Tạp chí Sông Hương - Số 22 (T.12-1986)
Nhớ lại một thời kỳ
09:54 | 01/08/2012

TRẦN HOÀN
            Hồi ký

Năm 1941 thi vào trường Quốc Học, tôi đỗ vào loại khá nhưng chưa đủ mức để được cấp học bổng toàn phần.

Nhớ lại một thời kỳ
Nhạc sĩ Trần Hoàn (bìa phải,đứng)- Hoàng Phủ Ngọc Tường, Thanh Hải, Tô Nhuận Vỹ ...trên đường Trường Sơn - Ảnh: internet

Hoàn cảnh một gia đình công chức quá đông con đã đặt ra trước mắt tôi hai con đường: Cố gắng học thật giỏi để những năm sau có học bổng toàn phần tiếp tục học cho đến thành chung, bằng không, phải tìm đường đi học một nghề gì đó để kiếm ăn, vì gia đình không bao thầu nổi. Lúc đó, tôi chưa đầy 13 tuổi.

Tình hình đó thúc đẩy một sự chạy đua giữa chúng tôi trong việc học. Học ngày học đêm, học sao cho nhất nhì lớp để có được học bổng toàn phần mới có thể tiếp tục học những năm tới. Nhưng tôi lại là một học sinh nghịch ngợm, rất thích thể thao thể dục và văn nghệ. Học gì thì học, nhưng không thể rời quả bóng ten-nít được. Những anh học trước tôi như Đống Ngạc (trên tôi một lớp), Bùi Đăng Ấm tức Bùi Tín, Hồ Xuân Anh, tức Hoàng Anh Tuấn, Đoàn Huyên trên tôi hai ba lớp cũng là những người ham chuộng bóng tròn, bóng rổ, chạy nhảy... đã kích thích cái máu hăng hoạt động của tôi, và nhiều lúc phải lôi tôi vào những cuộc đọ tài quá sức trên sân cỏ bất chấp trời mưa hay nắng, và có lúc còn lao cả vào những cuộc ẩu đả vì tức khí hoặc để bảo vệ "danh dự" cho đội bóng của lớp. Vì vậy, có thể nói những năm đầu học ở Quốc học đối với chúng tôi là những năm học, học, học và ngoài ra là ham mê thể thao thể dục.

Phải đến lúc học lớp đệ tam niên (1943) ảnh hưởng của cách mạng với chúng tôi mới thâm nhập và bắt đầu phát huy tác dụng. Tuy mỗi người tiếp nhận ở một nguồn khác nhau, người thì qua phong trào hướng đạo sinh, người thì từ những mối liên hệ bên ngoài, nhưng trong chúng tôi đã xì xào bàn tán nhiều về khởi nghĩa Bắc Sơn, về phong trào Việt Minh. Những bài thơ của Tố Hữu đã được chép tay lưu truyền bí mật. Một hôm trong lớp học, thầy Phương kể lại chuyện một người học trò cũ mà thầy đã giúp đỡ đưa vào nhà giấu để tránh bọn mật thám. Tất nhiên là thầy không nói tên thật, sau này chúng tôi hiểu đó là đồng chí Tố Hữu, sau lúc vượt ngục bị mật thám theo rõi đã đến nhà thầy và được thầy giúp đỡ. Tôi còn nhớ, năm thứ 3, để chuẩn bị tổng kết năm học, thầy Nguyễn Lân (Từ Ngọc) đã dạy cho chúng tôi những bài hát trống quân, ca ngợi lòng yêu nước. Thầy Đoàn Nồng thỉnh thoảng thêm vào bài Sử, những lời bình cổ vũ lòng tự tôn dân tộc. Năm 1944 - 1945, chúng tôi đã học ở năm đệ tứ, năm cuối cùng của bậc học thành chung. Từ sau tết, không khí trong học sinh đã khác hẳn, phong trào truyền bá quốc ngữ lan rộng. Tôi có tham gia vào ban nhạc tuyên truyền cổ động cho phong trào này. Trong ban nhạc, còn có các anh Cao Văn Khánh (violon), Phạm Khuê (Accordéon), Phạm Tuyên (guitare espa-gnole) và tôi (guitare hawaienne).
 

