Tạp chí Sông Hương - Số 281 (T.7-12)
Thử dẫn vào nghiên cứu văn học từ góc nhìn cổ mẫu (archétype)
10:13 | 23/07/2012

NGUYỄN QUANG HUY

Nỗi buồn sáng tạo dẫn đưa nghệ sĩ đi vào bề sâu cho tới khi nó tìm thấy trong vô thức mình cái nguyên tượng có khả năng bù đắp lại cao nhất sự tổn thất và què quặt của tinh thần hiện đại.
                                                       (C. G. Jung)

Thử dẫn vào nghiên cứu văn học từ góc nhìn cổ mẫu (archétype)
Nhà tâm lý học Carl Gustav Jung - Ảnh: internet

Nghiên cứu văn học từ những góc nhìn, những phương pháp khác nhau đã trở nên rất rõ ràng và là con đường thông minh nhất trong xu hướng hiện nay. Từ những cống hiến mới trong lý luận nhận thức và lí luận văn học hiện đại cho thấy khoa học văn học từ cội nguồn của nó luôn không tách rời với tâm lý học, đặc biệt là hoạt động sáng tạo và hoạt động tiếp nhận văn bản văn học. Thêm nữa, nếu khai mở bản chất của văn học từ những yếu tố thuần túy của nó đã trở nên một khiếm khuyết và bấp bênh. Từ đó, những thành tựu của lĩnh vực này cũng đồng thuận cùng lĩnh vực khác(1). Trong bài viết này, chúng tôi thông qua một số thành tựu tâm lý học phân tích, cụ thể là archétype (cổ mẫu), vô thức tập thể, các ảnh tượng mộng mơ để xác nhận những tương quan giữa chúng với văn học nhằm tạo lập một cái nhìn nhiều gợi mở cho một hướng nghiên cứu.

1. Thuật ngữ, giới niệm

Archétype (tiếng Pháp), Archetype (tiếng Anh), là thuật ngữ được C. G. Jung (1875 - 1961), nhà tâm lý học phân tích lừng danh người Thụy Sỹ xác lập năm 1912, khi xuất bản cuốn Tâm lý học vô thức, sau đó, đến năm 1919, ông mới quảng diễn nó ra. Muray Stein gọi Jung là người vẽ bản bản đồ tâm hồn con người hoàn hảo nhất. Cho đến nay, nền tâm lý học hiện đại, văn hóa học, nhân chủng học, văn học... đã ghi nhận một cách không hề dè dặt những cống hiến của Jung về những vén mở khả giải mới của chốn tiềm thức: các kiểu tâm lý (hướng nội và hướng ngoại), cách hiểu mới về libido... và đặc biệt là Vô thức tập thể và Archétype.

Sang Việt Nam, Archétype được định danh theo nhiều cách khác nhau: Sơ nguyên tượng (Kim Định), Siêu mẫu (Vũ Đình Lưu, Đỗ Lai Thúy), Nguyên mẫu (Phan Quang Định), Mẫu tượng (Lưu Hồng Khanh), Mẫu cổ (Trần Đình Sử, Đỗ Đức Hiểu), Cổ mẫu (Phương Lựu, Nguyễn Thị Thanh Xuân), Đồ hình vĩnh cửu (Đỗ Lai Thúy), Archétype (Văn Giá, Đào Vũ Hòa An, Lưu Tuấn Ảnh). Các nhà lý luận huyền thoại coi archétype của Jung là nguyên mẫu tân sinh... Trong các công trình của mình, chính Jung cũng có các tên gọi khác nhau: Siêu tượng, vết tích bản cổ, hình ảnh nguyên thủy; S. Freud gọi là Vết tích tối cổ (résidus archaques). Như vậy, dù có nhiều cách gọi tên trong thuật ngữ nhưng đều dẫn đến chung quyết: Archétype “là những yếu tố tâm thần (psyché) không thể cắt nghĩa được bằng một sự việc xẩy ra trong đời sống (...). Nó hình như bẩm sinh đã có, có từ nguyên thủy, nó là một thành phần trong gia tài tinh thần nhân loại”(2).

Vì tính cách khá mới mẻ của nó ở Việt Nam về phương diện truy nguyên thuật ngữ nên việc tìm đến nguồn cội của cách hiểu cũng là một sự cần thiết. Thực ra, không phải đến Jung mới hình thành nên thuật ngữ này. Theo Bennet(3), trong một công trình cuối đời của mình, S. Freud đã đề cập đến những thuật ngữ như: Di sản cổ xưa hay Dấu vết của trí nhớ. Nếu xem Archétype là một cấu trúc tinh thần thì trước Jung rất xa đã có cách quan niệm về những ý niệm hay những hình thức của Platon(4). “ (Jung viết) tùy thuộc vào sự phân loại các ý nghĩ mà lúc đầu con người cảm thấy xa lạ nhưng đã sớm sở hữu và sử dụng chúng như là những khái niệm thân thuộc...Cổ mẫu là đúng và hữu ích bởi vì nó cho chúng ta biết rằng những nội dung vô thức tập thể có liên quan khi chúng ta xem xét những hình thức cổ xưa, hoặc đúng hơn những hình thức nguyên thủy, tức là những hình ảnh chung tồn tại từ những thời đại xa xưa nhất”(5). Cái psyché trong quá khứ xa thẳm ấy là nền móng tinh thần của con người. Điều khẳng định ở đây là việc ghi nhận đóng góp của Jung rằng ông đã xác lập một cách có hệ thống và tạo ra một cách nhìn hoàn toàn mới về cơ hệ tâm thức con người trong tính lịch sử đã trải qua. Việc phát hiện này đã mặc nhiên tạo ra một ảnh hưởng vô cùng lớn đối với tâm lý học hiện đại.

