Tạp chí Sông Hương - Số 120 (tháng 2)
Trên quá trình hiện đại hóa văn học VN vào nửa đầu thế kỷ XX(*)
09:32 | 17/03/2008
PHONG LÊ …Không đầy hai thập niên đầu thế kỷ, trong những thức nhận mới của đất nước, nền văn chương- học thuật của dân tộc bỗng chuyển sang một mô hình khác- mô hình quốc ngữ, với sức chuyên chở và phổ cập được trao cho phong trào báo chí, xuất bản bỗng lần đầu tiên xuất hiện và sớm trở nên sôi nổi như chưa bào giờ có trong ngót nghìn năm nền văn chương học thuật cổ truyền…
Trên quá trình hiện đại hóa văn học VN vào nửa đầu thế kỷ XX(*)
Bìa Nam Phong Tạp chí

Bước vào thế kỷ XX, chữ Quốc ngữ trở thành đối tượng quan tâm hàng đầu cho các cuộc vận động canh tân- yêu nước và được vận dụng trên các hoạt động báo chí, xuất bản liên tục ngay từ thập niên đầu thế kỷ.
Cố nhiên việc sáng tác văn thơ bằng chữ Quốc ngữ- để thay cho chữ Hán và chữ Nôm- còn phải trải ngót hai mươi năm trong các thử nghiệm cả về hai phía: người viết và người đọc. Hàng nghìn năm nền văn hóa cổ truyền đã tạo nên một mô hình ổn định cho sáng tác và tiếp nhận, trong đó cả chữ Hán và chữ Nôm đều đã có đời sống riêng gần như không mấy thay đổi. Thế mà không đầy hai thập niên đầu thế kỷ, trong những thức nhận mới của đất nước, nền văn chương- học thuật của dân tộc bỗng chuyển sang một mô hình khác- mô hình quốc ngữ, với sức chuyên chở và phổ cập được trao cho phong trào báo chí, xuất bản bỗng lần đầu tiên xuất hiện và sớm trở nên sôi nổi như chưa bào giờ có trong ngót nghìn năm nền văn chương học thuật cổ truyền.
Lớp người đảm lĩnh trách nhiệm đón nhận và chuyển tải, phổ biến này vẫn là một thế hệ các nhà Nho, tiếp ngay sau thế hệ các chí sĩ yêu nước đứng đầu là hai cụ Phan- Phan Bội Châu ( 1867-1940) và Phan Chu Trinh ( 1872-1926), và những người sáng lập Đông Kinh nghĩa thục. Một thế hệ chủ yếu  vẫn thuộc lớp người được đào tạo trong nền Hán học, nhưng đã sớm giác ngộ sự cần thiết phải có cái vốn Tây học, để tiếp xúc với văn minh phương Tây; mong qua sự tiếp xúc ấy mà tìm ra lời giải và cách thức giải quyết các vấn đề bức xúc của dân tộc, về mặt văn hóa, tinh thần. Họ là lớp người chưa kịp tham gia hoặc tránh được sự đàn áp của chính quyền thực dân vào những năm Thân, năm Dậu ( 1908- 1909), rồi có hoàn cảnh tiếp nhận cái vốn học thuật Phương Tây- hoặc qua Tân Thư, hoặc trực tiếp qua nền giáo dục Pháp- Việt. Lớp người này đã góp phần quan trọng tạo nên diện mạo văn chương- học thuật trong một cuộc chuyển giao từ văn hóa cổ truyền sang nền học thuật mới trong hai thập niên đầu thế kỷ.

Đây là thời kỳ nền kinh tế thuộc địa và đời sống đô thị dần dần được hình thành; nền văn hóa Pháp bước đầu thâm nhập; nền giáo dục Hán- Việt còn song song tồn tại cho đến năm 1919 là năm khoa thi chữ Hán cuối cùng bị bãi bỏ. Một thời kỳ giao thoa giữa hai nền học cũ- mới diễn ra vừa êm thấm vừa gay gắt, vừa có mặt cưỡng chế vừa có phần tự nguyện.

