Tạp chí Sông Hương - Số 282 (T.8-12)
Tưởng niệm Nguyễn Mộng Giác: Về thể loại 'Tiểu thuyết trường thiên'
17:08 | 04/07/2012

Nhà văn Nguyễn Mộng Giác vừa qua đời lúc 10 giờ 15 phút tối ngày 2 tháng 7 năm 2012. Tạp chí Sông Hương vừa nhận được bài viết của nhà phê bình Đặng Tiến, xin giới thiệu cùng bạn đọc, như một nén nhang tưởng niệm…

Tưởng niệm Nguyễn Mộng Giác: Về thể loại 'Tiểu thuyết trường thiên'
Nhà văn Nguyễn Mộng Giác - Ảnh: internet

ĐẶNG TIẾN

Trường thiên tiểu thuyết là thuật ngữ Nguyễn Mộng Giác đã dùng để gọi thể loại mà ông sử dụng khi viết Mùa biển động: một tiểu thuyết dài nhiều lần hơn mức trung bình, chia thành nhiều tập, đưa ra một tuyến nhiều nhân vật, sống trong một giai đoạn lịch sử dài, và những hoàn cảnh khác nhau.

Có thể nói Nguyễn mộng Giác là "chuyên gia" về thể loại này: ông còn là tác giả bộ tiểu thuyết lịch sử, lấy thời kỳ Tây Sơn làm bối cảnh, bộ truyện Sông Côn Mùa Lũ, bốn cuốn, dài khoảng 2000 trang, viết tại Sài Gòn từ tháng 5/1978 đến tháng 3-1981, tu chính tại Hoa Kỳ 1990, và nhà An Tiêm của Thanh Tuệ xuất bản, cùng năm, tại Cachan- Paris và California. Sách được tái bản trong nước.

Như vậy, mấy chữ trường thiên tiểu thuyết đã mất nghĩa đầu tiên của nó: trước kia, nó chỉ là truyện dài, khác với trung thiên tiểu thuyết là truyện vừa, và đoản thiên tiểu thuyết là truyện ngắn. Từ ngày báo Phong Hóa, năm 1932, đưa ra từ truyện ngắn, thì dần dần người ta chỉ còn dùng hai chữ truyện dài, truyện ngắn. Cũng cần thêm rằng, hai chữ truyện ngắn mượn của người Anh, dịch từ short story, chớ người Pháp và người Trung Quốc, thầy ta lúc ấy, không có khái niệm truyện ngắn, hiểu theo quan niệm bây giờ.

Tiểu thuyết trường thiên không phải là một phát minh son trẻ. Đông Châu liệt quốc hay Tam quốc chí đã là truyện trường thiên hay, đọc lại không chán và không thấy dài. Người Pháp có truyền thống tiểu thuyết trường thiên từ Rabelais đến Balzac, Zola, Jules Romain, v.v.

Ở Việt Nam, người thí nghiệm tiểu thuyết trường thiên đầu tiên có lẽ là Nhất Linh, phần nào dưới ảnh hưởng của các tác gia Pháp nói trên, và một số tác phẩm bề thế khác của Tolstoi mà ông rất hâm mộ. Ông trình bày quan niệm và dự tính sáng tác qua lời giới thiệu bộ truyện Xóm Cầu Mới, khởi thảo từ 1940 viết dang dở và in năm 1973: "Xóm Cầu Mới là bộ trường giang tiểu thuyết gồm một loạt truyện dài, đặt dưới tên chung Xóm Cầu Mới. Mỗi truyện dài lại có tên riêng. Những truyện dài có liên can hoặc xa hoặc gần đến cái xóm Cầu Mới, mà các nhân vật chính hay phụ phần nhiều lấy ở số người tới ngụ cư trong xóm. Tuy có cái tên chung, và tuy các nhân vật có thể có mặt ở trong hết cả hay một số lớn các truyện, nhưng độc giả có thể đọc một truyện mà không cần đọc truyện khác cũng không bị thắc mắc hay ngơ ngác […]. Tôi mong viết độ hai chục cuốn nữa thành một bộ gần vạn trang mới đủ để tả đầy đủ sự phức tạp và muôn mặt của cuộc đời.".