Văn học cũng chịu ảnh hưởng sâu sắc, trên nhiều phương diện: lý luận, sáng tác, nghiên cứu... Đến đây, vấn đề được đặt ra như một đòi hỏi rằng: Archétype là cái gì? Nó được mô tả và hiểu như thế nào? Và nếu như nó tham dự vào văn chương thì liệu chúng ta có những hi vọng gì?

Về nghĩa từ nguyên, archétype là từ ghép của: 1/ arche là khởi đầu, cơ sở, nguyên lý và 2/ type (typos) là dấu ấn, hình ảnh, mô hình, tiêu chuẩn, quy phạm... Theo Lưu Hồng Khanh, nó có cấu trúc và năng lực sinh hoạt riêng biệt theo từng thứ loại, vượt hẳn lên trên ba chiều không gian và thời gian vật lý để đi đến những chiều siêu cá nhân (trans - personal), siêu tâm linh (trans - mental)(6).

Về nguyên cớ cội nguồn, archétype “cũng như thân thể người ta là một tập hợp đầy đủ những bộ phận, mỗi bộ phận là kết quả của một cuộc tiến hóa qua các thời kỳ tiền sử, ta phải nghĩ rằng tinh thần của ta cũng có một tổ chức tương tự như thế. Tinh thần cũng như thể chất của ta, không thể là một cái gì không có quá khứ, một lịch sử của nó”(7). Cơ cấu tinh thần loài người cũng vậy, đó là những điểm tương đồng giữa những hình ảnh của tâm trạng con người cổ sơ và những ý niệm, thói tục, biểu tượng có ý nghĩa tập thể, những chuyện thần thoại. Nếu nhìn nhận Archétype như một lát cắt tâm thức thì ta có thể thấy vị trí của nó là ở tầng sâu nhất: Tôi Ý thức Vô thức cá nhân Vô thức tập thể Vô thức tập thể không bao giờ ý thức được.

Archétype được phát hiện không phải chỉ với bản năng, mà còn thông qua chiêm mộng, mơ tưởng, khải tượng; bởi nguồn cội cuối cùng của nó là những tầng sâu của Vô thức tập thể, nơi được tàng trữ cô đọng lại những kinh nghiệm của cả loài người trải qua nhiều truyền thống của nhân loại trong không gian và thời gian.

Về cơ sở tâm lý, khởi thủy ý nghĩ tưởng tượng chủ quan được khích động bởi hiện tượng vật lý tạo ra những phản ứng riêng, được nhiều lần lặp đi lặp lại. Không phải ngẫu nhiên mà nhân loại qua hàng ngàn năm chiêm nghiệm đã phóng ngoại những phẩm tính của cuộc sống, của số phận, của định mệnh đời người... lên những chòm sao Bắc Giải, Bạch Dương, Thần Nông... Và cũng chẳng phải vô lý khi những hình ảnh biểu tượng lại được vô thức loài người từ Đông sang Tây nội giới hóa như Đất mẹ vĩnh hằng, hay tính hoàn hảo vĩnh cửu...(8).

Như một mong muốn khả hữu và muôn đời, nghệ thuật tự bản chất của nó là những cứu cánh nâng cao những mong manh, tạm bợ và vô thường lên “cung phận của hiện hữu” (Lưu Hồng Khanh), nâng sinh mệnh cá nhân lên sinh mệnh chủng loại, vượt thoát khỏi những “u mê ù lì” (Bùi Giáng) - những phẩm tính đang bị đóng đinh trên mỗi thân phận người.

Nó (archétype, Jung nói) “là một khuynh hướng bản năng, cũng như kích động bản năng làm cho chim biết làm tổ, kiến biết tổ chức thành đoàn thể”(9). Xu hướng của nó là được phú bẩm và trao truyền. Một chỗ khác, Jung cho rằng “các archétype là những hình ảnh vô thức của chính những bản năng, hay nói theo cách khác chúng là những khuôn mẫu của hành vi bản năng”, “nó chứa đựng những nội dung mà không ít thì nhiều tương tự ở khắp mọi nơi và ở mọi cá nhân. Nói theo cách khác, nó là đồng nhất ở tất cả mọi người và do đó tạo nên một cơ tầng tâm thần chung của bản chất siêu cá nhân hiện diện ở mỗi người chúng ta”(10). Và sự liên hệ giữa bản năng với Archétype là sự ràng buộc hình ảnh có tính cách biểu tượng. Nghĩa là yếu tố tâm thần ấy luôn được phóng ngoại bằng những hiện hữu cụ thể qua tạo hình. Kinh nghiệm của nhân loại được trao truyền từ khởi thủy, phát xuất từ đó, những ám ảnh trong thiên nhiên. Đó có thể là sự bất ngờ hoặc là nỗi sợ hãi trước ánh sáng và bóng tối, trước mặt trời và mặt trăng... như Lưu Hồng Khanh nhận diện, những nội dung của Vô thức tập thể được phát xuất từ những hoàn cảnh sinh sống của con người như lo âu và sợ hãi, vui mừng và phấn chấn, tranh đấu để sống còn, tương giao giữa nam và nữ, giữa con cái và cha mẹ, những hình tượng người cha người mẹ, những thái độ với hận thù và yêu thương, đối với sinh tử và ly biệt, những quyền lực của các nguyên lý tối sáng và âm dương... Nó được diễn tả trong các hình ảnh của chiêm mộng và vu thuật, tưởng tượng, cách riêng dưới hình thức, hình ảnh nguyên ủy hay còn được ghi lại qua nhiều tiêu đề trong các truyện cổ tích, dị sử, thần thoại, huyền thoại. Theo các tài liệu của nhân chủng học và văn hóa học nguyên thủy, đó là khởi thủy của tín ngưỡng bái vật giáo, tôtem giáo, đa thần giáo... Nghĩa là từ khởi thủy, con người đã trải nghiệm những nỗi niềm mà cả cộng đồng cùng chung sống trong đó. Xét đến cùng, bản chất của các nhà sáng tạo, bằng những cách khác nhau, trong tính hằng viễn của vận động là truy nguyên nguồn gốc của bản thể sự vật. Những biểu tượng ám ảnh nghệ thuật từ sơ khởi, mượn lời của Will Durant là những ám ảnh mang tính tôn giáo thoát thai ra khỏi ý nghĩa phương thuật, tham dự vào cõi hiện sinh.

