Tạp chí Sông Hương - Số 281 (T.7-12)
Văn xuôi Trị Thiên - Huế còn mắc nợ với chiến tranh
15:48 | 16/07/2012

ĐỖ KIM CUÔNG 

1.
44 năm trước khi mới chỉ là chàng trai 17 tuổi, sốt rét quặt quẹo, nằm trong căn hầm dã chiến thuộc trạm xá tiền phương sư đoàn 324, đặt dưới chân điểm cao 360, bên sông Bồ chịu trận với hàng trăm quả pháo và từng đợt máy bay B57 của không quân Mỹ phá nát rừng Hương Trà, chưa bao giờ trong tôi nẩy ra ý nghĩ một ngày kia mình sẽ viết văn.

Văn xuôi Trị Thiên - Huế còn mắc nợ với chiến tranh
Nhà văn Đỗ Kim Cuông - Ảnh: internet

44 năm trước khi còn là anh lính bộ binh của KX thuộc Công trường VI, suốt ngày mặc quần đùi áo xắn tay cao, vác khẩu AK đi bám địch ở bờ Khe Trái, bò vào bãi quân Mỹ, quân Ngụy đổ quân, vừa lo bám địch vừa lượm gạo sấy, hộp Mỹ vất lại trên bãi về cứu đói cho cả đại đội, trung đội… Sau nhiều phen hút chết, tôi chẳng dám nghĩ mình sẽ còn sống, còn có một ngày trở về quê hương để được tiếp tục vào đại học, để rồi viết văn, làm báo.

Hơn 40 năm trước sau mỗi lần bị quân Mỹ, quân Ngụy phục kích, chốt chặn ở Khe Trái, Dốc Đoác, địa đạo 310; đánh nhau với tụi lính Bảo an, dân vệ, lính của sư đoàn 54 Ngụy ở Dốc Đu, Dốc Cát, đồi Chóp Nón, Hòn Vượn, ở Phú Ổ La Chử, Văn Xá Trung, Văn Xá Làng, Bồn Chí, Bồn Phổ… vừa đào đất chôn bạn mình, vừa giật mình tự hỏi: “Sao mi lại còn sống? Sau những trái mìn Claymo lửa chớp xanh lè?”. Càng không mơ tưởng mình sẽ viết văn.

Tháng trước, Hội Nhà văn Việt Nam có cuộc gặp mặt thân mật với một số nhà văn cựu chiến binh Mỹ. Nhân chuyến về Huế, tôi được đi thuyền cùng họ ngược dòng Hương Giang. Hỏi chuyện nhà văn Kevin Bowen mới biết ông cũng từng đi lính, thuộc sư đoàn Kỵ binh bay số 1 của Mỹ. Vào mùa xuân năm 1968, 1969 sư đoàn này là quân chủ lực Mỹ đánh ở chiến trường Trị Thiên Huế. Tôi có nhắc đến một vài địa danh: Dốc Chè (điểm cao 1078), Coocava, Rào Trăng, Rào Lu, Núi Bông, Điểm cao 360, Khe Trái, Động Tranh - Bình Điền và cả cái địa đạo 310, có 3 cửa ăn thông ra 3 hướng - vốn là căn cứ tiền phương của bộ chỉ huy quân khu Trị Thiên khi đánh về Huế dạo Mậu Thân… nhà văn Kevin đều biết cả. Tôi không tiện hỏi ông, vào cái năm 1969 ấy, người lính Mỹ Kevin mang cấp bậc gì, ông là lính bộ binh, hay ở cơ quan tham mưu hậu cần. Khi biết tôi là người lính đã từng đụng đầu với lính ở sư đoàn Kỵ binh bay số 1 của Mỹ, Kevin vừa tỏ ra ngạc nhiên, vừa vui.

Tôi nói đùa với ông rằng: “May mà những lần đơn vị tôi và các ông chạm súng, trong những cuộc giáp chiến, đánh chốt ở điểm cao 360, Khe Trái, cái chết đã không tìm đến hai ta. Để bây giờ tôi và ông lại được ngồi bên nhau, nhắc chuyện cũ và viết văn. Cuộc sống quả là kỳ diệu, thưa ông”.