Đoạn trích dẫn dông dài, nhưng nói lên được những nét chính của thể loại tiểu thuyết trường thiên - thời đó gọi là trường giang - như các tác gia phương Tây đã quan niệm. Ý định Nhất Linh chỉ thực hiện được một phần mười: hai tập Xóm Cầu Mới chỉ ngoài 700 trang là đi trước ; nhà Phượng Giang đã xuất bản mười năm sau khi Nhất Linh quá cố, ngày nay gia đình đã in lại, có phụ lục hồ sơ sáng tác, Nxb Văn Mới, 2002, California, Xóm Cầu Mới là một tác phẩm hay, hành văn giản dị, các nhân vật được mô tả tinh vi trong dáng điệu, lời nói, nếp suy nghĩ và rung cảm. Đời sống hàng ngày của những con người tầm thường trong một xã hội tầm thường, đó là nội dung nghệ thuật Nhất Linh mà ít người đạt tới.

Bộ Dòng sông Thanh Thủy gồm ba cuốn: Ba người bộ hành, Chi bộ hai ngườiVọng quốc, tổng cộng hơn 600 trang, Nhất Linh viết rất nhanh, ba bốn tháng gì đó (1960 - 1961). Tác phẩm kể lại hoạt động chính trị của một số cán bộ Việt Quốc và Việt Minh sang hoạt động tại Côn Minh khoảng 1944. Tuy có hình thức một tiểu thuyết trường thiên, nhưng Dòng sông Thanh Thủy chỉ là một truyện dài, vì chỉ mô tả số phận một vài nhân vật chính, chứ không gợi ra được một khung cảnh xã hội lớn lao. Điều đó nhắc lại rằng: tiểu thuyết trường thiên, hay chu kỳ, không phải do số trang, mà còn do cơ cấu nội tại. Những kẻ khốn nạn (Les misérables) của Victor Hugo hay Jean-Christophe của Romain Rolland, thậm chí Đi tìm thời gian đã mất (A la recherche du temps perdu) của Marcel Proust, tuy là dài, vẫn không phải là tiểu thuyết chu kỳ. Ở Việt Nam, hai tập Bão biển (1969) và Đất mặn của Chu Văn, Cù lao Tràm của Nguyễn Mạnh Tuấn (1985) là truyện dài, nhưng Vỡ bờ hai tập (1962 và 1970) của Nguyễn Đình Thi, tuy gọi là tiểu thuyết, lại mang vóc dáng một tác phẩm trường thiên, vì tính cách sử thi đã làm sống lại cả xã hội miền Bắc trong năm năm chuyển mình, chuẩn bị cuộc Cách mạng tháng Tám. Vỡ bờ thuộc vào tác phẩm lớn lao, đã được tác giả ôm ấp và sáng tác trong hai mươi năm, từ 1948. Những tiểu thuyết riêng lẻ của Tô Hoài, từ Quê Người, 1941, Giăng Thề, 1944 đến Mười Năm 1957, lấy làng dệt Nghĩa Đô làm khung cảnh, cũng mang dáng dấp tiểu thuyết chu kỳ ; trong ý tác giả, dường như Người ven thành, 1972, và Quê Nhà, 1981, cũng nằm trong chu kỳ này.

Ở miền Nam trước 1975, Khu rừng lau của Doãn Quốc Sĩ là một bộ trường thiên quan trọng vì ghi lại tâm trạng một lớp thanh niên theo kháng chiến chống Pháp rồi bỏ kháng chiến, di cư vào Nam. Những truyện của Võ Hồng gom lại, cũng có tính cách trường thiên tiểu thuyết về đời sống tại miền nam Trung bộ thời kháng chiến chống Pháp.
 