Nguồn cội của archétype luôn nằm trong ký ức của cả một cộng đồng, hay nói đúng hơn là biểu hiện cụ thể của Vô thức tập thể (thuật ngữ này thường bị hiểu sai, bị nhầm lẫn với tâm hồn nhóm, tức là hành động vô thức của đám đông). Di chỉ của ký ức ấy khó mà diễn tả hết nỗi si mê và cuồng đắm qua các huyền thoại (mythes), các thần thoại mà nhân loại đã tạo nên, gây nên những ám ảnh, những kích thích khi nó xuất hiện. Sự hình thành của nó như cách nhìn của Jung, là luôn bắt nguồn từ những kinh nghiệm được lặp đi lặp lại nhiều lần của loài người, là những phản ứng chủ quan. Archétype mang trong mình sắc thái của những “dính dáng tự ngàn xưa”, cổ sơ. Nó là một kết tinh quan trọng nhất của cội nguồn văn hóa - lịch sử, ẩn mình trong tâm thức là những triết lý sâu xa về cuộc sống và cái chết.

Hệ tâm thức của con người có nhiều Archétype, các Archétype đều có những cấu trúc và ý nghĩa riêng biệt, nhưng chúng không đứng biệt lập riêng rẽ. Trái lại, chúng tương quan, liên hệ với nhau. Hơn nữa, chúng còn thâm nhập vào nhau trong một mối tương thức, tương nhập, tương tác rất mật thiết. Archétype với cấu trúc cơ bản và ý nghĩa toàn diện, là những năng lực tạo hình cho hệ tâm thức của con người. Nó “vừa là hình ảnh lại vừa là xúc động. Người ta chỉ có thể nói đến siêu tượng khi nào hai khía cạnh đó cùng xuất hiện một lúc. Khi nào chỉ có hình ảnh thì siêu tượng chỉ tương đương với một sự tả cảnh không có âm vang gì. Nhưng khi siêu tượng chứa chất xúc động tâm tình thì hình ảnh trở nên huyền nhiệm (có sinh lực tâm thần)”(11). Nó đồng thời cũng minh xác cho những mãnh lực huyền nhiệm. Archétype chỉ bắt đầu sống khi nào người ta kiên tâm khám phá ra tại sao nó có một ý nghĩa cho một người sống và ý nghĩa ấy thế nào.

2. Các tính chất của Archétype

Tính chất đầu tiên và là quan trọng nhất của Archétype chính là sự tham dự một cách tập trung và đậm đặc yếu tố cảm xúc. C. Jung cho rằng có bao nhiêu tình cảm điển hình thì có bấy nhiêu loại Archétype, và có thể nó mang sức nặng như những định kiến. Theo Jung, khi một Archétype được đồng hóa với một kinh nghiệm nào đó thì ngay lập tức, một kiểu phản ứng nào đó được khơi dậy như nó đã hình thành và trao truyền trong các thời đại trước đó. Ví dụ như sự phóng ngoại những thuộc tính tình mẫu tử đặc loại của người con vào người mẹ cá thể của mình.

Thứ hai, mỗi một Archétype là một biểu tượng văn hóa chất chứa chiều sâu tâm lý của cả một cộng đồng đã được nghiệm sinh qua nhiều thời đại khác nhau. Tự bản thân nó mang tính chất của những biểu tượng vĩnh cửu.

Thứ ba, Archétype mang tính định hướng. Nó tạo ra cho con người những kiểu loại thái độ, những khung kinh nghiệm tri giác và cảm xúc nào đó, một thứ tâm thế xử kỷ tiếp vật trong những loại hành vi nhất định, đưa tâm thức cá nhân lên những tầm cao tâm lý và tâm linh siêu cá nhân (transpersonal), như mục đích cuối cùng của hành trình sự sống con người: Năng lượng, Sự sống, Tinh thần. Một ví dụ được Jung nêu ra mang tính kiểu mẫu trong sự khai triển lương tâm của nhân loại là việc người cha khi câu không được cá, trong lúc bực mình đã bóp cổ giết chết người con của mình. Sự hối hận sau đó đã tạo ra một định hướng của tình phụ tử.

Thứ tư, sự lan tỏa cảm xúc tạo cho Archétype tính chất chuyển hóa. Theo những cấp độ của tuổi tác đời người, theo bước tiến triển của phức cảm tự ngã - các Arché- type, có sự chuyển vị và thay thế. Thời niên thiếu, những Archétype cơ bản như: anh hùng, liệt nữ (lý tưởng người hùng), nam nhân, thục nữ (linh âm và linh dương)... Nhưng khi bước vào thời Thanh niên - Trung niên, mộng tưởng được thay thế cho những thực tế và lý tưởng người hùng được chuyển vị vào Archétype cha mẹ thông qua sự hướng tới chăm sóc con cái mình; Anima, Animus không còn trong ước mơ mà là phóng ngoại vào nửa thứ hai tìm được. Đến tuổi già, sự choán chiếm của Archétype hiền nhân, hoàng lão - hướng về Archétype chết - là sự trở về viễn tượng của “thành toàn”.

