NGUYỄN VĂN
- "Hãy dẹp cái lối tự ái thỏn mỏn ấy đi"- Tôi tự dằn lòng mình bằng một câu như thế, trước khi đạp xe đi đến nhà hắn. Phải mất cả đêm thức trắng tôi mới có được cái quyết tâm như thế. Thực ra, cũng chẳng còn cách nào khác.
Suốt đêm tôi ngồi bó gối trên chiếc ghế, chong mắt trông chừng vợ, và hút hết điếu này đến điếu khác để chống sự mệt mỏi, buồn ngủ và cũng để chống lại những cơn xoáy lạnh từ trong người, từ cột sống cứ bốc lên một cách liên tục vào lúc gần sáng. Mấy đêm nay tôi sốt, những cơn sốt rét Trường Sơn lại trở lại. Tôi cố gồng mình để hai hàm răng khỏi vập vào nhau, tôi không muốn vợ tôi biết mình cũng đang bệnh. Nếu để cô ấy biết thì hỡi ôi, ai có thể biết được nỗi bất hạnh đến với tôi lớn đến chừng nào? Cô ấy đang trong cơn thiên đầu thống nguy kịch nhất, bởi bác sĩ nói: "mọi sự chấn động bất thường về tình cảm đều có thể dẫn đến tình trạng nổ con mắt trái".
Mùa mưa đã vào sâu, những cơn mưa thường nghiêng về sáng. Nghe nước chảy trong máng xối của bệnh viện có lúc tôi tưởng mình đang ngồi trong cái lán giữa rừng Trường Sơn. Tiếng mưa trên lá rừng già, tiếng thác đổ và ngọn lửa không bao giờ tắt trong bếp lửa đặt giữa lán. Và lúc đó tiếng gầm thét của chiến tranh bỗng ngưng bặt, chỉ còn lại sự yên tĩnh, yên tĩnh đến nôn nao lòng người. Vợ tôi đang li bì vì thuốc ngủ.
Ngủ để quên những cơn đau như những nhát búa bổ vào gáy. Song giấc ngủ không hề có sự bình thản, nước mắt vẫn ứa ra ướt đầm hai hàng mi. Đôi mắt ấy, giờ đây đối với tôi là tất cả. Đôi mắt đã đợi chờ tôi suốt tám năm bằn bặt không có lấy một dòng tin tức. Người ta có thể mất chân, mất tay, nhưng mất đôi mắt mới thực sự là mất tất cả. Phải mất đi bất cứ cái gì đó trên mình tôi, phải làm bất cứ việc gì để giữ lại được nó, tôi cũng sẵn sàng. Tôi đã nói với bác sĩ như thế. Ông ta nhìn tôi mỉm cười và lắc đầu, ông ta cũng ít lời như mọi người thầy thuốc khác. Cái lắc đầu trong nụ cười không vui ấy là lòng thương hại và là sự bất lực của chuyên môn: "Chúng tôi cũng đang làm hết mình để cứu vãn lấy nó, nhưng hoàn cảnh hiện nay có nhiều cái không thể giải quyết được bằng sự nỗ lực của bản thân mình"...
Tôi hiểu, thiên đầu thống còn nằm ngoài tầm cố gắng của thầy thuốc, "cần phải làm cho người bệnh yên tâm, phải tránh cho họ những lo âu dù là những nỗi lo xa, có như vậy mới hy vọng kéo dài thêm tuổi thọ của con mắt được đôi chút". Phải tránh... nhưng làm thế nào để có thể tránh được trong hoàn cảnh chật hẹp của đời sống kinh tế hiện nay khi mà bó rau muống hôm qua còn đồng bạc, hôm nay đã nhảy vọt lên hai đồng!