Trách nhiệm tạo thật sự những chuyển động và đưa lêN đường ray hiện đại trong sáng tác theo tinh thần mới, rồi sẽ đặt lên vai một thế hệ người viết xuất hiện vào những năm hai mươi, với Tản Đà ( 1889-1939)- người tiền trạm của phong trào Thơ Mới, với Hoàng Ngọc Phách ( 1896-1973)- tác giả Tố Tâm, người khai sinh nền tiểu thuyết mới và trào lưu lãng mạn trong văn xuôi... Thế nhưng công việc chuẩn bị cho sự nghiệp sáng tác nằm trong các hoạt động sưu tầm, biên khảo, dịch thuật thì đã được chuẩn bị sớm hơn- kể từ Nguyễn Bá Học ( 1857-1921), Nguyễn Đỗ Mục ( 1866-?), Nguyễn Hữu Tiến ( 1847-1941), Phan Kế Bính ( 1875-1921), Nguyễn Can Mộng ( 1875-1953), Hoàng Tăng Bí ( 1883-1939), Phạm Duy Tốn ( 1883-1927), Nguyễn Trọng Thuật ( 1883-1940), Hồ Biểu Chánh ( 1885-1958), Nguyễn Tử Siêu ( 1887-1965), Trần Trọng Kim ( 1887-1953), Phan Khôi ( 1887-1959), Bùi Kỷ ( 1887-1960), Nguyễn Văn Tố ( 1889-1947), Nguyễn Văn Ngọc ( 1890-1942), Phạm Quỳnh ( 1890- 1945), Lê Thước ( 1891-1975) cho đến Ngô Tất Tố ( 1894-1951), Dương Quảng Hàm ( 1898-1947)...

Đây là lớp người có vốn kiến thức sâu về văn hóa Phương Đông, nhưng cũng không hoàn toàn xa lạ với văn hóa Phương Tây. Phan Kế Bính, tác giả Việt Hán văn khảo và Việt Nam phong tục, chuyên giữ mục Hán văn cho Đông Dương tạp chí nhưng theo Vũ Ngọc Phan người đọc vẫn cứ nghĩ ông là nhà Tây học kiêm Hán học.

Công việc sưu tầm biên khảo, dịch thuật ở buổi đầu tiếp xúc văn hóa Đông - Tây đã được đặt lên vai các nhà nho có ít nhiều vốn Tây học này, trong hai thập niên mười và hai mươi, chủ yếu chung quanh hai tờĐông Dương tạp chí ( 1913-1917) và Nam Phong tạp chí ( 1917-1934).

Hoạt động của hai tờ Đông Dương tạp chí và Nam Phong tạp chí, trong hiệu quả khách quan của nó, đã góp phần giới thiệu di sản văn hóa cổ, bao gồm vốn văn hóa dân gian và văn học cổ điển dân tộc, đồng thời qua dịch thuật và giới thiệu cũng góp phần thúc đẩy quá trình tiếp xúc với văn học Phương Tây, giúp hướng tới và đẩy nhanh con đường hiện đại hóa văn hóa, văn học dân tộc.

