Tạp chí Sông Hương - Số 281 (T.7-12)
Thúc Tề với "Trăng mơ"
10:22 | 27/07/2012

HỒ THẾ HÀ

“Người đẹp vẫn thường hay chết yểu
Thi nhân đầu bạc sớm hơn ai!”

                         J.Leiba

Thúc Tề với "Trăng mơ"

Đọc bài thơ Trăng mơ của Thúc Tề, tôi bỗng nhớ hai câu thơ định mệnh trên của thi sĩ J.Leiba trong bài thơ Hoa bạc mệnh. Và một cảm thức bất chợt xuất hiện trong tôi, đó là cảm thức về sự mong manh mà bất tử của những thi tài. Mà thi tài thì vẫn thường giống như người đẹp - chết yểu. Vâng! Thúc Tề là một thi tài như thế, tuy ông làm thơ không nhiều. Và người đời không phải ai cũng biết và nhớ đến thơ ông, như nó vốn phải được như vậy.

Nhưng như một quy luật, thơ hay, nó thường tự tỏa phát, lúc đầu le lói, nhưng càng về sau, nó bùng lên như ngọn lửa - ngọn lửa thi ca. Thơ Thúc Tề là một ánh lửa như thế. Thi hữu thuộc và nhớ thơ ông, phát sáng thơ ông đến mọi người yêu thơ khác. Và cứ thế, thơ Thúc Tề luôn là vầng trăng mơ màng trong ký ức buồn man mác như mơ như thực của miền sông Hương, núi Ngự mù sương.

Trăng mơ của Thúc Tề được Hoài Thanh chọn đưa vào Thi nhân Việt Nam sau khi đọc “tất cả một vạn bài thơ và trong số ấy có non một vạn bài dở”. Những bài được chọn, Hoài Thanh cẩn trọng đọc, “ngâm đi ngâm lại hoài, cố lấy hồn tôi để hiểu hồn người”, bởi vì theo ông “đặc sắc mỗi nhà thơ chỉ ở trong những bài hay. Mỗi bài thơ hay là mỗi cánh cửa mở cho tôi đi vào một tâm hồn”. Như thế Trăng mơ trước hết là một thi phẩm hay, đẹp, lãng mạn có khả năng quyến rũ lòng người. Nó là một cánh cửa mở để chúng ta đi vào một tâm hồn đồng điệu. Cái man mác buồn của đất trời mà cũng là của lòng người được Thúc Tề đồng hiện trong trục không gian và thời gian (chronotope) nên thơ, êm đềm nhưng có phần tái tê, hiu hắt.

Một đêm mờ lạnh, ánh gương phai
Suốt dải sông Hương nước thở dài
Dào dạt sóng buồn khua bãi sậy,
Bập bềnh bên mạn chiếc thuyền ai.


Không gian ở đây rất đặc biệt, vừa rộng vừa hẹp; rộng là bầu trời có vầng trăng thu cuối tháng như ánh gương phai trải vàng trên dòng nước Hương Giang đang thở dài, thao thức; còn hẹp hơn là con thuyền neo đậu với con sóng buồn dạt dào khua bãi sậy. Thời gian ở đây là một “đêm mờ lạnh” đã về khuya nên “ánh gương phai”, khiến cho cảnh vật trở nên buồn và sông Hương dùng dằng muốn neo giữ hai bờ xanh mộng mị. Đó phải chăng cũng là nỗi lòng của thi nhân - chủ thể ý thức và cảm xúc đang bập bềnh cùng sóng nước? “Dào dạt” và “bập bềnh” là những từ láy tạo cảm giác buồn tái tê, im ắng rất Huế.

Khổ thơ tiếp theo cũng là không gian và thời gian ấy, nhưng được nhân hóa thành những thực thể có linh hồn, cho nên cảnh vật có động hơn. Mây thì xây thành trên núi Bắc, nhạc thì chới với giữa sương sa, trăng thì ẻo lả, ngủ lim dim trên ngọn trúc. Nhưng tựu trung vẫn là buồn - buồn mà đẹp của bức tranh thiên nhiên. Đó cũng là cảm quan mỹ học của chủ nghĩa lãng mạn mà chủ thể sáng tạo thức nhận và biến nó thành cảm hứng, thành chủ đề, thành thi liệu và ngôn từ. Nghệ thuật tương hợp (l’ art correspondant) xuất hiện. Âm thanh, màu sắc và thiên nhiên cùng nhau tương ứng trong một thế giới đêm huyền ảo của kinh kỳ Huế. Tôi đồ rằng khi sáng tác bài thơ này, Thúc Tề đã chịu ảnh hưởng và vận dung có ý hướng tính từ Thuyết tương hợp của C. Baudelaire - ông tổ của chủ nghĩa tượng trưng để tái hiện cảnh vật và con người.

Mây xám xây thành trên núi Bắc,
Nhạc mềm chới với giữa sương êm.
Trăng mờ mơ ngủ lim dim gật,
Ẻo lả nằm trên ngọn trúc mềm.


Không gian, thời gian trôi theo từng thời khắc trong đêm, cho đến khi về sáng. Trong sương mờ, trên cầu Bạch Hổ những bóng ma tưởng tượng trong cái nhìn ảo giác của nhà thơ, hình như đã biến mất bởi tiếng gà gáy sáng. Trăng như lười biếng dậy, nhưng thực ra là trăng đã ngả về đông, chờ một bình mình thức tỉnh. Và cũng chính lúc này, trên những hàng liễu rũ, sương cũng bắt đầu nhỏ giọt như những dòng lệ trước khi nắng mai kịp làm tan biến, hư vô. Có thể nói, đến đây, thi nhân như muốn níu giữ từng nhịp đi của cảnh vật và sự lưu luyến, ngậm ngùi của lòng người. Như cách thế để hóa giải về một nỗi buồn đẹp mà mong manh trước sự phai phôi của trăng mơ, mà cũng là của nỗi lòng thi nhân vậy.