Tuần trước tôi đã phải dọn sạch những cuốn sách quý nhất trong giá sách của tôi mang đi bán. Tôi không thể chịu nổi trước cảnh vợ phải cố nuốt từng miếng cơm gạo mốc với cá khô trong lúc đang nằm viện. Cách giải quyết này cũng chỉ là lối giật gấu vá vai mà thôi. Tiếc đứt ruột, nhưng phải cầm lòng mà bán. Bán sách là bán đi một phần linh hồn của mình đấy, nhưng nếu con nhím không dám cắn đứt chân của mình để lại thì làm sao nó thoát được cái bẫy. Vợ tôi hỏi "tiền đâu mà anh mua cho em lắm thức ăn thế?" Tôi không thể nói rằng đã bán một số sách, cô ấy hiểu rất rõ cái tính của tôi đối với sách, sự thành thật nhiều khi lại dẫn đến một điều tai ác. Lúc đó tôi đã thủ vai một kẻ gặp vận may (chẳng lẽ cuộc đời chỉ gặp toàn điều rủi?) trong cuộc đỏ đen, sấp ngửa: "mua hai tấm vé số mất có một đồng, và trúng hai giải an ủi được hai trăm đồng". Cô ấy cười ra nước mắt và bảo: "Tiếc thật, cả hai vé đều chỉ trật một con số cuối". Hình như người nghèo kẽ tay rộng hơn, bởi thế tiền bạc cứ theo đó mà lọt ra! Mấy hôm nay tôi lại nhẵn túi... Thèm một trái xoài tượng hoặc một trái gì đó chua chua cũng được. Ở rừng, những thứ đó dễ kiếm hơn nhiều, cứ sau cơn sốt là tôi luồn rừng để kiếm trái bứa, trái dâu da hoặc cùng lắm cũng kiếm được nắm lá giang nhai cho bỏ cơn thèm. Một trái xoài tượng những năm đồng, trong khi đó tôi lại rất cần chi tiêu cho nhiều thứ khác, cần thiết hơn. Nhằm vào lúc túng bấn như vậy, tôi lại bị một cái tát như búa bổ vào giữa mặt, cái liêm sĩ của một người cha -khi cô bảo mẫu nuôi dạy con tôi bảo - "Đề nghị anh thanh toán tiền ăn ngay cho cháu, cháu đã ăn lạm vào tiêu chuẩn của các cháu khác hơn nửa tháng nay rồi". Và, cũng chính cái ngày xui xẻo ấy sau giờ làm thuốc cho vợ tôi buổi chiều, ông bác sĩ bảo: "Anh chuẩn bị cho chị ấy dao mổ, chỉ tự tiêu, kim khâu để mổ mắt cho chị ấy". Tiếng sét bất ngờ ấy làm tôi choáng váng. "Mổ mắt... phải mổ... mổ..." Có những lúc, quả thật là không thể thiếu một bờ vai để mà tựa vào đó. Vợ tôi là một bờ vai gầy, chính vào lúc đó, cô đã rót vào tôi một liều thuốc an thần có hiệu lực. "Nhãn áp lên cao quá, em không còn sức chịu đựng được nữa, sợ nó nổ bất thường, thành thử em yêu cầu bác sĩ mổ cho em, anh đừng lo. Mổ thì mới giữ được con mắt trong một thời gian nữa, biết đâu trong khoảng thời gian đó y học sẽ tìm được cách điều trị có kết quả hơn - và, cô ấy cười, một nụ cười chứa chan hy vọng. Anh cố vay tạm đâu đó cho em chừng ba trăm bạc để mua các thứ mà bác sĩ đã dặn... Dĩ nhiên là phải đi vay, dù phải vay trả lãi hai mươi phân, hoặc hơn thế cũng đành". Tôi chẳng còn gì để diễn lại cái trò gặp vận may nữa!
Gần sáng, vợ tôi bỗng trở giấc, có lẽ cô ấy đã ngắm nghía rất lâu cái tư thế tôi ngồi bó gối, hai hàm răng nghiến chặt và nhìn trân trân vào bức tường đối diện. - "Anh!" - "Có việc gì không em - uống nước nhé". Tôi giật mình trả lời như một cái máy.
