LÊ VĂN LÂN
Hằng năm cứ vào dịp 9/1 (ngày sinh viên học sinh), ngày 26/3 (ngày thành lập Đoàn TNCS Hồ Chí Minh và giải phóng Huế), những người hoạt động trong phong trào (người ta thường gọi là “dân phong trào”) lại họp mặt tưởng nhớ những người hi sinh, ôn lại truyền thống, chia sẻ những trăn trở trước thời cuộc và tự dặn mình phải sống xứng đáng với những người đã khuất, những đùm bọc thương yêu mà nhân dân đã dành cho mình.
Phong trào đô thị gắn với các tầng lớp nhân sĩ, trí thức, tôn giáo, các công thương gia, sinh viên học sinh, chị em tiểu thương... mà đi liền với nó là những cuộc bãi khóa, xuống đường, những đêm không ngủ... đến những buổi hát cho đồng bào tôi nghe, hát cho dân tôi nghe, phong trào đòi thi hành hiệp định Genever, hiệp định Paris đến phong trào cứu đói, phong trào đòi dân sinh dân chủ.... Tất nhiên hiểu đúng phong trào đô thị là điều không dễ dàng. Đó đây cũng đã có nhiều nỗ lực nhằm dựng lại phong trào đô thị: Anh Tần Hoài Dạ Vũ và anh Nguyễn Đông Nhật với tác phẩm phác thảo “Chân dung một thế hệ”. Anh Trần Thức, Hoàng Dũng, Bửu Nam, Ngô Thời Đôn với tác phẩm “Viết trên đường tranh đấu”. Thành đoàn Huế với ấn phẩm “Những sự kiện lịch sử trong phong trào đấu tranh đô thị của thanh niên sinh viên học sinh Huế 1954-1975”. Tổng đoàn học sinh Đà Nẵng với ấn phẩm “Chúng tôi có một thời như thế”. Cùng nhiều hồi kí của các anh mội thời là nhân vật chủ chốt phong trào: Lê Phương Thảo, Nguyễn Đắc Xuân, Võ Quê... Chúng tôi được biết Thành ủy Huế đã có chủ trương viết lại phong trào đô thị Huế đầy đủ hơn. Đây là việc làm hết sức cần thiết không chỉ hôm qua, hôm nay mà còn cả cho ngày mai.
Tranh bút sắt Bửu Chỉ |
Chiều sâu của phong trào đô thị
Khi nói phong trào đô thị người ta thường nghĩ đến phong trào yêu nước trong các đô thị miền Nam, là tầng lớp nhân sĩ trí thức, tôn giáo mà ngòi pháo xung kích là thanh niên, sinh viên học sinh... Đỉnh cao của phong trào là những năm 1970, 1971 đến năm 1975, khi mà sinh viên toàn miền Nam họp đại hội (1971) ra tuyên bố ủng hộ lập trường 7 điểm của Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam tại hội nghị Paris, khi mà những chiếc xe Mỹ lần lượt bị đốt công khai trên đường phố, khi mà phong trào “bỏ ngũ - phản chiến - binh biến - khởi nghĩa” đã trở thành phong trào hành động trong quân đội Sài Gòn.
Đối với Huế, phong trào đô thị có nguồn gốc sâu xa của nó. Chúng ta đều biết: Ngay sau hiệp định Genever được kí kết, những người trí thức sinh viên học sinh Huế như giáo sư Tôn Thất Dương Kị, kĩ sư Nguyễn Hữu Đính, giáo sư Cao Xuân Lữ, giáo sư Tôn Thất Dương Tiềm, cùng các nhân sĩ như Võ Đình Cường, Đoàn Văn Long, Lê Quang Vịnh… đã dấy lên phong trào đòi hòa bình, đòi thi hành hiệp định Genever. Nếu ở thời điểm đó ngụy quyền Sài Gòn ra sức xuyên tạc hiệp định, cơ quan công sở của chúng treo cờ rủ 3 ngày, xem ngày 20/7/1954 là ngày quốc hận, ngày nước Việt Nam bị chia cắt thì ngược lại phong trào hòa bình phát động các tầng lớp nhân dân tổ chức ăn mừng hòa bình, tổ chức biểu tình hàng vạn người hoan hô hiệp định, in ấn và phổ biến hiệp đinh Genever, đẩy mạnh phong trào đấu tranh chính trị với khẩu hiệu dân sinh dân chủ, đòi tổng tuyển cử, đòi đắp đập Thuận An, đòi lập quan hệ bình thường hai miền Nam - Bắc. Cơ quan ngôn luận của phong trào là tập văn Ngày Mai (xem thêm Sông Hương số 275, 1/2012). Chúng ta đều biết trước đó 1947, 1948 ở Huế đã hình thành một chi bộ hết sức đặc sắc trong công tác xây dựng Đảng: chi bộ trí thức. Chi bộ mà nhiều người nói vui là “chi bộ sa-lông”, chi bộ “bơ sữa” và nói như đồng chí Trần Hân, nguyên Bí thư Thị ủy Huế “nói bơ sữa là nói tầng lớp trên, người dân làm gì có bơ sữa để ăn”. Chính những người trong chi bộ trí thức là nòng cốt phong trào này.
"Ngợi bình minh" - tranh Bửu Chỉ |
Xa hơn, phong trào đô thị không thể không kể đến những sôi sục khí thế của những ngày Cách mạng tháng Tám. Việc cựu hoàng Bảo Đại thoái vị lẽ nào không có tác động khi giới nho sĩ, trí thức, binh lính kể cả những người trong hoàng tộc ngả về với cách mạng, với phong trào xếp bút nghiên lên đường kháng chiến, phong trào Nam tiến... Phong trào sôi động với các cuộc vân động cứu đói, học chữ quốc ngữ. Huy động sức người, sức của cho kháng chiến với tuần lễ đồng, tuần lễ vàng mà tiêu biểu là Trường Thanh niên tiền tuyến.
Trong bề dày truyền thống lịch sử văn hóa Huế, Huế là nơi hội tụ nho sĩ, trí thức, tinh hoa của dân tộc. Quá trình xây dựng và phát triển Huế, cũng dần xuất hiện phong trào đô thị. Năm 1908 nổ ra phong trào chống thuế của nông dân Thừa Thiên - Huế, đông đảo thanh niên học sinh Huế đã là ngòi pháo xung kích của phong trào mà tiêu biểu là anh Nguyễn Sinh Cung, tức Chủ tịch Hồ Chí Minh. Tiếp đó là các phong trào đòi ân xá cụ Phan Bội Châu, đòi để tang cụ Phan Chu Trinh, cao trào Mặt trận Dân chủ Đông Dương 1936-1939 mà tiêu biểu là phong trào học sinh của hai trường Quốc Học và Đồng Khánh. Nhiều học sinh qua phong trào đã trưởng thành và trở thành những cán bộ chủ chốt của Đảng, của quân đội trong suốt hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ cứu nước.
Và xa hơn nữa, trong ngày Thất thủ kinh Đô 1885, sĩ tử cả nước về Huế dự thi đã phá trường thi bày tỏ thái độ của mình trước việc xâm lược của Pháp.
Lượt điểm qua các sự kiện như vậy để thấy phong trào đô thị Huế với sự lẫy lừng của nó, có nguồn gốc sâu xa, có truyền thống, tất cả làm nên sự khác biệt của nó với phong trào đô thị trên cả nước.
Phong trào đô thị Huế - những sự kiện lẫy lừng
Trong phong trào đấu tranh ở các đô thị miền Nam, Phong trào đô thị Huế đã tạo nên những sự kiện lẫy lừng với những dấu ấn đặc sắc có thể nói không nơi nào có thể làm được, đóng góp tích cực vào thành công của cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước.