Ảnh chụp Nhạc sĩ Trần Hoàn(người ngồi thứ hai hàng giữa kể từ phải sang trái) khi được kết nạp vào Đảng tại Thanh Hóa, tháng 11.1948 - Ảnh: archives.gov.vn


Tác động của phong trào Việt Minh đang được phát huy thì đùng một cái, vào đêm 9-3, xảy ra đảo chính Nhật. Cả đêm, học sinh trong ký túc xá chúng tôi thức dậy, nhốn nháo, song không biết rõ vì nguyên nhân gì.

Sáng 10-3, trường nghỉ học, vì không có giáo viên. Chúng tôi tập trung ở sân trường. Tên Tổng giám thị (censeur général), tên là Giammarchi, người đảo Corse, lò mò đến sân trường với bộ mặt trầm tư, sầu não.

Chúng tôi lân la đến bên cạnh. Một bạn đánh bạo hỏi bằng tiếng Pháp:

Thưa ông, đêm qua cái gì đã xẩy ra? Giammarchi cúi mặt, trả lời một câu đầy triết lý:

Người sẽ đi qua, nhưng đất vẫn tồn tại (Les hommes passent mais la terre reste). Không rõ lúc này, hắn suy nghĩ gì, song qua bộ điệu và giọng nói, rõ ràng đầy nỗi lo lắng và xót xa vì phải rời bỏ vị trí của mình mà hắn rất luyến tiếc.

Sau ngày đảo chính Nhật, phong trào trong học sinh Quốc Học tìm hiểu về Cách mạng càng sôi nổi. Ở đâu cũng bàn tới Việt Minh, đến Cách mạng. Thuyết Đại đông Á phản động của Nhật cũng được được đưa vào đây để tuyên truyền cổ động. Nhiều cuộc tranh luận, bàn cãi đã mở ra, nhưng cũng không có ai phân tỏ rõ sai đúng. Riêng chúng tôi, mà lòng ham mê công tác xã hội được nhân lên gấp bội, lần đầu tiên được giải phóng khỏi việc phải nơm nớp học cho kỳ thi, có dịp xả hơi, để lao vào những hoạt động rất ham thích là văn hóa nghệ thuật. Chính cũng vào dịp này, các bài hát của Lưu Hữu Phước, Hoàng Quí, Văn Cao được truyền bá rộng rãi, nhất là những bài hát nói về truyền thống đấu tranh của dân tộc.

Công việc nhà trường được ổn định dần. Thay thế vào lớp giáo viên cũ, có thêm một số mới trẻ hơn. Chúng tôi lại tiếp tục vào lớp, và trong kỳ thi thành chung, năm ấy Trương Xuân Thâm lại đỗ đầu, Trần Nhơn và tôi, vào loại khá.

Hè đến, tôi buộc phải xa Huế và sống bằng nghề làm gia sư cho một nhà giàu ở Thu Bồn (Quảng Nam), với mục đích kiếm thêm tiền để chuẩn bị tiếp cho năm học sau, thi vào ban tú tài.

Cách mạng Tháng 8 nổ ra, lúc tôi còn ở Quảng Nam. Tôi vội vã ra Huế, cũng vừa sau lúc Huế đã nổi dậy cướp chính quyền và vua Bảo Đại, tên vua cuối cùng triều Nguyễn thoái vị.

Một phong trào cách mạng sôi nổi của quần chúng chưa từng có được dấy lên. Những đoàn nam nữ tự vệ, ca lô đội lệch, hát vang các bài hát cách mạng, luyện tập quân sự trên đường phố, trong xóm ngõ. Cả Huế rợp trời cờ đỏ sao vàng. Rồi Nam bộ bắt đầu cuộc kháng chiến. Phong trào "xếp bút nghiên", "Lên đàng" gia nhập Vệ quốc đoàn lôi cuốn lớp lớp người thanh niên học sinh Huế vào Nam chiến đấu. Tôi lăn vào dòng người, suy nghĩ liên miên. Tuổi chưa đầy 17, bạn bè phân tán đi đâu, làm gì? Tôi gặp lại một vài bạn bè cũ, họ khuyên tiếp tục ở lại học.

