muốn đuổi khéo em.

Tôi vội vàng nói, hoàn toàn ngoài ý muốn:

- Ồ không đâu, không bao giờ tôi dám nghĩ đến chuyện đuổi ai...

Liễu xoay người rất nhanh về phía tôi, đôi mắt sáng ướt của cô lại ngước lên và nụ cười vẫn phảng phất nơi khóe môi cô bỗng như bừng nở:

- Em biết ngay mà, giá như em dại dột tin ngay rằng anh, chỉ là bạn anh Trứ, em rút lui thì sẽ chẳng bao giờ gặp được anh nữa! Em muốn gặp anh, mục đích chỉ đơn giản thế này thôi: Chung quanh cái công trình anh đem bầy ở Triển lãm, người ta bàn luận khá sôi nổi. Hôm vừa rồi, ở Câu lạc bộ những người yêu nghệ thuật lại có thêm một cuộc thảo luận nữa. Em có đi dự, cốt nghe để học hỏi thôi. Nhiều ý kiến rất hay. Nhưng nói chung em thấy không thỏa mãn. Đã mấy lần em định nói nhưng mà run quá, lại thôi. Bây giờ em thử trình bầy một vài điểm để anh nghe xem sao nhé!

Liễu hơi xoay người về phía tôi, cái cổ cao và trắng ngần của cô vươn thẳng lên trong một tư thế chờ đợi đầy hồi hộp. Đến nước này thì tôi đành bó tay:

- Vâng, nếu cô thích xin cô cứ trình bày. Nhưng tôi không phải là Trứ, tôi sẽ không có ý kiến gì đâu nhé!

- Anh muốn tránh nói về tác phẩm của anh chứ gì! -Liễu khẽ lắc đầu, hất nhẹ mái tóc về phía sau một cách thật duyên dáng - để khỏi mất thì giờ của anh, em chỉ xin nói một điểm có tính chất nhận xét tổng quát. Có người bảo rằng, công trình của anh là "bản hòa tấu của các hình khối và thiên nhiên". Lại có người bảo là "bài thơ của sắt thép và gạch đá". Cũng được thôi. Âm nhạc, thơ ca... Nhưng vươn cao hơn nữa thì là cái gì? Là triết học, em nghĩ thế, cho nên theo ý em, mọi người nhận xét chưa chính xác, chưa đầy đủ. Đúng ra phải gọi công trình của anh là "bản triết luận không gian" - bởi vì kiến trúc là nghệ thuật chinh phục không gian mà! Em có thể lấy ra bất kỳ chi tiết nào trong công trình của anh để chứng minh...

Tôi hoảng quá, vội vàng xua tay:

- Thôi thôi, cô không cần phải chứng minh, cô Liễu ạ.

- Là em nói thế thôi, chứ chứng minh với anh cũng bằng thừa! - Liễu hơi đỏ mặt lên, giọng cô nhỏ lại, có chút gì như đắn đo - Bây giờ đến điểm thứ hai: điểm này nằm ở ngoài công trình của anh. Nó có vẻ hơi tò mò, thú thực là em rất khó nói, vì em chỉ phỏng đoán... Có người bảo rằng, xem công trình của anh, cảm thấy tác giả dường như cứ bay bổng mãi lên trong tưởng tượng với một niềm sảng khoái vô biên. Cái gọi là niềm sảng khoái vô biên ấy mà, theo ý em chỉ đúng với những người xem hôm nay và những người được hưởng thụ công trình của anh mai sau. Còn tác giả của nó, tức là anh ấy, em dám cam đoan là anh đã đẻ ra nó trong đau khổ. Không phải đau khổ tầm thường, vụn vặt mà là một nỗi đau khổ trong suốt, vô cùng cao thượng. Điều này chỉ mình anh biết, em đề nghị anh phải làm chứng cho em.

Nghe nói đến làm chứng, tôi cảm thấy như bị dồn vào chân tường. Một giây thảng thốt, tôi quên khuấy mất mình đang được cô gái xinh đẹp cứ nhất định coi mình là một người khác, tôi vội kêu lên:

- Quả thực là tôi có đau khổ. Tôi đau khổ vì... vì... tôi không hiểu cô nói với tôi tất cả những điều ấy để làm gì?