Trong cuộc đấu tranh chống chế độ độc tài gia đình trị Ngô Đình Diệm, một sự kiện chấn động chính trường miền nam thời bấy giờ là việc chính quyền Diệm cách chức Viện trưởng Viện Đại học Huế - linh mục Cao Văn Luận vì ủng hộ cuộc đấu tranh chống độc tài và đưa giáo sư Trần Hữu Thế, nguyên Bộ trưởng Bộ Quốc gia Giáo dục, nguyên đại sứ Việt Nam cộng hòa tại Philippines ra làm Viện trưởng. Tại buổi lễ bàn giao, bác sĩ Lê Khắc Quyến, Khoa trưởng Đại học Y khoa Huế đã đứng dậy phản đối và tuyên bố từ chức. Hưởng ứng thái độ quyết liệt của bác sĩ Lê Khắc Quyến, khoa trưởng các trường Luật khoa, Khoa học, Văn khoa, Sư phạm, toàn thể giáo sư Đại học Huế, Viện Hán học đều đồng loạt từ chức, sinh viên Huế bãi khóa nghỉ học. Giáo sư Trần Hữu Thế cũng như chính quyền Diệm ngỡ ngàng sửng sốt trước phong trào bất hợp tác ngày càng lan rộng, guồng máy ngụy quyền tê liệt báo hiệu sự sụp đổ. Khi chính quyền Ngô Đình Diệm sụp đổ, phong trào đô thị tiếp tục phát triển với việc ra đời Hội đồng Nhân dân cứu quốc, chính bác sĩ Lê Khắc Quyến được cử làm Chủ tịch. Hội đồng đã ra thông báo buộc tập đoàn cần lao, mật vụ phải đến trình diện và tự thú trong vòng nửa tháng từ 14 tháng 9 đến 30 tháng 9 năm 1964. Đảng Cần lao nhân vị, bộ máy công an mật vụ bị trấn áp và tê liệt.
Bức ảnh được nhà thơ Lâm Thị Mỹ Dạ tìm thấy trong thùng đựng ảnh cũ của gia đình |
Có lẽ lần đầu tiên trên thế giới, một tòa lãnh sứ Mỹ bị đốt, một cơ quan thông tin văn hóa của Mỹ bị đập phá. Sự kiện nóng bỏng này diễn ra ở Huế giữa lúc Mỹ thay đổi chiến lược đối với Việt Nam từ Chiến tranh Đặc biệt sang Chiến tranh Cục bộ với việc đổ quân ồ ạt vào miền Nam Việt Nam.
Trong cách mạng miền Nam, có một sự kiện cách mạng độc đáo và duy nhất. Đó là năm 1965, ba nhân sĩ trí thức yêu nước hiên ngang qua sông Bến Hải ra Bắc và được tiễn đưa bằng một cuộc mitting của ngụy quyền đầy hằn học và căm giận trước phong trào hòa bình ngày càng lan rộng. Một trong ba nhân sĩ, trí thức đó là giáo sư Tôn Thất Dương Kỵ - một nhà giáo uy tín và đáng kính ở Huế, là nòng cốt của chi bộ trí thức Huế những năm 1947-1948; là nhân vật chủ chốt của phong trào hòa bình những năm 1954-1956 và tập văn Ngày Mai.
Nói đến cách mạng miền Nam không thể không nói việc li khai của Huế. Ba tháng trời chính quyền nằm trong phong trào đô thị, với chiến đoàn Nguyễn Đại Thức li khai gồm sĩ quan và binh lính của sư đoàn 1 bộ binh (ngụy) mà nhà giáo Ngô Kha làm chiến đoàn trưởng, với đoàn sinh viên quyết tử mà anh Nguyễn Đắc Xuân làm đoàn trưởng. Khi Hiệp định Paris vừa kí kết địch đã thủ tiêu anh Ngô Kha. Anh đã được truy tặng liệt sĩ. Thành phố Huế ghi nhận những cống hiến lớn lao của anh Ngô Kha đã đặt tên anh cho một con đường, một trường học. Đoàn TNCS Hồ Chí Minh đã vận động thành lập học bổng “Ngô Kha” để động viên tuổi trẻ học đường hăng hái học tập để ngày mai cống hiến cho đất nước.