- Sao mắt anh đỏ thế? ngủ đi, anh cứ thức mãi, không khéo lại bệnh thì gay lắm.
- Đâu có, lúc em ngủ thì anh cũng ngủ đấy chứ, có thức đâu...
- Anh nói dối - nhìn mắt anh là em biết. Ngủ đi, em nghĩ ra rồi, khỏi vay mượn anh ạ, mai anh mang bán cái này đi.
Cô ta tháo đưa tôi cái nhẫn cưới - Sau này mình sẽ sắm lại thôi mà.
- Em đeo vào đi, về chuyện tiền nong, em đừng lo. Anh đã hỏi mượn anh Đoàn được năm trăm rồi, mai tới lấy...
Lần thứ hai tôi nói dối vợ, và cũng lại thành công. Tôi là người được liệt vào hạng chậm ăn, chậm nói, vậy mà lúc này đâm ra cũng nhanh nhẹn, đối đáp thật trôi chảy, kể cũng lạ. Suốt đêm, tôi đã nghĩ rất nhiều, lặp đi lặp lại trong óc danh sách những bạn bè của tôi mà có thể tìm đến gõ cửa nhà họ để giật tạm vài trăm bạc cứu nguy trong lúc này. Nhưng khi cân nhắc kỹ từng người, từng hoàn cảnh, từng cá tính và những đổi thay của họ từ mấy năm nay, tôi lại lần lượt xóa dần từng tên một.
Có những người bạn, tôi biết họ có thể đãi tôi một chầu nhậu cả vài trăm, nhưng hễ hỏi mượn vài chục bạc thì...! Tốt nhất là đừng hỏi mượn để thỉnh thoảng nó còn rủ mình đi nhậu lai rai... Hà, một chiến hữu nghèo rớt mùng tơi của tôi đã khuyên như thế. Có một điều lạ là khi tôi cân nhắc từng tên bạn bè để đến cậy nhờ thì dù Đoàn là tên cuối cùng trong cái danh sách tưởng tượng ấy, hắn vẫn không lần nào bị xóa bỏ như những cái tên khác. Có lẽ vì thế câu đáp bất thần của tôi lại nhắc đến tên hắn. Hắn là một thằng bạn cũ. Một thằng bạn nối khố suốt mấy năm học Đại học. Hai đứa thân nhau tới mức cả lớp chế giễu là một cặp tình nhân. Vậy mà vài năm sau khi ra trường tình bạn ấy bỗng rạn ra. Mãi tới khi tôi cầm trong tay giấy quyết định đi B, thì không hiểu ai đã tin cho hắn biết - hắn xin nghỉ ba ngày, đạp xe từ Thái Nguyên về Hà Nội tìm tôi. "Tại sao mày đi B mà không tin cho tao biết?" - "Mình không biến việc này thành một sự kiện gì quan trọng lắm. Với lại, nói thật lúc đầu mình tính biên thư rủ cậu cùng đi, nhưng rồi đoán là cậu không thích nên lại thôi". "Dĩ nhiên, trừ trường hợp có lệnh động viên. Còn nếu là lựa chọn thì đó là một cách lựa chọn không sáng suốt". "Sao vậy?". "Đáng lẽ một thằng có đầu óc như mày, mày phải tự hiểu lấy, không ai dại gì bỏ ra ngần ấy tiền của nuôi mày ăn học để rồi cuối cùng nhét vào tay mày một khẩu súng A.K- Hắn thành thật tới mức nổi cáu lên - Hai năm nay, vì chuyện con M. mày tuyệt giao với tao, nhưng dù sao tao vẫn cứ quý mày. Hồi bấy giờ mày nghĩ tao có ý đồ xấu trong chuyện con M., mày nhầm. Không ai hiểu mày hơn tao mà cũng không ai hiểu nó hơn tao vì nó là láng giềng với tao từ bé. Bởi thế tao biết sắc đẹp của nó chẳng hề giúp ích cho sự nghiệp của mày. Còn bản chất trí trá của nó thì thừa sức phá vỡ sự nghiệp của mày. Đừng ngắt lời tao!". Dù hắn yêu cầu đừng ngắt lời, nhưng tôi vẫn không ngăn được tiếng nói của mình. "Chẳng có ai là tuyệt đối tốt, mà cũng chẳng có kẻ nào là hoàn toàn xấu". Hắn bật cười, cười hô hố. Máu tôi sôi lên vì tiếng cười đó. Nếu không phải là lần gặp cuối cùng trước khi tôi ra trận thì tôi đã choảng một cái ly vào mặt hắn rồi. Hắn nói: "Mày nói cứ như là tiểu thuyết ấy, cuộc đời thực, nó trần trụi chứ không như tiểu thuyết đâu. Đồng ý với mày là cái đẹp bao giờ cũng thắng - như nó phải thực là đẹp kia, còn nếu cái xấu trở thành một yếu tố bất biến, mà trong con người bao giờ cũng có cái bất biến ấy vậy thì có sức nào, có cái đẹp nào lay chuyển nổi nó không. Tao nghĩ đúng như lời thằng Nam nói, mày bao giờ cũng chỉ là một thằng trẻ con, một thằng trẻ con thông minh vậy thôi, không hơn không kém".
"Thôi, cậu vứt giùm cái chuyện cũ đó đi, tớ ngán lắm rồi". "Thế thì được, thế tức là mày đã hiểu được vấn đề". Hắn bao giờ cũng thích khẳng định mình. "Còn mày xin đi B, quả thật tao không thể ngờ tới, đối với mày tao thành thật nhận xét rằng đó là một sự lựa chọn tuyệt đối ngu xuẩn". Hắn vốn là một thằng nói năng luông tuồng, nhưng trước nay chưa bao giờ hắn dám nói với tôi như thế. Tôi giận run người lên mà đã giận tới mức đó thì lưỡi tôi cứng ngắc lại, không thể phản ứng lại được một lời êm nhẹ như bản tính của tôi nữa. Tôi quắc mắt nhìn thẳng vào mặt hắn, nuốt nước bọt rồi quát: "Đồ phản bội, mày là một thằng đê tiện, cút đi". Hắn lập tức bước ra, và ném lại một câu "Được rồi, xin cảm ơn, nếu còn sống sót tới sau này, mày sẽ hối tiếc, mày sẽ tự nhận ra mày là một thằng ngốc". Hai cánh cửa đập mạnh, hắn leo lên xe phóng thẳng.
Cho đến nay, tôi vẫn chưa thật sự nhận ra mình có phải là một thằng ngốc không! Tôi cố quên hắn, nhưng hắn vẫn cứ luôn luôn lần về trên ký ức của tôi, bằng hình ảnh gặp gỡ của buổi cuối cùng ấy, hắn đến với tôi vào những lúc gay go ác liệt nhất - vào những lúc hành quân vượt qua đỉnh cao 1.800, qua những ngọn núi Răng Cưa trong mưa bão, đói và những cơn sốt ban chiều, vào những lúc bị vây giữa vòng vây của địch, nằm trong hầm bí mật nhịn đói và khát đến cháy cổ... Đó là tiếng nói trỗi dậy trong những khoảnh khắc mà những gian nan của hoàn cảnh đã làm cho tâm hồn mình mệt mỏi...
- Gần sáng rồi, anh tranh thủ ngủ đi một lúc để giữ sức, nằm xuống đây, cạnh em đây này. Vợ tôi lại lên tiếng.
- Anh vừa ngủ được một giấc rồi. Mắt em thế nào, có đỡ hơn chút nào không?
