Tạp chí Sông Hương - Số 23 (T.1&2-1987)
Một vụ án kỳ quặc trong lịch sử sân khấu Hát Bội
16:25 | 04/09/2012

VŨ NGỌC LIỄN

Vụ án này khởi đầu từ vở tuồng Quần tiên hiến thọ của hai tác giả: Minh Mạng và Nguyễn Bá Nghi (1). Người phê bình tác phẩm là Vương Hữu Quang.

Một vụ án kỳ quặc trong lịch sử sân khấu Hát Bội
Vua Minh Mạng - Ảnh: TL

Nhìn lại lịch sử nghệ thuật của Đông Tây kim cổ, chúng ta thường thấy xảy ra chuyện tác giả bị tội nếu tác phẩm của họ viết ra không đẹp lòng kẻ thống trị của thời đại đó, chứ chưa hề thấy chuyện người phê bình bị kết tội (có chăng cũng chỉ đến mức gạt bỏ bài phê bình là cùng). Vậy vì sao Vương Hữu Quang nổi máu phê bình để đến nỗi mang vạ vào thân?

Chẳng là năm ấy, năm Minh Mạng thứ 21, năm mừng thọ Minh Mạng 50 tuổi. Nhà vua sai Nguyễn Bá Nghi chấp bút viết vở tuồng Quần tiên hiến thọ theo câu tứ và hướng dẫn của Minh Mạng. Lễ mừng thọ lại tiến hành vào tiết tháng 3, tháng 4 âm lịch, trời mưa dầm. Các quan chức đầu tỉnh khắp nước đều về kinh chúc thọ nhà vua. Vương Hữu Quang thuộc diện quan chức cao cấp của một tỉnh nào đó ở Nam Kỳ được cử đứng ra tế lễ cầu tạnh mưa để cho lễ chúc thọ nhà vua được cử hành tốt đẹp. Rủi thay! Cầu mãi mà mưa không tạnh, lại thấy sức khỏe nhà vua quá ư ọp ẹp nên Vương Hữu Quang kết luận: do nhà vua làm vỡ tuồng Quần tiên hiến thọ động chạm đến thần minh, trời đất, khiến cho trời đất thần minh quở phạt, cầu tạnh mà mưa không tạnh, chúc thọ mà người không thọ. Và đây là năm chỉ dụ của Minh Mạng về vụ án kỳ quặc này:

- Dụ thứ nhất ngày 11 tháng 3 năm Minh Mạng thứ 21:

"Theo lời tâu của Vương Hữu Quang cùng chỉ dụ của trẫm, tưởng đình thần đều đã rõ. Nay nếu xử nhẹ, hoặc tha, giao đình thần hội đồng với quan viên các tỉnh có mặt ở kinh nghị xử rồi tâu lên cho sáng lẽ công luận".

- Dụ thứ hai (tóm lược nội dung):

Đình nghị xử lưu, xử trảm Vương Hữu Quang là đáng tội. Không thể để y còn mang đai đội mão ung dung ra vào. Hạ lệnh cách chức hạ ngục.

- Dụ thứ ba ngày 8 tháng 4 năm Minh Mạng thứ 21:

"Vương Hữu Quang cầu tạnh mưa không linh ứng lại đổ lỗi cho trẫm. Thấy người trẫm không khỏe dám ngỏ lời bất đạo rằng trẫm đắc tội với trời đất, thần minh, sao ăn nói bậy bạ vậy? Vả chăng vở tuồng "Quần tiên hiến thọ" là do tên thuộc viên nội các Nguyễn Bá Nghi viết, trong đó trẫm có chỉ bảo đôi điều... có gì mà khinh lờn thần minh, động chạm trời đất?... tai nghe dựng đứng tóc gáy. Lúc truyền cho Vương Hữu Quang phúc tấu thì y cũng nhận lời chịu tội. Các đại thần trong triều ngoài quận đều yêu cầu cách chức trị tội mà lòng trẫm chưa nỡ. Đến khi giao cho đình thần hội đồng với Đốc, Phủ, Bố, Án các tỉnh nghị xử đều kết tội xử trảm, xử lưu. Riêng Phan Thanh Giản trong hai tập tấu của Viện cơ mật không chịu ký. Bùi Ngọc Quỵ cũng chưa ký. Nguyễn Công Trứ và Doãn Uẩn (2) trong tập tấu của đình thần thì có ký, nay các người này lại cùng nhau làm bản tấu riêng xin xử nhẹ (giáng hai cấp lưu). Sao trước sau dụng tâm gian xảo đến thế?

Vậy truyền cho Phan Thanh Giản, Nguyễn Công Trứ, Bùi Ngọc Quỵ và Doãn Uẩn đều phải tấu riêng thật rõ ràng sẽ xuống chỉ sau".

Sau khi bốn "bị can" trên tâu lại "rõ ràng", ông nào cũng nói rằng "do sự dại dột nhất thời, kiến thức hẹp hòi chứ không dám có lòng bè phái" thì ngày 13 tháng 4 năm Minh Mạng thứ 21 nhà vua ra chỉ dụ thứ tư có đoạn viết:

"Nay xét đã không phải là bè phái thì cũng nguyên tình được. Nhưng ở đây cũng cần phân biệt: Phan Thanh Giản và Vương Hữu Quang là người Nam kỳ, quen biết nhau đã lâu, không khỏi vị tình, nên giáng một cấp, điều dụng đi nơi khác. Nguyễn Công Trứ, Doãn Uẩn, Bùi Ngọc Quỵ bất quá chỉ là phụ họa theo mà thôi, ba người ấy đều giáng một cấp lưu..."

