Tạp chí Sông Hương - Số 120 (tháng 2)
Nghệ sĩ Mai Xuân Hòa thổi sáo cho Bác Hồ nghe
10:22 | 19/01/2010
NGUYỄN QUANG HÀHầu như mỗi chúng ta chỉ biết Mai Xuân Hòa là nhạc sĩ. Anh đã ra mắt hai tập nhạc viết cho người lớn: "Nỗi đợi chờ", "Khát vọng",và hai tập cho thiếu nhi: " Những điều em thích", " Những ngôi sao đẹp".
Nghệ sĩ Mai Xuân Hòa thổi sáo cho Bác Hồ nghe
Bác Hồ chụp ảnh chung với các nghệ sĩ Nam Định 1963

Các em thiếu nhi trong nước, đặc biệt là các em ở Thừa Thiên Huế đều thuộc: "Những ngôi sao đẹp", "Đội đồng ca chúng ta", "Cháu yêu Bác lắm", "Em là lính mới" của nhạc sĩ Mai Xuân Hòa. Đó là những bài hát đã được phát từ thời còn có "ĐÀI PHÁT THANH GIẢI PHÓNG", và bây giờ các em vẫn hát, sức sống của những bài hát ấy thật bền bỉ. Nó không hề giống như cách nói bây giờ "Mì ăn liền" mà nó được rút ra từ trong tâm huyết của tác giả. Nó là cuộc đời nên hôm qua và hôm nay vẫn đang chảy một mạch tình người. Vì thế nó không bao giờ cũ.

Những người lớn tuổi, nhất là thanh niên thì lại rất mê "Nỗi đợi chờ", "Chiều Thiên An" của anh.

Phải nói ở lứa tuổi nào Mai Xuân Hòa cũng trang trải cuộc đời mình vào đó, nên anh đã nói được lên tiếng nói của chính họ, tâm sự của chính họ.

Kể từ ngày bước chân vào ngưỡng của âm nhạc năm 1956, sau tám tháng dự khóa bồi dưỡng cán bộ phụ trách âm nhạc các tỉnh trong toàn quốc do trường Âm nhạc tổ chức tại Hà Nội. Mai Xuân Hòa nhập hồn với loại hình nghệ thuật này.Và anh liên tục gặt hái được thành công:

- Sáu ca khúc được tặng thưởng huy chương vàng, bạc của hội diễn văn nghệ quần chúng toàn quốc.

- Hai ca khúc thiếu nhi được thưởng huy chương bạc của Đài truyền hình Việt .

- Giải Cố Đô 83-93 với ca khúc "Nỗi đợi chờ".

- Giải Cố Đô 93-97 tập ca khúc thiếu nhi "Những điều em thích".

- "Một chiều Thiên An" đoạt giải A cuộc thi âm nhạc nhân 20 năm giải phóng thành phố Huế 1975 - 1995.

Được quần chúng yêu thích các ca khúc của mình, đó là phần thưởng của người nhạc sĩ. Nói về điều này nhạc sĩ Mai Xuân Hòa tâm sự: "Phần thưởng lớn nhất của tôi, niềm vinh dự nhất đời tôi là được thổi sáo cho Bác Hồ nghe năm 1963, nhân chuyến Bác Hồ về thăm Nam Định".

Mai Xuân Hòa sinh tại Thủy Trường thành phố Huế nhập ngũ năm 1945. Lúc ấy anh vừa 15 tuổi, và lập tức được nhập vào đoàn quân tiến. Trên đường vào tới Nha Trang, gặp địch, phải quay lại, chàng thiếu sinh quân trẻ măng ấy được điều về quân y Bắc 126 - 108 quân khu Năm.

Bị thương, tháng 10 - 1954 cùng đoàn thương binh tập kết ra Bắc, lên cửa Hội, rồi vào ở trại thương binh Nam Định. Năm 1956 anh theo học lớp nhạc khóa 2 và niên khóa 1958 - 1962 anh tiếp tục lớp nhạc dài hạn của trường âm nhạc Việt Nam (nay là Viện âm nhạc Hà Nội). Cả hai sự kiện trên đã dẫn anh về hoạt động ngành âm nhạc thuộc ty văn hóa Định.