Rồi nhà trường lại khai giảng, tôi vào học ở hệ chuyên khoa khoa học B, môn toán lý hóa.

***

Nhạc sĩ Trần Hoàn (người đứng thứ nhất từ trái sang) đang hành quân với Đoàn Đại biểu Tổng cục Thông tin vào thăm Trị Thiên Huế, năm 1973. - Ảnh: archives.gov.vn


Theo ý kiến của Việt Minh Trung Bộ, Đoàn học sinh Cứu Quốc Thuận Hóa, đoàn thể cứu quốc của học sinh được thành lập. Anh Phan Tử Quang (nay là Tổng cục phó Tổng cục dầu khí) người Nghệ Tĩnh, cán bộ Việt Minh Trung Bộ là người chịu trách nhiệm đi tổ chức đoàn thể này, đã tìm đến tôi. Thế là Ban chấp hành Học sinh Cứu Quốc được hình thành. Tôi được cử tham gia Thường vụ học sinh Cứu Quốc, cùng với Lê Khánh Căn (hiện nay ở báo Nhân Dân) và một số anh em khác.

Để thu hút rộng rãi thanh niên, bên cạnh Đoàn học sinh Cứu Quốc, có thành lập Liên đoàn thanh niên học sinh.

Trường Quốc Học (lúc đó là Lycée Khải Định) đã họp toàn trường ở sân trường, và bầu một ban chấp hành do anh Nguyễn Văn Xanh (người Triều Sơn Tây) làm chủ tịch và tôi, Nguyễn Hữu Chỉnh làm phó. Nhiệm vụ của Liên đoàn là có tiếng nói bên cạnh hiệu trưởng (lúc bấy giờ là thầy Phạm Đình Ái) để phản ảnh nguyện vọng của học sinh, góp ý kiến với giáo viên và giáo dục học sinh thực hiện đúng nội quy của nhà trường.

Tuy được giao nhiệm vụ trên, song trình độ giác ngộ chính trị của anh chị em chúng tôi lúc bấy giờ rất thấp. Mỗi một người đi vào cách mạng với trái tim của mình và mang theo cùng với nó nhiều khuynh hướng riêng biệt.

Điểm gặp nhau là hồn nhiên, say sưa, ham hoạt động và rất khâm phục gương các anh đi trước, nhất là các anh Nguyễn Chí Thanh, Tố Hữu, Lê Chưởng.

Cũng nhằm giáo dục và bồi dưỡng chúng tôi, lực lượng xem như nòng cốt của phong trào học sinh, cơ quan Việt Minh Trung Bộ thường xuyên tổ chức những cuộc họp, sinh hoạt văn hóa vào các tối chủ nhật (ở chỗ rạp Hưng Đạo hiện nay) Lê Khánh Căn, Nguyễn Hữu Chỉnh, Phan Giết, Hoàn Triều, Nguyễn Duy Tùng và nhiều bạn bè khác thường xuyên đến dự. Qua những cuộc tiếp xúc ấy, trình độ chúng tôi mỗi ngày một nâng lên.

Tôi nhớ rất rõ, hình thức tổ chức "hội thơ" rất được các anh quan tâm. Vốn là những nhà thơ cách mạng nổi tiếng, các anh muốn thông qua hình thức này mà rèn luyện chúng tôi. Lúc đầu, chúng tôi còn mang đến những tập thơ "Buồn","Vương", "Thương", "Nhớ" viết từ trong thời học sinh để bình trong các cuộc sinh hoạt. Thế là bên cạnh những bài thơ sôi sục ý chí cách mạng, nóng bỏng niềm mơ ước của các anh Tố Hữu, anh Nguyễn Chí Thanh, Lê Chưởng, là những bài thơ còn mang nặng chất lãng mạn tiểu tư sản, ủy mị thậm chí có lúc còn rơi rớt cái vàng vọt của chế độ cũ.