Sinh viên Ngô Văn Bằng đọc kiến nghị bên cạnh giáo sư Nguyễn Hữu Trí. |
Nói đến phong trào đô thị Huế không thể không nói đến cuộc tổng tấn công và nổi dậy mùa xuân năm 1968 của quân và dân ta với 26 ngày đêm làm chủ thành phố Huế. Thắng lợi quan trọng này buộc địch phải ngồi vào bàn đàm phán Paris, buộc địch phải thay đổi chiến lược từ Chiến tranh Cục bộ sang Chiến lược Việt Nam hóa chiến tranh. Việc ra đời Liên minh các lực lượng dân tộc dân chủ và hòa bình thành phố (chỉ ở Huế và TP Hồ Chí Minh) đánh dấu một mốc mới trong cách mạng miền Nam. Nhiều nhân sĩ trí thức Huế tiêu biểu, có ảnh hưởng lớn trong chính giới cũng như trong nhân dân đã tham gia Liên minh như hòa thượng Thích Đôn Hậu, bà Nguyễn Đình Chi, cụ Nguyễn Đóa, giáo sư Tôn Thất Dương Tiềm... Sau này họ đều là nòng cốt trong Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam, Chính phủ Cách mạng lâm thời thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam, Hội đồng cố vấn Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam.
Những năm 1970-1971, phong trào đô thị Huế lên đến đỉnh điểm. Huế chứ không thể ở nơi nào khác họp Đại hội Sinh viên học sinh toàn miền Nam công khai ra tuyên bố ủng hộ lập trường 7 điểm của Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền nam Việt Nam tại hòa đàm Paris. Sự kiện này đã đẩy kẻ thù vào nỗi hoảng loạn mà đỉnh điểm là chúng điên cuồng mở Chiến dịch Bình minh (1972) bắt hàng ngàn người dân và những người yêu nước ra Côn Đảo. Chia rẽ trong nội bộ của địch ở vùng tạm chiếm ngày càng sâu sắc và nhân dân có khuynh hướng ngả dần về cách mạng.
Có thể nói suốt hành trình cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, Phong trào đô thị Huế đóng góp vô số sự kiện độc đáo, lẫy lừng không thể kể hết. Phần lớn là các sự kiện có một không hai ở thành thị Miền Nam.
Phong trào của sinh viên học sinh Huế |
Ý nghĩa của phong trào đô thị
Khi nói đến phong trào đô thị, nhiều người thường nghĩ đến những cuộc xuống đường, bãi khóa, đốt xe Mỹ... Nhưng nếu chỉ dừng ở chừng ấy thôi thì thật là phiến diện và không đầy đủ, chưa thấy hết tác dụng lớn lao của phong trào.
Trước hết, phong trào đô thị là một nét đặc sắc của cách mạng miền Nam. Nếu chiến tranh nhân dân hiểu theo nghĩa cổ điển là “lấy nông thôn bao vây thành thị”, thì phong trào đô thị chính là chiến tranh nổ ra từ thành phố, và từ thành phố phát triển về nông thôn vùng sâu, vùng xa. Phong trào diễn ra rất đa dạng với các loại hình hết sức phong phú, từ những tổ chức bị mật, công khai, bán công khai, đến những tổ chức biến tướng, cả trong những tổ chức do địch lập ra từ trường học, đến các công sở, các cơ quan của Mỹ ngụy, cả trong quân đội ngụy. Phong trào thu hút đông đảo các tầng lớp từ trí thức, tầng lớp trên đến sinh viên học sinh, đến công nhân, chị em tiểu thương, nông dân; các cán bộ, công chức trong chính quyền ngụy, binh sĩ trong ngụy quân. Có thể nói, phong trào đô thị như một trận bát quái đồ, ở đâu cũng có thể tập hợp lực lượng, ở đâu cũng có thể phân hóa địch. Và cũng chính những cuộc tập hợp này đã làm cho phong trào đô thị trở thành những cuộc tập dượt cách mạng, thúc đẩy và tạo thời cơ cách mạng.
Nhưng cao hơn nữa, phong trào đô thị khi đã là cao trào chính là lúc mũi nhọn của phong trào là đánh thẳng, khoan vỡ hệ thần kinh của Mỹ ngụy. Tạo nên những chuyển động mạnh mẽ làm thay đổi tương quan lực lượng giữa ta và địch, làm cho hậu phương địch rối ren, nội bộ địch phân hóa. Điều này lí giải vì sao ta thắng địch thua, trong mỗi tương quan lực lượng giữa ta và địch có khác biệt rất lớn.
