LÊ TRÍ DŨNG
Tôi vẫn phải thưa với bạn đọc rằng suy nghĩ dọc đường thì bao giờ cũng trục trà trục trặc, lục cà lục cục, lủng cà lủng củng và nó cũng gập ghềnh theo nhịp bánh xe lăn, nhất là lúc qua ổ trâu, ổ gà...
Tôi cũng không nhớ lần Nam hành này là lần thứ bao nhiêu trong đời nhưng lần nào cảm xúc cũng mạnh dù vẫn đi qua những địa danh cũ. Dịp tháng 4 này tôi lại Nam hành, điểm đến là Huế để dự cuộc hội thảo Mỹ thuật Bắc Miền Trung. Vì lẽ đó, nếu như Huế có được nhắc đến hơi nhiều, mong bạn đọc thể tất cho.
Huế - chính là Hóa đọc chệch ra, Thuận - Hóa là tên đã được đổi từ châu Ô, châu Lý. Thuận là châu Ô (Quảng Trị) và Hóa là châu Lý (Thừa Thiên) ngày nay. Hai châu Ô, Lý năm 1306 vốn là của Chiêm Thành, song nó được vua Chiêm là Chế Mân dùng làm sính lễ cho nhà Trần để lấy công chúa Huyền Trân (con gái Thái thượng hoàng Trần Nhân Tông và là em gái vua Trần Anh Tông bấy giờ). Nhưng than ôi! Duyên lửa của ông vua Chiêm Thành hào hoa với hoàng hậu Đại Việt chưa được bao lâu, dù đã hạ sinh được 1 hoàng tử khôi ngô thì một năm sau ngày cưới, nhà vua băng hà. Theo tục lệ của người Chiêm, hoàng hậu phải hỏa thiêu theo chồng. Tiên liệu nguy cơ đó, triều đình nhà Trần phái Nhập nội hành khiển, Thượng thư tả bộc xạ Trần Khắc Chung vào cứu Huyền Trân. Theo đó, phái bộ xin Chiêm thành cho hoàng hậu ra tế ở bờ biển để “Chiêu hồn” và giã biệt tổ tiên. Người Chiêm tin đó là thật. Nhân lúc sơ hở, phái bộ đưa nhanh hoàng hậu lên một chiếc thuyền buồm nhỏ, nhẹ tếch trùng khơi. Lênh đênh trên biển 15 tháng Huyền Trân công chúa mới về đến Thăng Long. Thoát hiểm bằng đường biển, nhưng chắc khi “nhập cung” bà phải đi bằng đường bộ và phải đi qua hàng trăm cây cầu, hàng chục con đèo. Tôi lẩm nhẩm đếm chỉ kể từ cầu Đò Lèn vào Huế theo quốc lộ 1A đã có gần 100 cây cầu với những cái tên cổ tích: cầu Cấm, cầu Gia Lách, cầu Treo Vọt, cầu Trại Trâu, cầu Hói Sâu, cầu Nghèn, cầu Trìa, cầu Ái Tử, cầu Nhan Biều, cầu Biến Đá, cầu Phò Trạch, cầu An Lỗ... Phía đường Hồ Chí Minh thì tên nghe còn lạ hơn: cầu Ồ Ồ, cầu Thụp Núp, cầu Khe Ác, cầu Đập Bỉ, cầu Khe Mít, cầu Xà Manh... Bắc Trung Bộ địa hình vốn hẹp, độ dốc cao với hàng trăm khe lạch đổ nước ra biển, lắm cầu là phải. Qua cầu Đò Lèn và Hàm Rồng lại nhớ một thời các thầy Oánh, thầy Huề dẫn hai lớp 7 năm 1 và 2 vào thực tập và tham gia chiến đấu cùng các đơn vị Thanh niên xung phong năm 1965. Qua đoạn cầu Hiền Lương, nhìn chếch phía Cửa Tùng, nhớ 1969 cùng các anh chị lớp cao đẳng 1 đạp xe vào Vĩnh Linh vẽ, tôi mạo hiểm ra tận bờ sông ký họa, suýt bị dân quân địa phương bắt vì