Liễu nhìn tôi hơi có chút ngạc nhiên, nhưng cô kịp trấn tĩnh lại:

- Anh khó tính quá. Nhưng mà em cũng không dám trách anh đâu... Giá như không có cuộc thảo luận ở câu lạc bộ mà trong cuộc đó, em cứ nhấp nhổm định giơ tay phát biểu mấy lần rồi lại thôi, nó làm cho em bứt rứt cho đến tận bây giờ. Hôm nay đánh bạo đến gặp anh, em thế là được thoải mái, tự tin hơn rồi. Em sẽ viết ý kiến của em thành một bài báo ngắn. Tối thứ bảy tuần này, khoảng bảy giờ ba mươi, chắc là anh không đến nỗi vướng bận gì quá, em sẽ xin đến đưa bài anh đọc thử...- Liễu đột ngột đứng lên, mặt cô đỏ bừng và nói vội vã - Em quấy rầy anh quá lắm. Thôi, bây giờ em xin phép anh...

***

Lời hẹn hò của Liễu thoáng qua khiến tôi đã nghĩ biết đâu cô chỉ hẹn làm duyên để thăm dò thái độ tôi đón nhận thế nào? Các cô nàng xinh đẹp là quái quỷ lắm! Nhưng dù sao cô cũng có hẹn và cái vẻ cô khăng khăng không chú ý gì đến lời chối cãi của tôi nó vẫn cứ báo hiệu cái nguy cơ, tôi tiếp tục bị coi là người khác vẫn còn treo lơ lửng. Tôi đâm hoảng. Cuối cùng, đành phải cầu cứu Khoảng. Khoảng đã chuẩn bị đi ngủ tôi đoán thế, bởi vì ông ngồi tiếp tôi với dáng điệu hết sức uể oải, hai mắt cứ díu lại. Ông nghe tôi, lơ đãng... Thế rồi ông bỗng giật mình:

- Này, mình hỏi thật, cậu có bị bệnh tâm thần không đấy? Là mình muốn nói về... về cái cô Liễu xinh đẹp của cậu...

Tôi thề với ông là tôi hoàn toàn khỏe mạnh và có thừa tỉnh táo để hiểu rằng câu chuyện này thậm phi lý, không thể nào tin được nhưng quả thực nó đã xẩy ra. Khoảng dụi mắt, trừng trừng nhìn tôi:

- Vậy hả? Vậy thì ta phải xem xét vấn đề một cách nghiêm chỉnh. Trước hết, theo ý cậu cái cô Liễu xinh đẹp của cậu là người đứng đắn hay lẳng lơ?

Tôi ngập ngừng.

- Thôi đi, đừng giả vờ e lệ! - Khoảng vẫn trừng trừng nhìn tôi - Hai cô cậu ngồi với nhau lâu thế, chắc thế nào cậu chẳng buông vài lời tán tỉnh...

Một lần nữa tôi lại phải thề với ông rằng tôi chỉ ngồi ngay thuỗn ra, nghe Liễu nói. Tôi vốn nhát gái; hơn nữa, tôi không thể nào đóng vai một người khác được. Khoảng phác một cử chỉ chán ngán:

- Thôi được rồi. Nhưng còn cô ta chắc cô ta có tán tỉnh cậu, tức là tán tỉnh cậu Trứ ấy?

- Cái đó thì hình như có. Nhưng mà nó... nó có vẻ rắc rối cao siêu, tôi không hiểu cho lắm.

- Có là có chứ còn hình như gì nữa! - Khoảng gõ nhẹ ngón tay xuống mặt bàn, ngẫm nghĩ rồi buông ra lời kết luận chắc nịch - Cô ta tán tỉnh, tức là cô ta mê... không phải mê cậu đâu, cô ta mê chú chàng Trứ dứt khoát rồi! Đấy, cậu thấy chưa, cuộc đời mới sáng suốt làm sao. Mình đang loay hoay lựa chọn một đám cho chú chàng thì cô nàng muốn được lựa chọn lại tự tìm đến...

Khoảng hơi ngả người phía sau, ông ta bỗng trở nên mơ màng, cứ y như không hề có tôi đang ngồi trước mặt ;

- Một cô nàng xinh đẹp, say mê một chàng trai tài ba... Rất hay! Bây giờ chỉ cần xét xem lai lịch tính tình cô ta thế nào... - ông khẽ cựa quậy rồi bỗng nói to lên - Này Đằng, có cách gì để mình có thể gặp Liễu? À, mà cô bé có hẹn cậu vào tối thứ bảy này, phải không nhỉ? Vậy tối hôm đó cậu cố ngồi tiếp cô ta lâu lâu một tý, mình sẽ lên phòng cậu, giả vờ có việc gì đó rồi nhân tiện xen ngang vào vài ba câu.

