Tạp chí Sông Hương - Số 280 (T.6-12)
Bình luận về 'Thơ Khác'
08:27 | 19/06/2012

ALEXANDER KOTOWSKE  

Trong khoảng vô số giờ phút thú vị tôi chúi mũi vào một tập thơ hoặc văn, có những lúc tôi ngẩng đầu khỏi cuốn sách hoặc ngước mắt khỏi dòng chảy nhịp nhàng của bài thơ, và tự đặt một câu hỏi mà nó đòi được giải đáp: điều gì đã buộc tôi tiếp tục; điều gì hiện hữu bên trong bài thơ khiến đôi mắt khát khao của tôi dán chặt vào những dòng dưỡng chất, năm này qua năm khác?

Bình luận về 'Thơ Khác'
Bìa tập thơ song ngữ "Thơ Khác" của Khế Yêm - Ảnh: thotanhinhthuc.org

Có vài lý do ùa vào tâm trí, tất cả chúng đều quan trọng và xác thực như nhau, trừ một lý do, chừng như đứng ở vị trí cao hơn cả. Đó là khi những dòng thơ nối kết tôi với Cái Tôi đã mất của tôi, cái tôi lang thang, và điều này đánh thức tâm hồn giữa lòng thế giới hỗn độn quá thiên về chủ nghĩa vật chất này, nhắc nhở tôi rằng tôi sở hữu được cái gì đó vốn là phi vật chất; rồi thì dường như tôi nhớ được tại sao tôi yêu thơ, bởi vì thơ đã nhớ tới tôi, cái tôi vĩnh hằng bị giấu kín. Và khi tôi tình cờ gặp được một bài thơ hoặc một tập thơ giữ lại được yếu tố phi thời gian, vô giá và, tôi lấy làm tiếc phải nói rằng đó còn là yếu tố hiếm hoi trong thế giới viết văn làm thơ đương đại của chúng ta, sau đó thì tôi biết tôi đã tình cờ gặp được một cái gì đó lớn lao.

Của Khế Iêm: thơ tỏ lộ sự thấu hiểu thật sâu sắc, những tiểu luận kích động tư duy, và đặc biệt là tuyển tập thơ song ngữ đầu tiên và gần đây nhất được đặt tên là Thơ Khác; tất cả là một gương mẫu quý giá về sự lớn lao mà tôi xin trân trọng để nói thế. Ngay sau khi người đọc có thể rời mắt khỏi sự phối hợp và nhịp điệu đẹp đẽ của những họa tiết trên bìa sách, để đắm chìm nơi miền sâu thẳm của những bài thơ của Khế Iêm, họ có thể thấy rằng những bài thơ của ông, một cách khả ái, chúng giản dị, uyển chuyển, biểu đạt rõ ràng, và sâu sắc; và chúng chẳng thể dẫn họ theo hướng nào khác ngoài hướng đi vào bên trong, và hướng tới một sự thấu hiểu sáng suốt hơn về thực tại của chính họ. Trong khi chúng ta bước chậm rãi xuyên qua mê cung những ý nghĩ lấp lánh sắc thái của sự quan sát nội tâm đan quyện vào nhau qua suốt những bài thơ của Khế Iêm, thì chúng ta bắt đầu đặt câu hỏi về thực tại của thời gian, về thực tại của không gian, và về đời sống mà chúng ta coi như thực tại của chúng ta. Đôi khi một bài thơ thật trang nghiêm lại kết thúc bằng một cảm giác đột ngột về sự cô độc cực kì, như thể chỉ những điều để biết, để cảm nhận, nối kết chúng ta với thực tại của chúng ta, mới là những cảm xúc gào thét bên trong ta. Và rồi, trong những khoảnh khắc đó, khi Khế Iêm để mặc chúng ta tự hỏi chúng ta nên đi đâu, thì ông bắt đầu vẫy chào tạm biệt một ảo tưởng khác, khi ông đứng bên đây đường, nóng lòng từ biệt niềm xúc cảm buồn rầu đã cứng đọng lại, nhưng nó vẫn kiên trì trụ ở bên kia đường; và dù ông có thể thốt lời “buồn ơi, tạm biệt, buồn ơi” trong khi vẫy tay chào, thế nhưng ông không thể dứt khỏi người bạn thân thiết ấy mà ông từng giữ trong lòng và “nuôi dưỡng” đã quá lâu. Những bài thơ nhiều lần nhắc nhở chúng ta về tính tạm bợ của cuộc sống chúng ta, và về vài sợi dây mỏng manh ít ỏi ràng buộc chúng ta với nó, nhưng chính từ cuộc hiện hữu chừng như trần thế đó lại tuôn trào những từ thật táo bạo trong bài thơ Chuyện đời anh: “Những cái chết chưa bao giờ có thật, những cái chết chưa bao giờ xảy ra”. Điều bí ẩn mỉa mai này mà ông đề xướng chừng như giải phóng chúng ta một cách huyền nhiệm khỏi những âu lo vô ích về cái không biết. Dường như ông muốn nói rằng còn có nhiều điều cần biết hơn là chỉ riêng cuộc sống và cuộc hiện hữu này, vì thế đừng quá bám chặt lấy nó, tốt hơn hãy thả lỏng bàn tay nắm chặt nó do sợ hãi, để buông trôi vào vĩnh cửu, vì bạn đã sống ở bên trong vĩnh cửu rồi. Trong bài thơ Tức cảnh, một cách thích thú người đọc sống trọn một ngày thư giãn với cà phê và tiếng chim hót mà ông nói tới, và cái bóng thoáng hiện của đám mây trôi qua chừng như nhắc nhở chúng ta về cuộc đời phù du nhưng đẹp đẽ của chúng ta, và đúng vào lúc người đọc nghĩ rằng mình biết được điều gì đang xảy tới hoặc biết được điều có thể được ám chỉ, thì Khế Iêm lại kết thúc bài thơ bằng câu “cũng không có gì… cả như bóng mây.” Cái tính chất đôi khi hàm hồ và mỉa mai mà nó là đặc trưng của một số bài thơ của Khế Iêm có lẽ là một trong những yếu tố thú vị nhất và duy nhất của thơ ông. Những bài thơ này cho phép người đọc bắt đầu hiểu rõ được cái thế giới mà ông trình ra và tính phân cực của những gì có thể là chân lí, và dành cho người đọc vai trò của người quyết định tối hậu về quan điểm của họ đối với thực tại.