Thứ năm, Archétype mang tính chất siêu thời gian và không gian. Mọi diễn trình đi đến văn minh của nhân loại, từ các yếu tố vật chất lẫn tinh thần đều là kết quả của những cuộc tiến hóa qua các thời kỳ tiền sử. Xuất phát từ cái psyché trong quá khứ xa thẳm, thế giới tinh thần con người không có sự ngăn cách về thời gian và không gian để đi đến những tương đồng giữa những hình ảnh tâm trạng của con người cổ sơ và những ý niệm mang tính cách tập thể với con người hiện tại.

Như vậy, nội hàm của thuật ngữ là khá rộng, và trong đường hướng nghiên cứu văn học, nó sẽ được bổ sung bằng các bình diện sau.

3. Archétype và Vô thức tập thể, biểu tượng, motif, huyền thoại

Ở đây, chúng tôi cố gắng phân tách sơ lược sự liên hệ lẫn nhau giữa Archétype Vô thức tập thể, biểu tượng và mối liên quan của chúng với motif huyền thoại. Giữa chúng có một mối tương quan mật thiết, theo một phác đồ: Vô thức tập thể (chất chứa những năng lượng tâm lý chung), được phóng ngoại qua các năng lực tạo hình (archétype, biểu tượng, motif (ý tượng)); và huyền thoại, nơi lưu dấu các huyền tích, huyền sử lại chính là nơi biểu hiện chủ yếu của ký ức cộng đồng ấy. Huyền thoại không bao giờ đông cứng theo cách hiểu nó đã sinh ra và mãi mãi tro bụi từ thuở bình minh của lịch sử nhân loại, mà nó có năng lực tái sinh nhờ sự bừng phát trong tầng sâu tâm thức con người mọi thời đại. Milan Kundera lưu ý rằng các thời đại luôn tuân theo những biến dịch của sử tính và có thể mất đi nhưng các kiểu mẫu tâm lí thì dường như không mấy thay đổi. Chính vì những lý do đó mà ở thế kỷ XX và XXI, nhân loại mới vẫn luôn sống trong những mảng huyền thoại tái sinh trong ký ức, trong các sáng tạo văn học.

Vấn đề vẫn chưa rõ ở đây là 1/ Có phải mọi biểu tượng đều là Archétype? Và 2/ Giữa motif biểu tượng có cái gì song chiếu, song trùng, dị biệt?

1/ Không phải mọi biểu tượng đều là Archétype. Giữa chúng có cái chung đều là những năng lực tạo hình của những năng lượng tinh thần con người và năng lượng đó đã diễn ra trong quá khứ, nay xuất hiện với chúng ta qua ngưỡng vọng hoặc như một cứu cánh của niềm tin, mang tính chất cứu chuộc. Mọi Archétype đều là biểu tượng nhưng không phải ngược lại.

Biểu tượng (symbole) được hiểu theo nhiều cách khác nhau. Theo Jean Chevalier, ngay từ khởi thủy, biểu tượng đã là một dấu hiệu, một cơ sở quy ước của niềm tin. Ở tầng sâu hơn, nó là sự hội tụ của hai ý tưởng chia ra và kết lại, phân ly và tái hợp, nó là dấu hiệu bị đập vỡ, gãy vỡ và nối kết. Ở đó, cảm xúc luôn luôn nổi trội, biểu hiện thành những nỗi lo sợ hay mừng vui khôn xiết tả, những cảm xúc không lời...Theo cách hiểu của K. Jaspers, biểu tượng nắm giữ những gì vốn vượt chạy khỏi chúng ta để mà bị tiêu tán trong hư vô. Biểu tượng cho ta thấy những gì, mà không có nó, hoàn toàn bị ẩn dấu đối với chúng ta. “Mỗi một vật tự nó, có thể là một biểu tượng qua sự biến thành của trình trạng là tha thể trong hoạt trình của siêu việt tính”(12). Đó là quá trình tư tưởng mà khách thể tính biến mất nhường chỗ cho sự siêu việt nội thể. Biểu tượng trong văn học được truyền đạt thông qua ngôn ngữ, diễn đạt sự “tiếp xúc giữa thần bí và hữu thể” tạo ra “một kích thích trong đó hữu thể chiếm được thế lực truyền đạt (...) là một ý thức triết lý về hữu thể đó”(13). Biểu tượng không những làm cho rõ ràng, mà còn làm cho trở nên chân thật những thực tại kinh nghiệm, là sự thức nhận và trội sinh của cảm xúc hiện hữu. Và “quá khứ chỉ chân thật đối với tôi khi nào mà tôi kinh nghiệm được nó trong sự cụ thể hóa của nó”(14).

Cái được biểu trưng trong biểu tượng là tiềm ẩn, Jung coi nó “là một hình ảnh thích hợp đúng hơn cả để chỉ ra cái bản chất ta mơ hồ nghi hoặc của Tâm linh”(15). Với cách hiểu này, nó bao gồm cả ý thức và vô thức, cô đúc các sản phẩm tôn giáo và đạo đức, sáng tạo và thẩm mỹ, nhuốm màu xúc cảm và tưởng tượng của con người, liên hệ đến kinh nghiệm của tập thể. Jung chia ra hai loại: Biểu tượng tự nhiên biểu tượng văn hóa. Biểu tượng văn hóa dùng để diễn tả chân lý vĩnh cửu. Qua sử tính, với nhiều lần thay đổi, nó trở thành những hình ảnh tập thể được các xã hội văn minh chấp nhận. Nó luôn giữ phần lớn tính chất huyền nhiệm, quyến rũ nguyên thủy làm người ta say mê. Thực tại hiện hữu có vô số điều mà con người không thể xác định được, cũng không thể hiểu được trọn vẹn. Việc con người sử dụng một cách có ý thức những biểu tượng là một sự kiện tâm lý quan trọng, bởi vì, như Jung nói “con người cũng sáng tạo ra các biểu tượng một cách vô thức và tự phát”.