Ngồi nói chuyện dông dài một hồi lâu, Kevin và một nhà thơ nữ hỏi tôi: “Trong cuộc sống hiện đại này anh sợ nhất điều gì?”. Tôi đáp: “Chiến tranh. Dân tộc nào cũng vậy thôi. Đấy là điều chúng ta đã trải qua và chứng kiến… Ông có biết không? Bây giờ mỗi lần tôi về quê, quê tôi một thành phố vùng đồng bằng Bắc Bộ, tôi sợ nhất phải gặp một số người thân. Nhìn ánh mắt họ nhìn tôi, như tự hỏi: “Sao chỉ có tôi trở về, còn con cái họ đang ở đâu? Ở đâu?!” Chỉ riêng lớp học cấp III của tôi 27 người cùng nhập ngũ 1 ngày, cùng vượt Trường Sơn vào Nam đánh giặc, ngày trở về chỉ còn lại vài người. Cái giá của chiến tranh là vậy. Nghe tôi kể câu chuyện đó gương mặt Kevin Bowen sững sờ, xúc động.

2.

Đã có hàng chục cuốn tiểu thuyết, hàng trăm truyện ngắn của các nhà văn trong cả nước viết về cuộc chiến đấu của quân dân Trị Thiên chống ngoại xâm trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ cứu nước. Nhiều tác phẩm đã lên phim, lên sân khấu. Đó là các tiểu thuyết của các nhà văn như Phùng Quán, Xuân Thiều, Tô Nhuận Vỹ, Nguyễn Quang Hà, kí của Hoàng Phủ Ngọc Tường… nhưng có lẽ vẫn là chưa đủ. Ngồn ngộn hiện thực của cuộc sống và con người Trị Thiên trải dài qua cả thế kỷ sống trong binh đao, lửa đạn, giữa cái sống và cái chết. Ngay những điều tôi biết, trải nghiệm về cuộc chiến ở vùng đất này đã khai thác để đưa vào truyện ngắn tiểu thuyết cũng chỉ là một mảng nhỏ của bức tranh chiến sự bộn bề.

Cứ mỗi lần về Huế, đi qua cầu Trường Tiền, đến nhịp cầu giữa sông, đây là nhịp cầu từng bị đánh sập vào dạo Tết Mậu Thân (1968) để chặn đường phục kích của quân Mỹ, tôi thường tự hỏi: người lính công binh nào đã gài cả tạ thuốc nổ để làm sập cây cầu? Bây giờ anh ở đâu? Còn sống hay chết? Người lính bộ binh nào của Công trường V, Công trường VI, Công trường IV, của KX, KIV, KVI… (mật danh để gọi tên các Trung đoàn và tiểu đoàn chiến đấu ở mặt trận Trị Thiên - Huế); những người lính đặc công của Thành đội Huế… còn sống sau những lần đánh chặn quân Mỹ ở quán cơm Âm Phủ, cầu Kho Rèn, chợ Đông Ba, sau những lần bom Mỹ ném vào Thành nội.

Tôi đã kể cho nhà văn Kevin chuyện này để ông hiểu và chia sẻ những cố gắng lớn lao của Chính phủ Việt Nam và Hoa Kỳ suốt mấy chục năm qua đau đáu trong việc đi tìm hài cốt của những người lính ở cả các bên tử nạn trong chiến tranh. Nhiều lần đại đội bộ binh của tôi đi bám địch, đi gùi gạo, gùi đạn dọc theo các bờ Khe Trái, Khe Điên trong vùng rừng Hương Trà không ít lần gặp đây đó dưới những gốc cây, trong hộc đá những chiếc mũ sắt, bi đông nước, vật dụng của những người lính Mỹ, lính Ngụy Sài Gòn vất lại. Có khi còn lượm được những khẩu AR15 gãy báng, súng phóng lựu… cùng với những chiếc mũ tai bèo bê bết máu, súng AK… dấu tích của những trận chiến, gài mìn trong rừng của cả hai phía. Có khi gặp cả những xác chết không còn nguyên vẹn… Cho nên không có gì lấy làm lạ cho đến bây giờ, chiến tranh đã nguội tàn sau nhiều năm, cuộc sống hòa bình đã trở lại nhưng vẫn còn nhiều người lính chưa trở về. Đấy là nỗi ám ảnh của những người lính cả hai phía, nỗi đau chung của các bà mẹ. Và tôi cũng nói với nhà văn Kevin rằng viết về chiến tranh cách mạng đối với mỗi nhà văn Việt Nam hôm nay vẫn còn là nỗi ám ảnh khôn nguôi. Ông cũng đồng ý với tôi như vậy.