nghi vượt tuyến. Qua cầu Thạch Hãn lại nhớ tụi Hoàng Tích Minh, Lê Minh Trịnh, Phạm Mai Châu, Trần Luân Tín, Lê Duy Ứng, Nguyễn Hải Nghiêm, Trần Lê An... là những sinh viên Mỹ thuật nhập ngũ 9-1971 cùng đợt đó có Nguyễn Văn Thạc, Hoàng Nhuận Cầm... Tất cả các anh đều tham chiến tại thành cổ Quảng Trị năm 1972... Nhiều người đã hy sinh... Chắc Huyền Trân công chúa 700 năm trước trên đường về nhà chồng qua các đất Bố Chính, Địa Lý, Ma Linh, Châu Ô, Châu Lý... cũng không thể tưởng tượng rằng một ngày nào đó nó lại trở thành “ác địa” tới mức như 1972. Nếu hành trình đi làm dâu xứ người được coi như một nghĩa cử hy sinh để mở mang bờ cõi: “Hai châu Ô, Lý vuông ngàn dặm/ Một gái Huyền Trân của mấy mươi”; thì trong dân gian không khỏi có lời eo xèo: “Tiếc cho cây quế giữa rừng/ Để cho thằng Mán thằng Mường nó leo”
Còn chính bà, dường như mượn lời ca trong điệu Nam Ai để tỏ lòng mình:
Nước non ngàn dặm ra đi
Cái tình chi
Mượn màu son phấn đền nợ Ô, Lý
Trong đền thờ công chúa Huyền Trân - Ảnh: hues.vn |
Ngày nay, Huyền Trân công chúa đã được vinh danh trong một ngôi đền tuyệt đẹp dưới chân núi Ngũ Phong (còn gọi là Trung tâm văn hóa Huyền Trân). Hậu đền có thờ cả Thái Thượng hoàng - Tổ thứ nhất Thiền phái Trúc Lâm Việt Nam Trần Nhân Tông - phụ thân bà). Vừa qua, nhân dân Việt Nam có tổ chức lễ kỷ niệm 700 năm sự kiện bà vào Chiêm làm hoàng hậu rất long trọng. Cách đó không xa, cũng có một quả núi khác, tuy không cao lắm nhưng khí rất sáng. Tên là núi Bân. Ngẫu nhiên một ngày nọ, tôi đọc được bài “Còn đâu áo vải cờ đào” của tác giả Nguyễn Tường Bách viết năm 2004. Ông cho biết chính tại núi Bân này, người anh hùng áo vải Tây Sơn đã lên ngôi Hoàng đế, xuất quân thần tốc như vũ bão ra Thăng Long đánh tan 29 vạn quân Mãn Thanh xâm lược. Nguyễn Tường Bách cũng than rằng, bây giờ có còn ai nhớ đến sự tích anh hùng của núi Bân nữa? Nó đã bị rơi vào quên lãng, bây giờ người ta gọi nó là Cồn Mồ vì người ta đến chỉ để tranh giành đất xây lăng mộ... Nhưng Ông đã không biết rằng, chỉ 3 năm sau, năm 2007 nhân dân Thừa Thiên Huế đã khởi công xây một tượng đài cao sừng sững bằng đá Hoàng đế Quang Trung (mẫu do nhà điêu khắc Lê Đình Quỳ sáng tác). Tượng đá cao ngất trời mây giữa quảng trường mênh mông, sau lưng là một bức phù điêu hoành tráng kể về các chiến công của quân và dân Việt đánh thắng quân xâm lược Mãn Thanh dưới tài chỉ huy bách thắng của Hoàng đế Quang Trung. Đúng như lời Hoàng hậu Lê Ngọc Hân đã nói:
Mà nay áo vải cờ đào
Giúp dân dựng nước xiết bao công trình