Trong các thế hệ nhà nho- học giả này có nhiều tên tuổi rất đáng kính nể. Nguyễn Văn Tố ( 1889-1947)- phụ trách Trường Viễn Đông bác cổ, người luôn luôn mặc quốc phục, đầu để búi tó, đối tượng chế riễu của nhóm Phong Hóa, là người am hiểu sâu cả hai nền văn hóa Đông- Tây. Theo Hoàng Ngọc Phách, ông là nhà
“ bác học Việt Nam”, là người còn giỏi Pháp văn hơn cả nhiều thầy Tây ở Trường Bưởi. Bùi Kỷ ( 1887-1960) đậu cử nhân, rồi phó bảng, có mấy năm du học ở Pháp, theo Đặng Thai Mai, được người đương thời xem là “ Hán- Pháp tinh thông”... “ Cụ Bùi hồi này, cùng với Trần Trọng Kim, Phạm Quỳnh là ba nhà trí thức cỡ lớn ở thủ đô” (1). Ở tư cách nhà giáo- học giả, lớp thầy học của thế hệ Đặng Thai Mai, ngoài Bùi Kỷ, còn phải nhắc đến Võ Liêm Sơn ( 1888-1949), tác giả Hài văn và Cô lâu mộng có cả bằng thành chung Tây học và cử nhân Hán học trong hai năm 1911 và 1912, và Lê Thước ( 1891-1975), người mẫu mực về cả hai phương diện: tri thức Đông- Tây và khoa sư phạm...

Sau thế hệ những tên tuổi đã kể trên là một lớp trí thức trẻ hơn được đào tạo ở các bậc trung học và CAO học Pháp- Việt. Nền thi cử bằng chữ Hán bị bãi bỏ từ năm 1919, nên vốn Hán học ở lớp người này có mỏng dần đi, mỏng đi nhưng họ vẫn còn có. Có thể nói họ là lớp Tây học đầu tiên có ít nhiều vốn Nho học. Hướng hẳn về phía Tây học, họ tìm đến chủ nghĩa cá nhân và con đường giải phóng cá nhân trong chủ nghĩa lãng mạn Pháp thế kỷ XIX, cả Lamartine và Victor Hugo, cùng các học thuyết triết học của Aristote, Socrate, Platon...Kể từ thế hệ này, sự lập thân và tu dưỡng nghề nghiệp của họ vừa dựa trên các kết quả hạn chế ở học đường vừa là sự ráo riết mở rộng cái vốn đọc và học văn hóa Phương Tây- qua Pháp ngữ. Cũng cần nói thêm, từ đầu những năm hai mươi, nền giáo dục ở học đường Pháp- Việt là hoàn toàn chuyên dành cho ngôn ngữ Pháp và văn học Pháp. Lớp sinh viên cao đẳng sư phạm, bằng con đường vừa học ở trường vừa tự học, kể từ Hoàng Ngọc Phách, Đặng Trần Phất, Đặng Thai Mai, Vũ Ngọc Phan, Đào Duy Anh, Hoàng Xuân Hãn, Đông Hồ, Nam Xương, Nhất Linh, Hoàng Đạo, Thế Lữ, Nguyễn Mạnh Tường, Thiếu Sơn, Hoài Thanh, Nguyễn Tuân, Nguyễn Huy Tưởng, Nguyễn Khắc Viện... sẽ qua tiếng Pháp mà trực tiếp đến với lịch sử văn hóa và văn học Pháp, đặc biệt là các thế kỷ XVII, XVIII, XIX và sang đầu thế kỷ XX. Chữ quốc ngữ sau hai thập niên vận động đã có thể tạo được một lớp công chúng thành thị cho văn học, lúc này đã có một đời sống thị trường khá nhộn nhịp ở Hàng Trống, Hàng Gai, Hàng Bông, Tràng Tiền, không kể thị trường Sài Gòn đã có sớm hơn: thứ chữ quốc ngữ đó giờ đây chỉ còn co lại một vị trí rất ít ỏi trong ba năm đầu chương trình tiểu học; còn chữ hán chỉ được một giờ trong tuần ở chương trình cao đẳng.

Giáo dục học đường là như vậy, nhưng đời sống văn hóa tinh thần trong kết qủa của cuộc vận động phổ biến chữ quốc ngữ và văn học quốc ngữ nơi số đông công chúng thành thị thì chắc chắn còn được mở rộng hơn, ngoài ý muốn của chính quyền thực dân.