3.

Nhưng có điều đáng buồn trong công chúng bạn đọc ngày nay và tâm lí của cả người viết nữa. Dường như nhiều người viết không còn đam mê, tâm huyết với đề tài chiến tranh. Ở phía người đọc - nhất là lớp trẻ, các cuốn tiểu thuyết viết về chiến tranh cũng không mấy mặn mà. Có thể các tác phẩm viết chưa hay, chưa cuốn hút người đọc nhưng giữa cuộc sống hòa bình, lo kiếm kế sinh nhai, lo chuyện làm giàu, lo chuyện học hành… dường như chuyện bom đạn chết chóc, máy bay oanh tạc… chuyện đói khát cùng cực của thế hệ cha anh họ dường như là chuyện cổ tích xa xưa, người lớn kể như là “chuyện bịa” để lấy đó làm bài học giáo dục cho con cháu, hơn là sự soi chiếu hiện thực của một thời giữa cuộc sống đô thị hỗn tạp, ngập tràn hàng hóa, gạo cơm…

Những năm gần đây không thiếu những cuộc thi văn chương, nhưng quả thật vẫn thiếu vắng các tác phẩm văn xuôi viết về hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ cứu nước. Một số tác giả tìm về với đề tài lịch sử, một số khác đến với những vấn đề của đương đại. Họ quên mất vẫn còn cả chục triệu người, lớp tuổi từ 50 trở lên - thế hệ từng đi qua chiến tranh chống Mỹ, chiến tranh bảo vệ Tổ quốc ở biên giới… Những người ấy không ít vẫn hoài niệm về những năm tháng xa xưa của cuộc chiến, dù có bị “con cháu mắng” là hoài cổ. Họ không dứt bỏ được tiếng bom đạn, tiếng máy bay, tiếng pháo bắn trong những trận đánh, những ngày chui lủi trong rừng… ám ảnh trong những giấc mơ. Có người gọi đấy là “Hội chứng Rừng”…

Tôi nhớ năm 1986, tại trại viết của Hội Nhà văn tổ chức ở Việt Trì (Phú Thọ), tôi, nhà thơ Ngô Minh, nhà văn Ngô Khắc Tài, cố nhà văn Nguyễn Đức Thọ tham dự. Nhà văn Nguyễn Đình Thi trong buổi nói chuyện có nói: “Chúng ta mong muốn có những tác phẩm lớn viết về chiến tranh, về cuộc kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ. Có thể cũng đã có rồi. Thành tựu cũng rất đáng trân trọng… nhưng biết đâu 100 năm sau, 200 năm sau lớp con cháu chúng ta sẽ xuất hiện những nhà văn vĩ đại (ông ví giống như Lep Tonstoi) viết về cuộc kháng chiến thần thánh của dân tộc ta ở thế kỷ XX còn hay hơn cả chúng ta bây giờ… thì sao”. Điều hi vọng của nhà văn Nguyễn Đình Thi có thể là thật trong tiến trình phát triển của văn học nhưng chẳng cần đợi lâu đến vậy. Chỉ vài năm sau văn học ta đã có “Thời xa vắng, Chuyện làng Cuội” của Lê Lựu, “Nỗi buồn chiến tranh” của Bảo Ninh, “Bến không chồng” của Dương Hướng và nhiều cuốn tiểu thuyết, tập truyện ngắn của nhiều nhà văn viết về cuộc chiến tranh chống Mỹ cứu nước. Chuyện hay hay dở, lớn hay, cao hay thấp cho một cuốn tiểu thuyết xin dành cho công chúng và thời gian… Nhưng tôi tin một điều với tâm huyết của người cầm bút, vốn sống từng trải, và cả nỗi thắc thỏm không yên của một lớp người đã từng đi qua chiến tranh, với một độ lùi gần 40 năm, mảng đề tài viết về chiến tranh vẫn còn là món nợ của họ với mảnh đất này.

Và nếu làm được điều ấy đã là sự đóng góp to lớn của văn xuôi trong dòng chảy văn học nghệ thuật vùng đất Cố đô Huế.

Hà Nội, ngày 31 tháng 3 năm 2012
Đ.K.C
(SH281/7-12)








 

Các bài mới
Biển và em (03/08/2012)
Những bức ảnh (27/07/2012)
Các bài đã đăng