Tạp chí Sông Hương - Số 281 (T.7-12)
Sâu địa lý sâu cả lòng người
09:21 | 20/07/2012

HỒNG NHU

(Đọc Vùng sâu - tiểu thuyết của Tô Nhuận Vỹ - Nxb Hội Nhà văn 1-2012)

Sâu địa lý sâu cả lòng người

Trong chiến tranh, vùng sâu chỉ về những nơi dân gần địch nhất, chúng kềm cặp gắt gao nhất, phòng bị dày đặc nhất, nghĩa là cách mạng khó khăn nhất trong việc thâm nhập gian khổ ác liệt nhất trong hoạt động. Nhiều người gọi nơi đây là vùng lõm, vùng tử địa...

Không ít nhà văn đã lấy bối cảnh nơi đây cho ra đòi những tác phẩm của mình, những truyện ngắn, truyện vừa, tiểu thuyết trong những năm qua được độc giả đánh giá là có sức nặng, có vóc tầm. Đa phần các tác phẩm nói trên miêu tả những trận “xáp lá cà” khốc liệt giữa địch và ta, những thảm cảnh đớn đau mà quân dân ta đã chịu đựng đã trải qua, những tình huống, câu chuyện có một không hai, nói cách khác là những kỳ tích, kỳ công của nhân dân ta trong cuộc chiến.

Nhà văn Tô Nhuận Vỹ - một nhà tiểu thuyết dày kinh nghiệm - cũng đi vào vùng sâu nhưng theo một hướng khác, hướng mà anh đã chọn lựa, theo tôi là khá độc đáo, khá đắc địa.

Xung quanh cốt truyện nghi ngờ, hiểu nhầm và giải tỏa, gỡ rối những nghi ngờ đó ở các chiến sĩ cách mạng trung kiên của ta vào thời điểm cuối cuộc chiến tranh đầu những năm sau giải phóng với Phước, sinh viên phong trào đấu tranh sau này là Tiểu đoàn trưởng Thanh niên xung phong đi khai hoang, người đạp xe xích lô kiêm nhà nghiên cứu văn hóa sử; Thảo nữ đội phó đội biệt động sau này là người phụ trách tổ bảo vệ cầu rồi Phó Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ thành phố; Hoài cán bộ miền Bắc vào sau Hiệp định Paris được ký kết, sau này là thiếu tá công an; Nghĩa (tức Hắn) một cán bộ quan trọng của tỉnh chỉ đạo hướng chiến dịch, Phó Bí thư Tỉnh ủy; rồi Larry cố vấn Mỹ trẻ tuổi nhất trong đám cố vấn lực lượng cảnh sát thành phố, sau này là Giáo sư văn chương, Trưởng phái đoàn cựu chiến binh Mỹ đến Việt Nam tìm hiểu tình hình nạn nhân chiến tranh... Tô Nhuận Vỹ đã miêu tả sự đấu tranh không bằng súng đạn nhưng cũng quyết liệt, dằng dai, đầy gian khó của con người để tự hoàn thiện mình “Cuộc đời dù có gập gềnh, nắng mưa thất thường, nhưng mình luôn là một con người phải luôn sống cho tốt, cái đích ấy trọn vẹn do nơi mình quyết định, cái đích ấy có ai cướp đi được của mình đâu mà buồn nản? Đó không chỉ là mục đích mà là nguồn sống là hạnh phúc nữa”.

Đã là con người, dĩ nhiên có lúc thế này lúc thế nọ, ai cũng có thể có những sai lầm thiếu sót nhất định, song
“không thể dựa vào sai lầm của người khác, thậm chí là sai lầm của một tổ chức để làm nguyên nhân cho sai lầm của mình”.

