Tạp chí Sông Hương - Số Đặc Biệt (T.6-12)
Ngẫm từ thuật trị nước của Hàn Phi Tử
09:25 | 29/06/2012

TÂM VĂN

Hàn Phi tử - Pháp gia thời Chiến quốc viết rằng: “Văn hữu lại tuy loạn nhi hữu độc thiện chi dân, bất văn hữu dân loạn nhi hữu độc trị chi lại, cố minh chủ trị lại bất trị dân”.

Ngẫm từ thuật trị nước của Hàn Phi Tử
Hàn Phi Tử - Ảnh: internet

(Chỉ từng nghe quan lại tuy loạn mà vẫn có hạng dân hiền lành, chứ chưa từng nghe quan lại cai trị tốt mà dân nổi loạn. Vì vậy bậc minh chủ trị quan lại chứ không (trực tiếp) trị dân) (Thiên Ngoại trừ thuyết hữu hạ - Kinh 4).

Đời Nhà Tống do Quân vương nhu nhược, Thái úy Cao Cầu một tay thao túng, gây bè kéo cánh, quyền hành khuất lấp mắt vua. Triều đình thì xa vời vợi. Tham quan, ô lại ra sức đục khoét, sách nhiễu lương dân. Từ phố thị đến nông thôn; từ văn quan võ tướng cho đến trí phú lê dân, ở bất cứ nơi đâu, đối với bất cứ người nào, nếu bị bọn ô lại, tham quan để mắt vào sắc hoặc tài thì họ sẽ trở thành nạn nhân và tai họa vô cớ chưa biết giáng xuống lúc nào là điều khó tránh. Chuyện ức hiếp, bất công, gai mắt, chướng tai, không nơi nào không có. Nhân phẩm, lương tri bị chà đạp thô bạo. Bởi cảnh tình trên nên 108 vị anh hùng tụ nghĩa ở Lương Sơn Bạc, khuấy động một phương trời, những mong đạp đổ nền thống trị thối nát, bất lương, đem lại yên bình hạnh phúc cho muôn dân trăm họ.

Thời Lê Trịnh của Việt Nam, Chúa át quyền Vua, ở Triều đình thì sa đọa ăn chơi, chốn hương thôn thì cường hào đục khoét, sưu cao thuế nặng, lao dịch triền miên, khiến trăm họ dân đen vô cùng khốn khổ. Nhiều anh hùng nông dân như Nguyễn Hữu Cầu đã đứng lên khởi nghĩa chống Triều đình. Thời Nhà Nguyễn, Cao Bá Quát là một kẻ sĩ hào hoa, một văn quan thương dân yêu nước, nhưng dưới sự hà khắc của chốn quan trường, bị o ép, bất công, không đem được tài trí của mình để cứu nước, giúp đời nên bực chí mà liên kết với Lê Duy Cự dấy binh nổi loạn. Kẻ cai trị thì cho họ là giặc phá hoại nước nhà. Người bị đàn áp, đoạ đày thì coi họ là bậc anh hùng muốn cứu người cùng khổ. Ai ủng hộ ai quá rõ mười mươi, chẳng cần luận bàn mọi người đều biết cả.

Lịch sử loài người từ xưa đến nay, từ Đông sang Tây đã ghi lại không biết bao nhiêu tấm gương những vị quan công minh liêm chính, yêu nước thương dân, hết lòng hết sức chăm lo cho cuộc sống và hạnh phúc của muôn dân mà cái triết lý chung nhất của những người làm quan tốt là biết lo trước dân lo, sướng sau dân sướng, coi hạnh phúc yên bình của trăm họ như hạnh phúc của chính mình mà cùng trăn trở với cái nghèo, cái đói, đồng kham cộng khổ, biết chăn dắt hướng đạo cho dân.

Nguyễn Hữu Cảnh (1650-1700), một tướng lãnh cầm quân tài ba, đã biết dùng tài đức để phủ dụ dân chúng. Sau khi bình định trấn Thuận Thành, Nguyễn Hữu Cảnh đã tổ chức ngay cho nhân dân khẩn hoang lập ấp, ổn định cuộc sống, thiết lập trật tự xã hội, tính kế lâu dài và khiến trấn Thuận Thành ngày càng vững vàng phát triển. Ông đã có công lớn trong sự nghiệp Nam tiến, mở mang bờ cõi. Do đó, ông đã được nhân dân kính phục, nhớ ơn. Ngày nay, đền thờ Lễ thành hầu Nguyễn Hữu Cảnh được bảo tồn ở nhiều địa phương, trong đó lớn nhất là ở An Giang, Đồng Nai và Quảng Bình. Độc đáo hơn nữa là đền thờ ông còn có ở Nam Vang.