- Không, như thế không được - tôi nhăn nhó - Mặc dầu được ngồi nhìn và nghe cô ta nói có thú vị đến thế nào tôi cũng không thể tiếp tục... Tôi muốn chấm dứt, muốn trốn khỏi cô ta!

Khoảng hơi xầm mặt, vẻ không bằng lòng tôi nhưng ngay sau đó ông bỗng tươi lên:

- Cậu muốn trốn hả? Cũng hay. Nhưng trước khi đi trốn cậu phải tả lại hình dáng cô nàng thật tỉ mỉ cho mình nghe. Thứ hai, theo đúng phép lịch sự, cậu phải nhân danh Trứ viết mấy dòng xin lỗi, đại khái nói vì có cuộc họp quan trọng đột xuất, rất băn khoăn, rất tiếc v.v... và cậu đưa cái giấy đó cho mình. Tối hôm đó, vào khoảng giờ đó mình sẽ chú ý, chắc chắn mình có thể đoán ra Liễu một khi cô ta xuất hiện. Mình sẽ chủ động hỏi chuyện cô ta đưa cái giấy của cậu cho cô ta làm cớ mời cô ta vào chơi trong nhà này. Sau đó, tùy tình hình mình sẽ quyết định phương án. Hà hà, biết đâu lại chẳng trúng cái phương án tối ưu!

Tôi vô cùng ngạc nhiên trước sự hăm hở đến nôn nóng của Khoảng và cái cách ông nhìn đời cứ y như cuộc đời nằm gọn lõm trong lòng bàn tay ông. Tuy nhiên, tôi không thể tranh cãi đành lễ phép đứng lên:

- Thôi bây giờ khuya rồi. Tôi sẽ thực hiện đúng những điều ông dặn. Rất cám ơn ông.

Khoảng cũng đứng lên, ông vỗ "bộp" vào vai tôi, không hiểu đùa hay thật:

- Ô hay, lẽ ra mình phải cảm ơn cậu chứ sao cậu lại cảm ơn mình!

***

Tối thứ bảy tôi đạp xe đi lang thang đến chín giờ rưỡi, mỏi chân quá đã định quay về khu tập thể. Sau lại nghĩ, để cho chắc ăn, tốt nhất là rẽ vào nhà thằng bạn, tào lao thêm một lúc nữa. Không ngờ vào chuyện đâm sa đà, mãi gần mười một giờ đêm mới dứt ra được. Khu tập thể lúc này đã lờ đờ chìm vào giấc ngủ, nhiều ô cửa sổ không còn ánh đèn, đường sá vắng tanh, chỉ nơi vòi nước công cộng còn thoáng bóng người. Tôi đạp xe theo đường trục chính, rẽ phải rồi rẽ trái, đến gần cuối nhánh đường thì một bóng người từ trong bóng tối rặng cây ven đường nhô ra:

- Đằng hả?

Tôi vội xuống xe:

- Ồ, ông Khoảng, sao ông lại ở đây?

- Mình ở đây là ở đây, chứ còn sao! Mà này, con bé Liễu, nó hẹn cậu bẩy giờ tối hôm nay, đúng không?

- Đúng. Nhưng sao kia?

- Con bé không đến! - Khoảng buông một câu gọn lỏn rồi ông khẽ đặt bàn tay lên vai tôi - Đi bách bộ với mình một lát cho thông thoáng. Rồi mình kể cậu nghe từ đầu. Thế này nhé: Từ bẩy giờ mười lăm đến chín giờ ba mươi, mình ngồi trong nhà tập trung theo dõi, đếm được bốn mươi bảy người lạ mặt lên xuống cầu thang - tối thứ bảy mà, các nhà đông khách quá! Từ chín giờ ba mươi trở đi, mình ra khỏi nhà đi bách bộ loanh quanh nhưng vẫn tiếp tục quan sát, đồng thời tự đặt ra những câu hỏi. Thoạt đầu mình tự hỏi, hay là mình có lúc nào đó nhãng đi, không trông thấy con bé lúc nó đi vào và lên cầu thang. Nhưng không có lý: nó lên cầu thang rồi nó phải xuống, mình không thể nhãng đi đúng vào cả hai lúc đó được. Sau mình lại hỏi, hay là con bé cố tình đến chậm để giữ giá đoan trang, Nếu đúng thế thì càng hay và mình đã cố tin như thế cho đến khoảng mười giờ rồi mười giờ mười        lăm. Bây giờ thì, thì mình đi đến kết luận dứt khoát là con bé không đến!

