Tạp chí Sông Hương - Số 120 (tháng 2)
Nghiệp thơ (Bài 2)
10:13 | 26/01/2010
LÊ ĐẠT     Cầm tên em đi tìm
Nghiệp thơ (Bài 2)
Nhà thơ Lê Đạt - Ảnh: vietnamnet.vn


Hiển nhiên gánh thơ thế kỷ XXI chủ yếu đè nặng trên vai thế hệ trẻ.

Đó là một vinh dự, quan trọng hơn, đó là một trách nhiệm.

Tuổi trẻ, do cấu tạo sinh học thường có ưu điểm năng nổ táo bạo và nhất là có những suy nghĩ cảm xúc mới mẻ trước cuộc sống.

Tôi xin phép nhấn mạnh: những ưu điểm trời viện trợ ấy không đủ để các nhà thơ trẻ đảm nhiệm trọng trách chữ.

Kinh nghiệm cho ta biết rằng hoàn toàn sống bám vào viện trợ, dầu là viện trợ "vô tư" nhất, nhiều khi còn khổ quá ăn mày.

Hình như hiểu rằng "của trời đất kho vô tận" thật đấy, nhưng trời cũng chẳng hào phóng như người ta tưởng và tem phiếu trời cấp nhiều khi cũng chẳng rôm rả gì nên cố nhân đã gợi ý "Hãy tự viện trợ rồi trời sẽ viện trợ" hay nói kiểu các phương tiện thông tin đại chúng hiện tại "nên chú ý phát huy nội lực".

Một nghịch lý cũng cần nêu bật là không ít nhà thơ trẻ thường bắt đầu rất già vì họ quen nói bằng ngôn ngữ quá khứ mà cứ đinh ninh là của mình. Ngôn ngữ là một thói quen đáng sợ và rất ngoan cố. Thế hệ trẻ không dễ dàng tìm được ngay tiếng nói của mình. Cuộc tìm kiếm này là một quá trình hết sức gian khổ. Không thiếu gì người đã bạc đầu mà vẫn ăn nhờ tiếng nói của bố mẹ. Chỉ khi nào nhà thơ tìm được tiếng nói riêng, anh ta mới được coi là "người lớn".

Tương tự như con cái phương trưởng được cha mẹ cho tách hộ khẩu ra ở riêng.

Đã có một thời ở Phương Tây người ta nói quá nhiều đến cuộc chiến giữa các thế hệ.

Theo tôi đó là một cách nói xốc nổi và giật gân có nhiều tính chất "diễn" hơn là suy nghĩ chín chắn của một thế kỷ chưa rũ bỏ được ám ảnh chiến tranh.

Các thế hệ chẳng việc gì phải gầm ghè nhau cả. Trời đất còn nhiều vùng hoang hóa lắm. Nhưng nói thế không phải để đi đến kết luận hòa cả làng.

Mọi sự tiếp nối trong nền văn minh nhân loại đều vừa liên tục vừa gián đoạn.

Việc đầu tiên cầu làm khi đứa trẻ ra đời là phải cắt rốn tách khỏi mẹ.

Đó là hành động gián đoạn chảy máu đầu tiên trong cuộc đời một sinh vật.

Một nền thơ chưa cắt rốn chưa thể coi là một nền thơ đã khai sinh.

Tại sao khi một đứa nhỏ cắt rốn tách khỏi mẹ không ai kêu ca mà khi một nền thơ trẻ muốn cắt rốn khỏi nền thơ lớp trước người ta lại la lối nhiều thế!

Các thế hệ đi trước hãy giúp đỡ thế hệ trẻ tách khỏi quyền giám hộ của mình tạo điều kiện cho họ sớm trưởng thành và ra ở riêng.

Đó là cách tiếp nối, cách liên tục tiên tiến và đậm đà bản sắc dân tộc tốt nhất.

Uống nước nhớ nguồn là một truyền thống hay
Con hơn cha nhà có phúc cũng hay không kém.

Một số nhà thơ trẻ trong hội nghị than phiền không được các nhà văn đàn anh nâng đỡ.

Tôi xin phép được lặp lại mình một lần nữa: tôi rất không thích từ nâng đỡ. Cái vi sắc ô dù của nó dễ gây hiểu lầm không những đối với thế hệ thơ trẻ mà còn cả với các "bậc" đàn anh.