- Bớt nhức đầu rồi, có lẽ nhãn áp hạ được đôi chút. Sáng mai, anh về đưa con đi mẫu giáo, nhớ cho nó hai đồng xôi gấc - con bé thích xôi gấc lắm, rồi anh tạt qua cơ quan em báo với các chị ấy là em còn phải nằm viện ít lâu nữa.
- Anh có báo với họ rồi, em cứ yên tâm.
- Nếu có nhu yếu phẩm thì anh bán đi, chỉ cần giữ đường lại cho con thôi, lấy tiền ấy mà mua đồ ăn, kham khổ quá con nó ốm đấy.
- Em khỏi lo, mai nhất định có tiền mà, à, mà mua mấy thứ đó ở đâu nhỉ?
- Thứ gì anh?
- Dao, kéo, kim chỉ ấy.
- Anh cứ sang đây, em nhờ bác sỹ mua giúp, mình đâu biết mua mà mua. Tất cả đều có bán ở phòng bán thuốc giá thương lượng của bệnh viện ấy. Giờ anh nằm xuống đây, em đỡ rồi, em sẽ vỗ cho anh ngủ.
Vừa nói, vợ tôi vừa níu áo kéo tôi. Tôi nằm xuống, một bàn tay vợ vỗ nhẹ lên lưng và giấc ngủ từ từ đến. Tôi lại nghĩ tới thằng bạn sẽ là chủ nợ của tôi. Chẳng hiểu, tôi tìm đến gõ cửa nhà hắn trong hoàn cảnh này, có phải rằng tôi đã tự thú là một thằng ngốc không?
Buổi sáng lạnh. Những giọt mưa đọng từ trên tàn lá me vẫn còn rơi đều xuống mặt đường ướt át. Thành phố này không có mùa đông. Riêng tôi thì lạnh, rất lạnh. Thèm một chiếc áo bông như thời sinh viên ở Hà Nội quá. Lớp gai lạnh của cơn sốt vào lúc nửa đêm về sáng vẫn chưa tan đi trên làn da của tôi. Đưa con vào lớp xong, tôi xốc lại cổ áo và quyết định "phải đến hắn trước lúc hắn đi làm".
Hắn ở một ngôi nhà ba tầng lầu ngay khu trung tâm của thành phố. Đó là ngôi nhà đẹp nhất của dãy phố này. Nhà của hắn, hắn đã mua lại của một người Hoa vào lúc đang xảy ra biến cố "Nạn kiều". Lúc ấy người ta có thể mua được một ngôi nhà như thế với giá năm ngàn đồng. Hắn chuyển cả gia đình vào thành phố này đúng vào dịp đó, nghĩa là chẳng bao lâu sau khi bọn Bắc Kinh xâm lược buộc phải rút quân ra khỏi vùng biên giới phía Bắc và Đặng Tiểu Bình hằn học la lên rằng "Sẽ cho Việt Nam một bài học thứ hai". Tôi nhớ hồi trước, hắn chưa bao giờ giải được một bài toán cho trọn vẹn, nhưng bài toàn về "cuộc đời trần trụi" thì phải công nhận hắn luôn luôn tìm được một phương án tối ưu. Toàn bộ sự nghiệp của hắn ở thành phố này, từ hộ khẩu cả gia đình, công việc của hắn và vợ, nhà cửa và nơi học cho các con, hắn đã thu xếp gọn gàng trong vòng một tháng. Một kỷ lục của thời nay. "Ông quả là siêu" - Tôi nói. Hắn trả lời gọn lỏn "Chả siêu gì cả, vấn đề là ở đồng tiền". "Nhưng bằng cách nào mà có tiền trong khi mình lãnh lương tháng nào là sạch tháng ấy" - "Lương là cái gì? Mày lúc nào cũng là thằng ngớ ngẩn, nó chả là cái gì của đời sống hết! Nó chỉ giữ vai trò của cái chứng chỉ về phần hồn cho mỗi con người sống ở thời này mà thôi". - "Là cái chứng chỉ phần hồn" - Quả