Tạp chí Sông Hương - Số 280 (T.6-12)
Từ Đồng Xá, Đại Đồng đến kinh nhân Phường Đúc, Huế
15:00 | 29/06/2012

NGUYỄN VĂN DẬT

Theo gia phả của thợ đúc xứ Đàng Trong để lại thì từ thời Lê Trịnh mà thợ đúc xứ Kinh Bắc ra đi theo Đoan Quận Công Nguyễn Hoàng vào Thuận Hóa lập nghiệp vì nhiều lý do mà trong gia phả nguyên bản bằng chữ Hán được soạn từ thời Cảnh Hưng (1740-1786), rồi tục soạn các đời tiếp Gia Long, Tự Đức đã ghi như sau:

Từ Đồng Xá, Đại Đồng đến kinh nhân Phường Đúc, Huế
Làng Nôm cổ kính ở xã Đại Đồng , Hưng Yên - Ảnh: internet

“Ngã gia quán Bắc Ninh tỉnh, Thuận An phủ, Siêu Loại huyện, Đồng Xá tổng, Đồng Xá xã. Tự Trịnh gia cường tiếm, nhiên kỳ tính thất truyền vô do khảo cứu. Chí lục đợi Tổ lục tùng Nguyễn chúa cư quan tại Thừa Thiên phủ, Hương Thủy huyện, Dương Xuân Hạ xã, Kinh Nhân ấp. Nguyễn Văn Lương cụ túc tính danh tự Nhân, ký vi Thủy Tổ”.

Khi đi về Hưng Yên tìm thực địa thì chúng tôi thấy có một sự sai lệch chút ít về vị trí địa danh Đồng Xá xưa. Ở địa danh này trước kia là một tổng, kèm theo có xã Đổ Xá, có xã Thúc Cầu v.v. Còn xã Đại Đồng xưa không cùng chung một tổng với tổng Đồng Xá mà thuộc tổng Đình Tổ.

Nhưng không sao, chúng tôi còn tìm thấy xóm Uy nghi, xã Đỗ Xá, xã Thúc Cầu, Sầm Khúc v.v. Như vậy quê hương chúng tôi đã tìm thấy không sai, mặc dầu Họ Nguyễn ở Đồng Xá nay hết làm nghề đúc, nhưng xưa vẫn có. Rồi những bà con Đỗ Xá tuy có vào muộn hơn chúng tôi (thời Tự Đức) nhưng họ cũng là thợ đúc từ ngoài này vào, nay còn kết thông gia cô cậu với phái Nhất của chúng tôi.

Ở Bắc xưa nay hai làng nằm ở hai vị trí liền kề thì ở Đàng Trong này chúng tôi cũng ở hai vị trí gần kề chỉ cách hai kiệt và đã cũng, đã chia nhau đúc 6 vạn quan tiền Bảo Đại năm 1930 tại Huế.

Nay thôn Đồng Xá vẫn còn hiện hữu và ở gần thôn Đỗ Xá, tuy khác xã nhưng trong ký ức vẫn là bà con quen thân không tách rời. Và như thế tên Đồng Xá do Tùng Xá đổi từ thời Trịnh Tùng thành Đồng Xá không là vấn đề với chúng tôi nữa vì đã có một Đồng Xá xưa nay trên thực địa, dù nay có sát nhập thế nào đi nữa thì Đồng Xá vẫn là Đồng Xá và làng Nôm vẫn là làng Nôm cũng đều là một trong 9 thôn của xã Đại Đồng mà thôi. Thêm vào đó, các thôn Long Thượng, Bùng Đông, Văn Ố, Xuân Phao trong xã Đại Đồng đều hành nghề đúc đồng, đã làm cho mạnh thêm vùng “Đại Đồng trung tâm đúc đồng của Đất Nước” như lời nhà nghiên cứu Tăng Bá Hoành đã nói. Ngoài ra, ở xã Đại Đồng hiện có một hợp tác xã đúc đồng mang tên Hợp tác xã Làng Rồng thật là thú vị, nên cô Nguyễn Hồng Phương đã ghi lại các câu ca dao đề cập đến nghề đúc chuông như:

‘‘Chuông già đồng đến, chuông kêu, anh già lời nói em xiêu tấm lòng’’.

Hay: “Khen ai khéo đúc chuông chì, dáng thì có dáng, đánh thời không kêu’’.