Trong khi tôi đọc những bài thơ đó, và đọc lại chúng một cách thú vị, tôi không ngừng nhận ra niềm hối thúc phải đọc lớn lên, và mặc dầu chúng được dịch từ tiếng Việt qua tiếng Anh, tôi vẫn nghe ra được một bài hát phổ biến trôi qua đầu lưỡi, một bài hát được nhận ra là không thuộc một ngôn ngữ từng được biết nào. Những dòng thơ tuôn chảy vừa lặng lẽ vừa hùng hồn. Những bài thơ không bị câu thúc và không bị lây nhiễm cái bệnh dịch của người viết hiện đại, đó là sự giả trá. Khế Iêm cho thấy tinh thần khiêm tốn nồng hậu và đầu óc sáng suốt của ông trong những dòng thơ đó, và chúng ta bắt đầu cảm thấy quen thuộc với nhà thơ cũng như với những bài thơ của ông khi chúng trôi xuôi theo dòng sông chảy nhịp nhàng qua tư duy thông tuệ của ông. Có những lúc trong khi đang đọc Thơ Khác, những người đọc nào cực kì tập trung đầu óc và hướng sự tập trung đó vào bên trong con người mình, về những gì được viết ra, thì những người đọc đó sẽ tìm được cảm giác an nhiên khuây khỏa trong sự tĩnh lặng của tư duy Khế Iêm. Trong một bài thơ như bài Con chim chết, sự nghiêm ngặt của thời gian và sự không tránh khỏi của cái chết dường như trôi đi mất, như con chim từng một thời đẹp đẽ và sinh động giờ sa xuống cái chết trên bức tranh sơn dầu bất tử cho “ngàn đời sau”, và rồi, trong vòng cái chu kì lộng lẫy này mà chúng ta gọi là cuộc đời, con chim đó có thể trở lại với sự sống chừng nào mà những gì là đẹp trong thế giới vẫn tiếp tục tồn tại. Mặc dù toàn bộ chuyện này có thể xem ra rất rối rắm, với những cuộc sống tươi đẹp của chúng ta và những cái chết không tránh khỏi, và với tất cả những câu hỏi không thể trả lời được mà chúng bao quanh nó, thì Khế Iêm để chúng ta ở lại trong một trạng thái nguôi ngoai không sao tả xiết, khi ông điềm tĩnh nói, “hỡi cuộc đời nhập nhằng nhập nhằng mãi ơi, xin chào từ biệt mi.” Chúng ta nghe thấy những lời lẽ của một người đã thực sự giải hòa được với cái không biết, và người đó chừng như không còn sống trong sự sợ hãi nữa, mà mỉm cười trước sự huyền bí đẹp đẽ bao quanh cuộc hiện hữu của chúng ta.

Có những câu hỏi tinh tế bên trong những bài thơ; những câu hỏi xưa cũ khiến tôi tự hỏi, “Làm sao tôi có thể đòi quyền hiện hữu nếu tôi không biết thực sự thì hiện hữu nghĩa là gì?” Và rồi một bài thơ khác xuất hiện sau đó để đập tan mối hoài nghi của tôi bằng câu hỏi và câu trả lời khôn khéo “ai là tôi”, và một giọng nói đáp lại bằng một sự thật hầu như có hàm ý một cách châm chọc, “tôi là ai”. Khế Iêm không cần phải trình bày cặn kẽ những giải thích chi li về những sự thật mà ông ngụ ý. Ông chỉ đề xuất một điều có thể là sự thật, và để cho người đọc thâm trầm đưa ra quyết định sau cùng. Thơ Khác của Khế Iêm là một cái giếng sâu thẳm của thứ minh triết cực kì đơn giản. Người đọc được mời uống một ly tư duy của ông, và để thấy điều có thể được làm nguôi ngoai bên trong cái ly đó. Tôi chắc rằng người đọc sẽ không trở nên khát. Dù chủ đề bài thơ là đề tài về sự khổ đau vốn đòi hỏi sự tinh tế, hoặc là một cô gái da đen xinh đẹp không thể làm khô cạn nỗi buồn ướt sũng đôi mắt cô do nỗi sầu khổ tuôn tràn của một cuộc đời khác; dù là một bài thơ xục xạo vào mọi ngõ ngách của thực tại và ướm thử những phối cảnh của một vật tầm thường như chiếc ghế, thì một dòng êm ả của những ý nghĩ lặng lẽ và an nhiên chừng như tuôn chảy xuyên suốt tất cả những bài thơ, và để người đọc ở lại trong sự an bình vô giá của tâm trí khi trang thơ cuối cùng được gấp lại.

Phạm Kiều Tùng dịch
(SH280/6-12)









 

Các bài mới
Rủ nhau đi cầu (03/07/2012)
Các bài đã đăng