Phía nhân vật phản diện thì duy nhất chỉ có Nghĩa Phó Bí thư Tỉnh ủy là trước sau như một, vẫn đẹp trai, một cái đẹp rất đàn ông, to khỏe, rắn rỏi, vẫn lươn lẹo, cơ hội, vì riêng mình mà chà đạp lên mọi người, hãm hại họ không ngưng nghỉ cho tới lúc “chết”. “Bao giờ ông mới thôi cái thói sống ác với con người”. Lời Thảo như một tiếng sét đánh thẳng vào đầu Hắn. Nghĩa vẫn sống nhưng thực chất là đã chết. Đó là lúc bé Nhân (con của Hắn nhưng Hắn đã đổ cho Hoài) “Chủ tọa phiên tòa” xử Hắn với ánh mắt thiên thần của bé:

- Mẹ con nói Ba con hay đi đêm, lần đó bên mình tưởng là địch nên bắn chết!

“Những viên đạn của bên mình”. Đó là những Thảo, Hoài, Phước,... những người trung kiên chân chính, “không khi mô tính chi cho mình hết, chỉ nhận việc khó và thiệt thòi, may mắn thì nhường cho bạn hè đồng chí”.

Tự sâu trong lòng Nghĩa cũng biết mình là một thằng đàn ông tệ hại, nhưng lại bằng lòng với những ứng xử của mình để đảm bảo an toàn chính trị một trăm phần trăm cho bản thân với cái đích đến là ngoi lên Bí thư Tỉnh ủy, Ủy viên Trung ương Đảng. Ngòi bút Tô Nhuận Vỹ vạch trần cái xấu của một cán bộ cao cấp của ta không e dè, đạt đến độ chân thực, sâu xa.

Và Larry, một người Mỹ có lương tâm sau khi từ Việt Nam về đã thấy rõ thực chất cuộc chiến tranh của Mỹ, đã không ít dằn vặt với hành động của mình chuẩn bị cho âm mưu hậu chiến sau này của Mỹ. Sau bao nhiêu lần e ngại lãng tránh, cuối cùng Larry cũng trở lại Việt Nam để làm rõ mọi chuyện, minh oan cho Phước, người mà Larry cho là một anh hùng, bất chấp cả sau vụ này Larry phải đối mặt với tòa án ở nước của anh...

Tô Nhuận Vỹ đã chọn cho mình một hướng đi khó. Vùng sâu trong địa lý, trong chiến tranh thì nhà văn nào cũng có thể miêu tả được nhưng vùng sâu trong lòng người thì chưa chắc. Với thủ pháp đan cài quá khứ và hiện tại cũng như thấp thoáng cả tương lai, Vỹ đã làm phong phú sự kiện, hành động bên ngoài và nội tâm bên trong, làm giảm sự nhàm chán của tuần tự có tính biên niên của câu chuyện kể, tăng phần tối đa sự hấp dẫn đối với người đọc.

Rõ ràng anh đã công phá thai nghén ấp ủ, lao động văn chương cật lực mới có được. Mặt khác, anh đã rất súc tích trong sản phẩm, thích hợp với mong muốn của số đông người đọc hiện nay. Với dung lượng vấn đề bao la, tư tưởng rộng lớn như Vùng sâu, phải già dặn thì mới gói được trong 3 trăm trang sách (cụ thể là 334 trang); non tay một chút, phải gấp đôi như vậy - tôi nghĩ.

Nói gì thì nói song tiểu thuyết không thể không nói đến tính cách của các nhân vật mà ta thường gọi là chính hay phụ. Trong Vùng sâu, tôi thấy có thể là Phước, Thảo, Hoài mà cũng có thể là “Hắn”, Nghĩa. Nghĩ xô bồ như vậy nhưng vỡ ra cái kỹ thuật nghề nghiệp của nhà văn Tô Nhuận Vỹ. Anh đã không nhợt nhạt bất cứ nhân vật nào. Lòng yêu quý nhân vật, tôn trọng người đọc của tác giả nổi rõ nhờ động tác này.

Phước, anh chàng đạp xích lô độc thân, nhà nghiên cứu viết sách văn hóa sử, vì mục kích quá nhiều “trò xiếc” trong thiên hạ đối với mình nên “luôn luôn sẵn sàng hiểu nhầm những người thương quý mình”. Tuy nhiên sự sẵn sàng của anh được chính anh tự vấn, lật lại cũng luôn luôn. Điều đó dường như đánh động cả người đọc cũng tự vấn theo...