Chân dung nhà văn Nguyễn Mộng Giác do Họa sĩ Đinh Cường vẽ


Tiểu thuyết trường thiên tiêu biểu của văn học Việt Nam là bộ Cửa biển của Nguyên Hồng, khoảng hai nghìn trang, chia ra làm bốn cuốn: Sóng gầm (1961), Cơn bão đã đến (1967), Thời kỳ đen tối (1973), Khi đứa con ra đời (1976), mô tả đời sống cay cực của lớp người nghèo tại thành phố cửa biển Hải Phòng trong mười năm 1936 - 1945, đã vùng lên làm cuộc Cách mạng tháng Tám.

Bộ sách viết trong mười lăm năm (1959 -1974), thời gian đó Nguyên Hồng không làm việc gì khác, và đi đâu cũng khệ nệ tập bản thảo, sợ … mất. Trong hồi ký Những nhân vật ấy đã sống với tôi (1978), ông đã kể lại kinh nghiệm sáng tác Cửa biển, sự thành hình những nhân vật nhô lên từ ký ức hay thực tại, quá trình tái sinh những sự kiện, những hình ảnh. Đây là một hồ sơ sáng tác quí hiếm, nếu không phải là duy nhất giúp ta tìm hiểu sự thai nghén và khai hoa một tác phẩm nghệ thuật. Nguyên Hồng đã thổ lộ nỗi vất vả và vật vã của kẻ "đã thai nghén và mang rất nặng, đẻ thì đau quá sức lẽ mình, vậy mà lại đẻ ra người giấy, nhân vật giấy»: «Năm 1959, tôi bắt đầu viết tập đầu là tập Sóng gầm trong bộ Cửa biển. […] Sang năm 1960 thì được hơn 150 trang bản thảo, giấy là mặt sau của trang sổ khổ rộng, giấy màu hồng hồng, của một công sở hay nhà buôn gì đó hồi Pháp thuộc bỏ lại […]. Bốn, năm chương của tập đầu đã thành chữ với hơn 150 trang kia, chính mình đọc mà cũng chán ngấy. Chán vì nó nhạt hoét, giả khượt. Mà nó nhạt hoét, giả khượt vì sáo mòn, dễ dàng, nông choèn […]. Tôi bỏ hẳn tập bản thảo đầu với hơn 150 trang khổ rộng, giấy màu hồng hồng nọ. Tôi viết tập bản thảo hai, bản thảo ba. Nhà tôi chép lại, tôi lại sửa và đưa đăng báo mấy chương. Đánh máy, đăng báo rồi (Báo Văn nghệ 1961), tôi lại sửa. Đưa nhà xuất bản, đánh máy duyệt in, vẫn sửa. Thành trang đưa đọc để máy chạy trọn vẹn, cũng vẫn sửa… Vẫn sợ nhạt loãng, vẫn lo sự giả tạo, vẫn phải sao thật tỉnh táo với chính mình nếu có chút gì gian dối. "

Ấy là Nguyên Hồng đã sáng tác trong hoàn cảnh ưu đãi của xã hội mà ông phục vụ, vì đã đăng ký đề cương sáng tác với Hội nhà văn, ký giao kèo sáng tác trong mười năm… Chứ thật ra Cửa biển đã được ấp ủ từ 1941. Từ khi khởi thảo tác phẩm, đến Khi đứa con ra đời (!), 1976, là 35 năm. Và phần gian lao ắt cũng tương đương. Kết quả đáp ứng xứng đáng với công lao động ấy: Cửa biển của Nguyên Hồng là tác phẩm quan trọng hàng đầu trong ngành tiểu thuyết Việt Nam, ở tầm vóc của nó, và ở giá trị nhân đạo, xã hội, lịch sử và nghệ thuật nữa.

Gần đây hơn, Phan Tứ đã viết bộ tiểu thuyết trường thiên Người cùng quê, về xã hội tại địa phương vùng nam Trung bộ, chủ yếu là Quy Nhơn, đã xuất bản ba tập (1985, 1995, 1997) khoảng1500 trang. Chúng tôi không biết những tập sau.