Cố nhiên mục tiêu và khả năng trang bị của nền giáo dục Pháp- Việt là nhằm đào tạo những người thừa hành trong bộ máy hành chính của chế độ thuộc địa. Nhưng có sự thực là bên cạnh số ít ỏi những " ông Tây An Nam", rất nhiều trí thức đều có tinh thần dân tộc và có ý thức tự học, tự lập rất cao để trở thành không phải trí thức thuộc địa như chính quyền thực dân mong muốn mà là trí thức dân tộc với các tên tuổi thuộc các thế hệ như đã kể trên. Số lớn trong họ đều hướng về những nghề tương đối tự do như làm thầy giáo, làm báo, hoạt động khoa học, kỹ thuật hoặc nghiên cứu học thuật, viết văn... Đó là những nghề không nhằm vào sự giàu sang, vinh thân phì gia; càng không chịu thân phận công chức nô lệ. Cái định hướng chọn loại nghề tự do này cũng nói lên phần nào ý thức dân tộc, lòng tự trọng, niềm mong muốn tự do của người trí thức Việt Nam; và mặt khác cũng chứng minh sự nhảy cảm của các thế hệ trí thức trước nhu cầu canh tân, đổi mới. Họ đã không thể đi con đường của các văn thân- sĩ phu trước đó hoặc của những người cộng sản đồng thời; không thể hoặc phải tránh những con đường đó, họ phải chọn con đường xây dựng nền văn hóa dân tộc theo xu thế hiện đại, để cho kịp người và bằng người.
Vậy là, qua hoạt động khá liên tục của mấy thế hệ học giả, mà hai phương diện của văn chương- học thuật là di sản cổ điển và dân gian của dân tộc và tinh hoa của văn hóa nước ngoài để phổ cập cho công chúng rộng rãi, đã được sưu tầm, phát hiện, tuyển chọn, phiên âm, phiên dịch, chú giải, giới thiệu, trong suốt hai thập niên đầu thế kỷ, ở tư cách cá nhân, hoặc thông qua các nhóm, chung quanh một tờ báo, một văn đoàn, một ông chủ xuất bản.

Cố nhiên, sự chuẩn bị và những khởi động đầu tiên cho công việc này đã được tiến hành sớm hơn ở Nam Kỳ- do là đất thuộc địa nên chữ quốc ngữ có điều kiện và cần được phổ cập sớm hơn. Và người có công đầu tiên trên lĩnh vực này là Trương Vĩnh Ký (1837-1898)- nhà bác học biết rất nhiều thứ tiếng, nhưng vẫn dành phần tâm huyết cho việc phiên âm các văn bản văn chương cổ điển và biên soạn văn học dân gian bằng quốc ngữ như Kim Vân Kiều của Nguyễn Du (1875), Đại Nam Quốc sử diễn ca (1887), Lục súc tranh công (1889), Phan Trần truyện (1889), Lục Vân Tiên truyện ( lần đầu 1889, lần thứ tư 1897)...

Một nhận thức tổng quan về lịch sử văn học dân tộc là rất cần cho sự thúc đẩy nền sáng tác văn học đương đại. Hiểu tình hình trên để thấy công việc sưu tầm, phiên âm, phiên dịch di sản cổ nơi nguyên bản Hán Nôm ra văn bản Quốc ngữ, trong hoạt động âm thầm của mấy thế hệ trí thức, vào những năm mười, rồi hai mươi, để thông qua các phương tiện in ấn mà phổ cập cho công chúng rộng rãi những người có chữ và ham học, ham đọc là một bước ngoặt rất quyết định cho kho tàng văn học cổ trở thành món ăn tinh thần của nhân dân, và khiến cho văn học cổ tham gia được vào đời sống văn học đương đại.