Một nhà thơ cổ thụ thời danh trong một phút bốc hứng đã buột miệng phát một câu xanh rờn trên bục giảng một lớp bồi dưỡng cây bút trẻ.

"Các anh đều ở trong túi chúng tôi mà ra".

Cũng may là túi nhà thơ ấy thủng.

Các nhà thơ trẻ phải ý thức và trách nhiệm hơn về vai trò "khai phá", "lập nghiệp" của mình.

Vùng sâu, vùng xa của chữ còn vạn thủy thiên sơn nghìn lần vùng sâu vùng xa địa lý.

Hành trình mới hoang vu, mới cô tịch làm sao! Không hiếm đoạn rừng nguyên sơ um tùm cỏ dại, phải phát quang mà đi.

Lỗ Tấn nói "Đường do người đi mà có".

Nhưng nhà thơ trẻ, nhà thơ khai phá nhiều khi lại là người phải đi những bước đầu tiên "lồng vết trăng soi dấu chân hổ dữ".

Chống với thói quen chữ của chung quanh đã khó. Chống với thói quen bản thân còn bội lần khó hơn. Chẳng có người tình, người bạn nào "khuyến quân cánh tận nhất bôi tửu" cả, ngay chính mình nhiều khi cũng lạnh nhạt, cũng hắt hủi mình.

Mọi con đường khai phá, lập nghiệp đều "Thục đạo nan"... Y hu hi! Nguy hồ cao tai... Đường vào Thục khó hơn đường lên trời.

Mà chúng ta chỉ có cái ba lô hoài bão toòng teng trên lưng chống lại những dông bão cấp mười ba mười bảy của cuộc đời.

Thượng Đế hãy phù hộ cho các nhà thơ trẻ chân cứng đá mềm trên con đường vạn lý trường chinh chữ.

Người ta kêu ca các nhà thơ trẻ hay bia bọt đọc thơ và ca ngợi lẫn nhau tại trận một cách xa xỉ không được nếp sống mới lắm.

Không nên quá nghiêm khắc với họ.

Thỉnh thoảng bia bọt, cho nhau đi tàu bay giấy tí chút để nạp thêm "gaz" hào hứng cũng chẳng sao, miễn là không nên kéo dài triền miên.

Đừng bao giờ quên rằng cái quan trọng nhất đối với người làm thơ không phải những phút liên hoan vui vẻ "văn mình vợ người" hay nhận hoa trên sân diễn mà là những phút, những giờ thầm lặng, chán nản, vô danh vất vả trên xới chữ.

Người ta thường ca ngợi những "hat-trick", những miếng chữ "cao thủ" của các vận động viên mà ít ca ngợi khả năng "trì đòn" của họ. Theo tôi khả năng "chịu đòn" nhiều khi còn quan trọng hơn khả năng "ra đòn", nó chính là lòng gan dạ, khí phách của kẻ sĩ, cả văn lẫn võ.

Tôi muốn kể các bạn nghe trường hợp nhà thơ Mỹ đồ sộ Walt Whitman.

Tập "Lá cỏ" của Walt được xuất bản năm 1855 với số lượng sáu chục bản. Đã đến cái nước bóp mồm bóp miệng bỏ tiền túi ra xuất bản thơ để biếu xén tưởng cũng đã là hẩm hiu mạt hạng rồi!

Mà nào có xong cho đâu!

Tập "Lá cỏ" đầu tiên gửi tặng một nhà phê bình đàn anh lập tức được gửi trả lại với một dòng chữ phúc đáp giết người: "Đây không phải thơ, đây là sự vô lễ".

Nhà thơ thời danh khả kính Whittier, một những sáng lập viên của Đảng Cộng hòa Mỹ đã quẳng cuốn "Lá cỏ" vào lửa như hỏa thiêu một sản phẩm của ma quỷ. Không những thế nhà thơ thanh giáo kia còn kể lại hành động thánh thiện của mình trong tất cả các buổi sinh hoạt của giới thượng lưu như một chiến tích văn hóa.