Chúng tôi cũng đã quen biết các câu ấy từ rất lâu rồi nên thấy được cái đồng cảm quen biết từ bao đời, từ bao thế hệ dù là xa cách cả thời gian lẫn không gian khá dài.

Căn cứ vào gia phả thì vì Trịnh gia cường tiếm mà có biến cố làng Tòng Chương hay vì Bãi Rồng ở làng Long Thượng mà tổ tiên chúng tôi rời Đồng Xá chăng?

Thật không dám khẳng định đúng sai, song vì lúc đó có lẽ sống với Chúa Trịnh có sự ngột ngạt nào đó, trong lúc Đoan Quận Công đang cần lính thợ, nên vị tổ chúng tôi từ Đồng Xá ra đi vào Đàng Trong thể theo câu nói của Cụ Nguyễn Bỉnh Khiêm: “Hoành Sơn nhất đái, Vạn đợi dung thân”.

Lúc đầu Đoan Quận Công Nguyễn Hoàng đã chưa đến Huế liền để lập Dinh - Phủ, mà Ngài đóng Dinh Cát tại Triệu Phong (Quảng Trị), rồi Trà Bát gần đấy. Đến khi Ngài mất, Nguyễn Phúc Nguyên là con lên thay, thì muốn chống lại chúa Trịnh và lập nghiệp lâu dài nên đã dời Dinh vào làng Phước Yên, huyện Quảng Điền thuộc địa phận Thừa Thiên.

Ở đây, năm 1631, Nguyễn Phúc Nguyên cho xây thành quách khá kiên cố và cho lập hai đội Nội pháo tượng và Tả Hữu pháo tượng đúc súng mà sách Phủ Biên tạp lục mà Lê Quý Đôn đã tả khá kỹ. Ở hai đội chú tượng này đã có hiện diện người Kinh Bắc Đồng Xá rồi. Nhưng các đội pháo tượng ở đây chỉ sản xuất súng nhỏ, súng tay và gươm giáo.

Đến năm 1636 khi chúa Sãi Nguyễn Phúc Nguyên qua đời thì chúa Thượng Nguyễn Phúc Lan lên thay liền dời Phủ vào bờ Bắc sông Phú Xuân ở làng Kim Long gần chùa Linh Mụ.

Liền lúc đó ở bên kia sông Hương tức bờ Nam đối diện, thuộc xã Dương Xuân, là dãy đồi thoai thoải chạy ra tận bờ sông được Chúa trưng dụng làm đất ‘quan phòng xá phú’ để lập nhiều công sự quan trọng như: Chú súng trường, Trường súng, kho thuốc, kho than, hiên duyệt võ v.v.

Còn phần bãi đất gần sát bờ sông thì thành lập dinh cơ và quân xưởng. Kể từ bờ sông phía Đông sang đến phía Tây ta thấy có các địa danh như:

Giang Doanh: doanh trại của thủy binh.

Giang Thuyền: nơi trú đóng thuyền bè.

Kinh Nhơn hay Kinh Nhân: Nơi cư ngụ Ty đội thợ đúc người Kinh Bắc, Bắc Ninh vào. Gồm một dải đất rộng trên 200 mét dài trên 500 mét chạy dài từ bờ sông Hương lên tận gò đồi, ở đây hiện có nhà thờ Họ Nguyễn xứ Kinh Bắc và nhà thờ các Phái.

Bản Bộ hay Bổn Bo là nơi ở của thợ thuộc hai xã Phan Xá, Hoàng Giang (Quảng Bình) đã được chúa Nguyễn tuyển vào từ năm 1631.

Trường đồng hay trường đúc: là công xưởng đúc đồng của chúa Nguyễn. Rồi hai Ty đội thợ đúc kể trên hàng ngày đến đây làm việc để đúc súng thần công và ngự dụng.

Năm 1776 nhà sử học Lê Quý Đôn vào Thuận Hóa kinh lý đã ghi lại nơi đây như sau:

Ở Thuận Hóa có hai ty đội thợ đúc, có phường đúc ở bờ Nam sông Phú Xuân, đều 30 người là người kiều ngụ ở lộn, cũng biết đúc súng đồng vạc và chảo, nồi xanh, cây đèn, cây nên mọi vật” (tr358).

Lại nữa Lê Quý Đôn còn ghi:

Họ Nguyễn trước mỗi năm đến ngày lễ sinh nhật các quan Ty thợ đều có tiền mừng, hoặc hai tiền, hoặc năm tiền mừng… thợ người Kinh thì mỗi người 5 tiền, ống nhỗ thau lớn một chiếc, ống nhỗ thau vừa một chiếc, cây đèn đồng thau một cây” (tr358).