Lôgíc của biểu tượng là lôgíc của tưởng tượng “có một sự cố kết chức năng” (Jean Piaget), là “sự phun trào sum suê các hình ảnh, ngay cả trong trường hợp làm rối tinh thần nhất” (Gilbert Durand), thể hiện “bằng hoạt động tiềm thức và siêu nghiệm của con người” (Mircea Eliade) và “tập hợp cơ động các mối liên hệ giữa nhiều vế” (Jean Chevalier). Điều này tạo ra sự tái sinh nghĩa vô tận trong các kết hợp với các ngữ cảnh khác nhau trong các văn bản văn học qua mọi thời đại. Nhưng cái chúng ta cần ở đây là sự biểu hiện từ hình ảnh văn chương đến biểu tượng Archétype. Sự phân tách một cách rạch ròi biểu tượng Archétype đòi hỏi một công trình chuyên sâu hơn nhiều. Việc tìm ra Archétype nhất thiết phải thông qua biểu tượng, nhưng có những tác phẩm mang chứa nhiều biểu tượng cũng có thể không phải là đối tượng khảo sát. Trước hết, theo ông, đọc Archétype sẽ không tính đến những biểu tượng văn học, như là một sản phẩm của ý thức, bởi vì: tác phẩm dự định có tính biểu tượng từ trước thì không đòi hỏi phải tinh tế đến vậy. Bằng ngay thứ ngôn ngữ đa nghĩa được dùng, nó như bảo chúng ta: “Tôi định nói nhiều hơn cái tôi nói thực; ý nghĩa của tôi cao hơn tôi”, mà chỉ quan tâm đến những biểu tượng văn học như là kết tinh của vô thức. Nhưng nếu những kết tinh từ Vô thức cá nhân chỉ đưa ra tính triệu chứng, thì những kết tinh từ Vô thức tập thể mới làm nên tính biểu tượng Archétype. “Không bị dồn ép và không bị lãng quên”, “Vô thức tập thể cũng không tồn tại tự nó và cho nó, do nó chỉ là khả năng, cụ thể là khả năng mà ta được thừa kế từ thời xa xưa dưới dạng một hình thức nhất định của những hình ảnh được ghi nhớ trong cấu trúc của đầu não, nói theo giải phẫu học (...) Chúng bộc lộ chỉ trong chất liệu đã được tạo tác về mặt lí thuyết với tư cách là những nguyên tắc điều khiển sự tái lập chất liệu... ”(16). Như vậy, biểu tượngArchétype (trong tác phẩm văn học) khi: 1/ Nó không phải là một dự định mang tính ý thức của chủ thể sáng tạo và 2/ Nó là kết tinh của Vô thức tập thể hóa thân trong các tác phẩm văn học là những chất liệu đặc biệt, chất chứa năng lực huyền dụ và đòi hỏi nhiều công phu giải mã(17).

Archétype hiểu theo các nhà phê bình biểu tượng sẽ là trung tâm của mọi mơ mộng nghệ thuật, như G. Barchelard thị phạm, là nơi “thường xuyên quay trở lại những chủ đề nguyên thủy (...) bất chấp những bước tiến được rèn dũa, chống đối lại ngay cả việc dạy dỗ của những kinh nghiệm khoa học”(18).

2/ Năng lực tạo hình của Archétype còn có một sự liên hệ chặt chẽ với các ý tượng (motif). Archétype “nằm trong khuynh hướng tạo ra những ý tượng (motif)”(19). Motif là một khái niệm của các nhà văn hóa dân gian khi khảo sát những câu chuyện thần thoại và cổ tích có cùng trường biểu hiện về cách nhìn nhận thế giới. Theo S. Thompson, motif là những hình mẫu thường lặp lại hoặc kết hợp với những hình mẫu khác theo một kiểu cách riêng biệt nào đó. Ví dụ như motif chết đi - sống lại, sự đầu thai, sự đảo ngược của vận mệnh, sự may rủi hay những ân huệ do thần Số mệnh ban ra hoặc gây ra... Dấu ấn của văn học đương đại, đặc biệt là tiểu thuyết hiện nay thường sử dụng loại motif song trùng, motif chuyển hóa... như một vẫy gọi khám phá riêng. Người đọc văn học từ cái nhìn Archétype thường dõi theo những motif lặp đi lặp lại trong tác phẩm để xác định vấn đề.

Như vậy, quan hệ giữa Archétype Vô thức tập thể là sự hình tượng hóa những thực tế có thể quan sát được của năng lượng tinh thần vô thức. Các huyền thoại tồn tại rất lâu trước khoa học và biểu hiện cuộc sống như nó được thấy và trải nghiệm thông qua các cá nhân, cộng đồng chính là nơi biểu hiện tập trung của chất liệu Archétype. Đặc biệt là các huyễn tưởng và giấc mơ. Nó xuất hiện trong những phóng chiếu thế giới vô thức qua những hình ảnh nguyên thủy. Mối liên hệ của chúng, như đã chỉ ra, là hết sức mật thiết. Chúng là những khái niệm quan trọng của Tâm lý học chuyên sâu, đồng thời cũng là những gợi mở thiết yếu để soi chiếu vào thế giới nghệ thuật của nhà văn.