Mai Xuân Hòa vốn yêu âm nhạc. Trong các loại nhạc cụ, anh mê nhất cây sáo trúc. Chiếc gậy hành quân của anh chính là cây sáo trúc của anh. Cây sáo ấy đã nhiều lần cùng Mai Xuân Hòa vượt lên trước hàng quân, chọn một địa điểm thích hợp, anh đứng thổi sáo, góp phần giục giã bước quân hành.

Ở trường nhạc ra, cùng với măng-đô-lin, an-tô, ghi-ta, Mai Xuân Hòa vẫn mê sáo trúc, anh đã sáng tác "Tiếng chim rừng" (1959) "Nhớ thương" (1963) là hai bản nhạc không lời viết cho sáo trúc. Hai bản nhạc này đã được nhà xuất bản âm nhạc Hà Nội in và trường âm nhạc Việt dùng cho chương trình học về cây sáo trúc.

Vừa sáng tác xong "Nhớ thương", nỗi khắc khoải của đứa con xa Huế, đúng lúc ấy Bác Hồ về thăm Nam Định. Thời gian Bác Hồ đi thăm thành phố Dệt, có một buổi ty văn hóa tổ chức cho các nghệ sĩ đàn hát cho Bác Hồ nghe. Mai Xuân Hòa vinh dự được có mặt trong buổi gặp gỡ này. Sau một loạt các nghệ sĩ trình diễn, đến tiết mục sáo của Mai Xuân Hòa. Anh thổi cho Bác nghe chính bài "Nhớ thương" do anh sáng tác.

Tiếng sáo đã gợi lên nỗi day dứt thương nhớ miền khôn nguôi khi 2 miền Nam Bắc đang còn chia cắt. Cả hội trường hoan nghênh nhiệt liệt. Bác lên sân khấu tặng cho anh một điếu thuốc lá, khác các nghệ sĩ nữ, Bác cho kẹo, các nghệ sĩ nam, Bác cho thuốc. Bác khen anh: "Được lắm, hãy cố gắng nữa để trở thành nghệ sĩ giỏi". Bác đưa thuốc cho anh. Thời gian này Mai Xuân Hòa vừa có đứa con đầu lòng. Anh muốn vinh dự này cho con, nên Mai Xuân Hòa thưa với Bác xin cho đổi điếu thuốc lấy kẹo. Giống như sự đã quy định, Bác không đổi. Nhưng khi về, Bác gửi hai cân kẹo cho các nghệ sĩ. Mai Xuân Hòa đã lấy phần này của mình cho con.

Mai Xuân Hòa bảo: "Đấy là niềm vinh dự nhất cuộc đời nghệ sĩ của tôi".

Đã ở tuổi 70, Mai Xuân Hòa hăng say sáng tác các bài hát cho thiếu nhi. Anh đã tìm thấy "sở trường của mình".

Nhân kỷ niệm 15 năm báo Thiếu niên Tiền phong, Mai Xuân Hòa chọn 15 bài thơ đăng trên báo, phổ nhạc, anh gửi 15 bài hát mới sáng tác ra chào mừng báo đội. 15 bài hát được hoan nghênh, đón chào ngay. Ngày vui ấy Mai Xuân Hòa được mời tham dự, được in ngay một bài trên báo, và báo đội quyết định in tập nhạc. "Người bạn thân thương" này cho nhạc sĩ.

Mỗi lần gặp anh, Mai Xuân Hòa lại có một bài hát mới, hiện nay anh đang tập trung thời gian để hoàn thành nhạc cảnh "Ngày hội hoa xuân" cho các cháu. Tuy vậy, gặp Bác, được thổi sáo cho Bác nghe đã hơn 30 năm, vậy mà lúc nào Mai Xuân Hòa cũng náo nức: "Bác đi xa rồi, mình vẫn nhớ Bác khôn nguôi. Cây sáo trúc đã dẫn mình đến với Bác. Dễ gì đời nghệ sĩ có được một lần như thế.

N.Q.H
(120/02-99)





 

Các bài mới
Chốn xưa (23/02/2010)
Giếng loạn (08/02/2010)
Quê hương (05/02/2010)
Các bài đã đăng