Đó là các văn bản Truyện Kiều bằng quốc ngữ của Trương Vĩnh Ký và Nguyễn Văn Vĩnh trên cơ sở hai bản Phường và Kinh; rồi văn bản Truyện Thúy Kiều của Trần Trọng Kim.
Đó là Chinh phụ ngâm mà vấn đề tác giả là Đoàn Thị Điểm hoặc Phan Huy Ích đã được đặt ra.
Là việc phiên âm, phiên dịch và giới thiệu một số tác phẩm tiêu biểu trong vốn cổ dân tộc kể từ thời Lý Trần. Trên Đông Dương tạp chí, Phan Kế Bính trích dịch Lê Quý Đôn; dịch Đại Nam nhất thống chí; Nguyễn Đỗ Mục biên tập Chinh phụ ngâm khúc dẫn giải. Trên Nam Phong tạp chí, Nguyễn Hữu Tiến dịch Vũ trung tùy bút, Lĩnh Nam dật sử, lược dịch Đại Nam liệt truyện, biên dịch Giai nhân di mặc, biên tập thơ cổ trong Cổ súy nguyên âm rồi Nam âm thi văn khảo biên, soạn Việt văn hợp tuyển giảng nghĩa, và tuồng Đông A song phụng. Nguyễn Trọng Thuật dịch Thượng kinh ký sự và viết tiểu thuyết Quả dưa đỏ.

Ưu Thiên Bùi Kỷ nghiên cứu các lối văn và thể văn dân tộc trong Quốc văn cụ thể, hiệu khảo Trê Cóc và Truyện Thúy Kiều của Trần Trọng Kim. Sở Cuồng Lê Dư soạn quốc nữ lưu, Nữ lưu văn học sử, Bạch Vân am thi văn tập, Vị Xuyên thi văn tập, Phổ Chiêu thiền sư thi văn tập.
Một loạt các truyện Nôm được phiên âm ra Quốc ngữ và bầy bán rẻ trên các vỉa hè, đường phố Hàng Đào, Hàng Gai như Phan Trần, Phạm Tải Ngọc Hoa, Phạm Công Cúc Hoa, Nhị Độ Mai, Thạch Sanh, Hoàng Trừu...

Và về kho tàng văn học dân gian, trên hai thể loại tiêu biểu là truyện cổ và ca dao, với công khai phá đầu tiên của Ôn Như Nguyễn Văn Ngọc, là người, chỉ trong khoảng thời gian dưới mười năm, từ 1927-1936, đã biên soạn và cho ấn hành khoảng mười bộ sách gồm Đông Tây ngụ ngôn, 2 quyển; Nhi đồng lạc viên; Truyện cổ nước Nam, 2 quyển; Câu đối; Đào nương ca, Cổ học tinh hoa, Tục ngữ phong dao, Để mua vui...
Những khai phá ban đầu này rất đáng trân trọng vì sự hưởng ứng và bổ sung cho nhau trong ý thức hoàn thiện diện mạo văn học dân tộc và trên một nhận thức khoa học về đối tượng- do người tiến hành là các thế hệ nhận được ít nhiều ảnh hưởng của lối tư duy Thái Tây, của văn hóa Phương Tây.

Các hoạt động đó, dường như không phải ngẫu nhiên. Nó nằm trong ý thức về sự phục hưng văn hóa dân tộc. Có thể nói đến một cuộc phục hưng văn hóa như thế, có phần âm thầm nhưng không ít sôi nổi bên trong; và cố nhiên, khác với mọi cuộc phục hưng có quy mô rộng lớn, như ta thường hiểu, đây là cuộc phục hưng dưới sự kiểm soát của chính quyền thực dân, và trong khuôn khổ chế độ thuộc địa. Một cuộc phục hưng trên cơ sở của ý thức dân tộc, trên mong muốn gây một niềm tự hào Việt Nam có một nền văn hóa riêng, không những lâu đời mà còn mang đặc trưng riêng, qua các tác giả thành văn và qua một nền văn chương bình dân, được xây dựng chính trên tiếng nói dân tộc và một tâm thức rất giàu bản sắc dân tộc. Nền văn học đó quả có chịu ảnh hưởng sâu văn học Trung Hoa trong một bộ phận chữ Hán; nhưng ở bộ phận chữ Nôm và loại hình văn hóa dân gian lại là nơi bảo lưu rất rõ cốt tính dân tộc.