Ở cơ sở, bằng những cuộc biểu tình bãi khóa những năm 1963-1964, phong trào đô thị Huế đã đánh nát tổ chức công an, mật vụ của chính quyền ngụy, đập tan Đảng cần lao nhân vị... Những thành công của phong trào đã góp phần cho cách mạng phát động phong trào đồng khởi, phá vỡ chính quyền ngụy các cấp, phá tan phong trào ấp chiến lược, các khu trù mật của Mỹ ngụy.
Phong trào đô thị đã phân hóa sâu sắc bộ máy quân đội, chính quyền của Mỹ ngụy. Những cuộc biểu tình đấu tranh liên miên những năm 1963-1966 đã làm cho địch rối loạn, nội bộ địch chao đảo với 12 cuộc đảo chính và phản đảo chính, 8 lần thay đổi chính phủ. Không thể nói chính quyền và quân đội ngụy không yếu đi khi miền Trung li khai chính quyền Sài Gòn với sư đoàn 1 hình thành chiến đoàn li khai Nguyễn Đại Thức, sinh viên Huế lập đoàn sinh viên quyết tử, cảnh sát ngụy lập Đoàn cảnh sát Phật tử, công chức lập Đoàn công chức Phật tử, Đài phát thanh Huế trở thành cơ quan ngôn luận của lực lượng đấu tranh... Tất nhiên để dẹp phong trào, địch phải tốn nhiều công sức tiền của... Kéo theo đó là sự phân hoá rệu rã trong bộ máy ngụy quân, ngụy quyền; phân hóa ở trong các chính khách.
Đối với thế giới, phong trào đô thị đã thu hút sự chú ý của Liên hiệp quốc, những quốc gia tiến bộ và người dân yêu chuộng hòa bình. Ngay tại nước Mỹ, người dân cũng như chính quyền Mỹ nghĩ gì về vai trò “sen đầm quốc tế” của mình khi lần đầu tiên trên thế giới, Toà lãnh sự Mỹ ở Huế bị đốt, cơ quan văn hóa thông tin Mỹ bị đập phá, trên đường phố ở Huế xe Mỹ liên tục bị đốt... Chính phong trào đô thị, đặc biệt là đô thị Huế đã làm cho chính giới Mỹ phân hóa sâu sắc. Sâu sắc đến độ nhiều chính khách của Mỹ đã xem việc Mỹ rút quân, hòa bình cho Việt Nam làm tuyên ngôn tranh cử của mình vào các cơ quan dân cử, kể cả tranh cử tổng thống.
Anh chị em phong trào đô thị Huế gặp nhau sau năm 1975 tại Trường Đại Học Sư Phạm Huế |
Những con người của phong trào
Có lẽ đến bây giờ không ai có thể phủ nhận được tính chiến lược của phong trào đô thị, những đóng góp của phong trào trong sự nghiệp giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước. Phong trào đô thị phát triển thành cao trào, đó là lúc xuất hiện thời cơ cách mạng, kết thúc chiến tranh. Tuy nhiên do hoàn cảnh và đặc điểm của cách mạng miền Nam (“cách mạng miền Nam ai làm nấy biết”), do cái nhìn phiến diện: “dân phong trào” - hiểu nôm na những người hoạt động trong phong trào đô thị - là dân tiểu tư sản, có nghĩa là dễ chao đảo trước những tình thế khó khăn. Mặt khác, những người hoạt động trong phong trào đô thị khá đa dạng, nhiều thành phần và trong mối quan hệ chằng chịt. Do vậy không phải người trong cuộc khó mà hiểu hết được. Ở đây, chúng ta cũng thấy hết âm mưu thủ đoạn địch nhằm bôi xấu và vô hiệu hóa những người hoạt động trong phong trào, kế hoạch hậu chiến của địch với chiến lược diễn biến hòa bình. Đó là chưa nói đến những kẻ cơ hội, đã vô tình hay hữu ý tiếp tay cho kẻ thù làm cho cái nhìn về phong trào sau ngày giải phóng trở nên rối rắm, phiến diện, để lại nhiều di chứng khó khắc phục.