Nghĩ lại, lúc ấy, bây giờ tôi càng thấy buồn cười về sự ngô nghê và ấu trĩ của mình. Nhưng đối với các anh, các anh rất chăm chú lắng nghe. Anh Lê Chưởng, Bí thư Thành ủy Huế, là người phụ trách hậu cần chu đáo cho nhóm. Thường trong các buổi sinh hoạt chúng tôi được ít nhất là một bát chè đậu xanh, đậu ván, hoặc một miếng kẹo mè xửng. Đặc biệt nhất là anh Nguyễn Chí Thanh - anh không bỏ qua một cuộc sinh hoạt nào, và hay đọc những bài thơ anh viết trong tù cho chúng tôi nghe. Có lúc chúng tôi hỏi anh:

- Răng mà thơ của anh, lắm xiềng và gông ra rứa! Anh chỉ cười. Các cuộc sinh hoạt thơ tiếp tục được một thời gian, thì dần dà những bài thơ lạc điệu của chúng tôi cũng mất dần. Chẳng ai bảo ai, với những tri thức mới về cách mạng, với trách nhiệm của người đoàn viên ngày được nâng cao, tâm tư tình cảm của mỗi một chúng tôi đều chuyển biến. Tôi nhớ, Lê Khánh Căn đã bỏ hẳn lối làm thơ ủy mị, để viết "Con vô sản" có hơi "lên gân" một chút về lập trường, nhưng được sử dụng đăng ở tạp chí Ánh sáng.

Cho đến bây giờ tôi càng hiểu sâu sắc phương pháp và nghệ thuật của các anh trong việc thu hút, lôi cuốn chúng tôi đi vào con đường Cách mạng của Đảng. Chúng tôi đã đi vào một cách tự nguyện, nhẹ nhàng, không chút gì gò ép. Và trong quá trình đó, với niềm khâm phục của tuổi trẻ đối với tấm gương sáng chói của các anh, chúng tôi dần dần trở thành những người cảm tình của Đảng.

Cũng nhờ vậy, khi đến lớp học, anh em chúng tôi, nhất là Lê Khánh Căn, có thêm lý lẽ để cãi lại những quan điểm còn lệch lạc của một số thầy giáo.

Lúc bấy giờ, đội ngũ giáo viên trong trường Quốc Học còn thiếu. Nhiều thầy đã ở lại các tỉnh, hoặc đi công tác khác. Nhiều thầy giáo mới được bổ sung, trong đó có người là đảng viên Quốc Dân Đảng. Tôi nhớ, lớp chúng tôi phải học triết với một người tên là Ngô Văn Hân, đồ đệ của chủ nghĩa duy tâm thần bí, Ngô Văn Hân đã đưa vào bài giảng của mình, những luận điệu nói xấu chủ nghĩa duy vật, nói xấu Việt Minh. Lê Khánh Căn với vốn lý luận duy vật không lấy gì làm nhiều lắm, đã công nhiên đứng dậy chất vấn và cãi lại thầy và được chúng tôi ủng hộ. Thế là ngay giữa lớp học, thường hay xẩy ra những cuộc tranh luận về triết học giữa duy tâm và duy vật. Về sau này, trong dịp bầu cử Quốc Hội thì cả thầy Hân và bạn Lê Khánh Căn cũng đều xin ứng cử vào Quốc Hội. Không gì buồn cười bằng ứng cử viên Quốc Hội mới 18 tuổi là Lê Khánh Căn, thường xuyên mang chiếc tơi đọt đến trường những lúc trời mưa, có lúc ngay giữa lớp, sau khi Hân khoác lác vận động học sinh bầu cho mình, đã ngang nhiên đứng dậy, cũng để tự giới thiệu tiểu sử của mình như ai, và vận động cả lớp bỏ phiếu cho mình. Tất nhiên cả hai đều không trúng vì số phiếu được bầu thấp. Riêng Lê Khánh Căn, chẳng những không buồn về việc không được trúng cử, mà còn vui là đằng khác vì tự hào rằng đã đạt được số phiếu cao hơn cả Ngô Văn Hân.