Như vậy nhà sử học lừng danh đó đã ghi lại khá đầy đủ về địa danh cùng mô tả khá chi tiết về người thợ đúc xứ Kinh Bắc chúng tôi làm việc cùng chỗ ăn ở, cũng như sự ưu ái của chúa ban cho.

Không những thế khi đọc trong gia phả thì thấy các vị đều có chức tước từ vị Thủy tổ đến cả 10 đời sau vẫn có, chúng tôi xin trích ra một số vị như sau:

Ngài Cai Quan Lương Thanh Bá Nguyễn văn Lương (Thủy tổ)

Ngài Thủ hiệp Cường Đức Tử Nguyễn Văn Đào, đời thứ hai, người chỉ huy Ty đội thợ đúc Người Kinh nêu trên. Vị này đã được Nhà nước xem xét hồ sơ và công nhận là ông Tổ đúc Đồng của Phường Đúc, thành phố Huế, tỉnh Thừa Thiên Huế vào năm 1996.
Hiện lăng mộ vẫn còn tại gần xóm Trường Đồng, Phường Đúc.

Nói chung Tổ cả 10 đời đều là quan Ty thợ và đều có tước hiệu.

Đặc biệt ở đời thứ năm, bốn vị đứng đầu bốn phái đã thay phiên giữ chức như:

Phái Nhất có: Quản Chánh Dinh suất nội Chú Tượng Ngũ Ty Cai Đội, Chiêu Nhật hầu Nguyễn Văn Thùy,

Phái Nhì có: Chú Tượng Kinh Nhân Ty chánh Cai Quan Huy Đức Bá.

Phái Ba có: Thủ Hiệp Long Tài Nam,

Phái Tư có: Chánh dinh suất nội Chú Tượng Kinh Nhân Ty Chánh Cai Quan,
thời Minh Mạng còn phong thêm Trung Tín Tá Hiệu Úy Chánh Cai Quan, Tuần Thành Bá…

Cho nên các vị cùng thợ bạn đã sản xuất ra các sản phẩm đúc đồng ở cố đô Huế như sau:

Chuông lớn ở chùa Linh Mụ nặng 3200 cân (năm 1710).

Các vạc đồng ở Đại nội đúc từ năm 1650 đến 1689 và các súng thần công thời Chúa Nguyễn đều do sự chủ đạo của hai Ty Đội thợ đúc người Kinh và người Bản Bộ. Rồi đến Cửu vị Thần công, Cửu Đỉnh ở thời các vua Nguyễn. (Thời này còn có thêm các nhóm thợ từ các nơi đến thêm nhưng thợ Thừa Thiên vẫn là nồng cốt.
 

 Cửu Đỉnh tại Đại Nội Huế - Ảnh: internet


Một tư liệu trong Tạp chí BAVH của Cadière cho rằng một người Bồ Đào Nha đã chủ đạo đúc súng và vạc ở Huế thời Chúa. Nhưng xem xét kỹ thì thợ đúc Việt Nam mới là chủ đạo. Vấn đề này chúng tôi đã trình bày trong một bài ở Tạp chí Sông Hương trước đấy thì vị này đến khá muộn khoảng năm 1665 trong lúc xưởng đúc súng có từ năm 1636 và sớm hơn nữa ở Phước Yên (Quảng Điền) từ năm 1631 với hai đội Tả hữu pháo tượng và Nội pháo tượng (xem trong Phủ Biên tạp lục hay trong mục lục Châu Bản Triều Nguyễn).
 

Cửu Vị Thần Công đặt trước Ngọ Môn - Ảnh: internet


Hơn nữa kỹ thuật đúc súng của người Bồ Đào Nha là kỹ thuật đúc khuôn cát mà ta không quen, trong khi thợ ta chỉ dùng khuôn đất. Còn những súng thần công bằng đồng hay gang làm bằng khuôn cát thì mặt da xô xảm không láng và đề chữ ký âm La tinh như Cochinchine là “Đàng Trong” thì chắc chắn không phải súng ta làm mà nhờ các linh mục đem vàng, bạc, đồng đi mua hoặc thuê đúc ở nước ngoài. (Luận văn Tiến sĩ của Li Tana đã khẳng định rõ điều này không thể lẫn lộn được).