Huyền thoại là một hiện tượng trung tâm trong lịch sử văn hóa, đồng thời là một phương tiện cổ xưa để nhận thức thực tại xung quanh và bản chất của con người. Việc giải huyền thoại hóa luôn không trọn vẹn, chỉ có tính chất tương đối và cùng với việc “giải huyền thoại hóa” thường diễn ra tình trạng “tái huyền thoại hóa” theo chu kỳ nhất định. Các nhà thực chứng đã ngã ngửa khi những toan tính và kỳ vọng của họ đã không diễn ra, ấy là sự phát triển mạnh mẽ của khoa học không những không loại bỏ được huyền thoại mà ngược lại, vì một lí do hết sức bản thể, nhân loại vẫn trăn trở từ khởi thủy đến giờ: ý nghĩa của cuộc sống, mục đích của lịch sử, bí ẩn của cái chết...

Trong xã hội học hiện đại, thuật ngữ myth (huyền thoại/ tiếng Anh), mythe (tiếng Pháp) được sử dụng với nhiều sắc thái mà V. Duglas đã chỉ ra sự bao quát của chúng rằng, myth trong thế kỷ XX đã được dùng với những nghĩa như ảo tưởng, giả dối, sự tuyên truyền dối trá, niềm tin, sự tin tưởng, sự ước lệ, hay quan niệm về giá trị dưới hình thức tưởng tượng, sự biểu hiện các phong tục xã hội và các giá trị mang tính chất thần thánh hóa, giáo điều... Và nó đã thực sự gây ra tranh cãi vì lý do (thuật ngữ) nằm giữa lằn ranh cụ thể và trừu tượng, trật tự và hỗn loạn...(20). Myth đã trở thành một trung tâm của xã hội học, lý luận văn hóa, phân tâm học, lý luận văn học thế kỷ XX.

Nói chung, theo nhận định của Melettinski, nhận thức không phải là mục đích duy nhất và chủ yếu của huyền thoại. Mục đích chủ yếu của huyền thoại là duy trì sự hòa hợp giữa cá nhân, xã hội và tự nhiên, duy trì trật tự xã hội và vũ trụ. Huyền thoại luôn được duy trì trong tưởng tượng nghệ thuật. Vì thế mà Roland Barthes đã coi “thời hiện đại” là một trường lực ưu thắng đối với việc huyền thoại hóa. Đặc biệt, sự nảy mầm mạnh mẽ tâm trạng thất vọng của triết học phi lý, nối kết những bản cáo trạng về những hiện hữu của tâm lý nhân vị của các nhà hiện sinh chủ nghĩa, đã tạo ra mảnh đất màu mỡ cho nỗi ưu tư về sự “hài hòa muôn thuở”, cho sự tái huyền thoại hóa trong văn học. Văn học trong thế kỷ XX đã diễn ra sự phục hồi và biện giải từng phần huyền thoại với tư cách là sự thể hiện bằng biểu tượng vĩnh cửu cơ sở tồn tại của con người, tâm lý con người, đối lập với hoàn cảnh lịch sử và những tính cách cụ thể. Nó đã sử dụng huyền thoại, nguyên liệu sơ cổ như là một phương tiện kết cấu cốt truyện.

Như vậy, các huyền thoại cổ đại trên thực tế xuất hiện trước khi cá nhân được tách ra khỏi xã hội, đã được nhà văn hôm nay dùng để miêu tả trình trạng con người cô đơn, bị lưu đày, bị người đời ghẻ lạnh trong xã hội thế kỷ XX. Khó mà nói hết sự tham dự đầy nhiệt huyết của nó trong nghệ thuật: trong thơ: Eliot, Yets, Paund...; trong kịch: Anui, Klodel, Kokto, Ơnit Narquez...; trong truyện và tiểu thuyết: Kafka, Th.Mann, Joyce, Marquez, Bahman... Ở Việt Nam, các trang viết của Phạm Thị Hoài, Nguyễn Huy Thiệp, Nguyễn Xuân Khánh... thấm đẫm các chủ đề huyền thoại. Thực tế, những huyền thoại đó vừa là huyền thoại vừa là sự phản - huyền thoại. Nổi bật lên trên đó là tư tưởng về sự lặp lại có tính chất chu kỳ vĩnh cửu của những Archétype huyền thoại cơ bản dưới dạng các mặt nạ khác nhau. Nếu Nietzsche thấy ở đó “sự quay về với sáng tạo huyền thoại như là trở về với phương tiện cần thiết để cách tân nền văn hóa và con người” thì R.Barthes coi “huyền thoại như một hiện tượng tư tưởng hệ sinh động của thời hiện đại”. Ông còn coi thời hiện đại là môi trường độc quyền cho sự huyền thoại hóa.

Trong phân tâm học của Jung, huyền thoại với tính cách là Archétype đã trở thành đồng nghĩa với Vô thức tập thể(21).

Như vậy, sự quấn luyến của các yếu tố: huyền thoại, motif, biểu tượng trong tính tái sinh nhiều ám gợi và lay động mãnh liệt của nó đã tạo nền móng vững chắc cho việc đi tìm và lý giải Archétype trong các sáng tạo nghệ thuật.

Văn học có nhiều hi vọng không, từ các quan niệm trên?