Nói không thể hết, nhiệt tình của tuổi trẻ học sinh trong những năm tháng đó. Bất cứ có cuộc vận động gì ngoài xã hội, là có mặt học sinh trường Quốc Học cùng với học sinh trường Bách Công là lực lượng, nòng cốt của phong trào học sinh trong Cách mạng Tháng 8 ở Huế. Học sinh trường Quốc Học đã phát triển mạnh mẽ các hoạt động, nhất là hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể thao, thể dục, thông tin cổ động. Nhiều bạn gái, lúc đầu còn rụt rè, bỡ ngỡ như Thân Thị Giáng Châu, Bùi Thị Tú Trang, dần dà đã thích nghi và tham gia hoạt động.

Riêng tôi trong trường, sau một vài giải thi sáng tác nhạc, được xem là một sáng tác trẻ về âm nhạc, một đạo diễn trẻ về sân khấu, đồng thời là một diễn viên có khả năng diễn xuất. Luôn luôn trong hàng ngũ lực lượng xung kích, tổ chức các hoạt động, quyên góp tiền ủng hộ Nam Bộ kháng chiến, cổ động "Tuần lễ vàng" v.v... vở kịch dài "Náo cách mạng" do đồng chí Hà Thế Hảnh Giám đốc Sở tuyên truyền bảo trợ được chúng tôi dàn dựng và diễn ở rạp Đại Chúng, (Hội trường Quảng Trị ở Hàng Bè) đã gây tiếng vang lớn. Nhà xuất bản âm nhạc Nguyễn - Phan - Hoàng, (Nguyễn Duy Tùng - Phan Giếp - Hoàng Văn Triều) bắt chước cách làm của Nhà xuất bản Hoàng - Mai - Lưu (Huỳnh Văn Tiểng, Mai Văn Bộ - Lưu Hữu Phước) ra đời, với ba nhạc phẩm của học sinh Quốc Học. Các bản "Học sinh vui vẻ" của Lạc Nhân và Tăng Hích, "Hồn nước" của Trần Hoàn, và một bản nhạc khác tôi quên tên của Phạm Thị Thiều Anh, do Hà Như Chi minh họa được ra mắt và gởi lên dâng tặng Bác Hồ nhân dịp người đi dự hội nghị Phông-ten-ne-bơ-lô.

Đúng cách mạng là ngày hội. Chúng tôi lao vào hoạt động mặc dù lúc bấy giờ đời sống của chúng tôi rất khó khăn. Phải sống bằng cách đi làm gia sư, hoặc dựa dẫm vào nhau, cố gắng phấn đấu qua ngày tháng. Tôi nhớ Nguyễn Hữu Chỉnh (nay là ủy viên biên tập báo Nhân Dân) quê ở Nha Trang, từ ngày Pháp chiếm lại Nha Trang, bỗng nhiên trở thành "tứ cố vô thân", nhiều ngày phải sống bằng khoai sắn, sống dựa vào sự giúp đỡ của anh em bạn bè. Song tất cả đều lao vào hoạt động cách mạng với tấm lòng của mình, không mệt mỏi.

***

Sau những ngày thi hành hiệp định 6-3, lính Pháp thay chân lính Tàu Tưởng, lục tục kéo vào Huế. Trường Quốc Học là nơi bọn Pháp đóng quân, do đó trường phải dời sang ở khu Đại Nội - Huế.

Gần như những tháng đầu, năm của niên học 46 - 47 dành chủ yếu cho việc chuẩn bị chiến đấu. Đoàn học sinh Cứu Quốc Thuận Hóa, ngoài những việc làm thường xuyên như vận động học sinh thực hiện các chủ trương chính sách, còn phải tập trung sắp xếp đội ngũ chiến đấu khi cần thiết. Các lực lượng đoàn viên chủ chốt của Đoàn học sinh Cứu Quốc được phiên chế vào các đội tuyên truyền võ trang, đội cứu thương để khi có lệnh, kịp thời chuyển về hoạt động ở các khu. Sự chỉ đạo trực tiếp đối với các lực lượng học sinh Cứu quốc, được chuyển về cho Thành ủy Huế.

Rồi cái ngày phải đến, đã đến.