thật tôi không thể hiểu được cái lối định nghĩa quá mới như vậy. Hắn nói tiếp "Còn đời sống, cái phần xác rất thật này là mình phải lo lấy" và đối với hắn, tôi vẫn chỉ là một thằng tuyệt đối ngốc - Hắn đã nói với tôi những chuyện đó sau nhiều năm xa cách, trong một quán cà phê hai thằng tình cờ gặp nhau, ít ngày sau đó, theo lời hẹn, hắn đến nhà tôi- Hắn lặng im quan sát toàn bộ cái cơ ngơi của tôi trong một căn phòng cũng không đến nỗi hẹp lắm ở lầu ba của một chung cư. Ngoài một vài câu hỏi thăm vợ con tôi như thường lệ, hắn không nói gì hơn. Đến khi tôi tiễn hắn xuống lầu, hắn mới lên tiếng: "Mày sống bết quá. Bao nhiêu năm lăn lộn, để lại tìm về một đời sống có thể còn bết hơn cả trước lúc mày nằng nặc đi B. Khỏi cần nhắc lại những gì tao đã nói với mày trước khi mày đi. Giờ nói gọn lại là thế này, mày hãy chịu khó đến tao, tao sẽ dạy cho mày cách làm ăn". Nhiều lúc tôi đã nghĩ đến điều đó, và hắn đã có lý khi lấy cái giọng bề trên ấy để nói với tôi. Bởi vì, trong túi hành trang tôi mang vào đời thiếu hẳn cái đó, cái mà hắn gọi là "cách làm ăn".
Tôi dừng xe dưới tán cây điệp ngay trước nhà hắn. Cửa chưa mở, hay đúng hơn là mở rồi nhưng chỉ mở he hé để một người có thể lách mình ra thôi. Tôi đoán chị giúp việc hé cửa ra để chạy mua thức ăn sáng đâu đây thôi. Lát nữa chị quay lại, tôi sẽ nhờ chị nói với hắn là tôi cần gặp. Nhưng liền đó, tôi chợt nghe thấy tiếng thở phì phì, một lối thở sâu. Tôi ngước nhìn qua khe hở của tàn lá, hắn tập thể dục trên ban công lầu một. Tôi có gọi hắn, và nói thẳng yêu cầu mà chẳng cần phải rào đón gì cả. Nhưng liệu có được không? Tôi đã cân nhắc suốt cả đêm rồi mà. Nhưng đến vào lúc sáng sớm e khó có kết quả. "Buổi sớm người ta hay kiêng kỵ, khởi đầu của một ngày người ta kỵ bỏ tiền ra". Vợ tôi nói thế, trước lúc tôi đi. Nhưng lúc đó tôi không mấy quan tâm tới lời vợ. Bây giờ thì tôi thấy ngại thật. Tôi đã phải đắn đo rất nhiều trước khi đến hắn, vì thế tôi lại càng sợ hắn từ chối. Không có gì nhục nhã bằng khi người ta biết hết sự bế tắc của mình (dù bịa hay nói thật cũng phải kể ra cái hoàn cảnh hiện thời của mình) mà người ta vẫn từ chối. Nếu có sự tuyệt vọng hãy kéo dài thời gian ra một chút dù bằng cách nào rồi mới nhận lấy sự tuyệt vọng. Tôi lại đạp xe đi. "Lát nữa, chừng nửa giờ nữa chắc cả nhà hắn ăn sáng xong, mình quay lại là vừa". Đúng như dự kiến, tôi quay lại thì vừa đúng lúc hắn dẫn xe ra, miệng ngậm tăm trông thấy tôi, hắn cười:
- Đến tìm tao hả? May quá, chậm chừng hai phút nữa thì lại hậm hực về không rồi.
- Tôi đến ông có chút việc.
- Việc gì thì việc, giờ đi uống cà phê với tao cái đã.
Chúng tôi kéo nhau vào một quán cà phê lề đường.