S. Freud coi tác phẩm văn học trước hết là một giấc mơ, là lĩnh vực của huyễn tưởng. Nhà văn như một đứa trẻ đang chơi mà vật làm đồ chơi của nó chính là sự tỉnh thức của giấc mơ và huyễn tưởng ấy. Nhưng hiện thực bày ra trong cấu trúc ngôn từ nhà văn là không lành lặn, một vũ trụ đầy thương tích. Và với Freud, mỗi ký tự nhà văn dùng là một ký hiệu của sự ham muốn(22). Jung coi Archétype Vô thức tập thể chính là khởi nguồn cho mọi khởi nguồn của việc lý giải các động cơ sáng tạo nghệ thuật đích thực. Sự sáng tạo của Jung về Vô thức tập thể và đặc biệt là Archétype đã tạo ra cho các nhà nghiên cứu lý luận văn học, phê bình, đặc biệt là các trường phái phê bình huyền thoại, trường phái nghi lễ... một tín niệm mới trên con đường tháo gỡ các cấu trúc của tưởng tượng sáng tạo vào các miền mơ tưởng nghệ thuật.

Các nhà văn trong nỗ lực tìm tòi, thử nghiệm và sáng tạo đã tìm đến Archétype như một chất liệu nghệ thuật mới để tháo dỡ hiện thực, lắp ghép và cấu trúc lại nó. Nếu như hệ hình sáng tạo truyền thống được nhìn nhận trong các mã nghệ thuật như: Điển hình, tính ước lệ, tính tượng trưng hay các điển tích... thì tác phẩm nghệ thuật nói chung thời hiện đại mang nhiều yếu tố phản hiện thực tự thân, là những kiểu ký hiệu hoàn toàn lạ lẫm. Mỗi một sáng tạo dường như xuất hiện trong nhiều mưu toan cất giấu chặt chẽ. Đó cũng là hệ quả của quá nhiều tín điều đã trở nên gượng gạo. Mỗi một sự trốn thoát vào các mơ mộng nghệ thuật có cơ duyên trở nên một tế nhị mong manh. Và sau nhiều trở mình rách nát, cuộc sống mới trở thành lấp lửng và che giấu. Thêm nữa, càng về sau con người càng xác tín lại cái điều mà thuở hồng hoang mình đã sống vô tư cùng vạn vật. Thế giới xung quanh vẫn luôn nhắn nhủ con người từ khi cùng sinh ra. Đó là những giá trị hằng hữu sau nhiều thế kỷ quay lưng của con người, nó lặn xuống các tầng sâu vô thức - quê hương của con người và của vạn vật. Những đáy nền của hiện hữu ấy vẫn luôn ám ảnh nhân loại như một vẫy gọi. Nó là Thực tại cuối cùng, là ý thức Tuyệt đối, là Đấng Tối Cao... của mọi sáng tạo nghệ thuật. Và nếu “nghệ thuật là hình thức duy nhất của một sự cứu chuộc khả thi” (H. Marcuse) và mỗi tác phẩm là một “mơ mộng về nghệ thuật” (G. Bachelard) thì sự vén mở những nếp gấp của cái đẹp đã được nhà văn cuốn lại từ cội nguồn những dấu tích ngàn xưa, từ những di chỉ của ký ức có lẽ là một xui khiến nhiều duyên nợ.

Trên đây là những mô tả mang tính chất đại cương về cách hiểu Archétype. Sự tham dự của Archétype vào văn chương nghệ thuật đã mang một hành trình khá già dặn. Trên thế giới, nó vẫn lấp lánh ẩn hiện từ các sáng tác của Goethe, Poe, của Baudelaire, Kafka, Joyce, Market, Mạc Ngôn, Cao Hành Kiện... Ở Việt Nam, là Hồ Xuân Hương, Tản Đà, Hàn Mặc Tử, Hoàng Cầm, Vũ Hoàng Chương, Nguyễn Huy Thiệp, Phạm Thị Hoài, Võ Thị Hảo, Nguyễn Bình Phương... Nó góp phần sâu sắc vào việc kiến tạo cấu trúc văn bản nghệ thuật, tạo thành một sự mã hóa. Sẽ là rất khó khăn cho việc diễn giải tác phẩm văn chương khi thiếu đi một cơ sở mỹ học, hay tâm lý nào đó. Chính những cống hiến của C. Jung về Archétype đã tạo ra một cách nhìn độc đáo. Nếu xem xét đơn vị cấu trúc của văn học là biểu tượng và những Archétype là đơn vị của giao tiếp nghệ thuật, những ẩn dụ là những nguyên tắc cắt nghĩa hiện thực như N. Frye quan niệm thì việc phân tích tác phẩm văn học từ cách nhìn Archétype là có cơ sở. Các Archétype trong huyền thoại không bao giờ biến mất, chúng luôn tái sinh, và biến hình.

Các nhà Phê bình mới (new criticists) đã chỉ ra và thừa nhận rằng các năng lực tạo hình của Vô thức tập thể đã tạo ra cách giải thích ẩn dụ và phổ quát hóa mới, và có thể xem nó như một con đường riêng để mở ra khu rừng vốn rậm rịt những ảnh hình của mơ mộng nghệ thuật, hay những trò chơi ú tim của chốn tiềm thức. Sống trong môi trường chung văn hóa, thời đại, Archétype như một hằng hữu, một cố kết: chỉnh thể tác phẩm và tâm thức văn hóa, vậy nên, dù thời đại sản sinh ra nó đã lùi sâu vào quá khứ, nó vẫn sống động trong tác phẩm với rất nhiều mối quan hệ, theo thời gian và qua không gian, nó sẽ được liên tục bổ sung ý nghĩa mới. Chính vì thế, ý nghĩa biểu tượng trong tác phẩm hoàn toàn không cố định, không “chết”, vẫn luôn phát triển và kích thích trí tưởng tượng cũng như khả năng sáng tạo của độc giả. Chất liệu sáng tạo của nhà văn mang dấu vết của chất liệu văn hoá dân gian, hiện ra trong tính trọn vẹn hoặc không trọn vẹn của nó, được họ “đọc lại”, thay đổi cấu trúc, những motif có thể bị đảo ngược, một số yếu tố có thể bị lược bỏ... Và như vậy, người đọc sẽ có cơ hội tìm thấy ở xu hướng phê bình Archétype/ phê bình Cổ mẫu những vẫy gọi mới, thực hiện hành động đọc từ những mơ mộng của những kẻ sáng tạo trong cái nhìn soi chiếu ở chiều sâu của văn bản.