Nhịp cầu Bạch Hổ mấy bóng ma,
Biến mất vì nghe giục tiếng gà.
Trăng tỉnh giấc mơ, lười biếng dậy,
Động lòng lệ liễu, giọt sương sa.


Bình về thực tế này, Hoài Thanh trong Thi nhân Việt Nam đã nhận xét rất cô đọng mà lột tả được cái thần của bài thơ: “Tôi yêu bài Trăng mơ của Thúc Tề. Mở bài ra, hồn thi nhân kéo mình lê thê trên trang giấy, chán nản, uể oải. Có lẽ nó đã nhập vào cái trăng kia, “ẻo lả” khi nằm mơ, “lười biếng” khi thức dậy. Nhưng khi đã tỉnh, nó mới linh động làm sao! Nó uyển chuyển như một người đẹp. Cái mệt mỏi của Dương Quý Phi với cái nhẹ nhàng của Phi Yến”. Quả là lời bình tương ứng với bài thơ - ý tại ngôn ngoại.

Khổ cuối của bài thơ đã chuyển sang một trạng thái khác. Cảnh đã chuyển sang tình. Đây là đặc điểm thi pháp của thơ trung đại mà cũng là của chủ nghĩa lãng mạn. Thơ lãng mạn, sau khi phiêu lưu qua bao trạng thái cảm xúc và tâm trạng hiện thực, thường nhà thơ tìm đến thiên nhiên và tôn giáo như một ân huệ cứu rỗi để xoa dịu nỗi niềm thanh xuân buồn bã và tiếp tục mơ mộng vào những gì tốt đẹp sẽ đến. Ở đây, Thúc Tề chọn con đường thứ nhất - tìm đến thiên nhiên để đồng điệu, sẻ chia.

Lai láng niềm trăng tuôn dạ nước,
Ngập tràn sông trắng gợn bâng khuâng.
Hương trăng quấn quýt hơi sương ướt,
Ngân dội lời tình điệu hát xuân.


Chỉ còn “lai láng niềm trăng” nhập vào lòng nước và phản chiếu trong ánh nắng mai, gợn bâng khuâng một dòng sông trắng đẹp. Nó là lưu ảnh và lưu hương của vầng trăng, lưu sắc của thiên nhiên, lưu thanh của những lời tình trong những điệu hát xuân trên dòng sông thơm mỗi tối.

Vần luật bài thơ chặt chẽ - chủ yếu là vần gián cách (khổ 2 và 4) và vần cổ truyền (khổ 1 và 3), nhịp điệu bài thơ khoan thai, đều đặn theo cấu trúc 2 / 2 / 3, tạo cảm giác và nhạc tính êm ái, buồn man mác, dùng dằng, lờ lững như chính dòng nước Hương Giang ngàn đời vẫn vậy. Biện pháp tu từ ưu tiên cho phép ẩn dụ và nhân hóa. Biện pháp láy làm cho bài thơ vang ngân. Nhân vật trữ tình của bài thơ chủ yếu là cảnh vật thiên nhiên. Cái tôi trữ tình tác giả hòa tan vào thiên nhiên để thể hiện tâm trạng và cảm xúc đặc biệt của mình. Đó cũng là nét độc đáo của bài thơ. Vì thường nhà thơ lãng mạn phải là chủ thể trữ tình ngôi thứ nhất (première personne) để giãi bày, tâm sự. Ở đây, Thúc Tề không như các nhà thơ lãng mạn cùng thời khác. Ông muốn đứng bên ngoài với điểm nhìn đặc biệt trong đêm để thể hiện cảnh vật và tâm hồn mình. Vì vậy mà tính khách quan, chân thực của bài thơ đã chuyển sang tức thì cho người đọc, không chỉ là sở hữu của Thúc Tề nữa. Sức năng động của bài thơ Trăng mơ chính là ở nghệ thuật gián cách này, có tác dụng nội cảm hóa trong lòng người đọc một cách nhẹ nhàng, da diết và miên man một nỗi niềm sơn thủy.

*

Thúc Tề làm thơ không nhiều, hình như tác phẩm đã công bố lúc tác giả còn sống và di cảo chỉ còn lại năm bảy bài thơ. Và Trăng mơ là thi bản duy nhất được in trên Hà Nội báo năm 1938, sau được Hoài Thanh tuyển đưa vào Thi nhân Việt Nam, nhưng ông được mọi người tôn danh là nhà thơ thực thụ. Điều ấy có gì như số phận và định phận. Nếu Thúc tề không hy sinh vì giặc Pháp thì tác phẩm của ông không chỉ có vậy. Nhưng mà mỗi nhà thơ có định số riêng mình. Thúc Tề là nhà thơ của hiện tượng hiếm thấy - hiện tượng tác giả một bài, mà là một bài độc đáo. Đó cũng là đóng góp tuy nhỏ nhoi nhưng xứng đáng của ông vào nền thơ hiện đại Việt Nam.

Vỹ Dạ, đêm 30/5/2012
H.T.H  
(SH281/7-12)








 

Các bài mới
Biển và em (03/08/2012)
Những bức ảnh (27/07/2012)
Các bài đã đăng