Nguyễn Công Trứ (1778-1858) ngay từ thuở còn hàn vi đã nuôi ý tưởng lập công danh, sự nghiệp để giúp đời: “Đã mang tiếng ở trong trời đất/ Phải có danh gì với núi sông. Khi làm quan, ông chiêu mộ dân nghèo, đắp đê lấn biển, lập ấp, dựng làng, khai sinh các huyện Kim Sơn (thuộc tỉnh Ninh Bình), huyện Tiền Hải (thuộc tỉnh Thái Bình) vào những năm cuối thập niên 1820. Nhớ ơn ông, nhân dân đã lập đền thờ khi ông còn sống, ngày nay hàng năm các huyện trên vẫn tổ chức lễ hội Nguyễn Công Trứ để tưởng nhớ công đức của ông.

Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh rất coi trọng đội ngũ cán bộ, công chức, Người viết: “Cán bộ là cái gốc của mọi công việc”, “công việc thành công hay thất bại đều do cán bộ tốt hay kém”, bởi vậy mà ngay từ những ngày đầu xây dựng chính quyền, Người đã đề nghị: Chính phủ phải tổ chức càng sớm càng hay cuộc Tổng tuyển cử với chế độ phổ thông đầu phiếu “để cho toàn thể quốc dân tự do lựa chọn những người có tài, có đức để gánh vác công việc nước nhà…”. Từ tháng 10-1945, Người gửi thư cho Ủy ban Nhân dân các tỉnh Bắc Bộ, thẳng thắn và nghiêm khắc phê phán bệnh quan liêu của một số cán bộ: "trái phép, cậy thế, hủ hóa, tư túng kéo bè kéo cánh bà con, bạn hữu mình, không tài năng gì cũng kéo vào chức này, chức nọ. Người có tài có đức, nhưng không vừa lòng mình thì đẩy ra ngoài", làm tổn hại đến uy tín của Chính phủ, mất lòng tin cậy của nhân dân. Từ đó, Người yêu cầu cán bộ phải kiên quyết tự sửa chữa khuyết điểm, sai lầm. "Người đời không phải thần thánh, không ai tránh khỏi khuyết điểm. Chúng ta không sợ có khuyết điểm, nhưng chỉ sợ không kiên quyết sửa nó đi". Người cho rằng cán bộ cách mạng là "công bộc của dân", “…Công chức phải đem hết tất cả sức lực và tâm trí theo đúng đường lối của Chính phủ và nhằm lợi ích của nhân dân mà làm việc”. Người yêu cầu cán bộ phải cần kiệm liêm chính, cán bộ phải biết sướng cùng dân sướng, biết khổ cùng dân khổ, hành xử chí công vô tư, coi trọng lợi ích quốc gia, bởi đó vừa là chuẩn mực đạo đức, cũng là chuẩn mực pháp lí phù hợp với sự công bằng, bình đẳng.

Ngày nay, dưới sự lãnh đạo của Đảng, Nhà nước đang quyết tâm huy động nhân tài, vật lực từ tất cả mọi nguồn tập trung cho công cuộc xây dựng đất nước nhằm mục đích làm cho dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh. Quả thật, nhìn một cách tổng thể chúng ta rất tự hào rằng: mới chỉ trong một thời gian ngắn thực hiện công cuộc đổi mới, bộ mặt đất nước đã khác hẳn, từ một đất nước với nền nông nghiệp lạc hậu, mới thoát khỏi chiến tranh, lại bị cuốn trong nhiều năm của cơ chế quan liêu bao cấp đã thoát được nghèo, và có người đã vươn lên làm giàu thực sự. Uy tín của quốc gia ngày càng được nâng cao trên trường quốc tế. Tuy vậy, vẫn còn có nơi, có lúc, có cán bộ, công chức lợi dụng chức quyền mà lập bè kéo cánh, hẹp hòi, cục bộ, tâng công, tự cho mình đứng trên mọi người, đứng ngoài pháp luật mà hành xử ngược lại với lợi ích của nhiều người nhằm để vinh thân phì gia, nhưng lại nấp dưới cái vỏ vì dân tộc, quốc gia như Bác Hồ đã nói ở trên là điều không hiếm.