Tiểu thuyết trường thiên đòi hỏi sức lao động bền bỉ, và hoàn cảnh sáng tác thuận lợi, dù ở mức tương đối. Nhưng công trình có khi bạc bẽo: trong xã hội nhiều đột biến như Việt Nam từ mấy mươi năm nay, có khi tác phẩm viết xong rồi - hai mươi năm sau - thì không còn đáp ứng với sở thích người đọc, như trường hợp Xóm Cầu Mới của Nhất Linh. Khối độc giả mới, đa số là thanh niên, không còn thư thái để nhâm nhi những tinh vi, tế nhị của Nhất Linh, nhưng tác phẩm cũng gây một ảnh hưởng nào đó trong tiến trình tiểu thuyết, mà ta gặp lại trong tiêu đề Bèo giạt của Nguyễn Mộng Giác, là một trong những tên cũ của Xóm Cầu Mới.

Vỡ bờ của Nguyễn Đình Thi, Cửa biển của Nguyên Hồng cũng chịu số phận lao đao, vì những lý do khác. Những truyện của Tô Hoài, người đã theo cách mạng rất sớm, viết về những người thợ dệt làng Nghĩa Đô, quê ông, ở ngoại thành Hà Nội, thu vén lại cũng thành trường thiên tiểu thuyết: đó là hoài bão của ông khi ông viết truyện Mười năm (1957) mà ông đã thai nghén trong … mười năm.

Tiểu thuyết xưa nay vẫn là niềm an ủi của quần hùng chiến bại, là tiếng kèn bi thảm của hiệp sĩ Roland từ đèo Roncevaux đáp lại lời kêu cứu thất thanh của Quan Công khi thất thủ Kinh Châu, là tâm sự của Từ Hải, chết rồi còn đứng giữa trận tiền để đợi chàng Julien Sorel rụng đầu bên máy chém. Tiểu thuyết, nơi hẹn hò của những Hạng Võ khi biệt Ngu Cơ. Ngược lại lịch sử là triều đình của những người chiến thắng, của Tần Thủy Hoàng, Lưu Bang, Câu Tiễn, Trần Thủ Độ, Đặng Trần Thường, tiểu thuyết là lối về của người chiến bại, những Kinh Kha, Ngũ Tử Tư hay Ngô Thời Nhậm. Trong đám tàn quân rã ngũ đó, có cả nhân vật Mùa biển động của Nguyễn Mộng Giác - và có lẽ có cả Nguyễn Mộng Giác. Tiểu thuyết hiện thực xã hội chủ nghĩa, ở một chân trời khác, thì lật ngược quy luật: các nhân vật chính và chính diện - con người mới - sau khi chiếm đoạt lịch sử thì chế ngự luôn cả nghệ thuật; họ làm anh hùng hai lần, chỉ với một mũi tên; họ xe duyên với Thúy Vân rồi ép duyên cả Thúy Kiều, họ có cái vẻ vang luộm thuộm lẫn cái hạnh phúc lúng túng của những người đàn ông hai vợ.

Ngày nay, mấy chữ tiểu thuyết trường thiên nghe nó xa xôi quá. Cứ gọi là bộ truyện Cửa biển, Mùa biển động, Sông Côn mùa lũ, nghe gần gũi hơn, và đúng hơn. Vì khái niệm tiểu thuyết, du nhập từ phương Tây, từ thời kỳ này sang thời đại khác, đã nhiều lần biến chất, và hiện nay là một văn loại đang tự hủy hay băng hoại trước nhưng thể loại khác và phương tiện truyền thông mới. Cái còn lại là cốt lõi, là phần « truyện », hiểu theo nghĩa nôm na: truyện Tam Quốc, truyện Thạch Sanh. Khi mọi người đều nói truyện Mùa Biển Động, thì Nguyễn Mộng Giác có quyền sung sướng.

Đ.T
Orleans, 05 tháng hai 1990, đọc lại và cập nhật 02/7/ 2012, để tưởng niệm Nguyễn Mộng Giác
(SH282/08-12)








 

Các bài mới
Ma Di Gô (31/08/2012)
Ba lần rơi (27/08/2012)
Mưa Huế (24/08/2012)