Đêm 19-12, tiếng súng kháng chiến nổ ra ở Huế. Theo sự phân công từ trước, chúng tôi được cử về hoạt động ở khu C trong đó có Lê Khánh Căn, Nguyễn Hữu Chỉnh, Xuân Phương, Chế Thị Bồng, Nguyễn Đình và một số anh em khác, do tôi làm đội trưởng (khu C là khu vực của Mặt trận Huế nằm từ khách sạn Morin-Frères lên đến An Cựu, lăng Tự Đức, Nguyệt Biều). Một bộ phận khác ở trường Quốc Học, được đưa về hoạt động ở khu B, do Lê Dung cũng là học sinh trường Quốc Học làm đội trưởng. (Khu B là khu vực kéo dài từ khách sạn Morin-Frères về phía Thuận An). Phần lớn đoàn viên hoạt động ở khu A (bên kia bờ sông Hương và Đại Nội) do Thành trực tiếp chỉ đạo. Nội dung công việc của chúng tôi là làm công tác tuyên truyền kháng chiến, vận động tổ chức các tầng lớp nhân dân tham gia kháng chiến, tiến hành công tác binh địch vận.

Thế là cuộc đời chiến sĩ của chúng tôi đã bắt đầu.

Tết năm ấy là cái tết đầu tiên của chúng tôi trong kháng chiến. Tại một căn nhà ở đường Nam Giao, theo sáng kiến của chúng tôi, đã thành lập được một câu lạc bộ có nhiều hoạt động, là nơi giải trí đọc báo chí cho các chiến sĩ sau giờ chiến đấu ở các điểm nóng ở trường Bách Công, Miếu Đại Càng (An Cựu) v.v... Không ngờ việc làm ấy đến tai đồng chí Nguyễn Chí Thanh lúc bấy giờ là Bí thư Xứ ủy Trung Kỳ. Một buổi trưa, khi đi công tác về, tôi gặp đồng chí Nguyễn Chí Thanh, xe đạp dựng bên bờ rào, đang chờ chúng tôi.

Chúng tôi vô cùng xúc động và mừng rỡ vì cứ thấy anh Thanh đến là thấy niềm tin hy vọng. Anh Thanh ngồi bệt xuống sàn với chúng tôi, hỏi thăm từng người vừa đùa, vừa góp ý, hết sức cởi mở và thân mật. Đồng chí dặn dò mỗi một người phải cố gắng, dũng cảm, quyết tâm, nhưng kiên trì. Đồng chí cười hỏi:

- Anh em có khó khăn gì không?

- Thưa anh, mọi việc đều làm được song làm nhà Câu lạc bộ với những hoạt động của nó, chúng em còn thiếu một số tiền.

Đồng chí rút ngay trong xà cột một gói tiền trao cho chúng tôi. Dường như việc đó đã được chuẩn bị từ trước.

- Làm được như vậy là tốt - Còn cần gì nữa không?

- Dạ thưa anh, đủ rồi ạ. - Chúng tôi trả lời - Anh cười, bắt tay chúng tôi và ra về.

Cuộc đi thăm đó, đã để lại trong chúng tôi một ấn tượng sâu sắc. Chúng tôi càng biết ơn Đảng đã quan tâm chăm sóc tuổi trẻ, tin ở tuổi trẻ và đã giành cho tuổi trẻ tình thương rộng lớn - Chính những hành động đó đã giúp chúng tôi khẳng định được con đường đi của mình.

Sau tết một thời gian, Pháp đổ bộ lên cửa biển Tư Hiền và bao vây Huế. Cùng với các đơn vị bộ đội, chúng tôi được lệnh rút ra khỏi thành phố, tỏa về nông thôn. Đến Phong Điền, một tốp do Lê Khánh Căn, Nguyễn Hữu Chỉnh vòng lên chiến khu, còn tốp của chúng tôi ra Quảng Trị và Liên khu 4 gia nhập vào đội quân tuyên truyền văn nghệ của đồng chí Hải Triều, Giám đốc Sở tuyên truyền Trung Bộ và Liên khu 4…

T.H
(SH22/12-86)








 

Các bài mới
Các bài đã đăng