- Dụ thứ năm ngày 29 tháng 4 năm Minh Mạng thứ 21:

"Vương Hữu Quang phạm tội dù trăm miệng cũng không chối cãi được. Các quan đều nghị xử tử, xử lưu là đáng tội rồi. Nhưng nghĩ lại, vì một lời nói sai mà xử đến tội nặng đối với người dân thần, lòng trẫm có thể bất nhẫn. Vả lại Vương Hữu Quang làm việc coi cũng được, duy tính khí điên rồ nóng nảy, không suy nghĩ kỹ đến nỗi mang tội. Qua giam cầm lần này có thể nhân đó mà thành tài ngày sau còn dùng được. Hơn nữa, năm nay là năm khánh điển, không một tên dân nào mà không được gội ơn nước, phương chi y cũng là một quan to. Vậy đối với Vương Hữu Quang gia ân cải án giáng cấp cho làm tư vụ Bộ công để đới công chuộc tội".(3)

Thực ra, lời phê bình của Vương Hữu Quang chẳng qua là lời nói vụng trộm, tại sao lọt đến tai Minh Mạng, khiến nhà vua phải "dựng tóc gáy"? Ắt hẳn có kẻ tọc mạch rồi (tổ chức "cá ngầm" của Minh Mạng chặt chẽ đấy chứ). Nhưng giá thử lúc Minh Mạng chất vấn, Vương Hữu Quang chối phăng thì đã sao? Đằng này Vương Hữu Quang đã nói thì nhận. Dù sao hành động ấy cũng đáng khen Vương Hữu Quang là người có dũng khí, và dũng khí ấy đã trở thành vụ án mà suýt nữa Vương Hữu Quang lãnh đủ tội chết.

Vụ án này không chỉ có chánh phẩm là Vương Hữu Quang mà còn lây lan đến bốn người nữa vô cớ mà phải tội: Phan Thanh Giản, Bùi Ngọc Quỵ, sở dĩ can tội vì không đồng tình với việc luận tội của đa số đình thần và trấn thần ; Nguyễn Công Trứ và Doãn Uẩn sở dĩ can tội vì sự thay đổi ý kiến. Còn đám đình thần và trấn thần khác thì hùa nhau kết tội người phê bình thật nặng để đẹp lòng vua, điều này cũng dễ hiểu, vì không có dịp nào tốt hơn để họ chứng tỏ rằng mình hết lòng hết sức phụng sự nhà vua.

Về phía nhà vua, bằng thái độ xem đi xét lại vụ này qua năm chỉ dụ, kể cả thủ đoạn "dơ cao đánh khẽ" cũng để tỏ ra mình rất "dân chủ", rất "độ lượng" trong việc này.

Vở tuồng Quần tiên hiến thọ do Nguyễn Bá Nghi chấp bút giờ đây không ai biết tường tận chi tiết. Chúng ta chỉ căn cứ vào lời thanh minh đơn phương của Minh Mạng và lời phê bình ngắn gọn của Vương Hữu Quang (cũng do Minh Mạng nói lại) kết hợp với cái tên kịch mà suy luận, mà hình dung một bầy tiên từ thế giới xa lạ bay đến ; tay bưng đầy ắp những quả đào quý dâng lễ thọ cho vua (theo truyền thuyết thì giống đào này ăn vào có thể sống đến ngàn năm). Các nàng tiên vừa dâng đào vừa hát múa lượn lờ... ắt hẳn là đẹp hơn đám cung tần mỹ nữ hiện có trong hoàng cung. Nhưng có lẽ vì quá vội vàng, các nàng đã hái lầm phải thứ đào dổm nên ngay cuối năm ấy Minh Mạng chết, đúng như lời phê bình của Vương Hữu Quang.

Là một quan viên cao cấp từ tỉnh ngoài về, chắc Vương Hữu Quang được mời xem diễn tập, hoặc "phúc khảo" vở trước khi hành lễ mừng thọ, cho nên ông Vương mới biết nội dung vở tuồng mà phê bình: "khinh lớn thần minh, động chạm trời đất". Chỉ có điều là, Vương Hữu Quang vừa dũng cảm (dám phê bình tác phẩm của vua một cách thẳng thừng, vừa ngây thơ (đi với ma mà không mặc áo giấy) rồi cam chịu tội. Nguyễn Bá Nghi thì khôn ngoan đến ghê tởm: "Hợp tác sáng tác với nhà vua thì dù có viết dở, viết bậy cũng đố ai dám động chạm đến ông ta.

1-10-1986
V. N. L.
(SH23/01-87)


-----------------------
1. Nguyễn Bá Nghi cầm quân ở Nam Kỳ, lúc đánh hơi quân Pháp sắp kéo đến vây thành thì ông Nghi bỏ chạy trước, dân địa phương bèn tặng ông ta bốn câu:
Vai mang ấn hổ
Chơn nhảy giò nai
Hỏi Nguyên soái là ai
Nguyễn Bá Nghi thị dã.

2. Doãn Uẩn từng làm án sát tỉnh Vĩnh Long.

3. Năm chỉ dụ trích dẫn trong bài này theo tài liệu của cụ Phạm Phú Tiết, tập "Hội thoại về lịch sử sân khấu tuồng", bản đánh máy.









 

Các bài mới
Khúc nhạc rắn (10/09/2012)
Các bài đã đăng
Trong toa xe lửa (09/08/2012)
Nắng (06/08/2012)
Thư về Huế (06/08/2012)