Không phải vô cớ mà công nhân đình công, thương nhân bãi thị, nông dân biểu tình. Truy xét cho cùng thì đều có lý do và theo nguyên lý muôn đời mà Mác đã khẳng định là có áp bức thì có đấu tranh. Khi một nơi có phát sinh khiếu nại, tố cáo của nhiều người thì chắc chắn phải có nguyên nhân. Dù cách gì đi nữa thì cũng do hành vi của kẻ có quyền đã đối trọng với lợi ích của nhiều người nên các đối tượng bị thiệt thòi phản ứng để bảo vệ lợi ích của mình bị người khác xâm hại (loại trừ âm mưu phá hoại của các thế lực thù địch). Không thể có cách lý giải khác hơn là ở vùng đất nào nhân tình ly tán, nhân dân hành động nổi loạn thì ở đó phải xem lại đội ngũ chức sắc cầm quyền.

Đảng và Nhà nước ta luôn luôn coi trọng lợi ích của nhân dân, luôn đứng về phía nhân dân, bảo vệ nhân dân. Bộ máy Nhà nước đang vận hành cũng chỉ nhằm mục đích đem lại cơm no, áo ấm cho nhân dân, đem lại hạnh phúc yên bình cho nhân dân, cho nên bất cứ cán bộ, công chức nào xâm hại đến lợi ích của nhân dân thì Nhà nước sẽ ra tay trừng phạt. Thật đáng buồn nhiều vụ tiêu cực, tham ô; nhiều hành vi nhũng nhiễu của nhiều cán bộ, công chức mà công luận đang than phiền với nhiều lý do vẫn chưa được xử lý; nhưng cũng thật sự vui mừng Đảng và Nhà nước đang quyết tâm loại trừ những phần tử hại nước, hại dân. Thời gian qua pháp luật đã thẳng tay trừng trị, không thiên vị với bất cứ một ai dù phẩm hàm cao hay thấp, từ tướng lĩnh đến nhân viên, nếu có hành vi phạm tội đã được xác định rõ ràng thì pháp luật không hề dung thứ.

Thực thi pháp luật: “Thưởng phạt phải nghiêm minh thì nhân dân mới yên ổn”, “Nếu không thưởng thì không có khuyến khích; nếu không có phạt thì không giữ vững kỷ luật. Chớ yêu ai mà thưởng, ghét ai mà phạt”. Chớ vịn cớ “Bảo vệ cán bộ” mà coi thường pháp luật, xét xử không nghiêm minh. Cần xét xử nghiêm minh để làm cho nhân dân tin vào chính quyền, vào Đảng" (Hồ Chí Minh). Những lời huấn thị trên của Chủ tịch Hồ Chí Minh, đối chiếu với quan điểm của Hàn Phi đã viết hơn hai ngàn năm trước như vẫn còn nguyên giá trị.

Hiện nay nhiều vấn đề trong công vụ vẫn còn thiếu minh bạch để mọi người có thể chủ động hành xử hợp lý, công khai. Nếu những quy định bất hợp lý cứ tồn tại và kéo dài thì tư tưởng Hồ Chí Minh hay học thuyết của Hàn Phi được giáo dục áp dụng cũng kém tác dụng. Hy vọng công cuộc cải cách hành chính đang được tiến hành, tất cả các thủ tục sẽ được minh bạch công khai, loại bỏ các quy định phi lý, rườm rà, đưa tiện ích đến cho tổ chức, cá nhân có quyền thụ hưởng, đó là công cụ hữu hiệu để cấp có thẩm quyền giám sát hành vi của “quan lại thừa hành”, và khi phát hiện những sai phạm thì có căn cứ để “trị lại” chứ “bất trị dân” vậy.

T.V
(SDB 6-12)







 

Các bài mới
Các bài đã đăng
Mùa đi mót (21/06/2012)
Ký ức Hoàng Sa (21/06/2012)