Nhân vấn đề chữ Nôm và chữ Quốc ngữ, mà vấn đề ngôn ngữ dân tộc nói chung cũng được quan tâm. Tiếp xúc với một ngôn ngữ sáng sủa, khoa học như ngôn ngữ Pháp khiến cho yêu cầu khoa học hóa tiếng Việt, để nhanh chóng nâng cao hiệu quả sử dụng và phổ cập của nó cũng sớm đặt ra kể từ Việt văn tinh nghĩa năm 1928 của Nguyễn Trọng Thuật đến Việt Nam văn phạm năm 1943 của Trần Trọng Kim. Cố nhiên ở khu vực này thì giới nghiên cứu ngôn ngữ hôm nay của chúng ta đã có thể tiến rất xa. Nhưng trong những khởi động ban đầu ấy, điều không thể phủ nhận là một yêu cầu khoa học hóa tiếng Việt cùng một niềm yêu mến đến thiết tha tiếng Việt trải mấy thế hệ- từ Nguyễn Văn Vĩnh, Phạm Quỳnh đến Nguyễn Huy Tưởng, Hoài Thanh, Nguyễn Tuân, Thạch Lam- nó chính là một trong các động lực quan trọng thúc đẩy quá trình hiện đại hóa ngôn ngữ văn học trong văn xuôi và thơ.

Điều dễ thấy là có một khoảng thời gian ngót mười năm, vào những năm ba mươi, hoạt động học thuật dường như có thưa đi mà nhường sự sôi nổi cho phong trào sáng tác; những năm sự phát triển của văn thơ đều vươn đến sự hoàn thiện. Những năm văn đàn xuất hiện dồn dập các tác phẩm tiêu biểu trên cả hai khuynh hướng lớn là lãng mạn và hiện thực; trên cả hai thể loại lớn là văn xuôi và thơ. Những năm hiện diện khá nhiều tên tuổi tác gia, tác phẩm không chỉ có giá trị với đương thời mà còn vang danh suốt cả thế kỷ.

Những kết quả gặt hái được trong phong trào sáng tác những năm ba mươi không thể nói là không có nguyên cớ trong sự phát triển của đời sống học thuật ba mươi năm trước đó.
Khi phong trào sáng tác lên ngôi thì hoạt động học thuật bao gồm sưu tầm, biên khảo, dịch thuật dường như là chững lại. Chỉ có phê bình là cùng tồn tại với sáng tác. Có lúc phê bình trở nên sôi động chung quanh những cuộc tranh luận về học thuật như hồi 1935-1939 giữa hai phái nghệ thuật vị nghệ thuật và nghệ thuật vị nhân sinh; không ít cuốn sách vừa ra đời đã gây nên sự phân tuyến rất quyết liệt trong khen- chê như Đoạn tuyệt và Lạnh lùng của Nhất Linh, Kép Tư Bền của Nguyễn Công Hoan, Làm đĩ của Vũ Trọng Phụng... Và người thực hiện sứ mệnh phê bình, ở tư cách một tác gia tiêu biểu, cùng song hành, có cùng uy tín như các tác gia văn thơ, đó là Thiếu Sơn, với tác phẩm khai mạc nền phê bình văn học hiện đại: Phê bình và Cảo luận ( 1933). Và Hoài Thanh, với tác phẩm có thể xem là sự tạm kết thúc một thời đại của thi ca: Thi nhân Việt ( 1943).