N.Q.H
(SH281/7-12)


.................................
1. Đã có rất nhiều nỗ lực xác lập và thừa nhận mối tương quan này. Chúng ta có thể tham khảo thêm: Vưgôtxki L. X (Hoài Lam - Kiên Giang dịch) (1995). Tâm lý học nghệ thuật, Nxb Khoa học xã hội, Trường viết văn Nguyễn Du, Hà Nội; Arnauđôp M. (Hoài Lam và Hoài Ly dịch) (1978). Tâm lí học sáng tạo văn học, Nxb Văn học, Hà Nội; Chu Quang Tiềm (Đinh Tấn Dung dịch) (2005), Tâm lí văn nghệ, Nxb Thanh niên... Xem thêm Nguyễn Mạnh Tiến, Diễn giải về mối tương quan của tâm lí học với nghiên cứu văn học, Tạp chí Khoa học và Giáo dục, Trường Đại học sư phạm - Đại học Huế, số 02 (18), 2011, tr 57- 64. Đây là một nỗ lực vừa mang tính tổng hợp các cách nhìn về mối tương quan giữa chúng vừa mang tính xác lập thế ưu trội mới cho một hướng nghiên cứu nhiều hứa hẹn trên hành trình giải minh những bí ẩn trong các vũ trụ mộng của sáng tạo nghệ thuật.
2. Jung C. G. (Vũ Đình Lưu dịch) (2007), Thăm dò tiềm thức, Nxb Tri thức, Hà Nội, tr 95, 96. Xin xem thêm Stein M. (Bùi Lưu Phi Khanh dịch) Bản đồ tâm hồn con người của Jung, Nxb Tri thức, 2011, tr 133 – 158 và tiếp.
3. Benett E. A. (Bùi Lưu Phi Khanh dịch) (2002), Jung đã thực sự nói gì, Nxb Văn hóa Thông tin, Hà Nội, tr 77, 78.
4. Benett E. A, Sđd, tr 77, 78.
5. Benett E. A, Sđd, 77, 78.
6. Xin xem thêm Lưu Hồng Khanh (2006), Tâm lý học chuyên sâu - Ý thức và những tầng sâu vô thức, Nxb Trẻ, Thành phố Hồ Chí Minh.
7. Jung C. G. Sđd, tr96.
8. Đây chính là nguyên lý đồng thời tương ứng, theo M. Stain, khi diễn giải các trước tác của Jung, rằng, tâm thần và vũ trụ không bao giờ tồn tại trong dạng cô lập, mà ngược lại, luôn tương thông mật thiết. Xin xem thêm M. Stein Bản đồ tâm hồn con người của Jung (Bùi Lưu Phi Khanh dịch) (2011), Nxb Tri thức, tr 297 và tiếp.
9. Jung C. G. Sđd, tr 98.
10. Dẫn theo Bennet E. A. (Bùi Lưu Phi Khanh dịch) (2002), Jung đã thực sự nói gì, Nxb Văn hóa Thông tin, Hà Nội, tr 74, 75.
11 Jung. C. G. Sđd, tr 142.
12. Jasper K. (Tuệ Hạnh dịch) (2004), Chân lý và biểu tượng, Nxb Phương Đông, Thành phố Hồ Chí Minh, tr 37, 38.
13. Sđd, tr 39.
14. Sđd, tr 45, 46.
15. Dẫn theo Chevalier J. (và Alain Gheerbrant) (Nhóm tác giả dịch), (2002), Từ điển biểu tượng văn hoá thế giới, Nxb Đà Nẵng, Đà Nẵng, tr XXIV.
16. Đỗ Lai Thuý (biên soạn và giới thiệu), (2004), Phân tâm học và văn hoá tâm linh, Nxb Văn hoá Thông tin, Hà Nội, tr 70.
17. Xem thêm Nguyễn Thị Thanh Xuân, với bài Đi tìm cổ mẫu trong văn học Việt Nam, in trong Nhiều tác giả (2009), Nghiên cứu văn học Việt Nam - Những khả năng và thách thức, Nxb Thế giới, Hà Nội, tr169- 202.
18. Nguyễn Thị Thanh Xuân Sđd, tr 176.
19. Jung C. G. Sđd, tr 97.
20. Xin xem thêm E. M. Meletinsky (Trần Nho Thìn và Song Mộc dịch) (2004), Thi pháp của huyền thoại, Nxb Đại học Quốc gia Hà Nội, Hà Nội, tr 26 và tiếp.
21. E. Durkheim có quan niệm về Ý thức tập thể khi đi tìm những ẩn số cho tinh thần xã hội hiện đại. Trong cách phân loại của ông có bốn tiêu chí có thể dễ nhầm lẫn với khái niệm Vô thức tập thể của Jung...
22. Xin xem thêm Đỗ Lai Thúy, Phân tâm học và ngọn nguồn sáng tạo, trong Đỗ Lai Thuý (biên soạn và giới thiệu), (2004), Phân tâm học và văn hoá nghệ thuật, Nxb Văn hoá Thông tin, Hà Nội, tr 7- 20.


 






 

Các bài mới
Biển và em (03/08/2012)
Những bức ảnh (27/07/2012)
Các bài đã đăng