Đến thời các vua Nguyễn (1802) tuy công xưởng đã được dời về Vũ khố ở nội thành song các Ty đội thợ đúc người Kinh cũng do các vị đầu phái làm Chánh Ty quan trông coi, phối hợp với thợ đúc các nơi đến để đúc Cửu vị Thần công, Cửu Đỉnh cùng các quân dụng và đồ ngự dụng khác trong triều đình.

Từ năm 1945 đến giờ thợ đúc Huế đặc biệt là thợ đúc Kinh Nhân đã đúc thành công nhiều sản phẩm.
 

Cơ sở đúc đồng Nguyễn Văn Sính - Ảnh: ducdonghue.com


Khi mới giành được độc lập thì công đoàn thợ đúc đã được thành lập, và thợ đúc Thừa Thiên Huế mà chủ đạo là thợ đúc người Kinh Bắc hay Kinh Nhân đã tham gia đúc thiết bị cơ khí thay thế thiết bị nhập ngoại bị chiến tranh Thế giới thứ II không nhập về được.

Đặc biệt đã đúc bạc Cụ Hồ bằng đồng tại xưởng đúc bạc Văn Thánh Huế cho Bộ Tài chánh khu IV Trung, Trung bộ.

Khi chiến tranh chống Pháp bùng nổ thì tất cả thợ đúc Huế tham gia đúc vỏ mìn, vỏ lựu đạn hàng ngàn quả từ Quân khu IV đến Quân khu V, nhiều vị đã hy sinh anh dũng. Nhiều người đã vào quân đội và công binh xưởng rồi trở thành sĩ quan cấp úy, cấp tá v.v và có nhiều huân chương…

Trong thời bình hiện nay, người thợ đúc thủ công Kinh Nhân đã sản xuất các hàng dân dụng, đặc biệt là hàng thờ cúng chuông, tượng đèn, lư đỉnh v.v. Ở lãnh vực này thợ người thợ đúc Kinh Bắc đã sản xuất nhiều sản phẩm nổi tiếng khắp cả nước lẫn ngoại quốc.

Chúng tôi chỉ xin nêu một số sản phẩm điển hình thôi, vì cỡ nhỏ rất nhiều.
 

Nghệ nhân đúc đồng nổi tiếng Nguyễn Văn Sính - Ảnh: anninhthudo.vn

Về sản phẩm nước ngoài thì có chuông tượng nặng trên 1000kg cũng đi khắp các chùa ở Ấn Độ, Canada, Pháp, Mỹ, Thái Lan, Nhật. Đặc biệt có quả Đại hồng chung cho chùa Đại thừa Thái Lan nặng trên 4 tấn do nghệ nhân Nguyễn Văn Sính cùng các con thực hiện. Xin lược kê như sau:

A- Đại hồng chung: xin đơn cử một số tiêu biểu ở quốc nội như:

- Đại hồng chung tại chùa Bát Nhã, tỉnh Bà Rịa Vũng Tàu, cao 3,8m, đường kính miệng 2m, nặng 6 tấn, đúc năm 1996 do Nguyễn Văn Sính chủ đạo.

- Đại hồng chung Cổ thành Quảng Trị nặng 9 tấn do KS. Nguyễn Trường Sơn chủ đạo.

- Đại hồng chung nghĩa trang liệt sĩ Vũng Tàu - Côn Đảo nặng 8 tấn do KS. Nguyễn Phùng Sơn chủ đạo (2010).

- Đại hồng chung chùa Phật Tích (tỉnh Bắc Giang) nặng 7 tấn do KS. Nguyễn Trường Sơn chủ đạo (năm 2010).

- Đại hồng chung Chùa Linh Sơn Tiêu Thạch, núi Bà Đen (tỉnh Tây Ninh)nặng 7 tấn, cao 3,8m do KS. Nguyễn Phùng Sơn thực hiện ngay trên chóp núi (2011).
 

Đại hồng chung chùa Bái Đính - Ảnh: anninhthudo.vn

- Hai Đại hồng chung chùa Bái Đính (tỉnh Ninh Bình) nặng 22 tấn và 30 tấn do toàn gia đình nghệ nhân Nguyễn Văn Sính cùng hai con thực hiện năm 2006 và 2007.

- Chuông Văn Miếu Quốc Tử Giám cao 2m nặng 1,5 tấn do KS. Nguyên Trường Sơn thực hiện năm 2007;

- Đại hồng chung 3 tấn chùa Nôm (Đại Đồng, Hưng Yên) do Nguyễn Văn Sính, đúc năm 2011.