Tôi cảm thấy cần phải tỏ ra thông cảm với Khoảng và tôi nói:

- Đó là chuyện của cô ta. Biết làm thế nào!

Sao lại biết làm thế nào? - Không ngờ Khoảng vặn lại tôi - Con bé không đến nhưng mình cần phải biết vì sao nó không đến chứ! Nào, nào... theo ý cậu thì vì sao nào?

Tôi cố làm dịu nỗi băn khoăn của Khoảng:

- Theo ý tôi thì... thì... có lẽ lần đầu gặp tôi, hay là Trứ, cô ta thấy Trứ, à quên, thấy tôi... tôi cứ ngồi nghệt mặt ra nên ra về cô ta đã thay đổi ý kiến.

- Vô lý!- Khoảng bác ngay, không cần suy nghĩ lâu la gì - Nếu cô bé thay đổi ý kiến vì lý do cậu mới đưa ra thì nó phải thay đổi lập tức, nó sẽ không hẹn hò gì cả!

Tôi đành im. Và Khoảng cũng im. Ông tỏ ra bực tức thật sự, bước đi mỗi lúc một nhanh hơn và cứ xiên chếch ra tới tận giữa lòng đường. Bỗng ông dừng chân, quay ngoắt lại phía tôi:

- Này Đằng, cái mặt cậu ấy mà, không phải là mặt nghệt đâu. Nhưng... nhưng... biết nói thế nào nhỉ? Có mỗi một việc cỏn con cậu có thể nhân đó mà giúp cho bạn cậu cả một hạnh phúc to lớn, vậy mà cậu làm hỏng bét cả. Cậu nhìn xem - ông chỉ tay lên phía sân thượng ngôi nhà - căn phòng của cậu, à quên của Trứ, tối om. Lẽ ra trước khi đi cậu phải bật đèn sáng trưng như là chờ đón, như là chào mời ấy chứ! Mới chập tối, mọi nhà đều sáng đèn, con bé đi tới đây, ngẩng lên thấy rõ mồn một căn phòng nhô trên mặt sân thượng như cái nắp hộp đen sì. Khác nào cậu xua đuổi nó. Vậy là con bé có đến. Nhưng nó đã quay về. Thế là tong!

Tôi tự thấy mình có phần bị oan ức nhưng đành chịu cứng. Cách lập Iuận của Khoảng hoàn toàn hợp lý và đầy tính thuyết phục, bởi ông vẫn hồn nhiên cho rằng mọi chuyện xẩy ra hay không xẩy ra đều đúng y như ông nghĩ cả. Nhưng dù thế nào ông vẫn là con người tốt bụng, như bản tính ông vốn vậy nên chỉ giây lát sau ông đã dịu giọng bảo tôi:

- Thôi, cứ coi như câu chuyện vừa qua là chuyện tình cờ. Cái tình cờ chợt đến chợt đi, chẳng có ý nghĩa gì! Cậu lên nhà đi, lên ngủ một giấc cho đẫy, mai tỉnh táo đi làm lại có ích hơn!

Tôi cảm động quá, lưỡi cứ líu lại:

- Vâng, đúng thế ạ, những cái tình cờ đã không có nghĩa thì ông cũng nên ngủ quách cho xong!

Khoảng bật cười nho nhỏ, vẻ bề trên rộng lượng và đầy thân ái:

- Ồ, mình khác cậu chớ! Đối với mình, cứ sau khi kết luận được một vấn đề thì lập tức có vấn đề mới được đặt ra. Chẳng hạn như, liệu mình có nên quay về cái phương án "những bức ảnh"? Mình cần tiếp tục suy nghĩ. Cậu cứ về đi, mình đã bảo, còn chần chừ cái nỗi gì!