Thảo, cô gái mà chỉ mới đọc lướt vài dòng trong sơ yếu lý lịch đã thấy ớn: “biệt động thời chống Mỹ, hai huân chương chiến công, bị tù ở Phú Quốc được thả về sau hiệp định Paris, hai lần được kết nạp Đảng, một lần bị khai trừ, 35 tuổi không có chồng nhưng có một đứa con gái, cháu Nhân nay đã 14 tuổi...” Bị Nghĩa cưỡng hiếp trong một đêm nằm hầm rồi có thai. Khác với các cô gái khác hoảng sợ, Thảo rất bình tâm. Cô chỉ điên cuồng ghê tởm trước sự lừa lọc của người cán bộ Tỉnh ủy cấp trên. Thảo buộc phải suy tính đến những điều đơn giản của đời sống người đàn bà trước tình cảnh ấy: Người cha của đứa con mình; mặc dầu lúc này và mãi sau, cô vẫn một lòng yêu Hoài.

Tiếc thay, cho đến cùng Nghĩa vẫn lừa đảo lọc lõi, tính toan xảo trá, xiên xẹo cho đến khi ông ta gặp bé Nhân ở Hà Nội.

“... - Bác có thế hỏi con một câu được không?

- Bác cứ tự nhiên.

- Mẹ có hay kể về ba con cho con nghe không?

- Khi nào con hỏi thì mẹ kể.

- Ghi tên ba con trong học bạ là chi?

- Là Nghĩa. Như tên Bác vậy. Bác tên là Nghĩa phải không ạ?

Hắn bật đứng dậy, đột ngột choáng váng, suýt khuỵu xuống mặt đường...”

Chỉ từng ấy thôi, người đọc đã thấy tính cách ba người cùng bật ra một lúc: hai mẹ con Thảo và ông Phó Bí thư Tỉnh ủy.

Đọc Vùng sâu tôi còn thấy ở tác giả toát ra một tình yêu Hà Nội nồng đượm sâu thẳm. Nhân vật Trinh, một cô gái trẻ, là mẫu người đẹp toàn diện, trắng trong như tên của cô. Trinh dấn thân vào việc gỡ nỗi oan cho Phước bằng nguyên tắc mà cô tôn thờNgười tốt phải được bảo vệ” đến nỗi đã làm sai nguyên tắc một số việc, vì Ăn-Ghen đã có nói: “Trong một số trường hợp nào đó “vô nguyên tắc là nguyên tắc mới” “Trinh bất chấp thân gái dặm trường, dám đến một đất nước xa lạ gặp một người xa lạ để thuyết phục anh ta... Trinh làm việc gì cũng muốn đi tới cùng, không bao giờ bỏ cuộc (lời Larry).

Hai nhân vật người Hà Nội trong Vùng sâu đều cùng một lứa, cùng một tâm hồn tươi trẻ và năng động, và cũng đẹp như chính Hà Nội! Tô Nhuận Vỹ bấy giờ cũng cùng lứa tuổi ấy, anh đã sống và học ở Hà Nội nhiều năm và từ Hà Nội ra đi, trở về miền Nam chiến đấu công tác...

Nói tóm lại, nhà văn Tô Nhuận Vỹ bằng kinh nghiệm và tài năng của mình đã vẽ nên những nhát cọ sâu sắc, có hồn. Viết đến đây, tôi bỗng nhớ tới một nhân vật mấy chục năm trước của anh trong tiểu thuyết Phía ấy là chân trời: Cô Thư nói với người yêu của mình là Vĩnh, một sĩ quan Ngụy không chịu ra đầu thú, trình diện, chỉ sống chui sống lủi chống phá ta: “Tại sao anh không thể là người tốt được hả anh?”. Câu hỏi đó cứ vang lên trong tôi - một người đọc - mãi đến tận bây giờ.

Vùng sâu, một tiểu thuyết hay. Tô Nhuận Vỹ đã thành công, rất thành công. Chúc mừng anh và đợi chờ cuốn tiếp theo mà anh cho biết là viết về số phận con người trong sự kiện Xuân Mậu Thân ở Huế.

H.N
(SH281/7-12)
 








 

Các bài mới
Biển và em (03/08/2012)
Những bức ảnh (27/07/2012)
Các bài đã đăng