Sau chiến tranh, sau mấy chục năm bao cấp, rồi đổi mới, Mỹ thuật Việt Nam cũng góp tay vào thay đổi bộ mặt đất nước. Dọc theo dải đất miền Trung khô cằn và khắc nghiệt. Vào một buổi chiều tà, chúng tôi dừng chân ở Ngã ba Đồng Lộc. 40 năm trước, xe tăng hành quân qua nơi này, khi đó ở đây giống y như trong tranh của họa sĩ Lê Huy Hòa, nghĩa là không còn một lá cây ngọn cỏ, hố bom chồng lên hố bom, quang cảnh như trên mặt trăng, sao Hỏa vậy... Thế mà bây giờ cây cối tốt tươi một vùng quanh khu mộ 10 cô gái Thanh niên xung phong hy sinh ngày 27-4-1968 vì bom vùi. Và quanh nó có đến mấy cái tượng đài. Qua Thanh Hóa, Vinh, Hà Tĩnh, Hiền Lương, Dốc Miếu, Huế... đâu đâu cũng thấy tượng đài, tượng đài xứ ta phải cái na ná giống nhau, ngắm các công trình đó, ta phải liên tưởng là nó được dựng nên sau những trận mưa “duyệt” của những người cầm tiền có cùng một trình độ hiểu biết gần giống nhau. Còn tượng đài các anh hùng dân tộc thì như “anh em một nhà” kể cả y phục dù các cụ sinh ra cách nhau hàng thế kỷ. Quảng Trị thì tôi chưa được lịch duyệt, nhưng chỉ lướt qua khu Thành Cổ thì lạ thay lại chưa thấy tượng đài? Hay người ta cho rằng, bản thân khu thành nát bét gạch đá, thấm đẫm máu người đã là một tượng đài hoành tráng, oai hùng rồi? Nói thế thôi, chứ tôi biết phía đông nội thành, gần nhà bảo tàng có một đài tưởng niệm nhỏ nhỏ, đài xây hình cuốn sách mở ra hơi giống một lá cờ, phía trước có một ngọn lửa nhỏ hình cây bút kiêu hãnh, khiêm tốn. Đó là Đài kỷ niệm các sinh viên ra trận và tham gia 81 ngày đêm ở Cổ thành đẫm máu này. Kinh phí xây dựng và mẫu thiết kế do những người còn sống góp vào, sáng tạo và xây nên... Phía sau là hơn 10 phù điêu kể về chiến công của các anh từ khi còn trên giảng đường, rồi nhập ngũ, rèn luyện, chiến đấu, đoàn kết quân dân, tình đồng đội... như thế nào. Khi tôi vào thắp hương, trời mưa, đài kỷ niệm lại không có mái. Tôi cắm hương và lầm rầm khấn, cầu cho quốc thái dân an và xin chữ bình an. Kết thúc tôi bảo: “Nghe nói năm nay “trên” định tổ chức giỗ cho các ông to đấy, vì là năm chẵn mà”. Mưa như thế, mà bát hương bốc cháy đùng đùng! Lạ!
Đã 40 mùa hè đỏ lửa qua rồi kể từ cái ngày xách túi quần áo lên xe commăng ca nhập ngũ, xe rời sân trường dưới trời mưa bụi, giữa sân 42 Yết Kiêu Hà Nội còn 1 bóng người tiễn biệt... Tuổi trẻ sáng trong, mãnh liệt và chân thật! Trải qua dâu bể bụi trần quăng lên quật xuống, cái gì tốt đẹp nhất thì vẫn còn mãi. Núi cao băng qua thời gian, sông dài vượt qua năm tháng, suy nghĩ dọc đường thì gập ghềnh như thế, nhưng nó đã giúp tôi nói lên được cảm xúc của mình. Và quan trọng là nó thật!
L.T.D
(SDB 6-12)