Tôi vô cùng phấn chấn vì được Khoảng giải thoát, vội lao xe vào trong nhà rồi gò lưng đẩy chiếc xe theo đường dốc trượt lên năm tầng thang gác. Nhưng oái oăm thay, tôi vừa mở cửa phòng, với tay bật công tắc đèn thì thấy ngay dưới chân tôi chiếc phong bì thư trắng toát, không biết ai đó đã nhét qua khe cửa. "Thân kính gửi anh Trứ". Cha mẹ ơi, vừa thân lại vừa kính nhưng vẫn không phải dành cho tôi! Tôi ném phong thư lên mặt bàn, tự bảo mình rằng đối với người am hiểu pháp luật và phép xã giao thì đọc dòng địa chỉ như thế đã quá đủ. Tuy nhiên, tôi cũng là anh chàng ngoan cố, vả lại phong thư lại để ngỏ, cứ như trêu chọc. Thế là trí tưởng tượng của tôi liền phác họa ngay ra cái cảnh do thư phải để lâu ngày, tính tôi lại luộm thuộm, có thể rơi lạc vào xó xỉnh nào. Hơn nữa tôi còn dám tự hào là đã chân thành với bạn, qua cái việc bỗng dưng được hưởng một sự nhầm lẫn có lợi rành rành tôi vẫn không mảy may nghĩ đến lợi dụng. Tôi liền mở thư ra xem. Thư không có ngày tháng, không ký tên, các dòng chữ hơi xiên lên và cứ lệch dần đến quá một phần ba trang giấy, ra vẻ như cẩu thả:

"Thân kính gửi anh Trứ.

Có một tin mới em muốn báo anh biết ngay khi anh vừa về tới nhà để anh tiên liệu trước khi anh đến cơ quan. Làn sóng ca ngợi anh vẫn tiếp tục. Thêm nhiều tính từ nhưng nội dung ý kiến phần lớn trùng lặp. Em chưa phát biểu gì, như anh đã biết nhưng chắc anh thông cảm chỉ vì tính em rụt rè; hơn nữa thực bụng em có nghĩ có hơi khác mọi người một chút, em muốn đi vào thực chất... Hy vọng khi trở về anh sẽ hiểu em hơn... À em có nguồn tin chính thức từ trên ủy ban thành phố, là Ủy ban đã ký quyết định cử anh làm chủ nhiệm cái đề tài nghiên cứu X009 mà anh đã kiến nghị nhiều lần. Sẽ rót kha khá tiền đấy. Và anh có toàn quyền lựa chọn người cộng tác + người giúp việc. Em là con bé ngu si, chỉ mong anh để mắt đến em trong cái hạng mục người giúp việc thôi.
EM"

A ha, đây cũng lại là một mảnh tình cờ, vẻ như vừa vô nghĩa lại vừa không. Bởi vì bức thư, mới đọc qua hoàn toàn dễ hiểu. Đọc lại kỹ hơn thì thấy hai câu có dấu chấm lửng, nằm ở đoạn giữa thư có chút gì bí hiểm. Căn cứ vào cái chỗ bí hiểm đó, có thể suy ra rằng tác giả bức thư chính là Liễu. Hóa ra cô nàng cố tình chơi trò nhầm lẫn, dùng tôi làm trung gian để chuyển tải những lời tán dương lên cấp trên của cô ta... Nhưng cũng không có gì là bằng chứng. Liễu vẫn rất có thể vẫn là người đẹp không dính dáng gì đến bức thư này, cô thực sự hâm mộ anh bạn Trứ của tôi. Thế nhưng như thế thì vì sao cô lại lỗi hẹn và biến đi đâu mất? Câu hỏi vừa nẩy ra, tôi giật mình nhớ lại cuộc chuyện trò lẩn thẩn giữa Khoảng và tôi, lập tức tôi tỉnh ra ngay, như vừa được ai dội cho gáo nước lạnh lên đầu. Bây giờ thì lòng tôi chỉ còn lại mỗi một ước ao êm dịu là làm sao anh bạn Trứ trứ danh của tôi chóng về, có đủ sức lực và tỉnh táo để gồng gánh cái gánh nặng đang chờ đặt lên vai anh. Về phần tôi, thỉnh thoảng, tôi lại đến chơi anh, "mày tao" bỗ bã hứng lên trêu chọc anh, anh cũng chỉ "ờ ờ" chứ không chau mày giận dỗi mảy may.

Tháng 6 năm 1985
N. K
(SH22/12-86)






 

Các bài mới
Các bài đã đăng