- Đại hồng chung nặng 2 tấn cao 2,55 mét, chùa Diên Phúc (Đông Anh, Hà Nội) do nghệ nhân Nguyễn Văn Tuệ thực hiện năm 2011.

B- Tượng đài: Tượng Phật, tượng danh nhân, xin nêu một số điển hình:
 

Tượng đài Hưng Đạo Đại Vương Trần Quốc Tuấn ở Nam Định - Ảnh: ducdonghue.com

- Tượng đài Hưng Đạo Đại Vương Trần Quốc Tuấn cao 10,23 mét, nặng 21 tấn đặt tại công viên tỉnh Nam Định do KS. Nguyễn Phùng Sơn cùng gia đình thực hiện vào năm 2000.

- Tượng Bác Hồ cao 2,5 mét đặt tại nhà Bảo tàng Hồ Chí Minh tỉnh Thừa Thiên Huế do Nguyễn Văn Sính đúc năm 1995.

- Tượng bán thân Bác Hồ cao 1,4 mét đặt tại Làng Sen, Nghệ An do Nguyễn Văn Sính thực hiện năm 1996.

- Tượng đài bác Tôn Đức Thắng, cao 7 mét, nặng 6 tấn đúc nguyên khối năm 2001 do KS. Nguyễn Phùng Sơn thực hiện đặt tại công viên thành phố Long Xuyên, tỉnh An Giang.

- Phục chế trống đồng Phong Mỹ (huyện Quảng Điền, Thừa Thiên Huế) đường kính 0.80 mét cao 1 mét, do toàn thể thợ đúc Kinh Nhân thực hiện năm 1996 tặng Bảo tàng Tổng hợp tỉnh Thừa Thiên Huế.

- Tượng Phật Thích Ca ngồi cao 4,3m chưa có tòa sen, có thể so sánh với tượng Phật ở Sóc Sơn, đúc nguyên khối chỉ nặng 6 tấn. Tòa sen gồm các cánh sen bằng đồng cỡ 1m gắn vào do KS. Nguyễn Phùng Sơn thực hiện năm 2000, đặt tại chùa Minh Thành, tỉnh Gia Lai.

- Tượng Phật Thích Ca ngồi cao 3m, nặng 3 tấn do Nguyễn Văn Đệ thực hiện năm 2007 đặt tại chùa Nam Tông Huyền Không Sơn Thượng (thị xã Hương Trà, Thừa Thiên Huế).

Ngoài ra Phường Đúc còn có con dân ngoài họ Nguyễn Đồng Xá và họ Nguyễn con cháu ngoại cũng làm nghề đúc lan ra đến phường Thủy Xuân lân cận, có trung tâm làng nghề giới thiệu nhiều mặt hàng, trưng bày và bán sản phẩm làm ra hay giao lưu trao đổi v.v...

Như vậy con cháu họ Nguyễn làng Đồng Xá xưa ra đi trên 400 năm trước đã trở thành một họ Nguyễn có nghề đúc đồng nổi tiếng với hàng trăm con cháu và lan đến tận Khánh Hòa, Đồng Nai và đã tạo ra nhiều sản phẩm có giá trị để xây dựng quê hương thêm giàu đẹp. Họ cũng đã có được một Nghệ nhân ưu tú cùng 5 Nghệ nhân cấp tỉnh và các kỹ sư, kiến trúc sư, nhiều bàn tay vàng v.v…

Trong tương lai thợ đúc Kinh Nhân Phường Đúc sẽ có hướng phát triển theo công nghệ sạch, ít hay không ô nhiễm để đem lại sự tiến bộ về nghề nghiệp và sản phẩm cũng như phát huy được việc bảo vệ môi trường trong quê hương xứ sở.

Phường Đúc nay đang có hướng phát triển về nghề đúc đồng khá ổn định và đang có hướng về thăm lại làng xưa, tổ tiên xưa cùng thăm bà con thợ đúc quê nhà. Mong rằng ước mơ đó sớm trở thành hiện thực.

Chúng tôi cũng mong thợ đúc làng quê ta ở Đại Đồng vào giao lưu với bà con Kinh Nhân Phường Đúc một chuyến để kết tình bà con và nghề nghiệp của cùng một quê hương Bắc Ninh xưa kia.

N.V.D
(SH280/6-12)








 

Các bài mới
Rủ nhau đi cầu (03/07/2012)
Các bài đã đăng