Khi Walt lân la đến hiệu sách thu thập thông tin về sáng tác của mình (nhà thơ đã khôn ngoan nhờ một người bạn đảm đương giúp phần tiếp thị) chủ hiệu sách trễ kính nhìn ông như một quái thai ngâm dấm và phải lục mãi trong ngăn sách bụi bặm mới lôi được ra một tập.

Walt hỏi:

- Làm sao tập thơ mới xuất bản mà ông không bầy bán.

Chủ hiệu nhún vai:

- Tôi khổ sở vì tập "Lá cải" này. Một khách hàng quen trông thấy cuốn sách trên sạp đã đùng đùng bỏ đi, sau khi quẳng lại một câu: "Tôi tưởng ông là người đứng đắn ai ngờ ông lại buôn những thứ sách nhảm độc hại này".

Walt phải cắn răng rốc túi ra mua cả ba tập "Lá cỏ" để bác lại ý kiến chỉ trích.

- Đây là một tập thơ rất độc đáo. Tôi muốn mua thêm mấy cuốn tặng bạn bè.

Ông chủ hiệu sách chẳng biết thật thà hay tinh quái.

- Người ta chỉ gửi tôi bán có ba cuốn... nếu ngài muốn mua thêm xin đến hiệu sách cách đây ba nhà. Chắc là còn... Có ma nào hỏi đâu...

Walt đi rồi vẫn còn nghe rành rọt bên tai:

- Đúng là một thằng hâm.

Điều kỳ quặc là Walt không nhảy xuống sông Potomac tự tử, không đi uống rượu giải khuây hay chôn mối sầu nhân thế vào bụng một nàng thơ "mỳ ăn liền". Không những thế ông còn đem tập thơ đã in ra lọ mọ sửa lại, viết bổ sung và tái bản lần thứ hai.

Hồi đó nhà thơ của chúng ta còn là một nhân viên văn phòng quèn tại một cơ quan nhà nước. Một hôm ông trưởng phòng bất chợt thấy trên bàn làm việc của thuộc cấp (tên khai sinh của nhà thơ là Walter) có cuốn "Lá cỏ" bèn hỏi:

- Ông cũng đọc cuốn này?

Tuy là người thông minh, nhưng Walt vẫn mắc bệnh ngây thơ cố hữu của các nhà thơ. Ông không nhận thấy sắc thái hơi khác trong giọng nói của thủ trưởng.

Walt cười rất "colgate":

- Thưa ngài đây là một tập thơ khá độc đáo - Nếu ngài muốn tôi sẽ biếu ngài một tập.

- Ông biết tác giả.

- Thưa ngài tôi rất biết, vì tác giả chính là tôi.

Khi Walt nhận thấy mặt thủ trưởng thay đổi thời tiết thì đã quá muộn.

- Cơ quan nhà nước là một nơi nghiêm túc không... không có chỗ...

Ông trưởng phòng phẫn nộ đến mức phải nới ca-vát để thở. Và do bệnh quan liêu hách dịch là một bệnh mãn tính của hầu hết các cơ quan hành chính, nhà thơ của chúng ta bị buộc phải thôi việc "vì vi phạm quy chế công chức:nghiêm trọng".

Không chừa. Nhà thơ lại tiếp tục sửa, tiếp tục bổ sung và tái bản lần thứ ba.

Vào năm 1870, sau khi tái bản lần thứ tư nghĩa là sau lần xuất bản đầu tiên 15 năm, nhà thơ đã được kiện. Walt trở thành nổi tiếng, quá nổi tiếng đến mức không biết nhét vào túi nào cho hết. Cả thế giới chào mừng nhà thơ "vô lễ", "mánh qué" như một tài năng khổng lồ tiêu biểu cho tiếng nói của một quốc gia ngoại cỡ mới thành hình mà người ta gọi là nước Huê Kỳ. Hình như diện tích mênh mông của Hiệp chủng quốc còn hơi nhỏ so với tầm cỡ của nhà thơ, người ta mệnh danh ông là Crixtốp Côlông của thời đại mới.

Xin các bạn tự túc phần kết luận.

Cuối năm 98
L.Đ
(120/02-99)




 

Các bài mới
Chốn xưa (23/02/2010)
Giếng loạn (08/02/2010)
Quê hương (05/02/2010)
Các bài đã đăng