- Trông mày phờ phạc quá, lại ốm đấy à?
- Vẫn sốt lai rai. Mùa mưa năm nào cũng thế cả.
- Rõ ngán. Phải tìm cách tẩm bổ nhiều vào may ra mới đẩy lùi cái chứng quái ác đó. Lại cũng là một thứ hậu quả của chiến tranh.
Hắn nói câu này chậm rãi, kéo dài từng tiếng, và nheo mắt cười một cách tinh quái. Hai vành tai tôi chắc là đã đỏ phừng lên rồi. Tôi không chịu nổi cách nói nhấn mạnh từng chữ lại kèm theo một cái cười nheo mắt như thế. Tính hắn vốn nói năng xô bồ, nhưng cái lối nhấn chữ và kiểu cười đó thì có lẽ mới phát sinh hay cùng lắm thì cũng chỉ được bổ sung sau lần hắn đi nghiên cứu ở Đức về, hoặc trước đó ít lâu. Xưa kia nếu gặp một trường hợp như thế, lập tức tôi sẽ xỉa thẳng vào mặt hắn và bỏ về. Lòng tự ái của con người không phải bao giờ cũng là dấu hiệu của một thói xấu. Đối với tôi điều đó lại càng đúng. Tôi đã nghiệm thử (hoặc gần đúng như thế). Lòng tự ái gắn với ý thức danh dự của mình trước cuộc đời. Nó là nguồn cổ vũ, là sức mạnh lớn lao giúp tôi chiến thắng rất nhiều những gian nan vất vả trong cuộc đời. Tôi mồ côi từ bé, mồ côi tuyệt đối. Năm lên tám tuổi, tôi được một bà bạn của mẹ tôi nuôi. Bà vốn là một người đàn bà đôn hậu. Nhưng rồi do đời sống khó khăn quá, một lần nọ tôi nghe bà phàn nàn với một bà bạn khác rằng tôi là một thứ báo cô, nuôi để làm phúc và vì ân nghĩa với mẹ tôi chứ thực nuôi tôi chả được cái tích sự gì ráo. Tôi liền bỏ nhà ra đi. Tôi nhịn liền hai ngày, đến ngày thứ ba thì kiếm được việc làm. Tôi bán kem. Bằng cách ấy tôi lớn dần lên. Sự đắng cay của kiếp bụi đời vô vọng giúp tôi hiểu ra rằng chí và hiểu biết là hai tiền đề của tự do. Kẻ nào có tự do kẻ đó có sức mạnh. Từ lòng tự ái, tôi xây dựng tôi, dần dần khẳng định với tư cách là một cá thể con người.
Vậy mà giờ đây... Tôi đang đi giật lùi từng bước? Có phải đang từng bước một, tôi tự đánh mất tôi không?
- Cần phải thanh toán càng mau càng tốt cái tình trạng sống của vợ chồng mày. Tao nghĩ, mày thừa sức làm việc đó - Hắn vẫn nói, nói to - Nhưng mày không chịu làm, mày sợ. Đói thì không chịu nổi, còn kiếm sống thì lại sợ. Muốn cái gì thì gì, trước hết cứ phải sống cái đã. Mà cái đó thì chẳng ai làm ban cho mình ráo. Thành phố này người ta làm ăn như điên, còn mày thì lại chịu để người ta xiềng chân lại bên khẩu súng để giữ lấy cái lô cốt rỗng, mà cũng chẳng có ai xiềng cả, chỉ có mày tự xiềng lấy tay mình thôi. Hay bỏ cái đạo đức rởm ấy đi mới được...
- Thì tôi đã nói gì với ông ấy đâu, mà ông nổi xung lên dữ thế?
- Vì tình bạn, tao hiểu và tiếc cho mày thế thôi.
- Nhưng tôi đâu có tội gì?
Hắn cười.
- Nói đến thế mà vẫn chưa giác ngộ. Đấy, mày xem kìa, bà lão đang đi lại phía mình kia, chắc mày tưởng bà đi xin ăn.