Trở lại ba mươi năm hoạt động học thuật trên các lĩnh vực sưu tầm, biên khảo, dịch thuật, nghị luận, phê bình... toàn bộ các hoạt động đó dường như đều hướng tới một sự quy tụ, một điểm nhìn. Đó là diện mạo lịch sử văn học cùng vấn đề tiếng Việt- Quốc ngữ trong hoàn cảnh lịch sử dân tộc đang có nhu cầu bức thiết được nhận diện vào đầu thế kỷ khi đất nước đứng trước nhu cầu canh tân hóa, hiện đại hóa. Một nền văn học mới ra đời dẫu muốn hoặc không cũng cần phải tìm điểm tựa của nó trong truyền thống. Truyền thống đó, nền văn học cổ điển của dân tộc trên cả hai hệ thống Hán, Nôm và văn hóa dân gian đều có thành tựu. Truyền thống đó đang chuyển động để hướng tới những mục tiêu mới, trong bối cảnh các mối giao lưu đã dược mở ra, từ Đông sang Tây. Ba mươi năm, với đóng góp của nhiều thế hệ trong công việc sưu tầm, khảo chứng, biên soạn văn học dân tộc đã có thể đi tới sự kết tinh trong một loạt tác phẩm ra đời khá dồn dập vào những năm cuối 30 đầu 40, như Việt Nam văn hóa sử cương của Đào Duy Anh, Văn học đời Lý và Văn học đời Trần của Ngô Tất Tố, Việt Nam cổ văn học sử  của Nguyễn Đổng Chi, Việt Nam văn học sử yếu của Dương Quảng Hàm, Nhà văn hiện đại của Vũ Ngọc Phan, Thi nhân Việt Nam của Hoài Thanh và Hoài Chân, Văn học khái luận của Đặng Thai Mai... Đấy là những tác phẩm được xây dựng trên sức vóc của một người mà sau nửa thế kỷ nhìn lại vẫn thấy bảo lưu được các giá trị học thuật- những giá trị mà nhiều người trong giới nghiên cứu hậu sinh chúng tôi từng theo đuổi, nhưng không dễ ai cũng đạt được.
Đoạn văn sau đây nằm trong phần cuối sách Việt Nam văn học sử yếu ( 1943) của Dương Quảng Hàm là một tổng kết rất có giá trị khái quát về sức sống của dân tộc và văn hóa dân tộc, và về tương lai của văn hóa, văn chương, học thuật Việt Nam:
“Dân tộc ta vốn là một dân tộc có sức sinh tồn rất mạnh , trải mấy thế kỷ nội thuộc nước Tàu mà không hề bị đồng hóa, lại biết nhờ cái văn hóa người Tàu để tổ chức thành một xã hội có trật tự, gây dựng nên một nền văn học, tuy không được phong phú, rực rỡ, nhưng cũng có chỗ khả quan, có phần đặc sắc, thì chắc rằng sau này dân tộc ta cũng sẽ biết tìm thấy trong nền văn học của nước Pháp những điều sở trường để bổ những chỗ thiếu thốn của mình, thứ nhất là biết mượn các phương pháp khoa học của Tây phương mà nghiên cứu các vấn đề có liên lạc đến nền văn hóa của nước mình, đến cuộc sinh hoạt của dân mình, thâu thái lấy cái tinh hoa của nền văn minh nước Pháp mà làm cho cái tinh thần dân tộc được mạnh lên để gây lấy một nền văn học vừa hợp với cái hoàn cảnh hiện thời, vừa giữ được cái cốt cách cổ truyền...”. 

P.L
(120/02-1999) 

------------------------------------------------ 
(*) Tham luận trong Hội nghị quốc tế Việt học, tổ chức tại Hà Nội, từ 15 - 17/6/1998. 
(1) Đặng Thai Mai - Hồi ký; NXB tác Phẩm Mới, H 1985 tr. 297.
 

 

Các bài mới
Chốn xưa (23/02/2010)
Giếng loạn (08/02/2010)
Quê hương (05/02/2010)