Nhưng đã là “dân phong trào” thì luôn có cái hào khí của nó. Những người trong phong trào tìm con đường đi riêng của mình, theo cách của mình để tiếp tục cống hiến, phục vụ và thực sự họ đã có nhiều đóng góp xứng đáng.
Đó là trường hợp anh Lê Phương Thảo, là người lãnh đạo trực tiếp phong trào đô thị Huế. Sau ngày giải phóng rời chính trường, anh lao vào lĩnh vực giáo dục, hình thành Đại học Duy Tân, mở ra một phong trào xã hội hóa giáo dục ngày càng phát triển. Đại học Duy Tân thu hút trên 20.000 sinh viên và nằm trong tốp 20 trường dẫn đầu cả nước. Làm ăn thành đạt, anh đã giúp đỡ con em gia đình chính sách đi học, giúp đỡ những anh em phong trào khó khăn. Chỉ riêng đối với Ban liên lạc B14 (cơ quan Thành ủy trong kháng chiến) trong năm 2011 anh đã ủng hộ trên 100 triệu đồng để giúp đở đồng chí, đồng đội sửa chữa nhà cửa, hỗ trợ anh em quá khó khăn thiếu thốn.
Đó là hình ảnh cụ Nguyễn Hữu Đính, sau giải phóng cụ là Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thành phố Huế, trên nhiều diễn đàn, cụ luôn say sưa về một nền dân chủ thật sự, về môi trường và vị thế văn hóa Huế. Ý kiến của cụ đến nay vẫn mang đầy tính thời sự. Chính cụ là người sáng lập Trung tâm Nghiên cứu Huế, mà người tiếp nối là con trai của cụ - anh Nguyễn Hữu Châu Phan - vượt qua tuổi tác và bạo bệnh, anh Nguyễn Hữu Châu Phan cùng các anh trong Trung tâm Nghiên cứu Huế đều đều hằng năm cho ra đời các ấn phẩm sang trọng, đúng tầm vóc thành phố văn hóa, ấn phẩm Nghiên cứu Huế dày dặn mọi bề được giới nghiên cứu Huế trong nước cũng như bạn bè trên thế giới kính trọng.
Nếu như trong phong trào đô thị, Võ Quê được nhiều người biết đến bởi những vần thơ đầy hào khí như: “Thừa Phủ ơi! Lòng ta đồng biển lửa” được nhạc sĩ Nguyễn Phú Yên phổ nhạc. Sau ngày giải phóng, vượt qua bao thách thức, anh âm thầm miệt mài tập hợp nghệ nhân hình thành Câu lạc bộ ca Huế. Và có thế nói không ngoa, anh là người có công đầu trong việc phục hồi và phát triển ca Huế, từ sưu tầm lời ca đến tổ chức biểu diễn. Hình thành bước đầu ngành “công nghiệp” giải trí “ca Huế trên sông Hương”, làm cho Huế không còn là thành phố ngủ sớm. Ca Huế trên sông Hương đã trở thành món ăn tinh thần không thể thiếu được đối với du khách, hàng ngàn người dân đã sống được nhờ vào hoạt động văn hóa lành mạnh này.
Cùng với thế hệ của Võ Quê, anh Nguyễn Duy Hiền được mọi người thành phố biết đến như là công trình sư của các kỳ Festival, kể từ Festival CODEV Việt Pháp những năm 1990. Chính thành công của các kỳ Festival Huế cả chuyên đề lẫn tổng hợp đã góp phần định hướng, thúc đẩy xây dựng Huế thành thành phố Festival đặc trưng của Việt Nam.
Và còn biết bao anh em trong phong trào miệt mài chạy đua với thời gian, đấu tranh với tuổi tác và bệnh tật, tìm con đường riêng của mình tiếp tục “dấn thân”. Không có danh hiệu thi đua nào cho họ, nhưng trong tình cảm của nhiều người: họ đúng là những công dân ưu tú của Huế.
L.V.L
(SDB 6-12)