Phải, tôi đoán thế thật.
Đó là một bà lão, có lẽ đã ngót tám mươi tuổi, hai tay xốc nách một đứa bé trạc hai tuổi ốm tong teo, lưng bà cúi gập xuống hình thước thợ - bà bước một cách nặng nề. Đến trước mặt chúng tôi bà dùng hai đầu gối kẹp thằng bé đứng lại, rồi lần từ cạp quần, rút ra một xếp vé số:
- Thần tài đây hai ông. Mời hai ông, xin hai ông giúp bà cháu tôi miếng cháo.
Hắn không nhìn bà lão, mà lại nhìn thẳng vào mặt tôi và móc túi lấy cho bà lão năm mươi xu.
Bà lão cám ơn rồi xốc cháu lê đi.
- Mày đừng tưởng bà nghèo cực đến thế. Bà có tiền cho vay lãi đấy. Tao đã điều tra kỹ rồi. Còn mày thì, nói thẳng toẹt ra là kém giác ngộ hơn bà ta!
- Thế nào là giác ngộ? - Tôi hỏi chỉ để mà hỏi.
- Này, thú thật tao cũng muốn giúp mày lắm - chẳng hạn đưa mày một ít vốn liếng để làm ăn, nhưng... - Hắn lắc đầu.
- Những chuyện như thế để dịp khác ông nói với tôi có lẽ tốt hơn. Bây giờ tôi kẹt quá, vợ tôi đang nằm viện, ông có thể cho tôi vay...
- Biết ngay mà, chuyện có thế mà không nói ngay từ đầu.
- Thì ông có để tôi nói đâu?
- Mày cần bao nhiêu?
- Chừng năm trăm hoặc ba trăm cũng được!
- Sắc mặt hắn tự nhiên nghiêm hẳn lại, hoàn toàn mất cái vẻ trào lộng ban nãy. Hắn im lặng như để suy tính đắn đo, rồi nói với tôi bằng một giọng nhỏ nhẹ lạ lùng:
- Như thế này nhé, giờ mày đến cơ quan, mày xin giùm tao một cái giấy giới thiệu lấy vé máy bay ra Hà Nội. Trưa đưa lại. À, lấy dưới tên nào cũng được. Tao sẽ đưa mày sáu trăm, như thế khỏi nợ nần phiền phức. Tao tính đi làm cho người ta, nhưng nghĩ mày đang gặp khó khăn... Với lại, cũng để mày thấy một cách làm ăn đơn giản mà dễ làm.
- Nhưng nó đi Hà Nội làm gì?
- Lại ngớ ngẩn! Kệ bố nó chứ, miễn là mình có được sáu trăm - và hắn ngoái lại bà chủ quán - Bà chủ tính tiền. Vậy nhé, khoảng mười một mười hai giờ trưa tao có nhà...
Chúng tôi chia tay nhau. Hắn lên ve-spa nổ máy, phóng đi không ngoái lại. Tôi nhìn bánh xe hắn, nhìn những chiếc bánh xe đủ loại đang lăn vào buổi sáng ấy và nhớ có lần hắn nói "Phải biết cách làm ra tiền, nhưng quan trọng hơn là phải biết cách làm tăng gia tốc cho đồng tiền..."
Buổi trưa hôm ấy, tôi không đến hắn. Tôi cầm chiếc nhẫn cưới của vợ đi ra tiệm kim hoàn. Giá vàng chợ đen đã lên tới 46. Và, lần đầu tiên, tôi cầm trong tay tám trăm đồng. Tôi cầm chặt trong tay và thọc vào túi quần, một tay lái xe đạp, đạp tới bệnh viện. Tôi không hiểu chừng đó có đủ để giữ lại con mắt trái của vợ tôi không?.
2 giờ 25 ngày 24-5-1982
N.V.
(SH22/12-86)